Kinh doanh - đầu tư

Giấc Mơ Hóa Rồng

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Huỳnh Bửu Sơn

Download sách Giấc Mơ Hóa Rồng ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Quản trị – Kinh tế

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Tôi quen biết anh Huỳnh Bửu Sơn từ lâu. Ít gặp nhau nhưng người Bắc kẻ Nam luôn giữ trong nhau những tình cảm tốt đẹp. Thỉnh thoảng gặp nhau trong những bữa ăn sáng hay ly café thật ấm áp và chân thành. Tôi biết anh đã cống hiến và đóng góp nhiều cho đất nước như một chuyên gia kinh tế. Tôi quý anh như một con người có tâm, thẳng thắn và tư duy tích cực. Tôi theo dõi những việc làm rất cụ thể của anh và quả thật là học được rất nhiều.

Đùng một cái, tôi nhận được bản thảo cuốn sách Giấc mơ hóa Rồng – Kinh tế Việt Nam trong 25 năm đổi mới và mở cửa. Tôi đọc một mạch thâu đêm. Giật mình. Tôi gửi ngay bản thảo cho các đồng nghiệp tại Thái Hà Books. Ai cũng phấn khởi và rất mong muốn xuất bản cuốn sách này. Vui thay.

Đọc xong cuốn sách, tin vui lớn bất ngờ đến: TPP đã hoàn tất. Như vậy là 3 mốc lớn trong 30 năm liên tục đã làm thay đổi đất nước Việt Nam: gia nhập ASEAN, tham gia WTO và bây giờ là TPP. Khéo thay, cứ đúng 10 năm là một mốc lớn của dân tộc.

Quý vị vẫn nghĩ rằng Huỳnh Bửu Sơn là chuyên gia tài chính ngân hàng. Quý vị không sai. Tuy nhiên, trong Giấc mơ hóa Rồng – Kinh tế Việt Nam trong 25 năm mở cửa và đổi mới chúng ta sẽ thấy anh viết nhiều về nông nghiệp. Tôi chợt nhận ra, hình như anh trăn trở về nông nghiệp nhiều nhất. Điều này thật có lý, bởi nền kinh tế Việt Nam rất nông nghiệp và nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi đọc bản thảo tôi lại tìm ra mấu chốt vấn đề mà chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn muốn gửi gắm đến bạn đọc lại là giáo dục. Giáo dục là căn bản và cần thể hiện trên cả 3 góc độ: kiến thức, đạo đức và văn hóa. Giáo dục nên và cần thay đổi căn bản, toàn diện và chính giáo dục sẽ làm thay đổi nền kinh tế.

Sáng nay chúng tôi ngồi với nhau và chủ đề chính được bàn bạc lại vẫn là kinh tế và hội nhập, là TPP với kinh tế, là giáo dục và kinh tế. Tôi muốn cuốn sách được xuất bản sớm nhất và nhất định phải được ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 30 năm đổi mới. Những thành tựu 30 năm qua đáng được nhìn nhận như những chiến công lớn, như những đổi thay bước ngoặt. Cuốn sách Giấc mơ hóa Rồng chắc chắn làm cho quý vị suy nghĩ về tương lai của dân tộc, và của chính chúng ta trong 30 năm tới.

Tôi yêu kính anh Huỳnh Bửu Sơn nhiều về cách nhìn thông thoáng, về tư duy tích cực. Tôi tin vào nhìn nhận của anh cũng như những dự đoán cho tương lai. Tôi biết rằng Việt Nam đang chuyển hóa và Giấc mơ hóa Rồng đang thành hiện thực. Nếu mỗi chúng ta cùng hết mình cố gắng, cống hiến hết trí tuệ và sức lực của mình thì đây không còn là giấc mơ nữa mà là rồng thật.

Chúng tôi kính mong nhận được đóng góp và phản hồi của quý vị. Chúng tôi mong rằng những bài học của quá khứ sẽ là những bước đệm để chúng ta vững bước vào tương lai.

Xin thành tâm biết ơn và chúc mừng tác giả và bạn đọc.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty
Cổ phần Sách Thái Hà

Những lời khen tặng

Có thể nói ngay là tôi thấy rất đồng cảm với với tâm tình của anh Huỳnh Bửu Sơn và tâm đắc với những phân tích của anh trong cuốn sách này. Phải là người có tấm lòng yêu mến quê hương sâu sắc, và có sự hiểu biết sâu rộng về kinh tế, xã hội và thế giới mới thao thức về thời cuộc Việt Nam, và khi đất nước hội tụ những điều kiện thuận lợi cả trong và ngoài nước, thì thao thức chuyển sang giấc ngủ mơ thấy đất nước hóa rồng. Đầu thập niên 1990, Huỳnh Bửu Sơn nằm mơ thấy Việt Nam hóa rồng và suốt nhiều năm sau đó chính anh đã góp phần thúc đẩy để giấc mơ trở thành hiện thực qua những bài viết dễ hiểu nhưng sắc sảo, đầy tính thuyết phục, về các vấn đề từ công nghiệp, dịch vụ đến nông nghiệp, nông thôn, từ chính sách mở của đến các cải cách về tiền tệ ngân hàng, về doanh nghiệp, về xây dựng nguồn nhân lực, v.v… Tôi rất vui vì những bài viết đó được tập hợp thành cuốn sách này.

Qua cuốn sách này ta thấy được bức tranh sống động về những vấn đề của kinh tế Việt Nam trong hơn 20 năm qua, được vẽ ra bởi một chứng nhân có trình độ cao về chuyên môn.

Nhiều người trong chúng ta chắc cũng mơ thấy đất nước hóa rồng. Nhưng rất tiếc là cho đến nay giấc mơ đó chưa thành hiện thực. Tác giả cuốn sách này chắc cũng chưa vui vì nhiều ý kiến về chiến lược, chính sách của các chuyên gia tâm huyết, trong đó có anh, đã không được thực hiện. Nhưng Huỳnh Bửu Sơn không bỏ cuộc, anh vẫn còn hy vọng, còn tin tưởng là con cá chép Việt Nam sẽ vượt vũ môn trong một tương lai không xa. Và anh kêu gọi chúng ta đừng nản chí. “Mọi thứ đều có thể bắt đầu lại từ sự bắt đầu. Và sự khởi đầu quan trọng nhất chính là sự khởi động ý chí thành rồng. Con cá chép không bao giờ trở thành rồng nếu nó không muốn hóa rồng”. (Tokyo, Thu 2015)

Trần Văn Thọ
Giáo sư kinh tế tại trường Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản.

Giấc mơ hóa Rồng là chặng đường 10 năm mà tác giả Huỳnh Bửu Sơn – chuyên gia kinh tế – với tư cách người cầm bút đã trải qua và ghi lại, chứa đựng những trải nghiệm sống động và biết bao trăn trở của một trí thức từ ngày đất nước đổi mới.

Là một chuyên gia ngân hàng từ năm 1967, ông không chỉ được biết đến là người giữ chìa khóa của kho vàng 16 tấn do chính quyền cũ để lại, mà còn vì sau năm 1975 đến nay, ông đã liên tục hoạt động trong lĩnh vực này với nhiều vị trí khác nhau. Từ những hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông đã tham gia vào đời sống báo chí với hàng trăm bài bình luận và phân tích tình hình kinh tế sâu sắc.

Các bài viết của ông với ngôn từ duyên dáng nhưng lập luận chặt chẽ, văn phong bay bướm nhưng tính thuyết phục cao, trình bày những vấn đề gai góc bằng tất cả tâm tình, đã lôi cuốn một số lớn độc giả của các báo mà ông từng cộng tác như Tuổi Trẻ, Lao Động, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần…

Là một thành viên tích cực của Nhóm chuyên viên kinh tế “Thứ Sáu”, ông từng chủ trì nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn như “Giá-Lương-Tiền” năm 1986, hay “Đổi mới Hệ thống Ngân hàng” năm 1989 làm tiền đề cho sự ra đời sau đó của Pháp lệnh Ngân hàng mà ông góp phần lớn trong quá trình soạn thảo. Cùng với ba chuyên viên khác trong Nhóm “Thứ Sáu”, ông cũng được mời tham gia vào Tổ tư vấn của chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mà như ông từng bộc bạch: “Tôi bị ông thu hút bởi đức độ, một trái tim bao dung nhân hậu, lòng yêu nước yêu dân sâu đậm và một sự minh triết đáng kinh ngạc”.

Cuốn sách này ra đời từ gợi ý của một số thân hữu, là một tập hợp những bài viết đề xuất các giải pháp cho nhiều sự kiện và vấn đề theo dòng thời sự kinh tế – xã hội gần một phần tư thế kỷ qua mà tác giả vừa là người trong cuộc vừa là chứng nhân.

Giấc mơ hóa Rồng là tập hợp những trăn trở và mong ước không chỉ của tác giả mà còn là của bất cứ ai trông chờ vào những giải pháp đúng đắn nhằm đưa đất nước ra khỏi vòng xoáy của nghèo nàn lạc hậu, mà trong chừng mực cứ như đang nằm ngoài tầm với của chúng ta. Đó là những thách thức của chiến lược thời mở cửa, những giải pháp “khai thông huyệt đạo” để đi đến một tương lai thịnh vượng, cũng như đâu là những bước ngoặc trên con đường làm giàu, đưa nền kinh tế đất nước vượt vũ môn.

Trải qua một thời tuổi trẻ đầy biến động, thân phận gắn liền với một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nhưng tác giả luôn giữ sự thanh liêm của người trí thức độc lập trong nhận thức, mạnh dạn nói đúng những điều mình nghĩ, viết đúng những điều còn băn khoăn chỉ nhằm đóng góp hiểu biết khiêm tốn của mình cho sự phát triển của đất nước, cho một xã hội hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay.

Với ông, làm được phần nhỏ đìều mình mong muốn cho cái chung đã là rất hạnh phúc rồi. Suy nghĩ đó chúng ta có thể nhìn thấy xuyên suốt qua các bài viết trong tập sách này.

Trần Trọng Thức
Nhà báo

Cuốn sách là tập hợp các bài viết của tác giả trong 25 năm qua, với những trăn trở và ước mơ đối với đất nước Việt Nam. Sau khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới tư duy, từng bước thoát khỏi nền kinh kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, nước ta từng bước phục hồi nền kinh tế thị trường, đa thành phần sở hữu và một cơ chế quản lý nhà nước thông thoáng hướng tới một nhà nước pháp quyền. Về đối ngoại, từng bước đi vào xu thế hội nhập toàn cầu với những bước đi thận trọng qua các chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, từ đó tạo đà phát triển kinh tế xã hội cũng như tạo được vị thế của nước Việt Nam như ngày hôm nay. Tuy nhiên, đối với tác giả, thành quả đạt được trong hai mươi lăm năm qua tuy rất to lớn nhưng nếu so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa thay đổi được vị thế tương quan, thậm chí còn có phần tụt hậu hơn! Ước mơ hóa rồng như xa dần nhưng tác giả không tuyệt vọng. Điều này nói lên ý chí bền bỉ của một trí thức Việt Nam, một Huỳnh Bửu Sơn như nhiều người biết đến trong hàng ngũ những trí thức tham gia công cuộc đổi mới suốt 25 năm qua.

Cuốn sách ghi lại các sự kiện kinh tế chính trị xã hội diễn ra theo thời gian một cách trung thực suốt 25 năm qua và qua mỗi sự kiện đều có góc nhìn riêng cũng như ý kiến đóng góp của tác giả đối với công cuộc đổi mới trong từng thời điểm. Cuốn sách xứng đáng là nguồn tham khảo cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên.

Phan Chánh Dưỡng
Chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Fulbright

ĐỌC THỬ

Chương I

CHIẾN LƯỢC

THỜI MỞ CỬA

TỪ CHIẾN TRƯỜNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG MỘT TƯƠNG LAI HÒA BÌNH VÀ HỢP TÁC

Những ngọn gió xuân vào đầu năm 1992 đang thổi qua khu vực Đông Nam Á mang theo niềm hy vọng về một tương lai ổn định và hợp tác, khi mặt trời hòa bình đã ló dạng tại Campuchia và các cuộc mua bán hàng hóa ngang qua biên giới Việt Trung ngày càng trở nên rộn rịp, sầm uất hơn. Đối với Việt Nam, cánh cửa về phương Nam đang mở rộng cho những cơ hội mới cùng với những thử thách mới. Kỷ nguyên hợp tác để phát triển đã bắt đầu, tiếng mặc cả rộn rịp của các phiên chợ giữa các thương nhân trong vùng rồi đây sẽ thay thế tiếng khua gươm giáo loảng xoảng của các chiến sĩ. Nhưng những thử thách mới cũng sẽ không kém phần gay gắt. Chúng ta đang bước vào lĩnh vực chưa từng là sở trường của mình. Ta sẽ phải làm ăn với những quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm và thành tích chói sáng về phát triển kinh tế, với những doanh nhân của họ được vũ trang đến tận răng bằng kiến thức, kỹ năng và vốn liếng. Dựa trên những tiêu chuẩn kinh tế như mức thu nhập bình quân đầu người, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm, trình độ công nghiệp hóa…, họ hơn hẳn ta. Điều đáng quan ngại hơn là chính họ cũng chưa vừa lòng với thành tích kinh tế đáng ghen tị của mình. Thí dụ Singapore. Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 10.000 đô la, gấp 50 lần Việt Nam, họ đang xây dựng kế hoạch vĩ đại 25 năm mà mục tiêu là đạt mức thu nhập bình quân ngang bằng với Mỹ vào năm 2015, khoảng 40.000 đô la(*). Tham vọng và quyết tâm phát triển của các nước trong khu vực chính là thử thách lớn nhất đối với ý chí, nghị lực của dân tộc Việt về tương lai cường thịnh của đất nước mình. Rõ ràng là trong cuộc chạy đua trên đường băng phát triển kinh tế, thách thức đối với chúng ta hết sức to lớn trong khi hành trang của chúng ta lại rất khiêm tốn. Đây phải là mối ưu tư hàng đầu của cộng đồng dân tộc Việt, bây giờ và nhiều năm sau nữa. Phải ý thức đầy đủ thách thức khó khăn này, chúng ta mới thấy hết được sự cần thiết phải có những chuẩn bị hoàn hảo – như các nước bạn láng giềng – cho những bước chạy của chúng ta tiến vào thế kỷ XXI. Một sự thất bại, nếu xảy ra, sẽ không dẫn đến điều gì khác ngoài mất tự chủ về kinh tế.

Để vượt qua thử thách, chúng ta không được ỷ lại, bám víu vào huyền thoại về sự phong phú của tài nguyên đất nước, về sự dồi dào của nhân lực, về giá lao động rẻ… Tài nguyên đất nước hãy còn nằm trong lòng đất, sự giàu có mà chúng ta đáng được hưởng vẫn còn là tiềm năng. Và tiềm năng sẽ mãi mãi chỉ là tiềm năng nếu chúng ta không thể vận dụng trí tuệ để tìm ra phương sách tối ưu khai thác chúng, sử dụng chúng có ích và không hoang phí, biến chúng thành sự cường thịnh của đất nước, dân tộc.

Thời kỳ phát triển có những vấn đề của nó và chỉ có giải quyết tốt những vấn đề đó mới tạo được cơ may cho phát triển kinh tế.

ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Từ lâu, hầu như chúng ta chỉ quan tâm nhiều đến việc xây dựng cơ cấu kinh tế, các mối quan hệ giữa chúng và phương cách quản lý theo một mô hình đã vạch sẵn mà xem nhẹ việc xác lập mục tiêu kinh tế ưu tiên dựa trên nguyên tắc hiệu quả. Chẳng hạn, chúng ta thường tranh luận nhiều về cách làm thế nào để đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh mà không quan tâm đến vấn đề là sự chủ đạo đó có đóng góp tốt hơn hay không cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tăng sản lượng, tăng thu nhập quốc dân và nâng cao mức nhân dụng… Chúng ta dễ dàng hài lòng với các kết quả hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công nghiệp mà quên tính đến những biến động về năng suất, về sản lượng trong quá trình cải tạo và hợp tác đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến tốc độ tăng trưởng và tình trạng nhân dụng của nền kinh tế đất nước.

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế mãnh liệt trên thế giới hiện nay, việc xác lập mục tiêu kinh tế thích hợp là công việc hàng đầu và mang tính quyết định đối với sự thành công của chiến lược phát triển quốc gia. Đó là công việc khó khăn phức tạp vì các mục tiêu thường không tương hợp. Việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thường dẫn đến tình trạng lạm phát, còn việc kìm chế giá cả lại dẫn tới sự giảm sút số lượng công ăn việc làm. Xác lập, chọn lựa ưu tiên các mục tiêu kinh tế, tập hợp, phối hợp các biện pháp đúng để hoàn thành tốt các mục tiêu, đó chính là vai trò vĩ mô đích thực của kế hoạch trong cơ chế thị trường.

XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI PHÁP QUYỀN

Luật pháp là điều kiện không thể thiếu, là nhạc trưởng điều động dàn nhạc kinh tế trong cơ chế thị trường hòa âm một cách chính xác, đồng bộ, hiệu quả, nhằm thúc đẩy xã hội tiến bộ một cách trật tự về phía trước. Luật pháp làm giảm bớt sự cọ xát vô ích và có hại giữa các hoạt động kinh tế, giữa các đơn vị kinh tế, nhờ đó làm giảm hao phí xã hội. Một nền tảng luật pháp hoàn chỉnh và công bằng còn là cơ sở của niềm tin vào hệ thống xã hội, là động lực khuyến khích mọi người dân tham gia vào hoạt động kinh tế. Sự bình đẳng trước luật pháp là điều kiện thiết yếu để cạnh tranh kinh tế trở nên lành mạnh hơn, và cũng chính trên cơ sở luật pháp, sẽ hình thành sự sáng tạo kinh doanh.

Nhưng điều quan trọng không chỉ là xây dựng nên những bộ luật hoàn chỉnh mà còn phải nâng cao ý thức thượng tôn luật pháp. Luật pháp thể hiện sự thống nhất quốc gia, theo đó lợi ích quốc gia phải được đặt lên trên hết, trên mọi quyền lợi địa phương, cục bộ, phe nhóm, cá nhân. Điều đó là vô cùng hệ trọng cho việc thiết lập nền móng bền vững của đất nước, trên đó chúng ta sẽ xây dựng tòa nhà tương lai của sự cường thịnh.

THỰC HIỆN HỘI NHẬP KINH TẾ

Nỗ lực để phát triển sẽ chỉ là không tưởng nếu chúng ta không huy động được một cách hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, vốn liếng, lao động, công nghệ của đất nước vào mục tiêu phát triển. Hội nhập kinh tế chính là điều kiện để thực hiện sự động viên toàn lực này.

Trong một nền kinh tế mở, thông thoáng bên trong, hội nhập với bên ngoài, sẽ không có chỗ đứng cho khái niệm biệt lập, khái niệm địa phương tự cấp tự túc, khái niệm mỗi ngành kinh tế là một mô hình khép kín, hoạt động tổng hợp từ A đến Z. Sự biệt lập khiến hiệu quả của phân công lao động và hiệu ứng liên kết (linkage effects) không còn nữa. Hãy tưởng tượng, một cơ thể sẽ như thế nào nếu mỗi bộ phận của nó đột nhiên có thêm một bộ não riêng, một hệ thống tiêu hóa riêng và tay chân riêng. Không những dị dạng, đó còn là một cơ thể vô năng, không hoạt động được.

Trên con đường hội nhập, phải phá vỡ những tắc nghẽn kinh tế. Như chất vữa bám ở thành động mạch, đó là những nút chặn ngăn không cho đồng vốn, hàng hóa, lao động chuyên môn, công nghệ… lưu thông từ địa phương này sang địa phương khác, từ nơi thừa sang nơi thiếu, từ khu vực tiết kiệm sang khu vực đầu tư. Với những tắc nghẽn này, chúng ta sẽ không lợi dụng được những hiệu quả liên kết kinh tế, không tạo được những ngoại giảm phí (external economies) cần thiết. Hậu quả là, để đạt được kết quả một, chúng ta phải tiêu tốn đến năm, sáu lần. Sự lãng phí khủng khiếp này, không một nền kinh tế nào có thể chịu đựng nổi.

Trong kỷ nguyên hợp tác, việc mở cửa với khu vực và thế giới là không thể tránh và hơn nữa, rất cần thiết. Tuy nhiên, việc hợp tác chỉ có thể bình đẳng giữa những người đồng đẳng. Không nên quên rằng, trong mối quan hệ kinh tế giữa các nước, lý thuyết về sự khống chế kinh tế của Francois Perroux vẫn còn giữ nguyên giá trị. Trong hợp tác cần phải biết bảo vệ nền kinh tế còn non yếu, doanh nghiệp còn non yếu của mình. Sẽ là một điều không thể tha thứ, xét về mặt kinh tế lẫn đạo lý, nếu để cho hàng tiêu dùng ngoại nhập đủ loại mặc sức tràn vào và giết chết sản xuất trong nước. Hợp tác kinh tế sẽ mang đến nhiều điều lợi, nhưng cần cân nhắc lợi trước mắt, lợi lâu dài. Chúng ta cần ngoại tệ, nhưng cũng cần phải biết ngoảnh mặt đối với những khoản vay nóng, lãi suất cao cho những dự án đầu tư lãng phí, không hiệu quả.

Chạy theo cái lợi trước mắt mà quên đi cái hại lâu dài sẽ là vô trách nhiệm, chuyển gánh nặng nợ nần cho thế hệ kế tiếp và phá hỏng tương lai của con em chúng ta.

TẠO NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN

Muốn phát triển kinh tế, tức là muốn làm giàu, phải trông cậy vào sức mình. Nguồn lực để phát triển có sẵn trong đất nước, trong mỗi con người chúng ta. Có chính sách bồi dưỡng đúng mức, sẽ có ngày khai phóng được năng lực vĩ đại này.

Nông nghiệp là cội rễ của nền kinh tế nước nhà, gốc rễ bền chắc thì tán lá sum suê, cây sẽ đơm bông, kết trái tốt tươi. Cần cải thiện, công nhận và đảm bảo về pháp lý mối quan hệ sở hữu đầy đủ giữa người nông dân và ruộng đồng của họ, xem đó là một động lực kích thích sản xuất nông nghiệp. Thuế nông nghiệp phải có tính chất khuyến khích sản xuất, đi kèm với các chính sách trợ giá nông phẩm, chính sách tín dụng nông nghiệp… tất cả nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập của nông dân. Nông dân giàu lên, có tích lũy sẽ giúp thị trường nội địa phát triển vững chắc, tạo sự lớn mạnh cho sản xuất công nghiệp trong nước.

Đối với công nghiệp, bên cạnh vai trò cho đến nay vẫn được xem là chủ đạo của kinh tế quốc doanh, cần phát triển mạnh mẽ khu vực tư doanh trên cơ sở thừa nhận sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất. Cần chấm dứt những sự phân biệt đối xử đối với khu vực tư doanh về thuế, tín dụng ngân hàng, quan hệ ngoại thương. Tư doanh và quốc doanh là đôi cánh đại bàng cùng góp sức cho nền kinh tế cất cánh vào giai đoạn phát triển tự duy.

Tất nhiên, một nền kinh tế muốn cất cánh cần phải có đủ nguồn năng lượng tài chính. Không thể không đề cập đến vai trò có tính chất quyết định của hệ thống ngân hàng. Một hệ thống ngân hàng đúng nghĩa sẽ là nguồn tạo ra và cung cấp vốn liếng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh trong nước mà không phải trông cậy quá nhiều và vô vọng vào nguồn tài trợ từ bên ngoài. Nhưng hệ thống này chỉ có thể hoạt động hữu hiệu, lành mạnh với sự hỗ trợ đắc lực của một ngân hàng trung ương hùng mạnh, với một chính sách tiền tệ tích cực, năng động. Trong điều kiện hiện nay của nước ta, không thực thi một chính sách tiền tệ mở nhằm khai phóng các nguồn lực, sẽ không thể nói đến phát triển kinh tế.

CON NGƯỜI – NGUỒN LỰC QUYẾT ĐỊNH

Đào tạo và trọng dụng nhân tài là quốc sách muôn đời của một nước. Lực lượng ưu tú, ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, cũng luôn là yếu tố quyết định sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng dân tộc. Đầu tư cho giáo dục, trong những năm tới, sẽ phải là đầu tư quan trọng nhất của chúng ta, bởi đó là động lực lớn nhất và quyết định nhất của phát triển.

Thời đại xây dựng kinh tế cần có những con người biết làm kinh tế. Không chỉ là những người vạch ra chính sách, điều hành kinh tế ở cấp vĩ mô, mà còn là những doanh nhân. Đây là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, những người sẽ đối mặt với doanh nhân các nước, giành từng tấc đất trên thương trường, chắt chiu từng đồng vốn, cạnh tranh từng mặt hàng, táo bạo, mưu trí để mang nguồn lợi về cho đất nước. Họ là những con ong bay hàng dặm đường để hút từng chút nhuỵ hoa làm nên mật ngọt của sự thịnh vượng, là những người thợ đổ mồ hôi và cả nước mắt – để xây dựng từng viên gạch cho tòa nhà phát triển.

Cần có chính sách xây dựng lực lượng doanh nhân, khuyến khích họ, ưu đãi họ và giúp họ trang bị đầy đủ bằng cách mở cửa tiếp thu tinh hoa văn hóa, kiến thức, công nghệ, kinh nghiệm… của các nước phát triển. Nhưng không nên quên rằng sự tiếp thu này chỉ có thể thành công trên cơ sở một tinh thần chân thành, thực sự cầu thị và nhất là thật sự khiêm tốn.

Cách đây mấy trăm năm, sau khi quét sạch quân Minh, nhà chiến lược xuất sắc Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo đã đúc kết nhận định của mình về tiềm năng nhân lực vĩ đại của dân tộc Việt Nam qua hai câu thơ đầy tự hào:

Dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có.

Quả vậy, khi đất nước còn sản sinh ra hào kiệt thì dù có lúc bị ngoại nhân xâm lấn cũng có ngày giành được độc lập, dù có lúc nghèo khổ, chậm tiến cũng có ngày giàu có, phát triển.

Xin hãy coi đó như là điều mong ước của tất cả chúng ta, nhân mùa Xuân này, cho tương lai cường thịnh của dân tộc Việt.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button