
10 cuốn sách ngắn và hay này ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc về tự nhiên và con người mà bạn phải đọc ít nhất một lần trong đời.
Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối

Liệu những con đường ta qua thời tuổi trẻ có thực sự là đường vòng? Hay chỉ đơn giản là một đường thẳng, dẫn về phía nội tâm?
Tuổi trẻ là một khối dồn nén. Nó có sức phá hoại đến nỗi, vào một thời điểm những tưởng đã quay lưng với cuộc đời, ta chợt nhìn lại và thấy vần vũ quanh mình những gương mặt, mối tình, những lần gặp gỡ, các cảm xúc chân thực và sống động như dao cứa. Đó là tình cảnh của Roland, nhân vật tuy xuất hiện về cuối trong “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” (Trần Bạch Lan dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học) nhưng lại là mắt xích giải đáp cho mớ ngổn ngang còn lại. Một ngày bước qua quán cà phê La Condé thời xưa cũ rồi nhận ra quán đã đổi thành một cửa hiệu khác, Roland tái dựng ký ức về một cô gái mà anh đã gặp, đã yêu và đánh mất.
Cuốn tiểu thuyết mỏng của Patrick Modiano, khôi nguyên giải Nobel văn chương 2014, được chia thành nhiều giọng kể: một cựu sinh viên trường mỏ, một thám tử chuyên nghiệp, nữ nhân vật chính và Roland-người tình. Từng người kể chuyện tiến vào những vùng của bóng râm. Câu chuyện mở ra bằng việc Jacqueline Delanque, tên thường gọi là Louki, biến mất khỏi cuộc hôn nhân, rong ruổi ở Paris và để lại sau lưng một tấm màn bí ẩn, thêu dệt xung quanh một nhóm bạn vốn là khách quen ở quán cà phê Le Condé.
Ngay từ giọng kể đầu tiên, người kể đã bị ám ảnh bởi những bóng ma xung quanh một ký ức “tập trung” về những năm 1960 (tác phẩm ra đời 40 năm sau sự kiện tháng Năm 1968). Một giọng vô danh nhưng là hiện thân của tác giả với vai trò định vị không thời gian, tiết lộ những bí ẩn về nhóm khách năng lui tới quán Le Condé (“sống một cuộc đời lưu đãng, không phép tắc và cũng không đoái hoài tới ngày mai”).
Bột Mì Vĩnh Cửu

Bột mì vĩnh cửu là sản phẩm “tự nở” bước ra từ phòng nghiên cứu của một nhà bác học đầy tâm huyết với quê hương. Để thử nghiệm, ông đưa cho một người đánh cá nghèo sử dụng với những lời căn dặn cẩn mật. Tuy nhiên, sáng chế chưa hoàn chỉnh của ông đã bị những người đánh cá nghèo sử dụng vô tội vạ, bị bọn đầu cơ trục lợi… và cuối cùng trở thành một thảm họa đe dọa sự tồn vong của toàn nhân loại. Nhà bác học phải đau đầu tìm cách hủy đi phát minh của mình, trong sự sục sôi căm hận của những người từng tung hô mình lên mây xanh…
Ai Lấy Miếng Pho Mát Của Tôi

Câu chuyện kể về hai chú chuột và hai con người tí hon cùng chung sống trong một mê cung rộng lớn luôn tất bật đi tìm những miếng phó mát để nuôi sống mình và để cảm thấy hạnh phúc. Hai chú chuột Đánh Hơi và Nhanh Nhẹn chỉ có bộ não đơn giản của loài gặm nhắm, vốn không có óc phân tích và phán đoán, nhưng chúng lại có bản năng rất nhanh nhạy và sắc sảo. Như các con chuột khác, chúng đặc biệt rất thích pho mát và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có pho mát.
Trong khi đó, Chậm Chạp và và U Lì là những con người tí hon – một sinh vật cũng nhỏ như chuột nhưng có hình dạng và cách suy nghĩ giống như con người bây giờ. Họ dùng khả năng tư duy và trí thông minh vốn có của loài người để tìm ra những loại phó mát đặc biệt. Cho đến một ngày kia, cả bốn nhân vật phải đối mặt với sự thay đổi, một biến cố khủng khiếp: Đó là toàn bộ số pho mát trong kho của họ đã biến mất. Và mỗi nhân vật có những phản ứng khác nhau tùy theo tính cách riêng của mỗi người.
Chúng ta phải chuẩn bị tâm lý, tư thế sẵn sàng để ứng phó với những thay đổi và hãy tham gia cùng với sự thay đổi, vứt bỏ cái cũ và mạnh dạn làm những gì mình có thể; nếu không tự mỗi người sẽ tự hủy hoại cơ hội tồn tại của mình.
Lời Vàng Của Bố

Cuốn sách này sẽ giúp độc giả hình dung về cuộc sống gia đình người Mỹ trung lưu, không phải cuộc sống trong phim ảnh, mà là cuộc sống thật với vô vàn khó khăn của nó. Đó là các nhà biên kịch tương lai làm bồi bàn trong nhà hàng, và chuyên gia trong lĩnh vực “dược phẩm hạt nhân” làm việc cật lực hàng ngày tới tận tối khuya với rất nhiều áp lực.
Cuốn sách này có lẽ cũng sẽ là bằng chứng cho việc công nghệ thông tin hiện đại không khiến cho cha mẹ và con cái cách biệt, mà nó đã san bằng những khoảng trống còn chưa được hiểu hết về nhau trong mối quan hệ đó. Đồng thời, cuốn sách còn là cây cầu nối văn hóa ra thế giới bên ngoài, có thể, qua đó sẽ có nhiều cặp cha-con hiểu nhau hơn.
Và điều cuối cùng, những người làm sách muốn chuyển đến cho bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi một nhãn quan trung thực khi suy xét mọi vấn đề trong cuộc sống. Chúng ta phải làm việc chăm chỉ, nỗ lực không ngừng, lắng nghe và suy nghĩ, trung thực và tận tâm, quan sát cẩn thận mọi thứ xung quanh, và đối xử tử tế với những người xứng đáng được như thế.
Người Xa Lạ

Người xa lạ của Albert Camus được khởi thảo năm 1938, hoàn tất năm 1940 và xuất bản lần đầu năm 1942. Tiểu thuyết khắc họa chân dung nhân vật Meursault trong khoảng thời gian kể từ ngày mẹ của Meursault chết ở trại tế bần dành cho người già cho đến gần cái chết của chính anh ta. Cuốn sách được chia thành 2 phần với 11 chương, với kiểu tự thuật về cuộc đời của nhân vật tôi – Meursault, một nhân viên thư ký lãnh việc gửi hàng hóa. Anh ta sống cô độc, nhận được tin mẹ mất, “Mẹ đã chết hôm nay. Hay là hôm qua nhỉ, tôi không rõ.” Anh ta đi dự đám tang, rồi lại tới sở làm, đi bơi, xem xi-nê,… đi chơi với người yêu và giết người tại bãi biển. Meursault bị lên án vì không có biểu hiện của một người con mất mẹ (không thăm mẹ thường xuyên, không đau khổ, không nhìn mặt mẹ lần cuối, uống cà phê và hút thuốc trước quan tài người chết, ngủ trong khi canh linh cữu, xem phim hài và hành động yêu đương chỉ một ngày sau khi mẹ mất…), bị công tố viên buộc tội vì “đã chôn cất bà mẹ bằng trái tim của một kẻ sát nhân.” Câu chuyện mở đầu bằng cái chết, phân tách hai phần bằng cái chết và kết thúc bằng một án tử hình.
Qua Người xa lạ, Camus đã tạo nên một nhân vật Meursault hoàn toàn xa lạ với chính mình, với thế giới, với cái chết, với tình yêu và với mọi mối quan hệ xã hội. Trong sự vô nghĩa của đời sống con người, trên con đường đến với cái chết treo lơ lửng, Meursault đã đi qua Vô thức, Tỉnh thức và cuối cùng là Nổi loạn (Phản kháng).
Không Theo Lối Mòn

Bạn là một đứa trẻ 4 tuổi bỗng nhiên được cho 1 cái kẹo với lời nói: “Nếu con cố gắng giữ không ăn cái kẹo trong vòng 15 phút thì con sẽ được thêm 1 cái kẹo nữa.” Bạn sẽ lựa chọn thế nào? Ăn ngay hay cố gắng chờ đợi?
Theo kết quả một thử nghiệm, nhiều năm sau, khi tìm lại những đứa trẻ đã tham gia thử nghiệm trên, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những đứa trẻ đã từng để dành kẹo, cố đợi 15 phút nữa là những đứa trẻ thành công và giàu có hơn những đứa trẻ khác.
Trên thế giới này, không thiếu những người thông minh nhưng tại sao họ lại chỉ là những anh tài xế bình thường trong khi những người khác – cũng thông minh như họ, lại đường hoàng là một ông chủ? Không Theo Lối Mòn là một cuốn sách nói về bí quyết để giành lấy thành công, đồng thời lý giải sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Đó là sự chờ đợi và kiên nhẫn trước những lợi ích tức thời.
Một lời khuyên khác Không Theo Lối Mòn dành cho độc giả. Điều cốt yếu chính là hiện tại, bạn đang làm gì để tương lai thu được nhiều giá trị hơn với bản thân mình thay vì cứ tiếc nuối một quá khứ đã ăn mất kẹo.
Hóa Thân

“Một sáng tỉnh giấc sau những giấc mơ xáo động, Gregor Samsa, nằm trên giường, nhận thấy mình đã biến thành một con côn trùng khổng lồ. Anh nằm ngửa trên cái lưng rắn như thể được bọc giáp sắt, và khi dợm nhấc đầu lên, anh nhìn thấy bụng mình khum tròn, nâu bóng, phân chia làm nhiều đốt cong cứng đờ, tấm chăn bong đắp trên bụng đã bị xô lệch, gần tuột hẳn. Chân anh nhiều ra, mảnh khảnh đến thảm hại so với phần còn lại của thân hình to đùng, vung vẩy bất lực trước mắt anh.”
Ghi Chép Dưới Hầm

Nếu Dostoyevsky tiếp tục trở thành một nhà văn, như Shakespeare, làm thay đổi nhận thức của chúng ta về con người, thì góc nhìn mới mẻ này bắt đầu trỗi dậy chính ở trong Bút ký dưới hầm, và nếu xem xét kỹ, chúng ta có thể thấy khám phá của ông vĩ đại như thế nào. Thất bại và bất hạnh đã khiến Dostoyevsky ở cách rất xa những người chiến thắng tự mãn và thế giới tinh thần của những kẻ kiêu hãnh, và ông bắt đầu cảm thấy giận dữ trước các trí thức phương Tây coi thường nước Nga. Nhưng dù muốn tranh cãi với khuynh hướng Tây hóa, ông vẫn là một sản phẩm của nền giáo dục và nuôi dưỡng theo kiểu phương Tây và vẫn thực hành một nghệ thuật phương Tây, nghệ thuật tiểu thuyết. Bút ký dưới hầm được sinh ra từ khao khát muốn viết một câu chuyện trong đó nhân vật đi qua mọi trạng thái tinh thần và ý thức, hoặc một mong ước khẩn thiết sáng tạo ra một nhân vật và một thế giới có thể giữ mọi mâu thuẫn này với nhau một cách thuyết phục.
Khi thoạt tiên ngồi xuống viết, tác giả không biết tác phẩm của mình sẽ dẫn đến đâu. Nhưng nếu ngày nay chúng ta chấp nhận rằng muốn đón nhận cái mùi của mình, rác rưởi của mình, thất bại của mình, nỗi đau của mình cũng là chuyện có thể xảy ra – nếu ta hiểu rằng việc thích bị hạ nhục cũng hợp logic – thì tức là chúng ta mắc nợ Bút ký dưới hầm. Chính từ sự lẫn lộn yêu ghét u ám và đọa đày của Dostoyevsky – sự gần gũi của ông với tư tưởng châu Âu và sự giận dữ của ông đối với tư tưởng ấy, những khao khát ngang bằng và đối lập nhau vừa muốn thuộc về châu Âu vừa chối từ nó – mà tiểu thuyết hiện đại tìm ra nguồn sáng tạo; và thật khuây khỏa biết bao khi nhớ chuyện là như thế.” (Orhan Pamuk, Những màu khác, Lâm Vũ Thao dịch, Nxb Văn học, 2013)
Tiếng Gọi Của Hoang Dã

Tiếng gọi của hoang dã là một tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Jack London. Cốt truyện kể về một con chó tên là Buck đã được thuần hóa, cưng chiều. Nhưng một loạt các sự kiện xảy ra khi Buck bị bắt khỏi trang trại để trở thành chó kéo xe ở khu vực Alaska lạnh giá, trong giai đoạn mọi người đổ xô đi tìm vàng thế kỷ 19, thiên nhiên nguyên thủy đã đánh thức bản năng của Buck. Buck trở lại cuộc sống hoang dã, trở về rừng và sống chung với lũ sói.
Ông Già Và Biển Cả

Ông Già Và Biển Cả (tên tiếng Anh: The Old Man and the Sea) là một tiểu thuyết ngắn được Ernest Hemingway viết ở Cuba năm 1951 và xuất bản năm 1952. Tác phẩm là truyện ngắn dạng viễn tưởng và là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn, đoạt giải Pulitzer năm 1953.
Nhân vật trung tâm của các phẩm là một ông già đánh cá người Cu-ba, người đã chiến đấu trong ba ngày đêm với con cá kiếm khổng lồ trên vùng biển Giếng Lớn khi ông câu được nó. Sang ngày thứ ba, ông dùng lao đâm chết được con cá, buộc nó vào mạn thuyền và lôi về nhưng đàn cá mập đánh hơi thấy và lăn xả tới, ông lại đem hết sức tàn chống chọi với lũ cá mập, phóng lao, thậm chí cả mái chèo để đánh chúng. Ông giết được nhiều con, đuổi được chúng đi, nhưng con cá kiếm của ông chỉ còn trơ lại một bộ xương khổng lồ. Ông lão trở về khi đã khuya, đưa được thuyền vào cảng, về đến lều, ông nằm vật xuống và chìm vào giấc ngủ, mơ về những con sư tử.
Anders Österling, Thư ký thường trực Viện hàn lâm Thụy Điển đã đánh giá về tác phẩm: “Trong khuôn khổ một câu chuyện giải trí mở ra bức tranh xúc động về số phận con người; câu chuyện là lời ngợi ca tinh thần tranh đấu của con người, không quy phục cho dù không đạt được thắng lợi vật chất, là lời ngợi ca chiến thắng tinh thần ngay cả khi bại trận. Vở kịch diễn ra ngay trước mắt chúng ta, từng giờ từng giờ một, các chi tiết gay cấn ngày một dồn dập và ngày càng chất nặng ý nghĩa. “Nhưng con người sinh ra không phải là để thất bại” – cuốn sách nói – “Con người có thể bị tiêu diệt chứ không thể bị đánh bại”. Nguyên lý “tảng băng trôi” – một phần nổi, bảy phần chìm – được tác giả sử dụng triệt để trong tác phẩm, tạo nên một mạch ngầm văn bản với các lớp nghĩa chưa được phô bày. Tác phẩm là bản anh hùng ca ca ngợi sức lao động và khát vọng của con người.
Văn phong của Hemingway giản dị, trong sáng, ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc về tự nhiên và con người. chất liệu sống ngồn ngộn, độc thoại nội tâm, tình huống biến hóa, căng thẳng, đa nghĩa và đa thanh.
Downloadsach
Related Posts: