Kinh doanh - đầu tư

Nền Giáo Dục Của Người Giàu


Nen giao duc cua nguoi giau1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Michael Ellsberg

Download sách Nền Giáo Dục Của Người Giàu ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

GIỚI THIỆU

TẠI SAO TRÍ TUỆ THỰC TIỄN LUÔN ĐÁNH BẠI TRÍ TUỆ HÀN LÂM?

người ta rót vào tai bạn rằng nếu học hành chăm chỉ ở trung học, đạt điểm số cao, vào một trường đại học danh tiếng, có tấm bằng trong tay thì chắc chắn bạn sẽ thành công trong suốt cuộc đời.

Điều này có thể đúng nếu chúng ta sống cách đây 50 năm. Còn ngày nay, mọi chuyện đã khác.

Giờ đây, nếu muốn thành công, bạn phải tự trau dồi thêm cho mình các kỹ năng và tư duy thực tế. Điều này vẫn đúng cho dù bạn có học đại học hay không.

Cuốn sách này sẽ chỉ dẫn cho bạn cách làm điều đó.

Trong một buổi phỏng vấn xin việc, một người 37 tuổi học MBA ở Harvard ngồi đối diện với một thanh niên khoảng 25 tuổi bỏ học giữa chừng đã vài lần “lỡ hẹn” với tấm bằng đại học chuyên ngành sân khấu và đạo diễn của Đại học Nam California (USC). Người có bằng MBA mặc vest sang trọng, đeo cà vạt vàng. Chàng thanh niên hơn 20 tuổi mặc quần jean, áo nỉ chui đầu, không mặc sơ mi bên trong, râu ria tua tủa, tóc tai bờm xờm không chải như thể anh ta vừa chui ra khỏi giường và lao thẳng đến buổi phỏng vấn vậy.

Buổi phỏng vấn diễn ra vô cùng nhạt nhẽo. Người phỏng vấn chẳng mảy may ấn tượng với bảng thành tích học tập của người được phỏng vấn và thấy anh ta không đủ kinh nghiệm để đem lại giá trị thực cho một công ty mới thành lập trong bối cảnh thị trường khó khăn như công ty của anh.

Bryan Franklin, từng là một sinh viên chuyên ngành sân khấu bỏ học giữa chừng quyết định sẽ tuyển dụng một người vào vị trí nhân viên hành chính và nhập liệu cho mình với mức lương 10 đô-la một giờ thông qua kênh tuyển dụng Craigslist vài ngày trước đó.

Khi còn theo học đại học, Bryan từng thành lập và điều hành, quản lý phát triển một công ty thiết kế âm thanh. Tổng cộng có tới hơn 300 phim truyện được biên tập hoặc lồng tiếng ở studio của anh, trong đó có Gladiator, The Last Samurai và Arfitificial Intelligence. Bằng nỗ lực tự vươn lên, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và chưa bao giờ cần đến sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư, Bryan đã bán công ty của mình vào năm 2000 sau khi Dody Dorn được đề cử giải Oscar dành cho biên tập viên với bộ phim Memento thực hiện ở studio này. Nhờ bán công ty mà “tôi mua được một ngôi nhà trên đường Lombard, San Francisco,” Bryan nói thêm với nụ cười mãn nguyện.

Vào đầu năm 2002, anh điều hành doanh nghiệp thứ ba do chính mình thành lập và đầu tư vốn. Bryan chia sẻ rằng việc kinh doanh rất phát đạt và cần một trợ lý, vì thế anh đã đăng quảng cáo tuyển dụng trên Craigslist. “Trong vòng 24 giờ, tôi nhận được 200 phản hồi. Hầu hết các ứng viên đều là cử nhân đại học, một vài thạc sỹ và nghiên cứu sinh mới vượt qua kỳ thi đầu vào, thậm chí có cả một số tiến sỹ đã tốt nghiệp và khoảng sáu MBA. Có một MBA tốt nghiệp Harvard khiến tôi tò mò. Tôi đưa anh ta vào danh sách chốt gồm 10 ứng viên được phỏng vấn.

“Anh ta đến nhà tôi trong bộ đồ công sở chỉn chu. Tôi nói sơ qua về website mà anh ta sẽ chịu trách nhiệm nhập số liệu với mức lương 10 đô-la một giờ và thấy anh ta quả thật là “một con gà” về công nghệ Web. Tôi không tin nổi anh ta đã nhắc đến từ “IPO”1 và cả “ưu tiên thanh khoản” trong buổi phỏng vấn.

Khi tôi nói rằng: “Xem nào, tôi đang tìm kiếm người nhập số liệu và chăm sóc khách hàng. Tôi muốn chắc chắn rằng khi khách hàng gọi đến, họ sẽ cảm thấy mình là Thượng đế.”

Thì anh ta đáp lại: “Ồ, anh biết đấy, tôi nghĩ cần phải xây dựng chiến lược xem chúng ta sẽ thúc đẩy những mối quan hệ nào…” Buổi phỏng vấn cứ thế diễn ra. Có lúc anh ta hùng hồn nói: “Luôn có những con đường và giải pháp khác nhau để dẫn đến thành công, vì thế một trong những điều tôi sẽ thực hiện trong tuần đầu tiên đi làm là thiết lập một “ma trận ưu tiên” để chúng ta cùng tham khảo…” Lúc đó, tôi hình dung trong đầu cảnh tượng anh ta ngồi hí hoáy vẽ ma trận ưu tiên còn tôi thì phải hùng hục giải quyết tất cả mọi việc.

“Cuối cùng, tôi đã thuê một phụ nữ Mỹ gốc Phi còn khá trẻ. Cô ấy chỉ học hết trung học nhưng có tinh thần làm việc nhiệt tình và sở hữu nhiều “trí thông minh đường phố.” Cô đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình suốt hơn 3 năm qua, được tăng lương vài lần và hiện đang quản lý một nhóm 3 nhân viên dưới quyền.”

Đương nhiên, bạn có thể học được rất nhiều điều thú vị từ trường đại học, nhưng thực tế, chúng lại chẳng giúp ích gì cho thành công trong sự nghiệp và tài chính của bạn. Bạn có thể mở rộng tầm hiểu biết, mài giũa các kỹ năng tư duy phê phán, đưa ra những ý tưởng và quan điểm mới mẻ, đam mê khám phá những di sản văn hóa hay tìm hiểu trí tuệ của những nhà tư tưởng vĩ đại nhất hành tinh. Đó đều là những đam mê đáng theo đuổi.

Giả sử, trong một thị trường bất ổn, bạn muốn là Bryan Franklin hơn là vị thạc sỹ Harvard nọ. Nói cách khác, bạn muốn tối ưu hóa các cơ hội của mình trong cuộc sống, là nhà tuyển dụng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thay vì là kẻ xin việc.

Để đạt tới mục tiêu tối đa hóa cơ hội thành công về chuyên môn trong bất kỳ điều kiện kinh tế nào, bạn cần phải bắt đầu học hỏi những gì?

Đây chính là câu hỏi trọng tâm mà cuốn sách này sẽ trả lời. Tôi sẽ đưa ra lời giải đáp cụ thể, chi tiết cho câu hỏi này trong hàng trăm trang sách tiếp theo.

Nhưng trước tiên, bạn hãy tìm lời giải cho câu hỏi:

Tại sao ngày hôm đó Bryan không có bằng đại học lại ngồi ở vị trí nhà tuyển dụng và tại sao người đàn ông có bằng MBA của Harvard lại là người tìm việc?

Tôi không có thông tin cá nhân nào về người có bằng MBA kia, vì thế tôi chỉ có thể đưa ra phỏng đoán về cảnh ngộ khó khăn của anh ta. Nhưng tôi lại rất tường tận câu chuyện của Bryan vì anh ấy là bạn thân của tôi. Tính đến thời điểm đó, anh ấy đã dành 10 năm ròng để trau dồi những kỹ năng giúp anh thành công như kinh doanh, marketing, lãnh đạo, quản lý, tài chính và kế toán từ những trải nghiệm kinh doanh thực tế ở các công ty do chính anh gây dựng lên bằng nguồn tài chính của mình. Nói cách khác, Bryan đã hướng đến sự tự giáo dục bên ngoài các lớp học, như một số nhà nghiên cứu gọi là “trí tuệ thực tiễn” hay còn có tên là “trí tuệ đường phố”, để hoàn thành mọi thứ trong cuộc sống thật hiệu quả.

Còn người đàn ông học MBA ở Harvard có vẻ đã học và nghiên cứu các tài liệu về marketing, kinh doanh, quản lý, lãnh đạo, tài chính và kế toán. Nhưng tôi đoán chủ yếu là những lý thuyết sáo rỗng. Để hoàn thiện chương trình cơ bản cho học viên, trọng tâm của nền giáo dục này là trí tuệ hàn lâm để hoàn thành tốt các bài kiểm tra thay vì trí tuệ thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề thực tế.

Cả hai người đều được giáo dục rất tốt nhưng tôi đoán, nền giáo dục của một người thiên về lý thuyết với kiến thức sẵn có trong kho của các trường đại học, cao đẳng, nền giáo dục của người còn lại (đó là nỗ lực tự học hỏi không giống bất kỳ lớp học chính thức nào) thiên về thực hành. Nền giáo dục của một người mang tính chất quan liêu, mô phạm và sách vở; người còn lại thu nhận kiến thức từ những vật lộn trong cuộc sống, những bờ vực của thất bại cá nhân. Một người được giáo dục trong ngôi trường danh giá, người còn lại được tôi luyện trong trường đời. Một người tập trung vào tri thức sách vở, người kia quan tâm tới tri thức đường phố.

Theo bạn, tri thức nào sẽ giành chiến thắng trong thời đại kinh tế suy thoái? Tri thức nào sẽ chiến thắng khi nền kinh tế khởi sắc trở lại?

Trong cuộc tranh luận không hồi kết giữa trí tuệ thực tiễn và trí tuệ hàn lâm, giữa tri thức đường phố và tri thức sách vở, có một chút mơ hồ liên quan đến thiên hướng mà cha mẹ, họ hàng, các thầy cô, các nhà truyền thông và các chính trị gia “lái” chúng ta theo ngay từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ.

Trong bộ phim The Graduate (Tạm dịch: Lễ tốt nghiệp) có một cảnh nổi tiếng là trong bữa tiệc tốt nghiệp tổ chức xung quanh bể bơi của gia đình, nhân vật Benjamin, do nam diễn viên Dustin Hoffman thủ vai, một cử nhân quản trị kinh doanh mới tốt nghiệp, nhận được lời khuyên chân thành về nghề nghiệp từ một người bạn của gia đình. “Tôi muốn nói với cậu một từ. Chỉ một từ thôi… Cậu có muốn nghe không?” người bạn của gia đình hỏi.

Benjamin gật đầu đồng ý.

“Plastics2.”

Lời khuyên cho thành công: “Học chăm chỉ thời trung học, bước vào một đại học danh tiếng và cầm lấy tấm bằng tốt nghiệp” đang dần trở nên rỗng tuếch, cũ rích và lỗi thời. Nếu bạn muốn biết ngày nay, một tấm bằng đại học chứng nhận trí tuệ học thuật của bạn có giá trị tới đâu, bạn chỉ cần đăng một quảng cáo tuyển dụng việc làm thêm trên mạng.

Bản thân tôi cũng đăng rất nhiều quảng cáo tuyển dụng trong nhiều năm qua, gồm nhiều việc làm thêm lặt vặt, khuân vác, lau dọn gara hay đẩy xe rác. Như trong ví dụ của Bryan, tôi có thể khẳng định rằng: Cho dù công việc có tẻ nhạt hay được trả công thấp đến mức nào đi chăng nữa, bạn vẫn nhận được hàng loạt đơn xin việc từ các cử nhân đại học.

Những ứng viên đầy bằng cấp có tất cả những công cụ mà xã hội, gia đình, thầy cô và mọi người xung quanh cho là cần thiết để thành công. Thế nhưng trong trường hợp của Bryan, tình trạng khủng hoảng kinh tế những năm 2000 đã khiến hàng trăm cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ xếp hàng để có được công việc tẻ nhạt với mức lương bèo bọt 10 đô-la/giờ đăng bởi một chủ doanh nghiệp trẻ không có bằng đại học.

Bạn muốn chạy theo bằng cấp hay theo đuổi thành công?

Trong thời đại công nghiệp hóa ngày nay, những người có kinh tế ở mức khá trở lên cho rằng điều quan trọng nhất mà những đứa trẻ từ 6 đến 22 tuổi cần theo đuổi chính là điểm số. Điều đáng quan tâm thứ hai là những hoạt động ngoại khóa như các môn thể thao, âm nhạc, các hoạt động tình nguyện để tô điểm cho hồ sơ và bản CV đầu vào đại học. Nhưng nếu hỏi rằng mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các chính trị gia và xã hội muốn con trẻ của họ để tâm tới suốt 16 năm trời, từ 6 đến 22 tuổi là gì, thì câu trả lời quá rõ ràng và đơn giản: Đạt được điểm tốt.

Bạn đã bao giờ dừng lại và suy nghĩ xem những vấn đề này kỳ quái thế nào chưa? Vì sao tất cả chúng ta đều bị thuyết phục rằng các khóa đào tạo sẽ mang đến cho bạn những tri thức học thuật hiệu quả, cần thiết và tiên quyết cho thành công trong cuộc sống? Tại sao tất cả chúng ta đều bị thuyết phục rằng mớ kiến thức ấy xứng đáng để chúng ta cống hiến 16 năm đẹp đẽ nhất cuộc đời? Chúng ta có nên dành phần lớn tuổi trẻ của mình, những năm tháng vui vẻ nhất, tràn đầy nhiệt huyết nhất, đam mê nhất và sáng tạo nhất, để theo đuổi những con số và con chữ bé nhỏ nhằm chứng tỏ trí tuệ học thuật?

Ken Robinson, tác giả cuốn sách The element: How Find your Passion Changes Everything (Tạm dịch: Nguyên tố: Tìm kiếm đam mê thay đổi mọi thứ) rất quan tâm đến câu hỏi khó nhằn này. Trong chương trình TED (Technology Entertainment and Design: Thiết kế và giải trí công nghệ), có một cuộc nói chuyện qua video rất nổi tiếng với tựa đề “Ken Robinson nói rằng trường học giết chết sự sáng tạo” (sau này nó trở thành một trong những cuộc nói chuyện được tải nhiều nhất từ TED.com), Ken cho rằng: “Nếu bạn bước chân vào nền giáo dục chính thống như một kẻ ngoại đạo và thắc mắc: ‘Nền giáo dục công lập phục vụ điều gì?’ Tôi nghĩ khi nhìn vào kết quả đầu ra, nhìn vào những người thành công nhờ nó, người tạo nên được những điều tốt đẹp và cả những người chiến thắng, bạn sẽ phải kết luận rằng toàn bộ mục đích của hệ thống giáo dục công lập trên toàn thế giới là sản sinh ra các giáo sư đại học. Không phải vậy sao? Họ luôn là người dẫn đầu… Tôi yêu quý các giáo sư đại học, nhưng bạn biết đấy, chúng ta không tôn vinh họ như những đỉnh cao thành công của nhân loại. Họ chỉ là một hình thái khác của cuộc sống.”

Nhà phê bình giáo dục đương đại Charles Murray quan niệm: “Các loại hình công việc đòi hỏi nền giáo dục đại học giống như người đầu bếp phải qua giai đoạn nỗ lực học nghề để trở thành một đầu bếp thượng hạng, dẫu đây chỉ là lĩnh vực thu hút một số ít người.” Nhưng nếu bạn không muốn dấn thân vào con đường khoa học nghiên cứu, bạn sẽ thấy chỉ có trí tuệ hàn lâm là không bao giờ đủ. Phát triển tri thức thực tiễn sẽ cải thiện đáng kể năng lực và thành công của bạn.

Cuốn sách này chính là cẩm nang giúp bạn phát triển những kỹ năng thực tế thiết yếu. Chúng tôi tập trung vào bảy kỹ năng quan trọng cần thiết để bạn đạt tới thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Dĩ nhiên, những kỹ năng thực tế này không thể thay thế cho tấm bằng đại học. Bạn có thể học được nhiều điều tuyệt vời ở trường đại học. Bạn có thể nảy ra những ý tưởng mới, mở rộng cái nhìn về cuộc sống, học về kỹ năng tư duy phản biện nhạy bén và đắm mình trong kho tàng văn hóa, trí tuệ của nhân loại.

Nhưng tôi dám chắc rằng dù bạn đã học xong đại học, bạn vẫn không được học cách biến những kiến thức học thuật trừu tượng thành những ứng dụng thực tế trong cuộc sống của chính mình. Hơn nữa, việc bổ sung những kỹ năng thực tế là không bắt buộc trong các trường đại học. Vì thế, những kỹ năng trình bày trong cuốn sách này là phần bổ sung thiết yếu cho hệ giáo dục đại học để bạn thành công hơn nữa trong công việc và cuộc sống.

ĐỌC THỬ

CÁCH TẠO SỰ KHÁC BIỆT MÀ KHÔNG TỐN QUÁ NHIỀU CÔNG SỨC

vào một đêm năm 1967, ca sỹ, nhạc sỹ kiêm tay guitar 21 tuổi tên là David đã phải nhập viện ở Paris do suy nhược cơ thể nghiêm trọng. Lý do là vì dù chơi nhạc ở các quán bar, hộp đêm và những buổi khiêu vũ trên khắp nước Pháp và Tây Ban Nha, David cũng không kiếm đủ tiền để mua thức ăn.

Nếu tối nay không chơi nhạc, ngày mai anh sẽ chẳng có gì bỏ vào miệng.

Hai năm trước đó, David đang học lớp 6 ở Cambridge, Anh (tương đương với 2 năm cuối cấp 3 tại Mỹ.) David không thi lấy chứng chỉ bậc A3, các kỳ thi quyết định đầu vào đại học tại Anh. Điều duy nhất David thực sự quan tâm là nhạc rock, anh sống hết mình cho nó, tham gia vào các ban nhạc địa phương và cũng sống bằng niềm đam mê của mình, hết buổi chơi nhạc này đến buổi chơi nhạc khác, cả ở Pháp và Tây Ban Nha. Nếu bạn chứng kiến khoảnh khắc sức tàn lực kiệt của một chàng trai 21 tuổi trên giường bệnh tại Paris, không một xu dính túi để mua đồ ăn cho mình, có thể bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng lựa chọn không tham gia thi lấy chứng chỉ bậc A của anh là đúng hay chàng trai đó sẽ có một tương lai xán lạn.

Và khi dự đoán đó có thể chính xác với hầu hết các nghệ sỹ nghèo đói, thì với anh nghệ sỹ ốm o về thể xác nhưng mạnh mẽ về tâm hồn này, dự đoán đó chẳng hợp lý chút nào.

David trở về Anh và một năm sau đó, Nick Mason, tay trống thân quen với David đã đề nghị anh cùng gia nhập vào một ban nhạc nhỏ lấy tên là Pink Floyd. Ban nhạc này đã bán được hơn 200 triệu album trong vòng hơn 40 năm sau đó. The Dark Side of the Moon là album nổi tiếng nhất của ban nhạc, đã bán được hơn 45 triệu bản trên toàn thế giới, được xếp vào danh sách những album bán chạy nhất, được chào đón nồng nhiệt nhất và gây ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Trong vai trò của tay guitar chính, ca sỹ chính và nhạc sỹ chính của ban nhạc, David Gilmour đã tạo ra rất nhiều bản hit trong hơn 40 năm qua, dễ dàng trở thành một trong những nhạc sỹ ấn tượng nhất trong lịch sử nhạc rock.

Tôi cũng là một fan nhạc rock. Tôi muốn cảm ơn David vì đã mang những cơn lốc âm nhạc đến rất nhiều đêm cuồng nhiệt tại trường đại học, những bài hát triết lý về ý nghĩa cuộc sống hay bồi dưỡng tình yêu thay vì chuyện học hành. Những trải nghiệm thời đại học với tôi rất ý nghĩa nhưng không thể phủ nhận rằng âm nhạc đã mang đến nhiều niềm vui, niềm hứng khởi và sự trân trọng cuộc sống cho tôi và cả hàng triệu người khác cho tới một thập kỷ sau khi ra trường. David Gilmour đã tạo nên sự khác biệt vô cùng lớn lao trong cuộc sống của rất nhiều người trên hành tinh này. Thế giới sẽ nghèo nàn hơn nếu thiếu anh và âm nhạc của anh. Tôi cho rằng David đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

Chắc hẳn, bạn vẫn còn điều gì đó hồ nghi về câu chuyện của David, câu chuyện về người đã tạo nên sự khác biệt lớn trên thế giới.

Một năm trước khi nổi tiếng, David vẫn là một nhạc sỹ với những món quà âm nhạc, lòng quyết tâm gây ảnh hưởng trong thế giới âm nhạc và sống một cuộc sống đầy ý nghĩa như khi nổi tiếng. Nhưng lúc đó, thế giới không quan tâm liệu anh muốn tạo ra ảnh hưởng thế nào hay “giá trị” mà anh muốn mang lại. Thực tế, David không thể xoay xở cuộc sống của mình chỉ nhờ vào số tiền mà công chúng trả cho những món quà âm nhạc của anh. Một trong những nhạc sỹ vĩ đại nhất trong lịch sử nhạc rock gần như chết đói trước khi anh và ban nhạc của mình được “khai quật”.

Tất cả chúng ta hay ít nhất là những người đầy ắp ý tưởng muốn tạo sự khác biệt trên thế giới, cho dù trong lĩnh vực kinh doanh, nghệ thuật, chính trị, từ thiện, khoa học hoặc công nghệ. Ít nhất là chúng ta muốn tạo ra sự khác biệt ở chính cộng đồng mình. Điều này thực sự có ý nghĩa: Tạo nên sự khác biệt, gây ảnh hưởng và sống có mục đích.

Vẫn tồn tại những nghịch lý để “tạo nên sự khác biệt” và “gây ảnh hưởng”. Thế giới không phải lúc nào cũng quan tâm liệu chúng ta có muốn tạo nên sự khác biệt hay gây ảnh hưởng không. Thực tế, nó có thể đi ngược lại với những gì ta cố gắng. Thế giới không tự dang tay đón chúng ta chỉ vì chúng ta có những lý tưởng tốt đẹp. Nó có thể cười cợt vào cái gọi là “lý tưởng” ấy hoặc phổ biến hơn là lắc đầu ngao ngán và ngoảnh mặt làm ngơ trước bất cứ điều gì.

Tôi đã hỏi David về bí quyết đưa anh đến thành công và câu trả lời rất thẳng thắn là: “Tôi đã gặp may. May mắn đóng một vai trò rất rất quan trọng để làm nên thành công của tôi. Họ nói anh phải tự tạo ra may mắn cho chính mình nhưng đôi khi tôi không chắc chắn lắm về điều đó. Rất nhiều người cũng có quyết tâm như tôi, đi đúng theo con đường mà tôi từng đi, cũng đầu tư nhiều tâm sức vào ngành công nghiệp âm nhạc chứ không theo học đại học, nhưng cuối cùng âm nhạc vẫn không thể nuôi sống được họ. Về sau, họ bị mắc kẹt trong những công việc “giật gấu vá vai”. Họ sẽ không phải sống qua những ngày như thế nếu kiên trì theo đuổi sự nghiệp học hành. Đây hoàn toàn không phải hướng đi mà tôi muốn gợi ý cho tất cả mọi người, trừ trường hợp bạn chắc chắn 110% và chứng minh được rằng niềm đam mê của bạn là điều bạn phải theo đuổi và sẵn lòng vì nó mà từ bỏ rất nhiều thứ khác.”

Rất ít người ước mơ về thứ mình dễ dàng đạt được. Rất ít người chỉ ước mình mãi là một quản lý cấp trung mờ nhạt hoặc một nhân viên bàn giấy vô danh trong các văn phòng quan liêu trong suốt cuộc đời mình. Chúng chẳng giống với mục đích sống cho lắm.

Ước mơ và mục đích sống là thứ lãng mạn, phiêu lưu và đầy hứng khởi. Chúng ta mơ ước trở nên nổi tiếng, giàu có và tạo được tiếng vang trong thế giới rộng lớn này. Chúng ta mơ ước trở thành những ngôi sao nhạc rock. Nếu không phải là những ngôi sao nhạc rock đích thực như David thì cũng là một vận động viên, một diễn viên, một tác giả, một đạo diễn, một nghệ sỹ, một chính trị gia, một nhà khoa học xuất sắc, một CEO giàu kinh nghiệm, một tỷ phú hay triệu phú nổi tiếng (giống như một số doanh nhân mà tôi phỏng vấn trong cuốn sách này). Cũng có thể chúng ta mong muốn tạo được danh tiếng trong các lĩnh vực truyền thống như luật, y tế, học thuật, hay tác động lớn đến cộng đồng ở vị trí lãnh đạo hoặc từ thiện. Cũng có thể chúng ta ước mơ trở thành một giáo viên xuất sắc và tạo nên khác biệt ở hàng trăm trẻ em.

Sự thật là những ước mơ tạo dựng sự khác biệt luôn đi kèm với rủi ro. Bạn càng khao khát trở thành một ngôi sao trong lĩnh vực nào đó, dù là giáo viên, bác sỹ, luật sư, nghệ sỹ, nhạc sỹ hoặc doanh nhân, bạn càng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn trong sự nghiệp. Rất ít người tạo được danh tiếng trong lĩnh vực của mình, tạo dựng được sự khác biệt cho cuộc sống của nhiều người khác, hay xác định chí hướng cho sự nghiệp của mình đơn giản chỉ bằng việc chăm chăm đi theo một kịch bản đã viết sẵn và đặt chân lên con đường có nhiều người lui tới.

Bạn có thể tìm được một sân vận động đầy những thanh niên 21 tuổi tài năng với nghị lực và lòng quyết tâm cao, tất cả đều đam mê gây ảnh hưởng tới thế giới theo cách của tuổi trẻ trong các lĩnh vực như âm nhạc, nghệ thuật, văn học, diễn xuất, làm phim, chính trị, khoa học, công nghệ, truyền thông, từ thiện hoặc kinh doanh. Trong sân vận động gồm những nhân tài này, chỉ có một hoặc hai người sẽ trở thành “siêu sao” trong lĩnh vực của mình như David Gilmour.

Cuối cùng, rất nhiều người trong sân vận động đó bị vỡ mộng và phải cúi đầu chịu thua. Một cảnh tượng thật đáng sợ. Rất nhiều người trẻ nghĩ tới viễn cảnh đó mà sợ hãi, không còn dám liều lĩnh, đành trung thành với những kịch bản an toàn trong sự nghiệp để gặp ít rủi ro, thất bại nhất và đương nhiên, thành tựu đạt được cũng chẳng có gì nổi bật.

Vậy điều phân biệt giữa một hoặc hai “siêu sao” vươn tới ước mơ của mình với những cá nhân đầy ắp ý tưởng, giàu đam mê và tài năng nhưng lại thất bại là gì?

Rất nhiều chuyên gia được phỏng vấn về bí quyết thành công đều đề cập đến tài năng, nghị lực, lòng quyết tâm, sự tự tin, kiên trì – những phẩm chất “xưa như trái đất” về sự nỗ lực tự vươn lên. Sự trung thực, biết lượng sức mình của các siêu sao như David Gilmour đã hoàn thiện danh sách các phẩm chất đáng quý đó. Họ cũng coi trọng vai trò của sự ngẫu nhiên, sự đồng điệu và những cơ hội may mắn. Các “ngôi sao” này tỏa sáng nhờ những phẩm chất đó. Chúa đã mỉm cười với họ. Những thời cơ vừa chín muồi. Sự may mắn vô hình hiện hữu.

Họ không gọi đó là một “dịp may”.

Nếu không có rủi ro đi kèm với nỗi sợ hãi, chúng ta đã chẳng cần mơ ước, thay vào đó là bắt tay vào hiện thực hóa nó ngay lập tức. (Cửa hàng tạp hóa lúc nào cũng tuyển thu ngân. Nếu bạn mong muốn trở thành một thu ngân, bạn có thể biến ước mơ thành sự thật ngay lập tức. Nhưng tôi cá rằng đó không phải là ước mơ của bạn.)

Vậy làm thế nào để chúng ta dung hòa những giấc mơ tạo dựng sự khác biệt cháy bỏng, giấc mơ được làm chủ một cuộc sống có ý nghĩa, có tầm ảnh hưởng và có lý tưởng với thực tế phũ phàng là thế giới không phải lúc nào cũng “để mắt” tới sự khác biệt mà chúng ta muốn tạo ra hay dành tặng điểm A cho nỗ lực của chúng ta?

Vượt qua những thác ghềnh trước mắt này là một trong những năng lực quan trọng nhất mà bạn có thể luyện rèn mà thành. Nếu chẳng lưỡng lự giữa hai dòng nước, chưa chắc bạn đã được thoải mái trong cuộc sống. Nếu lựa chọn theo đuổi những đỉnh cao sự nghiệp quá xa vời mà không lường trước những rủi ro, có thể bạn sẽ phải nhận kết cục như David ở tuổi 21, phải nhập viện vì suy nhược cơ thể. Và hiếm ai đang chênh vênh gần miệng hố tử thần đủ may mắn để có thể thực hiện một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục như David đã từng làm.

Còn nếu nhượng bộ nỗi sợ hãi và lựa chọn một con đường an toàn, hay thậm chí là phân vân và không xác định rõ tầm ảnh hưởng mình muốn tạo ra, mục tiêu mình muốn đạt được, thì cuối cùng bạn sẽ cảm thấy hối tiếc. Bạn có thể hài lòng với mức thu nhập an toàn và ổn định của mình nhưng trong lòng có thể day dứt không yên. Chẳng ai gọi đó là “thành công” cả.

Vì thế, trong phần mở đầu của bất kỳ cuộc thảo luận về thành công nào, điều bạn cần không phải là bài thuyết trình dài dòng, nào là “hãy tin tưởng vào bản thân”, “tự tin vào chính mình” hay “nỗ lực hơn nữa”, như nội dung chuẩn mực của nhiều cuốn sách khác. Đó phải là một cuộc thảo luận trung thực về cách thức vươn tới những ước mơ đáng trân trọng, cách vượt qua những rủi ro và đặt chân vào thương trường thực tế một cách suôn sẻ.

Xung đột giữa việc tạo dựng ảnh hưởng với việc lựa chọn một cuộc sống tẻ nhạt

Bạn càng khao khát muốn tạo dấu ấn trong lĩnh vực mình yêu thích, mục tiêu của bạn càng sâu đậm thì tiềm năng bạn gặp rủi ro càng cao. Có nghĩa là nguy cơ “trắng tay” của bạn càng cao hoặc công sức của bạn sẽ đổ xuống sông xuống bể và buộc phải chấp nhận thất bại.

Vậy tại sao lại tồn tại xung đột giữa lựa chọn một cuộc sống an phận và nỗ lực tạo dựng sự khác biệt, giữa cuộc sống tẻ nhạt và sống có mục đích. Tôi sẽ giúp bạn vạch ra một kế hoạch chi tiết để vượt qua những thác ghềnh này. Nhưng trước tiên, hãy đọc câu chuyện đầy kịch tính trong gia đình dưới đây, một hiện tượng như “cơm bữa” ở hàng nghìn hộ gia đình trên toàn nước Mỹ hàng năm.

Cha mẹ đã chắt chiu và tiết kiệm trong nhiều năm, thậm chí là vài chục năm để cho con gái của họ học đại học với hy vọng cô có thể ngẩng đầu với thiên hạ. Khi cô con gái học đại học, cô quyết định chọn chuyên ngành nghệ thuật kịch hoặc lịch sử nghệ thuật. Một cuộc tranh cãi nảy lửa đã diễn ra trong gia đình:

Cha mẹ: Nhưng làm thế nào con có thể kiếm sống nhờ chuyên ngành nghệ thuật (kịch, biên kịch, triết học, văn học, thơ)? Làm gì có nơi nào đăng tuyển dụng: “Cần tuyển nhân viên chính thức chuyên ngành nghệ thuật”?

Con gái: Nhưng thưa cha mẹ, đây là đam mê của con. Bố mẹ muốn con sống cuộc đời của một con tàu không người lái, cả ngày ngồi trong xó phòng của những công ty tẻ ngắt và để năng khiếu nghệ thuật trong con chết dần chết mòn sao?

Cha mẹ: Đương nhiên, bố mẹ ủng hộ đam mê của con. Bố mẹ chỉ muốn con có một phương án dự phòng khi nghệ thuật chẳng nuôi sống được con. Con thông minh và vừa đưa ra một lý lẽ rất thuyết phục, sao con không nghĩ mình sẽ trở thành một luật sư giống anh họ con, Sue? Lúc ấy, con vừa có thể hoạt động nghệ thuật khi có thời gian rảnh rỗi. Diễn xuất là nghề tay trái, con ạ.

Con gái: Cha mẹ không hề hiểu con! Cuộc sống không bó gọn trong một công việc an toàn đến mức tẻ nhạt. Nó lớn lao và ý nghĩa hơn nhiều so với số tiền mà cha mẹ có trong tài khoản ngân hàng. Cha mẹ sẽ hối tiếc vì đã ngăn cản con theo đuổi ước mơ của mình, v.v…

Những tranh luận tương tự cũng diễn ra khi những đứa con vừa tốt nghiệp cấp ba nói với bố mẹ rằng mình không có dự định học đại học hay khi các sinh viên đại học thông báo cho cha mẹ rằng mình sẽ nghỉ học. Cameron Johnson, một doanh nhân tự do thành đạt, một tỷ phú tự lập (một sinh viên bỏ học giữa chừng) đã hai lần tranh cãi với cha mẹ mình tương tự thế.

Lần thứ nhất là khi còn học cấp 3, anh đã nói với cha mẹ rằng mình sẽ không thi đại học vì anh quá bận rộn với việc xây dựng kế hoạch kinh doanh đang thành công của mình.

“Michael Dell cũng chẳng có bằng đại học,” tôi nói với bố mẹ mình. “Bill Gates cũng chẳng có bằng đại học.”

Bố mẹ tôi nói rằng tôi không phải là Michael Dell hay Bill Gates gì hết. Tôi là con trai họ và họ muốn tôi học hành tử tế.

Cameron đã đuối lý và buộc phải trở thành sinh viên của trường Đại học Công nghệ Virginia. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau khi nhập học, cuộc tranh luận thứ hai đã xảy ra khi anh thông báo với cha mẹ việc anh sẽ bỏ học để đầu tư kinh doanh.

Họ nói: “Không, không thể được!”

Tôi nói rằng: “Bố mẹ xem các ngôi sao bóng rổ đều bước thẳng trường cấp 3 tới NBA4, hay các diễn viên và nhạc sỹ chẳng cần bận tâm tới trường đại học bởi họ đã sớm dấn bước trên con đường sự nghiệp. Còn cả các doanh nhân thành đạt, họ chẳng cần đến 4 năm học để tìm hiểu về lĩnh vực của mình. Nếu mất những 4 năm học, con cũng chỉ dậm chân tại vị trí trước khi vào đại học, trong khi hiện tại con đang có lợi thế để tiến xa hơn. Đầu tư những 4 năm trời trong trường đại học nghĩa là 4 năm đó con sống ngoài rìa thế giới kinh doanh. Trong thời đại Internet bùng nổ bây giờ, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt, các bạn đồng môn khác sẽ chẳng thể đuổi kịp được con.”

Bố tôi lên tiếng: “Học đại học chẳng chết ai.”

Tôi đáp lại: “Con đồng ý, nếu con muốn thì 10 năm nữa học cũng chẳng muộn.”

Bố nói: “Cameron, con có thể mất nhà, mất công ty, tiền bạc, thậm chí là vợ con, nhưng không thể thất học. Học vấn là thứ duy nhất không rời bỏ con.”

Tôi đáp lại rằng: “Điều đó đúng nhưng con không đồng ý. Con vẫn đang học hỏi, tại trường đời. Cho dù con không ngồi trên giảng đường hàng ngày, nhưng con vẫn học với nhịp độ nhanh hơn các bạn bởi họ phải cố gắng tiếp thu bài giảng của thầy cô còn con học được chúng bằng cách trải nghiệm chúng.”

Những tranh luận và các câu chuyện kịch tính kiểu này trong các gia đình, tôi thấy, chẳng khác nào những tranh luận của chúng ta về sự an toàn với thái độ anh hùng trong cuộc sống. Sự an toàn và thái độ anh hùng hoàn toàn đối lập nhau. Hãy tưởng tượng một bộ phim mà nhân vật anh hùng chẳng cần mạo hiểm hay xông pha gian khó để chớp lấy cơ hội, và bao quanh anh ta là một lớp nilon bảo vệ để tránh những va chạm và tổn thương thường nhật. Bộ phim có cảnh anh ta đi bộ trên vỉa hè, vào một ngày nắng đẹp trong lớp vỏ nilon bao bọc tới một cửa hàng và mua vài nguyên liệu cho bữa tối. Hết phim!

Liệu bộ phim này có hấp dẫn không?

Trẻ nhỏ luôn muốn tạo dựng ảnh hưởng lớn đến thế giới, muốn thay đổi thế giới, để tạo ấn tượng về sự tồn tại của mình. Chúng muốn một lý tưởng và sự nhiệt tình. Chúng muốn trở thành anh hùng. Không đứa trẻ nào muốn là một nhân viên bàn giấy hay nhân viên văn phòng tẻ nhạt.

Cha mẹ bọn trẻ cũng muốn con cái của mình cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và sống thoải mái nhưng họ thấy nghề nghiệp mà chúng mơ ước (nghệ thuật và giải trí, văn học, viết blog, truyền thông, thể thao, xã hội học và kinh doanh…) đầy rủi ro.

Về điểm này, bố mẹ của chúng hoàn toàn đúng: Những nỗ lực này tiềm ẩn đầy rủi ro. Nói cách khác, khả năng thất bại khi theo đuổi các ngành nghề này rất cao so với lựa chọn trở thành một nha sỹ hay kế toán. Vì thế, với quyền lực bất khả̉ xâm phạm và thương lượng để bảo vệ và định hướng cho các con, các ông bố bà mẹ thường hướng các con theo con đường an toàn, ít rủi ro khi hướng nghiệp cho con. Họ có xu hướng nói về các kế hoạch trù bị hay những đường thoái lui và cân nhắc về những niềm đam mê của chúng.

Tại sao lại tồn tại mâu thuẫn giữa sự an toàn và tinh thần anh hùng, giữa tầm ảnh hưởng và sự mờ nhạt? Lý do hết sức đơn giản: theo định nghĩa “gây ảnh hưởng”, “tạo dựng sự khác biệt” hay “sống có mục đích” liên quan đến việc thoát khỏi những lề lối đã tồn tại trong bất kỳ một thị trường, tổ chức, lĩnh vực, vùng miền hay xã hội nào. Nó liên quan đến đổi mới hoặc trải nghiệm tiên phong. Bryan Franklin mà tôi nhắc đến trong phần Mở đầu đã định nghĩa khả năng tiên phong là “tạo ra tương lai chưa từng tồn tại cho những người khác.” Nếu những gì bạn đang cố gắng đạt được không diễn ra theo ý bạn, thì thật khó để nói rằng bạn đang gây được nhiều ảnh hưởng hay mục đích của bạn có điểm gì nổi bật.

Ngoài ra, nỗ lực thay đổi hiện tại, gây ảnh hưởng hay sống với niềm đam mê của bản thân kéo theo những rủi ro về tài chính hơn là không làm gì cả. Điều này chỉ đúng khi bạn là một chuyên gia trong các lĩnh vực truyền thống (như bác sỹ, luật sư) đang nỗ lực đạt tới những điều lớn lao trong công ty hoặc lĩnh vực của mình vì sự nghiệp của mọi người trong các lĩnh vực kinh doanh và nghệ thuật. Có hai lý do đơn giản sau:

Mọi người thường cảm thấy an toàn và thoải mái hơn với những gì quen thuộc chứ không phải lạ lẫm. “Ảnh hưởng” là một sự thay đổi, vì thế nếu muốn tạo ra ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình, có nghĩa là bạn đang kêu gọi mọi người đầu tư mạo hiểm vào những điều chưa mới mẻ. Sự đổi mới hay khả năng tiên phong của bạn càng lớn thì bạn càng đòi hỏi mọi người bỏ qua sự an toàn và thoải mái nhiều hơn – điều chẳng lấy gì làm dễ dàng nếu họ không vượt qua được vô số trở ngại.

Niềm thích thú cố hữu của nhiều người là thực tại và chẳng thèm đoái hoài tới “ảnh hưởng” của bạn, thẳng thừng từ chối sự đổi mới. Thậm chí, có thể họ còn bảo bạn giữ lấy cái ảnh hưởng của mình và biến đi! Càng cố gắng thay đổi hiện tại thật nhiều, bạn càng bị những người này tìm cách đánh bật khỏi tổ chức, cộng đồng, thị trường hay thậm chí còn cố gắng làm tổn hại đến danh tiếng và sự nghiệp tương lai của bạn. Bất kỳ ai tham gia vào chính trường đều hiểu rõ điều này. Bất kỳ nghệ sỹ hoặc doanh nhân nào nỗ lực tạo nên cái mới đều biết điều này.

Nếu bạn muốn giàu có hoặc nổi tiếng, thì sau khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ biết rằng cần phải tạo nên sự khác biệt làm biến đổi cuộc sống của nhiều người. (Theo định nghĩa, bạn không thể giàu có và được gọi là nổi tiếng nếu ảnh hưởng mà bạn tạo ra chỉ làm thay đổi cuộc sống của vài người.)

Những người giành được chiến thắng cuối cùng thường nắm trong tay quyền lực, sự giàu có, nổi tiếng, sự ủng hộ hoặc tạo được tiếng vang chủ yếu nhờ “tiếng lành đồn xa”. Cấp dưới/khách hàng/người hâm mộ này mang đến những cấp dưới/khách hàng/người hâm mộ khác, đến tận khi một nhóm lớn – mà tác giả nổi tiếng Seth Goldin gọi là một “lớp người” – vây xung quanh nhà lãnh đạo, công ty hoặc nghệ sỹ đó. Đây chính là cách hầu hết các nghệ sỹ, nhạc sỹ, diễn viên, tác giả và doanh nhân giàu có thường làm – hiệu ứng truyền miệng. Hiệu ứng truyền miệng càng lan rộng thì tốc độ của nó càng nhanh chóng và mạnh mẽ (mà Malcolm Gadwell gọi là “điểm bùng phát”.) Thực sự, truyền miệng là một trong những phương thức quảng bá không thể dự đoán được trên thế giới. Không ai biết cơn chấn động tiếp theo của công chúng sẽ là gì. Cơn sốt lan truyền trong công chúng đã khiến những người nổi tiếng thậm chí là một thiên tài thiện ý như David Gilmour đã phải gật đầu thừa nhận tầm quan trọng của sự may mắn trong thành công của anh.

Trong sự nghiệp, khi nào phải đứng trước hai con đường, dường như lúc nào bạn cũng phải cân não để chọn lựa giữa một con đường dễ đoán định (trong đó bạn là một mắt xích khiêm tốn trong một kịch bản đã viết sẵn) và một con đường tạo cho bạn cơ hội gây ảnh hưởng nhiều hơn (như vị trí lãnh đạo) nhưng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Điều này hoàn toàn đúng với một luật sư, giám đốc của một tập đoàn, một doanh nhân mới khởi nghiệp hay một nhạc sỹ.

Vấn đề này có thể được nhìn nhận theo cách khác: Dù ở giai đoạn nào của sự nghiệp, bạn vẫn thường đứng giữa một con đường an toàn hơn và một con đường mạo hiểm hơn; giữa một con đường chắc chắn hơn và một con đường cho bạn cảm giác sống có mục đích và ý nghĩa hơn. Bạn khó lòng trở thành anh hùng nếu không trải qua những khó khăn và rủi ro.

Một cách tốt để nghĩ về “sống một cuộc sống có ý nghĩa” là “tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của những người mà bạn quan tâm tới.” Ý nghĩa này không có gì kỳ lạ khi bạn gắn liền với những huyền thoại và truyện kể có những anh hùng chấp nhận mọi hiểm nguy để tạo nên điều tốt đẹp cho cuộc sống con người. Nếu bạn không sẵn sàng tạo sự khác biệt trong cuộc sống của bất kỳ ai, chắc rằng bạn sẽ không cảm nhận được cuộc sống của mình có ý nghĩa. Bạn có thể dừng lại, như nhân vật trong The Secret Life of Walter Mitty (Tạm dịch: Cuộc sống bí mật của Walter Mitty), sống một cuộc sống tầm thường và chỉ mơ mộng đơn thuần về chủ nghĩa anh hùng, theo cách gọi của Thoreau là “cuộc sống của sự âm thầm tuyệt vọng”. Tạo ra một điều khác biệt thật sự và sống với những mục tiêu ý nghĩa mang nhiều hiểm nguy, bao gồm cả những nguy hiểm của sự thất bại, từ chối, hay thậm chí là phá sản và sụp đổ. Vậy làm sao để chúng ta chèo lái được mong muốn an toàn với khát khao làm nên một điều khác biệt trong thế giới này? Làm sao để chúng ta chuyển giữa mong muốn về chủ nghĩa anh hùng, sự phiêu lưu, sự lãng mạn với những cấp bậc của sự tiên đoán trong cuộc sống? Làm sao để chúng ta hòa hợp những giấc mơ lý tưởng với thực tế khắc nghiệt của thị trường? Đó là những câu hỏi mà tôi sẽ trả lời trong chương này và xuyên suốt trong phần còn lại của cuốn sách.

Kế hoạch cụ thể mà tôi sắp chia sẻ sẽ giúp bạn có một cuộc sống có ý nghĩa, tạo dựng sự khác biệt và trốn thoát cuộc tranh giành/cuộc rượt đuổi/sự giam cầm của kịch bản có sẵn từ cha mẹ hay xã hội, mà cuối cùng, bạn vẫn không nghèo đói nếu theo đuổi kịch bản ước mơ đã được ấp ủ. Tôi gọi đây là “Nghệ thuật kiếm sống”.

Để giải thích cho nghệ thuật này, hãy để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện về một người đã đạt được rất nhiều ước mơ và vượt qua những hiểm nguy bằng sự khéo léo của mình. Ông ấy không phải là một tỷ phú nhưng ông ấy đã sống một cuộc đời đầy hấp dẫn.

Anthony Sandberg và nghệ thuật kiếm sống

Vì một lý do nào đó, khi nhiều người đạt đến tầm ảnh hưởng nào đó trong cuộc sống và thấy rằng những điều họ phải làm để đạt được ảnh hưởng đó đang dần trở nên vô nghĩa, họ bắt đầu có niềm hứng thú với… lái thuyền.

Khi ấy, Anthony Sandberg sẽ xuất hiện ngay lập tức, sẵn sàng đưa họ ra khơi. “Đó là khi họ đến lái thuyền cùng tôi! Họ có thể nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ điều gì đó. Trong cuộc hành trình, những con người liên tục trì hoãn biết rằng cả đời họ luôn ủng hộ việc đi theo con đường đã định và làm theo những gì có sẵn.” Anthony điều hành một trong những trường lái lớn nhất và thành công nhất thế giới, trường lái OCSC tại Berkeley Marina (http://ocscsailing.com).

Hiện nay, Anthony đã 62 tuổi. Ông rời Đại học Dartmouth khi đang học dở năm cuối năm 1971. Cả nước Mỹ đang căng thẳng với vấn đề chiến tranh Việt Nam và trong suốt năm cuối đại học của Anthony, nhiều phong trào biểu tình phản đối chiến tranh dâng cao.

Phần lớn thời gian Anthony dành cho việc tổ chức những chuyến xe bus chuyên chở người tham gia biểu tình xuống các vùng Boston, New York và Washington, D.C. Khi cuộc xâm lược Campuchia nổ ra vào năm 1970, “việc học hành chẳng còn ý nghĩa gì với tôi nữa. Tôi muốn hòa vào không khí chung của toàn nước Mỹ lúc đó. Tôi bỏ hẳn học kỳ cuối và bắt đầu dành toàn bộ thời gian để tổ chức các cuộc biểu tình của sinh viên ở D.C. Vì thế, tôi không bao giờ được nhận bằng đại học. Tôi nghĩ mình có thể hoàn thành chương trình học và kiếm một tấm bằng khác bây giờ (cười khúc khích), nhưng tôi không chắc nó còn có tác dụng gì với mình nữa không.”

Sandberg là người đầu tiên trong gia đình được học đại học. Bố của ông là một đầu bếp còn mẹ là nhân viên chạy bàn. Ông lớn lên trong một gia đình gốc Hawaii không mấy khá giả, và theo lời kể của Sandberg, khi chuyển đến California, gia đình họ phải sống khá chật vật.

Để phụ giúp gia đình, ông đã rời trường trung học và xa gia đình từ năm 16 tuổi để kiếm một công việc trên tàu và đi vòng quanh thế giới. Một năm sau đó ông trở lại trường học mặc dù vẫn sống xa gia đình và tự kiếm sống nuôi thân.

Trường Đại học Dartmouth rất cảm động trước lòng quyết tâm của ông và lá thư ông kể về hành trình phiêu lưu trên biển để kiếm tiền ăn học. Họ đã cấp cho ông một suất học bổng toàn phần.

Hai năm đầu học tại Dartmouth ông luôn là một sinh viên xuất sắc, nhưng đến hai năm cuối, ngoài việc hiếm khi tới lớp học đầy đủ do bận rộn tổ chức biểu tình, ông còn cảm thấy sự miệt thị của bạn bè dành cho mình khi họ đã sẵn sàng cho công việc và cuộc sống sau khi tốt nghiệp. “Vào năm cuối đại học, tất cả những bạn để tóc dài suốt bốn năm bắt đầu cắt ngắn và mua những bộ đồ công sở. Đồng hồ sinh học đã “điểm chuông”, đã tới lúc họ phải làm hài lòng cha mẹ mình hoặc thực hiện kế hoạch đã vẽ ra. Tôi thấy hầu như họ chẳng vướng chút bận tâm đến nguyện vọng riêng của mình trong cuộc sống. Sự thật là chẳng có phần thưởng nào cho việc bạn làm theo đam mê mà chỉ có phần thưởng cho những thái độ phải phép.”

Sau khi rời khỏi trường học và khi các cuộc biểu tình bị dẹp yên, tinh thần khởi nghiệp của Sandberg trỗi dậy, nhiệt huyết không kém gì lần đầu tiên đặt chân vào đại học và bắt đầu con đường kinh doanh với sự hỗ trợ của một số quỹ đầu tư mạo hiểm. Ông đã thành lập công ty chuyên kinh doanh đồ thể thao rồi sau đó là công ty đồ da. Ông nhận một số công việc trên các du thuyền của các tỷ phú ở Địa Trung Hải, Hy Lạp, Thổ Nhĩ̃ Kỳ, Croatia và Tây Ban Nha. Sau đó, ông gia nhập Tập đoàn Peace ở Nepal. “Tôi có cơ hội gặp gỡ những người giàu nhất và cả những người nghèo nhất thế giới.”

Khi trở về từ Tập đoàn Peace, ông lại tiếp tục tìm hiểu và thử nghiệm nhiều thứ. “Tôi tò mò về hàng triệu thứ khác nhau và muốn khám phá chúng.” Ông hứng thú vô cùng với nền công nghiệp năng lượng mặt trời mới bùng nổ lúc bấy giờ. Ông đã dành 6 tháng làm thợ sửa chữa ống nước vì thời điểm này năng lượng mặt trời sử dụng nước là nhân tố làm nóng. Ông bắt đầu thành lập công ty hàn ống nước và lắp đặt các thiết bị năng lượng mặt trời, thuê các thợ hàn ống nước có bằng cấp làm việc dưới quyền mình. Vào thời điểm đó, ông cũng bắt đầu dạy lái thuyền bán thời gian ở các trường dạy lái.

Ở ngôi trường đó, ông đã nhận được một vài lời khuyên làm thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. “Tôi đã gặp một vị khách sộp. Ông ấy nói rằng: ‘Anthony, cậu chắc chắn là một trong những hướng dẫn viên lái thuyền tốt nhất mà tôi từng gặp. Nhưng cậu sẽ chẳng khá lên được nếu cứ mãi là một hướng dẫn viên lái thuyền. Cậu phải nắm bắt được điều thực sự cần thiết, phân tích, hệ thống hóa nó, biến nó thành cẩm nang hữu ích cho nhiều người. Đầu tiên là một nhóm rồi sau đó mở rộng dần dần.’”

Một ý tưởng lóe lên trong đầu Anthony khi nghe lời khuyên đó (Xem Kỹ năng thành công số 2 để tìm kiếm đúng cố vấn cho mình). Ông bị ám ảnh bởi ý tưởng thành lập trường lái riêng. Thời gian này, lái thuyền chỉ dành cho những tay tài phiệt giàu có. Không có trường đào tạo lái thuyền nào dễ tham gia như ngày nay (trường của Anthony trở thành một ví dụ điển hình cho kiểu trường đó, ông đã đón đầu xu hướng này). Ông muốn tranh thủ niềm đam mê lái thuyền và đưa nó vào tầm với của nhiều người và nhiều tầng lớp.

“Lúc đó, tôi đang ngồi trong chiếc xe tải hàn chì. Sự háo hức bồn chồn đã thôi thúc tôi cho ra đời kế hoạch kinh doanh sau một đêm dài thức trắng. Mọi vấn đề liên quan: Những con thuyền nên được bảo vệ thế nào, nhân viên được đào tạo ra sao, khách hàng nên được đón tiếp thế nào, quá trình nghiên cứu sẽ phát triển hướng nào đã được tôi giải quyết.

“Trường bắt đầu giảng dạy từ chiếc thuyền đi mượn ở bến thuyền Berkeley. Anh định mượn thuyền bằng cách nào? Anh đã từng nhìn thấy một bến thuyền trống trơn chưa? (cười). Ở đó chật ních những chiếc thuyền mà ông chủ của chúng không biết lái và đổi chủ 3 năm 1 lần. Tôi đi bộ đến bến thuyền Berkeley và nói với mọi người rằng: “Tôi sẽ bảo dưỡng thuyền hộ các anh và hướng dẫn cách lái, nếu các anh để tôi sử dụng chúng tại trường của tôi trong tuần này.” Tôi đã mượn thuyền thành công! Thành thực mà nói, ngày nay một đứa trẻ cũng có thể làm điều đó! (Cười) Khi làm vậy, tôi có một khách hàng, tiếp đến là 3 rồi 5 người. Tất cả đều do sự tự thân vận động. Không cần vay vốn đầu tư, chỉ cần một giấy phép kinh doanh giá 6 đô-la.”

Ngôi trường cứ thế phát triển “như diều gặp gió”. Hiện nay nó đã nằm trọn trong khuôn viên rộng 6 mẫu Anh, đối diện với cầu Cổng Vàng. Với hơn 30 năm trong nghề, Anthony và các cộng sự đã hướng dẫn hơn 25.000 học viên lái thuyền và hiện tại đang có hơn 80 nhân viên, quản lý hơn 50 thuyền và du thuyền. Ông hiện đang sống trong một căn hộ sang trọng mặt hướng ra vịnh nằm trong khu phức hợp trường lái này. Ông thường dẫn đầu các đội tàu nhỏ của sinh viên học lái và các nhà mạo hiểm đi khắp từ Nam cực, Patagonia, Thổ Nhĩ̃ Kỳ, Hy Lạp, và Galápagos, Địa Trung Hải, Trung và Nam Mỹ, Tahiti, Australia và Nam Thái Bình Dương, và dành thời gian cho các chuyến phiêu lưu khám phá của bản thân.

Mặc dù cuộc sống đã rất vương giả và trường lái ngày một phát triển vững mạnh nhưng hiện tại Anthony không ngừng bước. Ông đang dự định thực hiện bước thứ hai trong cuộc đời mình. Ông nhen nhóm ý tưởng dạy kinh doanh cho trẻ em. Cuối cùng, ông đã quyết định hướng dẫn những đứa trẻ nghèo khổ thuộc vùng vịnh này phương cách khởi nghiệp. “Tôi không muốn các lớp đại trà. Tôi muốn tìm 10 đứa trẻ mong muốn trở thành doanh nhân. Tôi có thể dạy chúng khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Chỉ cần đam mê, chúng sẽ làm nên tất cả.”

Anthony muốn dạy kinh doanh cho bọn trẻ vì một lý do hết sức đơn giản: ông tin rằng tương lai của thế giới phụ thuộc vào những người trẻ biết những kỹ năng này.

“Hiện giờ, chúng ta đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Chúng ta có thể cần đến 10 năm để cứu các đại dương với đủ loại vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, tôi tin tương lai của thế giới không đến từ các tổ chức phi lợi nhuận. Tôi nghĩ nó đến từ các doanh nghiệp vì kinh doanh có một sức mạnh vô cùng mãnh liệt. Tôi chỉ không nghĩ rằng các doanh nghiệp tiếp tục “bán bánh” còn các tổ chức phi lợi nhuận tiếp tục xin “bố thí” mà phải đưa ra những hành động đủ nhanh và quyết liệt. Các doanh nghiệp biết rõ mình cần làm gì nhưng quan trọng là phải có lương tâm và muốn biến thế giới này trở thành nơi tốt đẹp hơn chứ không phải chạy theo lợi nhuận bằng bất cứ giá nào. Hành tinh này không chỉ dành cho ngày hôm nay.”

Anthony Sandberg có thể không nổi tiếng, có thể không phải là một tỷ phú của Thung lũng Sillicon nhưng ông giàu có trên mọi phương diện. Và để đạt được sự giàu có này, ông không và chưa bao giờ trì hoãn bất kỳ ý nghĩa, mục đích, sự phiêu lưu và niềm hứng khởi nào trong cuộc sống. Cuộc sống vô cùng ý nghĩa với chính bản thân ông và với rất nhiều người được ông hướng dẫn và lãnh đạo.

“Câu khẩu hiệu của chúng tôi ở trường lái đó là ‘Khuyến khích sự tự tin’,” ông chia sẻ. “Không phải là ‘Học lái tốt hơn’ mà là tự tin thực hiện một hành trình ngắn trên biển, rồi tiến xa thêm chút nữa, chút nữa và rồi đột nhiên, cả thế giới ở dưới chân bạn.”

Điều Anthony chia sẻ chính là “Nghệ thuật kiếm sống”, là nghệ thuật tạo ra sự nghiệp vững chắc với mức tài chính cao và cho phép bạn theo đuổi ước mơ và tạo dựng sự khác biệt.

Để hiểu hết ý này, hãy cùng tôi quay lại cuộc tranh cãi giữa cha mẹ và cô con gái được trích dẫn ở đầu chương.

Cha mẹ và con gái đang tranh luận về sự đối lập giữa tiền bạc, sự đảm bảo về tài chính với đam mê, mục tiêu, ý nghĩa và khả năng tạo dựng sự khác biệt.

Mặc dù cha mẹ và con gái ở hai phe đối lập nhau, mọi ý kiến đều chỉ dựa trên phỏng đoán rằng: Tiền bạc và sự đảm bảo về tài chính hoàn toàn tách biệt, không có mối liên hệ nào với việc sống có mục đích và tạo ra một cuộc sống có ý nghĩa. Cha mẹ tán thành một cuộc sống tẻ nhạt và buồn chán, buộc con gái phải theo đuổi ngành nghề mà cô hoàn toàn không hứng thú (thậm chí vô cùng dị ứng) để đánh đổi sự đảm bảo về tài chính. Con gái thích thú một cuộc sống của những đam mê, mục đích và ý nghĩa mà không mảy may cân nhắc xem cô sẽ thanh toán các hóa đơn của mình như thế nào.

“Nghệ thuật kiếm sống” là nghệ thuật tìm kiếm những cách thức sáng tạo để mang lại sự dung hòa cả về tiền bạc và ý nghĩa cuộc sống.

Tôi gọi đó là nghệ thuật bởi rõ ràng không phải lúc nào sự ổn định về tài chính cũng song hành với việc tạo dựng sự khác biệt theo cách mà bạn mong muốn. Lưu ý là không phải chúng ta đang bàn đến “sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống” kiểu như “viết những vở kịch trong thời gian rảnh rỗi để thỏa đam mê trong khi vẫn là một luật sư” mà cha mẹ tán thành. Chúng ta đang nói về một công việc là mục tiêu, là thu nhập, là ý nghĩa cuộc sống và cũng là sự khác biệt bạn đang tạo ra trên hành tinh này. Nó khó lòng nắm bắt được nhưng rất đáng thực hiện, không giống như “sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống” đã bị thổi phồng quá nhiều.

“Nghệ thuật kiếm sống” còn đi kèm với nhiều yêu cầu khác như chính xác điều bạn muốn tạo nên sự khác biệt là gì, các vấn đề về kinh doanh, sáng tạo được giải quyết thế nào,… để bạn vừa kiếm được những đồng tiền “sạch” vừa tạo dựng được sự khác biệt.

Bạn sẽ phải đưa ra một cách giải quyết duy nhất phù hợp với bản thân và hoàn cảnh của bạn. Cách giải quyết đó không giống bất kỳ ai vì một lý do rất đơn giản: Trong lịch sử loài người, sự khác biệt mà bạn muốn tạo ra không giống với ai khác. Nếu có, thì nó không được gọi là sự “khác biệt” nữa. Khác biệt không phải “na ná” nhau mà là điều chưa ai từng làm trước đó chứ không phải chỉ là khác biệt trong mắt những người mà bạn muốn gây ảnh hưởng.

Làm được điều gì đó chưa ai từng làm liên quan đến sự thiếu chắc chắn, nguy hiểm và rủi ro, là khuất mất tầm nhìn vào bờ theo cách diễn đạt của Anthony. Bạn càng muốn gây ảnh hưởng lớn lao bao nhiêu trong thị trường, sự nghiệp, nền công nghiệp, chuyên môn hay thế giới, bạn càng phải tiến xa bờ bấy nhiêu.

Tôi sẽ không huyễn hoặc bạn rằng không có bất kỳ mối hiểm nguy nào trên con đường kiến tạo sự khác biệt đó. Nhưng qua cuốn sách này, tôi sẽ mang đến cho các bạn một bộ công cụ và kỹ năng để tối thiểu hóa những nguy hiểm và tối đa hóa cơ hội tạo dựng sự khác biệt. Hãy bắt đầu ngay bây giờ.

Bốn bước để dung hòa tiền bạc và cuộc sống có ý nghĩa: buộc “nghệ thuật kiếm sống” phải vận hành

Trong phần này tôi sẽ nhắc đến 3 nhóm người:

  • Bạn sẽ vui vẻ tiếp tục đi trên con đường kiếm sống hiện tại trong phần đời còn lại, nếu công việc bạn đang làm có vẻ có ý nghĩa với bạn nhưng thực tế lại không phải vậy.
  • Bạn sẽ vui vẻ tiếp tục đi trên con đường kiếm sống hiện tại trong phần đời còn lại bởi nó có vẻ có ý nghĩa với bạn nhưng số tiền kiếm được từ việc đó không đủ sống.
  • Bạn sẽ chẳng vui vẻ gì với đồng tiền mà bạn đang kiếm được lẫn ý nghĩa của công việc bạn làm. Khỉ thật!

Tôi sẽ nói đến những người thuộc nhóm B và nhóm C trước còn nhóm A sau cùng.

Bước 1: Tự mình kiếm sống

Nếu bạn thuộc nhóm B hoặc C thì có việc để làm rồi đây. Hãy tự mình kiếm sống đi. Tôi thuộc nhóm B trong suốt một khoảng thời gian dài vô cùng tồi tệ của tuổi 20. Tôi có thể vui vẻ tiếp tục viết những thứ bỏ đi suốt phần đời còn lại của mình (Xin lỗi bạn đọc!), nhưng tôi không sống nổi với đồng lương kiếm được từ công việc đó.

Nếu bạn thuộc nhóm B và C, hãy tự mình kiếm tiền trong khả năng của bạn. Đó là điều mà hầu hết những người trong cuốn sách này làm. Họ có được nguồn tài chính ổn định từ khi còn trẻ, thường là từ khi còn là thiếu niên. Hãy kiếm lấy một công việc đều đặn, công việc bàn giấy hay một công việc tạm thời. Đừng cho rằng chúng “dưới tầm” của bạn, miễn là bạn có tiền. Hãy cứ xếp hàng chờ đợi nếu cần phải thế. Tạm thời để lại “nghệ thuật”, “mục tiêu” hay “ý nghĩa” ra phía sau và tìm cho được sự ổn định tài chính, để bản thân bạn có được cảm giác đủ tiền trả tiền thuê nhà, thanh toán hóa đơn đúng hạn, mua một chiếc áo đẹp để ra ngoài ăn tối.

Hãy tìm ra cách tốt nhất để đạt được sự ổn định về tài chính dù làm công việc nào. Điều này sẽ được mô tả chi tiết hơn trong Kỹ năng thành công số 7: “Tư duy làm chủ đối lập với tư duy làm thuê”. Đó là cách tôi và tất cả các doanh nhân tự lập trong cuốn sách này đã làm.

Bước 2: Tạo ra nhiều cơ hội để thử nghiệm hơn

Bước này (và các bước còn lại) đều áp dụng được cho cả 3 nhóm người được liệt kê ở trên. (Giả sử những người trong nhóm A đã ổn định về tài chính rồi vì thế họ đã trải qua bước 1). Bước tiếp theo, một khi bạn đã có động lực kiếm tiền thì bạn sẽ tạo ra được nhiều cơ hội để thử nghiệm.

Việc tìm kiếm sự dung hòa giữa tiền bạc và ý nghĩa cuộc sống đòi hỏi rất nhiều trải nghiệm. Cuộc trải nghiệm nào cũng cần đầu tư thời gian, tiền bạc và môi trường để thử – sai.

Qua bước 1, đạt được sự ổn định về tài chính, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận một số rủi ro tính toán trước hơn. Ví dụ, khi thành lập trường lái, Anthony Sandberg đã có sự hậu thuẫn về tài chính từ việc kinh doanh ống nước và thiết bị năng lượng mặt trời. Elliott Bisnow, người mà chúng ta sẽ gặp ở Kỹ năng thành công số 2 tổ chức được Hội nghị thượng đỉnh Series khi anh ấy có sẵn tiền từ việc kinh doanh thư thông báo bất động sản. Vợ tôi, Jena, cũng đã làm rất nhiều công việc tẻ nhạt khác nhau trước khi cô ấy bắt đầu sự nghiệp dạy yoga và huấn luyện chăm sóc sức khỏe, niềm đam mê có ý nghĩa với cuộc sống của cô ấy. Cô ấy cũng phải chờ đợi gặt hái được thành quả từ việc dạy yoga và huấn luyện chăm sóc sức khỏe trước khi mở được một trung tâm chăm sóc sức khỏe. Frank Kern, người chúng ta sẽ gặp ở Kỹ năng thành công số 3 cũng phải chịu đựng qua hàng loạt những công việc chẳng lấy gì làm hứng thú khi gây dựng công ty quảng cáo qua Internet.

Bằng cách đó bạn sẽ tìm được ý nghĩa cuộc sống một cách khác biệt qua các hóa đơn được thanh toán đúng hạn và sự đảm bảo về tài chính. Con đường này sẽ ít áp lực hơn việc bạn gồng mình lên trong lúc còn tay trắng. Tới khi đã có hàng trăm “cột chống” xung quanh bạn thì khả năng thất bại của bạn sẽ thấp hơn. Việc thanh toán hóa đơn đúng hạn mang lại cho bạn một cảm giác mê hoặc và dần dần nó trở thành thói quen và bạn sẽ chẳng bao giờ muốn quay lại vạch xuất phát.

Bạn còn gặp phải một vấn đề nữa là thời gian cần có để ổn định tài chính trong cuộc sống là rất lớn nhưng không mục tiêu nào lớn hơn công việc của bạn. Đó là nguồn gốc của bước 2 .

Bạn cần thời gian và môi trường cho những thử nghiệm về khả năng lãnh đạo, đổi mới, tạo dựng sự khác biệt và tìm ý nghĩa cuộc sống. Nếu bạn đang làm việc tự do (như tôi trong thời gian này) thì bạn có thừa thời gian rảnh rỗi mỗi ngày để bắt đầu theo đuổi điều có ý nghĩa với mình. Tuy nhiên, nếu bạn đang làm việc 70 giờ/tuần ở các công sở thì bạn chẳng còn mấy thời gian cho những công việc khác ngoài công việc chính.

Trong trường hợp này, bạn nên chủ động đón nhận một vài thử thách trong công việc. Hãy thử thuyết phục sếp quan tâm tới chất lượng công việc thay vì số lượng giờ làm của bạn. Có một số cuốn sách rất hay hướng dẫn cách thực hiện chuyển đổi này. Bạn có thể tìm đọc Chương 12 trong cuốn Tuần làm việc bốn giờ5 của Tim Ferriss có tên: “Biến mất”.

Thời gian thoải mái, làm việc ở nhà, làm việc từ xa, làm việc qua máy tính xách tay và điện thoại không còn là xa vời và đã tồn tại từ nhiều năm trước. Chẳng có lý do gì cản trở bạn tạo nên sự linh hoạt trong ngày làm việc của mình. Lý do duy nhất là nỗi sợ và sự thiếu tin tưởng vào bản thân của chính bạn. Chúng chẳng có gì tốt đẹp cả.

Bước 3: Hãy tranh thủ thử nghiệm những lúc có thời gian

Với thời gian linh hoạt gia tăng trong ngày và trong tuần hoặc ít nhất là thái độ dễ chịu của sếp về cách đánh giá dựa trên chất lượng công việc thay vì số giờ làm việc, bạn có thể trải nghiệm một số rủi ro trong quá trình tạo nên sự khác biệt trong tổ chức, nơi làm việc hay lĩnh vực hoạt động. Mời bạn đọc Kỹ năng thành công số 7 và áp dụng tư duy làm chủ ở nơi bạn làm việc. Giải quyết các vấn đề mà bạn không được “thuê” để xử lý và đóng góp những cách thức thúc đẩy công việc mức độ cao mà bạn không được “thuê” làm. Việc lãnh đạo sẽ tạo cho bạn cảm giác sống có ý nghĩa, có sức ảnh hưởng và sáng tạo hơn.

Hãy dành thêm thời gian để đọc cuốn sách Linchpin: Are You Indispensable? (Tạm dịch: Chốt trục: Liệu có cần thiết?) của Seth Godin. Đây là cuốn sách hay nhất về chủ đề thực hành tài lãnh đạo trong tổ chức mà tôi biết. Seth gọi đó là “chốt trục” cho dù vị trí chính thức và công việc của bạn là gì. Hãy trở thành một “chốt trục” trong tổ chức của bạn. Hầu hết các cá nhân trong cuốn sách này đã tự tạo ra cơ hội làm một việc gì đó đầu tiên theo cách này khi chưa từng nghe đến Seth Godin.

Với giờ làm việc linh hoạt trong ngày và trong tuần (từ bước 2), hãy bắt đầu thử nghiệm các nguồn ý nghĩa, đam mê, mục đích ngoài công việc, từ những nỗ lực nghệ thuật đến từ công việc từ thiện hay tình nguyện.

Khá nhiều người hài lòng khi có một công việc đảm bảo chi trả các hóa đơn, liên tục tạo dựng được sự khác biệt và tìm được ý nghĩa cuộc sống thông qua việc tôi rèn khả năng lãnh đạo và trong ngày, trong khi vẫn có thời gian để theo đuổi niềm đam mê ngoài công việc.

Seth Godin đã gợi ý con đường này cho rất nhiều người. Anh ấy nói với tôi rằng: “Suốt 50 nghìn năm, con người đã làm những điều họ đam mê và làm để kiếm sống. Tôi không nghĩ rằng tới thời nay, điều này sẽ biến mất mãi mãi. Thơ ca không bao giờ vắng bóng. Không ai được trả tiền để sáng tác thơ ca. Nếu muốn thì bạn cứ sáng tác thôi.”

Bước 4: Tự đột phá (dành cho những ai muốn thay đổi sự nghiệp để trở thành doanh nhân hoặc ông chủ)

Nếu lĩnh vực hoặc tổ chức bạn đang làm việc hiện nay không phản ánh sâu sắc mục đích, ý nghĩa sống của bạn thì bạn cần rời khỏi bước 3 trong phần dung hòa tiền bạc và ý nghĩa cuộc sống. Bạn muốn niềm đam mê và ý nghĩa cuộc sống của mình gắn bó với một hướng đi mới thay vì công việc, tổ chức hay “nghề tay trái” hiện tại. Với thời gian làm việc linh hoạt có được trong bước 2 và 3, hãy thử trải nghiệm để tìm một công việc khác có ý nghĩa và đem thu nhập nghiêm túc cho bạn ngoài nguồn thu nhập chính hiện nay.

Có thể là thành lập một doanh nghiệp nhỏ, thử “khởi nghiệp” một công việc ngoài giờ, tự tìm hiểu một công việc khác, tìm cách kiếm tiền từ những đam mê sáng tạo và nghệ thuật của mình.

Cho dù bạn chọn công việc gì chăng nữa, nếu bạn muốn từ bỏ công việc hiện tại và kiếm sống bằng công việc thay thế, bạn phải đầu tư thêm thời gian để nghiên cứu các kỹ năng quan trọng như marketing, kinh doanh và mạng lưới. Bạn sẽ phải gói những đam mê, tài năng và mục tiêu của chính bạn, những điều bạn quan tâm nhất và làm tốt nhất vào trong những kỹ năng thành công cơ bản này. Nếu biết cách làm điều đó, bạn sẽ kiếm được bộn tiền và sống trọn trong đam mê và mục đích cuộc sống. Cản trở rất lớn trong hành trình này là trong suy nghĩ của chúng ta, tiền bạc và ý nghĩa cuộc sống hoàn toàn tách biệt nhau và chúng ta không tìm được cách để mang chúng lại gần nhau. Nếu bạn biết kết hợp tư duy với các kỹ năng thành công trong cuốn sách này, bạn có thể tìm ra vô số cách kiếm tiền từ những ước mơ, niềm đam mê, tầm nhìn và các kỹ năng sáng tạo của mình. Tôi không nói rằng điều này dễ dàng hoặc không có rủi ro, nhưng qua các câu chuyện trong suốt cuốn sách này, bạn sẽ biết thêm nhiều ví dụ cụ thể và có cảm hứng để thực hiện chúng.

Thất bại là mẹ thành công

Một trong những yếu tố rất quan trọng để bạn bắt đầu thực hiện 4 bước trong phần Dung hòa tiền bạc với ý nghĩa cuộc sống là phát triển mối quan hệ mới. Thực tế, điều khác biệt nhất giữa triệu phú tự học với những người bình thường khác là ở mối quan hệ mới.

Những người chỉ trích cuốn sách của tôi cho rằng điểm khác biệt là họ dám mạo hiểm hơn người khác. Lý lẽ họ đưa ra là: Những người được phỏng vấn đơn giản là giành chiến thắng trong ván bài rulet và tôi không nhắc đến những người chơi bị thua sạch tiền.

Thế nhưng, tôi không tin những nhân vật trong cuốn sách này chỉ đơn giản là đặt cược lớn hơn vào sự may mắn ngẫu nhiên. Hơn thế, họ đã phát triển một phong cách làm việc có định hướng và thống nhất, cho phép họ được thực hiện nhiều vụ cá cược nhỏ mà vẫn đảm bảo ̣ không bị loại khỏi cuộc chơi. Tôi tin rằng điểm khác biệt quan trọng hơn cả sự may mắn, đó là sự kiên trì.

Hầu hết những người nảy ra ý tưởng khởi nghiệp đều nhận thấy ý tưởng mang tính rủi ro rất cao, gắn liền với những khó khăn chồng chất và tiềm tàng nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Họ gần như hoảng loạn trước các rủi ro có thể gặp khi rời bỏ công việc chán ngắt nhưng an toàn hiện tại. Hình ảnh tương lai về các doanh nhân vô gia cư sau các vụ đầu tư mạo hiểm thất bại đã khiến những người đam mê khởi nghiệp mắc kẹt trong các công việc bàn giấy suốt phần đời còn lại.

Hầu hết những người tự học trong cuốn sách này đều nếm trải nỗi đau khổ để chắc chắn rằng “khuyết điểm của họ không quá lớn” hay một doanh nghiệp thất bại không có nghĩa là sụp đổ hoàn toàn, đó chỉ là một chút chao đảo, một vài bài học được rút ra và một lần nữa có thể bắt đầu lại. Không có gì nghiêm trọng cả. Họ bình tĩnh, thoải mái với thất bại, không bồn chồn hay tỏ ra nghiêm trọng vì với họ, thất bại là một phần của quá trình học hỏi.

Hãy nghe câu chuyện của Mike Faith, chủ sở hữu Headsets.com, một công ty có doanh thu hàng triệu đô-la mỗi năm nhờ những bộ tai nghe điện thoại không dây. Mike bị mắc chứng khó đọc nhẹ và học đuối dần trong những năm cấp ba tại Anh. Anh chưa bao giờ thấy mình phù hợp và đam mê với môi trường học thuật sáo rỗng, vì thế anh quyết định bỏ học khi mới 15 tuổi.

Trong nhiều năm sau đó, sự nghiệp của anh bắt đầu có vẻ như một trận đấu bóng bàn với những cuộc đầu tư mạo hiểm, hết cuộc này tiếp nối cuộc khác liên tiếp thành công. Ở tuổi 15, khi vẫn còn sống cùng cha mẹ, Mike đã bắt đầu trực tiếp kinh doanh tấm cách nhiệt cửa sổ (thêm điều nữa: sống cùng gia đình là một lợi thế giúp hạn chế khó khăn tài chính mà các bạn trẻ có thể tận dụng.)

Mike rất giỏi kinh doanh. Bằng số tiền tự kiếm được, anh đã mua được chiếc ô tô đầu tiên khi mới 17 tuổi và mua nhà khi mới 21 tuổi, rồi chuyển ra khỏi nhà để sống tự lập. Không lâu sau đó, anh đầu tư mua tài sản của các công ty phá sản và bán lại để ăn chênh lệch. Anh tham gia vào thị trường bất động sản đang phất lên của nước Anh vào cuối những năm 1980. Khi thị trường sụp đổ, anh trắng tay. “Giữa tuổi 20, tôi kiếm được hàng triệu đô-la đầu tiên và cũng mất tất cả sau đó không lâu.”

Với những ai còn hoài nghi về khởi nghiệp thì đó là phần kết của câu chuyện tưởng tượng: Họ sẽ đón nhận cuộc sống nghèo khổ túng quẫn trong sự ăn năn hối lỗi vì đã quá mạo hiểm.

Nhưng đối với Mike, đây mới chỉ là bắt đầu. (Thực sự, rất nhiều người tôi phỏng vấn cho cuốn sách này đã từng ít nhất một lần phá sản.) Đây là lúc xuất hiện tư duy khác biệt xung quanh những rủi ro. Mike nói: “Cảm giác trải nghiệm đó thật tuyệt vời. Thành công trong kinh doanh mới chỉ là bắt đầu; phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với thất bại và đứng lên, tự động viên chính mình.”

Đây là lúc cần đến sự kiên trì. Đối với Mike, thất bại này không phải là sụp đổ vĩnh viễn. Anh khởi đầu với tâm thế chấp nhận cuộc sống đầy những rủi ro. Thay vì nhìn nhận thất bại như một điều cần phải né tránh bằng mọi giá (như hầu hết chúng ta đều nghĩ), anh ấy đã thiết lập sẵn cho cuộc sống và tư duy của mình sự cần thiết của những thất bại và cách đương đầu với chúng. Thay vì nhìn nhận thất bại lớn đầu tiên của mình như một dấu chấm hết, anh xem nó như cơ hội thú vị để thay đổi kế hoạch cuộc sống.

Những năm 1990, Mike và vợ anh đã bán tất cả tài sản còn lại. Với 1.000 đô-la trong túi, họ tiếp nối tinh thần dám nghĩ dám làm của các thế hệ doanh nhân đi trước và chuyển đến Mỹ.

Anh làm việc chính thức cho một công ty phần mềm và kết hợp tự đầu tư kinh doanh. Mike thành lập một công ty chuyên bán các poster luật lao động mà phòng nhân sự của các công ty buộc phải có ở nơi làm việc. Anh có hàng trăm nghìn khách hàng. Sau đó, công ty anh bán thêm các poster mã vùng và các bản đồ mã Zip và trở thành doanh nghiệp 2 triệu đô-la sau vài năm.

“Chúng tôi sử dụng tai nghe điện thoại trong công ty poster của mình. Nhưng có rất ít dịch vụ kinh doanh sản phẩm này và tôi (cũng như nhiều người khác) không dễ dàng mua được loại mình thích. Với tôi chừng ấy là đủ dữ liệu để chúng tôi nghĩ đến việc đầu tư vào lĩnh vực này. Đây là lĩnh vực chưa được khai thác trong thị trường này. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra liên quan đến quy mô thị trường. Tôi nghĩ: “Ai cũng sử dụng điện thoại, đây quả là một thị trường lớn”. Tôi quyết định đầu tư kinh doanh tai nghe điện thoại và chỉ sáu tuần sau, dự án kinh doanh đã bắt đầu khởi động.” Hiện nay, công ty đạt doanh thu 30 triệu đô-la một năm nhờ kinh doanh tai nghe.

Nghe Mike nói, hẳn bạn cũng không thể tin nổi cách tiếp cận rủi ro hoàn toàn khác biệt của Mike. Chắc chắn, anh cũng như các doanh nhân tôi phỏng vấn trong cuốn sách này không giới hạn toàn bộ cuộc sống tương lai của mình vào một ước mơ duy nhất hay chán nản sau khi bị phá sản. Họ không bao giờ từ bỏ việc nắm bắt một mong muốn bất kỳ nào đó và chọn lựa những công việc an toàn nhưng tẻ nhạt, họ tiếp tục thử – sai chúng, nỗ lực và kiên trì trước mọi thất bại. Họ tìm mọi cách xoay xở cho đến khi tìm ra sự hấp dẫn mới.

“Tôi không thể cưỡng lại được. Đó là cơn nghiện. Đó là ước muốn không thể kiềm chế được,” Mike nói và nở một nụ cười tinh quái khi tôi phỏng vấn tại văn phòng của anh ở San Francisco. Mike có ý thức nuôi dưỡng lòng kiên trì. Sau thất bại, họ sẵn sàng đứng lên, phủi bụi, chấp nhận tình thế và thử một lần nữa. Đó là yếu tố tiên quyết trong quá trình học hỏi. Nếu không có thất bại, sẽ không có thành công. Những con người này nghiện học hỏi thực tế. Việc học hỏi đó tất yếu liên quan đến thất bại, rất nhiều là khác.

“Những người từng thành công vẫn có thể tiếp tục mắc sai lầm. Đơn giản là họ được trải nghiệm nhiều hơn mà thôi,” Mike đã nói với tôi. “Đó là sự khác biệt”. Mike cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay, những người muốn kết hợp niềm đam mê với tiền bạc nên “bắt đầu với niềm đam mê và động lực. Bạn phải có được niềm khao khát, đam mê rồi hãy bắt tay vào thực hiện một số việc. Hãy thử một vài công việc kinh doanh nhỏ lẻ. Giắt túi một vài thất bại. Xác định những điều nên làm và không nên làm và đừng quan tâm đến thất bại, hãy quan tâm đến việc bạn học được gì.”

Từ trước đến nay, làn sóng dấy lên trong các cuộc thảo luận là liệu con số không chính thức 95% các doanh nghiệp nhỏ thất bại trong 5 năm đầu tiên mới bước chân vào kinh doanh có gợi cho bạn suy nghĩ gì khi bắt đầu theo đuổi ước mơ của mình không? Số liệu này mang lại hình ảnh 95% các chủ sở hữu doanh nghiệp đều trở thành kẻ ăn xin đường phố sau khi bán nhà để chi trả cho các khoản nợ kinh doanh của mình.

“Số liệu đó chỉ là mớ chuyện tào lao,” John Kaufman, tác giả cuốn sách The Personal MBA: Master the Art of Business (Tạm dịch: MBA: Chuyên gia về nghệ thuật kinh doanh) nói với tôi như vậy. Anh ấy phân tích rằng số liệu này dựa trên số lượng Schedule C (lợi nhuận hoặc thất bại từ các hoạt động kinh doanh) đã lưu trữ hoặc các mẫu đơn khác liên quan đến việc sở hữu kinh doanh, sau đó việc lưu trữ ngừng ở một thời điểm nào đó. Ngoài ra, “số liệu đó được tính toán dựa trên số lượng các doanh nghiệp thoái vốn trong vòng 5 năm mà không phá sản hoặc các chủ doanh nghiệp ngừng cung cấp dịch vụ, sản phẩm mãi mãi. Vẫn có trường hợp các công ty không đủ tiền để tiếp tục với lĩnh vực hiện tại và chuyển sang hướng kinh doanh mới. Cũng có khi doanh nghiệp được mua lại. Đó thực sự là dấu hiệu đáng mừng. ‘Công ty tôi phải thực hiện hình thức thoái vốn vì tôi được các công ty khác trả giá cao và thu về lợi nhuận lớn.’ Tất cả các doanh nghiệp thoái vốn đều được tính vào số mang án tử: ‘Thật kỳ lạ, quá nhiều doanh nghiệp và doanh nhân thất bại và phải ra đường ở’, thật đúng là…!”

Cách tốt nhất để tránh được những câu chuyện hù dọa kiểu này khi tiếp cận giấc mơ của mình, thậm chí khi doanh nghiệp không tạo ra lợi nhuận chăng nữa, đó là thành lập một công ty dịch vụ. Thông thường mức giá khởi nghiệp và tổng chi phí cho nó thấp, bạn không cần phải vay mượn nhiều để bắt đầu và có thể thu về lợi nhuận ngay lập tức. Thậm chí nếu công ty làm ăn không thuận lợi thì hậu quả thất bại sẽ được giảm thiểu và nếu có rơi vào 95% người thất bại bị lưu trữ vào Schedule C trong 5 năm thì bạn cũng sẽ không phải ra đường. Nó chỉ không phải là thương vụ sộp. Bạn có thể đóng cửa doanh nghiệp để trở về với công việc thường ngày và thử tìm kiếm một cơ hội khác.

“Những điều tốt nhất mà bạn có thể làm khi thành lập một doanh nghiệp,” John nói với tôi, “thứ nhất, là giữ tổng chi phí đầu tư thấp nhất có thể và thứ hai là chắc chắn rằng bạn có thể thu về lợi nhuận nhanh nhất có thể. Nếu có thể dự tính trước doanh thu, bạn sẽ chỉ phát triển và phát triển thêm nữa dựa vào số tiền mặt mà doanh nghiệp bỏ ra, thay vì phải nhận đầu tư, vay nợ và nhiều hình thức khác.”

Trong cuốn sách của mình, John nói về khái niệm có tên gọi là “vận tốc nhịp”. Anh trích dẫn câu nói của Eric Schimidt, CEO của Google: “Mục tiêu của chúng tôi là tận dụng lợi nhuận trên mỗi đơn vị thời gian và tiền bạc.” John, người từng bỏ học Đại học Cincinnati nhưng đã tự học hỏi từ công việc kinh doanh phát đạt viết rằng: “Khi đưa ra một lời đề nghị mới, mục tiêu tiên quyết của bạn là nên tác động thông qua mỗi chu kỳ lặp đi lặp lại nhanh nhất có thể. Sự lặp đi lặp lại là một dạng cấu trúc giúp bạn đưa ra lời đề nghị tốt hơn, càng học hỏi nhanh hơn, bạn càng tiến bộ nhiều hơn. Điều đó có nghĩa là, hãy thử một điều mới mẻ nhưng không vượt quá tầm với của bản thân và tiềm ẩn ít rủi ro nhất, để quan sát cách thức hoạt động của nó và tiếp tục duy trì nếu nó hoạt động tốt và đừng ngại quay vòng trong phạm vi hẹp nếu nó không hoạt động. Làm được điều đó, bạn sẽ luyện tập trước những thất bại nhỏ để nhận được phản hồi thực tế, điều chỉnh hoạt động của nó nhanh nhất có thể, tránh đầu tư quá nhiều nguồn lực vào con đường cụt.

Tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người không theo đuổi đến cùng các ước mơ của mình vì lo sợ rơi vào 95% những kẻ thất bại hoặc điều gì tương tự thế.

Hãy xem xét sự tương đồng giữa kinh doanh và hẹn hò. Dù không có số liệu khoa học cụ thể nào để lý giải cho điều này, nhưng theo tôi 95% các cuộc hẹn hò đều thất bại.

Bây giờ, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả chúng ta biết rằng tỷ lệ thành công thấp của các cuộc hẹn hò đều xuất phát từ sự ám ảnh của cuộc hẹn đầu tiên trong quá khứ: “Ôi Chúa ơi, tôi không bao giờ hẹn hò lần nào nữa! Tôi có thể lại bị từ chối mất!” Nếu vậy thì thế hệ này có lẽ sẽ là thế hệ cuối cùng.

May mắn thay, khi nói đến việc hẹn hò, con người nhận thấy sự khác biệt lớn giữa khả năng cao rằng bất cứ cuộc hẹn hò nào cũng thất bại và khả năng thấp rằng tất cả các cuộc hẹn hò từ giờ trở đi sẽ thất bại.

Làm kinh doanh giống hệt hẹn hò. Nếu có thể hạn chế những mất mát tình cảm và tài chính trong mỗi lần lặp lại và không “nhảy lầu” nếu công ty phá sản hoặc buổi hẹn hò thất bại thì bạn có thể tiếp tục cố gắng, cố gắng hơn nữa. Cuối cùng, hầu hết mọi người đều thấy sự hài hòa đầy sáng tạo giữa niềm đam mê và tiền bạc sẽ mang lại lợi ích cho họ, giống như việc ai rồi cũng có được cuộc hẹn hò tuyệt vời nhất và dẫn lối cho những dự định xa hơn.

Ngoài sự nỗ lực, giữa tinh thần doanh nhân sáng tạo và các cuộc hẹn hò còn có sự giao thoa khác: Nếu không cho phép bản thân gục ngã trước thất bại thì qua những thất bại đó, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều và cải thiện được những khó khăn mỗi khi vấp phải.

Câu chuyện của Dustin Moskovitz

Vào đầu năm 2004, Dustin Moskovitz đang làm việc 24 giờ/tuần ở vị trí chuyên viên hệ thống máy tính, dành 40 giờ/tuần để lên lớp và làm bài tập về nhà như một sinh viên năm hai Đại học Harvard.

Và trong thời gian này, anh cùng các bạn trong ký túc xá cũng thực hiện một dự án nhỏ có tên là TheFacebook.com.

Thật khó tin nhưng lúc đó, Facebook chưa được xem là một hiện tượng nổi bật trong lịch sử thông tin liên lạc và cuộc sống xã hội của loài người như hiện nay. Ban đầu, Facebook mới là thành quả của một vài chàng trai cùng ký túc xá và chỉ có khoảng 60 đến 70 nghìn người sử dụng, ít hơn nhiều so với số người sử dụng của các công ty đàn anh đi trước.

“Rủi ro lớn nằm ở chính những gã khổng lồ này. Chúng tôi nghĩ, phải nỗ lực hơn nữa nếu không muốn bị họ đánh bại. Số lượng người sử dụng Friendster, MySpace, thậm chí LiveJournal vào thời điểm đó nhiều hơn chúng tôi hàng triệu người,” Dustin chia sẻ.

“Một người có tên là Adam Goldberg đã thành lập Cộng đồng CU ở Columbia trước khi chúng tôi thành lập Facebook khoảng một kỳ học. Hiện tại anh ấy là bạn tôi. Adam thực sự rất giỏi thiết kế mạng xã hội. Ngay sau khi thấy chúng tôi thực hiện chiến lược liên–trường thì anh ấy đã cùng tham gia. Vào thời điểm đó, dự án không có vẻ gì là bỏ đi, nó giống một cơ hội kinh doanh hấp dẫn nhưng thực tế có rất nhiều đối thủ lớn và họ hoàn toàn có thể đánh bại chúng tôi bất cứ lúc nào, đặc biệt là Google. Họ dễ dàng giành chiến thắng vào năm 2004. Đương nhiên, bây giờ đã là câu chuyện khác”.

Dustin cùng các bạn đồng môn, các bạn cùng phòng và hai nhà đồng sáng lập Mark Zuckerberg và Chris Hughes đã đưa ra một quyết định táo bạo là chuyển đến Palo Alto mùa hè năm 2004 với dự định trở lại Harvard vào mùa thu. “Nhưng vừa qua tháng 6, Facebook có thêm khoảng 150 nghìn người sử dụng và chúng tôi nghĩ: ‘Việc vừa học vừa làm thật khó cho dù không có 60 đến 80 giờ học trên lớp, đi kèm với bài tập về nhà và bài tập lớn mỗi tuần. Chúng tôi bắt đầu tự hỏi ‘Việc quay trở lại trường trong học kỳ tới, vừa điều hành công ty vừa học liệu có cần thiết?’ Chúng tôi nhanh chóng nhất trí với nhau rằng: ‘Không, chúng tôi có thể sẽ thất bại nếu ôm đồm cả hai việc’. Vì thế Mark và tôi quyết định không quay trở lại Harvard.”

Tới đây tôi mới hỏi Dustin: “Rất nhiều người trên thế giới nghĩ rằng được vào học tại Harvard thực sự là một cơ hội tuyệt vời và một khi tốt nghiệp Harvard, chúng ta sẽ có cuộc sống ổn định. Còn anh, anh đã có trong tay cơ hội tuyệt vời đó và công ty mới thành lập được 6 tháng đang chưa chắc chắn về khả năng giành chiến thắng, tại sao anh vẫn quyết định chấp nhận rủi ro như thế?”

“Đầu tiên,” anh ấy nói, “Harvard cho phép bạn bảo lưu kết quả học trong một thời gian. Vì thế, tôi có thể quay lại khi nào muốn. Bạn bè của tôi có thể đã rời khỏi trường nhưng tôi có thể kết giao lại. Dự án này là một rủi ro nhưng rủi ro không lớn khi so sánh với cơ hội lúc đó.

“Tôi gọi cho bố mẹ và nói rằng: ‘Con sẽ nghỉ học một kỳ và xem tình hình thế nào.’ Bố tôi rất phấn khởi: ‘Tuyệt vời, bố cũng không đủ tiền cho con học kỳ tiếp theo đâu!’ (cười)

“Đến mùa hè, Facebook trở thành một vụ làm ăn lớn. Số lượng người sử dụng tăng lên chóng mặt. Chúng tôi cho đăng quảng cáo trên trang này và kiếm được khá nhiều tiền. Chúng tôi nghĩ đây là cơ hội kinh doanh thực sự. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận ra rằng chúng tôi phải cố gắng hết sức bằng bất cứ giá nào bởi vì còn có rất nhiều “lính mới” khác sẵn sàng chiến đấu đến cùng để đánh bại chúng tôi.

“Chúng tôi biết mình đang phát triển các kỹ năng và rất nhiều kỹ năng có thể kiếm ra tiền. Khi mọi người đều đã biết đến Facebook, chúng tôi hoàn toàn có thể quay trở lại Harvard. Điều này chẳng có gì là rủi ro cả.”

Mọi người thường có cảm giác rằng nếu bạn rời khỏi một vị trí ổn định nào đó, như trường học hay một công việc thoải mái để theo đuổi niềm đam mê ý nghĩa hơn nhưng cũng thiếu chắc chắn hơn, bạn sẽ hoàn toàn tuyệt vọng và mệt mỏi nếu niềm đam mê ấy chết yểu.

Điều đó hoàn toàn chỉ là cường điệu. Khó khăn từ những bước đầu của một dự án kinh doanh và mạng xã hội để hình thành nên một công ty có giá trị hàng triệu đô-la đã được phóng đại quá mức. Không thể nghĩ rằng Dustin, Mark và toàn bộ đội hình Facebook từ khi sơ khai là những thiên tài vô cùng chăm chỉ. Nhưng họ cũng thừa nhận rất nhiều cơ may góp phần tạo nên thành công của họ.

Liệu có phải sự lựa chọn duy nhất nào cũng mang cơ hội thu về lợi nhuận thấp còn rủi ro phá sản cao? Không hẳn thế. Như chúng ta vừa thảo luận trong chương này, có rất nhiều điều cần phải bàn luận về vấn đề này. Trong một bài đăng trên blog có tựa đề “Một trong một triệu,” Seth Goldin đã viết: “Niềm đam mê điên cuồng một mục tiêu cụ thể (rủi ro) nào đó là một ý tưởng tuyệt vời nếu cách thức bạn lựa chọn hay thực hiện mang đến cho bạn những kết quả khác, lần sau tốt hơn lần trước. ‘Lái’ thị trường theo ý mình, giao hàng đúng thời gian, đảm nhận những công việc quan trọng và khó nhằn thực sự là tất cả những gì bạn cần để phát triển lâu dài. Lúc đó mục tiêu cần đạt tới không còn quá khó khăn nữa.”

Tuy nhiên, bạn sẽ giành chiến thắng ở cả hai phương diện nếu vừa học các kỹ năng kinh doanh có giá trị vừa theo đuổi ước mơ của mình. Bạn là người chiến thắng nếu thành công nhờ những nỗ lực của bạn. Bạn cũng sẽ thắng khi thất bại bởi hiếm có bài học rèn luyện kỹ năng kinh doanh nào có tính thực tiễn hơn sự thất bại thảm hại.

Bạn chỉ có được cả hai chiến thắng này nếu toàn tâm toàn ý theo đuổi giấc mơ. Seth chia sẻ: “Liệu việc dành cả thời thiếu niên và tuổi 20 trong phòng tập violin có giúp bạn trở thành một giáo viên violin, một chỉ huy dàn nhạc hoặc một công việc gì đó liên quan đến âm nhạc? Nếu niềm hạnh phúc của bạn đơn giản chỉ là chơi các bản nhạc hay tổ chức một buổi biểu diễn cá nhân thì bạn đang mất đi quá nhiều công sức.” Hãy học hỏi các kỹ năng kinh doanh liên quan tới ngành nghề của bạn và chúng sẽ “sinh lời” và hữu dụng với bạn trong bất kỳ tình huống nào.

Đương nhiên, với Dustin thì việc theo đuổi ước mơ mang lại cho anh ấy bộn tiền. Nhiều năm qua, Mark Zuckerberg là tỷ phú tự lập trẻ nhất thế giới, nhưng Dustin còn trẻ hơn Zuckerberg những 8 ngày tuổi. Khi giá trị của Facebook tăng cao vào năm 2010, tài sản của Dustin đã lên đến 2 tỷ đô-la và anh ấy đã sớm chiếm ngôi vị tỷ phú trẻ nhất thế giới của Zuckerberg. Dustin lại bắt đầu cuộc đầu tư mạo hiểm tiếp theo mang tên Asana (http://asana.com), làm nên một cuộc cách mạng trong việc hợp tác nơi công sở như cuộc cách mạng xã hội hóa mà Facebook đã tạo ra.

Tôi không có thói quen ăn vận như các triệu phú nhưng trong trường hợp này thì ngược lại. Tôi đang mặc bộ vest hiệu Hugo Boss màu đen (không cà vạt) đến buổi phỏng vấn Dustin ở quán cà phê ngay cạnh văn phòng của Asana ở San Francisco. Còn anh ấy đang mặc quần jean và áo phông. “Tôi không có thói quen mua những thứ đắt tiền và không có ý thay đổi phong cách sống nhiều kể từ khi Facebook thành lập. Tôi cũng không hứng thú khi để tài sản của mình nằm ứ một chỗ. Tôi tin vào khả năng các thị trường tư bản gây ảnh hưởng tích cực đến thế giới, nhưng tôi cũng sẽ cho đi một chút!”

Dustin và Zuckerberg đã ký vào Cam kết Hiến tặng của Bill Gates và Warren Buffet, với lời hứa sẽ dành tặng ít nhất một nửa số tài sản của mình. Trong lá thư công bố cam kết hiến tặng của mình, Dustin viết: “Nhờ thành công của Facebook, tôi đã kiếm được tài sản ngoài mong đợi. Tôi thấy rằng phần thưởng này không chỉ là tài sản cá nhân của riêng tôi mà tôi hy vọng nó sẽ là một công cụ mang đến nhiều lợi ích hơn cho thế giới… Trong những năm tới, vợ tôi và tôi sẽ bắt tay làm từ thiện để có những đóng góp tích cực nhất. Chúng tôi sẽ tài trợ và đầu tư bằng cả tâm hồn và hướng đến thúc đẩy một cộng đồng toàn cầu hùng mạnh hơn về kinh tế, vững bền và an toàn hơn.”


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button