Kinh doanh - đầu tư

Sức Mạnh Của Những Con Số

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK 

Tác giả : Kashiwagi Yoshiki

Download sách Sức Mạnh Của Những Con Số ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH TẾ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                  

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


LỜI MỞ ĐẦU

C

ái đó, cậu giải thích bằng số liệu được không?” Bạn đã bao giờ lúng túng vì bị cấp trên hay đàn anh hỏi câu thế này chưa? Lúc đó, bạn lại chẳng hiểu tại sao phải sử dụng số liệu, hay nghĩ cách lấy số liệu hiện có để tạo biểu đồ.

Tôi nghĩ lý do độc giả chọn mua cuốn sách này là vì muốn có thêm kiến thức để xử lý những tình huống như trên dễ dàng hơn. Hoặc họ muốn học hỏi thêm cách sử dụng data, cách suy nghĩ logic, nhằm nâng cao hiệu quả công việc và hoàn thiện bản thân, cũng như góp phần làm công ty/đơn vị của mình phát triển hơn.

Chìa khóa để giải quyết vấn đề này chính là “Số liệu”.

Vậy để “sử dụng số liệu hiệu quả trong công việc” thì cần điều gì? Chắc nhiều người sẽ nghĩ cần có “kiến thức và kỹ năng phân tích”.

Vâng, đúng thế! Tuy nhiên, không phải tất cả những bài giảng về phân tích số liệu, thống kê hoặc những gì được viết trong sách đều cần cho công việc thực tế. Phương pháp phân tích trong cuốn sách này như Bình quân, Độ lệch chuẩn, hay Hàm số cũng tương đối đủ dùng trong công việc thực tế.

Có nhiều lý do dẫn đến sự khác nhau này, nhưng có thể nói, mục tiêu của phân tích số liệu trong thống kê, và mục tiêu trong công việc thực tế ở các cơ quan/đơn vị khác nhau được xem là nguyên nhân chính.

Mục tiêu mà các học giả hay chuyên gia phân tích dữ liệu hướng tới là “độ chính xác cao”. Để tránh lý luận chủ quan, đảm bảo tính chính xác các thông số thuộc lĩnh vực học thuật, họ cần phải có phương pháp và số liệu chính xác.

Mục tiêu mà người làm kinh doanh hướng đến lại là “vận hành doanh nghiệp”. Để công việc tiến triển thì cần phải có sự thấu hiểu của những người liên quan, sự chấp thuận của cấp trên,… hay đôi khi là sự đồng ý của khách hàng. Dù trong trường hợp nào thì việc sử dụng số liệu để làm căn cứ cũng đều rất quan trọng.

Đương nhiên, phần phân tích của những người làm kinh doanh cũng cần “độ chính xác”. Nhưng ai có kinh nghiệm cũng biết một sự thật đó là “không có câu trả lời chính xác”. Sự việc càng phức tạp thì càng không thể biết điều gì là sự thật ngay cả sau này ta có nhìn lại. Nhưng nếu giả định cho là ổn (nếu sai nhiều quá thì không được), làm theo từng bước, lúc đó công việc sẽ được xúc tiến rất nhanh. Trường hợp nếu bạn phải mất cả tháng để tìm lý do vì sao tháng trước doanh số giảm, thì dù kết quả phân tích chính xác (kiểu học thuật) đến mức nào, chẳng những giá trị của kết quả đó sẽ mất đi, mà còn bị nói: “Cậu làm chậm quá đó”…

Trong thực tế, có thể nói rằng, “câu trả lời chính xác là do mình tạo ra”. Và nó đúng hay không sẽ phụ thuộc vào việc người khác có nghĩ rằng “phần trình bày đó hợp lý hay không”. Đáp án cho câu hỏi này sẽ phụ thuộc vào việc hành động để khắc phục doanh số suy giảm, đưa ra cách làm mới, cải thiện quy trình đã có, hay thuyết phục được khách mua hàng,… có mang lại hiệu quả hay không.

Và đương nhiên, đáp án chính xác đó được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, nếu ta cố gắng học kỹ năng giống với nhà chuyên môn hay học giả, không chỉ sẽ thất bại vì quá khó, mà kết quả chẳng ích gì khi đã tốn công để nhớ, nhưng lại không thể ứng dụng được vào công việc.

Trong khoảng thời gian làm việc tại một công ty lớn, với vị trí là một giáo viên, hay nhà tư vấn, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp đáng tiếc như thế. Đồng thời, tôi cũng đã tìm nhiều cách để truyền tải cho họ biết nội dung và thông điệp “có thể thật sự sử dụng được data trong công việc”.

Cách để làm cho đối phương hiểu rõ và chấp nhận sẽ được tìm thấy trong câu trả lời của yêu cầu “Cái đó, cậu hãy giải thích bằng số đi”.

Kỹ thuật đó là: (1) Biết phương pháp phân tích và có thể sử dụng phù hợp (tuy nhiên bạn hãy yên tâm vì phạm vi yêu cầu có giới hạn thôi), (2) “cách suy nghĩ” trước khi bắt đầu phân tích, và phần này đặc biệt quan trọng. Có người muốn học “phân tích số liệu” nhưng lại không chú trọng phần này, khiến họ khó khăn và không thể tận dụng triệt để số liệu.

Có rất nhiều người tham dự các khóa học, hay đọc sách để học các phương pháp phân tích. Tuy nhiên, không ít người khi quay lại chỗ làm ngày hôm sau và bị cấp trên yêu cầu “Vậy cậu hãy sử dụng số liệu phân tích thử xem”, trong đầu lại trống rỗng và không biết phải làm thế nào. Nguyên nhân là do họ thiếu mất phần kết nối giữa Vấn đề, Mục đích và Phân tích, chứ không phải họ học chưa đủ.

Trong cuốn sách này, ngoài việc giải thích về cách phân tích, cách xem dữ liệu cần trong công việc, tôi sẽ giải thích cụ thể quan điểm hay cách suy nghĩ cần có trong cả quy trình cho các bạn.

Khi có số liệu hay gặp phải vấn đề, đầu tiên bạn phải làm gì? Muốn tìm được câu trả lời, bạn cần có suy nghĩ logic để đọc được ý nghĩa từ các số liệu. Chắc chắn những dữ liệu lộn xộn, biểu đồ, hay các phần mềm phân tích nâng cao nếu bỏ qua phần này sẽ mất hết ý nghĩa vốn có. Tôi cho rằng điểm hay của cuốn sách này so với các lớp đào tạo hay sách thống kê, phân tích dữ liệu khác, chính là truyền tải nội dung “suy nghĩ thế nào để phân tích có ý nghĩa” mà không phải là “làm thế nào để phân tích”. Nếu bạn có thể nắm được kỹ năng phân tích ngày một sâu hơn thì không khi nào là muộn cả.

Tôi xin đề cử cuốn sách này cho những ai hằng ngày vẫn luôn cảm thấy những điều liệt kê sau đây:

– Muốn sử dụng công cụ “số liệu” để khắc phục những tình huống bị nói rằng: “Tôi không hiểu cậu muốn nói điều gì”.

– Đã từng đọc sách giáo khoa, sách thống kê hay phân tích nổi tiếng, nhưng không hiểu rõ lắm. Mặc dù nắm được kỹ năng phân tích rồi, nhưng lại không thể áp dụng vào công việc và vấn đề trước mắt.

– Đến giờ này vẫn xử lý dữ liệu theo cách của mình, nhưng không nghĩ nó hiệu quả lắm. Do đó muốn tận dụng số liệu để mang lại hiệu quả và giá trị hơn.

– Muốn sử dụng số liệu để có thể báo cáo hay trình bày một cách logic.

– Muốn cấp dưới có thể tự mình suy nghĩ và đưa ra phương án hợp lý, từ đó nâng cao năng lực của toàn công ty.

Với kinh nghiệm lăn lộn trong một công ty lớn gần 20 năm với các công việc kỹ thuật, bán hàng, marketing, tôi cũng gặt hái được không ít thành quả, và đã được những người xung quanh ghi nhận.

Bốn năm làm Team manager cải cách doanh nghiệp trong công ty xe hơi Nissan, với tư cách là Tư vấn viên nội bộ, tôi đã giải quyết được nhiều vấn đề kinh doanh, hay vấn đề của các bộ phận khác nhờ vào vũ khí “số liệu” này.

Đặc biệt, với công ty toàn cầu như Nissan, tôi đã thấu hiểu được sự khó khăn trong việc khiến cho đối phương, vốn là những người quản lý có quốc tịch và công việc khác nhau phải thốt lên rằng: “Ừ, quả đúng như vậy nhỉ”. Đồng thời, tôi cũng đã xác nhận và chắc chắn một điều rằng, số liệu là “có thể sử dụng được” trong công việc và mang lại hiệu quả.

Hiện tại, với tư cách người hướng dẫn, tư vấn giải quyết vấn đề với phân tích dữ liệu là công cụ, tại các trường đại học, công ty, hay đoàn thể, tôi có thể nhận ra “phía sử dụng” đang bị vướng ở điểm nào mà không thể đi tiếp được (hoặc đang đi sai hướng). Trong cuốn sách này, tôi sẽ đề cập đến các điểm có thể giải quyết những vướng mắc đó.

Bên cạnh đó, trong cuốn sách này, tôi lấy những người bình thường đang làm công việc như lập kế hoạch, kinh doanh, thiết kế sản phẩm, marketing, kế toán, nhân sự, hay tổng vụ,… làm trọng tâm, chứ không phải nhà chuyên môn phân tích dữ liệu, tại các công ty hay đơn vị.

Mục tiêu của “Người kinh doanh” thì không cần đến các môn thống kê khó nhằn. Thay vào đó, họ cần những câu chuyện đơn giản giải thích một cách hợp lý dựa vào số liệu, để nắm bắt được vấn đề rõ ràng. Điều này không liên quan gì đến các môn nhân văn hay khoa học, do đó ai cũng có thể hiểu, càng làm thì kỹ năng và cảm nhận sẽ càng tốt hơn.

Sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn hãy thử áp dụng dữ liệu để tìm lời giải cho những vấn đề đơn giản xung quanh nhé. Tôi nghĩ nếu làm nhiều, những điểm còn mơ hồ chưa rõ sẽ dần được sáng tỏ hơn đấy.

“Giải thích bằng số liệu nghĩa là sao?”

Nỗi khổ của người quản lý mới nhậm chức Yosuke

“Mình thật không thể hiểu được làm thế nào để giải thích bằng số liệu đây…”

Sau cuộc họp thường kỳ, tâm trạng của Yosuke trùng xuống. Cuộc họp mà Yosuke vốn tràn đầy tự tin vào phần trình bày của mình lại thành thế này đây.

Yosuke: “Vì vậy, tôi nghĩ cần phải thực hiện phương án cho cửa hàng A để khôi phục lại doanh số”.

Mặc dù tràn đầy tự tin, nhưng ngay lúc quản lý cất lời: “Tôi hiểu những gì cậu nói, nhưng cậu giải thích bằng số liệu cụ thể được không”, khiến những gì Yosuke chuẩn bị trở thành tờ giấy trắng.

Với tâm trạng bối rối, lúng túng, Yosuke vừa cất lời: “Cửa hàng mà cả năm trước có doanh thu thấp nhất chính là cửa hàng A, bằng kinh nghiệm của mình, tôi cho là…”, thì bị cắt ngang: “Bằng kinh nghiệm của cậu chẳng qua cũng chỉ là suy nghĩ chủ quan thôi”.

Và rồi Yosuke quay lại chỗ ngồi với tâm trạng ngổn ngang, lo lắng.

Yosuke chính thức vào làm tại hệ thống cửa hàng Takaraya ở vùng Kanto cách đây 4 năm. Sau khi vào làm, Yosuke đã cố gắng tiếp thu và học hỏi từ những người đàn anh đi trước. Với người luôn tự tin vào khả năng ăn nói của mình, Yosuke không chỉ xem và ghi nhớ cách đàn anh làm việc, mà còn thường xuyên đến cửa hàng và trò chuyện với những cô chú chủ gian hàng, để sâu sát hơn tình hình buôn bán của họ.

Đầu tiên là một cửa hàng, rồi hai cửa hàng,… Cùng với kinh nghiệm tích lũy được, số cửa hàng Yosuke phụ trách ngày càng tăng. Từ cửa hàng thứ ba trở đi, Yosuke được trao cơ hội báo cáo bán hàng cho khu vực mình quản lý tại cuộc họp các khu vực ở trụ sở chính.

Yosuke: “Giờ thì, cơ hội thăng tiến của mình đã mở ra rồi!”

Yosuke được đề bạt lên làm trưởng nhóm khu vực (Area leader) cách đây ba tháng. Đương nhiên Yosuke đã rất vui vẻ nhận lời, tuy nhiên với vị trí Area leader kiêm phụ tá của giám đốc, những việc như báo cáo cho tổng bộ hay đề xuất chiến lược,… cũng tăng theo. Chưa hết, số lượng cửa hàng phụ trách cũng tăng vọt từ 5 lên đến 20, những điều này khiến Yosuke vốn nhiều kinh nghiệm và tự tin, bên cạnh niềm vui còn có cả sự lo lắng.

Điều khiến Yosuke lo lắng nhất không phải là khối lượng công việc nhiều hơn, mà chính là nội dung công việc đa dạng hơn, và những kinh nghiệm tích lũy trước đến nay có lẽ chưa đủ. Yosuke bắt đầu cảm thấy lo lắng vì nhiều việc trước giờ chưa làm, và thật sự không biết làm cách nào với việc nộp báo cáo bán hàng cho cửa hàng một lần mỗi tháng, hay trong thời gian ngắn phải giải thích được tại sao doanh số bán hàng lại giảm,…

Chưa hết, trong cuộc họp hay báo cáo gửi tổng bộ, việc bị yêu cầu giải thích bằng số liệu cũng khiến Yosuke cảm thấy mệt mỏi. Đối với một Yosuke trước nay vốn chỉ quan sát và phán đoán tình huống qua thực tế, thì với yêu cầu như vậy, rõ ràng là rất lúng túng và không biết phải làm thế nào.

Lúc đầu Yosuke đã định xóa bỏ bất an đó bằng sự tự tin rằng “chẳng phải từ trước đến nay mọi người trong công ty xem những lời mình nói là tiếng nói từ thực tế sao”, tuy nhiên sau đó nỗi bất an lại lấn át, và dần dần Yosuke cảm thấy không còn tự tin vào những phán đoán dựa vào kinh nghiệm bản thân nữa.

Yosuke: “Đến giờ khi quan sát thực tế, mình biết nên làm thế nào, nhưng tại sao vẫn không được như kỳ vọng?”

Quả thực, khi nhìn lại 1-2 năm vừa qua, Yosuke đã từ từ cảm nhận được chính câu nói “Bằng kinh nghiệm bản thân” ấy, đôi khi đi ngược lại thực tế, hay những phương án đề xuất không giải quyết được vấn đề.

Từ trước đến nay, được mọi người đánh giá cao vì là “nhân vật thường xuyên đi sâu sát thực tế, luôn tươi tắn vui vẻ”, Yosuke luôn tự tin vào kinh nghiệm khi đánh giá vấn đề gì đó, và trong công việc cũng đã không ít lần vượt qua các tình huống “nguy hiểm”. Tuy nhiên, Yosuke đã nhận ra một điều rằng nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm để đánh giá hay giải quyết vấn đề thì chắc chắn sẽ bị hạn chế.

Ngày đó, Takashima là người phụ trách khu vực phía Bắc Kanto chuyển đến làm giám đốc khu vực mà Yosuke trực thuộc, đồng thời là cấp trên của Yosuke. Yosuke đã rất hồi hộp khi chào đón Takashima, vốn nổi danh trong công ty là một giám đốc khu vực có năng lực.

Một ngày, Yosuke nhận được điện thoại của Takashima, thay cho câu chào hỏi, Takashima đã nói thế này:

“Từ giờ rất mong cậu cố gắng. Hiện giờ tôi đang muốn nắm rõ tình hình của các khu vực, chắc là cậu có số liệu tình hình khu vực mình đúng không. Nhờ cậu giải thích rõ cho tôi, khi nào chúng ta gặp nhau nhé.”

Lúc đó, Yosuke chỉ xem nhẹ việc này: “Mình chưa từng sử dụng số liệu, nhưng khu vực này mình biết rõ nhất nên giải thích cho sếp chắc không vấn đề gì đâu”.

Tại sao cần dữ liệu trong kinh doanh?

Là công cụ để điều chuyển nhân lực và nắm rõ tình hình chung

Mấy năm gần đây tôi hay nghe nói đến phân tích data (số liệu) hay Big data.

Bạn có bao giờ tránh né những việc vốn không phải sở trường với suy nghĩ rằng “phân tích” hay “data” gì đó chẳng có liên quan gì tới mình, hay “những việc đó giao cho kỹ sư, kế toán làm là được rồi”? Thực tế có những người trong công việc hằng ngày chẳng tiếp xúc gì đến “con số” cả.

Rõ ràng khi chúng ta nhìn vào đặc thù hay nội dung của từng công việc, thì tần suất hay số lượng sử dụng số liệu ở mỗi công việc lại khác nhau.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều, dù là công việc gì thì cuối cùng cũng có sự liên hệ với tiền bạc ở khâu nào đó. Không chỉ những người làm việc ở cơ quan hay tổ chức, mà những người tự kinh doanh cũng thế, chắc chắn họ phải sử dụng số liệu để tính toán thu nhập của mình. Như vậy, rõ ràng “con số”, “số liệu” là yếu tố không thể thiếu.

Thế nhưng tại sao “số liệu” lại cần thiết tại các công ty?

Đầu tiên bạn hãy thử đứng vào vị trí giám đốc để suy nghĩ. Nếu là bạn, làm thế nào để nắm được công việc của nhân viên và tình hình kinh doanh của công ty? Quy mô công ty chỉ có năm người thì còn được, chứ nếu là công ty lớn sẽ thế nào?

Công ty càng lớn, thì việc một người có thể nắm rõ tình hình tổng thể càng trở nên bất khả thi. Lấy ví dụ, một người ở văn phòng tổng bộ tại Tokyo, thì không thể nắm rõ tình hình kinh doanh cụ thể mỗi ngày của công ty tại châu Á, châu Âu hay tại Mỹ. Ngoài vấn đề về khoảng cách, thì nếu hệ thống kinh doanh càng phức tạp như khi tăng sản phẩm, dịch vụ,… thì khả năng của một người không thể nắm và quản lý hết được.

Vậy phải làm thế nào đây?

Trong trường hợp này, có thể sử dụng công cụ rất hiệu quả, đó là data (số liệu).

Lợi ích của data là có thể tập hợp được một lượng lớn thông tin, qua đó có thể nắm rõ tình hình. Vì nếu nhìn vào số liệu, bạn có thể dễ dàng biết được loại hàng nào đang bán chạy, loại hàng nào hiện đang được ưa chuộng. Không chỉ nắm được kết quả trên mặt data, chúng ta có thể dựa vào những so sánh, phân tích để đưa ra các thông tin giúp cải thiện tình hình kinh doanh.

Điều mà những người điều hành luôn miệng kêu “data, data” chính là đây.

Bên cạnh đó, data còn có có lợi trong những trường hợp sau:

1. Data là tài liệu thuyết phục người khác hiệu quả nhất

Chắc sẽ có người cho rằng: “Tôi không phải người quản lý, và cũng không muốn trở thành nhà quản lý, nên chẳng liên quan gì cả”. Tuy nhiên, sẽ không có việc nào lại hoàn toàn không liên quan gì đến việc kinh doanh của đơn vị cả. Công việc của bạn dù là loại hình gì, chắc chắn đều được quản lý bằng data.

Việc quản lý hiệu quả công việc của bản thân bằng số liệu hay dữ liệu, không chỉ nâng cao chất lượng công việc mà còn là cách bạn thuyết phục người xung quanh hay tổ chức rất hiệu quả.

Bạn sẽ không thuyết phục được người khác hay tổ chức nào đó chỉ bằng câu nói: “Tôi nghĩ là thế này”, vì những câu nói không có căn cứ sẽ không có tính thuyết phục.

Nhưng khi bạn đưa những số liệu hay dữ liệu làm căn cứ, chẳng hạn như: “Sau khi thực hiện phương án này, đã mang đến kết quả với số liệu này, tôi cho rằng chúng ta đang đi đúng hướng và nên tiếp tục”, thì chắc chắn hiệu quả thuyết phục sẽ khác.

2. Trưởng nhóm hay quản lý cũng cần “số liệu”

Dù không phải người điều hành, nhưng trong một tổ chức nào đó, nếu chức vụ càng cao, thì càng phải phụ trách những lĩnh vực vượt quá khả năng một người có thể làm xuể. Do đó, việc dựa vào số liệu để quản lý công việc hiệu quả lại càng trở nên cần thiết hơn.

Nghĩa là, người ở vị trí TOP trong tổ chức sẽ yêu cầu “số liệu” ở cấp ngay dưới họ, rồi người cấp dưới đó lại yêu cầu “số liệu” ở cấp dưới hơn, điều này giống như kiểu dây chuyền vậy. Trong dây chuyền này, rõ ràng về mặt logic sẽ không có chuyện ở một nút nào đó xảy ra việc “tôi không cần số liệu nữa” (Có thể có tình huống quản lý cấp trên tự mình quản lý và xử lý số liệu, nên “tạm thời” sẽ không yêu cầu cấp dưới làm việc này).

Như vậy, có thể nói biết sử dụng số liệu hiệu quả là yếu tố cần cho việc đa dạng hóa nội dung công việc, và đảm đương tốt công việc ở vị trí cao. Đây chính là yếu tố cần để nâng cao hiệu quả công việc của nhóm trưởng, hay cấp quản lý.

Theo tôi, nếu bạn lúc nào cũng tránh né kiểu như “vì tôi dở lắm”, thì bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội, và đó là điều rất đáng tiếc.

3. Số liệu sẽ xóa bỏ sự mơ hồ và làm cho việc giao tiếp trôi chảy hơn

Giống như công ty tôi đã làm trước kia, có nhân viên khác quốc tịch, văn hóa, thì điểm lợi của việc giao tiếp bằng “ngôn ngữ” là có thể truyền đạt tức thì những gì muốn nói, nhưng đôi khi cũng gây ra hiểu lầm.

Nếu là đồng hương Nhật Bản có nhiều năm làm cùng chỗ, thì đôi khi câu nói không rõ ràng cũng khiến họ có thể hiểu được nhau. Tuy nhiên, với những người khác quốc tịch, cách nói chuyện mơ hồ có thể sẽ gây hậu quả khôn lường.

Đương nhiên, ngay cả người Nhật với nhau đôi khi cách hiểu cũng khác nhau.

Ví dụ như câu: “Sản phẩm này, dạo gần đây bán chạy quá ha!”

Nghe đến “gần đây”, có người sẽ cho là khoảng một tuần, cũng có người nghĩ khoảng nửa năm. Giống như vậy, khi nghe đến “bán chạy quá”, có người cho là doanh số vượt 200% so với kế hoạch, nhưng cũng có người chỉ đoán khoảng 120%.

Nếu như câu trên được sửa thành: “Sản phẩm này một tháng nay doanh số đạt 140% so với kế hoạch” thì chắc chắn sẽ không có chuyện người nghe đoán sai tình hình thực tế như trên.

Đây chỉ là ví dụ trong giao tiếp đơn giản, thực tế kinh doanh không chỉ đơn giản như vậy, mà nó là sự kết hợp phức tạp và chặt chẽ giữa các yếu tố với nhau. Do đó cần phải hiểu được các yếu tố đó là gì, nhìn ra được bản chất thật sự của nó và hành động phù hợp, đồng thời phải nghĩ cách khiến người khác cũng hiểu và tán thành với cách làm của bạn. Công cụ hỗ trợ hiệu quả để làm việc này được gọi là Cách tiếp cận dựa vào data.

“Data” là công cụ hiệu quả khiến người xung quanh hay tổ chức hiểu và tán thành cách làm của bạn.

Số liệu hữu ích thế nào?

Thể hiện rõ ràng tình hình và cung cấp thông tin sâu hơn

Vậy nếu sử dụng số liệu, sẽ giúp được gì cho bạn?

Như phần trước đã trình bày, việc chúng ta sử dụng tai hay mắt để quan sát và nắm bắt, sẽ có những hạn chế nhất định do khoảng cách vật lý, lượng thông tin quá nhiều, hay mức độ phức tạp. Do đó việc đọc được ý nghĩa từ các con số khổng lồ là một công việc rất khó khăn.

Tuy nhiên, nếu xử lý và sử dụng data tốt, như đưa ra chỉ tiêu cho một lượng thông tin lớn, hay làm rõ điểm đặc trưng của số liệu phức tạp không thể nhận ra bằng mắt thường, ta có thể khiến những người xung quanh hiểu cụ thể những điều mình muốn nói.

Ví dụ cụ thể như hình 0-1

a

Đây là dữ liệu về chiều cao của các thành viên đội A và đội B. Nếu để như vậy, sẽ không thể nào biết được đội nào cao hơn, và ta thấy rõ sự hạn chế đó.

Nhưng nếu đưa Chiều cao trung bình của hai đội vào, đội A là 160.4 cm, đội B là 165.3 cm, qua đó có thể thấy rõ đội B cao hơn.

Có được kết luận này hoàn toàn nhờ vào một chỉ tiêu gọi là “giá trị trung bình” từ data của 20 người này. Chắc chắn sẽ không có công cụ nào tiện lợi hơn thế nếu muốn lấy đặc trưng của nhóm nhiều data.

Tóm lại, nhờ tận dụng đặc trưng “dễ dàng xử lý” của data, chúng ta có thể trình bày hay dẫn ra thông tin khó hiểu một cách rõ ràng.

Ngoài ra, không chỉ có thể “trình bày những điểm phức tạp một cách đơn giản”, ta có thể thu được những thông tin quan trọng nếu chú ý đến mối quan hệ phía sau data, ví dụ như dự đoán việc mua hàng của khách cho lần tiếp theo từ data ghi nhận tình hình mua hàng trong quá khứ. Đây là kỹ năng cần thiết mà nếu chỉ nhìn chằm chằm vào data không thể làm được.

Tất nhiên, data cũng có vai trò như một công cụ giao tiếp nữa, nếu sử dụng đúng, chắc chắn sẽ phát huy hết tất cả uy lực của nó, là giảm sự mơ hồ, và làm cho người khác hiểu chính xác vấn đề.

Điểm mấu chốt

Một điểm lợi khi sử dụng data chính là giúp ta nắm được đặc trưng của tình huống đó.

“Xử lý data” khác với “Phân tích data”

Để không “nắm rõ hiện trạng là xong”

Có nhiều người nói rằng: “Tôi có nhiều dữ liệu ở nơi làm việc, dù không thể nói là tận dụng triệt để, nhưng hằng tháng tôi vẫn xem data hay biểu đồ”. Thường thì những gì các bạn xem là So sánh doanh số hằng tháng giữa các cửa hàng, hay Sự lên xuống của doanh số giống ở hình 0-2 đúng không?

Tuy nhiên, tại các buổi hội thảo, tôi hỏi rằng: “Anh/chị xem cái này, có nhận ra vấn đề cụ thể là gì, và có tìm được giải pháp gì không?”, thì hầu hết câu trả lời là “không”. “Mục đích” chính của việc đó chỉ là cập nhật (hay bị bắt cập nhật) tình hình bán hàng mỗi tháng mà thôi.

Vậy còn công ty các bạn thì sao?

Đến đây tôi muốn xác nhận một chút về sự khác nhau giữa “Xử lý data” và “Phân tích data”, mặc dù cả hai giống nhau ở điểm là đều “Sử dụng data”.

Để không còn tình trạng báo cáo theo kiểu “Tháng trước, … có doanh số cao nhất. Xin hết”.

“Xử lý data” nghĩa là “đã xử lý” kết quả trong quá khứ, chẳng hạn như Doanh số bán hàng của các cửa hàng tháng trước, hay sự biến động hằng tháng của Doanh số bán hàng. Tôi nghĩ mục đích chung ban đầu của chúng là nhằm so sánh giữa các cửa hàng với nhau, hay khuynh hướng thay đổi của doanh số.

Ta đã thường quên mất mục tiêu cơ bản là sau khi nắm được tình hình, sẽ phải làm gì tiếp theo.

Nghĩa là, không biết từ khi nào mục tiêu lại trở thành “cập nhật và xử lý data”, rồi đưa ra kết luận “Tháng trước doanh số cửa hàng Sibuya là cao nhất”, “Gần đây khu vực A khách hàng đang giảm”, và kết thúc phần báo cáo.

Thêm nữa, thường chỉ có một loại data như “Doanh số” được sử dụng cho việc xử lý, và cũng không kết nối với các nguồn dữ liệu khác để tìm hiểu sâu hơn tình hình, vì vậy thông tin và giá trị của nó bị hạn chế. Có thể nói xử lý data hiện nay chỉ là: “Có thể biết tình hình, và Xin hết!”

Câu giải thích đó thật sự có thể chấp nhận được không?

Ở những công ty phát triển hơn, những data chỉ được xử lý như trên là chưa đủ, và có trường hợp bị cấp trên đặt câu hỏi: ”Tại sao tháng XX lại không bán được!”

Trong tình huống đó, người phụ trách sẽ tiếp tục phần giải thích mang tính chủ quan của mình dựa vào thông tin hạn chế được chắt lọc khi họ nghe hay nhìn thấy. Tại thời điểm đó cũng không có ai nắm thông tin rõ hơn anh ta, thế nên phần trình bày ấy lại có thể được chấp nhận…

Những tình huống như vậy, chắc hẳn ai đã từng đi làm đều đã trải qua.

Vậy thì, chúng ta hãy suy nghĩ theo hướng khách quan:

– Phần giải thích đó thật sự có thể được chấp nhận (hay chấp nhận cũng được) hay không?

– Tại sao người phụ trách lại đưa ra kết luận như thế, anh ấy đã đưa ra được căn cứ gì ngoài thông tin bản thân nghe, nhìn thấy?

– Trong số những người nghe trình bày, có ai suy nghĩ thấu đáo và tranh luận ý kiến đó, bao gồm mức độ tin cậy của nó không?

a

a

a

Nếu những điều bên trên không thể đáp ứng được, thì đây chẳng qua chỉ là “phán đoán dựa trên sự phỏng đoán” mà thôi.

Ngược lại, “Phân tích data” lại có mục tiêu rõ ràng, và tìm kiếm thêm thông tin cần thiết để đạt mục tiêu. Mục tiêu ở đây không chỉ là nắm rõ điểm đặc trưng của data, mà từ đó ta có thể thu thập được những thông tin giá trị, có thể sử dụng cho các mục đích khác nhau như dự báo cho tương lai, cho khu vực hay các sản phẩm khác.

Để làm được điều này, sẽ rất khó nếu chỉ sử dụng một loại data như “Doanh số”. Cách thường được sử dụng để có thể đọc được những vấn đề bên trong mà chỉ một loại data không thể làm, đó là kết hợp từ hai loại data trở lên (thường được gọi là phân tích đa biến).

Ví dụ như ở hình 0-3 “Biểu đồ doanh số các cửa hàng” là biểu đồ so sánh chỉ có một cột doanh số của các cửa hàng.

a

a

Phía bên dưới là biểu đồ đã được thêm vào cột “Lượng khách” (cột này được lựa chọn dựa vào giả thuyết, chứ không phải ngẫu nhiên. Tôi sẽ trình bày phần này ở chương số 2). Nếu nhìn biểu đồ chỉ có cột doanh số phía trên, ta chỉ biết được rằng “cửa hàng C là thấp nhất”, nhưng ở biểu đồ có hai cột phía dưới, ta sẽ thấy vấn đề nằm ở cửa hàng D, tuy có lượng khách nhiều, nhưng doanh số lai thấp (so với các cửa hàng khác).

Đương nhiên, tiếp theo ta cần phải tìm lời giải cho vấn đề “Tại sao lượng khách đến đông nhưng doanh số lại thấp”, đến đây chắc bạn đã biết so với việc chỉ có một data “doanh số”, thì với cách sử dụng hai data, ta đã có bước tiến khá xa rồi.

Đây chỉ là ví dụ đơn giản có thể nhận ra khi nhìn trên biểu đồ, nhưng điểm mấu chốt từ “Xử lý data” sang “Phân tích data” là giống nhau. Nghĩa là, không phải chỉ sử dụng một loại data thôi, nếu tăng số lượng đó lên, ta có thể đọc được nhiều thông tin giá trị từ mối quan hệ giữa chúng.

Phần tóm tắt điểm khác nhau giữa “Xử lý data” và “Phân tích data” bên trên thể hiện ở hình 0-4.

a

Các bạn hãy thử xem lại các data mình thường sử dụng (hay xem) là dữ liệu được xử lý hay dữ liệu được phân tích. Nếu biết đó là loại gì, hẳn các bạn sẽ biết được hiệu quả data hiện nay ra sao.

Nếu chỉ “xử lý data” bằng cách sắp xếp lại kết quả, ta chỉ có thể nắm được hiện trạng. Nhưng nếu “phân tích” nó, ta có thể thu được những thông tin có giá trị. Để làm được như thế thì cần tăng số loại data từ 1 lên trên 2.

Đến đây tôi đã giải thích tại sao data lại quan trọng rồi, nhưng không biết Yosuke có hiểu điều này không?

ĐỌC THỬ

Chương 1GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ BẰNG CÁCH SUY NGHĨ LOGIC VÀ PHÂN TÍCH DATA

Định nghĩa vấn đề và quy trình giải quyết nó

N

gay cả khi xem hiện tượng nhìn thấy trên biểu đồ, cũng không tìm ra được nguyên nhân chính.

Từ sau ngày Takashima trở thành cấp trên được nửa tháng, đối với Yosuke là những ngày tháng căng thẳng thấp thỏm để chuẩn bị cho phần trình bày liên quan đến khu vực mình phụ trách theo yêu cầu của Takashima.

Trong sáu tháng doanh số chung toàn công ty suy giảm, doanh số khu vực Yosuke phụ trách cũng bị giảm.

Câu hỏi đầu tiên của Takashima cho Yosuke rất đơn giản:

“Vấn đề hiện nay của khu vực cậu phụ trách là gì?”

Với câu hỏi đơn giản ấy, Yokuse thấy nhẹ cả người và trả lời một cách hồ hởi phấn khởi: “Vâng, từ nửa năm trước, doanh số đã giảm và tình hình hiện không tốt. Bên em vẫn đang tích cực thực hiện chương trình khuyến mại cho sản phẩm mới, nhưng hình như không hiệu quả lắm. Thêm nữa, tình hình các cửa hàng khu vực phía Bắc đang tệ hơn phía Nam. Lượng khách giảm, nên doanh số cũng giảm theo.”

Yosuke giải thích bằng việc nêu ra các chương trình khuyến mại của các cửa hàng mình biết, sự tăng giảm doanh số vẫn xác nhận mỗi tháng, hay thông tin thu thập được từ các chủ cửa hàng hay nhân viên khi đến thăm họ.

Nếu là cấp trên trước kia của Yosuke, chắc chắn sẽ có phản ứng như sau:

“Vậy à, vậy thì từ tháng sau phải suy nghĩ đổi cách làm chương trình cho sản phẩm mới, và làm gì đó để thu hút khách cho các cửa hàng phía Bắc thôi”.

Nhưng Yosuke đã nhìn thấy nét mặt tối dần của Takashima khi nghe điều này. Bằng thái độ bực mình, Takashima đã nói thế này với Yosuke:

“Cái đó, cậu giải thích một cách khách quan bằng số được không?”

Đối với Yosuke, người chỉ báo cáo số liệu đã update bằng format có sẵn, hay chỉ sử dụng số liệu cần thiết trong những lúc cần thiết, thì việc sử dụng số liệu “để tự giải thích” là lần đầu tiên.

Nhìn thấy khuôn mặt “không biết làm thế nào” của Yosuke, Takashima nói thêm:

“Trước tiên, đối với những “vấn đề” là hiện tượng cậu thấy trên biểu đồ, chắc chắn còn có nguyên nhân chính, vậy cậu hiểu được ở mức độ nào?”

“Thêm nữa, cậu có thể giải thích cho người khác hiểu, làm thế nào mà cậu đã có những nhận xét mang tính định tính, chủ quan như “đang giảm” hay “không có hiệu quả” được không?”

Yosuke nghĩ: “Hiện tượng trên biểu đồ và nguyên nhân chính? Định tính nghĩa là gì? Mình chỉ nói những gì mình nghĩ, điều đó không đúng sao?”

Một người vốn tươi tắn, lạc quan dù đứng trước bất kỳ ai như Yosuke, trước câu hỏi hóc búa của Takashima, cũng lâm vào trạng thái không thể thốt nên lời.

Lý do mà cuối cùng bị lật bàn là tại sao?

Định nghĩa về vấn đề và mục tiêu có cụ thể không?

Các bạn hãy nhớ lại xem trong những câu phát biểu tại các cuộc họp, hay giao tiếp trong công việc hằng ngày, có thường xuất hiện những câu như sau không nhé:

“Thời điểm này việc bán hàng khó mà tăng trưởng”

“Lợi nhuận ngày càng giảm”

“Chưa thấy hiệu quả từ các chương trình khuyến mãi”

“Chi phí nhân công tiếp tục tăng”,…

Khi nghe ra rả bên tai như thế, nếu không cẩn thận thì đến một lúc, chúng ta lại thấy chấp nhận việc đó.

Chắc chắn có nhiều người làm kinh doanh từng trải qua tình cảnh, cứ làm theo những gì mặc định trong đầu, đến cuối cùng, lại phải “bỏ đi làm lại”.

Vậy thì tại sao lại phải “làm lại”. Đương nhiên nếu là do thiếu hợp lý, hay các vấn đề chuyên môn như thiếu thông tin, mắc các lỗi cơ bản,… thì đành phải xem lại.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp, nguyên nhân là do “hiểu sai” ngay từ khâu bắt đầu, sau đó trong quá trình làm, cái sai ngày càng lớn dần lên. Đến cuối cùng, chỉ còn thốt lên “Không định làm như thế”, hay “Như vậy là do giải thích không đầy đủ rồi”, thì mới biết được là do từ lúc bắt đầu, những người có liên quan bao gồm cả cấp trên đã không có được nhận thức đúng đắn.

Ví dụ như trong câu chuyện trên, câu nói của Yosuke: “Doanh số giảm sút bắt đầu từ nửa năm trước, rõ ràng là không tốt rồi”, cũng được xem là cách nói gây hiểu sai.

Vì vậy, trước tiên là thử chia ra: Sự thật – mang tính khách quan – và Nhận xét – mang tính chủ quan.

“Sự thật khách quan” là hiện tượng rõ ràng ai nhìn vào cũng thấy.

“Doanh số đang sụt giảm” là câu nói ám chỉ đến hiện tượng hay sự thật khách quan mà ai nhìn vào cũng thấy rõ sự giảm sút này.

Tuy nhiên, khi chỉ nghe có “đang sụt giảm” thì ở mỗi người lại có cách hiểu khác nhau. Có người sẽ nghĩ rằng doanh số chỉ bằng 1/2 năm trước, có người lại nghĩ giảm khoảng 20%. Đối với người làm kinh doanh, nếu không làm rõ điều này mà chỉ đề cập đến “đang giảm” thôi, thì bản báo cáo đó bị xem là yếu kém, chưa đạt yêu cầu.

Nếu cứ để hiểu và làm sai như thế, thời gian bỏ ra có thể lại thành vô ích (Hình 1-1). Thường thì trong những trường hợp đôi bên có sự hiểu sai khi nhìn nhận vấn đề, phía cấp trên sẽ nhìn hiện trạng theo chiều hướng trầm trọng hơn. Có trường hợp bị sếp nói: “Đó chắc chắn là vấn đề rồi, giờ thì hãy sử dụng thời gian và tiền bạc rồi nghĩ cách khắc phục đi”, nhưng khi có kết quả phân tích dữ liệu thực tế, lại bị sếp nói thành: “Cái gì, chuyện chỉ có vậy mà lại phải mất công sức đến thế à”. Mặc dù thống hận vì bị bắt tăng ca đến khuya, nhưng ta chỉ có thể kêu lên: “Nếu sếp nói sớm thì tốt hơn rồi”, nhưng công sức đã thành bọt nước rồi còn đâu.

a

Tuy nhiên, đáng tiếc là người nói lại thường thật sự biết “đang giảm bao nhiêu”, chỉ là không thể hiện ra mà thôi. Nếu vậy sẽ không có cách nào làm cho người nghe hiểu một cách rõ ràng cả. Trong trường hợp này, thì việc sử dụng số liệu là cách hiệu quả không cần phải bàn cãi nữa.

Như phần trước có đề cập, một trong những điểm ưu thế khi sử dụng data, đó là xóa bỏ sự mơ hồ. Trong cuộc sống, ở những trường hợp cần thiết đôi khi cũng cần chút mập mờ không rõ ràng, tuy nhiên trong lĩnh vực kinh doanh, hầu hết các trường hợp đều mang lại trái đắng.

Do đó “Sử dụng số liệu để giải thích” nghĩa là bỏ qua phỏng đoán chủ quan để trình bày một cách khách quan.

Câu nói chủ quan”không tốt rồi” sẽ không được chấp nhận.

Vậy thì “Nhận xét chủ quan” nghĩa là gì?

Yosuke nói “không tốt rồi” phải hiểu thế nào? Có lẽ là câu nhận xét của Yosuke cho việc gì đó dưới mức chuẩn. Ở hình 1-2, có lẽ điều “không tốt” mà Yosuke nói đến là khi so sánh doanh số năm 2015, kỳ sau đang giảm so với kỳ đầu.

Tuy nhiên, khi nhìn thêm số liệu của năm 2014 nữa, rõ ràng là kỳ sau của năm nào cũng thấp hơn kỳ trước. Trong đó kỳ sau của năm 2015 còn cao hơn so với của năm 2014. Như vậy, nếu đưa số liệu này ra, thì câu nói “không tốt rồi” của Yosuke liệu có đúng không?

Chỉ cần vậy thôi thì sự đánh giá cũng khác nhau rồi. Trường hợp “đã giảm”, cũng nên nói cụ thể xem giảm bao nhiêu so với chỗ nào. Nếu bằng số, có thể có nhận thức chung rằng việc đó là “không tốt” hay ngược lại. Cả khi không hiêu nhau, ít nhất ta có thể tranh luận. Nếu bỏ qua bước này mà triển khai công việc trước, ta có thể tưởng tượng ngay được khung cảnh cãi vã nhau trong tương lai sẽ thế nào.

a

Tôi mong các bạn hiểu một điểm quan trọng rằng, để giải quyết đúng vấn đề nhờ vào phân tích, tránh sau này không phải thốt lên rằng: “Tôi không định làm sự việc thành như thế”, thì tại thời điểm bắt đầu nhất định phải xóa bỏ ngay sự mập mờ mơ hồ đi.

Giờ hãy cùng xem Yosuke đã nói gì lúc mở đầu.

– Từ nửa năm trước doanh số đang sụt giảm nghiêm trọng, thật sự không tốt chút nào.

– Những cửa hàng khu vực phía Bắc tình hình kinh doanh tệ hơn khu vực phía Nam.

Rõ ràng việc sụt giảm là có rồi, nhưng để nhận xét tốt hay không thì cần phải có phân tích sâu hơn, và ở đây ta cũng không biết mức giảm là bao nhiêu. Giống như vậy, khi Yosuke cho rằng tình hình các cửa hàng phía Bắc đang xấu đi, người nghe cũng không biết so với khu vực phía Nam thì cái gì và mức độ tệ hại là bao nhiêu.

– Chương trình khuyến mại không hiệu quả.

– Số người ghé cửa hàng giảm, dẫn đến doanh số giảm theo.

Mặc dù Yosuke đã đưa ra nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm này là do chương trình khuyến mại không hiệu quả, khách hàng giảm sút, nhưng khá mơ hồ vì không biết nó được đánh giá theo tiêu chí nào và bằng cách nào. Cũng có thể số người ghé đến không đổi, nhưng số lượng mỗi khách mua lại giảm.

Đến đây, thì rõ ràng báo cáo của Yosuke thấy toàn lỗ hổng.

Các bạn không làm báo cáo theo kiểu này chứ? Trước khi “phân tích”, phải làm rõ những điểm gì?

Khi muốn “trình bày bằng số liệu hay data”, có nhiều điểm các bạn nên chú ý.

Ví dụ:

– Giảm sút nhưng là giảm “bao nhiêu”

– Giảm sút nhưng là giảm “so với chỗ nào”

– “Doanh thu” là “doanh số” hay “số lượng bán”

– Doanh số được tính ở phạm vi nào (sản phẩm, khu vực, khoảng thời gian)

Trong lúc những điểm này còn mơ hồ, bạn lại bị yêu cầu “Cậu hãy giải thích bằng data đi”, thì bạn làm thế nào.

Chắc chắn một điều, bạn sẽ không thể trình bày bằng data được (không thể giải thích bằng số liệu) nếu chưa làm rõ tất cả những điểm này.

Trước khi phân tích dữ liệu, ta sẽ không biết phải xem gì và bằng cách nào nếu không định nghĩa được vấn đề. Khi xác định từng vấn đề một, chắc chắn sự mơ hồ sẽ dần được xóa bỏ. Đây là một bước rất quan trọng.

Điểm mấu chốt

Giảm nguy cơ phải làm lại bằng cách làm rõ vấn đề đang gặp phải hay xác định mục đích nhờ số liệu.

Yosuke: “Vậy à, chắc là sẽ không nắm được tình hình nếu không làm rõ đối tượng rồi trình bày bằng số liệu, ví dụ như “So với năm ngoái, Doanh số bán hàng giảm xx% từ giữa năm đến giờ”, nhưng mà mình không tự tin nếu lúc nào cũng phải rõ ràng theo kiểu như vậy.”

“Matrix” nhằm xóa bỏ sự mơ hồ

Bí quyết để có “suy nghĩ” mang tính tích cực

Vậy thì, phải truyền tải khách quan bằng số liệu như thế nào? Matrix như hình 1-3 bên dưới sẽ có ích trong trường hợp này.

Bạn hãy xem những gì hiện lên trong đầu giống với chỗ nào của Matrix nhé. Vừa viết vừa xem từng điều bạn biết, điều bạn đang nghĩ ấy cụ thể và khách quan đến đâu.

a

Sau khi định rõ thế này, ít nhất ta có thể chỉ ra cụ thể và khách quan những gì đang diễn ra, và bắt đầu quy trình sau đó.

Hình 1-4: Cũng có những trường hợp dựa vào “hiện tượng” nhìn thấy bằng mắt giống như Yosuke, rồi vội vàng xác định “nguyên nhân” và “phương án khắc phục”, khiến mọi việc trở nên lộn xộn và rắc rối. Vì vậy ta hãy xác định rõ ràng “hiện tượng” được xem là sự thật, và “nguyên nhân” biết được thông qua phân tích bản chất của nó, sau đó lên “phương án” giải quyết rõ ràng dựa vào nguyên nhân đó.

Ví dụ như phần “nguyên nhân” việc “giảm lượng khách” mà Yosuke đã nói, có thể là đúng ở thời điểm đó, nhưng vì chưa xác định bằng data nên không thể biết được điều đó có đúng hay không. Giống như vậy, “phương án” đưa ra là “đẩy mạnh khuyến mại” chẳng qua chỉ là phỏng đoán khi nguyên nhân khách quan vẫn chưa được xác định rõ ràng.

a

Trước khi phân tích, những gì ta biết chỉ là “hiện tượng” thôi. Chắc chắn bạn sẽ nhận ra rằng, vào thời điểm này không thể trình bày cụ thể nguyên nhân và phương án nếu không dựa vào data. Nguyên nhân khiến bạn cảm thấy lúng túng khi bị vặn hỏi “Tại sao lại chọn phương án đó” là vì phần trình bày không dựa vào thực tế do chưa xử lý data (kết quả có được do phân tích thực tế).

Hãy xem lại ví dụ của Yosuke thêm lần nữa.

Có nhược điểm trong phần trình bày của Yosuke đó là, mặc dù nêu được hiện tượng khách quan, nhưng vì không được số liệu hóa nên thiếu tính cụ thể. Sau đó là phần câu chuyện tự dựng nên bắt đầu từ nguyên nhân đến phương án theo hướng chủ quan, khiến cho xuất hiện cả núi vấn đề từ lúc bắt đầu để có được phần phân tích khách quan. Điều này dẫn đến một mớ rắc rối sau này nếu thực hiện PR không trúng mục tiêu, hiệu quả hoàn toàn không có.

Nắm được sự thật khách quan chính là nền tảng của phân tích data. Vì sau đó ta sẽ sử dụng data để phân tích sâu hơn, nên việc cụ thể từ ban đầu xem “cái gì, mức nào, như thế nào” chính là điểm then chốt.

Chúng ta hãy cùng xem bốn điểm bên dưới cụ thể là gì nhé!

(1) Định nghĩa từ ngữ có chính xác không?

(ví dụ) “Doanh số” => Doanh số bằng tiền? Số lượng bán ra?

(2) Định lượng bằng số

(ví dụ) “Giảm nhiều” => 20%? 50%?

(3) Làm rõ đối tượng được so sánh (ví dụ)

“Đang giảm” => So với cùng kỳ năm trước? So với công ty khác?

(4) Nhận biết Sự thật (hiện tượng) với những yếu tố khác

Quản lý Takashima đã nhìn ra những rủi ro này, vì thế đã yêu cầu Yosuke trình bày bằng số liệu.

Điểm mấu chốt

Khi tìm hiểu vấn đề, ta hãy xem lại bốn điểm sau bằng Matrix nhé!

(1) Làm rõ định nghĩa

(2) Cố gắng định lượng hóa

(3) Làm rõ đối tượng so sánh

(4) Nhận biết Sự thật với những yếu tố khác

Không nhận ra vấn đề nếu chỉ sử dụng data vẽ biểu đồ

Lý do nhiều người không tìm thấy kết luận

Yosuke: “Hèn chi, đây chắc là lý do vì sao phương án mình dựa trên kinh nghiệm bản thân lại không thuyết phục. Nói thế thì data quan trọng quá rồi, vậy để mình thử làm một lần xem sao!”

Và rồi, Yosuke đã bắt tay vào việc phân tích. Tuy nhiên, data lại nhiều loại, chẳng hạn như Doanh số bán mỗi cửa hàng, Doanh số mỗi sản phẩm, Doanh số mỗi năm,… Yosuke đã sử dụng số liệu đó để thử vẽ nào là biểu đồ cột, biểu đồ đường kẻ (hình 1-5). Nhìn thì thấy rất đẹp, nhưng mà…

Yosuke: “Giờ thì biết Doanh số tăng hay giảm rồi, nhưng nếu bị hỏi vấn đề là gì thì sao đây? Ngay cả khi nó giảm cũng không thể nói là đang có vấn đề được, giờ phải nhìn cái gì, như thế nào để biết lý do giảm đây…”

Chúng ta hãy thử nhìn xem cách giải quyết vấn đề mà Yosuke đang đau đầu có trình tự thế nào nhé.

a

a

a

Quá trình giải quyết vấn đề sử dụng data là gì?

Tìm điểm quan trọng từ Big picture

Có thể nói một trong những mục đích chính trong công việc là “Giải quyết vấn đề”. Ví dụ khi ta sử dụng data tạo biểu đồ trên hệ thời gian, thì mục đích là để xem có vấn đề gì phát sinh không, nếu có ta sẽ tìm cách để giải quyết nó. Đương nhiên, từ lúc tìm thấy nguyên nhân đến khi giải quyết vấn đề, chỉ xử lý data thôi thì chưa đủ.

Quá trình giải quyết vấn đề sẽ khác nhau tùy vào đặc trưng của nó. Tuy nhiên, có một quy trình gồm các bước có thể nói gặp ở hầu hết các vấn đề mà ta nên nhớ.

Đó là đi từ tổng thể đến chi tiết (From a big picture to details). Trong tiếng Anh có cách nói rất chính xác của từ “Tổng thể”, đó là “Big picture”. Quy trình này bao gồm các bước, đầu tiên là nắm tổng thể, sau đó phát hiện vấn đề trong đó, và cuối cùng tìm ra nguyên nhân chính của vấn đề. Đó chính là trình tự phân tích vấn đề dựa vào data để có được cái nhìn từ tổng thể đến chi tiết ấy.

Quy trình cụ thể sẽ như dưới đây (hình 1-6)

(1) Big picture

Ví dụ: Một năm trước Doanh số mỗi tháng toàn công ty là 100.000.000 Yên, nay giảm xuống còn 60.000.000 Yên.

(2) Nắm được Vấn đề chính

Ví dụ: Khi tìm hiểu, ta thấy vấn đề chính là Doanh số của sản phẩm A chủ lực bị giảm mạnh.

(3) Phân tích nguyên nhân chính

Ví dụ: Sản phẩm A chủ lực giảm doanh số từ khi công ty khác tung ra sản phẩm giá thành rẻ hơn và tính năng tốt hơn. Đây có vẻ là lý do chính.

Tôi sẽ giải thích theo trình tự như sau:

a

(1) Big picture

Đầu tiên, ta nắm rõ tình hình hiện tại đang diễn ra thế nào bằng Big picture. Khi này, ta cố gắng cụ thể hóa hay số hóa điểm chính của vấn đề, chẳng hạn như “giảm …% so với năm ngoái”.

Nói một cách cụ thể, ta vẽ biểu đồ tổng doanh số, hay tính doanh số trung bình tháng (giai đoạn này không chia từng loại sản phẩm hay từng cửa hàng riêng lẻ). Ở thời điểm này đôi khi ta có thể phát hiện dấu hiệu của vấn đề, tuy nhiên thường thì vấn đề vẫn bị vùi trong data tổng quát, nên chúng ta không nhìn thấy được.

Ở đây, mục đích chính khi nhìn từ Big picture chính là để nắm được tình hình chung trước khi xây dựng giả thuyết, cũng là nhằm tránh tình trạng “nhìn thấy cây mà không thấy khu rừng”.

Ví dụ, giả sử ta biết được tổng doanh số là khoảng 50.000.000 Yên/tháng, sau này dựa vào phân tích chi tiết, nếu tìm thấy được nguyên nhân ảnh hướng đến là con số 500.000 Yên/tháng, hẳn là ta có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của con số ấy trên tổng thể. Nếu không có bước này, trong lúc vùi vào việc phân tích chi tiết, thì ngay cả khi có phát hiện gì lớn, do không nhận ra mức ảnh hưởng của việc phát hiện đó so với tổng thể, thường ta sẽ bỏ qua, và gây lãng phí.

Khi tôi còn phụ trách khu vực Trung Cận Đông cho một hãng sản xuất xe hơi, cứ mỗi lần phân tích số liệu bán hàng hằng tháng ở các nước khác nhau, tôi nhận ra có một quốc gia vào tháng đó lại có doanh số thấp hơn nhiều so với mức trung bình. Tuy nhiên, nhờ nắm được số liệu tổng thể, tôi đã biết được rằng doanh số đó so với cả khu vực Trung Cận Đông chỉ chiếm chưa tới 1%, và chắc chắn không ảnh hưởng gì đến tổng thể cả.

Tất nhiên tôi không nói là không cần bận tâm đến doanh số tại quốc gia đó, nhưng tôi nhận ra rằng cách hiệu quả hơn để sử dụng nguồn tài nguyên có giới hạn, chắc chắn là ở một quốc gia khác ngoài quốc gia nêu trên.

Như vậy, không chỉ đơn giản là nắm rõ quy mô tổng thể, mà việc nắm rõ khuynh hướng chung (đang tăng trưởng, hay có dấu hiệu xuống dốc) trước khi phân tích chi tiết, cũng là cách hiệu quả cho việc phán đoán sau này.

Yosuke cũng vậy, việc nắm được quy mô bán hàng khu vực mình phụ trách, quy mô từng cửa hàng, biến động theo mùa qua các năm,… chính là tiêu chuẩn đánh giá chính xác mức độ ưu tiên, hay tầm quan trọng của sản phẩm/cửa hàng được thể hiện ở kết quả phân tích kỹ lưỡng sau này.

Nếu có được “cái nhìn tổng thể” như nêu ở trên, ta có thể tránh được cái nhìn hạn hẹp, giới hạn của bản thân.

Nếu chỉ có Big picture thôi, thì không thể thu thập được thông tin có giá trị.

Cũng có những điểm cần lưu ý trong lúc nhìn từ Big picture này.

Trong trường hợp sử dụng nhiều thông tin để tìm hướng giải quyết vấn đề gì đó, nếu cứ đứng tại Big picture, ta sẽ bị bao vây bởi rất nhiều thông tin, lúc nào cũng loay hoay với việc tạo biểu đồ, đồ thị cho tổng thể chung, sẽ khiến ta dễ rơi vào tình huống mãi không tìm ra cách phù hợp và giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là do khi có quá nhiều thông tin, ta như chìm vào trong một cái “nồi thập cẩm”, dù có xem thế nào dưới góc độ nào, cũng không thể biết được chi tiết bên trong (nghĩa là chưa vào được sâu và kỹ).

Như ở phần trước có đề cập, Yosuke mặc dù sử dụng data để vẽ các loại biểu đồ khác nhau, nhưng chỉ ở mức độ “đã tăng, đã giảm” hay “cửa hàng nào có doanh số cao nhất”, chính là tình huống này.

Vậy ở giai đoạn này phải làm gì, câu trả lời là còn tùy vào trường hợp, nhưng thường là ta nên nắm được Độ lớn (quy mô) hay Sự biến đổi đó của tổng thể trước. Sau khi đã nắm được, bước tiếp theo sẽ là “Nắm các điểm chính yếu của vấn đề”.

Bạn đã từng trải qua cảm giác bứt rứt, vì lúc nào cũng làm một bản báo cáo A3, trong đó có dán các biểu đồ rất đẹp thể hiện số liệu tổng thể từ nhiều góc độ, nhưng kết cục cả bản thân cũng không hiểu mình muốn nói gì, và không thuyết phục được người nghe. Nếu có, bạn phải đặc biệt chú ý điểm này, vì nghĩa là bạn đang rơi vào tình huống loay hoay mãi ở Big picture đấy.

(2) Nắm được điểm chính của vấn đề – (3) Phân tích nguyên nhân chính

Tiếp theo là phân tích data, và nắm được các dấu hiệu của vấn đề.

Sau đó, phân tích sâu hơn các phần đó để tìm ra nguyên nhân chính “Tại sao lại như thế”.

Sau khi biết được nguyên nhân chính, tiếp theo là suy nghĩ để tìm hành động phù hợp nhằm giải quyết và cải thiện vấn đề. Trong kinh doanh, mục đích chính của ta không phải chỉ là nắm rõ tình hình, biết được nguyên nhân thôi, mà “hành động và đem lại kết quả” mới là mục đích chính.

Tuy vậy có thể nói, việc phân tích data không có mục tiêu rõ ràng, sẽ rất ít có khả năng tự nhiên tìm thấy “điểm chính của vấn đề” hay “nguyên nhân chính”. Vì nếu không suy nghĩ trước khi phân tích, thì khả năng tìm thấy và không tìm thấy là như nhau.

Do vậy, để phân tích data hiệu quả thì cần phải xây dựng “giả thuyết”. Về phần “giả thuyết” này tôi xin được trình bày ở chương tiếp theo.

Điểm mấu chốt

Hãy suy nghĩ đến giả thuyết trước khi bắt đầu phân tích data.

Chương 1

Những điểm cần làm để “suy nghĩ bằng số liệu – dữ liệu”

Học cách suy nghĩ và quy trình giải quyết vấn đề sử dụng số liệu, dữ liệu

Giai đoạn chuẩn bị trước khi phân tích

1: Làm rõ và cụ thể vấn đề, mục đích. Cố gắng thể hiện bằng số liệu!

2: Nếu chỉ mãi luẩn quẩn ở giai đoạn Big picture, sẽ không tiến triển gì được. Sau khi nắm được tổng thể, hãy vào sâu vấn đề và tìm các điểm chính nhé.

3: Trước khi xử lý dữ liệu, phải nhớ xây dựng giả thuyết trước (suy nghĩ trước khi hành động!)

 


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button