Truyện - bút ký

Quà Của Bố

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trần Đình Dũng

Download sách Quà Của Bố ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : TRUYỆN – BÚT KÝ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

THƯ GỬI BỐ DŨNG

Sau khi đọc một mạch hết bản thảo Tạp bút Quà của bố… tôi thấy cần viết một lá thư, không phải cho hai con của bố Dũng, mà cho bố Trần Đình Dũng.

Bố Dũng thân mến, vì sao tôi đọc liền một mạch? Bởi vì các lẽ sau đây:

  1. Qua cuốn tạp bút này, giọng văn bố Dũng như nói chuyện, không hề “lên gân”. Khi thì buồn buồn, khi thì dí dỏm, khi thì nghiêm nghị, khi thì tưng tửng… bố Dũng đã dành cho cuốn tạp bút này những bài tự sự, những bài kể chuyện, những bài giáo dục và có cả những bài vu vơ để làm quà tặng cho con mình.
  2. Tưởng không thể tặng cho con một món quà nào bày tỏ tình cha với con nồng nàn hơn thế. Từng chuyện lớn “cả bầu trời” như nói về lòng yêu nước, về chuyện “Trong cái sống đã mang mầm cái chết. Trong cái được đã hàm chứa cái không. Trong cái có đã ẩn mình cái mất. Con sẽ học cách đương đầu với sự thay đổi đột ngột để ít đau, để đừng sụp ngã” (Amateur pianist),đến chuyện tỉ mẩn như chuyện đắp chăn, chuyện tắm táp, gấp áo quần cho con… và “Bố yêu con, vừa đủ để bối rối khi con ngấn nước mắt. Vừa đủ để bồn chồn mỗi khi con buồn buồn ít nói. Vừa đủ để lo lắng mỗi khi con nóng sốt. Vừa đủ để sợ hãi mỗi khi con đi chơi về muộn” (Bố yêu con vừa đủ).
  3. Tôi thấy thấp thoáng bóng hình người cha là tôi trong đó. Chắc chắn có nhiều người khác cũng cảm thấy như tôi. Và như thế, cuốn tạp bút này sẽ không chỉ là “Quà của bố…” riêng của bố Dũng mà còn là quà cho con của nhiều ông bố khác. Có điều là các ông bố thường làm nghiêm phụ vì như thế có vẻ dễ dàng hơn chứ không là từ phụ như bố Dũng. Bố Dũng thì nồng nàn quá, chu đáo quá và tế nhị quá. Và cũng có khi… lẩn thẩn như nỗi lo “vì vô tình, bố có thể cướp mất người đàn ôngcủa riêng con” (Bố có lỗi với con). Tôi nói lẩn thẩn vì nghĩ rằng, sự chăm sóc, âu yếm, chiều chuộng, đùa nghịch… của bố thì cũng chỉ là của bố thôi. Nó hoàn toàn không thay thế được những chăm sóc, âu yếm, chiều chuộng, đùa nghịch… của “người đàn ông của riêng con” và ngược lại. Cùng một cách thể hiện tình cảm của bố và của “người đàn ông của riêng con” như nhau, cô gái sẽ tiếp nhận với thái độ, cảm xúc không hề giống nhau! Hay đây chỉ là cách bố Dũng muốn thể hiện ước ao con mình được “người đàn ông của riêng con” yêu thương và trân trọng như chính mình?
  4. Bàng bạc qua nhiều trang, tôi học ở bố Dũng cách dạy con: Bố không áp đặt điều bố muốn nơi con. Bố chỉ là người hướng dẫn, gợi ý để con tự lựa chọn cách suy nghĩ, chọn một thái độ và để con chịu trách nhiệm về điều đó cho cuộc đời mình. Thú vị nữa là bố để cho con gái trách “Con ngã chảy máu mà bố vẫn ngồi nhìn, thế mà bố dửng dưng nhìn con đau”và bố giải thích: “Chẳng bao giờ bố hết thương con, nhưng cách bảo vệ con tốt nhất là dạy con tự bảo vệ mình, và ai cũng lớn lên với những lần vấp ngã” (Sáng thứ Bảy).

Có lẽ bố Dũng và nhiều ông bố khác sẽ đồng ý với tôi, với tình cảm vô bờ của người làm cha, làm mẹ, chúng ta cần con cái được ấp ủ trong chiếc nôi tình yêu của cha mẹ, tất nhiên cũng cần các con hiểu biết và trân trọng tình cảm này. Nhưng điều mong mỏi lớn nhất là con hãy hiến dâng lại tình cảm thiêng liêng này cho các con của con.

Mong rằng sau niềm vui được trải lòng theo từng chữ, từng dòng trong tạp bút này, bố Dũng còn gặt được thật nhiều những gì mà mình đã gieo, không phải “gieo bốn gặt một” (Nguyên tắc Bốn – Một) mà gieo một lần gặt bốn!

Thân thiết!

Mùa Noel 2009

Phan Bá Chức

LỜI TÁC GIẢ

Bạn đọc trân quý!

Quyển sách nhỏ này đã được tái bản nhiều lần, được sự đón nhận và thương quý của bạn đọc, đã có những thay đổi tích cực từ một số bạn đọc dành cho con mình và cha mẹ mình. Tôi cảm thấy vui và tri ân các bạn.

Đã có người hỏi vì sao tôi trở thành ông bố dễ thương như thế, câu trả lời thật đơn giản, vì tuổi thơ của tôi quá nhọc nhằn và luôn thèm khát tình thương của bố, nhưng thôi, chuyện ấy đã qua lâu lắm rồi.

Cũng đã có rất nhiều người hỏi tôi, vì sao không thấy bóng dáng mẹ các cháu trong câu chuyện, câu trả lời có chút phức tạp hơn, vì tôi viết cho chính mình, mà người thụ hưởng là con tôi. Tôi đã viết bằng những trăn trở của tuổi thơ, những hoài nghi của tuổi lớn, những lo âu tuổi bắt đầu về chiều, thật sự là, tôi viết cho tôi, may mắn được người-ở-ngoài-tôi đón nhận với sự đồng cảm và chia sẻ. Mẹ các cháu, vợ tôi, người phụ nữ hiền lành nhân hậu, luôn kín đáo nhẹ nhàng đứng phía sau tôi.

Lần tái bản này, tôi xin phép bạn đọc cho tôi dành một lời cảm ơn đến vợ tôi vì những gì tôi đã nhận được từ bạn ấy, và lời xin lỗi, với những gì tôi đã mang đến cho bạn ấy.

Còn hai việc nữa mà tôi phải hoàn thành trong năm 2014, đó là tiếp tục viết lại những kinh nghiệm làm bạn với con và thành lập trang web “quà của bố”, để tiếp tục chia sẻ cả thành công và thất bại, cả niềm vui và nỗi buồn đến những ông bố khác, mong rằng những ông bố hoàn thiện thiên chức làm cha của mình, và những đứa con luôn được thương yêu như vốn thế.

Saigon, tháng 12 năm 2013

Trần Đình Dũng

 

ĐỌC THỬ

BỒ NHÍ

Từ ngày có bồ nhí, ta nói, thiệt là cực trần thân.

Mưa, bồ nhí nhắn tin hỏi đang làm gì ở đâu với ai, lại còn: “Làm sao cân đong được mưa để biết ở đây nhiều hơn ở kia hén?”. Bó tay, hỏi tui tui biết hỏi ai?

Nhưng nàng có quyền hỏi, vì nàng là bồ nhí.

Nói về chuyện nhắn tin, mình phải luôn là người nhắn cuối cùng, sau khi nàng tám sạch bách chuyện, nàng chịu im lặng thì xong, coi như thoát. Nàng còn tám, còn phải trả lời.

Nhưng nàng có quyền tám, vì nàng là bồ nhí.

Đại gia chọn một em bồ nhí chân dài đến vai. Mình còn nghèo hèn học đòi đeo bám, chọn ngay một em bồ nhí chân mỗi tuần một dài ra. Đã thế em lại còn giở chứng xưng tên – gọi bạn với mình. Lúc nào cũng thỏ thẻ: “B làm cho T cái này nhoa, muoah muoah”. Căng đấy, từ chối được với những cú “muoah muoah” ép phê như thế này có mà thánh.

Nhưng nàng có quyền muoah muoah, vì nàng là bồ nhí.

Kề tai hỏi nhỏ nàng: “Có biết tui thương mấy người lắm lắm không?”. Nàng hất tóc quay ngoắt đi, ban phát một tiếng “hứ” rõ to, vài phút sau ỏn ẻn ôm cổ: “Dạ biết”. “Có biết tui thích mấy người lắm không?”. “Dạ biết”. “Biết rồi có khoái không?”, “Dạ hông, quê, hề hề hề”.

Nhưng nàng có quyền chọc quê, vì nàng là bồ nhí.

Cuộc đời này, thiệt là hổng có cái dại nào giống cái dại nào. Tự nhiên có con bồ nhí, mà lại rất nhí nữa mới tinh quái chứ. Chắc hiếm người có được con bồ nhí giống mình, cách tuần lại thò bàn tay ngọc ngà ra: “B cắt móng tay cho T”, với một chất giọng chẳng thèm làm nũng, chẳng thèm nhõng nhẽo, xem như đó là chuyện đương nhiên, là đặc ân nàng ban phát cho kẻ nô lệ tôi đòi.

45,000 PHÚT

Tuần sau con nghỉ hè rồi. Thế là đã hết năm năm tiểu học, chuẩn bị qua trung học. Thời gian trôi nhanh quá con nhỉ. Mới ngày nào bố đưa con đến trường buổi đầu tiên, con còn bỡ ngỡ với trường, với lớp, với những khuôn mặt mới. Bố còn lo lắng cho chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện bạn, chuyện thầy cô…

Năm năm con đi học, bố chợt nhẩm tính những con số vô hồn, để vui đến giật mình vì có một hằng số vĩnh cửu và tuyệt đối.

Năm năm con đi học, chín tháng mỗi năm, vậy là bốn mươi lăm tháng học.

Mỗi tháng con học hai mươi ngày, vậy là chín trăm ngày học.

Mỗi ngày hai lần đưa đón, vậy là một ngàn tám trăm lần đi về.

Mỗi lần đi về, mình mất hai mươi lăm phút, vậy là bốn mươi lăm ngàn phút đón đưa.

Bốn mươi lăm ngàn phút đón đưa con, bố luôn hân hoan, vui sướng. Dù cho mưa nắng, kẹt xe, khói bụi ngập đường, lô cốt tắc nghẽn. Dù cho bố có những buổi thức khuya làm việc, sáng thức dậy với đôi mắt đỏ kè, dắt xe ra khỏi nhà quên trước quên sau. Nhưng bố vẫn luôn vui và ngập tràn hạnh phúc với việc đưa đón con.

Bốn mươi lăm ngàn phút đón đưa, con đường chúng ta đi đã trở nên quá quen thuộc. Những hẻm nhỏ ngõ tắt tránh kẹt xe chúng ta đã quá rành rõi. Những ngã tư đèn đỏ dừng lại, bố vẫn thường len lén cầm bàn tay nhỏ xinh của con. Những tiếng còi chói tai của xe bus và các loại xe điên rồ khác cũng chỉ làm vòng tay con thắt chặt hơn qua eo bụng bố.

Bốn mươi lăm ngàn phút đón đưa, bao câu chuyện nhí nhố cười đùa. Bao lần mình im lặng đi suốt đoạn đường để rồi chỉ nghe vỏn vẹn hai từ: “Chào bố/Chào con”, và bố chạy tiếp vào vòng đua cuộc đời.

Bốn mươi lăm ngàn phút đón đưa, con gái bố lớn lên, cao hơn, tóc dài thêm. Mình bắt đầu chuyển đề tài đường phố sang người lạ, để tám chuyện, để cười vui. Đã có những lúc con hỏi: “Chở con đi học hoài thế này bố có chán không?”. Câu trả lời bố đã nói một lần với con, và sẵn lòng lặp lại hàng triệu lần: “Bố chưa bao giờ, dù chỉ là một khoảnh khắc rất nhỏ, chán con hoặc chán việc đưa đón con đi học”.

Bốn mươi lăm ngàn phút đón đưa, bố ngạc nhiên vì bố vẫn chưa tìm ra điều thứ hai trong đời mình. Có một tỉ lệ thương yêu tuyệt đối như thế, nếu ta viết thành phân số, ta sẽ có tử số bằng không và mẫu số là bốn mươi lăm ngàn.

Con ạ, bố không biết chán con, dù cho mẫu số là số tỉ tỉ tỉ…

Bố yêu thương con tuyệt đối, con gái cưng ạ!

GẤP ÁO QUẦN CON

Bưng bê thau quần áo lấy từ máy giặt ra, leo lên sân thượng phơi, mang quần áo đã khô vào phòng, ngồi gấp, vuốt, thẳng thớm, để theo từng chồng riêng biệt, mang cất vào tủ riêng mỗi đứa.

Dường như đã lâu rồi không làm việc đơn giản này. Dành thời gian đọc sách, nghe nhạc ngồi quán tám chuyện vĩ mô chiến lược, kế hoạch quản lý, giáo trình giảng dạy… toàn là chuyện vớ vẩn, ngớ ngẩn, đao to búa lớn, giải quyết khâu oai. Bỗng dưng lại bỡ ngỡ, lạ lẫm với những việc đã từng làm từ nhiều năm trước.

Quần áo con khô cong, thơm mùi nắng. Những cái áo quần lộn trái cho khỏi bạc màu, vội vã, ống quần còn vón cục túm tròn, ẩm ẩm, phơi lại.

Gấp từng cái, săm soi, mòn đít, bung chỉ, đứt nút, vớ mòn, áo học áo ngủ áo nhà áo phố… Đã có những lúc bố la lối om xòm vì con mặc đồ đi học trong nhà, mặc đồ ngủ ra đường và mặc short đi ngủ. Đã có lúc bố bực bội hét toáng lên vì con thay quần ống trong ống ngoài, vứt nửa trên nửa dưới cạnh giường, ném nửa trong nửa ngoài sọt giặt… Ừ bố vô lý, ừ bố có lý, ừ bố mang tính kỷ luật thời nội trú trường dòng về nhà mình. Ừ thì các con ngộp thở với ông bố phát xít… Nhưng bố biết các con yêu thương bố.

Tỉ mẩn tần mần gấp áo quần con, đo chiều dài của áo quần bằng bàn tay, cảm giác bâng khuâng, con mau lớn quá. Mới ngày nào còn bé tí, bố phơi đồ của con tung bay chấp chới những tã trắng hình tam giác, những bao tay bao chân bé xíu xiu, những áo thun trắng mỏng, những băng rốn dài ngoẵng, những nón mũ giữ ấm đầu… Bây giờ, quần áo con đã dài rộng thế này, chỉ riêng cái quần lót của con trai đã to bằng bốn cái quần đùi con mặc ngày xưa!

Thời gian trôi nhanh quá, quần áo con lớn dần theo con. Bố nhớ bàn chân hồng hồng bé xíu huơ huơ khi con khóc vì ướt đít. Nhớ bàn tay con bé tí cầm chặt ngón tay bố khi bú bình, nhớ khuôn mặt con khi no sữa ngủ say. Bố nhớ lúc cô hộ lý tắm cho con, bố đã xem kỹ từng ngón tay ngón chân, từng phần trên cơ thể bé bỏng của con, để an tâm biết rõ con bình thường khỏe mạnh, để trút bỏ nỗi lo này, để ôm vào nỗi lo khác.

Cảm ơn mẹ con đã mang nặng đẻ đau, sinh ra con mạnh khỏe, lành lặn. Cảm ơn mẹ con đã thức đêm ngủ ít, đau lưng, lo toan, vất vả, đút ăn, cho bú, dỗ con, lau đít, thay tã, từng ngày từng giờ trong suốt thời ấu thơ của con. Cảm ơn mẹ con đã chảy xệ người, bù xù tóc, quên trang điểm, không nước hoa… đã dành trọn vẹn thời gian, suy nghĩ, tình cảm cho con.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button