Văn học nước ngoài

Trần Trụi Với Văn Chương

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Paul Auster

Download sách Trần Trụi Với Văn Chương ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời người dịch

Giới phê bình phương Tây gọi    New York Trilogy  là “tiểu thuyết trinh thám siêu hình”, là “giả tưởng phản trinh thám”, là “một biến tấu lạ lùng của thể loại trinh thám”, “một hỗn hợp của trinh thám và tân lãng mạn”, “một trò chơi chắp hình bằng thủy tinh”. Tất cả những cái đó khiến Paul Auster được liệt vào hàng văn sĩ hậu hiện đại. Tuy nhiên, khác với những văn phẩm hậu hiện đại điển hình vốn mang nặng phẩm chất “giả tưởng siêu hình” cùng các “yếu tố phản kháng”,  New York Trilogy  vẫn nhất quán trong lối kể chuyện, có cách nhìn tân hiện thực, và bộc lộ nỗi ưu tư đầy trách nhiệm của tác giả đối với những vấn đề xã hội và đạo đức. Có thể nói  New York Trilogy  là một dạng đặc biệt của tiểu thuyết trinh thám hậu hiện đại, vẫn dùng đến những yếu tố quen thuộc của tiểu thuyết trinh thám cổ điển, nhưng lại sáng tạo được một hình thức mới kết nối các đặc tính của thể loại này với các phẩm chất thử nghiệm, siêu hình và châm biếm mỉa mai của văn phong hậu hiện đại.

Đó là ý kiến của giới phê bình Âu – Mỹ mà tôi chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau để bạn đọc biết    New York Trilogy  đã được đánh giá như thế nào, chứ còn ngay từ năm 1987, khi mới chân ướt chân ráo đến New York và đọc ấn bản đầu tiên của nó, tôi đã thấy nó rất hay, mà đã biết tí gì về văn chương hậu hiện đại đâu.

Nhưng nói    New York Trilogy  hay như thế nào với bạn đọc ở đây thì thành chủ quan. Mà tóm tắt cốt truyện thì lại vô duyên, vì làm thế thì có khác gì mời bạn đi xem phim trinh thám rồi dọc đường đến rạp lại bô bô kể luôn ai bị giết ai bị bắt ai bị oan với những màn bất ngờ như thế nào mà cho đến giờ mình vẫn còn hồi hộp. Cho nên tôi chỉ xin phép nói mấy chuyện sau đây:

Vừa rồi tôi có đọc cuốn    Đường Kách mệnh  , in trong tập 1 của bộ Văn kiện Đảng toàn tập ra năm 2005, và thực sự kinh ngạc và khâm phục ngôn ngữ sáng rõ của nó. Vấn đề gì cũng được nói đến một cách giản dị, sáng sủa, không thể ngờ vực gì được, như thể từ ngữ chính là linh hồn của cái mà chúng nói đến. Thế rồi tôi nghĩ đến hệ thống văn bản hiện nay, cái nào cũng cần hàng loạt những tài liệu hướng dẫn, những văn bản dưới luật, mà vẫn khó tìm thấy những tương đương của các câu chữ nọ trong thực tế. Và tôi tự hỏi: Ấy là vấn đề ngôn ngữ hay là vấn đề con người? Tại sao ngôn ngữ ngày càng mất tính chân xác và trở thành rối rắm như hiện nay? Làm thế nào để lại có thể ăn nói rõ ràng sáng sủa như trong  Đường Kách mệnh  ? Chuyện đi tìm lại thứ ngôn ngữ chân xác này của con người này, lạ lùng thay, lại là một chủ đề cốt lõi của New York Trilogy.

Dạo hè vừa rồi tôi có dịch cuốn    Tham vọng Bá quyền  , bàn về tình hình thế giới sau sự kiện 11/9 – tức là sau khi tòa tháp đôi vĩ đại ở New York bị khủng bố phá sập. Hôm nọ lại đọc tin bên Dubai đang xây dựng một tòa tháp lớn nhất thế giới cao đến gần một cây số, bèn liên tưởng đến tòa tháp Babel huyền thoại, rồi ngẫm đến lịch sử loài người, rồi bỗng nhận ra rằng cái hệ lụy bi thảm trong ngôn ngữ và văn chương của tham vọng loài người cũng lại là một chủ đề của  New York Trilogy.

Tháng trước thì đọc thấy trên mạng một loạt những bài viết và ý kiến nhân hội nghị lí luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Đồ Sơn. Hình như ai cũng cố đề cập đến công việc và nội tâm của những người sống bằng ngôn ngữ và nghề viết. Lúc ấy tôi đang dịch đến đúng đoạn giai thoại về cái bô đầy cứt trong phòng ngủ của nhà thơ Mỹ vĩ đại Walt Whitman và bộ óc của ông bị đánh rơi tung tóe xuống sàn phòng thí nghiệm (sau khi ông chết), rồi nhận xét của một nhân vật về hình thức tương tự giữa cái bô cứt và bộ óc của con người phi thường ấy. Nhân vật ấy kết luận rằng: “Chúng ta luôn nói đến chuyện cố thâm nhập vào bên trong một nhà văn để hiểu rõ hơn công việc của ông ta. Nhưng khi vào thẳng trong đó rồi thì lại chẳng thấy gì nhiều – nghĩa là nội tạng ai thì cũng vậy thôi, chẳng khác nhau là mấy”. Than ôi, đúng là chẳng khác nhau là mấy về hình thức, nhưng cái thế giới nội tâm của người sinh ra để viết văn vẫn cứ là một bí hiểm khôn lường. Và lạ lùng thay, hình như cái bí hiểm khôn lường ấy mới là chủ đề xuyên suốt của tập trinh thám siêu hình hậu hiện đại này.

Thế rồi tôi chợt nhận ra rằng cả ba cái chủ đề trong New York Trilogy thực ra chỉ là triển khai của một ý niệm cơ bản duy nhất, ấy là tấn kịch bi tráng của giấc mộng và sự nghiệp văn chương khi người cầm bút phải loại bỏ mọi giả hình để trực giao trần trụi với bản thân và thế giới trên con đường đi tìm ngôn ngữ đích thực để diễn ngôn sự thật. Cái giá phải trả cho văn chương thật là ghê gớm!

Lạ thay, đúng lúc ấy thì tôi nhận được email của biên tập, nói liệu có nên dịch cái đầu đề    New York Trilogy  là  Bộ ba truyện New York  hay không? Có thể đại đa số bạn đọc Việt Nam sẽ hiểu  Bộ ba truyện New York  là ba câu chuyện gì đó về thành phố hoặc tiểu bang New York ở bên Mỹ. Mà hiểu nhầm như vậy thì rất thiệt cho độc giả. Sau khi thảo luận tới 9 phương án khác nhau, chúng tôi mới quyết định đặt tên cho bản dịch tiếng Việt này của  New York Trilogy  là TRẦN TRỤI VỚI VĂN CHƯƠNG. Chúng tôi tin rằng đây là tên gọi gần gụi nhất với tấn kịch bi tráng mà Paul Auster đã mô tả rất lạ lùng trong ba câu chuyện hoàn toàn độc lập mà lại quan hệ chặt chẽ với nhau này.

Để câu chuyện đậm đặc các vấn nạn hiện sinh của mình được chân xác, Paul Auster, cũng như các nhân vật của ông, đã viện đến nhiều giai thoại lịch sử về những số phận khác nhau, và cách viết này, cộng với cấu trúc nhiều nguồn của các câu chuyện, đã khiến cho    Trần trụi với văn chương  trở thành một văn phẩm mà người đọc cảm thấy không biết ai thực sự là tác giả. Chính Paul Auster cũng xuất hiện trong truyện, với tên thật của mình, tên vợ tên con thật của mình (Siri là vợ hiện nay của ông, và hai người con là Daniel và Sophie). Nhân vật xưng tôi trong  Căn phòng khóa kín  thì lại xưng là tác giả của cả  Thành phố thủy tinh  lẫn  Những bóng ma  ; và còn nói rằng cả ba truyện trong tập này thực ra chỉ là một câu chuyện, diễn biến theo ba giai đoạn. Bạn cứ đọc đi đã rồi sẽ tự tìm ra được câu chuyện ấy. Phải chăng đó cũng là một đặc tính của văn chương hậu hiện đại: Đặc tính  interactive  –  tương tác  : Người đọc phải tham gia và tự tìm thấy câu chuyện cùng nghĩa lí của nó.  Trần trụi với văn chương  là một văn bản mở. Với một văn bản như thế này, bạn đọc nên coi mình cũng là tác giả, và nếu tác giả đã viết nó ý tứ và thận trọng như thế nào thì ta cũng nên đọc nó ý tứ và thận trọng như vậy, rồi sẽ ngộ được cái khoái cảm đặc biệt mà loại văn chương này mang lại.

Để giúp bạn đọc thưởng thức tối đa cái khoái cảm đã hứa hẹn ấy, tôi có dùng một số giải pháp dịch thuật theo lí thuyết Skopos – đặt mục tiêu phục vụ người đọc lên hàng đầu – để vừa chuyển tải được hết ý vừa giữ được liền mạch văn của tác giả cũng như mạch đọc của độc giả; đồng thời cũng cố gắng chú thích hết những chi tiết mà tôi cho là bạn đọc có thể chưa biết, mà lại rất nên biết để thưởng thức câu chuyện đặc biệt này.

Thành phố New York là nơi tôi đã trải qua những chuyện lạ lùng nhất trong đời mình. Có lẽ vì vậy mà từ lâu tôi đã muốn dịch    New York Trilogy  . Tôi xin có lời cảm ơn Công Ty Văn Hóa Phương Nam đã tin rằng công việc có động cơ cá nhân này sẽ giúp bạn đọc mở thêm một cửa sổ nhỏ nữa vào thế giới kì thú của văn chương Mỹ đương đại. Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Carol Mann và Paul Auster đã không ngại trả lời nhiều câu hỏi của tôi trong khi dịch cuốn sách này.

Bây giờ thì mời bạn đọc hãy bước vào thế giới của Paul Auster như một thám tử văn chương, rồi thể nào bạn cũng phát hiện ra những điều kì thú.

ĐỌC THỬ

 THÀNH PHỐ THỦY TINH

1

Tất cả bắt đầu từ một cú gọi nhầm số, chuông điện thoại reo ba lần giữa đêm khuya tịch mịch, và giọng nói ở đầu dây bên kia hỏi gặp một ai đó không phải là hắn. Mãi sau này, khi đã có thể suy nghĩ về những chuyện đã xẩy đến với mình, hắn mới kết luận được rằng chẳng có gì là thực cả, trừ chuyện ngẫu nhiên. Nhưng đấy là mãi về sau này. Còn lúc mới đầu thì chỉ có sự kiện ấy và những hậu quả của nó. Liệu những hậu quả ấy có thể khác đi được không, hay tất cả đã được quyết định trước bằng lời nói đầu tiên của kẻ lạ mặt kia, đấy không phải là câu cần hỏi. Cái ta muốn biết là bản thân câu chuyện cơ, nhưng liệu nó có ý nghĩa gì hay không thì chính nó lại không nói được.

Với Quinn thì ta cũng chẳng cần phải mất nhiều thì giờ. Hắn là ai, hắn ở đâu ra, và hắn đã làm gì đều không mấy quan trọng. Ví dụ như ta biết rằng hắn 35 tuổi. Ta biết rằng hắn đã từng một lần lấy vợ, đã từng là một người cha, và rằng cả vợ và con trai hắn lúc bấy giờ đều đã chết cả rồi. Ta cũng biết rằng hắn viết sách. Nói chính xác, ta biết hắn vẫn viết tiểu thuyết trinh thám. Những tác phẩm ấy được viết dưới cái tên William Wilson, và hắn sản xuất chúng với tốc độ khoảng mỗi năm một cuốn, do vậy cũng đủ tiền sống tiềm tiệm trong một căn hộ nhỏ ở New York. Vì hắn chỉ cần từ năm đến sáu tháng để viết một cuốn tiểu thuyết, nên thời gian còn lại trong năm hắn tha hồ muốn làm gì thì làm. Hắn đọc nhiều sách, hắn xem tranh, xem phim. Mùa hè thì hắn xem bóng chày trên tivi; mùa đông thì hắn đi xem ca kịch. Tuy nhiên, cái mà hắn thích làm nhất, hơn hết cả mọi chuyện, là đi bộ. Hầu như ngày nào cũng vậy, nắng hay mưa, nóng hay lạnh, hắn cũng rời khỏi căn hộ của mình để đi bộ khắp thành phố, chẳng bao giờ thực sự đến một nơi nào, nhưng cứ chân bước đến đâu thì đi đến đó thế thôi.

New York là một chốn không cùng, một mê cung vô tận, và dù hắn có đi xa đến mấy, có quen thuộc những con đường và các khu phố đến mấy, hắn vẫn luôn luôn có cảm giác bị lạc. Không những lạc trong cái thành phố ấy, mà còn lạc ngay trong bản thân mình. Lần nào bước ra đường, hắn cũng cảm thấy như đang bỏ bản thân mình lại phía sau, và khi thả mình theo sự chuyển động của các con phố, thu mình lại chỉ còn là một con mắt nhìn, hắn mới có thể trốn khỏi cái nghĩa vụ suy nghĩ, và điều đó, hơn hết mọi việc khác, mới mang lại cho hắn một liều bình an, một trạng thái hư tâm thỏa lòng mong đợi. Thế giới ở bên ngoài hắn, xung quanh hắn, trước mặt hắn, và tốc độ mà nó đang biến đổi đã khiến cho hắn không thể trú ngụ lâu vào bất kỳ thứ gì. Chuyển động là thiết yếu, cái việc đưa bàn chân này lên trước bàn chân kia và thả cho mình trôi theo cơ thể của chính mình. Hễ đã lang thang vô định thì nơi nào cũng như nơi nào và có ở đâu thì cũng chẳng thành vấn đề gì. Trong những chuyến cuốc bộ thành công nhất của mình, hắn mới có thể cảm thấy đúng là mình đang ở nơi vô định. Và rốt cuộc thì đó là tất cả những gì hắn mong đợi: Được ở nơi vô định. New York là một chốn vô định hắn đã xây cất được xung quanh mình, và hắn nhận ra rằng hắn sẽ không bao giờ có ý định rời bỏ nó một lần nữa.

Ngày trước thì Quinn nhiều tham vọng hơn bây giờ. Hồi trẻ hắn đã cho xuất bản nhiều tập thơ, đã viết nhiều vở kịch, nhiều bài phê bình, và đã bỏ công dịch một số tác phẩm dài. Nhưng rồi hắn đã bỏ hết những việc ấy, một cách khá đột ngột. Hắn nói với bạn bè rằng một phần con người hắn đã chết, và hắn không muốn nó trở lại ám ảnh mình. Và sau đó hắn đã lấy cái tên William Wilson. Quinn không còn là cái phần của hắn có khả năng viết sách nữa, mặc dù Quinn vẫn tiếp tục tồn tại trên nhiều phương diện, hắn không còn tồn tại vì bất kỳ ai nữa ngoại trừ chính hắn.

Hắn đã tiếp tục viết vì cảm thấy đó là việc duy nhất hắn có thể làm. Tiểu thuyết trinh thám có vẻ là một giải pháp hợp lý. Hắn có thể dễ dàng dựng nên những câu chuyện phức tạp mà thể loại này đòi hỏi, và hắn viết tốt, thường không ngờ mình có thể viết được như vậy, cứ như là không phải nỗ lực gì. Vì không tự coi là tác giả của những gì mình viết ra, nên hắn không thấy có trách nhiệm gì với việc ấy và do vậy cũng chẳng thấy buộc lòng phải biện hộ cho nó. Suy cho cùng thì William Wilson chỉ là một hư cấu, mặc dù thằng cha này đã do chính Quinn sinh ra, nhưng bây giờ thì gã lại có một cuộc sống độc lập thật rồi. Quinn rất tôn trọng gã, nhiều khi còn khâm phục nữa, nhưng không bao giờ sa đà đến mức tin rằng hắn và William Wilson chỉ là một người mà thôi. Chính vì thế mà hắn không bao giờ ló ra khỏi cái mặt nạ bút danh ấy. Hắn có một người làm đại diện cho mình, nhưng không bao giờ gặp mặt. Họ chỉ tiếp xúc qua thư từ, mà để làm việc này Quinn chỉ dùng địa chỉ là số hộp thư thuê ở một nhà bưu điện. Với nhà xuất bản cũng vậy, họ phải trả đủ mọi thứ phí tổn, tiền công và nhuận bút cho Quinn thông qua đại diện của hắn. Sách của William Wilson không bao giờ có thông tin giới thiệu hoặc ảnh chụp tác giả. William Wilson không có tên trong danh mục các tác giả, không bao giờ trả lời phỏng vấn, và tất cả thư từ gửi cho gã đều do thư ký của đại diện trả lời hộ. Theo Quinn thì không có ai biết bí mật này của hắn. Lúc đầu, khi bạn bè biết tin hắn đã bỏ nghiệp văn chương, họ thường hỏi hắn sẽ định sống thế nào. Với ai hắn cũng nói rằng hắn vừa được thừa hưởng một cái quỹ bảo trợ của vợ. Nhưng sự thật là vợ hắn đã chẳng bao giờ có tiền nong gì. Và sự thật là hắn cũng chẳng còn bạn bè gì nữa.

Từ bấy đến nay đã hơn năm năm trời. Hắn không còn nghĩ đến đứa con trai nhiều lắm nữa, và mới đây đã tháo bức ảnh vợ vẫn treo ở trên tường xuống. Thỉnh thoảng hắn vẫn đột nhiên nhớ lại cái cảm giác đang ôm thằng bé lên ba ấy trong tay – nhưng thực ra đó không phải là nhớ lại trong ý nghĩ, mà là một cảm giác nhục thể hẳn hoi, một lưu dấu của quá khứ vẫn hằn sâu trong thân xác mà hắn không thể kiểm soát nổi. Nhưng giờ thì những khoảnh khắc ấy cũng đã thưa dần, và có vẻ như hầu hết mọi chuyện đã đang bắt đầu đổi khác. Hắn không còn muốn chết nữa. Nhưng cũng không thể bảo là hắn đã thấy vui vì còn sống. Nhưng ít nhất thì hắn cũng không còn ghét sống nữa. Hắn còn sống, và sự ương bướng của sự thật ấy đã bắt đầu làm cho hắn kinh ngạc, từng tí một, như thể hắn đã sống dai hơn chính bản thân mình, như đang sống một cuộc đời hậu sự vậy. Hắn không còn phải để đèn lúc ngủ nữa, và đã nhiều tháng rồi hắn chẳng nhớ được bất kỳ một giấc mơ nào của mình.

Lúc ấy là ban đêm. Quinn nằm hút thuốc lá trên giường, nghe tiếng mưa đập vào kính cửa sổ, không biết lúc nào trời mới tạnh và sáng mai liệu có nên làm một cuốc đi dài hoặc ngắn nữa hay không. Một cuốn Du ký của Marco Polo mở úp trên gối ngay cạnh hắn. Sau khi viết xong cuốn tiểu thuyết mới nhất của William Wilson hai tuần trước đó, hắn đã tự cho mình được nhàn hạ chưa phải bắt tay vào việc gì. Nhân vật thám tử của hắn, Max Work, đã phá xong một loạt những vụ án phức tạp, đã phải nhiều phen bị đánh đập và tưởng chừng mất mạng, và không hiểu sao Quinn cũng cảm thấy kiệt sức thay cho gã. Năm tháng trôi qua, và Work đã thành ra rất thân thiết với Quinn. Trong lúc William Wilson chỉ tồn tại như một nhân vật trừu tượng thì Work đã ngày càng sống động như một con người có thật. Trong mối quan hệ bản ngã tay ba mà Quinn đã hình thành cho mình thì Wilson chỉ có vai trò của một anh kể chuyện mà miệng không động đậy, như người nói tiếng bụng, bản thân Quinn cũng chỉ là hình nhân, và chỉ có Work mới là cái giọng sinh động mang lại lẽ sống cho cả ba. Nhưng cho dù Wilson chỉ là một ảo ảnh đi nữa thì gã vẫn là lý do tồn tại của cả hai người kia. Có không tồn tại đi nữa thì Wilson vẫn cứ là cây cầu để Quinn đi từ bản thân mình sang với Work. Và dần dần từng tí một, Work đã trở thành một hiện diện trong cuộc sống của Quinn, một người anh em nội tại, một đồng chí trong cõi cô liêu của hắn.

Quinn nhặt cuốn sách của Marco Polo lên và bắt đầu đọc lại trang thứ nhất. “Chúng tôi sẽ ghi lại đúng những gì đã thấy và đã nghe, đặng cho cuốn sách của chúng tôi có thể là một tài liệu chính xác, không có bất kỳ một thứ bịa tạc nào. Và tất cả những ai đọc và nghe cuốn sách này có thể hoàn toàn tin tưởng nó, bởi nó chỉ chứa đựng duy nhất có sự thật mà thôi”. Đúng lúc Quinn bắt đầu ngẫm nghĩ về ý nghĩa của mấy câu ấy, bắt đầu lật đi lật lại những đoạn chắc rắn rỏi của chúng trong tâm trí, thì chuông điện thoại reo. Mãi về sau này, khi hắn đã có thể tái hiện những sự kiện của đêm ấy, hắn mới nhớ là có nhìn sang chiếc đồng hồ để bàn, thấy đã quá 12 giờ đêm, và thắc mắc không biết vì sao lại có người gọi hắn vào giờ ấy. Hắn đã nghĩ chắc lại có tin gì xấu đây. Hắn trèo ra khỏi giường, cứ trần truồng đi ra chỗ để điện thoại, và nhấc ống nghe lên sau hồi chuông thứ hai.

– “Tôi nghe đây”.

Đầu dây bên kia im lặng một hồi lâu, đến nỗi Quinn tưởng là người gọi đã gác máy. Nhưng rồi, như thể từ một nơi nào xa lắm, một giọng nói vọng đến, không giống bất kỳ một giọng nói nào mà hắn đã từng nghe. Nó vừa máy móc vừa đầy ắp cảm xúc, chỉ như một tiếng thầm thì mà lại hoàn toàn rõ ràng, và đều đều đến nỗi hắn không thể đoán ngay được là giọng đàn ông hay đàn bà.

– “Alô?”, cái giọng ấy nói.

– “Thưa ai gọi đó ạ?”, Quinn hỏi.

– “Alô?”, giọng nói lại cất lên.

– “Tôi đang nghe đây”, Quinn đáp. “Ai gọi đấy ạ?”.

– “Có phải Paul Auster đấy không?”, giọng nói hỏi. “Tôi muốn nói chuyện với ông Paul Auster”.

– “Ở đây không có ai là Paul Auster”.

– “Paul Auster. Của hãng thám tử Auster mà”.

– “Xin lỗi”, Quinn nói. “Chắc là quí vị nhầm số rồi”.

– “Chuyện này cực kỳ cấp bách”, giọng nói lại cất lên.

– “Tôi không thể giúp gì quí vị được”, Quinn nói. “Đây không có ai là Paul Auster cả”.

– “Ông không hiểu”, giọng nói lại tiếp tục. “Không còn nhiều thời gian nữa rồi”.

– “Vậy quý vị phải gọi số khác thôi. Đây không phải là hãng thám tử nào cả”.

Quinn gác máy. Hắn đứng đó trên sàn nhà lạnh giá, nhìn xuống hai bàn chân mình, cặp đầu gối mình, hạ bộ thõng thợt của mình. Hắn thoáng thấy tiếc đã gác máy vội đến thế, thầm nghĩ giá cứ vờ chuyện trò thêm với người kia một tí biết đâu lại hóa hay. Biết đâu hắn lại tìm ra được cái gì đó về vụ này, thậm chí còn có thể giúp một tay thế nào đó thì sao. “Mình phải tập nhanh trí hơn trong khi đứng mới được”, hắn tự nhủ thế.

Cũng như hầu hết mọi người, Quinn gần như chẳng biết gì về tội phạm. Hắn chưa từng giết ai, chưa ăn cắp cái gì bao giờ, và cũng không quen ai làm những chuyện ấy. Hắn chưa từng vào bên trong một đồn cảnh sát nào, chưa từng gặp một thám tử nào, và chưa bao giờ nói chuyện với một tội nhân. Tất cả những gì mà hắn biết về những thứ này đều là do học được từ sách vở, phim ảnh và báo chí. Nhưng hắn không coi đó là một khiếm khuyết. Cái mà hắn quan tâm trong những câu chuyện mà hắn viết ra không phải là mối liên hệ của chúng với thế giới, mà là quan hệ của chúng với những câu chuyện khác. Trước khi hắn trở thành William Wilson, Quinn đã là một độc giả cuồng nhiệt của tiểu thuyết trinh thám. Hắn biết rằng hầu hết những tiểu thuyết này đều viết vụng, và chỉ cần xét nét một tí thôi là chúng đều vô lý cả, nhưng hắn vẫn thấy mê thể loại này, và chỉ bỏ không đọc những cuốn nào họa hoằn thảm hại lắm mà thôi. Với những sách khác thì hắn có thị hiếu rất cao, đòi hỏi gần như đến mức hẹp hòi, nhưng với truyện trinh thám thì hắn gần như chẳng phân biệt gì. Khi hứng lên, hắn có thể dễ dàng ngốn hết mươi mười hai cuốn liền một mạch, giống như lên cơn thèm một món đặc biệt nào đó và phải ngấu nghiến đến căng bụng mới thôi.

Cái hắn thích ở những sách loại này là ý thức đầy đủ và tiết kiệm của chúng. Đã là một câu chuyện trinh thám hay thì không được phí phạm bất kỳ cái gì, không có câu nào, chữ nào không có ý nghĩa quan trọng. Thậm chí nếu chúng không quan trọng thì cũng phải tiềm tàng khả năng để trở thành quan trọng, nghĩa là cũng vậy thôi. Thế giới trong cuốn sách sống động, sôi nổi với những khả năng khác nhau, những bí ẩn và mâu thuẫn. Và vì tất cả những gì thấy hoặc nghe được, ngay cả những thứ nhỏ nhặt tầm thường nhất, cũng đều liên quan đến kết cục của câu chuyện, cho nên người đọc không được bỏ qua bất kỳ chi tiết nào. Mọi thứ đều trở thành thiết yếu; trọng tâm của cuốn sách dịch chuyển theo mỗi một sự kiện đang đẩy câu chuyện về phía trước. Cho nên trọng tâm là ở khắp mọi nơi, và ta không thể khoanh tròn một điểm nào cho đến lúc cuốn sách đã vào hồi chung cuộc.

Thám tử là người để ý nhìn và lắng nghe, là người chuyển dịch qua những sự vật hỗn loạn để tìm cho ra cái tư tưởng, cái ý tưởng sẽ kéo tất cả những thứ đó vào với nhau và làm cho chúng có ý nghĩa. Về hiệu quả thì nhà văn và thám tử là có thể đổi chỗ được cho nhau. Người đọc thấy thế giới thông qua con mắt của thám tử, trải nghiệm quá trình nẩy nở của các chi tiết trong thế giới ấy như ở buổi khôi nguyên của chúng. Hắn đã thức tỉnh và nhận biết được mọi thứ xung quanh mình, như thể chúng sẽ nói với hắn, như thể, vì giờ đây hắn đang chăm chú đến chúng như vậy, chúng sẽ bắt đầu mang một ý nghĩa nào đó khác với sự thật đơn giản về sự tồn tại của chúng. Private eye – con mắt riêng tư kín đáo. Thuật ngữ này có ba ý nghĩa đối với Quinn. Không những cái âm “ai” của từ eye là trùng với âm của chữ đầu tiên trong từ “investigator” – nhà điều tra – mà nó còn là cái âm của chữ “I” viết hoa, nghĩa là “tôi”, cái nụ sống nhỏ xíu bị chôn vùi trong thân xác của bản ngã đang thở hít này. Đồng thời, con mắt riêng tư kín đáo ấy cũng là con mắt thực thể của nhà văn, con mắt của người nhìn từ trong bản thân mình ra thế giới và đòi thế giới phải lộ diện cho mình thấy. Trong năm năm qua, Quinn đã sống trong gọng kìm của cái thuật ngữ giật gân ấy.

Tất nhiên, đã lâu rồi hắn không còn coi mình là có thật nữa. Nếu giờ đây hắn có sống trong thế giới nào đó, thì đó chỉ là cái cõi tồn tại trong con người tưởng tượng của Max Work. Công việc thám tử của hắn thì nhất thiết phải là thật. Bản chất của loại sách này đòi hỏi phải như vậy. Nếu Quinn đã cho phép mình được biến mất, thì Work  tiếp tục sống trong thế giới của những người khác, và Quinn càng có vẻ tiêu biến đi bao nhiêu thì sự hiện diện của Work trong cái thế giới ấy lại càng vững chắc hơn bấy nhiêu. Trong khi Quinn ngày càng thấy lạc lõng dưới lần da thịt của chính mình, thì Work lại thành dạn dĩ hơn, bặt thiệp hơn, thoải mái tự tin hơn dù ở vào bất kỳ hoàn cảnh nào. Những gì mà Quinn thấy khó khăn thì Work lại cho là chuyện bình thường, và gã cứ thế thoát qua mọi hiểm nghèo trong những cuộc mạo hiểm của mình với một thái độ dễ dàng và phớt tỉnh luôn luôn làm cho kẻ hư cấu nên gã phải kinh ngạc. Cũng không phải đích xác là Quinn muốn trở thành Work, hoặc thậm chí giống như gã, nhưng hắn thấy yên trí khi giả vờ là Work trong lúc viết những cuốn sách ấy, biết rằng nếu muốn thì hắn có thể trở thành Work được ngay, cho dù chỉ là trong tâm tưởng.

Đêm hôm đó, khi cuối cùng hắn thiếp vào giấc ngủ, Quinn đã thử tưởng tượng xem Work sẽ nói gì với kẻ lạ mặt kia qua điện thoại. Trong giấc mơ mà sau này hắn sẽ quên khuấy, hắn thấy mình đơn độc trong một căn phòng, đang bắn vào một bức tường trắng trần trụi bằng một khẩu súng lục.

Đêm hôm sau, Quinn đã bị bất ngờ. Hắn đã tưởng sự việc thế là xong và không nghĩ kẻ lạ mặt kia sẽ gọi lại nữa. Chuyện là thế này, hắn đang ngồi táo bón trên bệ xí, vừa định lấy hơi rặn một lần nữa thì điện thoại reo. Lúc ấy hơi muộn hơn đêm trước một tí, có lẽ chỉ mươi mười hai phút nữa là đến một giờ sáng. Quinn vừa đọc đến chương kể về chuyến đi của Marco Polo từ Bắc Kinh đến Amoy, và cuốn sách vẫn mở để trên lòng trong lúc hắn ngồi trong cái nhà tắm nhỏ xíu. Tiếng chuông điện thoại vang lên như một phiền nhiễu nhức nhối. Hắn không muốn chưa lau chùi gì mà cứ thế tồng ngồng chạy ra chỗ để điện thoại tận đầu bên kia của căn hộ; mặt khác, nếu cứ cái đà táo bón này mà để xong rồi mới chạy ra thì thể nào cũng lỡ. Vậy mà Quinn chẳng muốn động cựa tí nào. Hắn vẫn không ưa gì cái điện thoại, và đã nhiều lần định bỏ không dùng nữa. Cái mà hắn ghét nhất là thói độc tài của nó. Không những nó có quyền quấy nhiễu hắn bất kỳ lúc nào, mà thể nào rồi hắn cũng phải nghe theo lệnh của nó. Lần này thì hắn quyết định phải chống lại. Đến hồi chuông thứ ba thì hắn đã sạch bụng. Hết hồi chuông thứ tư thì hắn đã chùi mình sạch sẽ. Hồi chuông thứ năm thì hắn đã kéo quần lên, ra khỏi buồng tắm và bình thản bước đến chỗ để điện thoại. Hắn nhấc máy ở hồi chuông thứ sáu, nhưng không có ai ở đầu dây bên kia nữa. Người gọi đã gác máy.

Đêm hôm sau, hắn ngóng máy. Nằm dài trên giường, đọc hết bài này đến bài khác trên tờ tin thể thao, hắn đợi người lạ mặt gọi lại lần thứ ba. Thỉnh thoảng, khi bồn chồn không chịu nổi nữa, hắn đứng lên và đi đi lại lại trong căn hộ. Hắn cho chạy một cái đĩa hát – vở nhạc kịch Người trên Cung Nguyệt của Haydn – và nghe hết từ đầu đến cuối. Hắn đợi, và đợi. Đến hai rưỡi sáng thì hắn bỏ cuộc và đi ngủ.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button