Văn học nước ngoài

Hàng Mã Kí Ức

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Inrasara

Download sách Hàng Mã Kí Ức ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

VÀO TRUYỆN…

-Lúc này ông đang viết gì?

Không phải Vang hay anh bạn chủ nhà mà là Thụy, hỏi. Có lẽ do tọc mạch.

– Tiểu thuyết Chân dung Cát.

– Để đem vài nhân vật ra giễu cho tiện chứ gì.

Hà Vân sâu sắc là thế mà đã khuyên tôi, anh sớm kết thúc tiểu thuyết đi để em nhờ cô bạn chuyển thể sang kịch bản phim… Tôi làm thơ cũng chả ý đồ được tuyển vào sách giáo khoa cho học sinh học thuộc hay nhạc sĩ nào đó nổi hứng hoặc chiếu cố mang ra phổ nhạc. Tôi nói ý này cho đồng chí cán bộ Bá Thụy nghe và thêm: Văn chương không cúi xuống làm chuyện đó, không tự cho phép mình làm trò lếu láo ba bốn lăng nhăng đó.

Còn nó sẽ làm gì? Ông thật nghiêm túc muốn hiểu?

Tôi nhìn thẳng vào mắt ngài cán bộ Bá Thụy, đầy cải lương nghiêm trọng. Tôi nói: Văn chương không ưa nổi trò nghiêm nghị. Nhưng loài người thì nghiêm trang nghiêm trọng hơi bị nhiều. Nghiêm nghị trúng vụ bắp, nghiêm trọng tuổi tên chàng hảng trên trang báo, nghiêm nghị học vị học hàm hay nghiêm trọng trò đọc diễn văn, nghiêm nghị nghiên cứu hay nghiêm trọng một thành tích bé con mới giật được, nghiêm nghị tri kiến tha lâu lưng tổ hay nghiêm trọng trương mục ngân hàng, nghiêm nghị cá tính lẻ loi hoặc nghiêm trọng bản sắc tập thể cộng đồng, nghiêm nghị tôi với nghiêm trọng bác. Vân vân. Bác cứ tiếp tục kê biên, nếu cảm thấy khoái. Mấy trò nghiêm nghị đó, văn chương cười vào mũi. Cười nhạo thôi. Không mỉa mai sâu cay cũng chả chua chát căng thẳng bật máu mà làm gì cho nhọc cái tâm linh. Nó khoái hoạt. Nghĩa là chính văn chương cũng phải học không tự biến mình thành trầm trọng. Nó có khả năng tự cười mình. Cười mình to hơn cả.

Cái thằng tôi ấy yêu em yêu cả cuộc đời nhưng luôn biết tự nhạo cái tình yêu buồn cười ấy, dù mất em rồi xa em rồi hoa đã tàn tôi về đứng bờ sông Seine đêm nay định nhảy xuống cầu Mirabeau (ôi, ví có thêm đời sống thứ hai hay ba thì tôi đã nhảy cái cho đã đời rồi) nhưng chính cái cười níu tôi lại bên đời quạnh hiu sung ôi s-ư-ớ-n-g… Cái thằng tôi ấy dù từng nai vai [trâu] ra cày thuê sắm cho được tủ sách mỏng dày, mỏi gối chồn chân đi gõ tìm từng mảnh tư liệu rơi rớt dọc con đường điền dã hay còng lưng [cụ non] ra viết dúm công trình nặng bao tải chở đầy nguy cơ đẩy tuổi trẻ tôi chìm không đáy vào hố nghiêm nghị; lại cái cười lần nữa thòng cọng hành xuống cứu vớt tâm hồn dại dột tôi sống sót. Cái thằng tôi ấy từng buổi sáng nhấm nháp trà Bắc với nhâm nhi từng giọt lời khen tặng nhiều cố gắng đầy sáng tạo để được lâng lâng bay trên đôi cánh thiên thần của hội viên hội hội viên hội của nhà, sĩ, của trân trọng kính ngài lên phát biểu dạ thưa cám ơn, sẵn sàng dồi tung ngài như con rối; cái cười vội túm lấy chòm tóc em ôi sợi ngắn sợi dài giữ lại, vuốt vuốt nó và xoa đầu thôi đủ rồi em ạ chỉ là trò đùa trong điệp điệp muôn trùng trò đùa không hơn thua phân tấc ôi em!

– Văn chương đẩy ta ra xa bãi bờ buộc ta học nhìn mình từ bên ngoài, châm chọc ta cho ta biết mở trí xem nhẹ mình. Chức tước hay tên tuổi. Ria mép hay mụn nhọt. Mái tranh với lâu đài. Cốc bia ngoại hay chén rượu nội, như cái bác đang cầm ấy mà! Văn chương dạy bác xem thường nó, nhẹ hều một kiếp…

– Cái cười giải phóng con người khỏi mọi mê tín. Thình lình tôi ưỡn ngực nghiêm giọng…

( Chân dung Cát;, 2006)

Lịch sử là mớ hổ lốn. Hổ lốn hơn, là lịch sử được kể lại.

Tưởng chỉ tiểu thuyết mới là hư cấu, ngay cả công trình sử học rán ưỡn ngực trịnh trọng khách quan để ra vẻ khả tín, vẫn chỉ là hư cấu. Thứ hư cấu trá hình. Không bộ óc nào có thể quán xuyến hết sự thật, nhìn hết mọi khía cạnh toàn bộ sự thật cõi người của một giai đoạn lịch sử, dù ngắn nhất. Chúng luôn được kể lại từ kể lại từ kể lại. Bị chọn lựa, khúc xạ, bẻ gãy, lái cong, hư cấu, xuyên tạc. Bởi hiểu biết hạn chế của tôi, truyền thống văn hóa của dân tộc tôi, nền giáo dục tôi tiếp nhận, định kiến của tôi, quyền lợi cộng đồng hay của cá nhân tôi. Không chạy vào đâu được.

Cả với lịch sử của một cá nhân được kể lại. Kí ức luôn đánh lừa ta, kẻ trong cuộc. Lõm bõm, nhảy cóc, trơn trợt, hụt hẫng. Dù là kí ức gần được ghi vào sổ tay mỗi ngày, hay kí ức xa bị bỏ rơi hàng chục năm được gợi nhớ lại. Ta đánh tráo, bóp méo, định hướng nó có lợi cho ta. Đánh tráo, nhưng ta vẫn cứ tin nó là sự thật. Khốn thay cho kẻ không tin vào sự thật. Càng khốn hơn nữa, kẻ nào chỉ tin vào những sự thật hổ lốn kia!

Như câu chuyện tôi sắp kể ra đây, cuộc đời tôi và mảnh đời của những người xung quanh thế giới tôi, sự kiện hay sự việc tôi biết, tôi trải nghiệm, cuốn sách tôi đọc – từ vùng tù mù hay ngỡ sáng rỡ của kí ức tôi. Ai biết được, nó thật đến mức độ nào!? Nhưng tôi vẫn cứ tin nó thật. Thật mà chưa hẳn đúng thật. Bởi chúng được kể lại qua giới hạn ngôn ngữ của tôi, hiểu biết của tôi, hệ thẩm mỹ của tôi, triết lý của tôi, theo lợi ích/ vô vị lợi của tôi.

Dẫu sao đi nữa, lịch sử luôn cần được kể lại. Lịch sử một đất nước, một dân tộc, một cộng đồng hay một cá thể. Dù nhỏ bé hay vô danh nhất.

Và đây là câu chuyện của tôi.

ĐỌC THỬ

1 CHA, MẸ, ANH CHỊ EM & CON SÔNG QUÊ HƯƠNG

Tôi sống và làm khổ những người xung quanh. Không chừa trừ ai.

Bởi nhiệt tình tôi và tính không vồn vã của tôi. Bởi lập dị tôi và dễ hòa đồng của tôi, ngu ngốc tôi và lanh trí của tôi. Ăn nói vô duyên và hành vi khờ khạo của tôi. Bởi tác phẩm tôi và mấy trăm bài báo lăng nhăng hoặc nghiêm túc của/ về tôi. Nổi tiếng và vô danh tiểu tốt của tôi. Thành thật ngây ngô của tôi và cả nổi hứng bốc đồng của tôi. Không chừa ai. Từ cha mẹ anh chị em đến bạn bè, người thân kẻ lạ, xa và gần, đồng hay khác tộc, Pháp, Việt, Padí, Tày, Miên…

Trong thế giới mênh mông chật chội này, con người sống và làm cho kẻ khác đau khổ. Nhất là tôi. Con người ít cảm thông nhau, ít có khả năng cảm thông, mang ý hướng tìm hiểu để cảm thông thì càng ít hơn nữa. Ngay cả với người sống cạnh ta, sẵn sàng đưa tay về phía ta khi ta ngã quỵ.

Năm tôi ba tuổi hơn, cơm chiều, không hiểu sao mẹ sai chị bế tôi bỏ ngoài cổng khuôn viên nhà, đóng lại. Trời chạng vạng tối, dù cổng chỉ cách sân trải chiếu ăn có dăm bước, nhưng tôi sợ ma, khóc lăn lộn, đập bùm bụp vào cánh cửa đan mấy thanh tre trét phân trâu. Cha bảo chị mở cho tôi vào, nhưng rồi mẹ lại kéo tôi ra nữa. Ba bốn lần như thế. Ba bốn hôm như thế. Cha mẹ suốt ngày ngoài đồng, tôi phải làm cái gì đó bướng lắm song thân mới có hành vi như vậy. Mãi sau này tôi vẫn không hiểu. Hỏi mẹ, mẹ chỉ nói hồi nhỏ mi ương lắm.

Rồi bất ngờ, tôi vỡ ra. Kí ức tuổi thơ lóe qua sương khói mù mờ đã cứu vớt tôi.

Tôi vốn không chịu dơ. Mẹ kể trong mấy con, tôi là đứa cai bú dễ nhất. Năm tôi hơn tuổi, một hôm mẹ chơi nghịch, chỉ một lần quẹt bã trầu đo đỏ lên núm vú là tôi thấy ớn. Mấy ngày sau vú căng sữa mẹ kêu đau nhức, năn nỉ mãi tôi vẫn không ngó ngàng tới. Tôi nhìn mẹ vắt sữa bắn ra, những tia sữa trắng.

Mấy buổi cơm chiều hôm xưa ấy, mẹ đã dùng tay bốc miếng cá và lựa xương cho vào chén cơm của tôi. Tôi bỏ ăn, không nói một tiếng, dù tuổi đó tôi đã sõi. Có dỗ ngọt hay đét đít tôi vẫn không là không. Thế là phải trị. Dù sao lòng cha mẹ mà: Tôi lại được mở cổng cho vào. Chén cơm tiếp theo, tôi trỏ miếng cá khác. Mẹ cứ thế, tôi lại bỏ. Không ai có thể chiều được. Nên, có tối tôi phải mang bụng đói đi ngủ. Mạng tao sao khổ thế này – mẹ nói, và tôi thấy mắt mẹ ngấn nước. Nửa đêm nghe cào ruột tôi thức dậy đòi cơm, mẹ chan nước mắm không, tôi ăn ngon lành rồi ngủ tiếp.

Những ngày cha mẹ đi Hiếu Thiện Palau; quê ngoại, tôi cũng hành bà cố nội như thế. Thói quen ăn bốc của bà cố mấy lần khiến tôi bỏ dở bữa. Chỉ mỗi bà Lộc bà vú nuôi Mỹ Nghiệp Caklaing; mới hiểu và chiều tôi, khi mẹ sinh em gái, bà qua phụ mẹ. Nghe kể bà bỏ làng đi hoang mấy chục năm sống với người đàng quê quen “thói văn minh” nên biết tánh ý tôi. Từ đó mẹ quen dần, nhưng lắm lúc cũng “quên”, lại bốc cho tôi. “Sau này mày có mà ăn cứt con mày” – mẹ dỗi.

Anh Đạm thì lành hơn. Qua ngoại sống tạm, anh chỉ đòi mỗi “nước uống”! Nước phải có màu đùng đục; ia mưbrah; như ở Caklaing mới là nước uống, còn lại là nước nấu, không uống. Ở Palau đào đâu ra loại nước đầy chất vôi kia chứ. Mẹ lanh trí, ra sau nhà cho ít nước vo gạo vào, thế là lừa được quý tử.

Mẹ con mà đã thế, nói chi ngoài mênh mông đời. Đó là chưa nói đến chuyện cố ý bôi tro nhau. Vì lợi ích nhỏ bé nào đó, tranh nhau chiếu trên chiếu dưới hay danh tiếng vu vơ nào đó.

20-9-2008, sinh nhật thứ năm mươi hai. Năm mươi hai năm vèo qua như gió.

20-8-2008, tôi rót ly rượu cô độc kỉ niệm ngày vào Sài Gòn. Mười sáu năm với chục cuộc dời nhà qua mấy phường, quận khác nhau. Đời tôi là chuỗi cuộc di dời. Dân quê hay làm người phố chợ cũng thế. Từ một đến ba tuổi: Palau, từ năm tuổi đến hết Tiểu học: Caklaing; những năm Trung học sống hết kí túc xá Bauh Dơng; Phú Nhuận – Tháp Chàm đến thị xã Phan Rang. Tại Phan Rang, mỗi cuối tuần tôi lang thang mấy làng. Sau đó là Caklaing rồi Ninh Chữ, Sài Gòn, Nha Trang, Phan Thiết,… Vào miền Tây buôn bán, tôi phiêu giạt từ Trà Vinh cho đến Cà Mau, Sóc Trăng. Sống đất Sài Gòn, mười sáu năm, cả vạn cuốc xe, mấy ngàn cuộc gặp mặt. Với Chăm, Kinh, và bao nhiêu tộc người khác. Trong lẫn ngoài nước. Văn chương hay kinh doanh, tôn giáo và chính trị, thầy tu với dân nhậu, thân hay sơ, bằng hữu hoặc đối thủ. Mười sáu năm nhập làng chữ nghĩa, với bao biến thiên cuộc thế, bể dâu lòng người. Chê bai hay ca tụng, gièm pha hoặc tâng bốc. Tràn vinh quang giữa chốn đông người hay gặm nhấm nỗi buồn trong cô độc đắng chát. Buồn và vui, được và mất. Có thể nói, điều đáng giá nhất tôi học được là: Hiểu, thì càng yêu hơn.;

Mệnh đề này tôi đã một lần viết đậm ở website Chamyouth;, khi kể câu chuyện sinh viên người Kinh Sài Gòn, sau hai năm lăn xả làm ăn với bà con Bàu Trúc Hamu Crauk; bị vài bà con quỵt, đã giận dỗi bỏ cuộc. Tôi nói: “Thì bạn làm ăn có lãi ít nhiều rồi, thiệt thòi chút đỉnh có sao đâu!”

Khi hiểu được mẹ, hiểu được tánh bốc đồng của tôi làm khổ mẹ, tôi càng yêu mẹ hơn. Như tôi đã hiểu và yêu Ong Phauk, xưa.

Phauk Dhar Cơk sinh 1917, ông họ nội tôi bị người đời cho là tàng tàng. Ông có thể ngồi kiết già rồi bất ngờ nhấc đít nhảy qua cán cuốc cao cả tấc trước mặt. Đứng giữa sông tắm bằng bùa chứ không cho nước bắn ướt mình. Nửa đêm một chân vắt lên cổ đứng góc ngã ba đường làng. Hút tẩu thở bằng một bên mũi hoặc xông phổi bằng thứ lá cây hôi rình. Vân vân.

Không ai chịu nổi tính khí cùng mớ hành vi kì quặc này. Không vợ con, mỗi tháng ông qua trú tạm bợ với gia đình mấy dì tôi. Trong đó mẹ tôi (chị cả) và dì Bề (em Út) đã phải cưu mang ông khốn khổ hơn cả. Thuở Tiểu học, tôi với Lệ ưa chọc ông. Chọc nhưng vẫn thấy lạ. Lạ và gờm. Đáng gờm nhất là va-li sách ông luôn giữ khư khư bên mình. Như vật bất li thân.

Không ai hiểu ông. Cũng chả ai chịu tìm hiểu nữa. Đồn rằng ông bị akhar bbơng; – chữ ăn, chữ hành. Dân làng kinh hãi va-li sách đó. Tôi dù rất tò mò, cũng tránh xa. Nhân vật này ám tôi đến mấy chục năm sau cứ trở đi trở lại trong thơ văn tôi, với vài tên khác qua nhiều biến tướng khác nhau.

“Hành vi, cử chỉ, cuộc đời Dhan Than vừa làm xa lạ đồng thời lôi cuốn và gây cho tôi nỗi hứng thú đau đớn.

Không một ai hiểu ông. Có lẽ ông cũng không cần ai hiểu mình, chia sẻ cái mình sở đắc hay tin tưởng. Khi hành vi, lối xử sự của ông bị thế hệ đàn anh những năm sáu mươi đưa lên sân khấu nhà quê bỡn cợt (sự vụ gây cho mẹ tôi không ít tủi hổ) hay khi Cao Xuân Hoang tự tuyên đồ đệ chân truyền của ông qua khoa xem gò bàn tay hướng nghiệp, họ cũng không tí ti nào hiểu ông. Cả khi vào mùa xuân năm 1979, ông bỏ ra miền Trung trôi giạt ăn xin cho đến khi thân tàn ma dại trở về tháng 11 năm 1984 để chết vào cuối năm đó, cũng không một ai hiểu ông. Chắc chắn đây là hiện tượng siêu cá biệt trong xã hội Chăm. Mẹ, các dì tôi đã khóc và tức tốc chạy tiền xe giục ba ông anh họ tôi lục tìm ông khắp mọi xó xỉnh mấy tỉnh thành đến khi bắt gặp và cho ông biết ý định thì bị ông cầm roi mây dài đến bảy sải đuổi chạy thấy ông bà.

Ăn mày! Đấy là khái niệm gây kinh hoàng, nghĩ tới thôi cũng đủ khiến chế độ mẫu hệ Chăm tái mặt chứ đừng nói làm. Mà ông lại là Thầy pháp cao đạo của một dòng họ lớn nhất làng. Tại sao? Quần chúng Chakleng đã không tự hỏi mà vội quy kết. Chăm không còn khả năng cảm thông nhau.”

( Chân dung Cát;, 2006)

Những năm Trung học ở Phan Rang, khi học biết qua triết lý Yoga, tôi mới lờ mờ hiểu ông. Đến tuổi mười tám, tôi dám chắc là đã hiểu đúng như ông là. Tôi dần nể trọng đứa con bị hất hủi này. Khi bỏ Đại học về quê, tôi nhờ ông bày cho vài thế võ Chăm. Nhưng cả tôi cũng không chịu nổi tính khí ông. Ông bỏ làng ra đi. Môn võ Chăm thất truyền, vĩnh viễn. Ông mất sau thời gian dài đi hoang. Va-li sách tiêu biến. Hay ông hủy nó? Tôi hỏi chú Chương chồng dì Bề, nơi dung dưỡng ông những ngày cuối đời, không ai biết.

Tôi hiểu hành vi ông biểu hiện lối hành đạo quái dị. Ông được bí truyền từ người cha. Là môn đệ trung thành của Yoga thực hành sai phương pháp, bị tẩu hỏa nhập ma. Đây là nhà Yogi Chăm cuối cùng, có lẽ. Hiểu ông, tôi quý và yêu ông hơn. Thời xa xưa, ông được phong thánh nữa không chừng.

Vậy đó, một chuyện nhỏ trong xã hội đã thế, nếu không chịu mở lòng tìm hiểu và thiếu hiểu biết, ta khó giải mã nó. Không hiểu sinh xem thường. Từ không hiểu đến hất hủi cách nhau nửa bước chân. Marx nhạo triết gia xưa nay mãi lo giải thích thế giới, trong khi bổn phận của ta là thay đổi thế giới. Camus nghĩ khác: Chưa hiểu thì làm sao mà thay đổi. Thay đổi, thế giới đi õng ẹo gẫy gập, nguy hiểm. Tôi gần Camus hơn. Tìm để hiểu.

– Khi bị vài Cam drei; Chàm mình; cố tình hiểu sai lệch để phê phán lệch lạc, Sara buồn không? Hoặc có nghĩ cách phản công lại? – PT hỏi tôi ở góc hành lang hội trường trường Dự bị Đại học đường Nguyễn Chí Thanh hôm Rija Nưgar; sinh viên Chăm Sài Gòn mùa hè 2008.

– Ừ, buồn thì có buồn, nhưng nó qua nhanh, – tôi nói. – Đơn giản: Tôi hiểu họ.

Đâu phải Chàm mình; không thôi. Với giới văn nghệ sĩ cũng vậy, bao nhiêu là chuyện. Chỉ bởi ngộ nhận hay không đồng quan điểm mà cáo giác nhau bằng lời lẽ nặng như đá. Có bao giờ ai thấy tôi hằn học hay nặng lời ở đâu không? Tìm hiểu, minh giải hoặc quá lắm là đưa lời đùa cợt. Với Cam drei;, tôi đính chính rồi, im lặng. Khi không thể yêu thương được nữa thì cứ im lặng tha thứ mà bước qua, Nietzsche nói thế. Tôi biết Chăm cô đơn, từ trong nước ra tận trời Âu biển Mỹ. Cô đơn hơn, đó là kẻ ưu tư. Sự thể gây cho tôi đau xót. Những người thầy, cô bác, anh chị em hoặc bạn hữu thân hay sơ. Viết lách giữa mênh mông cộng đồng Việt, hòa đồng và chịu chơi, cho dù chưa bao giờ gọi là bị phân biệt đối xử, nhưng lắm lúc tôi cô đơn.

Rồi tha hương ngút mắt tha hương

Rồi thiểu số giữa lòng thiểu số

( Sinh nhật cây xương rồng;, 1997;)

Sống Sài Gòn, tôi trải nghiệm sâu đậm nó. Bè bạn văn chương, sau cuộc chơi thâu đêm, tiếng tụng ca ngất trời, bất chợt tôi thèm nghe tiếng mẹ đẻ. Rủ anh em ngồi quán bia hơi hay góc phố cà phê cóc. Chỉ để nhìn mặt nhau, cũng đủ.

Con người muốn thế giới không quên mình. Nỗi không muốn bị lãng quên này từng cuộn nhân loại lao tới giành giật bao thành tích chói lọi. Về văn nghệ, thể thao hay tổ chức xã hội, nghiên cứu khoa học với hoạt động từ thiện. Không hiếm trường hợp, dù mọn tài, ta vẫn thèm người đời nhớ. Để làm gì không biết, nhưng nhớ. Rồi, thay vì làm công ích, ta khao khát nỗi nhớ đến, biết đến ấy bằng lối tagan ar; băng bờ. Nhanh hơn, gấp gáp hơn. Ta có hành vi thô bạo, ngôn từ hỗn hào. Ta thành kẻ đốt đền lúc nào không hay.

Ở xã hội Chăm, nỗi la to sự việc nổi cộm hay lớn lối cáo buộc vài nhân vật có chút ít danh còm, xuất phát từ mẫu số chung đó. Xã hội rộng lớn thì chẳng sứt mẻ ai, nhưng với Chăm một dúm sa kacaw mauk;, sự thể dễ thấy hơn, lay động cộng đồng mạnh hơn. Bởi Chàm mình; quá nhỏ, quá ít. Tôi không cho là tệ, nỗi ấy. Tôi hiểu nó như thể cách giải thoát mặc cảm hay chạy trốn cô đơn tiêu cực. Cứ tạm xài dụng ngữ xã hội chủ nghĩa khoái dùng đó. Tôi hiểu họ, như người bạn hiểu người bạn cô đơn.

Như tôi hiểu mẹ, khi mẹ bỏ tôi khóc ngoài cổng những tối trời năm xưa ấy. Tôi đã làm khổ cha mẹ.

Mẹ và cha, hai dòng sông đau khổ đổ vào bể khổ của đời. Mẹ cha cơ khổ mọi bề. Cả từ phía con cái. Khi hé thấy ít nhiều bí mật nỗi người, tôi tìm cách làm vợi bớt đau khổ kia và ráng tránh làm phiền lòng cha mẹ. Bởi, thời thanh niên, dù không cố ý, mấy đột hứng của tôi đã gây cho song thân bao buồn rầu. Đang ngồi Đại học hay làm việc ngon lành, nổi máu phiêu giạt là tôi bỏ giảng đường hay làng mạc – đi. Trường ca Lãng tử, tình yêu, quê hương; dài non ngàn câu lục bát sinh nở dọc tháng ngày lang bạt ấy.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button