Kinh doanh - đầu tư

Cuốn Sách Nhỏ Giúp Quản Lý Tài Sản

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK 

Tác giả : David Darst

Download sách Cuốn Sách Nhỏ Giúp Quản Lý Tài Sản ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH TẾ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                  

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


NGAY KHI VỪA BƯỚC VÀO THIÊN NIÊN KỶ MỚI, tôi được hỏi xin lời khuyên đầu tư cho nhà sáng lập và quản trị điều hành cấp cao (CEO) 30 tuổi của một công ty kinh doanh mạng nhiều triển vọng (mà chúng ta hẳn có thể biết tên qua các quảng cáo của họ, nhưng giờ thì hết rồi!) và nhân viên kế toán, quản trị tài chính cấp cao (CFO) 50 tuổi của anh ta. Viên CEO công nghệ cao không thèm quan tâm đến những lời khuyên của tôi, rằng nên chuyển ít nhất một số cổ phần của anh ta thành một kế hoạch sử dụng tài sản đa dạng. Anh ta nói với tôi, “Mạng trị giá 2 tỷ của tôi sẽ biến thành 10 tỷ, ông cứ chờ xem!”

Trái lại, viên kế toán/ CFO, người vốn chỉ có 1/15 cổ phần so với viên CEO trong công ty kinh doanh mạng ấy, đã lắng nghe kỹ lưỡng tóm lược của tôi về tầm quan trọng của việc sử dụng tài sản, và ông nói, “Tôi phải sử dụng tất cả số tiền này để mua một hỗn hợp thích hợp các cổ phần, trái phiếu, bất động sản, hàng hóa, các quỹ bảo hộ, chứng khoán chống lạm phát[1], và tiền mặt trong và ngoài nước. Tôi muốn bám vào vận may này và làm cho tài sản của mình càng ngày càng gia tăng. Thật sự không có cách nào để một kế toán như tôi ngay lúc này lại đáng giá 10 triệu đô-la được cả!”

Bạn đoán được không. Sau sự sụp đổ và tan rã các cổ phần công nghệ, đôi cánh vàng Icarus[2] của viên CEO đã tan chảy và anh ta lao đầu xuống đất; còn viên kế toán/ CFO trước đây, người biết cách sử dụng tài sản, thì giờ đây lại giàu hơn sếp của mình rất nhiều.

Tại sao vậy? Nói ngắn gọn, đó là vì cách thức sử dụng tài sản. Trong cuốn Cuốn sách nhỏ giúp quản lý tài sản này tôi sẽ giới thiệu với bạn những kỹ thuật mà người giàu sử dụng để vẫn giàu bất kể thị trường có biến động ra sao.

Qua nhiều thế kỷ, của cải được tạo ra, được bảo tồn, hoặc bị mất đi vì người ta quan tâm hoặc không quan tâm đến các nguyên lý của việc sử dụng tài sản. Từ Joseph trong kinh Cựu Ước, rồi những người Hy Lạp, người La Mã, người Venice, người Tây Ban Nha và những người khác, đến những cơ đồ của Barings và Rothschilds, và đến tận kỷ nguyên hiện đại – Astor, Rockefeller, Carnegie, DuPont và ngày nay là Gates và Buffett, tiền đã được hòa trộn, được tích lũy, và được giữ lại nhờ đi theo các ý tưởng then chốt của sử dụng tài sản, đó là: đa dạng hóa, tái cân đối, quản lý mạo hiểm, và tái đầu tư. Vì lẽ ấy, các đế chế hùng mạnh đã sụp đổ và của cải đã hao mòn đi khi các gia đình và các dân tộc quá tập trung vào một loại của cải và vì thế không dám mạo hiểm.

Sử dụng tài sản còn gồm việc tái cân đối vốn đầu tư, quản lý thua lỗ, và chọn lọc cẩn trọng những nhà quản lý đầu tư, và đã từng là lực điều hành nằm sau sự gia tăng cũng như bảo tồn sự thịnh vượng tài sản quyên góp cho Ðại học Harvard, Yale, Princeton, Notre Dame, Ðại học Texas, Stanford, cũng như sự thịnh vượng của nhiều đại học, quỹ và rất nhiều gia đình quyền lực khác.

Qua nhiều thế hệ, sử dụng tài sản đã giúp tạo ra, bảo tồn và mở rộng sự thịnh vượng. Ngày nay, nhờ sự tiếp cận thông tin rộng hơn bằng Internet, nhờ những công cụ tài chính tối tân, chi phí thấp như các quỹ giao dịch thương mại[3], nhờ phần mềm thân thiện với người dùng và các công cụ tối ưu để cân bằng vốn, mọi người đều có thể thực hành những điều mà trước đây chỉ thuộc sân chơi cho người giàu có và sành sỏi. Và đây không những là một điều tốt đẹp phải có, mà nó còn có giá trị quan trọng then chốt đối với mười triệu nhà đầu tư cá nhân đang mang trên chính đôi vai mình gánh nặng trách nhiệm đầu tư chuyển từ một kế hoạch trợ cấp có lợi tức/ được bảo đảm ổn định trong hình thức của những kế hoạch hưu trí cá nhân IRA và kế hoạch 401(k)[4] mà đích thân họ chịu trách nhiệm.

Trong bóng bầu dục nhà nghề, họ nói rằng: “Tấn công thì thắng trận, Phòng thủ thì vô địch, và chiến thuật Ðặc biệt thì đoạt Siêu cúp.” Sử dụng tài sản là hành trang của tất cả những phương pháp trên: 1) Làm ra tiền; 2) Không để thua lỗ tiền; 3) Tái cân đối tài sản khi sự việc không đi đúng hướng và bị tập trung quá mức.

Vài năm trước, một người môi giới chứng khoán giới thiệu tôi cho một đôi trai gái trẻ. Ðôi này khi đang ngồi hẹn hò xem TV trên ghế sô-pha ở nhà cha mẹ cô gái, bỗng phát hiện rằng họ vừa trúng xổ số: Rất nhiều tiền! Nhiều công ty môi giới và các nhà quản lý đầu tư khuyên họ nên đầu tư hết vào bất động sản nhà ở và cổ phiếu ngành xây dựng, vì giá nhà lúc ấy ở Mỹ (khoảng năm 2004 và 2005) đang tăng ở mức gần 15% một năm.

Tôi khuyên họ đừng làm vậy! Ðể sử dụng tài sản đúng cách đòi hỏi năm bước đi chậm rãi. Một là cố gắng hiểu chính bản thân mình, những xu hướng, các ưu và khuyết điểm, tinh thần và tâm lý của bạn. Hai là, quyết định xem liệu bạn muốn tự mình làm lấy hay nên mướn người khác làm. Một số người trong chúng ta có kỹ năng sửa được đường ống nước bị rỉ còn số khác thì chỉ làm nó tệ hơn mà thôi. Ba là, có một khung cơ sở (cuốn sách này sẽ cung cấp một khung cơ sở như vậy trong chương 2) để đánh giá nghiêm túc các nguồn lực mà chính bạn sẽ sử dụng, hoặc thuê mướn. Bốn là, lắng nghe sự sáng suốt tài chính cũng như sự từng trải trong cuộc sống từ người đáng tin, công bằng và chu đáo. (Người này là sẽ là chú Frank của bạn, bạn sẽ được gặp chú trong chương 2 và được nghe chú nói trong suốt cuốn sách này.) Năm là, lập ra một kế hoạch và buộc mình phải thỉnh thoảng rà soát lại nó.

À, tiện đây cũng nói thêm là cặp đôi ấy đã kết hôn với một lễ cưới ấn tượng được nhiều người biết đến, và thay vì dồn hết tiền của, một mất một còn vào bất động sản nhà ở, họ đã khôn ngoan mở rộng tài sản của mình ra thành một hỗn hợp các tài sản và các loại quản lý đầu tư trong và ngoài nước Mỹ. Tôi vui mừng thông báo rằng cả cuộc sống gia đình lẫn danh mục đầu tư của họ đang rất phát đạt.

Khi xem truyền hình, đọc những tin tức trên mạng, hoặc ghé qua khu vực sách kinh tế trong một hiệu sách, bạn sẽ thấy rằng hầu hết các chuyên gia tài chính đều đang theo đuổi con đường riêng của họ để đạt đến sự giàu có – các món hàng, cổ phần vốn nhỏ, quỹ bảo hộ, cổ phiếu mỏ vàng… Sử dụng tài sản giúp bạn đánh giá, cân bằng, hòa trộn nhiều loại đầu tư và quản lý khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân, tầm nhìn thị trường của bạn và tình hình thế giới.

Không có bất kỳ công thức thần kỳ nào giúp thành công trong việc sử dụng tài sản. Vì bất cứ nỗ lực nào của con người đều có rất nhiều nghệ thuật trong đó; nên tính kiên nhẫn, tầm nhìn, óc hiếu kỳ và khả năng chế ngự cảm xúc cũng luôn phải là những đồng minh trung thành của bạn. Bạn phải trau dồi và giữ chúng gần bên mình. Giống như một bộ quần áo may sẵn, trong sử dụng tài sản, bạn cũng dùng loại vải giống như tất cả mọi người khác, nhưng sự điều chỉnh của bạn sẽ khác và là của riêng cá nhân bạn.

 

[1] Chứng khoán chống lạm phát (inflation-protected Securities): là một hình thức đầu tư mang lại thu nhập cố định, đảm bảo được tỉ lệ thu nhập thực tế cho người đầu tư. Tỉ lệ thu nhập thực tế là thu nhập danh nghĩa sau khi đã trừ đi tỉ lệ lạm phát, vì vậy người đầu tư được bảo vệ trước những tác động của lạm phát. Các công ty tư nhân cũng có thể phát hành chứng khoán chống lạm phát, nhưng nói chung chứng khoán loại này thường do chính phủ phát hành. [Nd] [2] Nhân vật trong thần thoại Hy Lạp đeo đôi cánh dán bằng sáp nến kiêu ngạo bay lên trời, sau cùng bị ánh mắt trời thiêu đốt, sáp nến tan chảy ra và Icarus rơi xuống biển. [Nd] [3] Quỹ giao dịch thương mại (gọi tắt là ETF): là một hình thức quỹ đầu tư tập thể mà cổ phiếu của nó được mua bán trên hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới. Về cơ bản, quỹ ETF thường lựa chọn danh mục đầu tư mô phỏng theo chỉ số chứng khoán như S&P 500, Hang Seng Index, theo một ngành nào đó (ví dụ, năng lượng, công nghệ) hoặc theo các loại hàng hóa như vàng hoặc dầu mỏ. [Nd] [4] Kế hoạch 401(k) là kế hoạch mà một công ty đưa ra cho người sử dụng, cho phép người sử dụng dành dụm lợi nhuận được hoãn thuế khi đến tuổi nghỉ hưu. Nếu rút phần chia ra trước khi đến tuổi nghỉ hưu thì sẽ phải chịu mức thuế phạt rất cao. [Nd]

ĐỌC THỬ

TẠI SAO BẠN CẦN BIẾT CÁCH SỬ DỤNG TÀI SẢN

NÓI ĐƠN GIẢN, bạn cần biết sử dụng tài sản vì ba lý do. Một là, bằng việc đa dạng hóa sự đầu tư của bạn giữa nhiều loại tài sản để một vài trong số đó trở nên thịnh vượng bất chấp môi trường tài chính và kinh tế, sử dụng tài sản giúp bạn tạo ra và phát triển sự giàu có. Hai là, bằng việc tập trung vào bảo vệ danh mục đầu tư, vào rủi ro cũng như vào lợi nhuận, sử dụng tài sản có thể giúp giảm thiểu các tổn thất và kìm hãm các rủi ro của một vụ đầu tư. Ba là, bằng việc khuyến khích bạn trong chừng mực đều đặn nào đó đối mặt với thực tại, thực hiện hành động, và tái cân đối cho những khoản thanh toán dài hạn, sử dụng tài sản tạo ra sự vững mạnh về mặt tinh thần sự ổn định về mặt tâm lý.

Sử dụng tài sản đưa ra biện pháp làm cho tiền đầu tư của bạn có hiệu quả cho bạn, chứ không phải tác động đến bạn. Sử dụng tài sản được đặt nền tảng trên tính mềm dẻo, hiện thực hóa, sự sẵn sàng và sự tự nhận thức. Sử dụng tài sản giúp bạn tránh được việc bám chặt một cách giáo điều vào một số ít các loại tài sản hoặc vào những sự thăm dò đầu tư, vốn chỉ tốt cho một thời gian nhất định rồi sau đó phai tàn – dù chúng là các sản phẩm cụ thể, bất động sản, tiền mặt, trái phiếu lãi suất cao[1], các chiến lược lựa chọn, cổ phần của thị trường đang lên, hoặc các công ty Mỹ vốn lớn đã phát triển. Sử dụng tài sản dựa trên những công cụ như sự đa dạng hóa, xu hướng của tài sản qua thời gian sẽ đi đến chỗ cân bằng, sự tái cân đối, và cảm quan hoàn toàn theo lẽ thường trong việc giành lấy lợi ích từ những vòng quay bình thường của cuộc sống cũng như những giai đoạn không thường xuyên của sự háo hức và tuyệt vọng, vốn thỉnh thoảng xuất hiện trong mọi loại thị trường trong suốt lịch sử thành văn.

Tóm lại, sử dụng tài sản là điều kiện tất yếu cho sự thành công đầu tư lâu dài, và để thành công trong sử dụng tài sản đòi hỏi:

• Biết đối mặt với chính mình (bạn sẽ học cách làm thế nào trong chương 6);

• Lựa chọn người thích và hiểu bạn, hiểu các giấc mơ, các hy vọng, các lo sợ, thành kiến và cả những điều bạn say mê (chú Frank của bạn sẽ xuất hiện ở chương 2 và chú sẽ xuất hiện khắp cuốn sách này); và

• Chọn lựa người hiểu biết các thị trường, có tầm nhìn, và hiểu giá trị đầu tư (chúng tôi sẽ chỉ ra cho bạn làm điều này thế nào trong chương 11).

Chúc bạn may mắn và thăng tiến.



[1] Trái phiếu lãi suất cao (High-yield debt/ junk bond): các loại trái phiếu có mức độ uy tín thấp hơn các tiêu chuẩn thông thường. Các trái phiếu này thường tiềm ẩn nguy cơ không được thanh toán lớn và chào bán với tỷ lệ lãi suất cao. Trái phiếu lãi suất cao không được đảm bảo chắc chắn, nguy cơ vỡ nợ có thể xảy ra bất cứ khi nào tình hình tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn. [Nd]

CHƯƠNG 1

Tất cả chúng ta đều thực hiện
(Ngay cả khi không nhận ra)
Ðừng để danh mục đầu tư của bạn trở thành một danh mục đầu tư ngẫu nhiên
TRONG MỘT ĐOẠN TRÍCH từ loạt phim truyền hình ăn khách The Sopranos, Tony Soprano xin vợ cho cá cược tiền lời bất động sản của cô vào cái mà anh nghĩ là một canh bạc ăn chắc. Khi được hỏi tại sao không dùng số tiền tích góp trong nhiều năm của chính anh, Tony nói với vợ rằng tiền của anh là dành cho những lúc nguy cấp và mọi tài sản khác của anh đều đang vướng trong cái mà anh gọi là sử dụng tài sản. Dù có ý thức về nó hay không, tất cả chúng ta đều có một kế hoạch sử dụng tài sản – cả các nhân vật truyền hình trên HBO cũng vậy. Ðiều mà tôi hy vọng làm được trong cuốn sách này là chỉ cho bạn cách sử dụng tài sản của bạn, theo cách phù hợp với tính cách của bạn, và đáp ứng được các mục tiêu mà bạn theo đuổi.

Trước tiên hãy xem sử dụng tài sản có nghĩa là gì và nó đã tiến triển qua năm tháng như thế nào. Khi lần đầu tiên tôi gặp khái niệm này vào thập niên 1980, sử dụng tài sản hầu như giới hạn với tài sản quốc tế. Ðặc biệt, Nhật Bản và châu Âu đều đang nổi tiếng như những thị trường tài chính hợp pháp và đang vận hành theo một cách thức hoàn toàn khác với thị trường Mỹ. Trung Quốc đã mở cửa với thế giới, và Nhật Bản cũng đang nổi lên. Nước Mỹ sử dụng các cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt ngoài Mỹ để đạt được lợi nhuận cao hơn đồng thời vẫn đa dạng hóa để tránh việc bị lệ thuộc hoàn toàn vào một số ít đầu tư nhằm đạt được mục đích.

Trong thập niên 1990, phạm vi của sử dụng tài sản bắt đầu mở rộng. Ðã có những nghiên cứu mới, và người ta bắt đầu nhìn nhận các thị trường cũng như các danh mục đầu tư[1] theo một cách khác. Thay vì chỉ mua một quỹ hỗ tương đầu tư[2] và tự cho là mình đã được đa dạng hóa, người ta bắt đầu nhìn thế giới đầu tư bằng các thuật ngữ như “có mức vốn hóa thị trường lớn” và “có mức vốn hóa thị trường nhỏ.” Chúng ta nhìn tác phong của nhà quản lý hoặc tăng trưởng hoặc có giá trị, và tìm kiếm một sự cân bằng giữa tác phong với những sự tư bản hóa trong danh mục đầu tư của mình. Qua một thập niên tiến bộ, sự lựa chọn nhà quản lý và tác phong trở thành những công cụ quan trọng để đa dạng hóa các danh mục đầu tư.

Vào cuối thập niên 1990, điều lạ lùng nhất bắt đầu diễn ra trong thế giới đầu tư. Khi Internet và các thông tin viễn thông càng trở nên nhanh hơn và hiệu quả hơn, thì thế giới càng trở nên nhỏ bé hơn. Ðiểm quan trọng trong sử dụng tài sản là phải nhận thấy tài sản không chỉ có thể tăng lên, mà còn vận hành theo một cách khác biệt với các tài sản khác trong danh mục đầu tư. Khi có gì đó đang rớt giá vì những sự kiện tài chính và kinh tế, thì cũng phải có gì đó trong danh mục đầu tư đang tăng giá cũng vì chính các sự kiện ấy. Chúng tôi gọi điều đó là không tương quan, và như bạn sẽ thấy trong suốt cuốn sách này, nó là một phần quan trọng của việc sử dụng tài sản đúng cách. Trong thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, nhìn chung bạn hẳn có thể đạt được điều này bằng việc sở hữu các cổ phiếu và trái phiếu quốc tế. Các cổ phiếu ở Nhật có xu hướng phản ứng chủ yếu với các sự kiện ở Nhật. Các cổ phiếu châu Âu chịu ảnh hưởng bởi các tin tức ở châu Âu và nói chung là dao động khác với các cổ phiếu ở Mỹ. Tuy nhiên, việc bước vào Thiên niên kỷ mới đã mở ra một nền kinh tế toàn cầu ngày càng lớn mạnh. Nhiều nhân tố và chính sách vĩ mô giống nhau có tác động đến hãng Ford thì cũng tác động đến BMW và Toyota. Trước đây, con cá nào bơi theo đường riêng của con cá ấy. Khi hành tinh co lại, cá trở thành đàn và có xu hướng bơi cùng nhau theo cùng một hướng.

Bước vào thế kỷ 21, các công cụ mới đã được tạo ra để đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư cho những tài sản thường sẽ vận hành rất khác biệt so với những loại tài sản khác. Các danh mục đầu tư bắt đầu bao gồm các loại tài sản mới như vàng, hàng hóa, bất động sản, các quỹ đầu tư tín thác bất động sản, các chứng khoán chống lạm phát, và các kiểu quỹ bảo hộ nhất định – các công cụ quan trọng trong việc đẻ ra lợi nhuận không chịu sự tác động như nhau từ các sự kiện giống nhau. Chúng ta bắt đầu xem xét những kiểu quản lý tiền khác nhau. Thay vì chỉ mua cổ phiếu và trái phiếu, chúng ta đã xem xét đến các chiến lược như mua cổ phần của các công ty sát nhập với giá rẻ mạt bán nhanh để xoay vòng danh mục đầu tư và đạt được các kết quả mong đợi.

Tại tâm điểm của nó, bản chất của sử dụng tài sản là tìm kiếm sự không-tương-quan. Ðể đầu tư thắng lợi, chúng ta cần phải có một đội hình đồng đều. Chúng ta cần một số phần trong danh mục đầu tư của mình tấn công tốt trong những thời điểm thuận lợi. Chúng ta cần những khoản đầu tư phòng thủ đóng vai trò các hậu vệ hoạt động quyết liệt bảo vệ lãnh địa của mình khi nền kinh tế bị nện mạnh và diễn biến không tốt lắm. Giống như một đội bóng tốt cần một tiền đạo giỏi để ghi bàn, ta cần một số khoản đầu tư mang lại lợi nhuận vượt mức ổn định dù điều kiện kinh tế có như thế nào đi chăng nữa. Ðể thắng, ta phải giỏi trên mọi phương diện. Một kế hoạch sử dụng tài sản vững chắc cũng như cách ta xây dựng đội bóng của mình.

Cũng giống một đội bóng bắt đầu bằng việc đánh giá các cầu thủ tham gia sát hạch, để phát triển một kế hoạch, bạn cần kết hợp một chiều hướng đã có với quan điểm đã hoạch định, các mục tiêu, điều kiện tài chính của bạn, và quan trọng là những thói quen cư xử và tính cách của bạn. Phải có một hiểu biết chung về các loại tài sản nhất định (như cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt, hàng hóa, hay bất động sản) có thể hoặc không thể hoạt động hiệu quả cho mình. Một khi đã có ý tưởng về việc đang làm việc với ai, và tài năng hay năng lực của từng cầu thủ của mình như thế nào, bạn phải phát triển một danh mục đầu tư gồm các đầu tư đa dạng hóa để một số tài sản có xu hướng hoạt động tốt khi các tài sản khác có xu hướng suy giảm. Một khi trò chơi đã được vận hành, bạn thỉnh thoảng cũng cần soát lại danh mục để xem liệu có nên cắt giảm các khoản đầu tư cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng, hoặc thận trọng thêm vào các khoản đầu tư chắc chắn khác đang tạm thời rớt giá hay không. Một huấn luyện viên giỏi phải luôn bao quát được toàn sân và chú ý đến những thứ có thể trở nên sai lầm. Chúng ta cũng phải như vậy. Chúng ta phải luôn nghĩ về các loại rủi ro khác nhau có thể tác động đến tài sản của mình như thế nào, để có thể tiến hành giảm thiểu hoặc bù đắp các rủi ro ấy.

Nói chung, các nhà đầu tư ngày nay khá may mắn. Trong mười năm qua, tôi đã thấy một sự bùng nổ trong các sản phẩm đầu tư và các nguồn thông tin đầu tư. Bây giờ, mọi nhà đầu tư đều có thể sử dụng các công cụ trước đây chỉ có sẵn đối với các cơ quan như quỹ lương hưu, tài sản hiến tặng, và những người rất giàu có. Các chương trình truyền hình và truyền thanh về tài chính; các website và blog trên Internet; nhan nhản các báo, sách và cẩm nang đưa ra các hướng dẫn và lời khuyên khách quan (và đôi lúc, rất không khách quan) về đầu tư. Các công cụ tài chính mới như các quỹ hỗ tương đầu tư không hạn chế và có hạn chế, các quỹ giao dịch thương mại (ETF), và các chứng khoán dự thác[3] đã giúp mọi người tiếp cận dễ dàng hơn với các loại tài sản thuộc mọi kiểu, từ các cổ phần trong nước có mức vốn hóa nhỏ và vừa, đến các cổ phần và trái phiếu quốc tế, đến các chứng khoán chống lạm phát, vàng, bạc và các chiến lược đầu tư chuyên biệt như tập trung vào các khu vực công nghiệp chuyên môn thông thường sẽ sinh lợi khi giá cả đi xuống.

Tin tốt là mọi người đều có một giấy thông hành cho phép tiếp cận gần như hầu hết mọi loại đầu tư, chiến lược đầu tư, và cả kế hoạch quản lý rủi ro nữa. Một thế giới dũng cảm, mới mẻ của cơ hội đầu tư đang ngồi ngay ngoài cửa nhà bạn (hoặc trong các máy vi tính đặt trên bàn của bạn), và bạn có thể tận dụng nó để gia tăng của cải của mình, giống như các nhà đầu tư giàu có và hiểu biết đã làm qua hàng thế hệ. Trước hết và trên hết, bạn sẽ phải quyết định xem sẽ tự mình làm lấy hay mướn các chuyên gia. Bạn có thể rất giỏi trong việc mua một số loại cổ phiếu nào đó nhưng lại hoàn toàn không quan tâm gì đến việc mua các cổ phần và các trái phiếu có thể làm bạn chán ngán; nhưng có lẽ bạn sẽ thích nghĩ về các bước đi lớn của sử dụng tài sản.

Tổ chức kế hoạch chơi là quyết định xem bạn cần mỗi cầu thủ đóng góp gì cho đội bóng. Cũng giống với phương thức đó, sử dụng tài sản đúng cách là biết rằng bạn muốn tài sản của mình làm gì cho mình. Liệu có phải bạn đang ở trong một giai đoạn cuộc đời (và trong một tâm trạng) mà việc gia tăng của cải là quan trọng hơn cả? Ví dụ, nếu bạn còn trẻ và đang tiết kiệm để học đại học hoặc dành dụm cho đứa con mới sinh, số tiền tiết kiệm sẽ không được sử dụng trong một thời gian khá dài, và hẳn mọi người cũng đoán được những hóa đơn học phí tương lai ấy sẽ như thế nào. Ông bố bà mẹ trẻ sẽ cần rất nhiều tiền trong khoảng 20 năm tới, vì thế các quỹ ấy có thể được dùng để gia tăng vốn năng động, và do đó có thể đặt cả vào các cổ phần. Các cổ phần có xu hướng không ổn định và có thể dao động dữ dội với những sự sụp giá và mất giá ngắn hạn, nhưng qua thời gian, chúng có xu hướng mang lại lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, nếu bạn dành dụm để mua một ngôi nhà trong ba năm, có lẽ bạn sẽ không sẵn lòng chịu đựng bất kỳ sự mất giá ngắn hạn nào. Do đó, những quỹ ấy sẽ đòi hỏi một chiến lược khác, vì bạn cần bảo vệ giá trị của vốn gốc.

Hãy nghĩ về tiền của bạn như các cầu thủ trong đội bóng. Bạn muốn các tiền vệ chuyền bóng chính xác và có khả năng cản bóng. Một số nhà đầu tư đáng thất vọng nhất mà tôi từng thấy nhiều năm qua đã có những khoản đầu tư cực kỳ tốt; vấn đề là họ không sử dụng các khoản đầu tư ấy dựa trên các nhu cầu của họ, nên lợi nhuận thu về cũng vậy. Tiền đã bị rút ra từ các quỹ cổ phiếu[4] trước khi được đánh giá đúng giá trị; các quỹ trái phiếu[5] cực kỳ tốt đã được sử dụng không đúng cách như các đầu tư dài hạn; và các tài khoản tiền trên thị trường đã bị sử dụng sai như các khoản tiết kiệm hưu trí. Chỉ đưa ra các đầu tư lớn là không đủ, bạn phải đưa ra các đầu tư tốt nhất vì những lý do đúng đắn.

Chúng ta đều có kế hoạch riêng, ta biết mình cần mỗi cầu thủ phải làm gì. Bây giờ, chúng ta phải xem xét loại điều kiện sân bãi mà mình có, và thời tiết sẽ ra sao khi đến giờ chơi. Nếu chúng ta có một sơ đồ chơi chỉ chú trọng vào việc ném bóng và trời mưa với tốc độ gió là 20 dặm một giờ, thì sẽ phải chỉnh sửa bản kế hoạch của mình đôi chút. Ðiều này cũng giống với các khoản đầu tư; chúng ta cần nghĩ về loại môi trường kinh tế, tài chính, chính trị và địa chính trị có thể sẽ phải đối mặt. Dĩ nhiên, ngay cả các nhà kinh tế cũng bất đồng, và các dự báo cho tương lai biến đổi rất rộng, nhưng bạn cần có một cảm quan về việc mọi thứ sẽ đi đến đâu. Và liệu các nền kinh tế trong nước hay toàn cầu được mong đợi có đang ở trong một thời kỳ tiến bộ, ngưng trệ, hay suy thoái? Các thị trường tài chính là thuận lợi cho đầu tư hay đang trải qua một thời kỳ hỗn loạn, náo động và rất không ổn định? Các khuynh hướng chính trị đang thịnh hành (như các loại thuế, sự điều tiết, và công luận) là thân thiện hay không thân thiện với nhà đầu tư? Các quốc gia và các vùng lãnh thổ cư xử với nhau theo cách hợp tác, hay theo cách đối đầu? Tất cả các điều kiện nền tảng ấy có thể tác động đến các quyết định sử dụng tài sản của bạn hướng đến hoặc tránh xa các cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt hoặc các loại tài sản khác.

Nếu bạn đang chơi tấn công và đầu tư có phần quả quyết và xông xáo để tận dụng môi trường kinh tế thuận lợi, bạn có thể có những loại cầu thủ nhất định trên sân chơi – như các cổ phiếu trong nước và quốc tế. Mặt khác, nếu bạn đang chơi phòng thủ, cầu thủ của bạn có thể là các trái phiếu, tiền mặt cao cấp nặng ký, và có lẽ gồm cả những chứng khoán chống lạm phát. Việc bạn sử dụng cầu thủ nào sẽ được quy định bởi thái độ và quan điểm đầu tư, cũng như hoàn cảnh cá nhân của bạn. Chọn ra các khoản đầu tư tốt là việc quan trọng, nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới mà bạn không thể chỉ chọn ra là xong. Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế toàn cầu và một thế giới thay đổi nhanh chóng. Bạn cần đánh giá lại và luân phiên các cầu thủ trong danh mục đầu tư khi quan điểm tài chính thay đổi, khi các đầu tư của bạn tăng hoặc giảm giá trị, và khi tình hình cá nhân và tiền bạc của riêng bạn thay đổi qua thời gian.

Một trong những yếu tố nền tảng nhất của sử dụng tài sản là việc đa dạng hóa. Theo tôi nghĩ, đây là một trong những từ bị lạm dụng nhất nhưng được hiểu ít nhất trong mọi cuộc đầu tư. Sự đa dạng hóa đúng đắn gồm việc có các loại tài sản thuộc nhiều kiểu khác nhau vận hành khác nhau theo các loại môi trường tài chính. Ví dụ, một số đầu tư như hàng hóa và kim loại quý có thể phát đạt trong một môi trường lạm phát cao, trong khi các loại tài sản khác, như các trái phiếu chính phủ, có xu hướng trội lên trong một môi trường không lạm phát hoặc giảm lạm phát. Dựa vào quan điểm tài chính và tâm thế của nhà đầu tư, hợp lý nhất nói chung là có ít nhất từ một vài đến nhiều loại tài sản. Tôi thấy rất nhiều nhà đầu tư phạm sai lầm khi nghĩ rằng họ có một danh mục đầu tư đa dạng trong khi thực tế họ chẳng có gì hơn ngoài một danh sách các loại tài sản đang cùng rớt hoặc tăng giá trị. Tôi đã khuyên một quý ông, người đã nghĩ ông ta có một danh mục đầu tư đa dạng vì có khoảng một tá các cổ phần. Khi tôi xem lại danh mục ấy, tôi thấy rằng ông ta có một số lớn cổ phần hàng không và vận chuyển. Ông có cổ phần trong nhiều công ty hàng không chở khách khác nhau và cả các công ty vận chuyển như Federal Express. Ông đã đọc đâu đó rằng có một lượng lớn cổ phần là cách bạn đa dạng hóa danh mục đầu tư. Nền tảng của ông nằm ở ngành công nghiệp vận chuyển và ông nghĩ nền kinh tế sẽ hoạt động tốt, vì vậy ông tính đến cả các công ty vận chuyển và tàu biển. Bạn thử đoán xem? Danh mục đầu tư này hoàn toàn không được đa dạng hóa. Cùng những sự kiện kinh tế giống nhau sẽ tác động ngay đến mọi cổ phần mà ông ta có theo một cách như nhau. Giá dầu tăng hẳn sẽ bất lợi cho toàn bộ danh mục đầu tư của ông. Khi tôi gặp các nhà đầu tư và nói chuyện với những cố vấn tài chính trên thế giới, tôi thấy lối tiếp cận này là rất thường gặp. Tôi gặp các nhà đầu tư sở hữu sáu quỹ hỗ tương đầu tư khác nhau mà cứ ngỡ rằng như thế đã là đa dạng hóa. Nếu chúng là các quỹ bình dân lớn, thì các nhà đầu tư có lẽ có nhiều cổ phần giống nhau trong mỗi quỹ, và tất cả các quỹ ấy sẽ phản ứng theo cùng một cách như nhau đối với những sự kiện giống nhau. Vào cuối thập niên 1990, trên thực tế là hết quỹ này đến quỹ khác sở hữu cùng các cổ phần công nghệ và Internet giống nhau. Việc các nhà đầu tư mua bao nhiêu quỹ không phải là vấn đề, họ chỉ đang gia tăng sự tham gia của họ vào đám bong bóng của ngành kinh doanh mạng, chứ không phải thực sự là đa dạng hóa.

Ða dạng hóa không phải là chỉ làm cho danh mục đầu tư của bạn bớt bất ổn hơn, mà nó còn giúp bạn phản ứng ổn định hơn với tình hình thị trường. Lịch sử đầu tư ghi nhận đầy những ví dụ về việc không tập trung chú trọng vào sự đa dạng hóa sẽ dẫn đến thảm họa như thế nào. Chẳng hạn, ta có thể nhìn lại thập niên 1970. Vào thập niên 1970, mọi thứ đều tuyệt vời. 50 cổ phần lớn nhất được xem là các cổ phần “ăn chắc”. Bạn chỉ cần mua rồi chẳng cần nghĩ gì đến nữa, vì chúng sẽ chỉ tăng lên mà thôi. Nhiều nhà đầu tư đã làm như vậy. Rồi OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ), sự lạm phát xuất hiện và Tổng thống Mỹ tuyên bố từ chức. Tâm trạng người Mỹ và các thị trường bắt đầu tệ đi. Khi các thị trường sụp đổ, tổn thất tăng cao và người ta hoảng sợ. Cuối cùng, họ bán các cổ phiếu của mình đi. Warren Buffett là một trong số ít người vẫn giữ cái đầu tỉnh táo và mua các cổ phiếu ấy khi giá rớt xuống tận đáy. Ông vồ ngay lấy thỏa thuận với những người bán đang hoảng sợ. Khi thị trường sụp đổ hoàn toàn vào tháng 10 năm 1987, tất cả các nhà đầu tư có tiền nằm trong các cổ phần hết sức lo sợ và bán đi. Như một người thực hành có kỷ luật về sử dụng tài sản và đa dạng hóa, Ðại học Yale sẵn sàng tái sử dụng tài sản một cách chiến thuật ngay sau đợt bán tống bán tháo năm 1987, chuyển đổi từ các trái phiếu và tiền mặt thành các cổ phiếu vốn đang ở mức giá thấp lịch sử. Hơn 5 năm sau đợt bùng vỡ bong bóng cổ phần công nghệ năm 2000-2002, các nhà đầu tư vẫn còn mãi ký ức về nó, cũng như vẫn đang phải gánh chịu hậu quả vì ôm quá chặt cái mô hình mới ấy. Trong khi theo đuổi các đầu tư “nóng” và làm ngơ sự đa dạng hóa do món hời mà các cổ phần công nghệ có vẻ đang mời gọi, các nhà đầu tư, vừa chịu một cơn đau tim tài chính và vẫn còn lo lắng, đã bỏ mất nhiều cơ hội trong đợt phục hồi giá cổ phần năm 2003-2007.

Nếu bỏ trứng vào nhiều giỏ, bạn sẽ ít bị dao động tâm trạng giữa các thái cực, từ thất vọng khi mọi thứ có vẻ như đang rớt giá, đến phấn khởi khi mọi thứ dường như đang lên giá, điều đó có thể khiến bạn phạm phải những hành động sai lầm vào những thời điểm sai lầm. Vào cuối thập niên 1990, các nhà đầu tư thực hành theo phương pháp sử dụng tài sản và chú ý giữ cho các danh mục đầu tư của họ được đa dạng hóa, đã bán các cổ phần công nghệ để mua các tài sản giá thấp như các quỹ đầu tư tín thác bất động sản và các trái phiếu sau đó đã hoạt động rất tốt. Câu thần chú thường được trích dẫn “Mua thấp và Bán cao” đã đạt được thông qua sự đa dạng hóa. Khi các tài sản tăng giá trị lên quá một phần trăm của danh mục đầu tư, phương pháp sử dụng tài sản khuyên ta phải bán chúng đi và tái đầu tư tiền vào các khu vực và các loại tài sản không được ưa thích. Tức là Mua thấp và Bán cao.

Chúng ta mua thấp và bán cao – câu thần chú của đầu tư thành công – bằng việc cân đối danh mục đầu tư. Bằng việc đặt ra phần trăm chỉ tiêu phấn đấu đối với các cổ phần, trái phiếu, tiền mặt, bất động sản và các loại đầu tư khác trong toàn bộ danh mục đầu tư dựa trên các mục tiêu của mình, sử dụng tài sản sẽ giống như một hệ thống hoa tiêu. Theo đó, giá cả và lợi nhuận của mỗi đầu tư trong danh mục đầu tư sẽ dao động theo những mức độ đa dạng. Nếu bạn đặt chỉ tiêu cho một kế hoạch sử dụng tài sản là 50% trong cổ phần và 50% trong trái phiếu (50$ trong cổ phần và 50$ trong trái phiếu, với tổng danh mục đầu tư là 100$), và sau một năm, các cổ phần tăng gấp đôi, trong khi các trái phiếu vẫn nằm nguyên, thế thì danh mục đầu tư lúc ấy sẽ là 67% trong cổ phần và 33% trong trái phiếu ($100 trong cổ phần và 50$ trong trái phiếu, tổng danh mục đầu tư là 150$). Ðể lấy lại chỉ tiêu ban đầu là 50-50 giữa vốn cổ phiếu và các trái phiếu, bạn sẽ phải tái sử dụng tài sản sao cho 75$ trong cổ phần và 75$ trong trái phiếu. Ðể làm vậy, bạn sẽ phải bán $25 trong số 100$ danh mục đầu tư cổ phần và dùng số đó để mua thêm 25$ trái phiếu. Tiến trình này được gọi là tái cân đối danh mục đầu tư. Mua thấp và Bán cao.

Bạn có thể tái cân đối theo một trong hai cách sau: bằng giá cả hoặc bằng thời gian. Khi sử dụng tài sản được tái cân đối sự hòa trộn chỉ tiêu bằng thời gian, bạn sẽ để cho nhiều loại tài sản đa dạng trong danh mục đầu tư trải qua những sự thay đổi giá cả lên xuống trong một khoảng thời gian định trước. Sau đó bạn tiến hành tái cân đối để đạt đến kế hoạch sử dụng tài sản như mục tiêu đã đặt ra, khoảng thời gian đó có thể là mỗi năm, mỗi nửa năm, mỗi quý… Khung thời gian sẽ được đặt cơ sở trên việc bạn muốn tham gia như thế nào và thái độ của bạn đối với các thị trường và nền kinh tế ra sao. Mặc dù lối tiếp cận bằng thời gian có thể dẫn đến mức độ biến đổi nào đó so với kế hoạch sử dụng tài sản đã đặt chỉ tiêu ban đầu, phương pháp này có thể chịu các chi phí giao dịch thấp hơn so với quy tắc tái cân đối hoàn toàn bị chi phối bởi những thay đổi về giá tài sản. Còn một cách khác để tái cân đối danh mục đầu tư của bạn. Bạn chỉ cần cân đối lại danh mục đầu tư của mình vào những sự phân phối theo chỉ tiêu ban đầu ngay khi trải qua một sự thay đổi tỷ lệ phần trăm rõ ràng so với ban đầu, ví dụ 5%, 10%, hay sự thay đổi tỷ lệ phần trăm nào khác có thể gây ra một sự tái cân đối trở lại với sự sử dụng tài sản theo chỉ tiêu ban đầu. Một quy tắc tái cân đối như vậy có xu hướng giữ danh mục đầu tư khá gần với sự sử dụng tài sản theo chỉ tiêu ban đầu của nó, nhưng cùng lúc, phương pháp này có thể đòi hỏi một mức độ giám sát danh mục đầu tư chặt chẽ hơn, và nói chung có thể phải chịu các chi phí giao dịch lớn hơn do khả năng xuất hiện những sự điều chỉnh tỷ lệ phần trăm tài sản thường xuyên hơn so với lối tiếp cận bằng thời gian.

Lối tiếp cận sử dụng tài sản trong đầu tư còn có một lợi ích to lớn khác. Khi gom một danh mục đầu tư lại và quyết định xem sẽ sử dụng hoặc không sử dụng tài sản nào để đáp ứng cho các mục đích của mình, ta buộc phải nghĩ về rủi ro dựa trên những điều kiện thực tế. Tất cả chúng ta đều nói về rủi ro gần như theo cùng một cách nói về việc ăn kiêng có lợi cho sức khỏe, nhưng chẳng có mấy người thực sự làm được gì. Ðược thôi, vậy bạn biết đầu tư chứa đựng rủi ro, hãy tự hỏi xem mình có thể chịu đựng thua lỗ được bao nhiêu. Thua lỗ bằng không chứ, tất nhiên. Bạn có thể chịu được bao lâu? Bạn có thể chịu đựng bao nhiêu thua lỗ để tiếp tục các mục đích của mình? Liệu bạn có thể chịu mất số tiền đang dành dụm để mua một ngôi nhà nghỉ mát không? Bạn sẽ sẵn sàng thua lỗ bao nhiêu, trong một khung thời gian nào, vì quỹ học đại học của con em mình? Còn khoản lương hưu của bạn thì sao? Bây giờ, giữa việc mất nhiều tiền với không kiếm được một lượng tiền nhất định, điều gì sẽ tồi tệ hơn? Sử dụng tài sản không thể làm rủi ro mất đi được. Hãy đối mặt với nó, cuộc sống này đầy các rủi ro và thành công không phải là một đường đi thẳng tắp. Ðiều mà sử dụng tài sản làm là buộc bạn phải hỏi và trả lời một số câu hỏi thách thức vốn sẽ dẫn bạn đến việc tạo ra một danh mục đầu tư, với hy vọng sẽ giúp bạn tránh không làm những điều ngớ ngẩn khi tình hình trở nên khắc nghiệt, hoặc khi các sự việc diễn ra cực kỳ tốt đẹp. (Người ta thường nói rằng khi hưng phấn, trong suốt các thời điểm thị trường con bò các nhà đầu tư phạm nhiều sai lầm hơn so với họ phạm trong các thời điểm không tốt). Nếu bạn đang nắm nhiều loại đầu tư khác nhau, thì chiến lược sử dụng tài sản của bạn sẽ làm cho quá trình đầu tư đạt được mức độ thực tế nào đó, trong đó bạn tự hỏi mình xem liệu cái cốc vơi một nửa hay đầy một nửa. Nhiều người đã biết cách tính về rủi ro và thua lỗ. Một tài sản sụt giá 50% (chẳng hạn từ 100 rớt xuống 50), phải tăng lên 100% về giá (từ 50 lên 100) chỉ để quay lại mức cân bằng. Nếu bạn thực sự đã đa dạng hóa danh mục đầu tư để giá cả của mọi đầu tư ấy không đi theo cùng một hướng như nhau vào cùng một thời điểm giống nhau, thì sử dụng tài sản hẳn sẽ truyền toàn bộ tác động của một sự sụt giá lên một số đầu tư. Bạn sẽ không muốn phải mong chờ, hy vọng và cầu khẩn sao cho vốn của mình tăng lên 100% để quay lại mức cân bằng nữa, điều đó rất hiếm khi xảy ra.

Ý thức về rủi ro không loại bỏ rủi ro hoặc giúp bạn tránh được rủi ro, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn nghĩ trước về việc mình sẵn sàng chịu được bao nhiêu rủi ro, làm thế nào bạn có thể tạo được một phần dự trữ an toàn ở bất cứ đâu có thể trong việc lựa chọn các tài sản, và bạn có thể phản ứng lại thế nào với những khoản thua lỗ vốn. Một số người phủ nhận nó; số khác thì tê liệt không biết làm gì; một số thì vẫn bình tĩnh, bình thản, và vẫn giữ được lý trí khi đối mặt với những tổn thất. Bất kể bạn phản ứng với tổn thất như thế nào, sử dụng tài sản có thể tăng cường sức mạnh cho tâm trí của bạn bằng việc lường trước rủi ro và bằng việc điều tiết các tác động tổng thể của sự tổn thất một tài sản cụ thể nào đó khi nhìn một danh mục đầu tư như một khối tổng thể. Nói khác đi, bằng việc hoạch định trước cho một sự kiện xấu nhất có thể có trong tương lai, bạn có thể chịu được bất kì cơn gió nào có thể làm chao đảo con đường của bạn và tránh được những phản ứng phản xạ thiếu suy nghĩ vốn có xu hướng làm sự việc tồi tệ hơn. Thật không khôn ngoan khi cố gắng vạch ra một kế hoạch thoát hiểm trong một đám cháy khi mà lúc ấy mọi người đều đang hối hả chạy ra những lối thoát hiểm.

Một trong những thuận lợi chủ yếu của sử dụng tài sản là giảm thiểu tính bất ổn về giá. Và theo đó, giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư của bạn xét như một tổng thể, vì một số tài sản có thể sẽ tiến triển tốt trong khi một số khác thì không, và một số phần trong danh mục đầu tư của bạn có thể không tiến triển tốt bằng các phần khác. Nhưng vậy cũng tốt. Bạn đã lên kế hoạch cho những thời điểm khó khăn trong quỹ học đại học của con bạn. Bạn có thể chịu được một sự suy giảm trong quỹ chỉ số S&P 500[6] mà bạn đã đầu tư, vì các quỹ được dành cho phí đại học ấy sẽ không cần phải trả trong 15 năm nữa. Nó giống như việc bạn mở rộng cá cược ra nhiều đội bóng hơn là đặt mình vào tình huống “được ăn cả ngã về không” khi chỉ ủng hộ một đội bóng. Việc tốt nhất là đặt đúng cửa cho những đội tốt nhất. Bạn không muốn đánh cược vào một đội bóng chày đang tranh Siêu cúp. Trước hết, họ không chơi bóng đá; thứ hai, họ có thể phải cố gắng gần cả trăm năm mới thắng một giải vô địch bóng chày! Ðiều này cũng giống với các đầu tư của bạn.

Sử dụng tài sản có vẻ như là một khái niệm phức tạp. Thực ra thì nó chỉ là việc lựa chọn một danh mục đầu tư sẽ hoạt động cùng nhau để làm cho các mục đích hiện thực của bạn dễ đạt đến hơn. Nó không phải là một phương pháp làm giàu nhanh bằng trí tưởng tượng. Nó là một phương pháp tiếp cận chính bản thân bạn và các thị trường một cách hợp lý, và sử dụng các công cụ có sẵn để tạo ra một danh mục đầu tư sẽ che chắn cho bạn khỏi phải chịu quá nhiều rủi ro và bất ổn. Khi được hỏi lực nào là mạnh nhất trong vũ trụ, Albert Einstein trả lời đơn giản rằng, “lãi kép”. Sử dụng tài sản sẽ mang lại cho bạn năng lực chống đỡ làm cho các lợi nhuận đa hợp qua thời gian thực hiện sức mạnh ma thuật hùng mạnh của chúng để biến các mục đích đầu tư của bạn thành hiện thực.


[1] Danh mục đầu tư (Portfolio): Kết hợp sở hữu từ hai trở lên trong đầu tư chứng khoán, trái phiếu, hàng hóa, bất động sản, công cụ tương đương tiền mặt, hay các tài sản khác bởi một cá nhân hay nhà đầu tư… [Nd]

[2] Quỹ hỗ tương đầu tư (Mutual Fund): Quỹ được điều hành bởi công ty đầu tư nhằm huy động vốn cổ đông và đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu, hàng hóa hay các chứng khoán thị trường tiền tệ. Các quỹ này giúp nhà đầu tư được lợi thế đa dạng hóa và được sự quản lý chuyên môn. [Nd]

[3] Chứng khoán dự thác (Depositary Receipt): công cụ tài chính có thể thương lượng, được một ngân hàng tung ra tượng trưng cho một chứng khoán đã giao dịch công khai của một công ty nước ngoài. Chứng khoán dự thác được giao dịch dựa trên một thị trường chứng khoán địa phương. [Nd]

[4] Quỹ cổ phiếu: một dạng của quỹ hỗ tương đầu tư, chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu [Nd]

[5] Quỹ trái phiếu: cũng là một dạng của quỹ hỗ tương đầu tư, chủ yếu đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp hoặc trái phiếu chính phủ. [Nd]

[6] Chỉ số S&P 500: một chỉ số gồm 500 cổ phiếu được lựa chọn từ 500 công ty có mức vốn hóa thị trường lớn nhất của Mỹ. Chỉ số S&P 500 được thiết kế để trở thành một công cụ hàng đầu của thị trường chứng khoán Mỹ và có ý nghĩa phản ánh những đặc điểm rủi ro/ thuận lợi của các công ty hàng đầu. [Nd]

CHƯƠNG 2

Ai cũng cần có một chú Frank
Tất cả chúng ta đều cần có ai đó để dựa vào
 

CHÚ FRANK có ở khắp mọi nơi. Các vận động viên chiến thắng một cuộc thi lớn luôn cảm ơn huấn luyện viên thời trung học đã dạy họ tập luyện các kỹ năng, và là người mà họ vẫn thường tìm đến khi cần lời khuyên. Ký ức của những người thành công trong mọi lĩnh vực đòi hỏi sự nỗ lực cao đều dẫn ra một cá nhân mà họ trông cậy khi cần lời khuyên và nhận thức về những vấn đề công việc hoặc cuộc sống. Mọi nhà đầu tư vĩ đại đều có một hoặc hai chú Frank. Chẳng hạn như với Warren Buffett, chú Frank đầu tiên của ông là Ben Graham. Khi Graham về hưu, Buffett đi theo một chú Frank mới, đó chính là Charlie Munger. Chú Frank là nguồn tài sản duy nhất có giá trị to lớn mà bạn sẽ có khi xây dựng kế hoạch sử dụng tài sản của mình và bắt đầu hành trình ra sức biến các giấc mơ của mình thành hiện thực. Bạn sẽ thấy mình cần tìm đến chú Frank để xin lời khuyên, động lực và sự khuyến khích. Bất cứ khi nào suy xét nên sử dụng loại tài sản hoặc các đầu tư đặc biệt nào, bạn sẽ cần đến một người khách quan độc lập, một người đáng tin để giúp chỉ lối cho mình. Tóm lại, bạn cần một chú Frank.

Làm thế nào bạn nhận ra chú Frank (hoặc dì Sally)? Nhiều khi, nhưng không phải luôn luôn, bạn thấy rằng tự nhiên mình tìm kiếm những người ấy vào những lúc phải đưa ra những quyết định đầu tư hoặc giây phút quan trọng trong cuộc đời. Bạn lắng nghe họ. Bạn nghe theo họ, thậm chí dù có thể không phải lúc nào cũng thích hoặc nhất trí với những gì họ nói với bạn. Bạn làm vậy bởi vì cảm thấy rằng chú Frank hiểu được những điều bạn tâm niệm và muốn thấy bạn tiến bộ trong cuộc sống. Một lý do nữa mà bạn hài lòng với chú Frank của mình là không có một dấu hiệu gì của sự đố kỵ, ghen ghét hoặc ganh đua trong mối quan hệ giữa bạn và chú Frank.

Chú Frank của bạn (hay có thể gọi là dì Sally cũng được) là người hài lòng với chính mình, có một mức độ kinh nghiệm nào đó, và thường đạt được thành công nhất định trong cuộc đời. Họ có xu hướng bổ sung cho bạn và giúp bạn phát huy những điều tốt nhất nơi mình. Họ thật lòng yêu mến bạn, khuyến khích bạn, và thường đưa ra sự trợ giúp về mặt tinh thần và tình cảm trong những thời điểm khó khăn và các thị trường trở nên phức tạp.

Chú Frank rất hiếm và không mọc ở trên cây. Nhưng nhiều khi, chỉ cần một lúc thôi là bạn đã nhận ra ai là chú Frank của mình. Chú Frank có thể là một người họ hàng, một người ông, cô cháu gái, cháu trai, hoặc một người hàng xóm. Dù chú Frank cũng có thể là một bạn đồng nghiệp hoặc vợ/ chồng của mình, ta thường thấy rằng sự gần gũi thân thiết đó không đảm bảo những điều kiện cho một mối quan hệ kiểu chú Frank. Chú Frank của bạn có thể thuộc hoặc không thuộc ngành kinh doanh đầu tư.

Dù đã biết bạn một thời gian dài hay ngắn, thì chú Frank cũng rất giỏi trong việc chỉ ra các điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Chú có một năng lực kì lạ trong việc gia tăng các điểm mạnh và giảm thiểu các điểm yếu của bạn. Chú có thể thường xuyên truyền cảm hứng để bạn sử dụng tốt nhất các nguồn tài sản mà bạn có và giúp bạn qua màn lên cấp trong trò chơi.

Chú Frank biết rằng giá hiện hành của một tài sản không nhất thiết cho thấy tài sản ấy đáng giá như thế nào. Nó có thể đáng giá nhiều hơn hoặc ít hơn nhiều so với giá giao dịch hôm nay, và chú Frank rất giỏi trong việc giúp bạn nhìn ra sự khác biệt và tận dụng thích đáng cơ hội đang có. Chú là người hiểu biết thị trường và biết khi nào bạn nên đẩy mạnh lợi thế của mình bằng một sự đầu tư thành công và khi nào thì nên cắt giảm các khoản lỗ bằng một đầu tư không thành công. Chú Frank của bạn có một chuỗi xác định các niềm tin đầu tư, và kiến thức của Chú có thể giúp bạn biến tư tưởng thành hành động.

Chú Frank nhận ra rằng có sai lầm mới là con người, mọi người ai cũng sẽ phạm phải những sai lầm đầu tư cả. Ðiều quan trọng là luôn tìm cách học hỏi từ những sai lầm đầu tư và cố gắng tránh lặp lại chúng. Tuy không làm bạn nản lòng, nhưng chú Frank sẽ không ngại tạt gáo nước lạnh vào mọi sự phô trương, vào mọi sự sử dụng tài sản “trên mây trên gió” và vào những sơ đồ đầu tư vốn không có cơ hội nào mà bạn đã tự dối mình là có. Chú Frank muốn bạn đạt được các mục tiêu của mình bằng việc đối mặt với thực tại và sự thật hơn là bằng hứa hẹn và mơ mộng. Chú dành thời gian tìm xem cái gì có thể sai trong một kế hoạch sử dụng tài sản và/ hoặc một chiến lược đầu tư.

Ðể rút ra được điều tốt nhất từ chú Frank của mình, bạn cần phải chân thành và cởi mở với chú. Bạn cần tôn trọng thời của chú, và cần đưa cho chú bằng chứng và sự phản hồi cụ thể, tỏ ra nghe và hiểu được thông điệp của chú. Rồi thì, bạn sẽ tìm thấy nơi chú Frank của mình rất nhiều tính chất và đặc điểm tốt.

Chú Frank có thể giúp bạn hiểu bản tính con người đám đông và chính bản tính con người cá nhân của bạn. Bạn muốn học được từ Chú cảm quan về việc các thị trường vận hành như thế nào khi chúng đang hoạt động bình thường, diễn biến ra sao trong suốt những giai đoạn bất ổn lên hoặc xuống, và cả cách mà các nhà đầu tư cư xử trong những thời điểm cực kỳ lạc quan hoặc cực kỳ bi quan: Bạn sẽ muốn chú Frank giải thích và áp dụng các bài học và những kết luận quan trọng từ lịch sử.

Một trong những lý do then chốt mà bạn dựa vào một người khác trong việc sử dụng tài sản và các vấn đề đầu tư là để giúp mình tách tín hiệu ra khỏi tiếng ồn trong mọi thông tin ngắn và dài hạn đang gây nhiễu cho bạn từ thế giới tài chính, kinh tế, và chính trị. Ðôi khi, một cuộc chuyện trò với chú Frank có thể giúp bạn đưa ra những phán đoán về điều gì đang thực sự xảy ra. Bạn phải tìm kiếm các ý kiến và quan điểm của chú Frank để đẩy và tập trung sự tò mò của mình vào những mối quan hệ nhân-quả và việc các sự vật vận hành như thế nào trong thế giới. Một nhận thức sâu sắc nữa mà chú Frank có thể giúp bạn là biết được sự khác biệt giữa may mắn và kỹ năng trong những thành công đầu tư của bạn.

Với tư cách là các nhà đầu tư, chúng ta cần biết các thị trường ngày nay đang ở đâu, chúng ở đâu trong vòng quay kinh doanh hiện nay và chúng bắt nguồn từ đâu, bằng một cái nhìn dài hạn. Với kiến thức của mình về nơi chính xác các thị trường đang ở lúc này và đặt trong một bối cảnh lịch sử, chú Frank có thể giúp bạn thấy khi nào giá cả và các xu hướng có vẻ sắp đảo ngược hoặc tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng hiện thời của chúng.

Chú Frank luôn tâm niệm câu nói của John Maynard Keynes, nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh, rằng: “Các thị trường có thể sẽ vẫn diễn ra phi lý trong thời gian lâu hơn thời gian bạn còn khả năng thanh toán.” Chúng ta có thể mua vào sớm mất một chút và bán đi vội mất một chút một cách rất thường xuyên. Tại nhiều thời điểm, hầu hết ta phải kiên nhẫn trong khi nhìn tài sản và những quyết định đầu tư của mình tiêu biến đi. Kiên nhẫn có thể là một trong những đức tính đầu tư khó thực hành nhất. Với tư cách là một người bên ngoài đáng tin, chú Frank có thể giúp bạn phát triển tính kiên nhẫn, sự điềm tĩnh và lý trí mà bạn cần để đạt đến thành công với những quyết định của mình.

Không ai trong chúng ta từng có khả năng sử dụng các tài sản và chọn lựa các đầu tư với thông tin đầy đủ và hoàn hảo. Trong thế giới hiện đại, lượng thông tin mà chúng ta có được đã tỏ ra lớn mạnh vô cùng, từ các blog và các nguồn khác trên Internet đến phát thanh và truyền hình về tài chính. Chúng ta có báo, các thư thị trường, các mục báo, báo cáo, và bản tin phát hành đến từ một số lượng các nguồn thông tin luôn gia tăng. Chúng ta cần sự giúp đỡ để lọc ra thông tin hữu ích từ tất cả những dữ kiện và tiếng ồn này. Chúng ta cần tách hạt gạo khỏi vỏ trấu. Chú Frank có thể giúp ta điều đó. Chú có thể giúp ta xác định thông tin nào hữu ích cho quá trình sử dụng tài sản và thông tin nào không cần quan tâm làm gì.

Trong những thời điểm thị trường náo động và bất ổn, chú Frank đáng tin của bạn có thể giúp bạn giữ một cái đầu sáng suốt và đưa ra những quyết định chính xác. Chú có thể giúp bạn giải quyết những cơn hoang mang lo sợ và phấn khích thường xuất hiện trong các thị trường tài chính. Chú thẳng thắn. Chú chân thành. Chú có kiến thức về cuộc sống cũng như về tài chính và kinh tế học. Chú hiểu bạn. Chú có thể giúp bạn vững tay lái giong buồm hướng đến những giấc mơ của bạn.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button