Kinh doanh - đầu tư

Bí Quyết Thành Công Của Các Triệu Phú Trẻ Hàn Quốc

bc3ad-quye1babft-thc3a0nh-cc3b4ng-ce1bba7a-cc3a1c-trie1bb87u-phc3ba-hc3a0n-que1bb91c1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Park Young Seok

Download sách Bí Quyết Thành Công Của Các Triệu Phú Trẻ Hàn Quốc ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG VĨ ĐẠI

Ai thu được tri thức từ những cái nhìn thấy, trí tuệ từ những cái không nhìn thấy thì người đó đủ điều kiện để trở thành triệu phú.

Là “cao thủ” đấu giá bất động sản, Kim Hyoung Ta (40 tuổi) – triệu phú từ hai bàn tay trắng – có ngôi biệt thự trị giá hơn 4 tỷ won ở Sam Sung, quận Kang Nam. Học vấn của anh chỉ ở mức trung học phổ thông nhưng anh lại có kiến thức rất sâu về luật dân sự, về bất động sản, tất cả là nhờ học. “Học là người dẫn đường vĩ đại của tôi”, Kim nói.

Học bằng 10-20 lần người khác.

Kim kể: “Trước đây tôi làm nghề tiện, rồi lái xe cho một nhà máy ở Buchon, đồng thời học lỏm cách đầu tư bất động sản từ người khác. Ban ngày tôi làm việc, còn ban đêm tôi đánh vật với từng trang sách luật bất động sản và luật dân sự”.

Sau đó, Kim bắt đầu đầu tư vào bất động sản từ mấy công đất ở quê mang tên người anh. Năm 2001, qua đấu giá phát mãi tài sản của tòa án, Kim mua được mảnh đất mặt tiền thuộc phường Noeun, thành phố Kwang Myung, tỉnh Kyong Ky, với giá 180 triệu won, trong khi giá thị trường là 680 triệu won.

Mảnh đất có giá lắm. Nhưng do mảnh đất đang trong tranh chấp tố tụng nên không mấy người dự đấu giá, ai cũng phải cẩn thận. Mấy lần bán không được, giá đấu giá tụt xuống còn 173 triệu won. Dựa trên kiến thức về luật đã học, Kim phân tích kỹ hồ sơ này và tìm đến luật sư. Kim theo đấu thầu đến bảy lần, lần cuối trúng đấu thầu với giá 180 triệu won.

Sau khi nộp tiền thầu, tiền thuế xong Kim lời 2 tỷ 800 triệu won, một khoản tiền lớn bằng 14 lần giá trúng đấu giá. Không phải ngẫu nhiên mà Kim thu lợi lớn như thế. Cũng không phải gặp vận may tiền đến. Chính tri thức và linh cảm về bất động sản, về luật pháp từng dày công học tập lâu nay đã mở rộng tầm nhìn cho Kim. Trong thư viện tư của Kim, sách, tài liệu về bất động sản, về luật dân sự chất kín tường lên tận trần nhà.

Lee Keun Sung (36 tuổi) khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nay có tài sản khoảng 2 tỷ won nhờ đầu tư chứng khoán vào Trung Quốc mấy năm gần đây. Lee luôn tìm đọc ngấu nghiến báo cáo của các công ty chứng khoán nước ngoài, đồng thời nghiên cứu ngành nghề nào ở Trung Quốc có lợi tức cao và dòng chảy của mạch tiền ra sao. Còn Park Sang Hyun (30 tuổi), vốn xuất thân từ nhân viên công ty kiểm toán, nay có cửa hàng quần áo với doanh số bán ra mỗi năm trên 5 tỷ won. “Tôi luôn thu thập tất cả tài liệu về các loại vải và thời trang. Chuyên môn của tôi không phải là thời trang nên tôi phải học bằng 10-20 lần người khác”, Park nói.

Triệu phú Seo Kyong Sik (39 tuổi) nhấn mạnh: “Dù là đầu tư hay kinh doanh thì nhất thiết phải tìm phương pháp để đạt được kết quả tốt nhất. Phải tìm cho được bậc thầy trong lĩnh vực mà mình đang quan tâm. Phương châm là phải học hỏi từ các bậc thầy này”. Kim Chol Kyu (36 tuổi), đang điều hành một sân golf lớn, nói rằng: “Người đánh golf xa 150 mét nếu có thầy có thể đánh xa tới 180 mét. Nhưng nếu muốn đánh xa hơn 200 mét thì phải học lại từ đầu cách cầm cần golf”.

Nhưng trước khi đứng trong hàng ngũ triệu phú, những người bình thường này không có nhiều bạn là triệu phú. Vậy họ học bằng cách nào? Kim Chol Kyu nói: “Chính là sách. Nhưng nội dung và hình thức sách không phải là điều quan trọng nhất. Mà quan trọng là những bí quyết, suy nghĩ của tác giả ẩn trong từng con chữ. Nếu tìm được tri thức trong những điều đã biết, trí tuệ trong những điều không nhìn thấy thì người đó có đủ tư cách thành triệu phú”.

John Templeton nói như sau:

“Người chuẩn bị cho thành công phải luôn gắn chặt với thư viện. Với những người thành công nhờ học hỏi kinh nghiệm từ người khác, khi bắt đầu có sự nghiệp thì sách đối với họ càng trở nên quan trọng.”

Sang Hyun Chol, 38 tuổi, hiện là chuyên gia ngân hàng, giải thích như sau:

“Nếu đọc sách về đầu tư cổ phiếu thì trong một tháng bạn phải đọc 3 – 4 cuốn. Nếu đọc rải ra một năm từng ấy sách thì luồng kiến thức của bạn sẽ bị gián đoạn. Bạn khó tập hợp thông tin, không theo kịp xu thế đầu tư và dễ lạc hướng. Khi đọc, hãy luôn hỏi “tại sao” vì đó là một câu hỏi rất hữu ích.”

Sự khác nhau giữa triệu phú thế hệ trước đây và triệu phú trẻ ngày nay là khả năng đáp ứng nhanh với thời cuộc.

Các cuốn sách mà các triệu phú trẻ hay đọc là “Từ điển bách khoa”, “Sử ký Tư Mã Thiên”, “Lịch sử diệt vong của đế quốc La Mã”, “Trường ca Ilias và Odyssée”… Vì sao họ lại thích sách lịch sử? Triệu phú Lee Sung Je (38 tuổi) – nhà đầu tư cổ phiếu thành công – giải thích: “Người chiến thắng của lịch sử phải là người dám đặt chân lên những con đường dài và có nhiều chông gai phía trước. Đầu tư cũng giống như cuộc trường chinh vậy. Có lẽ vì thế nên các triệu phú trẻ thường có ấn tượng mạnh bởi những cuốn sách như thế”.

Theo kết quả điều tra về “sự phát triển bản thân mình” được triển khai tại Hàn Quốc, điều mà các triệu phú trẻ quan tâm đầu tư theo thứ tự là: học tập tri thức để kiếm tiền (57%), giữ gìn sức khỏe (26%), nâng cao nhận thức nhân văn (10%) và tham gia hoạt động xã hội (7%). Trong đó, để có tri thức thì việc tạo ra “nhân mạch” là quan trọng nhất (65%).

Hơn 28% số triệu phú trẻ luôn đều đặn cập nhật thông tin ở thư viện. Hãy lắng nghe lời Kang Min Chol (43 tuổi, làm nghề cho thuê nhà, có tài sản 5 tỷ won nhờ đầu tư bất động sản): “Một tháng, ít ra là một lần tôi đi thư viện. Một ngày ở trong thư viện yên tĩnh tôi thu hoạch tri thức và thông tin hơn 10 lần ngồi ở văn phòng”.

ĐỌC THỬ

SONG SONG TIẾN HÀNH TÍCH LŨY VÀ ĐẦU TƯ HIỆU QUẢ

Kang Tae Yong hiện là sinh viên khoa luật và được nhận học bổng danh dự của một trường đại học tư thục nổi tiếng. Trong khi các đồng môn đang phải vật lộn với các bộ luật kinh điển ở thư viện thì Kang lại mải mê nghĩ cách kiếm tiền.

Ngay từ khi còn học phổ thông, Kang đã tỏ ra có năng khiếu trong việc này. Chẳng hạn, anh tìm mua những tờ tạp chí thời trang nổi tiếng thế giới tại các hiệu sách cũ với giá 10.000 won, sau đó cắt thành từng trang, ép nhựa và đem bán cho bạn bè, mỗi trang 1.000 won. Hoặc mỗi tuần một lần, Kang tự làm ra vé số mệnh giá 100 won, đem bán cho 60 bạn cùng lớp. Hàng tuần chỉ có một vé trúng thưởng và người trúng giải được lãnh 3.000 won. Như thế, mỗi tuần Kang thu “lãi ròng” tối thiểu 3.000 won.

Trong suốt thời gian gần bốn năm đại học, Kang tiếp tục vừa học vừa kiếm tiền, từ làm gia sư đến nhân viên pha chế rượu cho các khách sạn nhỏ ở Myung Dong. Khoảng thời gian ấy Kang kiếm được tổng cộng 40 triệu won và chi phí cho mỗi năm học đại học của anh là 1 triệu won.

Sau khi tốt nghiệp, Kang vào quân đội và không còn cơ hội làm thêm như trước đây. Thế là anh đem toàn bộ số tiền hiện có đầu tư vào cổ phiếu của hãng Thông tin Hàn Quốc (hiện nay là hãng SK) và hãng Nong Sim. Điều này dần trở thành thói quen, ngay cả khi anh đã rời khỏi quân ngũ.

Ba mươi tuổi, Kang lập gia đình. Vợ anh là y tá tại một bệnh viện lớn. Hai vợ chồng anh dốc lòng tích lũy để mua cổ phiếu và họ đã làm giàu một cách nhanh chóng. Hiện tại, chưa kể nhà cửa, Kang có trong tay số tiền hơn 4 tỷ won. Chỉ riêng số tiền 4 triệu won trước khi Kang vào quân đội, sau 14 năm đã lớn thành 3 tỷ won.

Tôi hỏi Kang bí quyết gì đã đưa anh vào danh sách những tỷ phú trẻ Hàn Quốc, Kang nói: “Ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi đã nghĩ mình phải trở nên giàu có. Vì không có tài sản thừa kế, lại không có năng khiếu gì đặc biệt nên tôi đã chọn nguyên tắc “tiết kiệm, tích lũy và đầu tư an toàn” làm phương châm cho cuộc sống của mình. Đây là một nguyên tắc rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể chuyển chúng vào thực tiễn và bám sát các trình tự cần thiết. Người ta thường bỏ qua giai đoạn “tiết kiệm và tích lũy”, đồng thời coi thường vấn đề “an toàn” khi tiến hành đầu tư. Làm như thế suy cho cùng là họ đang đánh bạc”.

Người chỉ biết làm việc suốt ngày thì không có thời gian suy nghĩ cách làm giàu.

Nhiều người thường băn khoăn về các triệu phú trẻ “Sao người ấy còn trẻ mà đã tích lũy được tài sản hàng trăm triệu, hàng tỷ won như vậy nhỉ?”. Trong số họ, có người thành công rực rỡ từ số tài sản được thừa kế, nhưng đại bộ phận là tự mình nỗ lực ‘một tay gây dựng cơ đồ’. Các triệu phú trẻ ngày nay có học vấn cao, kiến thức chuyên môn và nghề nghiệp vững chắc. Họ làm việc nhiệt tình hơn bất cứ ai vì họ biết rõ giá trị của từng won tích lũy được. Cho nên, họ từng bước tiến tới sự giàu có là điều dễ hiểu.

Trong quá trình tìm hiểu về các triệu phú trẻ, tôi khám phá ra một sự thật thú vị: Hầu hết các triệu phú trẻ đều bắt đầu sự nghiệp từ vài triệu, hoặc vài chục triệu won. Họ tiết kiệm để tích lũy vốn ban đầu và đầu tư vào các lĩnh vực đầy triển vọng. Họ luôn tôn trọng nguyên tắc “tiết kiệm và tích lũy”, nhưng họ không xem đó là mục tiêu, mà chỉ là một phương tiện làm giàu. Đây chính là điểm chung trong chiến lược làm giàu của những con người trẻ tuổi này.

Vừa làm trưởng phòng một xí nghiệp lớn, vừa đầu tư vào cổ phiếu, Lee Min Su kiếm được rất nhiều tiền. Lee nhấn mạnh:

“Từ khi còn trẻ, tôi đã có ý thức hình thành tập quán tiết kiệm để có tiền vốn. Nhưng ước mơ tiết kiệm, tích lũy để trở thành người giàu khác với ước mơ của những người giàu thực sự. Nhiều người nỗ lực để trở nên giàu có và xem tiết kiệm không chỉ là một đức tính tốt, mà còn là một trong những con đường dẫn tới sự giàu có mà ai cũng có thể thực hành”.

Các triệu phú trẻ cho rằng nhiệt tình trong công việc mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để có thể đứng vào hàng ngũ triệu phú. Sự nhiệt tình đó sẽ đem đến khoản thu nhập hàng năm rất cao, nhưng nếu chỉ làm việc chăm chỉ mà không biết sử dụng hiệu quả số tiền mình kiếm được thì cũng chỉ là một sự tích lũy ngắn hạn.

Tuy chỉ mới bước vào tuổi 40, nhưng đã có trong tay hàng tỷ won nhờ tiết kiệm và đầu tư vào cổ phiếu, triệu phú Do Hol Chol nói:

“Đức tính nổi bật nhất của những người trẻ tuổi là hăng hái, nhiệt tình. Nhưng ‘con sâu việc’ sẽ khó trở nên giàu có nếu chỉ biết có công việc. Đó là điều chắc chắn bởi họ không có đầu óc làm giàu. Vì họ làm việc nhiệt tình nên được trả lương cao, càng được trả lương cao họ càng say sưa với công việc và hài lòng với đồng lương đó. Ngoài tiền lương, họ không quan tâm tới điều gì khác. Nhìn chung, đó là những người không có thời gian lẫn kế hoạch cụ thể để gia tăng thu nhập, kiểm soát chi tiêu, và tìm hiểu về đầu tư.”

Làm việc không phải kiếm tiền để chi tiêu mà để đầu tư.

Hầu hết các triệu phú trẻ thời còn ngồi trên ghế đại học đều đi làm thêm để tích lũy thật sự. Việc làm thêm của họ là một sự lựa chọn để tạo đồng tiền vốn, trong khi những sinh viên khác làm thêm để lấy tiền mua quà cho người yêu. Triệu phú Kim Myung Ho, người nắm trong tay hàng chục tỷ won nhờ vào đầu tư, nói:

“Có một thời, mọi người đua nhau dùng hàng hiệu. Nếu đó không phải là hàng chính hãng thì cũng là hàng nhái. Ai cũng muốn mình là người sành điệu. Nhìn bạn bè đua nhau đi làm thêm chỉ để lấy tiền mua túi xách tay hàng hiệu tặng bạn gái, tôi thấy thật ái ngại cho họ. Muốn trở nên giàu có thì bạn phải làm việc vì mục đích lấy tiền để đầu tư, chứ không phải để chi tiêu.”

Những người giàu có trẻ tuổi sớm nhận ra rằng tiết kiệm, tích lũy là phương tiện để có vốn. Đồng thời họ cũng là những người biết sử dụng song song một cách có hiệu quả tích lũy và đầu tư. Họ nhanh chóng nhận ra và thực hành nguyên lý “tiền đẻ ra tiền”.

Lần đầu tiên ở tuổi 20, Sang Choil cầm sổ ngân hàng 20 triệu won nhảy vào thị trường bất động sản và nhanh chóng trở thành tỷ phú. Choil nói:

“Kiếm tiền cũng giống như chạy đua. Bạn xỏ giày và bước vào vạch xuất phát- đó là tích lũy. Sau đó bạn chạy hết sức về đích – đó là đầu tư.”

Thực ra, số tiền vốn ban đầu của các triệu phú chỉ là vài triệu hoặc vài chục triệu won. Nhưng điểm chung của họ là tất cả đều bước vào con đường kinh doanh khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau khi tích lũy được một khoản tiền nhất định, họ bắt đầu học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, sách vở, báo chí và tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, v.v Từ những thành công nho nhỏ ban đầu, họ đúc kết kinh nghiệm và chuẩn bị cho những thành công lớn hơn.

Tích lũy là phòng thủ, đầu tư là tấn công.

Phong cách của các triệu phú trẻ là làm việc nhiệt tình, luôn luôn tiết kiệm và tích lũy để đầu tư; chu trình đó cứ thế không ngừng lặp đi lặp lại. Tích lũy và đầu tư là nguyên tắc nhất quán trong cuộc sống của họ. Kim Jong Ho, triệu phú 42 tuổi – chủ một rạp chiếu bóng ba chiều hiện đại ở Seoul – nói:

“Nếu so sánh tích lũy và đầu tư với bóng đá thì tích lũy là phòng thủ, đầu tư là tấn công. Nếu bạn có hàng tiền vệ xuất sắc nhưng không có những hậu vệ tốt thì khả năng thua trận là rất lớn. Hãy nhớ rằng nếu chỉ có tích lũy mà không có đầu tư, hoặc chỉ có đầu tư mà không có tích lũy thì cũng không mang lại hiệu quả. Sẽ có những lúc bạn thu được lợi nhuận rất lớn từ đầu tư nhưng đừng bao giờ sao nhãng việc tích lũy.”

Các triệu phú trẻ có trên hàng triệu đô-la ngày nay vẫn không ngừng tích lũy. Vì họ hiểu một sự thật là tích lũy và đầu tư vừa là nền tảng vừa là nguồn động lực phát triển sự giàu có. Dù đã từng trải qua những cám dỗ, lo lắng, đau khổ và rất nhiều trở ngại khác ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, nhưng họ vẫn không ngừng tích lũy và đầu tư.

Giới trẻ đang đứng trước một xã hội hiện đại đang nghiện tiêu xài.

Các nhân viên tiếp thị thường đưa ra khẩu hiệu “tiết kiệm là một đức tính tốt” song lại say sưa thuyết phục người tiêu dùng. Những mẩu quảng cáo tiêu dùng đang giống như quạt thêm gió kích thích ngọn lửa tiêu xài càng bùng phát. Gần đây, trên truyền hình Hàn Quốc có những mẩu quảng cáo vui nhộn về thẻ tín dụng đã tạo ra một cú hích cho thị trường vay mượn qua ngân hàng.

Nhiều người nghiện quảng cáo như nệm mút háu nước nên sinh ra bệnh tiêu xài vượt quá khả năng kiếm tiền. Do nhu cầu chi tiêu lớn trong điều kiện thu nhập thấp, nào các khoản tiền nhà, điện, nước, gas, y tế, học phí, bảo dưỡng xe cộ, và cả tiền sắm đồ hiệu, v.v. nên nhiều người không thể có tích lũy. Cho nên, ý thức và quyết tâm tiết kiệm là phần riêng của từng người cho phép họ trở thành người giàu có hay không.

“Ít tiền” và “nhiều thời gian” vẫn có thể trở nên giàu có.

Như trên đã nói, nhờ tiết kiệm ngay từ khi còn trẻ và đầu tư từ tích lũy mà các triệu phú trẻ đã tạo nên sự giàu có của chính họ hôm nay. Nhiều người suốt đời không thể chen chân vào hàng ngũ những người giàu – vì họ không tin rằng một số tiền vốn ban đầu ít ỏi có thể biến ước mơ triệu phú thành hiện thực. Họ không tài nào hiểu được làm thế nào vài triệu won có thể biến thành hàng tỷ won. Nhưng đó là sự thật!

Từ một người cho vay lấy lãi chuyển sang một người cho thuê bất động sản, Bae Chan đã thu lợi rất nhiều. Hãy thử suy ngẫm những lời sau đây của ông:

“Điều kiện để trở nên giàu có không phải là phải có nhiều tiền ngay từ đầu. ‘Ít tiền’ và ‘nhiều thời gian’ cũng tạo ra sự giàu có. Những người không hiểu nguyên tắc trên thường không thoát ra khỏi hai suy nghĩ sai lầm sau đây: Thứ nhất, nếu có nhiều tiền thì trong ‘thời gian ngắn’ một người có thể trở thành triệu phú. Thứ hai, rằng bằng cách nào đó để trong thời gian ngắn có thể kiếm được ‘nhiều tiền’. Tôi xin nhấn mạnh rằng để trở thành triệu phú, bạn cần nhiều thời gian hơn, chứ không phải nhiều tiền hơn.”

Rất nhiều người hiện đang xem nhẹ tác động của thời gian đến kết quả đầu tư, trong khi các triệu phú trẻ thường sử dụng thời gian làm vũ khí chủ đạo trong đầu tư. Vậy, họ đã làm điều đó như thế nào?

Giả sử một sinh viên đại học, nhờ nhịn thuốc lá mà tiết kiệm mỗi tháng được 75.000 won, mỗi năm là 900.000 won. Nếu đem số tiền này gởi vào tài khoản tiết kiệm tích lũy với lãi suất 8%/ năm thì sau 40 năm, khi chàng thanh niên 20 tuổi này về hưu, anh ta sẽ nhận được bao nhiêu? 252 triệu won!

Lãi suất 8%/ năm là mức lãi suất trung bình của cổ phiếu Hàn Quốc vào năm 1945, khi được giải phóng khỏi Nhật Bản. Nếu đem 900 ngàn won này đầu tư vào ngành bất động sản Hàn Quốc sau chiến tranh với lãi suất năm 12,2% sẽ thu được gần 820 triệu won.

Một ngày tiết kiệm 2.500 won là việc dễ. Một tháng tiết kiệm 75.000 won cũng không khó. Rồi một năm “đầu tư” 900 ngàn won cũng không phải không làm được. Nhưng cái khó nằm ở chỗ bạn có tích lũy và đầu tư lâu dài được hay không? Và, tỷ suất sinh lợi đầu tư là bao nhiêu? Những người trẻ tuổi thường lười tiết kiệm và tích lũy vì họ không hiểu được sức mạnh tiềm ẩn nằm trong một số tiền nhỏ.

Vừa làm việc ở một cơ quan tài chính, vừa đầu tư vào bất động sản và cổ phiếu, Eum Chang Ho kiếm được rất nhiều tiền. Anh nói:

“Những người quanh tôi thường chọn thời điểm bắt đầu thực hành tiết kiệm và tích lũy là sau khi học xong đại học và đi làm. Nhưng khi đó, người ta mới hiểu có rất nhiều khoản phải chi không ngờ tới. Với một số người, sau khi trả xong tiền mua một căn hộ họ mới chính thức bước vào con đường đầu tư. Nhưng sau khi đã trả xong nợ vay mua nhà, thì lại phát sinh nhiều nhu cầu mới gây khó khăn cho đầu tư. Đây chính là ‘Quy tắc Parkinson’. Nếu xuyên phá được quy luật này thì con đường dẫn đến sự giàu có sẽ mở ra.”

Quy tắc Parkinson do giáo sư Parkinson, một nhà sử học và xã hội học người Anh, phát hiện ra. Quy tắc này nói rằng khi thu nhập tăng thì chi tiêu cũng tăng lên theo, tức “lớn thuyền lớn sóng”. Vì thế, không phải người nào có thu nhập cao cũng được xem là người giàu có. Càng kiếm được nhiều tiền thì điều kiện tích lũy và đầu tư cũng tăng lên, nhưng song song đó, chi tiêu cũng tăng theo. Ngược lại, người có thu nhập thấp không có nghĩa là con đường trở nên giàu có sẽ khép lại trước mắt họ. Nếu chi tiêu có kiểm soát và cố gắng tích lũy một phần thu nhập thì họ cũng trở nên giàu có.

Như thế, chìa khóa để trở thành người giàu không phải ở chỗ bạn kiếm được nhiều tiền đến mức nào, mà ở chỗ bạn quản lý chi tiêu có hiệu quả hay không. Vì vậy, hãy tích lũy càng sớm càng tốt để gia tăng khả năng trở thành người giàu có. Xin nhớ cho rằng người bắt đầu tích lũy ở tuổi 21 không thể nào theo kịp người bắt đầu tích lũy ở tuổi 20.

Triệu phú trẻ là nghệ sĩ thời gian.

Tiến hành tích lũy và đầu tư sớm hay muộn hơn một năm thì kết quả sau cùng sẽ khác nhau như thế nào? Giả dụ với mức lãi chuẩn 12,2%/ năm, A tích lũy mỗi năm 900 ngàn won từ năm 20 tuổi, và B tích lũy mỗi năm 900 ngàn won từ năm 21 tuổi. Bốn mươi năm sau, A nhận được 819 triệu 780 ngàn won, còn B nhận được 729 triệu 840 ngàn won. Mức độ chênh lệch của một năm tích lũy giữa hai người này lên đến 89 triệu 940 ngàn won.

Chúng ta cùng nghe Sim Keun Seok, 36 tuổi, một người chuyên đầu tư vào các quỹ nước ngoài, chia sẻ quan niệm của mình về vấn đề này:

“Lẽ thường tình, con người ta khi còn đi học thì học hăng say, khi đi làm thì làm rất nhiệt tình, chỉ đến khi lập gia đình, sinh con, xây nhà, họ mới tính đến chuyện tích lũy và đầu tư. Họ nào biết rằng đầu tư vào thời điểm đó sẽ không thể phát huy được tính hiệu quả của thời gian, mà thời gian là một trong những yếu tố chính yếu tạo nên sự giàu có.”

Đây chính là vấn đề cốt lõi của việc làm giàu. Giả sử A và B đều 20 tuổi. Từ năm 20 đến 30 tuổi, mỗi năm A tích lũy được 900 ngàn won. Thế nhưng sau đó không tích lũy. Vậy cho đến khi về hưu (60 tuổi), A tích lũy được 9 triệu won.

Trong khi đó B bắt đầu thực hiện việc tích lũy muộn hơn A. Năm 30 tuổi anh mới làm việc này, mỗi năm cũng được 900 ngàn won, nhưng anh tích lũy liên tục trong suốt 30 năm. Đến khi về hưu (60 tuổi), B tích lũy được 27 triệu won.

Bất kỳ ai cũng sẽ nghĩ rằng thời gian tích lũy của B gấp ba lần so với A, thế nên số tiền mà B có được sẽ lớn gấp ba lần số tiền của A. Nhưng, sự thật không phải thế!

Lấy mức lãi 12%/năm của thị trường đầu tư bất động sản Hàn Quốc làm chuẩn, và kể từ năm 30 tuổi trở đi, A đầu tư hết số tiền 9 triệu won vào thị trường này thì khi đến 60 tuổi, A sẽ thu được 565 triệu 540 ngàn won, trong khi B chỉ kiếm được 254 triệu 230 ngàn won mà thôi!

Tiền vốn và thời gian tích lũy của B gấp 3 lần của A, nhưng A lại thu lợi gấp 224% so với B. Nguyên nhân nằm ở chỗ A đã tích lũy sớm hơn B 10 năm. Đó là nhờ vào “tính hiệu quả của thời gian”. Đây là một ví dụ cho thấy thời gian có thể làm cho chúng ta trở nên giàu có. Vậy, hãy bắt đầu tích lũy và đầu tư ngay từ bây giờ, dù bạn 20 hay 40 tuổi. Các triệu phú trẻ hiểu rất rõ giá trị của thời gian và họ luôn cố gắng tích lũy để đầu tư càng sớm càng tốt.

Môi trường không tạo nên con người, môi trường chỉ làm rõ bản chất của con người mà thôi.

Việc tiết kiệm của một người trẻ trong một xã hội hiện đại như Hàn Quốc không phải là dễ dàng, vì theo như triệu phú Kim Yuh Souk (28 tuổi, đầu tư du lịch) nói: “Đó là do xã hội chúng ta đã tạo nên thói quen mỹ hóa việc tiêu dùng và coi thường việc tích lũy”. Giới kinh doanh thường tâng bốc đối tượng tiêu dùng mạnh tay, xem họ như những nhân vật thành công trong xã hội. Ngược lại người có xu hướng tằn tiện trong chi tiêu thì bị cho là keo kiệt. Còn những người bình thường lại xem việc tiêu tiền là một thú vui. Họ luôn tìm được lý do để biện hộ cho vấn đề tài chính của mình. Trong khi đó, các triệu phú trẻ không những không tiêu tiền vô tội vạ, mà còn biết phát huy tính hiệu quả của thời gian, đồng thời tiến hành song song tích lũy và đầu tư.

Người bình thường thích dùng “thang máy” để có thể nhanh chóng đạt đến đỉnh cao của sự giàu có, họ mơ ước được thành công về kinh tế, đeo đuổi sự giàu có nhưng lại không muốn nỗ lực gì nhiều, né tránh những việc làm cần thiết để thành công, thậm chí còn tỏ ra nghi kỵ những người giàu có. Trong khi các triệu phú trẻ lại xem thời gian chính là người bạn đồng hành trên con đường đi đến thành công trong cuộc sống và họ cứ thế, điềm tĩnh bước từng bậc tiến đến sự giàu có như một điều ắt phải đến.

Tóm lại, hãy tích lũy và đầu tư càng sớm càng tốt và không ngừng thực hiện chu trình này trong cuộc đời bạn – đó là cách hiệu quả nhất để trở nên giàu có.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button