Kỹ năng mềm

Hạt Giống Tâm Hồn Tập 7 – Những Câu Chuyện Cuộc Sống

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nhiều tác giả

Download sách Hạt Giống Tâm Hồn Tập 7 – Những Câu Chuyện Cuộc Sống ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Nghệ thuật sống đẹp

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Tôi là một người may mắn!

Sống trong một thế giới đầy biến động, với những cuộc khủng hoảng, chết chóc và thở than, tôi thấy mình thật may mắn khi hàng ngày được gặp gỡ với rất nhiều cá nhân trên khắp thế giới. Họ là những người đã dùng cuộc sống của mình để chứng minh rằng thế giới quanh ta vẫn thật đáng quý, đáng yêu.

Giữa lúc chúng ta phải nghe quá nhiều những vụ bê bối của các doanh nghiệp và tình trạng suy đồi đạo đức trong kinh doanh, tôi thấy mình thật may mắn khi quen biết nhiều nhà lãnh đạo cấp quốc gia, chủ tịch các tập đoàn và các tư vấn viên đạo đức, liêm chính.

Sống trong thế kỷ khi mà tội ác, chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh luôn rình rập, đe dọa, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được làm việc cùng các nhà hành pháp, các chuyên gia trong lĩnh vực quân sự, các nhà lãnh đạo, các giáo sư bác sĩ sẵn lòng cống hiến cho mọi người.

Sống trong thời đại khi mà tình phụ tử và mối ràng buộc gia đình đang bị đe dọa nghiêm trọng, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi biết những người cha tận tụy, những người mẹ bao dung đang từng ngày từng đêm nỗ lực hết sức mình cho sự lớn khôn cả về thể chất lẫn tâm hồn của con cái. Và trong một kỷ nguyên nơi trường học và giới trẻ tồn tại đầy những tệ nạn xã hội, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được gần gũi những giáo viên nhiệt tâm, những thanh niên tài năng, tất cả đều giàu có cả về tri thức và tấm lòng, hàng ngày họ vẫn đang miệt mài tạo nên sự thay đổi – theo một cách riêng.

Quả thực, tôi cảm thấy mình may mắn khi có cơ hội gặp gỡ những con người như thế trên mọi nẻo đời. Chính họ đã mang đến cho tôi niềm tin rằng ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này vẫn luôn hiện diện những con người giàu lòng nhân hậu, không ngừng dấn thân, cống hiến cho đời. Họ chính là nguồn cảm hứng bất tận của tôi. Và tôi đang muốn truyền nguồn cảm hứng đó đến bạn qua tập sách này.

Mà rất có thể, bạn cũng là một người trong số họ.

– STEPHEN R. COVEY

Lễ vật thách cưới

Khi được tôn trọng, người ta thường cảm thấy tự tin hơn để bộc lộ những tiềm năng chưa được khai phá trong con người mình.

– Stephen Covey

Trong chuyến đi tới Kiniwata, một hòn đảo ở Thái Bình Dương, tôi đã mang theo mình một cuốn sổ nhỏ để ghi lại những sự kiện đáng nhớ. Khi trở về, cuốn sổ đầy ắp những mô tả sinh động về hệ thực vật và động vật cùng những phong tục và phục trang của người dân bản địa. Nhưng ghi chú khiến tôi thích thú nhất chính là: “John Lingo đã trao tám con bò cho cha của Sarita”. Tôi không cần phải viết nhiều về việc này, nhưng chỉ cần bắt gặp bất cứ một hành động coi thường hay ghẻ lạnh nào của người vợ đối với chồng hoặc ngược lại, là câu chuyện ấy liền hiển hiện trước mắt tôi. Những lúc như thế, tôi chỉ muốn hét lên với họ: “Này, hãy nhìn Johnny Lingo đi! Nếu các người biết tại sao Johnny trả tám con bò cho vợ của anh ấy thì các người sẽ không làm như vậy!”.

Johnny Lingo không phải là tên thật của chàng thanh niên đó. Nhưng đó là cái tên mà Shenkin – người quản lý khu nhà nghỉ ở Kiniwata, đã gọi anh ta. Shenkin quê ở Chicago và thường có thói quen Mỹ hóa tên của người dân trên hòn đảo này. Tôi biết đến Johnny nhờ sự giới thiệu của nhiều người với nhiều mối quan hệ khác nhau. Nếu tôi muốn nghỉ ngơi một vài ngày trên hòn đảo láng giềng ở Nurabandi thì Johnny Lingo có thể đưa tôi tới đó. Nếu tôi muốn câu cá thì anh ta có thể chỉ cho tôi nơi nào câu trúng nhất. Nếu tôi kiếm được ngọc trai thì anh ta có thể giới thiệu cho tôi những người mua tốt nhất. Người dân ở Kiniwata đều nói tốt về Johnny Lingo. Tuy nhiên khi nói, họ thường kèm theo một nụ cười mỉm, và tôi hiểu trong nụ cười ấy chứa đựng một sự giễu cợt. – Hãy để Johnny Lingo giúp cậu tìm thứ cậu muốn và hãy để cậu ấy mặc cả giúp. Johnny luôn biết cách thương lượng. – Shenkin khuyên tôi.

– Johnny Lingo! – Một cậu bé nhắc tên anh ra rồi phá lên cười.

– Thế nghĩa là thế nào? Ai cũng chỉ tôi tới Johnny Lingo nhưng rồi họ lại cười phá lên. Các anh định đùa tôi đấy à? – Tôi thắc mắc. – Ồ, những người ở đây thích cười mà.

Johnny là thanh niên sáng sủa và mạnh mẽ nhất ở vùng đảo này, không những thế, anh ta còn là người giàu nhất vào tầm tuổi đó. – Nhưng nếu anh ta tốt như các anh vẫn nói thì các anh cười vì điều gì?

– Chỉ một điều thôi. Năm tháng trước, vào dịp lễ hội mùa thu, Johnny đã tới Kiniwata để tìm vợ. Anh ta đã trả cho cha cô gái ấy tám con bò!

May mà tôi có đủ vốn hiểu biết về phong tục của hòn đảo này nên hiểu ý nghĩa của lời nói trên. Để cưới một người vợ kha khá, người dân ở đây chỉ cần nộp hai hoặc ba con bò cho nhà vợ là đủ, còn bốn đến năm con bò có thể giúp họ lấy được một cô vợ vừa đẹp vừa khéo léo.

– Trời. Tám con bò cơ à? Thế thì cô ấy chắc phải sắc nước hương trời lắm nhỉ! – Tôi tò mò.

– Cô gái ấy không xấu. Nhưng chỉ những người tế nhị nhất mới có thể nói Sarita là một cô gái không hấp dẫn. Sam Karoo – cha của cô ấy, còn lo là cô ta sẽ ế chồng. – Anh ấy giải thích với một nụ cười mỉm.

– Vậy anh ta vẫn trả tám con bò cho cô ấy à? Đúng là một điều kỳ lạ nhỉ?

– Trước đây chưa từng có lễ vật nào cao đến thế.

– Nhưng anh đã nói là vợ của Johnny không có chút hấp dẫn nào mà?

– Tôi nói là chỉ những người tế nhị nhất mới có thể gọi cô ấy là một cô gái không hấp dẫn. Cô ấy quá gầy. Cô ấy bước đi trong khi vai thì khom khom, đầu thì luôn cúi gằm. Cô ấy sợ cả cái bóng của mình.

– À, có lẽ tình yêu làm mờ lý trí con người đây mà. – Tôi nói.

– Đúng đấy. Đó cũng là lý do tại sao dân làng lại cười mỗi lần nói về Johnny. Họ buồn cười vì thương nhân sắc sảo nhất ở vùng đảo này lại thua ông già Sam Karoo ngờ nghệch.

– Nhưng làm thế nào mà ông ấy làm được như thế?

– Không ai biết cả, thế nên người ta càng nghi ngờ và suy đoán này nọ. Tất cả họ hàng đều bảo Sam đòi ba con bò thôi, rồi sau đó giảm xuống hai con cho tới khi chắc chắn là Johnny sẽ trả một con. Nhưng Johnny đã tới và nói với Sam Karoo rằng: “Thưa cha, con đồng ý dâng lễ vật là tám con bò cho con gái của cha”.

– Tám con bò. Tôi muốn gặp anh chàng Johnny Lingo này rồi đây! – Tôi xuýt xoa.

Lúc này tôi đang muốn câu cá và tìm ngọc trai, vì thế ngay buổi chiều ngày hôm sau, tôi cho tàu tới Nurabandi. Và tôi thực sự ngạc nhiên khi tôi nhắc tới Johnny lúc hỏi đường tới nhà anh, người dân ở làng Nurabandi không hề cười như những người khác. Sau đó, tôi gặp một người thanh niên dáng mảnh khảnh và điềm đạm, anh nhã nhặn mời tôi tới nhà anh. Thật lòng, tôi cảm thấy mừng cho Johnny vì người dân nơi đây đánh giá cao anh ấy chứ không có chút gì là mỉa mai. Chúng tôi ngồi trong nhà anh và nói chuyện. Rồi anh hỏi tôi:

– Anh từ Kiniwata tới à?

– Vâng.

– Trên hòn đảo đó họ vẫn xôn xao về tôi đúng không?

– Họ nói rằng chẳng có thứ gì tôi muốn mà anh lại không giúp được cả.

Anh ấy cười hiền lành.

– Vợ tôi cũng là người ở Kiniwata.

– Vâng, tôi biết.

– Họ cũng nói về cô ấy à?

– Chút ít thôi.

– Họ nói gì?

– À, tại sao… – Câu hỏi ấy khiến tôi hơi ngượng nghịu. – Họ kể với tôi rằng anh và cô ấy kết hôn đúng vào hôm lễ hội.

– Không còn gì khác nữa chứ? – Cái nhướn mày của Johnny mách bảo tôi rằng anh ta biết chắc người ta còn nói nhiều nữa.

– Họ còn nói là đồ thách cưới của anh là tám con bò. Họ chỉ băn khoăn là tại sao. – Tôi ngừng lại. – Họ hỏi như vậy à? Người dân ở Kiniwata ai cũng biết về chuyện tám con bò à? – Đôi mắt anh ấy sáng lên vui sướng.

Tôi gật đầu.

– Và mọi người dân ở Nurabandi cũng biết thế. Bây giờ và cả mai sau, mỗi khi họ nói về lễ vật thách cưới, chắc chắn họ sẽ nhớ tới việc Johnny Lingo đã trả tám con bò cho Sarita. – Johnny nói rồi ưỡn ngực tự hào.

“Thì ra đây chính là câu trả lời”, tôi thầm nghĩ.

Và rồi tôi nhìn thấy người phụ nữ ấy. Tôi quan sát cô bước vào căn phòng và đặt một lọ hoa lên bàn. Cô ấy đứng đó một lúc rồi mỉm cười với chàng thanh niên trẻ đang ngồi cạnh tôi. Sau đó cô ấy nhẹ nhàng bước ra. Cô ấy là người phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng thấy. Bờ vai thon thả, cái cằm nghiêng nghiêng, đôi mắt sáng long lanh. Tất cả đều toát lên niềm kiêu hãnh mà không ai có thể phủ nhận.

Tôi quay sang Johnny Lingo và thấy anh ta cũng đang nhìn tôi.

– Anh cũng ngưỡng mộ cô ấy ư? – Johnny thì thầm.

– Cô ấy… cô ấy thật kiều diễm. – Tôi nói. – Chỉ có duy nhất một Sarita thôi. Có lẽ cô ấy không giống như cách họ miêu tả về cô ấy ở Kiniwata.

– Đúng thế. Tôi được nghe kể rằng cô ấy không hấp dẫn. Tất cả bọn họ đều cười anh vì anh đã bị Sam Karoo lừa phỉnh.

– Anh nghĩ tám con bò có quá nhiều không? – Anh cười hỏi.

– Không. Nhưng tại sao cô ấy có thể thay đổi như vậy?

– Anh có bao giờ nghĩ đến cảm giác của một người phụ nữ khi họ biết rằng người chồng tương lai đã trả một cái giá thấp nhất để có được họ không? Và sau đó, khi những người phụ nữ trò chuyện với nhau, họ sẽ hãnh diện khoe khoang về giá trị vật thách cưới mà họ được trả. Một người sẽ nói là bốn con bò, người khác là sáu. Người phụ nữ chỉ được trả một hoặc hai con bò ấy sẽ cảm thấy thế nào? Điều đó không thể xảy ra với Sarita của tôi.

– Hóa ra anh làm thế chỉ vì muốn cô ấy vui thôi sao?

– Dĩ nhiên là tôi luôn muốn Sarita hạnh phúc. Nhưng điều tôi muốn còn nhiều hơn thế.

Anh nói cô ấy đã khác đi. Đúng thế. Nhiều thứ có thể khiến một người phụ nữ thay đổi. Những yếu tố đó có thể đến từ bên trong cũng có thể xuất phát từ bên ngoài. Nhưng điều quan trọng nhất là cô ấy nghĩ gì về bản thân. Ở Kiniwata, Sarita luôn tự ti rằng mình chẳng là gì cả.

Nhưng bây giờ cô ấy đã hiểu rằng cô ấy có giá trị hơn bất cứ người phụ nữ nào ở vùng đảo này. – Vậy anh muốn…

– Tôi muốn cưới Sarita. Tôi yêu cô ấy chứ không phải một người phụ nữ nào khác.

– Nhưng… – Tôi chợt hiểu ra.

– Nhưng tôi muốn một người vợ với vật thách cưới là tám con bò! – Johnny đáp nhẹ nhàng với cái nháy mắt hóm hỉnh.

– Patricia McGerr

ĐỌC THỬ

Vang vọng của đất trời

Một người thì thầm: “Cuộc sống ơi, sao không nói gì với tôi vậy?”. Và đúng lúc đó, một chú sáo cất tiếng hót. Đó chẳng phải là tiếng nói của cuộc sống sao? Nhưng anh ta đã không nghe thấy.

Một người thì thầm: “Cuộc sống ơi, hãy nói gì với tôi đi chứ!”. Và cùng lúc, một tiếng sấm nổ vang trời. Đó chẳng phải là sự trả lời của cuộc sống sao? Nhưng anh ta cũng không nghe thấy.

Một người nhìn quanh và nói: “Cuộc sống ơi, sao chẳng bao giờ tôi nhìn thấy cuộc sống?”. Và lúc đó bỗng nhiên có một vì sao lóe sáng. Đó chẳng phải là anh sáng của cuộc sống hay sao? Nhưng anh ta không để ý thấy.

Một người kêu lên: “Cuộc sống ơi, tôi muốn có một điều kỳ diệu!”. Và một đứa trẻ được sinh ra đời. Đó chẳng phải là một điều kỳ diệu sao? Nhưng anh ta không hay biết.

Một người thất vọng thốt lên: “Cuộc sống ơi, hãy chạm vào tôi. Hãy cho tôi biết là người vẫn ở đâu đây và có thể bảo vệ tôi”. Một giọt nước trên lá cây rơi xuống vai anh ta. Đó chẳng phải là cuộc sống đã nhẹ nhàng chạm vào anh ta đó sao? Nhưng anh ta lau giọt nước và bỏ đi.

Hạnh phúc không đến từ sự quan sát và lắng nghe thông thường. Hạnh phúc chỉ đến từ những trái tim biết rộng mở để cảm nhận những thay đổi huyền diệu của cuộc sống. Quả thật, khi biết rộng mở traiá tim mình, bạn sẽ nhận thấy rằng, hạnh phúc đôi khi rất bình dị. Nó đến từ cuộc sống, từ thiên nhiên, từ những điều tưởng chừng như vô hình. Hạnh phúc đến, nhưng thường không đến theo cách mà bạn trông đợi.

– Lan Nguyên

Theo Internet

Nụ hôn tạm biệt

“Tôi sẽ mãi mãi không bao giờ là quá lớn

để không còn cần đến nụ hôn đầy

yêu thương của bố.”

Tôi lớn lên ở San Pedro, trong một gia đình lao động bình thường. Bố tôi làm nghề đánh bắt cá. Với ông, biển là cả cuộc đời mình. Ông có một con thuyền riêng, phương tiện làm ăn duy nhất của cả gia đình tôi. Nhưng kiếm sống trên biển thật chẳng dễ dàng gì, nếu không muốn nói là rất gian nan và cũng đầy nguy hiểm. Bố tôi phải làm việc vất vả ngoài khơi để nuôi sống gia đình, không chỉ có mẹ con chúng tôi, mà còn cả ông bà và giúp đỡ những người họ hàng nghèo khó của mình nữa.

Hình ảnh về bố vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Ông cao lớn, thân người vạm vỡ nhờ việc kéo lưới và chống đỡ với sóng gió biển khơi. Mỗi khi ở bên cạnh bố, tôi còn có thể ngửi thấy mùi vị của biển, của nắng gió đại dương tỏa ra từ người ông. Bố luôn mặc bộ đồ vải bạt, chiếc áo choàng bạc màu và cái tạp dề cũ kỹ. Bất kể mẹ có chịu khó giặt giũ chúng như thế nào đi chăng nữa, chúng vẫn đậm một mùi biển không lẫn vào đâu được.

Mỗi khi thời tiết xấu không thể ra khơi, bố thường lái xe đưa tôi đến trường. Ông có một chiếc xe tải cũ dùng để chở cá. Chiếc xe đó có khi còn nhiều tuổi hơn cả người già nhất trong làng tôi. Nhưng dẫu có già cỗi và ì ạch đến thế nào, nó vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ đưa bố đến nơi ông cần đến. Chính vì vậy, ông coi nó như một người bạn, có khi còn trò chuyện và vỗ về nó môtå cách đầy yêu thương. Điều đó đối với tôi lúc ấy rất khó hiểu, vì tôi chẳng thích chiếc xe đó một chút nào. Chỉ cần nổ máy thì ở xa đến cả dặm cũng có thể nghe thấy tiếng lạch cạch của nó.

Khi bố đưa tôi đến trường, tôi cố ngồi co rúm vào một góc để mong đừng ai nhìn thấy. Được nửa đường, ông tăng tốc, chiếc xe lại nhả ra một đám khói lớn. Bố tôi vẫn tiến về trước, hoàn toàn chẳng chú ý đến ánh mắt hiếu kỳ của những người đi trên đường. Khi đến trường tôi rồi, bố không bao giờ quên nghiêng người qua, hôn tôi một nụ hôn tạm biệt vào má và dặn tôi hãy là một cậu bé ngoan. Thật là ngượng mặt cho tôi quá! Tôi vào lớp mà mặt đỏ bừng. Lúc đó, tôi đã 12 tuổi rồi mà bố vẫn giữ thói quen hôn tạm biệt tôi như thế!

Thế rồi một ngày, tôi quyết định phải thể hiện cho bố thấy tôi đã là một chàng trai. Lần đó, khi bố chở tôi tới trường, ông lại nở nụ cười như thường lệ và bắt đầu nghiêng người về phía tôi.

Nhưng tôi vội giơ tay lên:

– Đừng, bố ạ!

Đó là lần đầu tiên tôi nói với bố theo cách đó. Sự ngạc nhiên hiện rõ trên khuôn mặt ông.

– Bố, con đã quá lớn để được hôn tạm biệt hay bất cứ nụ hôn nào nữa rồi! – Tôi nói giọng dứt khoát.

Bố nhìn tôi một lúc lâu, đôi mắt sững sờ có vẻ như bị tổn thương. Nhưng rất nhanh, ông mỉm cươi:

– Con nói đúng. Đôi lúc bố quên mất là con đã trở thành một chàng trai! Có lẽ một nụ hôn với con bây giờ là không cần thiết nữa!

Thế rồi không lâu sau đó, bố tôi đi biển và không bao giờ trở về nữa. Đó là ngày mà phần lớn các tàu đều ở lại bờ, trừ con tàu của bố. Ông quyết tâm đi biển chuyến đó bởi có cả một gia đình lớn phải chăm lo. Sau cơn bão, người ta tìm thấy tàu của bố tôi dạt vào một vũng cạn, với tấm lưới nửa trong nửa ngoài. Có lẽ bố ra đi mà trong lòng chỉ nghĩ duy nhất một điều: Chuyến này về sẽ có nhiều tiền cho chúng tôi được ăn học.

Giờ đây, tôi muốn đánh đổi tất cả chỉ để được bố ôm hôn thêm một lần nữa, để được cọ má vào làn da thô ráp của ông, để hít thật sâu mùi mằn mặn của gió biển trên bộ quần áo bạc màu. Tôi muốn nói lại với bố tôi rằng, tôi sẽ mãi mãi không bao giờ là quá lơn để không còn cần đến nụ hôn đầy yêu thương của bố.

– Đặng Huy Hiệp

Theo Internet

Quyền được khóc

“Hãy trân trọng và gìn giữ tình yêu mà

bạn được trao tặng. Bởi tình yêu đó sẽ còn

mãi dẫu cho bạn có mất đi.”

– Og Mandino

Một mình dưới ánh đèn lờ mờ của phòng ăn, tôi ngồi đó, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi…

Cuối cùng, tôi cũng đã đưa được bọn trẻ vào giường ngủ. Trong hoàn cảnh “gà trống nuôi con”, tôi vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ của hai đứa trẻ. Hàng ngày, tôi phải vừa tắm cho chúng, vưa chịu đựng những tiếng la hét inh ỏi, những cú đập tay làm tóe nước khắp cả phòng tắm. Đó là chưa kể phải ngồi cả tiếng đồng hồ dỗ cho hai đứa ăn, rồi chạy theo chúng từng bước khắp căn nhà để thu dọn những món đồ mà chúng vứt lung tung. Đến khi lên giường rồi, chúng cũng chỉ chịu nằm yên sau khi tôi xoa lưng gần năm phút mỗi đứa.

Nhưng một ngày của bọn trẻ sẽ chưa thể kết thúc nếu tôi không lấy cây ghi-ta và bắt đầu giai điệu của những bài dân ca quen thuộc, cuối cùng là bài “Ngựa con xinh đẹp” mà cả hai đứa đều rất thích. Tôi hát đi hát lại bài này, dần dần giảm tiết tấu và âm lượng cho đến khi bọn trẻ dần chìm vào giấc ngủ.

Vợ tôi qua đời cách đây sáu tháng, nhưng quả thật, tôi vẫn không thể nào quen được cuộc sống thiếu cô ấy. Điều duy nhất giữ cho tôi tỉnh táo và cố gắng sống tốt chính là hai đứa con. Tôi đã cố hết sức mình để mang lại cho chúng một cuộc sống gia đình bình thường như trước. Tôi cố giữ nét mặt tươi cười, cố giữ cho sinh hoạt của chúng không thay đổi gì nhiều so với những gì chúng đã quen. Cho đến hôm nay, có thể nói tôi đã làm điều đó rất tốt. Cuộc sống gia đình vẫn diễn ra bình thường, chỉ có một khác biệt duy nhất, nhưng cũng quan trọng nhất, đó là mẹ của bọn trẻ đã vĩnh viễn ra đi.

Hôm nay, cũng như mọi ngày, tôi đã làm xong mọi công việc phải làm. Một ngày thiếu vắng cô ấy lại sắp trôi qua.

Đợi bọn trẻ ngủ sâu, tôi mới nhẹ nhàng đứng dậy, cố gắng không gây tiếng động. Nếu chúng thức giấc, tôi sẽ phải hát thêm và kể thêm nhiều câu chuyện khác nữa. Nhón chân ra khỏi phòng, tôi khép cửa và đi xuống cầu thang.

Buông mình xuống chiếc ghế tại bàn ăn, tôi chợt nhận ra từ lúc đi làm về đến giờ tôi mới có thời gian để ngồi. Vừa về đến nhà, tôi đã phải vội vã nấu cơm và dỗ cho hai đứa ăn. Tôi rửa chén trong khi mắt vẫn không rời khỏi chúng. Tôi giúp đứa lớn giải bài tập lớp hai, khen bức vẽ của đứa nhỏ và trầm trồ ngạc nhiên trước khối xếp hình Lego của nó. Dọn dẹp, tắm rửa, kể chuyện, xoa lưng, hát ru…, tất cả đã xong. Giờ đây, tôi mới có một phút nghỉ ngơi ngắn ngủi cho mình. Sự tĩnh lặng giúp tôi thanh thản, có vẻ như vậy.

Nhưng rồi cảm giác mệt mỏi, gánh nặng trách nhiệm, nỗi lo về những hóa đơn… lại ập đến. Chỉ mấy tháng trước đây, tôi vẫn còn bên cạnh một người vợ, một người bạn để chia sẻ những nỗi lo lắng trong công việc cũng như trong cuộc sống… Vậy mà giờ đây, quanh tôi chỉ có sự cô đơn mà thôi. Tôi thấy như mình đang chìm dưới hố sâu bế tắc. Cùng một lúc, tất cả như bủa vây lấy tôi… Nỗi đau, niềm nhớ thương da diết, nỗi xót xa cho con, cho mình… xâm chiếm lòng tôi, biến thành những giọt mặn cay xè trên khóe mắt.

Bỗng nhiên, một vòng tay nhỏ nhắn từ phía sau ôm lấy tôi nhẹ nhàng. Tôi quay lại, là con trai lớn của tôi. Thằng bé nhìn tôi với vẻ mặt đầy thông cảm, yêu thương lẫn lo lắng.

Quá bối rối, tôi buột miệng:

– Cha xin lỗi, Ethan, cha không biết rằng con vẫn còn thức.

Tôi không hiểu tại sao mình nói điều đó, nhưng rất nhiều người xin lỗi khi họ khóc và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tôi cố điềm tĩnh lại:

– Cha không muốn khóc, cha xin lỗi. Chỉ là tối nay cha hơi buồn thôi.

– Không sao đâu cha. Khóc không có gì là xấu cả. – Ethan thỏ thẻ.

Không thể diễn tả được nỗi vui sướng trong tôi khi đứa con trai bé bỏng nhưng thông minh và sâu sắc đã cho phép tôi được khóc. Thằng bé như nhắn nhủ với tôi rằng, tôi không cần phải lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ. Nước mắt sẽ là phương thuốc hiệu nghiệm để nỗi nhức nhối trong lòng mình vơi dịu đi.

– Nhưng sao giờ này mà con còn thức, Ethan?

– Tôi thắc mắc.

– Mẹ gọi con dậy và dắt con vào đây, cha à! – Thằng bé vừa leo vào lòng tôi, vừa bình thản trả lời.

– Thật vậy sao, con? Mẹ có nói gì với con không?

– Dạ không, mẹ chỉ nhìn con mỉm cười.

Nhưng cha biết không, bất cứ lúc nào con muốn, con cũng gặp được mẹ. Mẹ luôn ở bên gia đình mình đó cha.

Những lời của Ethan khiến tôi như bừng tỉnh. Cảm ơn con trai đã nhắc cho tôi điều ấy, và cảm ơn em, người vợ hiền yêu dấu của tôi.

– Nguyễn Ngân

Theo Permission To Cry

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button