Kỹ năng mềm

NLP Căn Bản – Ngôn ngữ lập trình tư duy

Lời giới thiệu

Trong cuốn sách “NLP Căn Bản” này, hai nhà tâm lý học Joseph O’Connor và John Seymour trình bày rất đơn giản và dể hiểu những nguyên tắc cơ bản và công cụ của NLP – ngôn ngữ lập trình tư duy. Ở chương đầu, tác giả trình bày khá chi tiết và ví dụ dễ hiểu về Lập trình ngôn ngữ tư duy là gì. Cần phải hiểu và sử dung ngôn ngữ cơ thể một cách thuần thục để có thể gây ảnh hưởng đến người khác, tạo lập các mối quan hệ và bán hàng một cách hiệu quả nhất. Tony Buzan đã nhận xét rất hay về cuốn sách này: “NLP là một cách thức tiếp cận đầy giá trị và hấp dẫn về chủ đề học tập và giao tiếp. Cuốn sách này là một sự dẫn nhập tuyệt vời đi vào ngành nghiên cứu này”.

Ebook

File ebook hiện chưa có . Comment tại trang này email của bạn để Downloadsach gửi link ngay khi tìm kiếm được trên Internet. Gợi ý : Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Cuốn sách này giới thiệu và hướng dẫn về ngành khoa học được biết đến với cái tên Lập trình Ngôn ngữ Tư duy hay NLP. NLP là một môn nghệ thuật và khoa học về sự xuất chúng dựa trên nền tảng nghiên cứu cách những người xuất sắc nhất trong các lĩnh vực khác nhau đạt được những kết quả phi thường. Bất kỳ ai cũng có thể học những kỹ năng giao tiếp này để nâng cao hiệu quả cá nhân cũng như nghề nghiệp.

Cuốn sách mô tả rất nhiều mô hình của sự xuất chúng mà NLP đã xây dựng cho các chủ đề giao tiếp, kinh doanh, giáo dục và trị liệu. Cách thức tiếp cận rất thực tiễn, nó mang lại kết quả và đang ngày càng ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác trên thế giới.

NLP tiếp tục phát triển và khơi gợi thêm nhiều ý tưởng hơn. Chúng tôi, những tác giả, nhận thức được rằng trái với thực tế đó, sách vở thường mang yếu tố cố định và không thay đổi. Mỗi cuốn sách phản ánh tình trạng tương đối tại thời điểm được viết ra. Nó là một bức ảnh chụp nhanh về chủ thể. Tuy nhiên, chỉ vì một người sẽ thay đổi vào ngày mai không phải là lý do để không chụp bức ảnh ngày hôm nay.

Hãy coi cuốn sách này như một bước đệm giúp bạn tìm hiểu một lĩnh vực mới và tiếp tục hành trình khám phá thú vị trong suốt cuộc đời bạn. Cuốn sách chỉ đại diện cho những hiểu biết cá nhân của tác giả về NLP chứ không phải là ấn bản tuyệt đối hay chính thức. Một ấn bản như vậy sẽ không bao giờ tồn tại xét về bản chất của NLP. Đây là một cuốn sách giới thiệu do đó chúng tôi đã phải quyết định sẽ viết gì và không viết gì. Kết quả của cuốn sách chỉ là một trong những cách khả dĩ để sắp xếp tài liệu này.

NLP là mô hình trình bày cách thức con người cơ cấu những trải nghiệm trong cuộc sống của họ. NLP chỉ là một phương pháp để suy ngẫm và sắp xếp sự phức tạp tuyệt đẹp và kỳ diệu trong suy nghĩ và giao tiếp của con người. Chúng tôi hy vọng rằng với việc cả hai chúng tôi đều đóng góp vào cuốn sách này thì mô tả về NLP ở đây sẽ có chiều sâu hơn là khi chỉ có một tác giả viết. Chiều sâu chỉ có thể đạt được khi tập trung cả hai mắt vào một vật thể. Thế giới này sẽ phẳng nếu chỉ nhìn sự vật bằng một con mắt.

NLP đại diện cho một thái độ của tâm trí cũng như cách sống trong thế giới mà không thể đúc kết đầy đủ trong một cuốn sách, dù rằng vài ý ở đây có thể được nắm bắt thông qua việc đọc hiểu những ẩn ý. Ta tận hưởng những nốt nhạc tuyệt vời thông qua lắng nghe nó chứ không phải thông qua việc nhìn vào bản hợp âm.

NLP rất thiết thực. Nó là một bộ hình mẫu, kỹ năng và kỹ thuật để suy nghĩ và hành động hiệu quả. Mục tiêu của NLP là mang lại hiệu quả, gia tăng chọn lựa và nâng cao chất lượng cuộc sống. Những câu hỏi quan trọng nhất cho cuốn sách này là “Nó có hữu ích không? Nó có hiệu quả không?” Hãy tìm hiểu xem cái gì hữu ích và cái gì hiệu quả bằng cách áp dụng nó. Quan trọng hơn, hãy tìm hiểu xem cái gì không hiệu quả và thay đổi cho đến khi nó hiệu quả. Đó là tinh thần của NLP.

Mục tiêu của chúng tôi khi viết cuốn sách này là đáp ứng nhu cầu mà chúng tôi nhận thấy khi nói chuyện với rất nhiều những người có hứng thú với NLP. Chúng tôi đã vạch ra ý tưởng viết một cuốn sách cung cấp cái nhìn tổng quan về ngành học này. Cuốn sách sẽ chia sẻ với bạn đọc niềm hào hứng của chúng tôi đến từ những hiểu biết về cách thức con người suy nghĩ và những thay đổi nếu có thể. Cuốn sách tổng hợp hầu hết những kỹ năng, hình mẫu và kỹ thuật hữu ích nhất theo cách có thể sử dụng ngay như những công cụ để thay đổi trong một thế giới đang đổi thay. Nó cung cấp những hướng dẫn thực tiễn trong việc mua những cuốn sách về NLP khác để bạn có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê và ứng dụng NLP. Đồng thời nó còn hướng dẫn bạn chọn lựa những khóa học về NLP.

Mục tiêu này thường dễ khiến người ta thoái chí, vì sự hiển nhiên thường bị lảng tránh của NLP, do đó không ai trong hai chúng tôi đủ tự tin để vượt qua nó. Kết hợp nguồn lực của cả hai lại khiến chúng tôi trở nên can đảm hơn. Chúng tôi đạt được thành công bao nhiêu tùy thuộc vào việc bạn cảm thấy cuốn sách này hữu ích thế nào.

Chúng tôi đặc biệt khuyến khích bạn khám phá sâu hơn chủ đề NLP và sử dụng những ý tưởng đầy sức mạnh này với sự chính trực và tôn trọng dành cho chính bạn và cho người khác, để tạo ra nhiều cơ hội và hạnh phúc hơn trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của bạn, cũng như trong cuộc sống của những người khác.

Ban đầu chúng tôi dự tính dành một chương kể câu chuyện làm thế nào mọi người khám phá ra NLP và những kinh nghiệm ứng dụng NLP của chúng tôi. Nhưng ngay sau đó, chúng tôi nhận ra cách này không hiệu quả, kinh nghiệm cũ chỉ có giá trị giải trí mà không có nhiều tác động trực tiếp. Thay vào đó, theo tinh thần của NLP, chúng tôi hy vọng bạn sẽ tự tạo ra một chương riêng về những kinh nghiệm thú vị của bản thân trong việc ứng dụng NLP.

NLP được trải nghiệm tốt nhất là trong cuộc sống. Hãy đọc thực đơn và nếu bạn thích những gì bạn vừa đọc, hãy tận hưởng bữa ăn.

Một bức ảnh không bao giờ chỉ có một người.

Một bước đệm không phải là một cuộc hành trình.

Một bản hợp âm không phải là âm nhạc.

Không có ma thuật nào cả, chỉ có những nhà ảo thuật và nhận thức con người.

BUỔI HỘI THẢO 3 PHÚT

Nếu NLP được trình bày chỉ trong một buổi hội thảo 3 phút, nó sẽ như sau. Diễn giả sẽ đi ra và nói, “Kính thưa quý vị, để thành công trong cuộc sống, các bạn chỉ cần nhớ ba điều sau đây.”

“Đầu tiên, bạn cần biết mình muốn gì; có cái nhìn rõ ràng về kết quả bạn muốn đạt được trong bất kỳ tình huống nào.”

“Thứ hai, hãy tỉnh táo và giữ cho các giác quan luôn hoạt động để bạn có thể nhận ra mình đang làm những gì.”

“Thứ ba, hãy linh động thay đổi cái bạn làm cho đến khi đạt được điều bạn mong muốn.”

Sau đó, diễn giả sẽ viết lên bảng:

Kết quả

Sự nhanh nhạy

Sự linh động

và rời khỏi sân khấu.

Buổi hội thảo kết thúc.

Đầu tiên là kỹ năng nhận biết kết quả. Nếu bạn không biết mình đang đi đâu, thì sẽ rất khó để đến được nơi đó.

Một phần quan trọng của NLP là huấn luyện sự sắc sảo cảm nhận: bạn cần phải hướng sự chú ý đến cái gì và làm thế nào để thay đổi cũng như mở rộng những phễu lọc để có thể nhận biết được những điều mà trước đó bạn không nhận ra. Đây là nhận thức giác quan hiện tại. Khi giao tiếp với người khác, khả năng này giúp nhận ra những dấu hiệu nhỏ nhưng thiết yếu để biết mọi người đang phản ứng ra sao. Khi suy nghĩ hay nói cách khác là giao tiếp với chính bản thân bạn, khả năng này giúp nâng cao nhận thức về những hình ảnh, âm thanh và cảm xúc nội tâm.

Bạn cần nhanh nhạy hay nhạy cảm để nhận biết liệu điều bạn đang làm có hướng tới việc đạt được kết quả mong muốn không. Nếu điều bạn đang làm không hiệu quả, hãy làm điều khác, bất kỳ điều gì khác. Bạn cần lắng nghe, quan sát và cảm nhận xem điều gì đang diễn ra rồi chọn lựa cách thức phản ứng.

NLP hướng đến việc cho con người nhiều lựa chọn về điều họ làm hơn. Chỉ có một cách thực hiện điều gì đó có nghĩa là không có lựa chọn nào. Đôi khi nó hiệu quả đôi khi không, do đó bạn sẽ luôn ở vào những tình huống nan giải. Hai lựa chọn sẽ đặt bạn vào thế tiến thoái lưỡng nan. Thêm một lựa chọn nữa sẽ giúp bạn có ít nhất ba cách thức tiếp cận. Trong bất kỳ tương tác nào, người có nhiều lựa chọn nhất và linh động trong hành vi nhất sẽ là người làm chủ tình thế.

Nếu bạn luôn làm điều mà bạn luôn làm,

bạn sẽ luôn nhận được điều mà bạn luôn nhận.

Nếu điều bạn đang làm không hiệu quả, hãy làm điều gì khác.

Nhiều lựa chọn hơn đồng nghĩa với nhiều cơ hội thành công hơn.

Cách thức những kỹ năng này phối hợp hoạt động khá giống với những gì xảy ra khi bạn thuê một chiếc thuyền có mái chèo để khám phá một khúc sông. Bạn quyết định đó là nơi bạn muốn đến: kết quả ban đầu. Bạn bắt đầu chèo thuyền và nhận ra hướng đi: sắc sảo cảm nhận. Bạn so sánh nó với nơi bạn muốn đến và nếu đi sai đường thì bạn sẽ đổi hướng đi. Bạn lặp lại chu trình này cho đến khi đến đích.

Sau đó bạn đặt ra đích đến tiếp theo. Bạn có thể thay đổi kết quả tại bất kỳ thời điểm nào của chu trình, tận hưởng và học được điều gì đó trong chuyến đi. Đường đi của bạn nhiều khả năng sẽ ngoằn ngoèo. Hiếm khi có một con đường thẳng tắp và rõ ràng dẫn đến đích.

KẾT QUẢ

“Làm ơn chỉ cho tôi biết tôi nên đi hướng nào từ đây?”

“Điều đó còn tùy thuộc vào việc cô bé muốn đến đâu”, mèo con đáp.

“Tôi không quan tâm lắm…”, Alice phân trần.

“Vậy thì đi đâu cũng thế thôi”, mèo con đáp.

— Alice lạc vào xứ thần tiên, LEWIS CARROLL —

Hãy bắt đầu từ kết quả hoặc mục tiêu. Càng xác định chắc chắn và chính xác mình muốn gì và càng lập trình bộ não của mình tìm kiếm và nhận biết những khả năng tốt bao nhiêu thì bạn càng dễ dàng đạt được điều mình mong muốn bấy nhiêu. Cơ hội tồn tại khi nó được nhìn nhận nó là cơ hội.

Để sống cuộc sống bạn muốn, bạn cần biết mình muốn gì. Sống hiệu quả có nghĩa là đạt được những kết quả mà bạn đã chọn. Bước đầu tiên là phải lựa chọn. Nếu bạn không chọn, có hàng tá người sẵn sàng lựa chọn cho bạn.

Làm thế nào bạn biết mình muốn gì? Bạn hãy tự xác định. Có một vài quy tắc khi làm điều này để có được cơ hội thành công cao nhất. Theo ngôn từ của NLP, bạn chọn lấy một kết quả có đầy đủ cơ sở. Một kết quả có đầy đủ cơ sở dựa trên những tiêu chuẩn sau.

Đầu tiên, nó phải được tuyên bố một cách tích cực. Việc hướng đến cái bạn muốn dễ dàng hơn nhiều so với tránh xa cái bạn không muốn. Tuy nhiên, bạn không thể hướng đến cái gì đó nếu bạn không biết nó là gì.

Ví dụ, hãy suy nghĩ giây lát về loài kangaroo.

Bạn đang nghĩ đến con kangaroo phải không?

Tốt.

Giờ hãy dừng việc nghĩ về con kangaroo sau khi đọc xong dòng này.

Đừng để suy nghĩ về con kangaroo ở trong tâm trí bạn trong vòng một phút tiếp theo. Bạn có đang không nghĩ về con kangaroo không?

Giờ hãy nghĩ xem mình sẽ làm gì vào ngày mai…

Để loại bỏ con kangaroo ngoan cố đó, bạn phải nghĩ đến điều tích cực nào đó.

Mẹo nhỏ này hàm ý rằng bộ não chỉ hiểu được sự tiêu cực bằng cách biến nó thành tích cực. Để tránh né, bạn phải biết mình đang né tránh gì và hướng sự tập trung vào điều đó. Bạn phải suy nghĩ về nó để biết không nên nghĩ về cái gì cũng giống như bạn phải để mắt đến một vật thể để không tông phải nó. Cái bạn chống lại sẽ cứ tồn tại. Đây là một trong những lý do vì sao cai thuốc lá lại khó khăn đến thế – bạn cứ liên tục phải suy nghĩ về hút thuốc để có thể bỏ thuốc.

Thứ hai, bạn phải nắm quyền chủ động, kết quả phải nằm trong sự kiểm soát của bạn một cách chấp nhận được. Kết quả phụ thuộc chủ yếu vào hành động của những người khác thì không có cơ sở. Nếu người ta không phản ứng như cách bạn mong muốn, bạn sẽ bế tắc. Thay vào đó hãy tập trung suy nghĩ về những gì bạn cần làm để khơi gợi những phản ứng đó. Ví dụ, thay vì đợi người khác tiến đến làm quen với bạn, hãy nghĩ cách kết bạn với họ.

Hãy nghĩ về kết quả càng cụ thể càng tốt. Bạn sẽ nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy gì? Hãy tưởng tượng về nó và kể cho bản thân nghe hay viết ra dưới dạng ai, cái gì, ở đâu, khi nào và thế nào. Càng biết rõ mình muốn gì thì bộ não của bạn càng nhắc lại điều đó và nhận biết nhiều hơn những cơ hội để đạt được nó. Bạn muốn nó trong tình huống thế nào? Có tình huống nào bạn không muốn có không?

Làm thế nào bạn biết mình đã đạt được kết quả? Những bằng chứng nào dựa trên cảm nhận cho bạn biết bạn đã đạt được điều mình mong muốn? Bạn sẽ nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy gì khi đạt được nó? Một số kết quả có giới hạn quá mở đến nỗi cần vài đời người để đạt được. Bạn cũng có thể đặt ra thời hạn cần đạt được nó.

Bạn có những nguồn lực để khởi xướng và duy trì kết quả không? Bạn cần gì? Bạn đã có nó chưa? Nếu chưa, bạn sẽ có được nó bằng cách nào? Đây là vấn đề cần được khám phá xuyên suốt. Những nguồn lực này có thể là nội tại (những kỹ năng cụ thể hay tư duy tích cực) hoặc ở bên ngoài. Nếu bạn thấy cần phải có những nguồn lực bên ngoài, bạn có thể cần đặt ra những kết quả phụ để có được chúng.

Kết quả cần có giới hạn phù hợp. Nó có thể quá lớn và trong trường hợp đó cần chia nhỏ ra để biến nó thành những kết quả có thể dễ dàng đạt được hơn. Ví dụ bạn đạt ra mục tiêu trở thành tay vợt hàng đầu thế giới. Điều này hiển nhiên không thể trở thành hiện thực trong tuần sau, mục tiêu đó quá mơ hồ và dài hạn. Nó cần được chia nhỏ ra, do đó hãy tự hỏi bản thân, “Điều gì cản trở tôi đạt được mục tiêu này?”

Câu hỏi này sẽ cho ra một vài vấn đề rõ ràng. Ví dụ, bạn không có vợt tennis và bạn cần được huấn luyện bởi một tay vợt chuyên nghiệp. Sau đó, hãy chuyển hóa những vấn đề này thành các kết quả bằng cách hỏi bản thân, “Tôi có thể làm gì để giải quyết những vấn đề đó?” Tôi cần mua một cây vợt và tìm kiếm huấn luyện viên. Một vấn đề chỉ đơn giản là một kết quả bị nhìn nhận theo hướng sai lệch.

Kết quả rất lớn mà bạn mong muốn đạt được đòi hỏi bạn phải trải qua quá trình này nhiều lần để tìm ra bước đầu tiên cần làm có kích thước hợp lý và có thể đạt được. Ngay cả những chuyến đi dài nhất cũng phải bắt đầu với bước đầu tiên (tất nhiên là theo hướng đúng).

Mặt khác, kết quả có thể quá nhỏ và vụn vặt để thúc đẩy bạn. Ví dụ, tôi có thể đặt mục tiêu dọn dẹp phòng làm việc của mình, một công việc rất nhỏ nhặt và không quá hứng thú. Để mang đến sinh lực cho việc này, tôi cần bịa ra một sự liên kết với một kết quả lớn hơn, quan trọng hơn, mang tính thúc đẩy hơn. Tôi hỏi bản thân, “Nếu tôi đạt được kết quả này, nó sẽ mang lại gì cho tôi?” Trong ví dụ này, nó có thể là bước cần thiết nhằm tạo ra một môi trường làm việc để làm việc gì đó khác thú vị hơn nhiều. Sau khi thiết lập mối liên kết đó, tôi có thể giải quyết mục tiêu nhỏ này với nguồn sinh lực từ mục tiêu lớn hơn.

Vòng cuối cùng của việc chọn lựa kết quả là xét đến yếu tố môi trường. Không ai tồn tại biệt lập cả; tất cả chúng ta đều là một phần của những hệ thống lớn hơn, gia đình, công việc, bạn bè, các mối quan hệ và xã hội nói chung. Bạn cần cân nhắc hệ quả của việc đạt được kết quả này trong bối cảnh các mối quan hệ rộng lớn kia. Liệu có hậu quả phụ nào không mong muốn không? Bạn sẽ phải đánh đổi điều gì để đạt được kết quả đó?

Ví dụ bạn muốn công việc tự do. Điều này sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn và do đó bạn có ít thời gian dành cho gia đình hơn. Đạt được một hợp đồng lớn có thể sẽ chiếm nhiều thời gian đến nỗi bạn không thể làm việc một cách hiệu quả được. Hãy chắc rằng kết quả hài hòa với tổng thể con người bạn. Kết quả không phải là việc đạt được những gì bạn muốn trong sự thiệt hại của những người khác. Những kết quả có giá trị và thỏa mãn nhất đạt được thông qua thỏa thuận và hợp tác để có được những kết quả chung giúp mọi người đều chiến thắng. Cách này tự động sẽ giải quyết vấn đề môi trường.

Những vấn đề này có thể khiến bạn phải suy ngẫm lại kết quả mình mong muốn hay đổi sang một kết quả khác với cùng ý định nhưng không tạo ra những hậu quả phụ không mong đợi. Một ví dụ kinh điển về chọn lựa kết quả phi môi trường là câu chuyện vua Midas – người mong muốn tất cả mọi thứ mình chạm vào đều biến thành vàng. Vị vua này đã nhanh chóng nhận ra rằng khả năng đó rõ ràng là một của nợ.

Tổng kết về kết quả

Bạn có thể nhớ từ viết tắt “POSERS – kiểu ảnh”, mỗi chữ cái trong từ này là chữ cái đầu của các bước.

Positive (tích cực)

Hãy nghĩ đến điều bạn muốn chứ đừng nghĩ đến điều bạn không muốn.

Đặt câu hỏi: “Tôi muốn có cái gì?”

“Tôi thực sự muốn cái gì?”

Own part (tự thân)

Hãy nghĩ về điều bạn sẽ chủ động làm trong khả năng của mình.

Đặt câu hỏi: “Tôi sẽ làm gì để đạt được kết quả?”

“Làm thế nào để tôi bắt đầu và duy trì nó?”

Specific (cụ thể)

Hãy hình dung về kết quả càng cụ thể càng tốt.

Đặt câu hỏi: “Ai, ở đâu, khi nào, cái gì và cụ thể là làm thế nào?”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button