Kinh doanh - đầu tư

Của Cải Của Các Dân Tộc

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Adam Smith

Download sách Của Cải Của Các Dân Tộc ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

“Của cải của các dân tộc” còn là một mẫu mực về mặt diễn đạt rõ ràng. Khi viết lời giới thiệu về vấn đề giá trị kinh tế khó hiểu trong quyển I, chương 4, Adam Smith nói: “Tôi luôn luôn muốn làm liều là tỏ ra nhạt nhẽo để biết chắc là tôi diễn đạt dễ hiểu”.ủa cải của các dân tộc” là cuốn sách kinh điển lớn đầu tiên về lý thuyết kinh tế. Có thể đi xa hơn nữa và nói rằng về mặt lịch sử, đây là tác phẩm kinh điển lớn nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội. Tôi không muốn nói là cuốn sách này đưa ra những phát kiến cơ bản của chân lý trường cửu (mặc dù chưa phải là cuối cùng) như Những nguyên lý của Isaac Newton trong khoa học vật lý và Nguồn gốc các loài của Charles Darwin trong sinh vật học. Khoa học xã hội hình như không chấp nhận loại thành tựu đó. Nhưng “Của cải của các dân tộc” thực ra rất giống hai cuốn sách nói trên vì nó cung cấp mô hình thành công tốt nhất trong phạm vi bao quát của nó và có khả năng cổ vũ mọi thế hệ bởi tầm nhìn xa thấy rộng của nó. Adam Smith không phải là một nhà đổi mới vĩ đại trong việc nắm bắt những nét đặc trưng của hành vi kinh tế nhưng ông đã hơn hẳn tất cả các bậc tiền bối của ông ở chỗ ông nhìn nhận toàn bộ đời sống kinh tế như một hệ thống thống nhất có các phân nhánh trong các ngành khoa học xã hội nói chung, nhất là xã hội học, tâm lý học, chính thể và luật pháp.

Kinh tế học là một môn học phức tạp, và hầu hết các tác giả hiện thời viết về lý thuyết kinh tế đều dùng ngôn ngữ phức tạp. Smith đã cố sức làm cho những đoạn gay cấn trở nên dễ hiểu, và mặc dù đôi khi phải động não khá nhiều, bạn đọc không nhất thiết phải nắm chắc thuật ngữ chuyên môn và giỏi toán học. Nhìn chung, Smith viết bằng tiếng Anh đơn giản. Và mặc dù ông có nói đến sự nhạt nhẽo nào đó trong cách diễn đạt, hầu hết các chương trong cuốn sách đã cuốn hút sự chú ý của người đọc nhờ có một kết cấu được sắp xếp khá tinh vi, mặc dù khi mới đọc sơ qua lần đầu, người ta có thể chưa nhận thấy. Tính chất không phô trương của dàn bài cuốn sách còn thể hiện trong việc Smith sử dụng các ngôn từ hoa mỹ. Khi ông muốn đưa ra một điểm đặc biệt quan trọng, ông không ngần ngại trình bày nó một cách giản dị hoặc đưa ra một ẩn dụ làm cho người đọc sửng sốt và nhớ mãi: “Chính không phải do lòng tốt của người bán thịt, người sản xuất rượu bia hay người làm bánh mỳ mà chúng ta có được một bữa ăn ngon, mà do sự quan tâm của họ tới lợi ích riêng của họ”. Từng cá nhân chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình, nhưng một “bàn tay vô hình” lại dẫn dắt họ thúc đẩy lợi ích chung.

Smith đã biết cách truyền đạt những ý nghĩ khó hiểu bằng một ngôn ngữ giản dị và đôi khi còn dí dỏm nữa ngay từ khi ông còn là giáo sư giảng dạy môn khoa học xã hội tại trường Đại học Glasgow. Sinh viên tại các trường đại học Scotland ở thế kỷ XVIII cũng chỉ bằng tuổi các học sinh trung học bây giờ. Đa số các thiếu niên theo học các lớp của Smith ở vào độ tuổi 12 – 14. Giáo trình bao gồm luân lý học, các nguyên tắc luật pháp và chính thể, kể cả kinh tế học. Nếu muốn cho các vấn đề giảng dạy có sức cuốn hút đối với các em từ 12 đến 14 tuổi, chắc chắn là giáo viên phải tìm mọi cách diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu và bằng những thí dụ giúp chúng có thể nắm bắt được. “Của cải của các dân tộc” thì phức tạp và tinh vi hơn nhiều so với những bài giảng mà từ đó quyển sách được hình thành, nhưng Smith nắm vững mục tiêu mà ông đang theo đuổi và có biệt tài làm cho những người không biết chuyên môn cũng dễ dàng hiểu được những gì ông muốn truyền đạt.

Adam Smith sinh năm 1723 (được rửa tội ngày mồng 5 tháng 6) tại Kirkcaldy ở Fife. Ông sinh ra khi cha ông đã chết từ 4 tháng trước đó. Ông là người con duy nhất của mẹ ông, mặc dù ông còn một người anh cùng cha khác mẹ, tên là Hugh. Mẹ của Hugh chết năm 1717 khi cậu bé mới lên 8. Cha ông tái giá vào cuối năm 1720 nhưng chết hơn hai năm sau đó, vào tháng 1 năm 1723 lúc người vợ kế tên là Margaret Douglas đang có mang. Cả hai đứa lúc đó không được khỏe mạnh, và người thiếu phụ góa bụa đã sống những ngày dài đầy lo âu về chúng. Hugh hình như thể lực có suy yếu hơn nên đã chết năm 1750 ở tuổi 40. Trong hoàn cảnh như vậy, mọi người dễ nhận thấy tình cảm mẹ con của Adam Smith thật là đằm thắm và hết sức trìu mến. Bà mẹ đã sống rất lâu, và chết năm 1784 ở tuổi 89. Bà chết trước Adam Smith 6 năm, và ở chung với con cho đến khi qua đời. Có lẽ vì thế mà ông đã sống độc thân mặc dù ông cũng đã yêu ít nhất một lần trong đời.

Sau khi theo học trường phổ thông ở Kirkcaldy, Adam Smith được nhận vào trường Đại học Glasgow mà ở đó ông đã dành một tình cảm kính yêu đặc biệt đối với Francis Hutchenson, một giáo sư luân lý học. Hutchenson không phải là một nhà triết học đại tài thời bấy giờ mặc dù ông đã có một vài ý tưởng mới rất đáng quan tâm, nhưng ông là một nhà giáo tài giỏi. Qua một số học trò của mình, ông đã gây một ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền giáo dục địa học ở Mỹ. Luân lý học đóng một vai trò trung tâm trong giáo trình giảng dạy của các trường đại học Scotland ở thế kỷ 18 và nó bao gồm nhiều mặt học vấn, kể cả các nguyên lý chung về luật pháp và chính trị cũng như về lý luận đạo đức học. Giải quyết một cách duy thực quan điểm chính trị là cần phải xem xét nó trên cơ sở kinh tế học. Và các bài giảng của giáo sư Hutchenson thực sự đã chú trọng nhiều đến luật học và kinh tế học. Mặc dầu Adam Smith phát triển những quan điểm riêng của mình về các vấn đề này, nhưng có lẽ ông cũng đã thừa hưởng sự thôi thúc ban đầu từ những lời dạy của Hutchenson.

Từ Glasgow, Adam Smith được chuyển đến Oxford với một học bổng dành riêng cho sinh viên có khả năng đặc biệt tại trường Đại học Glasgow để tiếp tục học thêm ở trường Cao đẳng Balliol tại Oxford. Học bổng ấy vẫn còn và mang lại lợi ích cho cả hai trường. Ở thế kỉ 18, tiền trợ cấp cho sinh viên không đủ như đáng lẽ ra cần phải có. Adam Smith đã bàn luận khá dài trong quyển V cuốn Của cải của các dân tộc và chỉ trích gay gắt khuyết điểm của các thầy giáo tại Oxford: “Ở trường đại học Oxford, phần lớn các giáo sư trong nhiều năm này hầu như đã từ bỏ ý định dạy học”. Ông có nhận xét không hay về mức chi phí cao và hiệu năng thấp của phương pháp giảng dạy ở trường đại học Oxford khi ông lần đầu đến đó với tư cách là một sinh viên. Trong bức thư viết cho người anh họ chịu trách nhiệm chuyển tiền cho ông, ông viết về những khoản “tiền học phí cao quá mức mà chủng tôi phải đóng cho nhà trường khi nhập học. Thật là một điều dại dột do chính mình gây ra nếu người nào đó lại quá ham mê học hành đến mức làm hại sức khỏe của mình tại Oxford. Nhiệm vụ duy nhất của chúng tôi ở đây là đi cầu kinh mỗi ngày hai lần và đi nghe giảng bài mỗi tuần hai lần”. Tất nhiên, ông đã so sánh giữa Oxford và Glasgow nới mà tiền học phí thấp và việc dạy học được ưu tiên. Ông có đề nghị một phương pháp sửa chữa trong Của cải của các dân tộc là tiếp cận kinh tế thị trường, làm thế nào để tiền thu nhập của giáo viên đại học bao gồm một phần là tiền học phí của sinh viên, như người ta thường làm ở Scotland, như vậy một giáo sư giỏi sẽ thu hút được nhiều sinh viên hơn, và do đó cũng được hưởng nhiều tiền học phí hơn, trong khi đó thầy giáo nào kém năng lực ắt sẽ kiếm được ít tiền hơn. Adam Smith, tuy nhiên, không cam chịu sự lơ là của các giáo viên trường Đại học Oxford. Ông đã ráng sức tự học bằng cách đọc rất nhiều sách cổ kim, và đã trở thành một người thông thạo khá nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, Ý, Hy Lạp, Latin.

ĐỌC THỬ

Sự cải tiến lớn nhất về mặt năng suất lao động và phần lớn kỹ năng, sự khéo léo và óc phán đoán đúng đắn có được hình như là nhờ sự phân công lao động.

Tác dụng của sự phân công lao động, trong hoàn cảnh kinh doanh chung của xã hội, sẽ được hiểu dễ dàng hơn khi xem xét sự phân công lao động được thực thi bằng cách nào trong một số ngành công nghiệp cụ thể. Người ta thường cho rằng phân công lao động được thực hiên hoàn hảo nhất ở một số ngành sản xuất nhỏ, có lẽ không phải vì nó được thực hiện tốt hơn so với những ngành quan trọng, mà vì ở những ngành sản xuất nhỏ nhằm cung cấp những vật dụng nhỏ cho một số ít người tiêu dùng, tổng số công nhân không nhiều, và những người được trao cho thực hiện một khâu sản xuất thường được làm việc trong cùng một phân xưởng và đặt dưới sự kiểm soát của một đốc công. Ngược lại, ở những ngành sản xuất lớn có nhiệm vụ cung cấp những đồ vật cần dùng cho đa số dân chúng, mỗi khâu sản xuất đều sử dụng rất nhiều công nhân và khó có thể sắp xếp họ vào cùng một phân xưởng. Mặc dù trong những ngành công nghiệp như vậy, công việc sản xuất có thể được chia thành nhiều khâu hơn là ở các xí nghiệp nhỏ, sự phân công thật ra cũng không thật rõ ràng lắm, đó là chưa nói đến sự kiểm soát cũng ít gắt gao hơn.

Để đưa ra một thí dụ, chúng ta hãy xét một xí nghiệp nhỏ nhưng sự phân công lao động ở đây lại hết sức chặt chẽ, đó là ngành sản xuất đinh ghim. Một công nhân chưa được huấn luyện làm việc này (mà sự phân công lao động đã làm cho việc này trở thành một nghề rõ ràng), anh ta cũng không biết sử dụng máy móc trong việc làm đinh ghim (mà sự phân công lao động chắc là đã đòi hỏi phải phát minh ra máy này) dù là cố gắng đến tột bậc, cũng chỉ có thể làm ra được một đinh ghim trong một ngày và chắc chắn anh ta chẳng bao giờ làm nổi 20 đinh ghim cả. Nhưng theo phương pháp mà việc kinh doanh này đang tiến hành, không những toàn bộ công việc này trở thành một ngành sản xuất riêng biệt, mà nó còn chia nhỏ thành nhiều khâu mà phần lớn các khâu này cũng trở thành những nghề riêng biệt.

Một người chuyên kéo dây thép, một người khác nắn cho thẳng, người thứ ba cắt dây thành những đoạn nhỏ, người thứ tư mài nhọn dây thép, người thứ năm tán đầu đoạn dây để lắp đầu đinh ghim, để làm được đầu đinh ghim đòi hỏi phải thực hiện hai hoặc ba thao tác; để lắp đầu đinh ghim là một việc khác hẳn, làm cho đinh ghim trở thành trắng bóng lại là một việc khác nữa; thậm chí đóng gói đinh ghim cũng là một nghề, và muốn làm thành một cái đinh ghim, người ta phải tiến hành 18 thao tác khác nhau và do những bàn tay công nhân khác nhau thực hiện tại một xí nghiệp, mặc dù ở một vài nơi khác, một người đôi khi cũng làm được hai hay ba thao tác như vậy. Một xí nghiệp chỉ có 10 công nhân nhưng với những máy móc cần thiết được trang bị, khi bắt tay vào sản xuất với tất cả sự nỗ lực của mình, họ có thể cùng nhau làm ra vào khoảng 12 pound đinh ghim một ngày. Một pound có khoảng hơn 4000 đinh ghim cỡ trung bình. Như vậy, 10 người công nhân có thể cùng nhau làm được tới 48.000 đinh ghim trong một ngày công. Nếu đem chia cho mười người, thì một người làm được 4.800 đinh ghim một ngày. Nhưng nếu họ làm ăn riêng lẻ và không kết hợp với nhau, và hơn nữa nếu họ không được huấn luyện về nghề này thì chắc chắn mỗi người trong số họ không thể làm nổi được 20 hoặc thậm chí một đinh ghim trong một ngày công.

Trong các ngành khác, sự phân công lao động cũng có những ảnh hưởng tương tự như nghề làm đinh ghim nói trên, mặc dù trong nhiều ngành nghề, lao động không cần phải chia nhỏ thành quá nhiều khâu mà cũng không cần phải thao tác đến mức giản đơn như vậy. Tuy nhiên, việc phân công lao động, như đã được trình bày ở trên, mang lại lợi ích là làm tăng năng suất lao động. Hình như việc phân chia thành nhiều ngành nghề và công việc khác nhau cũng bắt nguồn từ ý thức sử dụng thế lợi này. Sự phân công lao động càng tinh vi hơn ở những nước có trình độ công nghệ cao. Công việc của một người ở một nước yếu kém là công việc của nhiều người tại một nước tiên tiến. Ở một nước tiên tiến, người nông dân chỉ là người nông dân, không làm gì hơn, và nhà chế tạo chỉ là nhà chế tạo mà thôi.

Lao động sử dụng để sản xuất một mặt hàng công nghiệp thì hầu như bao giờ cũng chia nhỏ giữa một số lớn người thợ. Biết bao nghề khác nhau đã được sử dụng trong ngành chế tạo vải lanh và vải len, kể từ người trồng cây lanh, người chăn nuôi cừu để lấy lông cho đến người thợ chuội và chải sợi lanh, hay cho đến người thợ nhuộm và người may quần áo. Tính chất của nghề nông thực ra không phải phân chia lao động ra thành nhiều khâu nhỏ như vậy, cũng chẳng đòi hỏi phải phân chia thành nhiều nghề khác nhau như trong ngành công nghiệp. Thật khó mà tách hoàn toàn công việc của một người nuôi bò với công việc của người trồng ngũ cốc như là tách nghề thợ mộc với nghề thợ rèn. Người xe sợi làm một công việc khác hẳn với người thợ dệt; nhưng người đi cày, người đi bừa, người gieo hạt và thợ gặt thường làm chung một nghề. Những công việc loại này lại phải được tiến hành vào những mùa khác nhau trong năm, cho nên một người không thể thường xuyên làm một trong những việc nói trên. Không thể nào phân chia rành rọt các khâu lao động khác nhau trong nông nghiệp, và có lẽ đó là lý do tại sao việc cải tiến phân công lao động trong nông nghiệp không thể nào sánh kịp với ngành công nghiệp. Những quốc gia giàu có nhất thường hơn hẳn các nước láng giềng cả về nông nghiệp lẫn công nghiệp nhưng cũng phải thừa nhận rằng sự hơn hẳn đó thường thể hiện trong công nghiệp nhiều hơn là trong nông nghiệp. Đất đai của những quốc gia này thường được cày bừa tốt hơn, được đầu tư nhiều lao động và các khoản chi phí cần thiết hơn, sản xuất được nhiều hơn so với khả năng sinh sản và độ phì nhiêu tự nhiên của đất. Nhưng sản phẩm của nông nghiệp ít khi vượt quá nhiều so với chi phí về lao động và các khoản khác đã bỏ ra. Trong nông nghiệp, sức lao động của nước giàu không phải bao giờ cũng sinh lợi quá nhiều so với nước nghèo hoặc ít nhất thì cũng không bao giờ sinh lợi nhiều như trong công nghiệp. Với chất lượng ngang nhau, ngũ cốc của nước giàu không phải lúc nào cũng rẻ hơn tại thị trường so với ngũ cốc của nước nghèo. Ba Lan bán ngũ cốc cùng hạn rẻ như ngũ cốc của Pháp, bất kể nước Pháp giàu có hơn nhiều. Nước Pháp, tuy không giàu có như Anh, bán ngũ cốc cùng loại tốt như của Anh với giá tương đương, không hơn không kém. Tuy nhiên, đất trồng ngũ cốc của Anh thường được chăm bón tốt hơn ở Pháp, và Pháp thì lại có đất trồng trọt chăm bón tốt hơn so với Ba Lan. Nước nghèo, dù cho ngành trồng trọt có kém hơn, ở một chừng mực nào đó, vẫn có thể cạnh tranh với các nước giàu có về giá cả và chất lượng ngũ cốc, nhưng nước nghèo không có khả năng cạnh tranh với nước giàu về hàng công nghiệp, trừ khi các mặt hàng công nghiệp đó phù hợp với đất đai, khí hậu và hoàn cảnh của nước giàu. Hàng tơ lụa của Pháp tốt hơn và rẻ hơn các mặt hàng tương tự ở Anh, vì ngành sản xuất tơ lụa, ít nhất là trong điều kiện đánh thuế nhập khẩu tơ sống cao như hiện nay, không phù hợp với khí hậu của Anh. Nhưng đồ ngũ kim và các mặt hàng len thô của Anh lại hơn hẳn các loại hàng này của Pháp, mà với chất lượng như nhau thì lại rẻ hơn nhiều. Người ta nhận định rằng ở Ba Lan mọi mặt hàng công nghiệp đều khan hiếm trừ một số thứ cần dùng cho gia đình, và với tình hình như vậy không một nước nào có thể có một mức sinh hoạt tốt được.

Lượng công việc tăng lên mà do có sự phân công lao động nên vẫn chỉ số người đó có thể thực hiện được là nhờ ba yếu tố khác nhau: trước hết do tăng kỹ năng, kỹ xảo của từng công nhân; thứ hai do tiết kiệm thời gian chuyển từ loại công việc này sang loại công việc khác; và cuối cùng do phát minh ra các loại máy chuyên dùng làm cho lao động nhẹ nhàng hơn và một người có thể làm việc của nhiều người.

Trước hết, tài năng và sự khéo léo được nâng cao của công nhân tất yếu tạo điều kiện cho họ làm được một khối lượng công việc nhiều hơn trước, và sự phân công lao động hợp lý làm cho mỗi người chỉ cần chuyên tâm vào một thao tác đơn giản và làm thao tác đó suốt đời mình, thì nhất định họ ngày càng trở nên khéo léo hơn nhiều. Một người thợ rèn bình thường, dù cho có cố gắng đến mấy, anh ta cũng chỉ sản xuất được vài trăm đinh một ngày là cùng, và chắc chắn là chất lượng đinh rất kém. Một người thợ rèn quen việc làm đinh nhưng không phải là thợ làm đinh chính cống, thì khá lắm cũng chỉ làm ra được từ 800 đến 1000 đinh một ngày là tối đa. Tôi đã thấy một vài thanh niên chưa đến 20 tuổi mà chưa hề làm một nghề gì khác ngoài việc làm đinh, họ, từng người một, có thể sản xuất được trên 2300 cái đinh trong một ngày. Song làm ra được một cái đinh cũng không phải là một thao tác đơn giản. Người làm đinh phải thổi bễ, điều chỉnh ngọn lửa hoặc thêm than khi cần thiết, nung thỏi sắt và rèn thành đinh, và họ phải thay đổi dụng cụ khi tán đầu đinh. Việc chế tạo đinh ghim hay một chiếc khuy kim loại thường được chia nhỏ ra thành nhiều thao tác, cho nên việc chế tạo trở nên dễ dàng hơn và hơn nữa, người tham gia vào việc chế tạo này chỉ làm một thao tác đơn giản, cho nên anh ta ngày càng thạo và khéo léo hơn nhiều vì anh ta làm việc ấy gần như suốt đời. Tốc độ thực hiện các thao tác này vượt quá sức tưởng tượng của những người chưa được nhìn thấy các động tác bằng tay này.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button