ListTheo chủ đề

5 sách hay về loài sói tạo cảm hứng và khám phá thế giới đầy bí ẩn của chúng

Loài sói, một trong những loài động vật hoang dã mạnh mẽ và hấp dẫn trên hành tinh, luôn thu hút sự quan tâm của con người. Hiểu biết về loài sói không chỉ giúp chúng ta khám phá thêm về tự nhiên và đa dạng sinh học, mà còn làm tăng hiểu biết và truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng. Để bạn có được cái nhìn sâu sắc vào loài vật, chúng tôi giới thiệu 5 cuốn sách hay về loài sói.

Nanh Trắng

Nanh Trắng

Nanh Trắng là tác phẩm kể về cuộc hành trình của một con chó sói lai chó nhà để trở thành một kẻ được khai hóa trong lãnh thổ Yukon của Canada trong thời kỳ đổ xô đi tìm vàng cuối thế kỷ XIX.

Nhân vật chính của câu chuyện là Nanh Trắng, mang trong mình dòng máu 3/4 sói và 1/4 chó. Nanh Trắng sinh ra ở vùng hoang dã và sau đó được người da đỏ thuần hóa. Sau đó, Nanh Trắng sống trong sự quan tâm và tình cảm ân cần của người chủ thứ ba, Weedson Scott, nó đã tiến bộ rõ rệt.

Người Sói Mowgli

Người Sói Mowgli

Câu chuyện được miêu tả trong cuốn sách này xảy ra ở một khu rừng rậm phía Nam Ấn Độ, nhân vật chính tên là Mowgli. Cậu bé từ khi còn rất nhỏ đã bị một con hổ tha vào rừng. Một gia đình Sói hiền từ đã cứu cậu khỏi nanh vuốt của con hổ hung ác và nuôi dưỡng cậu. Thế là Mowgli trở thành người Sói.Mowgli vốn có trí tuệ của loài người, đồng thời lại có sức mạnh hung dữ của loài Sói. Dựa vào những kỹ năng và lòng can đảm mà mình đã rèn luyện được khi ở trong rừng, cậu đã vượt qua được rất nhiều khó khăn. Và cùng với sự giúp đỡ của những người bạn trong rừng sâu, Mowgli đã chiến thắng vô số kẻ địch trở thành “Vua rừng xanh”.

Tác giả:

Rudyard Kipling tên đầy đủ là Joseph Rudyard Kipling, sinh ngày 30 tháng 12 năm 1865 tại thành phố Bombay, Ấn Độ, trong một gia đình trí thức người Anh. Năm lên sáu tuổi, cậu được đưa về Anh học, tuổi thơ của cậu nhìn chung là bất hạnh. Kipling trở lại Ấn Độ năm 1882, làm nghề báo. Ông đi đó đi đây, khắp Ấn Độ, rồi sang Mỹ, sang châu Phi, nhờ đó mà tích luỹ nhiều vốn sống cho các trang viết của mình sau này.

Kipling nổi tiếng truớc hết là một nhà thơ. Sau khi Lord Tennyson qua đời vào năm 1892, có thể nói Kipling đã chiếm vị trí số một trong lòng công chúng yêu thơ nước Anh. Ông cũng là người viết truyện ngắn và tiểu thuyết lừng danh. Bạn đọc trẻ khắp năm châu thì yêu quí Kipling qua những tác phẩm viết cho lứa tuổi của họ: Những Thuỷ Thủ Dũng Cảm(1890), Sách Rừng (quyển 1 năm 1894, quyển 2 năm 1895), Kim (1901). Ông được trao giải Nobel văn chương năm 1907. Từ năm 1901, Rudyard Kipling định cư ở Anh và qua đời ngày 18 tháng 1 năm 1936 tại London. Hai quyển Sách Rừng có thể coi là tập hợp những câu chuyện thú vị, hấp dẫn bậc nhất về đời sống hoang dã trong văn chương nhân loại từ trước tới nay, mà nhân vật chính là một chú bé được bầy sói nuôi và huấn luyện giữa rừng xanh, trở thành chúa tể của rừng. Mowgli – Người Sói là bản dịch tiếng Việt hai quyển Sách Rừng, bám sát bản gốc, chỉ lược bỏ một số bài thơ quá dài chen giữa các câu chuyện.

Julie – Con Của Bầy Sói

Julie – Con Của Bầy Sói

“Đóng góp kiệt xuất nhất cho nền văn học thiếu nhi, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1972.” – Ban Dịch vụ Thiếu nhi, Hiệp hội Thư viện Mỹ “Một cuốn sách về những khía cạnh phi thời gian, và có lẽ thậm chí còn rất kinh điển. Cách kể chuyện tuyệt vời bao gồm cả những mô tả và các chi tiết chân thực về lối sống cùng những nghi lễ của người Eskimo. Cả cuốn sách có sự chân thực hiếm hoi, đậm nét mà họa sĩ đã tô đậm bằng những bức vẽ sinh động.” (Horn Book).

“Tác giả là một nhà tự nhiên học đã trực tiếp quan sát loài sói. Tiểu thuyết của bà thấm đẫm sự hiểu biết về loài sói, cách kể chuyện truyền tải được sự mênh mông vô tận của lãnh nguyên cũng như nhiều khía cạnh khác của Bắc Cực, cả xa xưa và hiện đại, động vật và con người.” (The New York Times).

Tô Tem Sói

Tô Tem Sói

Tiểu thuyết Tôtem sói hoàn toàn không theo một bố cục tiểu thuyết kinh điển. Đây như thể là câu chuyện cố tình làm ra vẻ “biết đâu kể đó” của một nhân vật như thể là nhân vật chính – một thanh niên trí thức Bắc Kinh tên là Trần Trận, cùng các thanh niên trí thức khác đi về đất Nội Mông “lao động thực tế”. Câu chuyện được kể lại qua cái nhìn của Trần Trận, một trong bốn thanh niên trí thức Bắc Kinh, những người bị quy kết là con em của bọn “xã hội đen đi theo con đường chủ nghĩa tư bản”, bọn “độc quyền học thuật phản động” trong những ngày tháng “Đại cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc. Do cảnh ngộ, và do ác cảm với bọn “Hồng vệ binh ngu si dốt nát”, nên đầu mùa đông năm 1967 họ đã tạm biệt Bắc Kinh ồn ào, cùng nhau đi tìm cuộc sống yên bình trên thảo nguyên Nội Mông. Ở đây, Trần Trận đã được ông già Pilich nhận làm con nuôi. Và từ ông – một người sinh ra và lớn lên trên thảo nguyên Ơlôn, mang trong mình mọi tri thức sống và văn hóa của thảo nguyên – Trần Trận bắt đầu có tình cảm với sói, yêu sói và tôn thờ sói… Thậm chí Trần Trận còn chui vào hang sói bắt sói con về nuôi để tìm hiểu về cuộc sống của loài sói…

Vị trí của sói đối với thảo nguyên thật quan trọng. Nói như ông già Pilich “Sói chết sạch thì thảo nguyên cũng hết sống. Thảo nguyên mà chết, người và gia súc sống nổi không?”. Tình cảm của người dân thảo nguyên với sói cũng hết sức phức tạp. Họ giết sói nhưng đồng thời họ tôn thờ sói và “học tập từ sói”. Trong con mắt của người dân thảo nguyên, sói không phải là kẻ thù của họ. Sói chính là người bảo vệ thảo nguyên. Thảo nguyên có bốn đại họa: chuột, thỏ, rái cá cạn và dê vàng vì chúng là những động vật tận diệt đồng cỏ. Sói bắt chuột, bắt thỏ, bắt rái cá, đuổi dê vàng. Mùa đông trên thảo nguyên, súc vật chết bị đóng băng, đến mùa xuân khi băng tan, thịt súc vật bắt đầu thối rữa, chính sói lại là người dọn sạch những mầm dịch đó cho thảo nguyên. Chính vì vậy người dân thảo nguyên giết sói nhưng vẫn chung sống cùng sói. Họ học tập từ sói “chiến thuật” vây bắt con mồi, học từ sói tính kiên nhẫn và lòng quả cảm…

Điểm nhấn tạo sự lôi cuốn nhất của cuốn tiểu thuyết là ở chỗ tác giả thông qua thế giới sói đã tìm cách lý giải điều bí ẩn lớn của lịch sử: “Tại sao Thành Cát Tư Hãn lại có đủ sức mạnh tung hoành, xâm chiếm từ Á sang u, chỉ với một đội quân không lấy gì làm đông đảo?”. Thành Cát Tư Hãn đã học được sự hung bạo, kiên nhẫn, mưu trí, chiến thuậ từ sói chăng? Vì sao dân tộc Mông Cổ suốt đời sống trên lưng ngựa lại sùng bái sói, thờ tôtem sói?

Chó Ngao Độ Hồn

Chó Ngao Độ Hồn

Chó ngao là loài mãnh khuyển, hung hãn, tàn nhẫn, luôn mang nặng sát khí. Chính vì thế mà khi một chú chó ngao ra đời, người ta phải độ hồn cho nó bằng cách nhốt nó cùng một con cừu trong 49 ngày, để sự ôn hoà của cừu làm giảm bớt sát khí của chó ngao. Sau 49 ngày, nếu chó và cừu vẫn sống yên ổn nghĩa là đã độ hồn thành công, còn nếu không, chú chó ngao độ hồn thất bại là một loại sinh vật hoang dã và khát máu.

Man Hoảng là một chú chó ngao độ hồn thất bại. Mặc dù vậy, nó vẫn thể hiện đầy đủ những đức tính và khả năng của giống loài được đánh giá là loài chó săn nổi tiếng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những công việc giúp ích cho chủ nhân của mình trong công tác nghiên cứu, Man Hoảng khiến người ta ghê sợ vì sự lạnh lùng và độc ác của nó. Man Hoảng sẵn sàng lao vào người phụ nữ và đứa bé sơ sinh chỉ vì cô ta vô tình chọc giận nó. Man Hoảng có thể hành hạ một con lợn non cho đến chết trong nhiều giờ chẳng vì đói khát hay tức giận. Man Hoảng khiến chính chủ nhân của nó phải kinh sợ và căm ghét.

Nhưng rồi Man Hoảng được độ hồn, không phải bằng những ngày sống với con cừu ôn hoà, hay vì những ngày sống bên cạnh một ông chủ là nhà nghiên cứu động vật học. Man Hoảng được độ hồn bằng cái chết của một con hươu mẹ đã hy sinh thân mình để cứu lấy con hươu con mới sinh của mình. Thế là con chó ngao hung tợn, bướng bỉnh biến thành một chú chó nhà dũng cảm nhưng cũng đầy yêu thương với những người (và cả chú hươu nhỏ) bên cạnh. Một cái kết có hậu trong số ít câu chuyện của tập truyện Chó Ngao Độ Hồn.

Lấy chó và sói làm trung tâm, Chó Ngao Độ Hồn mở ra một thế giới khác trước mắt người đọc, một thế giới mà con người chỉ đại diện cho một loại sức mạnh chứ không còn là kẻ thống trị. Thế giới trong cuốn sách có những bà mẹ sói thông minh, yêu thương những đứa con của mình, nhẫn nhục chịu đựng chung sống với kẻ thù. Thế giới trong cuốn sách còn có ông chồng sói ngày ngày cõng bà vợ bị tàn tật đi săn và rồi cuối cùng, trước sức mạnh của con người, cả hai vợ chồng đều chết. Thế giới trong cuốn sách cũng có chú chó nhà bị hắt hủi, bị hiểu lầm, bị xua đuổi nhưng vẫn quay lại xả thân cứu chủ… Chiêm nghiệm thế giới ấy, con người đã phải thốt lên “Tôi cảm thấy mình nên đổi ngược vị trí cho Hoa Ưng. Tôi chỉ đáng làm một con chó, còn nó, hoàn toàn có tư cách làm một con người.”

Thẩm Thạch Khê đã viết, đã mô tả rất chân thực và sắc nét thế giới hoang dã mà trong đó ông chỉ là người kể chuyện đơn thuần. Xúc cảm của loài sói, của những chú chó hiện lên qua giọng văn rất người, với những trạng thái và hành động còn nhân bản hơn nhân tính gấp trăm lần. Có thế mới biết, trong giống loài mà con người đặt ở vị trí thấp hơn mình vẫn có những câu chuyện khiến con người rơi lệ và tìm cho mình những bài học quý giá, nhất là trong cuộc sống hiện đại xô bồ, khi mà giá trị vật chất xô đổ lương tri.

Lời kết

Những cuốn sách này không chỉ là nguồn kiến thức giá trị, mà còn mang đến cho bạn những câu chuyện thú vị và cái nhìn đa chiều vào cuộc sống của loài sói. Hãy bắt đầu việc tự khám phá và đắm chìm trong thế giới huyền bí của loài sói thông qua những cuốn sách đầy hấp dẫn này.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button