Kỹ năng mềm

Phương Pháp Tối Ưu Hóa Trí Nhớ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Zion Kabasawa

Download sách Phương Pháp Tối Ưu Hóa Trí Nhớ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Lưu lại kí ức một cách thú vị bằng “Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ”

Có khi nào bạn từng nghĩ đến việc mình vừa đọc xong một cuốn sách nhưng lại ngay lập tức quên mất nội dung của nó không? Hay khi xem hết một bộ phim rồi, ấy thế mà sau đó bạn không thể nhớ ra được diễn biến của bộ phim ấy. Và có đôi khi trong công việc bạn mắc phải nhiều lỗi ngớ ngẩn. Thậm chí ngay cả trong những kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp hay thi tuyển công chức, bạn hoàn toàn không thể nhớ bài dù đã học rất kỹ. Tệ hơn là bạn thường xuyên để lạc mất đồ và cảm thấy lo lắng về “trí nhớ cá vàng” của mình.

Nhưng giờ bạn có thể quẳng gánh lo ấy đi được rồi, bởi cuốn sách này sẽ giúp bạn giải quyết những nỗi phiền muộn trên mà không cần tốn nhiều công sức.

Bản thân tôi rất thích xem phim. Trước đây, tôi có một cuộc nói chuyện khá sôi nổi với cô bạn thân về một bộ phim mà chúng tôi đều tình cờ xem được. Và cô ấy đã thốt lên rằng: “Cậu nhớ rõ đến từng chi tiết vậy luôn à!” khi nghe tôi thuật lại những lời thoại quan trọng, những tình tiết chính hay diễn biến tâm lý nhân vật trong phim. Điều đó khiến tôi tò mò và tự hỏi “Tại sao một bộ phim chỉ vừa mới xem tháng trước mà cô ấy đã quên nội dung rồi…”

Đọc một cuốn sách cũng giống như xem một bộ phim vậy. Khi trò chuyện cùng nhau về cuốn sách mới đọc tháng trước, hầu hết mọi người còn không chắc chắn khi nói lên cảm nghĩ của bản thân về nó. Nếu như ngay đến cả cảm nghĩ còn không thể nói ra thì khác nào bạn chưa từng đọc cuốn sách ấy và điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn không thể phát triển bản thân mình.

Suy nghĩ kỹ một chút, không chỉ là cuốn sách hay bộ phim tôi đã xem tháng trước mà dù là đã xem từ một năm hay thậm chí 10 năm trước đi chăng nữa thì tôi vẫn nhớ về nó đến từng chi tiết nhỏ.

Ngoài ra, ký ức của tôi cũng không chỉ toàn là những điều tốt đẹp. Nhắc đến ký ức thời đi học thì tôi cũng đã có những trải nghiệm khó khăn.

Phương pháp để khắc phục những khó khăn đó là dựa vào kết quả của những lần thử sai, và tôi nhận ra rằng: tôi có thể nhớ rõ ràng nội dung của cuốn sách đã đọc, bộ phim đã xem, những kinh nghiệm mà bản thân có được hay những ấn tượng sâu đậm trong công việc mà không ý thức được bản thân đang nhớ lại hay ghi nhớ.

Hay nói cách khác đây chính là Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ mà tôi muốn nói đến.

Bạn không nhất thiết phải cố nhồi nhét hay học thuộc lòng như cậu học sinh sắp bước vào kỳ thi mà tôi tình cờ bắt gặp trên xe điện. Không cần gượng ép như vậy mà ngược lại hãy làm cho mọi việc trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Khi tinh thần thoải mái thì sẽ ghi nhớ lâu hơn. Thật sự có tồn tại một phương pháp nhớ như vậy.

Đừng dựa vào năng lực trí nhớ hay năng lực ghi nhớ

Tôi đã từng trượt đại học một lần và cuối cùng cũng vào được khoa Y của đại học Y Sapporo. Trở thành sinh viên là một điều thật hạnh phúc nên với suy nghĩ đó, nửa năm đầu tôi chỉ mải chơi. Và mùa thi cử của kỳ đầu đến. Tôi có một quyển sổ tên là “phương pháp học thi” tổng hợp tài liệu copy hay các đề thi của năm trước. So với việc phải ghi nhớ tầm 40 đến 50 trang mỗi môn (trang giấy khổ B5) thì quyển sổ đó vẫn tốt hơn nhiều.

Nói là vậy nhưng vì nó tương đối nhiều nên tôi không thể học thuộc hết một cách dễ dàng. Dù tôi đã quyết tâm nhất định phải ghi nhớ hết tất cả trong khoảng một tuần nhưng cuối cùng kết quả mà tôi nhận được chỉ là vừa đủ điểm đậu, thật đau lòng!

Ấy vậy mà, đứa bạn thân lại nói với tôi: “Tớ mà cũng có ba ngày ôn bài như cậu thì còn nhớ thêm được khối thứ ấy chứ”. Trong khi tôi học bù đầu thì đám bạn cùng lớp lại ghi nhớ “phương pháp học thi” một cách trơn tru, dễ dàng và điểm số còn cao hơn tôi rất nhiều. Khi nhìn vào phong thái và kết quả thi của đám bạn, tôi nhận ra rằng: “Những người bước vào đại học Y không chỉ có tư duy nhạy bén. Nên nếu cạnh tranh với họ bằng khả năng ghi nhớ thì tuyệt đối không có cơ hội chiến thắng”.

Trong trường Y, có vô số người có năng lực ghi nhớ tốt hơn tôi. Dĩ nhiên, ở ngoài trường, số lượng người thông minh như vậy còn nhiều hơn nữa. Mới năm đầu chỉ có 100 người mà đã không cạnh tranh nổi thì khi ra ngoài xã hội dù có tranh đua bằng “năng lực trí nhớ” hay “học thuộc lòng”, thì chiến thắng vẫn chỉ mãi xa tầm tay.

Với một người đã từng tràn đầy ước mơ và hy vọng thi đỗ khoa Y như tôi thì đó là sự thất bại đầu tiên. Thật khó chịu với “bài học” đầu tiên ấy. Lúc đó tôi đã nghĩ như vậy. “Ngoài cách đơn thuần là học thuộc lòng ra thì không còn cách nào khác để chiến thắng họ hay sao?”

Có một cách để cạnh tranh là dùng chính năng lực của bản thân chứ không phải là học thuộc lòng dựa trên những văn bản có sẵn. Thế là sau nhiều năm tìm tòi, tôi đã khám phá ra cách để phát huy “năng lực của não bộ” và khả năng vượt trội của bản thân, đó là phương pháp đặc biệt mà không cần phải học thuộc lòng.

Nhờ vào hơn 20 năm thử nghiệm phương pháp thử sai của tôi, dù bạn có trí nhớ tệ đến đâu thì phương pháp mang tính xã hội này vẫn sẽ giúp bạn phát huy năng lực bản thân, nắm bắt được cơ hội và phát triển chính mình.

Theo đó cuốn sách Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ này tổng hợp một cách dễ hiểu về phương pháp thử sai của việc “học tập” và “ghi nhớ” trải dài trong suốt 20 năm của tôi.

Trong thời đại mà việc tìm kiếm thông tin trở nên phổ biến như hiện nay thì những khái niệm như “năng lực trí nhớ” hay “năng lực ghi nhớ” không còn thông dụng

Trong số các vấn đề thi cử ở những trường cấp ba và đại học ở Nhật Bản, tuy “khả năng tư duy” cũng cần thiết đấy, nhưng chỉ cần bạn ghi nhớ, học thuộc tốt thì hầu hết các vấn đề sẽ đều được giải quyết êm xuôi. Nói cách khác, trong cơ chế thi cử của Nhật Bản, những người có “năng lực trí nhớ” tốt tự nhiên sẽ được chọn là những học sinh “tinh anh ưu tú”.

Tuy nhiên khi đã trở thành nhân viên trong công ty, thì “năng lực trí nhớ” có còn thật sự quan trọng không?

Vậy, ngay từ ban đầu, năng lực ghi nhớ có phải là điều tất yếu?

Công ty là một nơi mà “sự sao chép hay gian lận thì vẫn OK”. Chẳng hạn như là ở công ty, khi chuẩn bị tư liệu thuyết trình, nhân viên sẽ phải đọc hết trong khả năng có thể những sách báo, tài liệu liên quan đến nội dung của cuộc họp và điều quan trọng là làm cho nội dung càng hoàn thiện hơn.

Bạn có thể nhìn và tìm kiếm bất cứ điều gì. Nhưng trên thực tế thì bạn chắc chắn sẽ bị trách mắng nếu không đọc lướt qua hết những tài liệu quan trọng. Khi đó, “năng lực trí nhớ” là không tồn tại. Điều cần thiết hơn là “khả năng sử dụng thông tin”.

Và một điều quan trọng nữa, hiện nay là thời đại của Internet, là thời đại của các “công cụ tìm kiếm”. Trong trường hợp bạn có “tính hay quên” “đãng trí” với một chút dữ liệu hay số liệu nào đó, nếu bạn tìm kiếm bằng smartphone hay máy tính thì chỉ trong khoảng 15 đến 30 giây, ngay lập tức bạn có thể nhận được câu trả lời thích hợp.

Thế giới Internet trở thành “bộ nhớ bên ngoài” của chúng ta. Trong thời đại của các “công cụ tìm kiếm” đó, liệu “năng lực ghi nhớ” và “năng lực trí nhớ” giống như từ trước đến giờ có thực sự là điều thiết yếu?

Hãy rút ra từ những kết luận sau. Như những gì mà mọi người tưởng tượng từ trước đến giờ, “năng lực ghi nhớ” và “năng lực trí nhớ”, ngoại trừ những người phải chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia, kỳ thi tuyển công chức hay kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì các năng lực ấy đối với công việc của những doanh nhân bình thường chẳng hề giúp ích được gì cả.

Trong thời đại của công cụ tìm kiếm như hiện nay, việc ghi nhớ “nội dung thông tin” không còn quá quan trọng nữa. Trái lại, khi không nhớ ra được thông tin đó ở đâu, như thế nào thì giờ đây chúng ta có thể tìm thấy nó mà không cần mất nhiều thời gian.

Làm sao để mọi người không cảm thấy nghi hoặc về “năng lực trí nhớ”, làm sao để có thể nhanh chóng nhớ ra những ký ức (như thông tin, tri thức hay trải nghiệm trong quá khứ), làm sao có thể tận dụng nó thật tốt?

“Cách sử dụng thông tin” như vậy là thứ không thể thiếu trong thời đại hiện nay, một “biện pháp học thuộc” hoàn toàn mới mẻ, nói một cách chính xác thì đó chẳng phải là “phương pháp ghi nhớ” hay sao? Điều đáng ngạc nhiên là dường như vẫn còn có nhiều người chưa để tâm đến điều đó. Nếu chỉ ra nguyên nhân thì những cuốn sách đại loại như “Phương pháp ghi nhớ thích hợp với thời đại công nghệ thông tin” không dạy cho chúng ta được nhiều hơn những gì sách viết.

Chuyên gia về tâm thần học hướng dẫn “Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ”

Trước khi trở thành một nhà văn, tôi đã nghiên cứu về căn bệnh Alzheimer với tư cách là một bác sĩ tâm thần trong hơn 10 năm. Luận văn tiến sĩ của tôi cũng liên quan đến căn bệnh này. Alzheimer là một dạng của chứng bệnh mất trí nhớ mà triệu chứng chính là “sự suy giảm trí nhớ”. Trong một phần của nghiên cứu, tôi đã có một thời gian thực hiện các bài kiểm tra trí nhớ với vài chục bệnh nhân mắc phải chứng Alzheimer.

Theo cách này, tôi đã nghiên cứu được khá nhiều về việc trí nhớ được hình thành như thế nào và trí nhớ bị suy giảm ra sao.

Hơn thế nữa, mỗi ngày tôi đều truyền tải thông tin đến hơn 400.000 độc giả thông qua Internet. Trong đó, trang Facebook của tôi có khoảng 140.000 lượt “thích”, Twitter có 120.000 người theo dõi và bài viết của tôi trên tạp chí thư điện tử phát hành được khoảng 150.000 bản. Gần đây tôi cũng tạo một trang riêng trên Youtube và tải lên video hằng ngày. Những việc như thế này cũng đã diễn ra được 18 năm.

Tuy có trình bày rõ ràng trong sách nhưng điều quan trọng để lưu giữ được những thông tin mà mình muốn ghi nhớ là xuất ra thông tin một cách toàn diện. Theo tìm hiểu của tôi, trong hàng trăm nghìn người sử dụng phương tiện truyền thông thì ngoài tôi ra không có một người Nhật nào sử dụng các loại đa phương tiện ấy để truyền tải thông tin trong suốt hơn 10 năm qua.

Là một bác sĩ tâm thần và cũng là người tiên phong trong việc khai thác lợi ích của Internet, dựa trên những nghiên cứu về khoa học thần kinh, tôi xuất bản cuốn sách này nhằm đem đến cho người đọc những phương pháp làm tối ưu hóa “năng lực trí nhớ” cũng như hiệu suất công việc. Ấy là điều tôi muốn truyền tải cho tất cả mọi người qua cuốn sách Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ này.

Cuốn sách này đề cập đến các “phương pháp ghi nhớ” và “phương pháp rèn luyện trí nhớ” hoàn toàn khác biệt so với những phương pháp thông thường. Nếu bạn có thể trang bị cho mình “phép sử dụng trí nhớ hoàn toàn mới”, một điều rất cần thiết trong thời đại Internet hiện nay, đáp ứng đầy đủ cho cả thời đại của Google và điện thoại thông minh thì bạn sẽ có khả năng nắm bắt công việc nhanh hơn người khác nhiều lần. Hơn nữa bạn còn có khả năng phát triển bản thân với tốc độ vượt trội.

Bạn không cần phải cố gắng hết sức để ghi nhớ mọi thứ hay nỗ lực quá nhiều. Phương pháp này có hiệu quả ngay cả với những người có trí nhớ không tốt.

Tôi mong muốn bạn thay đổi cuộc sống của chính mình bằng cách phá vỡ những quy tắc thông thường, học tập phương pháp mang tính đột phá “nhớ mà không cần nhớ” này.

ĐỌC THỬ

Chương 1BA ĐIỀU BẠN CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC BẰNG “PHƯƠNG PHÁP TỐI ƯU HÓA TRÍ NHỚ” TRÊN PHƯƠNG DIỆN THẦN KINH HỌC

B

Ba chiến thuật cơ bản và ưu điểm của “Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ”

“Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ” là phương pháp làm việc giúp thúc đẩy sự phát triển của bản thân

“Nhớ mà không cần phải ghi nhớ một cách khổ sở – điều đó thực sự có thể hay không?”

Lúc bắt đầu đọc cuốn sách này, chắc hẳn bạn đã có suy nghĩ trên.

Cho đến bây giờ, dù bạn có gắng sức để nhớ ra hay học thuộc lòng bạn vẫn không thể nhớ.

Phương pháp này có thể làm được hay không? Chắc chắn là bạn vẫn “bán tín bán nghi”.

Vì vậy tôi sẽ đưa ra một kết luận: Việc ghi nhớ một cách thoải mái mà không cần gượng ép là điều hoàn toàn có thể.

Trái lại, khi bạn thực hiện theo các “Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ” trong cuốn sách này, bạn có thể đạt được những kết quả như sau: Năng lực trí nhớ của bạn trở nên tốt hơn và bạn đạt được những thành quả liên quan tới “trí nhớ”, ví dụ như vượt qua các kỳ thi khó nhằn. Ngoài ra, não bộ cũng trở nên linh hoạt hơn, năng lực học tập và làm việc cũng được nâng cao. Và bạn có thể nhanh chóng phát triển bản thân.

Tóm lại, “Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ “ không chỉ đơn thuần là nhớ mà nó còn là một “kỹ năng làm việc” giúp thúc đẩy sự phát triển của bản thân.

Trước khi đi vào “bí quyết” cụ thể của “Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ”, đầu tiên tôi sẽ đề cập đến “ba ưu điểm” và “chiến thuật cơ bản” để chắc chắn đạt được từng loại ưu điểm đó.

[Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ – Những điều đạt được số 1] Phòng tránh sự suy giảm trí óc và mất trí nhớ

Sao dạo này mình hay để quên đồ thế nhỉ… Bạn có đang lo âu về điều này không?

“Tệ quá, sao dạo này mình hay quên đồ thế nhỉ”, “Sao chả nhớ nổi tên của người khác” hay “Gần đây mình toàn chỉ trỏ ‘cái này’, ‘cái kia’, ‘người kia kìa’ mà chẳng nhớ nổi thứ đó tên gì là sao”… Những tình trạng bệnh như thế này, không biết có bạn nào tự ý thức được không nhỉ!

Gần đây, bạn không thể nhớ ngay ra tên của ai đó. Bạn quên mất rằng mình đến đây để lấy cái gì. Bạn không thể nhớ được tên cuốn sách mà mình vừa mới đọc hôm trước. Bạn vô tình quên mất những cuộc hẹn quan trọng. Khi xuất hiện triệu chứng “hay quên” như thế này thì có lẽ sẽ có nhiều người bắt đầu cảm thấy lo lắng bất an:

“Nghĩ kỹ thì không lẽ mình mắc chứng mất trí nhớ hay sao?” hoặc là “Mình bắt đầu bị chứng mất trí nhớ thật rồi ư?”

Hầu hết mọi người đều “mong muốn ngăn ngừa sự suy giảm năng lực trí nhớ”. Nhưng mà, họ sẽ dễ phải từ bỏ hy vọng đó vì “khi có tuổi, sự suy giảm năng lực trí nhớ là điều không thể tránh khỏi”. Và tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đều không có phương pháp nào giải quyết được tình trạng trên. Khi không thường xuyên được sử dụng, hoạt động của não sẽ giảm sút và dần làm suy giảm năng lực trí nhớ. Ngoài ra, các tế bào não cũng dần dần chết đi và não bộ bị teo nhỏ lại. Đây được gọi là “Hội chứng khiếm dụng”1.

1Hội chứng khiếm dụng: Chỉ sự giảm sút hoạt động về thể chất cũng như tinh thần của người hưu trí sớm, hơn nữa còn khiến tuổi thọ của họ ngắn hơn.

Khi nhìn vào ảnh chụp cắt lớp MRI não người cao tuổi, có thể nhận thấy sự suy giảm tế bào não và sự teo nhỏ của não bộ tỉ lệ thuận với độ tuổi.

Thế là, nhiều người sẽ cảm thấy rằng: “Quả thật là khi có tuổi, năng lực trí nhớ cũng sẽ suy giảm”. Nhưng sự thật là, xét trên phương diện thần kinh học thì phép suy luận “tuổi tác tăng cao = trí nhớ thụt lùi” là hoàn toàn sai.

Mặc dù đã có tuổi, nhưng não vẫn còn phát triển!

Có lẽ có rất nhiều người đã từng nghe những câu chuyện như là: “Sau khi sinh ra, các tế bào não tiếp tục mất đi”, “mỗi ngày có khoảng 100.000 tế bào não bị chết và không có tế bào nào được tạo mới”. Lúc tôi còn là sinh viên khoa Y, tôi đã được học là “tế bào não không tăng trưởng cũng không tái sinh được”.

Tuy nhiên, trong các nghiên cứu khoa học về não gần đây thì những điều trên đã được chứng minh là không chính xác. Một giáo sư của Đại học London ở Anh – ông Maguire đã tiến hành khảo sát não bộ của 16 tài xế taxi trong thành phố London và so sánh thể tích “vùng hải mã”1 trong bộ não của họ với những người bình thường. Kết quả là ông đã chỉ ra rằng thể tích vùng hải mã của những người tham gia thí nghiệm đó lớn hơn so với người bình thường. Ngoài ra thể tích ấy tỉ lệ thuận với số năm kinh nghiệm làm việc của các tài xế. Và kết luận được đưa ra là, một tài xế taxi chuyên nghiệp với 30 năm kinh nghiệm có thể tích vùng hải mã lớn hơn 3% so với người thường. Điều này cũng đồng nghĩa với 20% số lượng tế bào thần kinh tăng lên.

1 Vùng hải mã: Còn gọi là hồi hải mã, là một phần của não trước gồm hai khối chất xám có hình cong giống như con cá ngựa nằm bên trong thuỳ thái dương. Con người và các loài động vật có vú khác có hai hải mã, mỗi cái ở một bán cầu não.

Ở London, người tài xế luôn phải ghi nhớ những con đường phức tạp và luyện tập ghi nhớ chúng mỗi ngày. Kết quả là tế bào thần kinh tăng lên và thể tích vùng hải mã tăng lên.

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu không có sự kích thích nào thì não bộ sẽ bị suy giảm. Tế bào não cũng dần chết theo năm tháng. Tuy nhiên, việc rèn luyện não bộ có thể làm tăng số lượng tế bào của vùng hải mã – vùng này có vai trò quan trọng liên quan đến trí nhớ. Hơn nữa cũng có thể làm tăng thể tích vùng hải mã.

[Chiến thuật cơ bản 1] Rèn luyện não bộ, phát triển trí não – Lý luận về việc hoạt động trí não từ những năm 40 tuổi

Sau khi trưởng thành, não bộ của con người không còn phát triển nữa. Người ta cho rằng khi về già thì chức năng của não sẽ bị mất dần đi. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thì điều này được chứng minh là không chính xác.

Chức năng của não không hẳn là tỉ lệ với số lượng tế bào thần kinh. Hơn thế, nó liên quan đến số lượng liên kết giữa các khớp thần kinh. Các dây thần kinh tạo thành mạng lưới trong hệ thần kinh, nhưng người ta cũng gọi các phần tiếp hợp này là các khớp thần kinh.

Một tế bào thần kinh kết hợp với các tế bào thần kinh khác dựa trên sự kết hợp của hàng ngàn các khớp thần kinh. Đây là một hệ thống mạng lưới vô cùng tinh vi. Dựa vào việc rèn luyện não bộ thì dù bạn có hơn 40 hay 50 tuổi đi chăng nữa số lượng liên kết giữa các khớp thần kinh này vẫn có thể tăng lên.

“Năng lực trí nhớ” của bạn có thể được nâng cao hơn nhờ vào sự gia tăng liên kết giữa các khớp thần kinh. Sự suy giảm năng lực trí nhớ vì lão hóa tùy thuộc vào mỗi người. Tuy nhiên, dựa vào các nghiên cứu và thực nghiệm đã cho thấy rằng cũng có những người già mà năng lực trí nhớ không hề bị suy giảm. Nếu không làm gì cả thì cùng với tuổi tác, các tế bào não cũng dần mất đi và não bộ bị lão hóa dẫn đến việc năng lực trí nhớ tiếp tục giảm sút.

Tuy nhiên, trái ngược với điều này, nếu bạn biết sử dụng não bộ một cách có hiệu quả, thì các tế bào thần kinh và sự kết hợp giữa các khớp thần kinh cũng tăng lên. Kết quả là ngăn chặn được sự lão hóa của não, làm tăng “năng lực trí nhớ” và có khả năng làm cho não luôn hoạt động trong trạng thái linh hoạt.

Vận dụng tốt các kiến thức và thông tin của lĩnh vực khoa học não bộ mới nhất, thì sẽ giúp cho não trở nên linh hoạt và làm tăng năng lực trí nhớ hơn hiện tại. Và điều đó cũng giúp ích rất nhiều cho việc phòng tránh sự suy giảm não bộ và chứng mất trí nhớ.

Chương 7 sẽ nói rõ hơn về sự phòng tránh chứng mất trí nhớ.

[Chiến thuật cơ bản 2]: Cạnh tranh bằng “năng lực của người trưởng thành” – Lý luận sử dụng năng lực phán đoán tổng quan

Có nhiều người cho rằng khi con người ta già đi, không chỉ thể lực mà hoạt động của não cũng suy giảm. Nhưng điều đó hoàn toàn sai.

Tuổi tác khiến cho năng lực suy giảm nhưng cũng chính tuổi tác làm cho năng lực phát triển. Kỳ thủ nổi tiếng cờ Shogi – ông Yoshiharu Habu đã nói trong tác phẩm Trái tim không thể bị đánh bại khi đấu tranh với chính mình của mình thế này: “Với các cờ thủ trẻ, khả năng đọc được chiến thuật và nước đi của đối thủ trong cờ Shogi là tốt hơn nhưng khi sử dụng “năng lực phán đoán tổng quan” họ lại đi theo lối suy nghĩ “làm thế nào để đọc được nó”.

Trong cờ Shogi, “năng lực phán đoán tổng quan” tiến bộ mạnh mẽ theo sự tăng lên của tuổi tác. Năng lực phán đoán là năng lực nhìn thấu mọi vật, được bồi dưỡng qua quá trình tích lũy các kinh nghiệm. Nếu bạn không vận động trí não, trí nhớ, năng lực học hỏi những điều mới mẻ, khả năng tập trung, chú ý, tất cả sẽ dần bị suy giảm qua thời gian. Tuy nhiên, khả năng nắm bắt tổng quan sự vật, khả năng tóm lược ý tưởng và tái tổ chức… sẽ hình thành và hoàn thiện theo tuổi tác. Điều đó là vì cùng với tuổi tác, kho tri thức của bạn sẽ tăng lên. Bạn có thể đưa ra phán đoán chính xác hơn khi tham khảo, đối chiếu và vận dụng vốn tri thức mới của bản thân. Đặc biệt, năng lực sắp xếp, tóm lược, năng lực quan sát tổng thể sự vật hay các năng lực liên quan, tất cả đang dần phát triển cùng với tuổi tác.

Mặt khác, trước đây có nhận định là “trí nhớ không thể suy giảm”, nhưng nếu chúng ta không hoạt động não bộ, mà cứ sinh hoạt bình thường, trí nhớ và tư duy sẽ dần dần suy thoái. Đó là chuyện bình thường có thể xảy ra. Trong trường hợp bạn cạnh tranh với những người trẻ tuổi có “năng lực trí nhớ” tốt hay thi đấu với những người yếu về “năng lực sắp xếp và tổng hợp vấn đề” thì bạn sẽ thắng hay thua? Thi đấu với bên nào bạn nghĩ mình sẽ lợi thế hơn?

“Năng lực của người trưởng thành” được hình thành cùng với lứa tuổi nhưng nhiều người không biết được điều này. Sử dụng “năng lực của người trưởng thành” sẽ khắc phục được sự suy giảm trí óc, mặt khác, những người trẻ tuổi có thể phát huy hoàn toàn năng lực làm việc để đạt được thành công.

Phương pháp ghi nhớ được sử dụng trong “năng lực của người trưởng thành”, đặc biệt là phương pháp “Ghi nhớ bằng cách xâu chuỗi sự việc” sẽ được giải thích rõ hơn ở chương 2.

[“Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ” – Những điều đạt được số 2] Thành tích cao hơn và vượt qua các kỳ thi

“Giá mà mình thông minh hơn một chút nữa…” Bạn có đang lo lắng và tự đặt câu hỏi như thế?

“Chỉ cần thông minh hơn một chút, cuộc đời mình có lẽ đã thay đổi”, “Chỉ cần thành tích cao hơn một chút, mình đã có thể vào được một trường đại học hoặc một công ty hàng đầu”. Hoặc là, đối với bản thân bạn có lẽ đã muộn màng nhưng “Những đứa trẻ, chỉ cần chúng thông minh hơn một chút thì có lẽ sẽ đạt được thứ hạng cao trong trường.” Những câu hỏi tương tự như thế bạn có từng suy nghĩ đến?

Có lẽ tất cả chúng ta đều từng một lần có những suy nghĩ kiểu như vậy trong đầu.

Nhật Bản là quốc gia của những kỳ thi. Những kỳ thi quốc gia bắt đầu từ kỳ thi đầu vào nhà trẻ, tiểu học rồi đến cấp hai, cấp ba, thi đại học, rồi đến kỳ thi tuyển công chức khi tìm kiếm việc làm. Hơn thế nữa, dù cho đã trở thành nhân viên công ty thì những kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thi bằng cấp vẫn sẽ trở thành nỗi ám ảnh của bạn. Vì thế, không nói quá khi cho rằng câu hỏi liệu rằng mình có qua được những kỳ thi hay không sẽ chi phối cả cuộc đời của một con người. Với một nước luôn luôn cho rằng “Tốt nghiệp ở một trường hàng đầu và tìm được một công việc trong một công ty hàng đầu” là thành công mang tính xã hội như Nhật Bản thì “trí nhớ” là một thứ không thể thiếu để có thể bứt phá trong các kỳ thi. Trong nhận thức của người Nhật, “người sở hữu thành tích tốt ở trường” = “người thông minh”. Và hơn thế, “người thông minh” = “người có trí nhớ tốt”. Họ cho rằng sự thông minh và trí nhớ là thứ từ khi sinh ra con người đã sở hữu chúng. Vì thế nếu bạn sinh ra với một cái đầu kém thông minh thì bạn chẳng còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận nó. Có lẽ hầu hết mọi người đều bị những quan niệm cổ hủ như thế chi phối, nhưng cách nghĩ đó hoàn toàn là một sai lầm.

90% trí nhớ là có sẵn

Phần lớn nhiều người thường nghĩ rằng “Trí nhớ của mình thật kém” hoặc là “Đầu óc mình không thông minh”, song khoan bàn tới năng lực ghi nhớ của mình kém hay tốt, khả năng lớn là họ đã sai lầm trong cách chuẩn bị cho bản thân trước khi bắt đầu làm việc gì đó.

Quá trình ghi nhớ có bốn bước cố định.

Đó là “hiểu”, “sắp xếp”, “ghi nhớ” và “nhắc lại”. “Những người có trí nhớ kém” và “những người có thành tích thấp” thường xem nhẹ hai quá trình “hiểu” và “sắp xếp” trước khi “ghi nhớ”. Tuy nhiên, “hiểu” và “sắp xếp” thông tin là hai bước chuẩn bị còn quan trọng hơn cả việc “ghi nhớ”.

Não của con người là thứ tùy thuộc vào quá trình “hiểu” mà trở nên khó có thể quên đi sự việc, sự vật. Nếu hiểu được vấn đề ở mức độ có thể giải thích cho người khác, chúng ta có thể ghi nhớ lâu hơn. Ngoài ra, nếu ký ức đó liên quan đến một sự vật khác và được chỉnh sửa thì sẽ dễ dàng lưu lại. Trí nhớ của chúng ta “chỉnh sửa”, “phân loại” những ký ức, thông tin giống nhau. Bởi trí nhớ chuộng những “mối liên hệ” nên chỉ cần tổng hợp lại bằng một “hình ảnh” hay một “bảng biểu” thì quá trình ghi nhớ cũng được thúc đẩy một cách mạnh mẽ.

Đối với đứa trẻ có thành tích tốt ở trường, người ta thường cho rằng trí nhớ của chúng thật tuyệt vời, nhưng thực ra “năng lực lý giải” hoặc “năng lực tóm tắt và chỉnh sửa” thông tin của chúng còn cao hơn cả năng lực trí nhớ. Với chuyện thi cử, hai giai đoạn đầu tiên trong quá trình ghi nhớ là yếu tố quyết định xem bạn thắng hay thua.

Vì vậy, cho dù “năng lực trí nhớ” của bạn có kém đến đâu, miễn là “khả năng lý giải” và “năng lực tổng hợp – sắp xếp” lại vấn đề của bạn vững vàng thì bạn vẫn có thể ghi nhớ thành công mọi thứ.

Tóm lại, ngay cả với những người có trí nhớ kém nhưng nếu biết cách vận dụng thời gian hợp lý vào việc “hiểu” và “chỉnh sửa, sắp xếp” thông tin trước khi sử dụng trí nhớ của mình thì ta vẫn có thể ghi nhớ một cách thoải mái nhất.

[Chiến thuật cơ bản 1]: Không dựa vào Năng lực trí nhớ – Lý luận bù đắp năng lực trí nhớ

“Bởi vì sinh ra trí nhớ mình đã kém cho nên không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận thành tích kém.”

Nào, hãy dừng việc biện minh bằng những lý do vô nghĩa đó. Những suy nghĩ kiểu đó chính là sai lầm thứ hai của bạn.

Trước hết, năng lực trí nhớ không phải là thứ khi sinh ra bạn đã sở hữu, cho dù là 20 hay 40 tuổi đi nữa thì việc cải thiện trí nhớ là điều có thể xảy ra.

Hơn nữa, năng lực cần thiết cho những kỳ thi nói chung và thành tích ở trường nói riêng không chỉ là “năng lực trí nhớ”. Khi khảo sát kỹ những học sinh được cho là “thông minh”, kết quả đã phát hiện ra rằng hầu hết họ có sức tập trung cao, “năng lực chỉnh sửa – sắp xếp và tóm tắt” những điểm mấu chốt cũng sắc bén và đầu óc họ nhanh nhạy, linh hoạt. Đây chính là “năng lực trí nhớ”, nói cách khác nó không liên quan trực tiếp gì đến “trí nhớ dài hạn” cả.

Tức là, chỉ cần “khả năng chú ý, tập trung” và “năng lực chỉnh sửa, tóm tắt” thông tin vững vàng cùng với cái đầu nhạy bén, ta có thể che đi khuyết điểm “năng lực trí nhớ” kém của mình.

Bằng cách lưu lại những thông tin đã qua xử lý gọn gàng trong trí nhớ, bạn không cần dùi mài học thuộc hay nâng cao năng lực trí nhớ mà vẫn khiến cho thành tích ở các kỳ thi hoặc bài kiểm tra tăng lên. Điều này được gọi là phương pháp “Ghi nhớ ngoài năng lực trí nhớ”.

Chỉ cần vận dụng kỹ thuật “Ghi nhớ ngoài năng lực trí nhớ” thì những chuyện tưởng như chỉ có trong mơ vẫn có khả năng hóa thành hiện thực, tỉ dụ như có thể nâng cao được thành tích của mình mà không cần phải nhờ vào năng lực trí nhớ có sẵn. Điều đó thực tế hơn một giấc mơ, những học sinh có cái đầu tốt không nhờ vào năng lực trí nhớ mà là sử dụng phương pháp “Ghi nhớ ngoài năng lực trí nhớ”, đặc biệt nhất là áp dụng thực tiễn phương pháp “Ghi nhớ chuẩn bị trước” và chuẩn bị sẵn thủ thuật này để đối phó với kỳ thi một cách chắc chắn.

Phương pháp “Ghi nhớ ngoài năng lực trí nhớ” và phương pháp “Ghi nhớ chuẩn bị trước” sẽ được nói đến rõ hơn ở chương 3.

[Chiến thuật cơ bản 2]: Dừng ngay những phương pháp ghi nhớ sai lầm – Lý luận đột phá sức mạnh của não bộ

Có thể nói phương pháp học cực kỳ sai lầm là “thức trắng đêm” để học. Hoặc là giảm thời gian ngủ lại để dành thời gian cho việc học. Để có một trí nhớ tốt thì giấc ngủ trên sáu tiếng là điều rất cần thiết. Việc cắt giảm thời gian ngủ sẽ làm giảm sức tập trung và hiệu suất làm việc. Bởi vậy, nếu thức trắng đêm để học thì ngay sau khi vừa kết thúc kỳ thi, bạn gần như sẽ quên hết những gì đã học.

Nhiều nghiên cứu về giấc ngủ đã chỉ ra rằng khi bạn ngủ đủ giấc thì năng lực trí nhớ và sức tập trung sẽ tăng nhiều hơn là khi bạn chỉ ngủ có bốn tiếng và dành toàn bộ thời gian còn lại vào việc học.

Chỉ cần dừng phương pháp học tập sai lầm và làm suy thoái hoạt động của não như thức đêm để học và ngủ ít, học nhiều… thì hoạt động của não hay hiệu suất ghi nhớ đều có thể tăng lên đáng kể trong vòng vài ngày.

Bạn hãy xem lại việc bạn sử dụng thời gian trước kỳ thi hoặc thói quen học tập thông thường của mình, và với việc vận dụng thực tiễn kỹ thuật ghi nhớ được xây dựng trên nền tảng hoạt động của não bộ, thì cho dù không nhờ vào trí nhớ, hoạt động não của bạn cũng có thể tăng vọt.

Phương pháp “Tối ưu hóa não bộ” sẽ được trình bày rõ hơn trong chương 3.

[“Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ” – Những điều đạt được số 3] – Đẩy mạnh quá trình phát triển bản thân

Bạn có bao giờ phiền não “Mặc dù mỗi ngày mình đều cố gắng học tập nhưng vẫn không tiến bộ thêm chút nào?”

Hay bạn có lo lắng rằng “Cứ gấp sách lại là quên hết nội dung vừa đọc và không thể ứng dụng nó vào công việc được”, “Cho dù thuyết trình hội thảo hay diễn thuyết thì chẳng có ích gì trong thực tế”, “Cho dù tham gia những khóa học lớn thì cũng chẳng có gì thay đổi.”

Chắc là có rất nhiều người không thể cảm nhận được một chút gì sự tiến bộ của bản thân dù cho họ đọc rất nhiều sách hoặc học nhiều thứ từ những người tham gia diễn thuyết trong các cuộc hội thảo.

Có thể bạn đang nghĩ rằng chắc do năng lực ghi nhớ của mình tệ nên mãi mà không giỏi lên được. Dù bạn đã cố đọc nhiều sách hay nghe thuyết trình trong các cuộc hội thảo thì chỉ cần vài tháng sau sẽ quên toàn bộ nội dung. Tôi nghĩ rằng có lẽ không phải do trí nhớ của bản thân chúng ta kém mà lý do chính là bởi chúng ta không thể kiểm soát được quá trình hoàn thiện của bản thân.

Bạn không nên nhìn vào kết quả và suy ra rằng tất cả lỗi là do trí nhớ của bạn. Con người hoàn toàn có thể quên đi 99% những thông tin được đưa vào não. Chính vì vậy, dù bạn không làm gì thì dần dần cũng sẽ quên đi những thông tin đó. Điều đó là hoàn toàn bình thường.

Não con người sẽ quên hết 99% thông tin được đưa vào

Tôi nghĩ có rất nhiều người đang lo lắng rằng “Tại sao mình lại nhanh quên đến thế, nhanh đến độ cứ như nước lọt qua rổ ấy?”, không phải chỉ một mình bạn đâu. Tất cả chúng ta đều như thế.

Ví dụ, bạn có thể nhớ ra bạn đã ăn gì vào ngày này của một năm trước không? Tôi nghĩ rằng chẳng có ai có thể nhớ được đâu. Những dữ kiện bình thường như thỉnh thoảng được ai đó chúc mừng nhân ngày sinh nhật, một khi xác định đó là những thông tin nhỏ nhặt, chẳng có gì đặc biệt, thì ta cũng dần dần cho nó đi vào quên lãng. Đây là chuyện hết sức bình thường.

Theo thí nghiệm của Ebbinghaus1, những chủ đề nhỏ nhặt không mấy liên kết với nhau thì chỉ cần khoảng một tháng ta sẽ quên mất khoảng 79% thông tin.

1Hermann Ebbinghaus (1850 – 1909): Nhà tâm lý học người Đức.

Có thể nói, não bộ con người chỉ nhớ “những việc quan trọng”, tức là não có thể sẽ quên toàn bộ “những việc không quan trọng”. Trong tổng số lượng lớn thông tin chúng ta tiếp nhận mỗi ngày, “những việc quan trọng” có lẽ 1% cũng không có. Nếu nói đơn giản thì não bộ có thể quên hơn 99% thông tin được tiếp nhận. Nếu không, não bộ sẽ quá tải và nổ tung như một cái bánh xe bị nổ lốp.

Vậy thì ngược lại, để thông tin có thể lưu lại trong trí nhớ, chúng ta chỉ cần dạy cho não bộ biết rằng “Những thông tin được đưa vào là những điều quan trọng.”

Não sẽ xác định đâu là “thông tin quan trọng” dựa trên hai tiêu chí. Đó là “thông tin được sử dụng nhiều lần” và “những biến đổi của cảm xúc”.

Thông tin được bảo quản trong khoảng hai tuần (tối đa là bốn tuần) ở “Vùng lưu trữ thông tin tạm thời” thuộc vùng hải mã mang chức năng ghi nhớ của não. Trong khoảng thời gian này, dựa vào số lần sử dụng thông tin đó mà vùng hải mã phán đoán rằng “Đây là thông tin quan trọng”, “Thông tin này không được phép quên”, và cuối cùng chúng sẽ chuyển những thông tin ấy đến thùy não (thùy thái dương) nơi bảo quản những “trí nhớ dài hạn”.

Ngoài ra, những sự kiện phát sinh làm cho cảm xúc thay đổi mạnh mẽ cũng khiến ta khó có thể quên được. Tại sao lại như vậy, bởi khi cảm xúc bị lay động, não bộ sẽ bài tiết những tế bào não làm tăng cường khả năng lưu giữ trong trí nhớ.

Bí quyết để lưu giữ thông tin trong trí nhớ bằng việc điều khiển cảm xúc sẽ được giới thiệu ở chương 4.

Đó là phương pháp cụ thể để dạy cho não bộ biết rằng thông tin nào là “thông tin quan trọng”, chứ không phải như việc buộc Hachimaki1 rồi quyết tâm học thuộc lòng thông tin đó. Đơn giản hóa vấn đề và luôn trong tâm thế thoải mái mới chính là mấu chốt ở đây.

1Hachimaki: Dải băng có 2 màu cơ bản là trắng và đỏ, người Nhật dùng đến nó khi họ quyết tâm làm một việc gì đó, chúng là biểu tượng của sự bền bỉ trong công việc.

[Chiến thuật cơ bản 1]: Không cần nhớ, chỉ cần Output2 – Thuyết Output – Phương pháp ghi nhớ mạnh nhất

2Output: Đưa ra thông tin.

Ký ức là việc chúng ta “nhớ” thông tin. Nói cách khác, tôi nghĩ hầu hết mọi người đều cho rằng ký ức là việc tiếp nhận thông tin vào não (Input). Đó là nguyên nhân chúng ta cố gắng nhồi nhét thông tin và kiến thức vào đầu. Những nỗ lực đó tiêu tốn rất nhiều năng lượng về mặt tinh thần và khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi.

Tuy nhiên, cho dù bạn không cố gắng học thuộc hay ghi nhớ, chỉ cần bạn đưa thông tin ra ngoài (Output), thì thông tin đó sẽ tự nhiên lưu lại trong ký ức.

Khi bạn nói chuyện với người khác hay việc bạn viết văn cũng là một dạng “Output” thông tin.

Tại sao ta có thể lưu lại ký ức khi “Output” thông tin? “Output” nghĩa là việc sử dụng thông tin được đưa vào não bạn. Vùng hải mã sẽ xác định những thông tin mà bạn dùng lại nhiều lần là “thông tin quan trọng”, và sẽ chuyển chúng đến nơi bảo quản ký ức dài hạn. Thế là chỉ cần “Output” thông tin ra, sử dụng nhiều lần là chúng ta có thể ghi nhớ những thông tin ấy lâu dài hơn.

Ví dụ cụ thể một chút: tính từ thời điểm nhập thông tin vào não, trong vòng một tuần nếu bạn Output thông tin ba lần thì bạn có thể dễ dàng lưu lại thông tin ấy trong trí nhớ một cách tuyệt đối.

Không cần “Input” (ghi nhớ), chỉ cần “Output”, ký ức vẫn được bảo quản lâu dài. “Output” chính là phương pháp ghi nhớ mạnh nhất.

Nếu như “Input” là cực khổ thì “Output” chính là niềm vui.

Vẫn lưu lại ký ức một cách nhẹ nhàng mà không phải lao tâm khổ tứ ép buộc bản thân, ấy chính là biện pháp nhớ mà không cần nhớ, hay còn gọi là “Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ”.

[Chiến thuật cơ bản 2]: Sự lặp đi lặp lại của Input và Output – Thuyết tư duy tăng tiến theo mô hình cầu thang xoắn ốc

Tôi đang tổ chức một lớp học “Tâm lý Web” bàn về cách xây dựng thương hiệu hay công tác xuất bản qua Internet, mạng xã hội. Từ khi bắt đầu lớp học cho đến nay đã hơn sáu năm với hơn 600 người tham gia.

Trong khi tiếp xúc trực tiếp và tư vấn cho hơn 600 người này, tôi đã thu được một lượng lớn dữ liệu về sự khác biệt giữa “người thành công” với “người mãi không thể thành công”.

“Những người mãi không thể thành công” là những người “mặc dù đọc rất nhiều sách nhưng không học tập được gì” hay “dù tham gia rất nhiều buổi diễn giảng hay hội thảo nhưng cũng không thể hoàn thiện được bản thân”. Hầu hết họ đều có những đặc trưng giống nhau.

Trường hợp đó là do sự mất cân bằng giữa “Input” và “Output”. Nếu phải đưa ra kết luận một cách thích hợp thì là họ Input quá nhiều trong khi đó Output lại ít hơn.

Chúng ta không thể nâng cao năng lực bản thân chỉ với việc ngấu nghiến hết 100 cuốn sách. “Những thông tin mà bạn không còn sử dụng nữa đều sẽ dần phai mờ”, đó chính là nguyên tắc hàng đầu của trí nhớ. Do đó cho dù bạn đọc nhiều sách đến đâu, nhưng một khi bạn không Output chúng ra sử dụng thì chắc chắn 99% bạn sẽ quên. Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc bạn cứ lẹt đẹt giậm chân tại chỗ.

Vậy phải làm thế nào để phát triển bản thân? Trước hết là phải Input – Thu thập thông tin. Đọc sách. Sau đó, lắng nghe người khác nói chuyện. Tiếp đến, nghe những buổi diễn giảng hội thảo. Từ đó thu nhập thông tin vào não bạn.

Sau khi Input xong nhất định phải Output. Output là nói, viết, dạy, hành động. Hay nói cách khác là thực hành. Sau khi Output lại tiếp tục Input. Sau khi Input lại tiếp tục Output. Lặp đi lặp lại như thế này giữa Output và Input.

Phương pháp này cũng tựa như ta đang leo lên một chiếc cầu thang hình xoắn ốc vậy, và song song với điều đó ta cũng đang tự tiến bước lên những bậc cao hơn trên bước thang thành công của đời mình.

Output là một hành động. Một lượng nhỏ thông tin được truyền tải thôi cũng sẽ dần làm thay đổi từng chút một thói quen của bạn. Cứ như thế những thay đổi nhỏ dần dần chồng chất lên và chẳng mấy chốc sẽ biến thành một bước ngoặt lớn đưa bạn phát triển tới một tầm cao mới.

Nếu bạn lặp đi lặp lại liên tục giữa việc thu thập thông tin (Input) và truyền tải thông tin (Output) thì tin tôi đi, bạn sẽ thấy bản thân mình phát triển vượt bậc với tốc độ cực nhanh. Cuối cùng, sau khi hướng dẫn cho 600 học viên và lấy đó làm chất liệu nghiên cứu, tôi đã rút ra được quy tắc thành công then chốt chính là “Lý luận phát triển theo mô hình cầu thang xoắn ốc”.

Như vậy, việc Output thông tin một cách thích hợp không chỉ giúp trí nhớ của bạn sâu sắc hơn mà còn gia tăng sự phát triển bản thân.

Phương pháp này sẽ được giải thích chi tiết ở chương 2 và chương 5.

[Chiến thuật cơ bản thứ 3]: Ghi chép thay vì ghi nhớ

– Biện pháp ngăn ngừa quên lãng 100%

Con người hầu hết sẽ quên đi 99% thông tin mà não ghi nhận được. Đúng là chúng ta có thể dễ dàng lưu lại ký ức lâu dài bằng việc Output thông tin, nhưng cũng không có nghĩa chỉ cần làm thế là ta có thể nhớ hết tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, chúng ta có biện pháp hiệu quả 100% giúp ngăn ngừa chứng lãng quên ấy.

Có rất nhiều phim lấy đề tài về ký ức nhưng trong số đó có một bộ phim được xem là kiệt tác của đạo diễn Christopher Nolan tên là “Memento” (Kẻ mất trí nhớ).

Vợ của nhân vật chính Leonard đã bị ai đó sát hại. Leonard đã tấn công một trong những tên thủ ác, nhưng bị đồng phạm của hắn xô đẩy, đó là nguyên nhân khiến anh bị chấn thương, và mắc triệu chứng Anterograde Amnesia (Bệnh trí nhớ ngắn hạn), một căn bệnh khiến anh không thể nhớ điều gì quá 10 phút.

Sau đó, Leonard bắt đầu tìm kiếm hung thủ để trả thù cho vợ của mình. Tuy nhiên, trí nhớ của anh lại chỉ lưu lại trong 10 phút. Vậy anh đã tìm ra hung thủ như thế nào?

Chìa khóa chính là biện pháp “ghi chép”. Leonard đã dùng mọi cách để ghi chép lại. Anh chụp ảnh bằng máy chụp ảnh lấy ngay, viết giấy ghi chú và hơn thế nữa, một tình tiết cực kỳ quan trọng đó là anh đã tự xăm mình…

Liệu anh có tìm được hung thủ thật sự hay không?

Vũ khí lớn nhất của một người đánh mất năng lực trí nhớ như nhân vật nam chính này chính là “ghi chép lại”.

Viết ra mọi thứ, nói ngắn gọn là “ghi chép”. Và sau khi xem lại những gì mình đã ghi chép thì bạn có thể nhớ ra được nó.

Hay ta có thể nói ghi chép là một biện pháp đắc lực giúp ta không bị lãng quên bất cứ sự kiện nào.

Với phương pháp ghi chép lại thì có rất nhiều cách, từ việc dùng sổ tay, giấy ghi chú, đến mạng xã hội, và cả các phương tiện truyền thông nữa. Sau đây tôi sẽ giới thiệu thực tế cho bạn về cách sử dụng hiệu quả phương pháp “ghi chép” đó.

[Chiến thuật cơ bản 4]: Sử dụng linh hoạt mạng xã hội – Lý luận luôn cảm ơn

Sau khi nhận thông tin, bạn phải truyền tải thông tin đó hơn ba lần trong khoảng một tuần và bạn sẽ vô cùng dễ dàng lưu lại một lượng lớn thông tin. Tuy vậy sẽ rất phiền phức nếu liên tục phải tóm tắt lại những trải nghiệm hàng ngày, cảm tưởng hoặc bài học rút ra từ những cuốn sách hay bộ phim vừa xem, bởi nó sẽ khiến chúng ta không có động lực để tiếp tục.

Vậy phải ta phải làm sao bây giờ?

Đó chính là sử dụng mạng xã hội.

Bạn đăng lên Facebook hay Blog những cảm nhận của bạn về một quyển sách từng đọc, một bộ phim từng xem và bài học hàng ngày. Khi bạn đăng bài viết lên thì sẽ có “lượt thích” và “bình luận”. Khi nhận được một lời bình luận tích cực như “Cảm ơn bạn đã giới thiệu cho tôi một quyển sách hay như thế” thì có thể làm tăng lên động lực của bạn.

Nếu chỉ một mình âm thầm đưa ra thông tin thì bạn sẽ không thể tạo ra động lực được. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách sử dụng linh hoạt mạng xã hội thì bạn vừa có thể thoải mái đăng bài vừa được mọi người cảm ơn. Về vấn đề ghi nhớ bằng mạng xã hội này, xin mời bạn xem chương 5.

[Chiến thuật cơ bản 5]: Giải phóng “khoảng không gian làm việc của não”, tăng cường hiệu suất làm việc- Thuyết giải phóng bộ nhớ của não

Trong não bộ của chúng ta, có một khoảng không gian làm việc của não, gọi là “trí nhớ làm việc”(working memory, trong quyển sách này nó còn được gọi là “bộ nhớ của não”). Bộ nhớ của não đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc học tập, ghi nhớ, phán đoán, suy nghĩ về sự việc. Tuy nhiên nếu bạn không tỉ mẩn mài giũa nó thì sẽ gây ra tình trạng quá tải và từ đó hiệu suất làm việc hay học tập của bạn sẽ giảm.

Ngược lại, với một trí não hoạt động tốt, nhất định bạn sẽ học tập và làm việc tốt hơn hiện tại rất nhiều.

Ở chương 6, tôi sẽ giới thiệu với bạn về “Phương pháp làm việc giải phóng bộ nhớ của não” giúp tăng hiệu suất công việc, từ đó thúc đẩy nhanh chóng quá trình phát triển bản thân.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button