Kinh doanh - đầu tư

Bạch Thái Bưởi – Khẳng Định Doanh Tài Nước Việt


bach-thai-buoi1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lê Minh Quốc

Download sách Bạch Thái Bưởi – Khẳng Định Doanh Tài Nước Việt ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

KIẾM TIỀN HAY PHỤNG SỰ XÃ HỘI?

Bộ sách mà bạn đọc đang cầm trên tay là kết quả của dự án nghiên cứu mang tên Đi tìm Đạo Kinh doanh của Việt Nam và Thế giới do Tổ hợp Giáo dục PACE thực hiện trong suốt 14 tháng vừa qua.

Chúng tôi đặt tên cho bộ sách này là Đạo Kinh doanh Việt Nam và Thế giới với mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc doanh nhân và bạn đọc quan tâm đến kinh doanh, những kiến giải về hàng loạt các câu hỏi như: “Kinh doanh là gì?”, “Doanh nhân là ai?”, “Đâu là ‘đạo’ của nghề kinh doanh?” và “Tại sao kinh doanh là một nghề cao quý và xứng đáng được xã hội tôn vinh?”…

Đội ngũ chuyên gia của PACE cùng các cộng sự đã nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của 25 doanh nhân huyền thoại, đến từ 25 tập đoàn kinh doanh dẫn đầu trong những bảng xếp hạng doanh nghiệp trên toàn thế giới, nhằm tìm kiếm “cái đạo”, cái triết lý cốt lõi trong kinh doanh của họ. Mục đích là để lý giải xem vì sao họ là những người kiếm tiền nhanh nhất, kiếm tiền nhiều nhất và kiếm tiền bền vững nhất thế giới, đồng thời họ lại được xã hội đặc biệt kính trọng?

Phân tích từng chặng đường, từng mốc sự nghiệp, từng bước thăng trầm… của những huyền thoại doanh nhân này, chúng tôi đã đúc kết được những nét chung nhất, nói chính xác hơn, là những yếu tố khiến họ trở nên vĩ đại, trở thành những doanh nhân huyền thoại. Đó là sự khao khát, là niềm đam mê một cách mãnh liệt để sáng tạo, để đem đến thật nhiều giá trị mới cho cuộc sống và cho xã hội. Họ đã thực hiện được điều đó bằng việc cống hiến cả cuộc đời mình lẫn việc truyền đạt, dẫn đường cho hậu thế.

Trong lời đầu này của bộ sách, chúng tôi cũng muốn kể lại với quý vị một vài câu chuyện và một vài so sánh mà PACE luôn tự hào khi tìm thấy nó trong hành trình Khát vọng Doanh trí của mình trong suốt những năm vừa qua:

Bà chủ một tiệm tạp hóa suốt ngày không vui vì buôn bán ế ẩm. Nhưng sau những ngày tháng nhìn vào “mắt” khách hàng, bà chợt nghĩ: “Sao tôi không là người giải quyết vấn đề nhu yếu phẩm cho cả xóm?”. Và mọi chuyện thay đổi. Từ đó, nhiều gia đình chưa khá giả trong khu phố có thể mua một, hai gói mì tôm (mà không cần phải mua cả thùng mì), một tép bột ngọt (mà không cần phải mua cả gói bột ngọt). Bà có thể mở cửa lúc mờ sáng hay nửa đêm, khi chẳng còn nơi nào bán hàng nữa để đáp ứng nhu cầu “hết chanh đột xuất” hoặc “nhà không còn nước mắm”. Hay hơn nữa, mọi người chỉ “xẹt” một hai bước chân là có ngay những vật phẩm cần thiết nhất cho gia đình. Lại thêm chuyện giá cả của bà so với chợ và siêu thị cũng chẳng chênh lệch là bao. Ai cũng đoán ra kết quả: cửa tiệm suốt ngày người ra kẻ vào, bà thì bán hàng luôn tay và cười nói luôn miệng. Không chỉ tiền lãi thu được tăng cao, mà bà còn có “lợi nhuận” lớn nhất là sự quý mến của mọi người dành cho một người biết kinh doanh như bà.

Câu chuyện thứ hai về một cơ sở sản xuất tủ sắt. Người ta thường mua tủ của cơ sở này về để đựng hồ sơ. Một cơ sở bé xíu rất đỗi bình thường thì liệu có mang trong người “sứ mệnh xã hội”? Trong một thời gian dài, cơ sở hoạt động cầm chừng, cho đến một ngày ông chủ của nó thay đổi cách nghĩ: tôi không “bán tủ sắt” nữa, mà sẽ “bán giải pháp lưu trữ hồ sơ văn phòng”. Từ đó, ông và đồng sự tiến hành nghiên cứu để tạo ra những cái tủ sao cho có thể chống được mối, mọt, chống thấm, ngăn tủ này thì có khóa kiên cố để đựng hồ sơ quan trọng, ngăn tủ khác thì không cần khóa để dễ kéo ra kéo vào… Ông cũng chịu khó đi đến các văn phòng để nghiên cứu màu sơn, thay đổi kích cỡ, kiểu dáng… Thế là sản phẩm của ông còn thêm tính năng làm đẹp cho cả văn phòng của các công ty. Chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở của ông đã lột xác và phát triển rất nhanh.

Như vậy, doanh nghiệp lớn hay nhỏ tùy thuộc vào vấn đề xã hội mà họ giải quyết được. Bà chủ tạp hóa của khu phố nọ cùng Sam Walton (ông chủ tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart) đều giải quyết vấn đề mua sắm của xã hội thông qua việc mở cửa hàng bán lẻ. Họ chỉ khác nhau về phạm vi: xã hội của bà chủ tiệm tạp hóa là một khu phố, còn xã hội của Sam mang tầm cỡ thế giới.

Điều xã hội quan tâm không phải là doanh nghiệp đó kiếm được bao nhiêu mà là họ đã mang lại gì cho cộng đồng. Chẳng hạn, trong khi tỉ phú Nhật, Toyoda (“cha đẻ” của Toyota), với tinh thần ái quốc được người Nhật xem như anh hùng dân tộc thì tỉ phú Nga, Khodorkovsky (ông chủ của Yukos), ông ta là ai trong mắt dân Nga thì chỉ người Nga mới thấu rõ. Sự khác

nhau này có lẽ do cách thức kiếm tiền của họ.

Nghề kinh doanh, xưa nay vẫn thường bị hiểu chỉ như là nghề “kiếm tiền”. Nhưng thực chất, không hề có nghề kiếm tiền, bởi nghề nào thì cũng kiếm tiền cả. Chẳng hạn, luật sư kiếm tiền bằng việc hành nghề luật, bác sĩ kiếm tiền bằng cách chữa bệnh cứu người… Và doanh nhân, người hành nghề kinh doanh, cũng kiếm tiền bằng cách lãnh đạo một doanh nghiệp và thông qua doanh nghiệp đó để giải quyết vấn đề hay đáp ứng nhu cầu nào đó của xã hội. Nhưng điều khác biệt của nghề kinh doanh là trong quá trình hành nghề của mình doanh nhân không hành động một cách đơn lẻ mà biết kiến tạo ra các chuỗi giá trị. Cụ thể hơn, họ nắm lấy một doanh nghiệp và tập hợp bên mình nhiều thành viên để cùng cộng hưởng lại nhằm hình thành một sức mạnh tổng lực, từ đó tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội. Đó cũng chính là lý do mà nghề kinh doanh thường kiếm được nhiều tiền hơn so với những nghề khác và vẫn được cộng đồng xã hội ủng hộ.

Nghiên cứu 25 huyền thoại doanh nhân thế giới cho thấy, dù có quá nhiều sự khác biệt nhưng họ đều có chung một tư tưởng chủ đạo: “Kinh doanh là phụng sự xã hội”. Hay nói một cách đầy đủ hơn, “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, bằng cách dùng sản phẩm hay dịch vụ như là phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.

Cái “đạo” kinh doanh này đã được họ quán triệt ngay từ buổi đầu khởi nghiệp đầy gian khó cho tới lúc thành công. Và sự thật này cũng chính là lý do giúp họ kiếm tiền nhanh nhất, nhiều nhất, bền nhất, còn bản thân họ thì được xã hội tôn vinh, nể trọng, và rồi họ đi vào lịch sử kinh doanh thế giới như những huyền thoại, doanh nghiệp của họ cũng vĩ đại và trường tồn. Như vậy, với một tâm thế luôn hướng về cộng đồng, luôn khát khao làm cho xã hội quanh mình (có thể nhỏ gọn trong một ngôi làng hoặc rộng lớn bằng cả một hệ mặt trời) tốt đẹp hơn, chính họ, những doanh nhân (dù lớn hay nhỏ, dù “Tây” hay “Ta”, dù “cổ” hay “kim”) luôn được xã hội tôn vinh không phải vì số của cải khổng lồ họ kiếm được, mà vì những đóng góp vô giá của họ vào sự đổi thay của thế giới này.

Song song với những doanh nhân lẫy lừng của thế giới, điều khác biệt ở bộ sách này là chúng tôi đã khởi sự hành trình tìm kiếm những “huyền thoại doanh nhân Việt Nam” để, như một cố gắng, “định vị” xem ông cha ta ngày xưa đã khởi sự kinh doanh như thế nào. Và thật bất ngờ, trong lịch sử Việt Nam đã từng có những Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô… với những tư tưởng kinh doanh có thể gây ngạc nhiên cho đến tận bây giờ. Nhìn “Tây” sẽ thấy “Đông”, soi “cổ” mà ngẫm tới “kim”, đó là điều mà chúng tôi, những người thực hiện bộ sách, mong muốn được chia sẻ. Bộ sách này cũng là một câu chuyện, một phác thảo cho bức tranh toàn cảnh sinh động và đầy màu sắc về doanh nhân thế giới – những doanh nhân làm thay đổi thế giới, và về một thế hệ doanh nhân tiền bối của Việt Nam cách đây gần một trăm năm lịch sử – một thế hệ doanh nhân mà đến ngày nay chúng ta vẫn có thể tự hào. Từ đó, những nỗ lực này sẽ góp phần hình thành văn hóa doanh nhân Việt, một bộ phận quan trọng trong văn hóa Việt Nam.

Chúng tôi xin được gửi lời tri ân trân trọng nhất đến những đồng nghiệp đã hỗ trợ tinh thần cho chúng tôi, đến các cá nhân và đơn vị đã sẵn lòng hỗ trợ thông tin, tư liệu trong quá trình nghiên cứu. Đặc biệt, chúng tôi muốn gửi lời cám ơn chân thành đến các tập đoàn hàng đầu thế giới do các doanh nhân huyền thoại sáng lập, cám ơn gia tộc họ Lương, gia tộc họ Bạch,… – hậu duệ của cụ Lương Văn Can, cụ Bạch Thái Bưởi… đã nhiệt tâm giúp đỡ chúng tôi trong suốt quá trình “đi tìm Đạo Kinh doanh của Việt Nam và Thế giới”.

Việc triển khai dự án này từ khâu nghiên cứu đến thể hiện thành sách trong một thời gian không dài, cùng những khó khăn trong quá trình đi tìm tư liệu lịch sử về các nhân vật, chắc hẳn bộ sách sẽ khó tránh khỏi những sai sót nhất định. Do vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm cũng như những góp ý chia sẻ của bạn đọc gần xa về bộ sách để lần tái bản tiếp theo được hoàn thiện hơn.

Chúng tôi, PACE và Nhà xuất bản Trẻ, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bộ sách đầy tâm huyết này. Và chúng tôi cũng tin rằng, qua bộ sách này, bạn đọc sẽ có thêm kiến giải về “đạo kinh doanh”, để từ đó, tự mình đưa ra một định nghĩa cho nghề kinh doanh và tự mình khẳng định rằng, kinh doanh là kiếm tiền hay phụng sự xã hội!

Thay mặt Nhóm tác giả của bộ sách Giản Tư Trung – Người Sáng lập PACE Sài Gòn, Xuân Đinh Hợi, 2007

ĐỌC THỬ

ĐI TRÊN ĐÔI CHÂN CỦA CHÍNH MÌNH

Bỏ lại sau lưng cuộc sống ăn trắng mặc trơn của một nhân viên cao cấp trong chính quyền bảo hộ, Bạch Thái Bưởi ung dung bước vào cuộc kinh doanh với tất cả sự đam mê công việc của một người trẻ, với tất cả khát vọng cống hiến cho xã hội và với tất cả niềm tin vào tương lai của nền doanh thương Việt Nam.

THỜI LOẠN

Hà Nội, năm 1897. Trên phố Tràng Tiền, nắng ban mai mơn trớn trên những vòm cây xanh. Nắng tốt tươi mà trong lòng chàng buồn vời vợi. Chàng có cảm tưởng nghe cả tiếng thở dài não ruột của bọn phu kéo xe tay đang xoải bước chậm rãi trên phố. Âm vang của chuyến đi Pháp dự Hội chợ Bordeaux vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức. Trước ngày đi, tại cảng Hải Phòng trong những ngày chờ đáp tàu sang Pháp, chàng đã tìm đọc khá nhiều sách viết về nơi mình sẽ đặt chân đến. Có lúc chàng ngậm ngùi khi biết trước đây, tháng 6 năm 1863, phái đoàn Phan Thanh Giản được vua Tự Đức cử sang Pháp chuộc lại ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường thì các cụ đã choáng ngợp trước văn minh nước Pháp. Choáng ngợp ư? Có phải đó là tâm lý tự ti mặc cảm của một dân tộc nhược tiểu? Chàng không thể hiểu nổi ở “kinh đô ánh sáng” có gì mà ông Tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ Phan Thanh Giản phải giật mình kêu lên:

Trăm nghề khéo léo bằng trời đất

Duy việc sống chết để quyền cho tạo hóa

Ghê gớm chưa? Chỉ việc sinh – tử là người Pháp

chưa can thiệp được thôi, chứ mọi việc còn lại họ đều nắm trong tay. Chàng ngậm ngùi bởi thương cho tiền nhân thuở ấy, thương cho nền kỹ nghệ nước nhà đối với người ngoại quốc khác nào một trời một vực. Suy nghĩ như thế nên chàng càng náo nức mong đến ngày khởi hành. Mong được mắt nhìn thấy, tay sờ vào những hiện vật tiêu biểu cho nền văn minh của nước Pháp.

Chàng thanh niên này tên Bạch Thái Bưởi. Một cái tên bình dị như bao người Việt Nam nô lệ thuở ấy, nhưng về sau trên thương trường, chính người Pháp và những đối thủ cạnh tranh với ông phải nghiêng nón nể phục.

Ông Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 tại làng An Phú, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Đây là cái năm bi đát trong lịch sử triều Nguyễn. Thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất; không giữ được thành, bị trọng thương, danh tướng Nguyễn Tri Phương quyết không để kẻ thù cứu chữa, nhịn ăn mà chết. Các đại quan Nguyễn Văn Tường, Lê Tuấn đã ký với thiếu tướng hải quân Pháp Dupré một Hòa ước gồm 22 điều khoản. Hiệp ước này tương tự phát súng khai tử chủ quyền của vua nước Nam đối với sáu tỉnh Nam Kỳ. Tiếng oe oe chào đời của Bạch Thái Bưởi cũng là tiếng khóc của một con dân mất nước.

Có tài liệu cho rằng ông vốn họ Đỗ, nhà nghèo, mẹ buôn gánh bán bưng, cha mất sớm. Lúc ấy, người họ Bạch giàu nứt đố đổ vách nhưng không có con trai, thấy ông ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó nên nhận làm con nuôi và đổi sang họ Bạch. Lại cũng có tài liệu nói rằng, hồi ông mới chập chững vào nghề kinh doanh đường thủy, có hùn vốn với bà phán Thái nên mới đặt tên là Thái – Bưởi. Còn họ Bạch là trắng, không lấy họ của riêng ai.

Thật ra, dù Bạch Thái Bưởi mang họ gì đi nữa, thì điều ấy cũng không quan trọng. Bởi ý nghĩa của đời người là ở chỗ ta làm được gì cho xã hội, mang lại lợi ích gì cho cộng đồng chứ không phải ta mang họ gì, tên gì.

Thuở mới bước chân vào đời, với vốn liếng tiếng Pháp đã được học, Bạch Thái Bưởi xin làm thư ký cho hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền. Lại có tài liệu cho rằng ông làm ký lục cho công sứ Bonnet, do đó người đương thời gọi là Ký Bưởi, chi tiết này có lẽ hợp lý hơn. Làm việc được một năm, năm 1894, ông chuyển sang làm thư ký ở một xưởng máy thuộc hãng thầu công chánh. Với độ tuổi 20 đầy hăm hở, nhiệt tình muốn học hỏi những điều mới lạ, ông đã chú tâm tìm hiểu về sự vận hành máy móc, cách tổ chức nhân công và quản lý sản xuất theo mô hình của người Pháp.

NỖI LÒNG

Một dịp may đến với ông là năm 1895, Hội chợ Bordeaux được tổ chức tại Pháp. Đây cũng là năm tại Hà Nội, người Pháp bắt đầu xây dựng nhà máy điện, nhà máy nước và nước đá – tất nhiên chỉ người Pháp được sử dụng, còn dân bản xứ thì chưa thể. Bấy giờ, Thống sứ Bắc Kỳ muốn chọn một người Việt thông minh, lanh lợi, giỏi tiếng Pháp để giới thiệu sản phẩm của gian hàng xứ Bắc Kỳ. Bạch Thái Bưởi được chọn, qua đề cử của công sứ Bonnet.

Sang Pháp, chàng trai Việt mới 21 tuổi đã thật sự kinh ngạc trước sự văn minh, tiến bộ của họ. Bấy giờ phái đoàn đi sứ của quan Phụ chính Nguyễn Trọng Hợp mới vừa mới quay về nước. Sau chuyến đi này, vị chánh sứ luôn đau đáu về vận nước có làm tập Thơ đi sứ Tây. Ở lứa tuổi đã ngoài 60, cụ nhìn thấy nước Pháp với hình ảnh: “Bốn phía xe cộ chạy trên các đường phố, tung bụi thành một làn sương hồng. Hàng đoàn du lịch đi lại bất tận không ngừng. Sự bất tận làm cho bầu không khí nóng lên và cần có máy làm lạnh. May mắn thay lại có hàng ngàn vòi nước phun mạnh làm cho khí quyển mát dần. Chiều tà mà tiếng xe cộ còn vang lên. Đột nhiên người ta ngạc nhiên nhìn thấy từ không trung các ngôi sao rơi xuống. Và hàng ngàn ngọn lửa vừa bừng sáng, ngăn chận hậu quả của bóng tối. Các nhà cao sáu, bảy tầng nối liền nhau không dứt. Dưới mặt đất cũng còn ngăn thành buồng, để cho dân cư họp thành đám đông trú ngụ. Và để cốt giấu các kho tàng mà công nghiệp và thương mại sản xuất ra trên quy mô lớn…”.

Con hơn cha là nhà có phúc. Vậy với lứa tuổi mới ngoài 20, Bạch Thái Bưởi đã nhìn thấy gì?

Tất nhiên, cũng nhìn thấy cảnh vật kỳ diệu như thế, nhưng không chỉ nhìn thấy mà Bạch Thái Bưởi còn suy nghĩ làm thế nào để xứ sở mình nay mai cũng tiến bộ như Paris hoa lệ. Nhiều đêm ngồi trước gian hàng giới thiệu sản phẩm của xứ sở mình, ông thoáng bùi ngùi. Cho dù người ngoại quốc hết lời ca ngợi sản phẩm của nước nhà, nhưng thật ra những hàng mỹ nghệ ấy chỉ là kết quả của sự khéo léo, của bàn tay tài hoa và sự nhẫn nại của người thợ thủ công. Muốn có một sản phẩm phải mất quá nhiều thời gian, làm sao có thể sản xuất được số lượng nhiều trong thời gian ngắn nhất? Nếu không, thì làm sao có thể thu được lợi nhuận cao? Nói tắt một lời, chúng ta chưa có được một dây chuyền công nghệ đặng sản xuất hàng loạt. Đã thế, do chế tạo ra những sản phẩm mà sự thành công phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm nên không ít người thợ giỏi đã giấu nghề, không muốn truyền lại hoặc hướng dẫn cho người ngoài gia đình, thậm chí con gái “nữ nhi ngoại tộc” cũng không được phép biết…

Điều này đã khiến cho Bạch Thái Bưởi suy nghĩ rất nhiều.

Những ngày này, trong trí óc của Bạch Thái Bưởi lại nhớ đến những câu thơ của cụ Phan Thanh Giản. Có lẽ mình cũng đang mang tâm trạng, cũng có nỗi lòng như quan Thượng thư bộ Lại triều Nguyễn khi sang Pháp chăng?

Từ ngày đi sứ đến Tây kinh Thấy việc Âu châu phải giật mình Kêu rủ đồng bang mau thức dậy Hết lời năn nỉ chẳng ai tin

Mà chẳng ai tin thì cũng có thể lắm. Một khi con ếch ngồi đáy giếng thì làm sao có thể thấy được trời xanh lồng lộng? Mình phải làm thế nào đây?

Trong những ngày ở Pháp, không như những người khác dành thời gian du hí đây đó, ông nỗ lực tìm hiểu, học hỏi cung cách buôn bán, cách tổ chức và quản lý sản xuất, nghệ thuật khuếch trương thương nghiệp… Nhiều người ngạc nhiên khi thấy ông đi đâu, đến chỗ nào thì cũng hí hoáy ghi chép. Thậm chí, trong sổ tay của ông còn vẽ lại cả quy trình vận hành của máy chạy bằng hơi nước; vẽ lại hình dáng những chiếc thuyền đang nằm trên dòng sông Seine xanh biếc…

“TÔI ĐÃ NHÌN THẤY CON ĐƯỜNG!”

Ngày tháng qua mau. Trên chuyến tàu trở về nước, Bạch Thái Bưởi đã manh nha một quyết định táo bạo. Quyết định này mãi gần hai năm sau ông mới có lựa chọn dứt khoát. Muốn vậy, trong những ngày trở về nơi làm việc, ông đã tranh thủ học hỏi công việc nhiều hơn nữa. Một khi đã có sự chọn lựa dứt khoát thì người ta trở nên mạnh dạn hơn. Bạch Thái Bưởi cũng có tâm thế ấy.

Và Bạch Thái Bưởi đã gõ cửa phòng của ông Jean – chủ hãng thầu công chánh để xin nghỉ việc. Quyết định của Bạch Thái Bưởi khiến cho tay chủ hãng kinh ngạc. Y không thể ngờ, tại sao lại có một người An Nam dám nghỉ việc khi hàng tháng được nhận đồng lương khiến nhiều người đang thèm thuồng. À! Nó muốn “làm reo” để đòi thêm tiền lương thôi! Tao còn lạ gì bọn khố rách áo ôm của cái xứ sở chết tiệt này chứ! Nghĩ thế, Jean đổi thái độ. Ôn tồn hơn.

– Nghỉ việc ư? Thế mày không sợ chết đói à? Đời mày còn dài, đừng vì một phút bốc đồng mà làm hỏng việc.

Không đợi ông trả lời, Jean đứng dậy:

– Tùy mày. Bọn phu xe mửa ra từng bát máu, chỉ kiếm nổi mỗi ngày chỉ vài xu. Ấy là chưa kể roi gân bò của bọn cai quất xuống như mưa! Thời buổi này muốn sống cũng không dễ dàng đâu!

Ông vẫn điềm đạm:

– Thưa, tôi đã ý thức mình phải sống như thế nào rồi. Chết thì dễ, chứ sống mới khó. Tôi không sợ sống!

Jean không nói thêm lời nào nữa, y đã biết tính cách của tay thư ký này. Ít nói, nhưng mỗi lần nói lời nào thì như cóc cắn. Tính cách này là của con người quả quyết, dám chịu trách nhiệm với lời lẽ và hành động của mình. Ngay từ khi nói “Không sợ sống” thì Bạch Thái Bưởi đã chọn cho mình một thái độ sống.

Có thể nhiều người khác cũng nghĩ Bạch Thái Bưởi điên rồ. Với đồng lương đang nhận hàng tháng, chẳng mấy chốc ông có thể vun vén, tích lũy một số vốn không nhỏ. Đời sống êm đềm đi qua. “Sáng vác ô đi, tối vác về”. Một mái ấm dành riêng cho mình với vợ đẹp, con ngoan và nhất là không phải canh cánh lo thất nghiệp. Nhưng không, ông lại thầm nghĩ nếu mình thủ phận với đồng lương, dù đủ sống nhưng suốt đời chỉ làm tôi tớ cho kẻ khác. Chi bằng bỏ việc để tự dấn thân vào con đường kinh doanh, tự mình làm chủ cuộc đời mình thì mới có cơ may để đổi đời. Vạn sự khởi đầu nan. Tất nhiên. Mình tìm đường đi bằng đôi chân của chính mình vậy.

Dám sống là một trong những tư duy của con người năng động. Dám nghỉ việc với ý thức làm chủ cũng là tư duy của con người tự nắm lấy vận mệnh cuộc đời mình. Nói như thế bởi sau này, có một doanh nhân cũng hành động tương tự là Nguyễn Sơn Hà. Cái năm ông Bưởi sang Pháp, thì ông Hà mới khóc oe oe chào đời ở Hải Phòng. Lớn lên, Nguyễn Sơn Hà xin vào làm thư ký cho hãng sơn Sauvage Cottu. Mục đích chính của chàng trai thành phố Cảng là tìm hiểu công nghệ sản xuất mà người Pháp đang giữ bí mật. Vì vậy mỗi lúc chủ đi vắng, chàng tranh thủ lấy sách viết về kỹ thuật sơn ra đọc và ghi chép cẩn thận. Sau khi nắm vững các nguyên lý cơ bản của việc chế tạo, chàng càng quyết tâm đi vào nghề này. Đến lúc hãng sơn đổi qua chủ khác, chàng liền nộp đơn xin nghỉ. Biết chàng là người tích cực trong công việc, lại biết kỹ thuật nên chủ mới thương lượng trả lương cao hơn gấp nhiều lần để giữ chân. Từ bậc lương mỗi tháng 30 đồng nay tăng vọt lên 100 đồng, nhưng chàng vẫn cương quyết từ chối. Thấy thái độ kỳ quặc của con, bà mẹ rầu rĩ, thở ngắn than dài:

– Chao ôi! Không biết ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào đây, cơm không ăn mày lại đi ăn cám!

Nghe vậy, người con giàu nghị lực, ý chí làm giàu chỉ mỉm cười. Vẫn cương quyết xin nghỉ việc. Chàng bàn với sáu người em bán đi tài sản lớn nhất trong nhà là chiếc xe đạp để lấy vốn kinh doanh. Nhờ dũng cảm như thế, về sau Nguyễn Sơn Hà “không ăn cám” mà đã trở thành một trong những doanh nhân “có máu mặt” trên thương trường.

Còn Bạch Thái Bưởi sau khi nghỉ việc, sẽ làm gì? Đây cũng là câu hỏi mà trước lúc chia tay, Jean đã hỏi. Ông vẫn lễ phép:

– Thưa, tôi đã chọn đường đi của tôi. Jean mỉa mai:

– Tao chúc mày thành công, tìm được đường đi.

– Vâng, đường đi ở dưới chân tôi, tôi đã nhìn thấy. Tôi sẽ đi bằng đôi chân của tôi.

Ngoài sân vẫn chập chờn bóng nắng. Đâu đó có tiếng chim reo trên vòm lá. Bước ra khỏi hãng thầu công chánh, chàng họ Bạch thấy nhẹ người, vấn đề còn lại là con đường nào đang mở ra trước mắt anh đây? Vẫn gió, nắng và chim reo trên vòm lá nhỏ…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button