Review

Kẻ Báo Thù

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Jo Nesbo
NXB NXB Hà Nội
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 470
Ngày xuất bản 12-2015
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Trên băng ghi hình camera theo dõi, tên cướp ngân hàng đã bắn chết một nhân viên. Thanh tra Harry Hole bắt đầu điều tra, nhưng sau một bữa tối với người yêu cũ, anh đã thức dậy với trí nhớ trống toang về những gì đã diễn ra trong vòng 12 giờ trước. Thế rồi người ta phát hiện ra xác chết của cô gái và anh bắt đầu nhận được những email đe dọa: kẻ nào đang gài bẫy để đổ tội giết người cho anh?

Cũng như mọi câu chuyện khác của Jo Nesbo không bao giờ giống như vẻ ngoài của nó, Kẻ báo thù như một mê cung, được cấu trúc sao cho đúng vào lúc người đọc tưởng rằng mình đã đoán ra tất cả thì một ngã rẽ mới lại xuất hiện, cứ thế cho tới tận khi kết thúc. Jo Nesbo dành nhiều thời gian để nói về quá khứ, tính cách và các mối quan hệ của những người liên quan đến vụ án hơn là hành vi thủ ác của cùng các thủ thuật phá án. Cái cách ấy có thể thử thách lòng kiên nhẫn của nhiều độc giả, nhưng lại khiến cuốn sách đáng đọc hơn theo một cách khác: Nó góp thêm vào trải nghiệm đọc của ta những hiểu biết về chính con người.

[taq_review]

Trích dẫn

“Tôi đã sống ở Na Uy suốt cuộc đời mình,” Harry nói. “Lớn lên ở Oppsal. Cha mẹ tôi là giáo viên. Cha tôi đã nghỉ hưu và từ lúc mẹ tôi mất, ông sống như một người mộng du, chỉ thỉnh thoảng tới thăm xứ sở của người sống. Em gái tôi nhớ ông lắm. Tôi cho là tôi cũng vậy. Tôi nhớ cả hai người. Họ nghĩ tôi sẽ làm giáo viên. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi lại học trường Cảnh sát. Và học luật một thời gian nữa. Nếu ông hỏi tôi tại sao tôi lại đi làm cảnh sát thì tôi sẽ có thể đưa ra cả chục câu trả lời hợp lý, nhưng chính tôi thì lại chẳng tin nổi câu nào. Tôi không còn nghĩ về điều đó nữa. Nó là một công việc, người ta trả lương cho tôi, thỉnh thoảng tôi nghĩ tôi đang làm một việc tốt – ta có thể sống nhờ điều đó trong một thời gian dài. Tôi nghiện rượu từ trước khi sang tuổi ba mươi. Có lẽ từ trước khi tôi hai mươi, tùy vào cách nhìn nhận sự việc. Người ta bảo nó có sẵn trong gien rồi. Có lẽ vậy. Khi lớn lên tôi mới biết ông tôi ở Andalsnes ngày nào cũng say khướt suốt năm mươi năm trời. Hè nào tôi cũng tới đó cho tới khi tôi mười lăm tuổi mà chẳng bao giờ nhận ra điều gì. Không may là tôi lại không được thừa hưởng tài năng đó. Tôi đã làm những việc không hẳn là không ai phát hiện ra. Nói tóm lại việc tôi vẫn còn được ở trong ngành là một điều kỳ diệu.”
Harry ngước nhìn tấm biển KHÔNG HÚT THUỐC và châm lửa.
“Anna và tôi cặp với nhau trong sáu tuần. Cô ấy không yêu tôi. Tôi cũng chẳng yêu cô ấy. Khi tôi chấm dứt, tôi đã nghĩ cho cô ấy nhiều hơn là cho tôi. Nhưng cô ấy lại không nhìn nhận chuyện đó như vậy.”
Người đàn ông kia trong phòng gật đầu.
“Tôi đã từng yêu ba người đàn bà trong đời,” Harry nói tiếp. “Người đầu tiên là một mối tình trúc mã thanh mai mà tôi định lấy làm vợ, cho đến khi mọi thứ trở nên rối tung lên với cả hai chúng tôi. Sau khi tôi thôi cô ấy một thời gian dài, cô ấy tự sát, nhưng chuyện đó không liên quan gì tới tôi cả. Người thứ hai bị giết bởi một gã mà tôi đang truy đuổi ở phía bên kia bán cầu. Chuyện tương tự cũng xảy ra với một nữ đồng nghiệp của tôi – Ellen. Tôi không biết tại sao phụ nữ xung quanh tôi cứ chết như vậy. Có lẽ đó là do gien.”
“Còn người thứ ba?”
Người thứ ba. Chiếc chìa khóa thứ ba. Harry vuốt ve những chữ cái đầu tên A.A, và rìa chiếc chìa khóa mà Raskol đã đưa cho anh trên mặt bàn khi anh được dẫn vào phòng. Harry đã hỏi xem nó có giống với cái chìa mà hắn đã nhận được hay không, và Raskol gật đầu.
Rồi hắn đề nghị Harry kể về mình.
Giờ thì Raskol đang ngồi, khuỷu tay chống lên bàn và những ngón tay đan vào nhau như thể đang cầu nguyện. Cái đèn tuýp bị trục trặc đã được thay và ánh sáng trên mặt hắn lúc này giống như lớp phấn màu trắng xanh.
“Người thứ ba đang ở Moscow,” Harry nói. “Tôi nghĩ cô ấy sẽ sống sót.”
“Cô ta là của anh à?”
“Tôi không muốn nói như vậy.”

“Nhưng hai người gắn bó với nhau chứ?”
“Đúng.”
“Và hai người dự định sẽ dành phần còn lại của đời mình bên nhau?”
“Ừm. Chúng tôi không dự định. Còn quá sớm để làm thế.”
Raskol mỉm cười với anh vẻ u buồn. “Ý anh là anh không dự định. Nhưng phụ nữ thì có. Phụ nữ lúc nào cũng dự định.”
“Như ông à?”
Raskol lắc đầu. “Tôi chỉ biết cách lên kế hoạch cho các vụ cướp ngân hàng thôi. Tất cả đàn ông đều lơ mơ trong chuyện chiếm giữ trái tim. Chúng ta có thể tin rằng mình là kẻ chinh phục, như một viên tướng chiếm được thành, nhưng rồi chúng ta nhận ra khi đã quá muộn – đó là nếu chúng ta còn nhận ra được – rằng chúng ta đã bị ăn quả lừa. Anh đã từng nghe nói tới Tôn Tử chưa?”
Harry gật đầu. “Tướng Trung Quốc và là một nhà chiến lược trong việc dụng binh. Ông ta là tác giả cuốn Binh pháp.”
“Người ta nói rằng ông ta đã viết Binh pháp. Tôi thì tôi tin đó là một phụ nữ. Bề ngoài, Binh pháp là một cuốn cẩm nang về những mưu lược trên chiến trường, nhưng ở tầng sâu nhất nó mô tả cách giành chiến thắng trong xung đột. Hoặc nói chính xác hơn là nghệ thuật chiếm được cái ta muốn mà ít hao tổn nhất. Kẻ thắng trong một cuộc chiến không nhất thiết phải là người chiến thắng. Nhiều người đã giành được vinh quang, nhưng mất đi nhiều quân đến nỗi họ chỉ có thể lãnh đạo được theo điều kiện của kẻ thù tưởng đã bị khuất phục. Trong lĩnh vực quyền lực, phụ nữ không phù phiếm như đàn ông. Họ không cần phải phô trương quyền lực, họ chỉ muốn có thứ quyền lực có thể đem lại những thứ khác mà họ muốn. An toàn. Thực phẩm. Vui thú. Trả thù. Bình yên. Họ là những kẻ trù tính chuyện tìm kiếm quyền lực đầy lý trí, nghĩ xa hơn chuyện giao chiến, xa hơn những cuộc ăn mừng chiến thắng. Và bởi, họ có một năng lực bẩm sinh là nhìn ra điểm yếu của nạn nhân, nên bản năng mách bảo cho họ biết khi nào thì nên tấn công và tấn công như thế nào. Và khi nào thì dừng lại. Điều đó anh không học nổi đâu, Spiuni.”
“Có phải vì thế mà ông vào tù không?”
Raskol nhắm mắt lại và cười không thành tiếng. “Tôi có thể dễ dàng cho anh câu trả lời, nhưng anh không được tin lời nào tôi nói. Tôn Tử nói rằng nguyên tắc đầu tiên của chiến tranh là lừa đảo. Tin tôi đi – tất cả dân Di gan đều dối trá.”
“Ừm. Tin ông ư? Như trong nghịch lý của người Hy Lạp ấy hả?”
“Ái chà, một tay cảnh sát lại biết nhiều hơn bộ luật hình sự này. Nếu tất cả dân Di gan đều dối trá mà tôi lại là dân Di gan, thế thì tức là định kiến đó không đúng. Vì vậy sự thật là tôi sẽ nói thật và khi đó thì lại đúng là dân Di gan luôn nói dối. Tức là tôi đang nói dối. Một lập luận vòng tròn không thể phá vỡ. Cuộc đời tôi là thế đó và đó là sự thật duy nhất.” Hắn cười dịu dàng, gần như tiếng cười của phụ nữ.
“Giờ thì ông đã thấy được nước đi khai cuộc cờ của tôi rồi. Đến lượt ông đấy.”
Raskol nhìn Harry. Hắn gật đầu.

“Tôi tên là Raskol Baxhet. Đó là một cái tên Anbani, nhưng cha tôi không chịu thừa nhận rằng chúng tôi là người Anbani. Ông ấy bảo Anbani là cái lỗ đít của châu Âu. Vì thế tôi và tất cả các anh chị em tôi đều được dặn rằng chúng tôi sinh ra ở Rumani, được rửa tội ở Bungary và cắt bao quy đầu ở Hungary.”

Raskol giải thích rằng gia đình hắn có lẽ là người Meckari, nhóm người Di gan gốc Anbani lớn nhất. Cả gia đình đã bỏ chạy trong cuộc thảm sát người Di gan của Enver Hoxha, vượt núi để tới Montenegro và bắt đầu đi về phía Đông để làm ăn.
“Chúng tôi bị truy đuổi ở bất cứ nơi nào chúng tôi tới. Người ta bảo chúng tôi ăn trộm. Đương nhiên là thế, nhưng họ thậm chí còn chẳng thèm thu thập bằng chứng. Việc chúng tôi là dân Di gan chính là bằng chứng. Tôi nói với anh chuyện này là bởi để nhìn nhận một người Di gan, anh phải biết rằng từ lúc sinh ra hắn đã có trên trán cái dấu hiệu của kẻ hạ lưu. Chúng tôi bị mọi chế độ ở châu Âu ngược đãi. Chẳng có gì khác biệt giữa phát xít, cộng sản hay dân chủ. Chỉ có điều phát xít hành động hiệu quả hơn. Dân Di gan chẳng nhặng xị lên về vụ Diệt chủng thời Thế Chiến là vì sự khác biệt của nó với những sự khủng bố mà chúng tôi thường phải hứng chịu không lớn lắm. Anh có vẻ không tin tôi nhỉ?”
Harry nhún vai. Raskol khoanh tay lại.
“Năm 1589, Đan Mạch ban bố án tử hình dành cho các thủ lĩnh của các nhóm dân Di gan,” hắn nói. “Năm mươi năm sau, người Thụy Điển quyết định rằng tất cả đàn ông Di gan đều phải bị treo cổ. Ở Moravia, họ cắt tai trái của phụ nữ Di gan, ở Bô hem thì cắt tai phải. Tổng Giám mục của xứ Mainz tuyên bố rằng tất cả mọi người dân Di gan đều phải bị hành quyết không qua kết án vì cách sống của họ nằm ngoài vòng pháp luật. Năm 1725, một đạo luật được thông qua ở nước Phổ rằng mọi người dân Di gan quá mười tám tuổi đều phải bị hành quyết mà không cần xét xử, nhưng sau đó đạo luật này đã bị bãi bỏ – giới hạn tuổi bị giảm xuống còn mười bốn. Bốn trong số các anh em trai của cha tôi đã chết trong tù. Chỉ có một người trong số đó là chết trong Thế Chiến. Tôi có cần kể tiếp nữa không?”
Harry lắc đầu.
“Nhưng ngay cả đó cũng là vòng tròn khép kín,” Raskol nói. “Nguyên nhân khiến chúng tôi bị ngược đãi và giúp chúng tôi sống sót là một. Chúng tôi là – và muốn – khác biệt. Chính vì chúng tôi bị đẩy ra ngoài giá lạnh mà đám gadio không thể lọt vào cộng đồng của chúng tôi. Dân Di gan là kẻ xa lạ bí ẩn, đầy đe dọa, anh chẳng biết gì về họ, nhưng lại có đủ loại tin đồn thêu dệt về họ. Bao thế hệ vẫn tin rằng người Di gan là những kẻ ăn thịt người. Nơi tôi lớn lên – Balteni, ngoại ô Bucharest – người ta bảo rằng chúng tôi là hậu duệ của Cain và tất yếu phải bị diệt vong. Những vị hàng xóm gadio của chúng tôi trả tiền để chúng tôi tránh xa họ.”
Raskol đưa mắt liếc nhìn khắp lượt những bức tường không có cửa sổ.
“Cha tôi là thợ rèn, nhưng ở Rumani ông chẳng kiếm nổi việc làm. Chúng tôi phải tới một bãi rác bên ngoài thành phố nơi những người Di gan tộc Kalderash sinh sống. Ở Anbani, cha tôi tìm Bulibas, tức thủ lĩnh và quan tòa địa phương của người Di gan, nhưng giữa những người Kalderash thì ông chỉ là một gã thợ rèn không công ăn việc làm.”
Raskol thở một hơi dài.
“Tôi sẽ không bao giờ quên được ánh mắt của ông khi dẫn về một con gấu nâu nhỏ đã thuần. Ông mua nó bằng chút tiền cuối cùng còn lại của mình từ một nhóm Di gan Ursari. “Nó biết nhảy múa,” Cha tôi bảo vậy. Stefan, anh trai tôi, đã cố cho con gấu ăn, nhưng nó không chịu, và mẹ tôi đã hỏi liệu có phải nó bị ốm không. Cha tôi bảo rằng ông đã dắt nó cuốc bộ từ Bucharest về và nó chỉ cần được nghỉ ngơi thôi. Bốn ngày sau thì con gấu chết.”

Bạn đọc cảm nhận

Phạm Hương

Cuốn có nhiều lời giải thích , dẫn người đọc đi về quá khứ câu truyện diễn ra sự việc đó , mất nhiều điều để lột tả , chứng minh hết về một xã hội , sự mưu đồ phản lại chính những người trong cuộc vốn không mảy may nghi ngờ tính chân thực của vụ án đó , đưa ra trí tò mò với cách kể thành thạo , trong suốt cuộc săn tìm lý giải từ đầu tiên cho đến tận bây giờ vẫn có suy ngẫm chính xác , logic từng giá trị nhân văn .

Cathy Le

Comment dành cho những ai đọc comment để quyết định mua sách 🙂

Khi đọc quyển sách này, cần tập trung để theo kịp mạch truyện. Tuy diễn tiến không quá nhanh, nhưng do tên người và tên địa danh bằng tiếng Na Uy được giữ nguyên gốc (mình thích vậy) nên khó nhớ hơn tiếng Anh. Bên cạnh đó, cách viết những câu rất dài, xâu chuỗi sự kiện với nhau khiến độc giả phải vận dụng trí óc và trí nhớ khi đọc. Các biện pháp tu từ được sử dụng RẤT KHÉO LÉO khiến mình phải cười ngưỡng mộ khi đọc, chúng khiến mình nhớ lại cảm giác khi đọc bộ truyện Vũ Khí Bóng Đêm và Dây Chuyền Thiên Sứ của Cassandra Clare. Mình ko phải là người thường thích khen ngợi cách sử dụng biện pháp tu từ của các tác giả, nhưng có 1 số tác giả thật sự sử dụng các biện pháp ấy rất khéo, gây ấn tượng sâu sắc cho mình.

Văn phong cũng khiến mình nghĩ Jo Nesbo có lẽ từng làm trong ngành báo chí, thậm chí từng làm biên tập viên cấp cao. Những chi tiết được bỏ lửng nhưng vẫn dễ hiểu nếu chịu suy luận, những câu ngắn ngủi nhưng khơi gợi rất nhiều suy nghĩ khác của độc giả, những câu dài bằng cả đoạn nhưng rất lưu loát chứ không lê thê, đồng thời chứa rất nhiều thông tin (như thể 1 bản tin ngắn của BBC)… tất cả khiến mình vừa đọc vừa thầm nghĩ tác giả quả thật là 1 bậc thầy về câu chữ.

Thêm 1 điểm nữa khiến mình thích ở quyển sách này là nó khá to và dày, có cảm giác đọc hoài không hết, nhưng không chán. Khi biết rằng có 1 quyển truyện hay đang chờ ta tiếp tục thưởng thức, cảm giác đó thú vị biết bao.

Tuy kết thúc có hậu nhưng mình nghĩ quyển sách PHẢI có phần tiếp theo, vì còn vài vấn đề chưa được giải quyết, kẻ ác thật sự vẫn chưa bị vạch trần và trừng phạt. Quyển sách này xứng đáng để mua, để bỏ thời gian ra đọc, để làm quà tặng, và để trang trọng đặt vào kệ sách của những con mọt sách 🙂

Phạm Thảo

Sách vừa ra là mình mua liền, mua liền 🙂

“Kẻ báo thù” (Nemesis) là tập tiếp theo của “Chim cổ đỏ” (Redbreast) thuộc dòng series hình sự/trinh thám về thanh tra Harry Hole của tác giả Jo Nesbo. Nếu bạn đã đọc qua “Chim cổ đỏ” bạn sẽ muốn biết còn 1 gút mắc mà Harry chưa giải quyết được sẽ tiếp diễn ra như thế nào? Bởi nó như 1 cái ung nhọt cứ âm ỉ đầy nguy hiểm.

Mình sẽ không nói ra kết quả của cái gút mắc ấy vì còn để cho bạn tự khám phá nữa chứ 🙂

Trong “Kẻ báo thù”, dù là câu chuyện khác nhưng vẫn đượm màu rắc rối, phức tạp do nhiều vụ án chồng chất lên nhau. Nó hấp dẫn ở chỗ mô tả tâm lý nhân vật sâu đến tận cùng ngóc ngách, và cứ làm cho bạn tưởng là mình đã đoán ra được kết cục ra sao.

Ồ, không đâu, không bao giờ đâu. Jo Nesbo đủ khả năng làm bạn bất ngờ đến phút cuối.

Còn mình, sau khi đọc xong tác phẩm này, mình muốn tìm những cuốn từ đầu của series này để đọc. Cứ giống như muốn biết sự ra đời của thanh tra Harry Hole ra sao 🙂

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button