Văn học nước ngoài

Nửa Mặt Trời Vàng

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK 

Tác giả : Chimamanda Ngozi Adichie

Download sách Nửa Mặt Trời Vàng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                  

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Đây là một quyển sách phong phú về lịch sử, lấy chiến tranh Biafra làm bối cảnh và bao gồm mấy chủ đề có thể được phân tích. Chúng ta có thể đọc quyển sách này qua chủ đề kỳ thị sắc tộc, tôn giáo, giai cấp trong một quốc gia hay có thể nhìn qua một lăng kính đơn giản hơn, đó là cuộc đời và chuyện tình của hai chị em song sinh trong thời chiến tranh. Tuy nhiên đối với tôi, một độc giả Việt Nam, thì điểm quan trọng nhất trong Nửa Mặt Trời Vàng chính là cuộc nội chiến Biafra có nhiều điểm tương đồng với chiến tranh Việt Nam. Một trong những điểm tương đồng này là, tuy là nội chiến nhưng lại có một hay vài cường quốc “giật dây” phía sau. Cũng giống như chính quyền Pháp đã chia Việt Nam thành ba miền và áp dụng chính sách chia để trị, chính quyền Anh đã chia Nigeria thành ba miền và lợi dụng sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tôn giáo, sắc tộc để chia rẽ nội bộ Nigeria. Để bạn đọc tiện theo dõi cốt truyện lồng vào bối cảnh lịch sử chiến tranh Biafra, tôi xin giới thiệu sơ lược lịch sử hình thành cuộc nội chiến này.

Vào năm 1885, sau cuộc chiến tranh với Napoleon, đế quốc Anh bành trướng sang châu Phi. Năm 1901, Nigeria chính thức nằm dưới sự bảo hộ của Anh. Con sông Niger chảy từ miền Tây bắc của Nigeria gặp sông Benue chảy về hướng Đông nam tạo thành hình chữ “Y” chảy dọc xuống miền Nam, chia Nigeria thành ba miền. Miền Bắc cua Nigeria có diện tích lớn nhất và dân số đông nhất, đa số là người Hausa-Fulani và theo tôn giáo Muslim. Người dân vùng này sinh sống bằng cách khai thác quặng mỏ và buôn bán. Họ tuân phục các vị tiểu vương Hồi giáo gọi là Emir. Các Emir là lãnh tụ cả về tôn giáo lẫn chính trị và áp dụng chế độ chuyên chế. Họ sống cô lập, hạn chế tiếp xúc với ngoại quốc để chống sự xâm nhập của Thiên Chúa giáo. Tước vị và của cải được lưu truyền từ đời cha qua đời con. Càng về sau miền Bắc của Nigeria càng trở nên cô lập hơn, người dân ngày càng nghèo khổ và ít học hơn. Phía Tây Nam của Nigeria, đa số là người Yoruba sinh sống. Chế độ chính trị cũng gần giống như chế độ của người Hausa ở miền Bắc; họ tuân phục những vị tiểu vương Oba nhưng chế độ này ít chuyên chế hơn. Họ có thể thăng tiến trong xã hội nhờ tài nghệ hay của cải. Sự giàu có hay chức vị không bị bắt buộc phải theo truyền thống cha truyền con nối. Người Igbo sống ở vùng Đông nam bao gồm khoảng hơn 600 bộ lạc độc lập, tự trị, và theo chế độ dân chủ. Mọi chuyện quan trọng đều được mang ra thảo luận và bình bầu ở sân làng. Người dân Igbo có quyền tham gia ý kiến vào những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh tồn của chính họ và của bộ lạc. Anh quốc áp dụng chính sách chia để trị, lợi dụng sự khác biệt về phong tục, ngôn ngữ và sự tự hào của ba miền để gây chia rẽ nội bộ. Các tiểu vương Emir nộp thuế cho chính quyền Anh để được bảo vệ chống sự xâm nhập của Thiên Chúa giáo. Vì thế các nhà truyền giáo hoạt động ở khu vực phía Nam của Nigeria. Dân Igbo và Yoruba tiếp cận với nền văn hóa mới của chính quyền bảo hộ Anh. Họ cho con đi học các trường đại học ở nước ngoài nhiều hơn và khuếch trương các hải cảng để giao dịch thương mại. Người Igbo ở vùng Đông nam trở nên giàu có, thịnh vượng và hấp thụ văn hóa Tây phương. Người ta khám phá ra những mỏ dầu lớn ở khu vực sông Niger. Vào những năm 1940 và 1950, người Igbo và Yoruba là những lực lượng tiên phong giành quyền độc lập cho Nigeria. Năm 1960, người Anh trao trả quyền độc lập cho Nigeria. Họ chủ trương thống nhất quốc gia và chia làm các tiểu bang để quản lý. Người miền Bắc của Nigeria e ngại rằng dân Igbo sẽ chiếm thế thượng phong trong việc điều hành chính quyền vì họ có nền học vấn tân tiến, có khuynh hướng cởi mở với Công giáo và Tây phương, do đó cương quyết tiếp tục chia Nigeria làm ba miền như trước. Năm 1965, có một cuộc nổi loạn, khoảng 30.000 người Igbo bị giết và cả triệu người phải chạy loạn.

Tháng Giêng năm 1966, một nhóm sĩ quan trẻ người Igbo đảo chính cướp chính quyền. Tháng Bảy năm 1966, sĩ quan miền Bắc đảo chính lại, chọn Yakubu Gowon, một sĩ quan Công giáo của một bộ lạc nhỏ, lên làm lãnh tụ. Gowon dùng quân đội để cai trị. Người dân chống đối đòi trở lại chế độ dân sự. Cuộc bạo động kéo dài, có khoảng tám đến mười ngàn người Igbo bị giết; cả người miền Bắc sống ở các thành phố miền Đông nam cũng bị sát hại. Tháng Giêng năm 1967, lãnh tụ của ba miền họp mặt ở Aburi ký hiệp ước liên bang nhưng người miền Bắc không đồng ý. Obafemi Awolowo, lãnh tụ của quân đội miền Tây Nam, tuyên bố nếu miền Đông nam rút tên ra khỏi liên bang thì miền Tây Nam cũng rút lui. Chính phủ miền Đông nam không chấp nhận Hiệp ước Aburi. Tháng Năm ngày 26, miền Đông nam tuyên bố ly khai và ngày 30, Chukwuemeka Odumegwu Ojukwu, lãnh tụ lực lượng quân đội miền Đông nam tuyên bố thành lập xứ Cộng hòa Biafra vì lý do người Hausa đã giết người Igbo. Nguyên do chính là vì nhiều mỏ dầu được khám phá ở khu vực miền Nam; trong khi sự phồn thịnh của nền kinh tế Nigeria chủ yếu dựa vào việc khai thác dầu.

Thoạt tiên Lực lượng Quân sự Liên bang xem đây là một cuộc nổi loạn nhỏ, chỉ cần lực lượng cảnh sát là có thể tái hồi trật tự nhưng Biafra đã đánh lui lực lượng cảnh sát. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, lực lượng quân sự của liên bang đã đánh chiếm lại phần lớn lãnh thổ và vào năm 1968, Biafra chỉ còn lại một phần mười lực lượng ban đầu. Tháng Chín năm 1968, quân đội Biafra bị kiệt lực vì thiếu vũ khí. Tháng Sáu năm 1969, chính quyền Nigeria bắt đầu phong tỏa thuốc men và lương thực. Tháng Mười năm 1969, Ojukwu kêu gọi sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc để ngưng chiến. Chính quyền liên bang Nigeria kêu gọi Biafra đầu hàng. Tháng Mười hai, quân đội liên bang cắt Biafra thành hai mảnh. Ojukwu chạy sang Ivory Coast giao quyền lãnh đạo cho Philip Effiong. Tháng Giêng năm 1970, Effiong đầu hàng. Con số người chết vì nạn đói lên đến hơn một triệu.

Chiến tranh và những nỗi buồn do chiến tranh gây ra như chết chóc, tàn phá và đói kém, ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có những điểm giống nhau. Người dân sống trong chiến tranh là người dân bất hạnh. Qua quyển sách này độc giả sẽ nhìn thấy nỗi bất hạnh của người dân sống trong vùng đất đòi độc lập và tự trị Biafra và tôi nghĩ độc giả có lúc sẽ đặt quyển sách xuống, thở dài, đôi khi lau giọt nước trào ra nơi khóe mắt khi liên tưởng đến những đau khổ và sự đối diện với cái chết hằng ngày của người Việt Nam. Chiến tranh là một đề tài rất rộng lớn mà tôi không hiểu biết đủ; lạm bàn có thể gây ngộ nhận. Với vai trò của một người dịch, sau vài tháng đọc từng lời từng chữ của cuốn sách, tôi cảm thấy rất gần gũi và yêu mến các nhân vật mà tôi tin là sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết này, bạn cũng sẽ yêu mến họ.

Người đầu tiên tôi chắc chắn bạn sẽ yêu mến là Ugwu, chú bé nhà quê mười ba tuổi, ít học, mê tín dị đoan, ngô nghê, thần tượng hóa ông chủ và bà chủ của chú là Odenigbo và Olanna. Ugwu thông minh, ham học, được sự bảo bọc và thương yêu của hai vợ chồng Odenigbo-Olanna. Chú cũng yêu thương gia đình chủ như chính gia đình mình. Ugwu bị đẩy vào chiến trận và trưởng thành trong chiến tranh. Chimamanda Ngozi Adichie đã chăm sóc, “vun trồng” kỹ lưỡng nhân vật Ugwu. Ugwu là biểu tượng của Nigeria mà Adichie đã gởi tất cả hy vọng, từ một quốc gia nghèo nàn, kém phát triển về kinh tế và văn hóa sau cuộc nội chiến sẽ trưởng thành, có tiếng nói và chỗ đứng trên thế giới. Đây là nhân vật chính và quan trọng nhất trong quyển sách này; tôi nghĩ là nên để bạn đọc thưởng thức và nhận xét.

Bạn cũng sẽ yêu mến đôi vợ chồng Odenigbo – Olanna. Đây là đại diện cho giới trí thức trẻ của Nigeria lúc bây giờ. Odenigbo là một giảng viên ở Đại học Nsukka. Anh cùng với một nhóm giảng sư và sinh viên đã khởi đầu đòi hỏi được quyền thành lập quốc gia Biafra. Odenigbo, nhà trí thức trẻ tuổi, nhiệt tâm yêu nước, có ý chí cách mạng, có lòng nhân đạo, và là người bạn tốt của Ugwu. Có tài biện luận và yêu chủ nghĩa xã hội, tuy là nhà Toán học, anh dùng hết thì giờ của mình viết báo kêu gọi người dân Nigeria đứng lên đòi quyền độc lập và cải tổ xã hội. Odenigbo yêu rất nồng nàn nhưng cũng dễ sa ngã. Mẹ mất trong chiến tranh, tài trí của anh bị thui chột cũng vì chiến tranh, về phương diện tình yêu và hôn nhân, Odenigbo là một thí dụ điển hình mà khi yêu, người phụ nữ đã đặt kỳ vọng vào tiềm năng của một người đàn ông để rồi sau khi kết hôn, người phụ nữ sẽ nhận ra rằng những kỳ vọng này là ảo vọng. Những điểm đáng yêu ban đầu, về sau trở thành những điều khó chịu. Ban đầu rượu brandy làm Odenigbo hứng chí, ánh mắt long lanh và dễ dàng trở thành nhà hùng biện xuất chúng, chỉ sau vài ly rượu. Về sau, nỗi buồn chiến tranh và cái chết của mẹ biến anh thành người bạc nhược về tinh thần. Rượu trở thành chất độc giết chết khả năng suy nghĩ của anh. Sự phấn đấu không còn, rượu được dùng để khuây khỏa nỗi buồn chiến tranh. Anh phụ lòng yêu thương của Olanna ít nhất là một lần. Còn lần thứ hai, tác giả cố tình nhập nhằng để độc giả muốn hiểu thế nào cũng được.

Olanna, một cô gái trẻ thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội, có nhan sắc của một mỹ nhân ngư. Nhan sắc của cô chinh phục tất cả mọi người từ những đồng nghiệp của Odenigbo như bác sĩ Patel, nhà thơ Okeoma, bác sĩ Nwala anh em họ của Okeoma. Ngay cả Richard, tuy yêu thương Kainene nhưng cũng ngã lòng trước sắc đẹp của nàng. Và cả chú bé Ugwu nhà quê cũng say mê nhan sắc của cô chủ, tuy nhiên sự say mê này mang sắc thái vừa sợ vừa phục một thần tượng. Tuy là một thiếu nữ được hấp thụ nền văn hóa Tây phương, học chương trình Anh từ lúc tiểu học, tốt nghiệp đại học ngành Xã hội học ở London, Olanna được Adichie chọn làm biểu tượng của người phụ nữ Nigeria truyền thống. Một mẫu người vượng phu ích tử, yêu chồng và chăm con, nhân ái với người giúp việc, hòa hợp với láng giềng và bạn bè, vâng lời cha mẹ, chiều chuộng người chị sanh đôi của mình. Là con gái một nhà giàu có, lái xe hơi riêng, được chàng công tử Hausa tên là Mohammed yêu say đắm nhưng Olanna từ chối tình yêu này để yêu một anh giảng viên nghèo thích làm cách mạng. Chiến tranh khiến cuộc sống của nàng trở nên nghèo khó, thiếu thốn đến độ không có cả cháo ăn với cá khô (một món ăn của dân nghèo mà Olanna có dịp chứng kiến ở nhà láng giềng của người cậu khi Olanna đến thăm cậu). Tình yêu của Olanna và Odenigbo là một tình yêu rất bình thường. Bạn đọc sẽ nhìn thấy qua Olanna hình ảnh người mẹ và người vợ Việt Nam trong chiến tranh. Một người phải lo lắng hôm nay ăn gì, phải tìm mua thức ăn ở đâu, và nhất là làm sao chi tiêu cho hợp lý. Người đọc dễ dàng cảm thấy một tình yêu chân thật, say đắm, nồng nàn của đôi uyên ương này. Và cũng qua nhân vật Olanna, người đọc cảm nhận được nỗi sợ hãi của một người dân sống trong bom đạn, hằng ngày phải đối diện với cái chết của người thân yêu và của chính mình. Ugwu, Odenigbo và Olanna là những nhân vật mà người đọc sẽ dễ dàng yêu mến họ. Kainene và Richard cũng đáng yêu nhưng phức tạp hơn. Cái đáng yêu của họ không dễ dàng được nhận thấy bởi vì hai nhân vật này không giống mẫu người đáng yêu truyền thống.

Trong một xã hội da màu đã từng bị đặt dưới sự bảo hộ của chính quyền thuộc địa như Anh và Pháp, người đàn ông da trắng có một vị trí khá cao. Tuy nhiên Chimamanda Adichie đã truất phế cái quyền lực của một người da trắng mà xã hội thuộc địa ưu ái dành cho Richard. Richard là một thanh niên nghèo, mồ côi, sống nhờ tình thương và sự dưỡng nuôi của người bác. Anh đẹp trai, đỏm dáng, dịu dàng, hiền lành đến độ có thể bị xem là nhu nhược. Richard có cái mơ mộng của một nghệ sĩ và không thích đua chen với cuộc đời. Ngay cả cái nghề ký giả của anh cũng do bà bác dàn xếp. Rời Anh quốc để qua Nigeria, Richard có ý muốn thoát ly và tự lập. Anh muốn tìm hiểu bản thân và định hướng cuộc đời mình. Bác Elizabeth dàn xếp cho anh gặp Susan, một phụ nữ nhiều tuổi hơn Richard. Susan ngỏ ý muốn giúp anh có chỗ ở yên tĩnh để anh có thể viết văn. Richard về sống chung với Susan và rất nhanh chóng, cô yêu anh. Tuy không có ý định nhưng vô tình Richard trở thành một “gigolo” hay trai bao của Susan. Richard khám phá nghệ thuật đúc đồng thành bình hoa có cột dây của người Igbo và vì yêu bộ môn nghệ thuật này, anh ở lại Nigeria để nghiên cứu với ý định viết sách về nó. Trong một buổi tiệc Richard đi dự với tư cách người hộ tống Susan, anh gặp Kainene và ngay lập tức anh say mê Kainene bởi vẻ đẹp kỳ lạ và cá tính độc đáo của nàng. Hấp lực của Kainene mạnh đến độ anh chỉ muốn gạt Susan ra khỏi cuộc đời anh. Anh đã không ngần ngại nói dối Susan để mình có thì giờ riêng tiếp tục trò chuyện với Kainene.

Kainene là hiện thân của một phụ nữ mới, đi trước thời đại khoảng chừng 50 năm. Có thể nói hiện nay, số người phụ nữ thật sự nắm quyền lãnh đạo kinh tế và thương mại tuy có nhiều hơn những năm 60 của thế kỷ XX nhưng vẫn còn là thiểu số. Nigeria của những năm 60, người đàn ông là chủ gia đình. Dân Igbo có tục lệ đa thê. Người đàn ông ở gian nhà chính. Mỗi người vợ và con của họ ở trong gian nhà riêng, chung quanh căn nhà chính. Các bà vợ tự trồng rẫy, làm ruộng của mình. Đến bữa ăn họ được chia phiên người nào nấu thức ăn gì và mang đến cho chồng. Họ trọng nam khinh nữ. Tuy nhiên, Kainene vừa tốt nghiệp đại học ở ngoại quốc về đã lập tức nắm quyền quản lý cơ sở thương nghiệp của bố và được ông bố tán dương là có giá trị gấp đôi một người con trai.

Kainene là một cô gái vượt qua những giới hạn mà xã hội Nigeria đã dành sẵn cho phụ nữ. Kainene khẳng định quyền tự do chọn lựa và quyết định cuộc đời mình, cho dù sự quyết định hay chọn lựa của Kainene không được xã hội chấp nhận hay tán thành. Tính tự quyết và tự do trong việc chọn lựa thể hiện qua cách trang điểm, ăn mặc, cách chọn người để yêu và bạn giao du. Ngay cả cái quyết định tối hậu ảnh hưởng đến mạng sống của cô là vượt vòng đai cấm để đi tìm mua thức ăn cho dân tị nạn cũng là một quyết định đơn độc. Kainene không phải là một người quyết định dựa vào sự tán đồng của người chung quanh. Cô có thái độ kiên định của một người lãnh đạo, quyết đi trên con đường đã chọn cho dù phải hy sinh tính mạng.

Độc giả có thể không thích Kainene lúc mới vừa gặp cô. Không thể nói là Kainene đẹp bởi vì cô không có vẻ đẹp mà xã hội của cô đã tạo tiêu chuẩn. Cô có hình dáng khác thường, cao bằng một người đàn ông ngoại quốc, gầy đến độ trông giống như một thanh niên. Tính khí thì kỳ quặc, tô môi son đỏ chóe, hút thuốc phì phèo. Trong cái nhìn của Richard, anh cho rằng cô giống những cô nàng “bồ nhí” của các ông lớn hơn là con gái của một Ông Trùm thầu khoán, tốt nghiệp đại học ở ngoại quốc mới về. Kainene ít nói đến lạnh lùng, hay châm biếm mỉa mai. Thế nhưng người đọc sẽ nhận ra rằng không thể nhìn hình bìa mà đánh giá nội dung của quyển sách. Càng vào sâu trong truyện, Kainene càng để lộ lòng nhân ái, biết suy nghĩ, quyết định đúng đắn. Kainene dùng tài quản lý của mình để săn sóc, nuôi nấng người tị nạn. Cô dùng sự suy xét và quyết đoán để cứu người thanh niên đào ngũ vì đói nên đi trộm khoai và bị dân tị nạn đánh đập. Cô can đảm mạo hiểm vượt tuyến để đi tìm mua thức ăn về nuôi sống mọi người trong trại tị nạn. Cô có thái độ và lòng can đảm của một nhà lãnh đạo đáng kính phục.

Thông thường trong những cuộc tình dị chủng, đa số là người đàn ông da trắng kết hợp với phụ nữ da màu. Trường hợp ngược lại, người đàn bà da trắng kết hợp với đàn ông da màu, ít xảy ra hơn. Rất thường xuyên, người đàn ông da trắng ở cương vị chủ động cung cấp tài chánh, vật chất và bảo vệ người phụ nữ da màu. Người đàn ông da trắng mang người phụ nữ da màu vào trong cái xã hội mà anh ta đã quen thuộc và người phụ nữ như loài cá sống trong nước lạ thường ở cương vị phục tùng. Trong Nửa Mặt Trời Vàng, Adichie đã cấu tạo một môi trường ngược lại. Kainene mang Richard vào thế giới của nàng, một nơi mà nàng có quyền hành và thế lực. Kainene là người che chở và bảo bọc người tình. Chẳng những Adichie đã tước đoạt tất cả sức mạnh và quyền lực của người da trắng trong xã hội da đen bằng cách khắc họa một nhân vật Richard nghèo, không vây cánh, không quyền lực, mà còn cấu tạo ra một Richard đầy thất bại; suốt thời gian ở Nigeria anh đã không xuất bản được tác phẩm nào (một bị thất lạc trong chiến tranh và một bị Kainene đốt bỏ khi cô biết Richard đã ngủ với Olanna). Adichie còn tước đoạt cả quyền làm người đàn ông của Richard bằng cách biến anh thành kẻ bất lực khi lần đầu hai người giao hoan. Tại sao Adichie lại sáng tạo một nhân vật nữ có cá tính rất mạnh và một nhân vật nam có bản tính rất mềm mại, dịu dàng đến độ nhu nhược và cho hai nhân vật này yêu nhau? Tôi nghĩ nên để các bạn tự tìm câu trả lời.

Bạn đọc có thể nhận thấy Richard yêu Kainene say đắm, yêu đến độ tôn thờ và khiếp sợ bản lĩnh của cô. Tuy nhiên khó có thể khẳng định là Kainene yêu Richard. Cô vẫn còn phân vân không biết tình cảm của cô đối với Richard có phải là tình yêu hay không. Lúc cuộc nội chiến Biafra còn trong thời kỳ phôi thai, Kainene đã viết một lá thư ngắn, trong đó cô phân vân: “Có phải tình yêu là cái nhu cầu đặt không đúng chỗ mà hầu như lúc nào em cũng cần có anh bên cạnh? Có phải tình yêu là cái cảm giác an toàn mà em cảm thấy trong sự im lặng của hai đứa mình? Có phải tình yêu là cái cảm giác chúng ta thuộc về nhau, cảm giác có đầy đủ mọi thứ khi chúng ta có nhau?”

Rất có thể nhân vật Richard được Adichie dùng như một phép đòn bẩy để làm nổi bật cá tính của Kainene, để người đọc thấy Kainene là một phụ nữ dám chọn lựa, cho dù đó là một hành động thách thức với xã hội Nigeria thời bấy giờ. Udodi, bạn của Madu, đã nhân cơn say để mạt sát Kainene là chỉ có điếm mới đi cặp với người da trắng. Kainene có lần đã nói với Richard: “Anh đã lầm khi nghĩ là tình yêu không còn chỗ cho những chuyện khác. Rất có thể người ta yêu một cái gì đó nhưng vẫn khinh thị nó”. Nếu không chú ý, người đọc có thể hiểu là Richard với tư cách của một người đàn ông da trắng, đại diện cho giới cầm quyền thực dân, có thể yêu nhưng vẫn xem thường Kainene, một cô gái da đen người thuộc địa. Thật ra, Kainene, một cô nàng trí thức giàu có, quản lý các nhà máy lọc dầu và nhà máy xi măng, mới là người ngấm ngầm khinh thị Richard. Và khi nói như thế, có lẽ từ thâm tâm cô bắt đầu nhận ra cô cũng yêu Richard.

Sự hiện diện của Richard là để người đọc nhận thấy một sự căm ghét chống đối tiêu cực của người Nigeria đối với người Anh được giả trang bằng sự kỳ thị. Richard cố gắng hết sức để được cộng đồng Nigeria tiếp nhận nhưng anh luôn bị tiếp đón lạnh nhạt. Thiếu tá Madu, bạn thân từ thuở thiếu thời của Kainene khinh thị Richard ra mặt, mặc dù Richard luôn luôn tìm cách học hỏi và tiếp nhận nền văn hóa của Phi châu (nói chung) và Nigeria (nói riêng). Anh yêu thích món ăn của người Nigeria trong đó có món xúp ớt, anh thích học hỏi về nghệ thuật, nhờ Ugwu dẫn anh về làng của chú bé để anh có dịp tìm hiểu lễ hội làng. Anh chịu đựng tất cả những bạc đãi và những lời khinh thị của mọi người, kể cả Odenigbo, Okeoma (nhà thơ cũng là bạn thân của Odenigbo), bố mẹ Kainene, Udodi (viên sĩ quan bạn của Madu), và Madu. Tuy thế Richard đã chung vai sát cánh với người Biafra trong cuộc chiến đấu đầy tuyệt vọng. Anh dùng ngòi bút của mình để bênh vực người Biafra, nói lên sự thật và lẽ phải của cuộc chiến Biafra đã bị báo chí Tây phương bóp nghẹt hoặc xuyên tạc. Tình yêu của Richard dành cho Kainene và sự chọn lựa đứng cạnh những người chiến đấu đã khiến mọi người chấp nhận và yêu mến anh như một người Biafra. Và sau đó anh bị chính người Mỹ, cũng da trắng như anh, dè bỉu. Graham Greene trong quyển The Quiet American (Người Mỹ Trầm Lặng) đã ẩn dụ Việt Nam như một người phụ nữ vì thất thế mà phải bán thân. Adiche với sức mạnh của ngòi bút đã ẩn dụ nước Anh chỉ là một thanh niên nhu nhược không bao giờ có thể chiếm hữu hay khuất phục một cô gái Phi châu. Hy vọng trong một ngày gần đây chúng ta sẽ có một hay nhiều nhà văn tìm ra một biểu tượng dành cho các quốc gia đã giày xéo Việt Nam để đáp lại cái ẩn dụ nông cạn của Greene.

Qua quyển sách này Adichie đã vạch ra sự giả dối của những nhà lãnh đạo cuộc chiến Biafra, vị Thủ tướng hô hào chiến tranh mà không có vũ khí, lo củng cố địa vị của mình đến mức không tin cậy các sĩ quan dưới quyền. Và khi biết mình đã hoàn toàn thất bại, nhà lãnh đạo này vẫn lợi dụng lòng tin của dân, đưa họ vào tình thế “tay không bắt giặc”, ngăn cản không cho dân di tản, không mở cửa cho thế giới cứu trợ nhân đạo vì sợ bị tấn công, và cuối cùng tẩu thoát để bảo toàn mạng sống của mình.

Đây là một quyển sách đã nghiên cứu về lịch sử Nigeria rất chu đáo. Độc giả sẽ hoàn toàn bị hấp dẫn bởi những chi tiết sinh động và những diễn biến bất ngờ; có cả những bất ngờ được giữ cho đến phút cuối. Độc giả sẽ ngỡ ngàng một cách thú vị khi nhận ra tác giả của quyển sách có tựa đề “Thế Giới Im Lặng Khi Chúng Tôi Chết”.

ĐỌC THỬ

Chương 1

Ông Chủ có tính hơi tưng tửng; ông ở nước ngoài, đọc sách rất nhiều năm, hay nói chuyện một mình trong văn phòng, chẳng buồn đáp lại lời chào của mọi người, và tóc của ông rậm lắm. Dì của Ugwu hạ thấp giọng nói thế khi hai người đang đi trên đường. “Nhưng ông ấy là người rất tốt bụng”, dì nói thêm. “Miễn là cháu làm việc chăm chỉ, cháu sẽ được ăn no đủ. Có thể hằng ngày cháu còn được ăn thịt”. Dì ngừng lại, phun phèn phẹt, bãi nước bọt rời khỏi miệng dì nghe đánh choét rồi rớt lên bãi cỏ.

Ugwu không tin là người ta có thể ăn thịt hằng ngày, kể cả cái ông chủ mà hắn sắp đến ở chung. Hắn không cãi lại bà dì, vì hắn như bị nghẹn lời bởi háo hức mong đợi, bởi quá bận bịu tưởng tượng đến một cuộc sống mới rất xa làng của hắn. Hai người đi bộ khá lâu, từ khi họ bước xuống bến xe đò, trên lưng và cổ của hắn mặt trời chiều gay gắt cháy. Nhưng hắn không cảm thấy phiền hà chút nào cả. Hắn đã chuẩn bị tinh thần để có thể đi bộ lâu hơn dưới ánh nắng còn thiêu đốt hơn thế nữa. Hắn chưa bao giờ được nhìn thấy những điều hắn chỉ vừa mới “mục sở thị” sau khi hai người qua khỏi cổng trường đại học. Những con đường trải nhựa thật mịn màng, thật bóng láng làm cho hắn thấy thèm muốn nằm áp mặt xuống đường. Hắn sẽ không bao giờ có thể tả cho Anulika, em gái hắn, biết là mấy căn nhà ở đây được sơn màu da trời san sát cạnh nhau như những người đàn ông lịch thiệp ăn mặc sang trọng, và mấy hàng giậu ngăn giữa những căn nhà này được cắt xén phẳng phiu, ngọn của chúng phẳng như cái mặt bàn xung quanh được quấn choàng bằng lá.

Dì hắn đi nhanh hơn, tiếng đôi dép của dì đánh lẹp bẹp trên con đường tĩnh lặng. Ugwu tự hỏi có phải dì cũng cảm thấy nhựa đường dưới chân nóng bỏng hơn và hơi nóng xuyên qua đôi dép mỏng. Hai người đi qua một bảng đề tên phố ODIM, và Ugwu đọc không thành lời từ street, giống như bao lần khác mỗi khi hắn nhìn thấy một chữ tiếng Anh không có nhiều vần. Hắn ngửi thấy một mùi ngọt lịm, lâng lâng, lúc hai người bước vào cổng ngôi nhà, và hắn chắc mẩm mùi này xuất phát từ bụi hoa trắng dính thành từng chùm ở cổng vào. Những bụi cây được xén như những ngọn đồi thon thả. Bãi cỏ xanh biếc. Bướm bay chập chờn.

“Dì nói với Ông Chủ là cháu sẽ học cách làm mọi việc rất nhanh, osiso-osiso”, dì hắn nói. Ugwu gật đầu, vẻ rất chăm chú, mặc dù dì đã dặn đi dặn lại rất nhiều lần, cũng nhiều như dì đã kể cho hắn nghe cái vận may của hắn đã đến như thế nào: Tuần trước, khi dì đang quét hành lang của ban Toán trong trường đại học, dì nghe lỏm thấy Ông Chủ nói ông cần một thằng bé giúp việc trong nhà, dì vội nói ngay là dì có thể giúp ông, trước khi người đánh máy hay là người giao tin có thể đề nghị người của họ.

“Cháu sẽ học thật nhanh, dì ạ”, Ugwu nói. Hắn mê mẩn nhìn cái xe đang đậu trong nhà xe, dải kim loại mỏng dát vòng quanh thân xe màu xanh như một chuỗi đeo cổ.

“Nhớ này, khi nào nghe ông ấy gọi là phải trả lời: Vâng, thưa ông!”

“Vâng, thưa ông!” Ugwu lặp lại.

Hai người đang đứng trước cánh cửa kính. Ugwu tự kìm lòng để không thò tay ra mà sờ vách tường bằng xi măng xem nó có khác cái cảm giác khi sờ vào vách đất căn chòi của mẹ hắn. Cái vách đất vẫn còn lờ mờ in dấu những ngón tay. Trong khoảnh khắc, hắn ước gì có thể trở lại căn chòi của mẹ, dưới hơi mát dịu dàng của mái rơm; hay căn chòi của dì hắn, cái chòi độc nhất trong làng có lợp mái tôn.

Dì gõ nhẹ vào cửa kính. Ugwu có thể nhìn thấy bức rèm trắng đằng sau cửa. “Ai đấy? Vào đi!”, một giọng nói cất lên, bằng tiếng Anh.

Hai người cởi dép trước khi bước vào. Ugwu chưa bao giờ nhìn thấy một căn phòng rộng đến thế. Mặc dù đã có bộ ghế sofa màu nấu xếp theo hình bán nguyệt choán chỗ, mấy cái bàn nhỏ xen kẽ ở hai đầu bộ ghế, cái kệ chất đầy cứng toàn sách là sách, và cái bàn chính giữa có để một bình hoa bằng nhựa màu trắng và đỏ, căn phòng dường như vẫn còn quá trống trải. Ông Chủ ngồi trên một cái ghế bành, mặc áo thun và quần soóc. Ông không ngồi thẳng mà hơi dựa nghiêng người, quyển sách che mặt, dường như ông không để ý là mình vừa mới bảo người ta vào phòng.

“Xin chào ông! Đây là thằng bé”, dì của Ugwu nói.

Ông Chủ nhìn lên. Da ông đen sậm như màu vỏ cây già. Lông ngực và chân của ông có màu đậm hơn, bóng ngời. Ông tháo cặp kính ra. “Thằng bé?”

“Thằng bé giúp việc, thưa ông”.

“Ồ, vâng, bà đưa thằng bé giúp việc đến. I kpotago ya”. Ugwu thấy tiếng Igbo của Ông Chủ rất êm ái. Đó là tiếng Igbo được nhuộm bằng giọng Anh trơn tru, cách nói tiếng Igbo của người quen dùng tiếng Anh.

“Cháu sẽ làm việc chăm chỉ”, dì hắn nói. “Cháu ngoan lắm. Ông chỉ cần nói cho cháu biết cháu phải làm những gì. Cảm ơn ông!”

Ông Chủ trả lời ậm ừ, nhìn Ugwu và dì hắn với một vẻ lơ đãng, như thể sự hiện diện của Ugwu và dì hắn làm ảnh hưởng đến ông, khiến ông khó tập trung để nhớ một chuyện gì đó rất quan trọng. Dì của Ugwu vỗ nhẹ lên vai hắn, thì thào dặn hắn phải cố gắng làm việc cho đàng hoàng rồi quay ra cửa. Sau khi dì đi rồi, Ông Chủ lại đeo kính, cắm mặt vào cuốn sách, dựa người thoải mái hơn, chân duỗi dài. Ngay cả khi ông lật sang trang, mũi ông vẫn chúi vào trang sách.

Ugwu đứng cạnh cửa chờ. Ánh nắng chảy tràn vào cửa sổ, đôi khi, một cơn gió nhẹ lay bức rèm. Căn phòng yên tĩnh, ngoại trừ thỉnh thoảng có tiếng Ông Chủ lật trang giấy nghe sột soạt. Ugwu đứng một hồi lâu trước khi hắn nhích dần, nhích dần về phía kệ sách, như là muốn lẩn trốn vào trong ấy; lát sau, hắn ngồi thụp xuống nền nhà, đong đưa cái túi dệt bằng vải cọ [1] giữa hai đầu gối. Hắn nhìn lên trần nhà, sao mà nó cao tít tắp và trắng đến lóa mắt. Hắn nhắm mắt lại, cố tưởng tượng căn phòng thật rộng với bàn ghế rất xa lạ, nhưng hắn không làm được. Hắn mở mắt, choáng ngợp bởi một điều kỳ diệu hoàn toàn mới toanh, hắn nhìn xung quanh để tin chắc tất cả đều là sự thật. Hắn tưởng tượng đến lúc hắn sẽ ngồi lên bộ ghế sofa, đánh bóng nền nhà đến trơn trượt và giặt mấy tấm rèm mỏng manh.

“Kedu afa gi? Em tên gì?” Ông Chủ hỏi làm hắn giật mình.

Ugwu đứng dậy.

“Em tên gì?” Ông Chủ hỏi lại và ngồi thẳng lưng lên. Ông ngồi đầy cả ghế. Mái tóc dày của ông dựng đứng trên đầu, cánh tay toàn cơ bắp, vai rộng. Trong trí tưởng tượng của Ugwu, Ông Chủ là một người già nua, lụ khụ, nhưng bây giờ hắn bỗng thấy lo ngại là hắn sẽ không thể làm hài lòng cái ông chủ khỏe khoắn và tươi trẻ này, một người có thể đảm đương bất cứ việc gì. Ông ấy có vẻ như không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào cả.

“Ugwu, thưa ông”.

“Ugwu. Em đến từ Obukpa phải không?”

“Từ Opi, thưa ông”.

“Tuổi của em, tôi đoán khoảng từ mười hai cho đến ba mươi”. Ông Chủ nheo mắt. “Có thể mười ba”. Ông nói chữ mười ba bằng tiếng Anh.

“Vâng, thưa ông”.

Ông Chủ lại tiếp tục chúi mũi vào quyển sách. Ông Chủ đọc thêm vài trang và ngẩng lên. “Ngwa, vào bếp đi; trong tủ lạnh chắc phải có món gì em ăn được đấy”.

“Vâng, thưa ông”.

Ugwu rón rén vào trong bếp, từng bước, từng bước một. Khi thấy một vật trắng, cao gần bằng hắn, hắn biết ngay đó là cái tủ lạnh. Dì hắn đã nói cho biết trước. Một cái tủ chứa hơi lạnh, dì ấy nói, để giữ cho thức ăn không bị hỏng. Hắn mở tủ lạnh và thở hắt khi hơi lạnh đột ngột phả vào mặt. Cam, bánh mì, bia, nước ngọt… rất nhiều thứ gói thành từng gói nhỏ và đựng trong hộp thiếc được sắp xếp nhiều tầng có lớp lang, nhưng trên tầng cao nhất là một con gà nướng bóng nhẫy, cả một con gà, chỉ thiếu mỗi cái đùi. Ugwu với tới và sờ vào con gà. Tủ lạnh thở phì phò vào lỗ tai của Ugwu. Hắn sờ con gà lần nữa và liếm ngón tay trước khi xé cái đùi gà còn lại ra. Hắn ăn đến mức trong tay chỉ còn lại mấy mẩu xương đã bị cắn vỡ và mút cẩn thận. Tiếp đó, hắn bẻ bánh mì, một mẩu to đến nỗi nếu có người bà con nào đến thăm, hắn sẽ hí hửng gửi mẩu bánh mì về làm quà, chia phần cho đám anh em. Hắn ăn nhanh chóng, trước khi Ông Chủ có thể vào bếp và thay đổi ý kiến. Ăn xong, hắn đứng cạnh cái chậu rửa bát, cố gắng nhớ lại những lời dì hắn đã nói cho biết trước về cái mà người ta có thể vặn cho nước tuôn ra như suối. Lúc ấy, Ông Chủ bước vào. Ông ấy mới vừa thay cái áo có in hình và quần dài. Mấy ngón chân của ông ló đầu ra khỏi đôi dép da, giống như ngón chân của phụ nữ, có lẽ vì chúng quá sạch sẽ; những ngón chân của một bàn chân luôn đi giày.

“Gì vậy?” Ông Chủ hỏi.

“Thưa ông?” Ugwu ra hiệu chỉ vào cái chậu rửa bát.

Ông Chủ đến gần rồi vặn cái chốt kim loại. “Em nên đi ngó nghiêng quanh nhà và cất túi xách của em vào căn phòng đầu tiên ở hành lang. Tôi đi bộ một chút cho đầu óc thư giãn, i nugo?”

“Vâng, thưa ông”. Ugwu nhìn Ông Chủ đi ra bằng cửa sau. Người ông không cao. Bước chân ngắn và nhanh, hăng hái, khỏe mạnh; ông có vẻ giống Ezeagu, một đô vật nổi danh ở làng của Ugwu.

Ugwu vặn vòi nước, rồi mở, rồi tắt. Mở và tắt lại mở và tắt cho đến khi hắn phá ra cười cái nhiệm màu của nước chảy; thịt gà với bánh mì nằm ấm áp trong dạ dày của hắn. Hắn đi qua phòng khách rồi đến hành lang. Sách nhiều vô số kể, chất đầy trên mấy cái kệ, trên bàn trong ba phòng ngủ, trong chậu rửa mặt và cái tủ nhỏ treo trên tường trong nhà tắm, chất đầy từ nền nhà lên trần nhà trong phòng đọc sách, trong tủ chứa đồ, báo chí cũ chất chồng trong những thùng chứa Coke hay trong những thùng giấy chứa bia thượng hạng. Có nhiều quyển sách được úp xuống, vẫn còn mở ra, có vẻ như là Ông Chủ chưa đọc xong nhưng vội vàng nhảy sang đọc quyển khác. Ugwu cố đọc mấy cái tựa sách, nhưng phần lớn chúng đều quá dài, và rất khó hiểu. Những phương pháp phi tham số. Khảo cứu Phi châu. Chuỗi liên kết vĩ đại của vật thể. Ảnh hưởng của người Norman đối với Anh quốc [2] . Hắn đi rón rén từ phòng này qua phòng khác, bởi vì hắn cảm thấy chân của mình bẩn quá, và khi đi như thế, hắn quyết tâm sẽ làm cho Ông Chủ hài lòng, để được ở trong một ngôi nhà có thịt mà ăn và có nền nhà mát lạnh. Đúng lúc hắn đang thám thính nhà vệ sinh, sờ sờ cái bồn cầu bằng nhựa đen, thì tiếng Ông Chủ vang lên.

“Đi đâu mất rồi, bạn tốt của tôi? [3] “, ông ấy nói bạn tốt bằng tiếng Anh.

Ugwu chạy nhanh ra phòng khách. “Vâng, thưa ông!”

“Em tên gì, nhắc lại xem?”

“Ugwu, thưa ông!”

“Ừ, Ugwu. Nhìn cái này, nee anya, em có biết đây là cái gì không?” Ông Chủ chỉ, và Ugwu nhìn cái hộp kim loại đính đầy chốt vặn trông có vẻ rất nguy hiểm.

“Không ạ”. Ugwu nói.

“Đây là cái radiogram [4] . Nó còn mới và rất tốt. Không phải như mấy cái gramphone cũ mà mình cứ phải lên dây cót, vặn và vặn mãi. Em phải cẩn thận khi ở gần nó. Thật cẩn thận! Không bao giờ để nước bắn vào”.

“Vâng, thưa ông!”

“Tôi đi đánh quần vợt, sau đó đến câu lạc bộ giáo viên”. Ông Chủ nhặt vài quyển sách trên bàn. “Có thể tôi sẽ về muộn. Em cứ ngủ trước nhé”.

“Vâng, thưa ông!”

Ugwu nhìn Ông Chủ lái xe ra khỏi nhà, sau đó hắn đến cạnh cái radiogram, nhìn ngắm thật cẩn thận nhưng không dám sờ vào. Rồi hắn đi vòng quanh nhà, đi lên đi xuống, rờ rẫm những quyển sách, rèm cửa, bàn ghế, bát đĩa. Khi trời tối, hắn bật đèn rồi tự trầm trồ sao cái bóng đèn treo lủng lẳng trên trần nhà sáng quá, nó không rọi bóng dài trên tường như mấy cái đèn dầu dừa ở quê nhà. Mẹ hắn giờ chắc đang nấu bữa tối, giã akpu trong cối đá, hai tay nắm chặt cái chày. Chioke, bà vợ kế của bố có lẽ đang canh chừng nồi canh lõng bõng nước, được để cân bằng trên ba hòn đá, bên trên đống lửa. Mấy đứa nhỏ chắc đang từ suối về, chọc ghẹo lẫn nhau và rượt đuổi nhau dưới mấy cây sa kê [5] . Có lẽ Anulika đang trông chừng tụi nhóc. Bây giờ nó là đứa lớn nhất nhà. Khi đám trẻ con ngồi vòng quanh bếp lửa để ăn tối, con bé sẽ ngăn không cho chúng đánh nhau mỗi khi mấy đứa bé hơn bị giành mấy mẩu cá khô trong canh. Con bé sẽ chờ cho đến khi akpu đã được ăn hết sạch mới chia đều cá cho từng đứa, đứa nào cũng có phần, và con bé sẽ giữ cho mình một phần to nhất, cũng như hắn đã từng làm.

Ugwu mở tủ lạnh, ăn thêm bánh mì và thịt gà, nhanh chóng tọng thức ăn vào mồm trong khi tim hắn đập thình thịch như là đang chạy vậy. Hắn xé thêm một miếng thịt, và rứt cái cánh ra. Hắn nhét miếng thịt vào túi quần trước khi về phòng ngủ. Hắn sẽ để dành cho đến khi nào dì hắn đến thăm và hắn sẽ gửi dì mang về cho Anulika. Có thể hắn cũng sẽ gửi cho Nnesinachi nữa. Như thế thì, may ra, Nnesinachi sẽ để ý đến hắn. Hắn không biết chắc giữa hắn và Nnesinachi có quan hệ họ hàng như thế nào, nhưng hắn biết là hai đứa cùng có chung umunna (huyết thống), do đó không thể kết hôn với nhau. Tuy thế hắn ước gì mẹ hắn đừng có mỗi lần nói đến Nnesinachi là cứ một điều em của con hai điều em của con. Rồi còn nói những câu như: “Đem giúp mẹ chỗ dầu dừa này đến cho mẹ của Nnesinachi, nếu mẹ không có ở đó thì đưa cho em của con”.

Nnesinachi luôn luôn nói chuyện với hắn bằng một giọng hững hờ, mắt con bé nhìn đâu đâu, làm như hắn có mặt ở đây hay không cũng chẳng có gì khác biệt. Đôi khi con bé gọi hắn là Chiejina, tên một người anh họ của hắn nhưng chẳng có nét nào giống hắn cả. Khi hắn nói, “Tôi đây mà”, con bé trả lời, “Tha lỗi cho em, anh Ugwu”, bằng một giọng khách sáo ra vẻ không muốn kéo dài câu chuyện. Nhưng hắn thích được mẹ sai vặt để có thể đến nhà con bé, để có cơ hội thấy con bé cúi xuống, quạt lửa hay băm lá ugu cho vào nồi canh, hay chỉ ngồi bên ngoài nhà trông chừng các em nó, cái áo của con bé xệ thấp xuống đủ cho hắn thấy phần đầu vú của nó. Từ khi chúng bắt đầu nhô lên, hai cái đầu vú nhọn hễu, hắn hay tự hỏi không biết chúng mềm mại hay cứng ngắc như mấy trái ube chưa chín. Hắn thường ước giá mà ngực của Anulika đừng bị lép quá – hắn cứ tự hỏi tại sao lâu quá vú của Anulika không mọc, Anulika cùng tuổi với Nnesinachi mà – để cho hắn có thể rờ vú của Anulika. Anulika chắc là sẽ đánh mạnh vào tay hắn, dĩ nhiên, có khi còn tát tai hắn nữa, nhưng hắn sẽ “đánh nhanh rút gọn” – bóp rồi chạy. Như thế, ít ra hắn cũng biết cái cảm giác ấy sẽ ra làm sao nếu như rốt cuộc, hắn có cơ hội sờ vú của Nnesinachi.

Nhưng hắn lo ngại rằng hắn sẽ không bao giờ được chạm vào chúng, bởi vì bác của Nnesinachi bảo con bé đến Kano học buôn bán. Cuối năm nay con bé sẽ đi ra Bắc, lúc đó đứa em út, mà mẹ con bé đang mang thai, sẽ bắt đầu đi lẫm chẫm. Ugwu muốn tỏ vẻ vui mừng giống như cả nhà đã vui mừng, bởi vì người ta có thể làm được rất nhiều tiền ở miền Bắc; hắn biết có nhiều người đi ra Bắc buôn bán và khi trở về, họ kéo sập mấy căn chòi rồi xây nhà có lợp mái tôn. Hắn sợ, một trong mấy thằng buôn heo mọi ở miền Bắc sẽ dòm ngó con bé, rồi tiếp theo đó hắn sẽ phải nhìn thấy người ta mang rượu dừa đến cho bố con bé và hắn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội chạm tay vào cặp vú ấy nữa. Chúng – đôi vú của con bé – là những hình ảnh được hắn gìn giữ, tơ tưởng trong suốt bao đêm dài tự thỏa mãn bản thân; ban đầu chậm rồi thúc giục hối hả, cho đến khi tiếng rên, bị kìm hãm lại với tất cả cố gắng, bật thoát khỏi miệng hắn. Hắn luôn bắt đầu từ mặt con bé, đôi má căng tròn, hàm răng trắng ngà. Rồi hắn tưởng tượng vòng tay con bé ôm choàng quanh người hắn, thân hình con bé quyện chặt vào hắn. Cuối cùng, hắn để vú của con bé tự chọn hình dáng cho thích hợp; đôi khi chúng căng cứng, quyến rũ hắn cắn ngập răng vào, lúc khác chúng mềm mại đến nỗi hắn sợ sẽ làm con bé đau nếu hắn bóp mạnh tay quá.

Trong một khoảnh khắc, hắn cân nhắc cái chuyện có nên mơ tưởng về con bé đêm nay. Hắn quyết định là không. Không nên làm thế trong đêm đầu tiên ở nhà của Ông Chủ, trên cái giường không có chút gì giống với cái chiếu sợi cọ dệt bằng tay của hắn. Trước hết, hắn lấy tay nhấn nhấn lên tấm nệm nảy tưng và rất mềm. Xong rồi hắn kiểm soát mấy lớp vải phủ trên nệm, không biết là mình phải nằm ngủ trên mấy tấm vải này, hay lột chúng ra, cất đi trước khi ngủ. Cuối cùng, hắn trèo lên giường, nằm bên trên mấy lớp vải, co rúm người như một gút thắt.

Hắn mơ thấy Ông Chủ gọi hắn – Ugwu, bạn tốt! – Khi hắn thức giấc, Ông Chủ đang đứng ở cửa nhìn hắn. Có lẽ, đó không phải là giấc mơ. Hắn lồm cồm bò ra khỏi giường và liếc mắt nhìn mấy cái cửa sổ đã được vén rèm, hoang mang, bối rối. Muộn lắm rồi sao? Tại mấy cái giường quá mềm đã đánh lừa hắn, làm hắn ngủ quên? Thường thường, hắn vẫn thức dậy trước khi gà gáy.

“Chào ông!”

“Rõ ràng có mùi gà nướng ở đây”.

“Xin lỗi ông!”

“Thịt gà đâu rồi?”

Ugwu lính quýnh lôi trong túi quần soóc của hắn ra mấy miếng thịt gà.

“Dân làng của chú mày có ăn trong lúc ngủ không?” Ông Chủ hỏi. Ông ấy mặc cái gì đó giống như áo khoác của đàn bà và lơ đãng xoắn cái thắt lưng ngang hông.

“Thưa ông?”

“Chú mày có muốn ăn thịt gà khi đang ngủ không?”

“Dạ không ạ”.

“Thức ăn sẽ chỉ được dùng ở trong phòng ăn và nhà bếp”.

“Vâng, thưa ông”.

“Nhà bếp và nhà tắm phải được lau chùi sạch sẽ, trong hôm nay”.

“Vâng, thưa ông”.

Ông Chủ quay đi. Ugwu đứng run rẩy giữa phòng, tay vẫn còn xòe ra với mấy mẩu thịt gà. Hắn ước gì không phải đi ngang phòng ăn để vào nhà bếp. Cuối cùng, hắn nhét mấy miếng thịt gà vào trong túi quần, hít một hơi thật sâu, rồi rời phòng. Ông Chủ đang ngồi ở bàn ăn, tách trà được đặt bên một chồng sách trước mặt ông.

“Em có biết người nào giết Lumumba [6] không?” Ông Chủ hỏi, ngước lên từ một tờ tạp chí. “Người Mỹ và người Bỉ. Katanga không có liên hệ gì cả”.

“Vâng, thưa ông”, Ugwu nói. Hắn cầu mong sao Ông Chủ tiếp tục nói, để hắn được nghe giọng nói sang sảng của ông, giọng Anh giàu nhạc điệu trong câu nói Igbo.

“Em là người giúp việc cho tôi”, Ông Chủ nói. “Nếu tôi lệnh cho em ra ngoài và dùng gậy đánh một người đàn bà đang đi ngoài phố, rồi em đánh vào chân bà ta đến chảy máu, thì ai là người phải chịu trách nhiệm, tôi hay em?”

Ugwu nhìn Ông Chủ chăm chăm, lắc đầu, tự hỏi không biết có phải Ông Chủ ngầm ám chỉ mấy miếng thịt gà hay không.

“Lumumba là Thủ tướng của Congo. Em có biết Congo ở đâu không?” Ông Chủ hỏi.

“Dạ không, thưa ông”.

Ông Chủ nhỏm phắt dậy, đi vào phòng đọc. Nỗi sợ vì không biết đầu cua tai nheo thế nào làm mí mắt của Ugwu giật lia lịa. Không biết Ông Chủ có đuổi hắn về nhà vì hắn nói tiếng Anh không thành thạo hay vì để thịt gà trong túi quần qua đêm, hay không biết những chỗ xa lạ mà Ông Chủ nhắc đến? Ông Chủ quay lại với một tờ giấy khổ rộng, ông mở hẳn ra rồi đặt lên bàn ăn, đẩy chồng sách và tạp chí ra chỗ khác. Ông dùng cái bút để chỉ trỏ. “Đây là Trái Đất của chúng ta, mặc dù những người làm bản đồ này quyết định vẽ đè đất của họ lên đất của chúng ta. Nó không có khúc trên cũng không có khúc dưới, em thấy không?” Ông Chủ nhặt tờ giấy lên rồi xếp lại sao cho cạnh này giáp với cạnh kia, để chính giữa trống rỗng. “Trái Đất của chúng ta hình cầu. Nó không có điểm tận cùng. Nee anya, chỗ này toàn là nước, toàn là đại dương, và đây là Âu châu. Còn đây là lục địa của chúng ta, Phi châu. Congo ở ngay chính giữa. Nhích hẳn lên phía trên là Nigeria. Nsukka thì ở chỗ này, về hướng Đông nam. Còn chúng ta ở đây”. Ông gõ gõ cái bút.

“Vâng, thưa ông”.

“Em có đi học không?”

“Lớp Hai căn bản, thưa ông. Nhưng con học nhanh lắm”.

“Lớp Hai? Bao lâu rồi?”

“Lâu lắm rồi, thưa ông. Nhưng con học cái gì cũng nhanh lắm ạ”.

“Tại sao em không đi học nữa?”

“Tại vì năm đó nhà con bị mất mùa, thưa ông”.

Ông Chủ gật gù. “Sao cha em không tìm ai đó hỏi vay tiền đóng học phí?”

“Thưa ông?”

“Cha em đáng lẽ nên vay tiền!” Ông Chủ bỗng nổi cáu, rồi dùng tiếng Anh, “Việc học phải được ưu tiên hàng đầu! Làm sao chúng ta có thể chống lại sự bóc lột nếu chúng ta không có phương tiện giúp chúng ta hiểu thế nào là bóc lột?”

“Vâng, thưa ông!” Ugwu gật đầu lia lịa. Hắn nhất định tỏ ra nhanh trí bởi vì hắn nhìn thấy ánh sáng quắc kỳ lạ trong đôi mắt của Ông Chủ.

“Tôi sẽ ghi tên cho em theo học trường tiểu học dành cho con em của các giáo viên”, Ông Chủ nói, vẫn còn gõ gõ bút vào tờ bản đồ.

Dì của Ugwu có cho biết trước là nếu hắn phục vụ tốt, Ông Chủ có thể sẽ cho hắn đi học trường thương mại. Ở đó, hắn sẽ được học đánh máy và tốc ký. Dì cũng có nói sơ qua về trường tiểu học dành cho con em các giáo viên, nhưng chỉ nói là trường này dành cho đám con cháu của những giảng viên dạy trong trường. Đám trẻ con đi học phải mặc đồng phục màu xanh, tất trắng có viền đăng ten rất tinh xảo, đến nỗi người ta phải tự hỏi tại sao có người lại có thể lãng phí thì giờ với mấy đôi tất như thế.

“Vâng, thưa ông”, hắn nói. “Cảm ơn, thưa ông”.

“Tôi nghĩ chắc em là đứa lớn tuổi nhất trong lớp, bắt đầu lớp Ba với cái tuổi của em”, Ông Chủ nói. “Cách duy nhất để em có thể làm cho bọn trẻ con nể phục là em phải học thật giỏi. Em hiểu không?”

“Dạ hiểu, thưa ông!”

“Ngồi xuống đây, bạn tốt”.

Ugwu chọn cái ghế cách xa Ông Chủ nhất, ngượng ngùng khép chân cho khít lại với nhau. Hắn thích được đứng hơn.

“Có hai đáp án để trả lời cho những câu hỏi của họ về quốc gia của chúng ta: đáp án đúng với sự thật và đáp án mà em phải dùng để được chấm cho đậu. Em phải đọc sách và học cả hai đáp án đó. Tôi sẽ cho em nhiều sách, những sách hay nhất và tốt nhất”. Ông Chủ tạm dừng để nhấp một ngụm trà. “Người ta sẽ dạy em là có một người da trắng tên là Mungo Park đã khám phá ra con sông Niger. Đó là những lời láo toét. Sự thật, dân mình đã câu cá ở cái dòng sông ấy từ bao nhiêu đời nay, trước cả khi ông cố tổ của Mungo Park được sinh ra. Nhưng trong bài thi, em phải trả lời là Mungo Park”.

“Vâng, thưa ông”. Ugwu ước gì cái gã tên là Mungo Park không làm phiền lòng Ông Chủ đến thế.

“Em có thể nói cái gì khác hơn không?”

“Thưa ông?”

“Hát cho tôi nghe một bài xem nào!”

“Thưa ông?”

“Hát một bài. Em biết bài hát nào? Hát!” Ông Chủ tháo kính ra. Chân mày ông nhíu lại, vẻ nghiêm trọng. Ugwu bắt đầu hát một bài hắn từng học được lúc làm việc trên cánh đồng của bố. Trái tim co thắt trong lồng ngực làm hắn đau đớn. “Nzogbo nzogbu enyimba, enyi…”

Lúc đầu, hắn hát bằng giọng thấp nhỏ, nhưng Ông Chủ gõ bút lên bàn và ra lệnh, “Hát to lên!”, vì thế hắn hát to lên. Nhưng Ông Chủ vẫn nói, “Hát to lên!”, cho đến khi hắn hét chứ không phải là hát nữa. Sau khi hắn hát đi hát lại vài lần, Ông Chủ bảo hắn ngừng. “Hay lắm, hay lắm”, ông nói. “Em có biết pha trà không?”

“Dạ không, thưa ông. Nhưng con học nhanh lắm”, Ugwu nói. Việc hát hò vừa xong hình như giúp hắn thoải mái hơn. Hắn thở dễ dàng hơn và tim hắn không còn đập loạn xạ nữa. Hắn tin chắc rằng, Ông Chủ của hắn là một người hơi khùng khùng.

“Thường là tôi hay ăn ở câu lạc bộ giáo viên. Chắc tôi sẽ phải mang thức ăn về nhiều hơn vì giờ có thêm em ở đây”.

“Thưa ông, con có thể nấu ăn được”.

“Em biết nấu ăn?”

Ugwu gật đầu. Hắn đã nhìn mẹ nấu bữa tối rất nhiều lần. Hắn nhóm lửa cho mẹ, hay quạt cho lửa bùng lên khi lửa bắt đầu tàn. Hắn đã bóc vỏ và giã sắn, khoai lang, thổi trấu trong gạo, nhặt bọ rầy trong đậu, bóc hành, giã tiêu. Mỗi khi mẹ hắn lên cơn ho, hắn lại ước gì hắn được nấu ăn, chứ không phải Anulika. Hắn chưa hề thổ lộ với bất cứ ai điều này, kể cả Anulika; con bé đã bảo thẳng là hắn ló mó quanh chỗ đàn bà nấu nướng nhiều quá, và có thể hắn sẽ không bao giờ mọc râu nếu hắn cứ làm thế.

“Thế thì em nấu thức ăn cho chính em”, Ông Chủ nói. “Viết danh sách những cái em cần cho tôi”.

“Vâng, thưa ông”.

“Chắc là em chưa biết đường đi đến chợ đâu, phải không? Tôi sẽ nhờ Jomo chỉ cho em”.

“Jomo, thưa ông?”

“Jomo coi sóc trang trại. Một tuần, ông ấy đến ba lần. Rất vui tính. Tôi từng thấy ông ấy nói chuyện với cây croton [7] “. Ông Chủ ngừng một chút. “Ngày mai ông ấy đến đấy”.

Một lát sau, Ugwu viết danh sách các thứ cần để nấu ăn và đưa cho Ông Chủ.

Ông Chủ đăm đăm nhìn tờ danh sách một lúc. “Tôi nghĩ ở trường học, người ta sẽ dạy em cách dùng nguyên âm nhiều hơn”.

Ugwu không thích cái vẻ buồn cười ngồ ngộ trên mặt Ông Chủ. “Mình cần gỗ, thưa ông”, hắn nói.

“Gỗ?”

“Để con có thể sắp xếp sách của ông, thưa ông”.

“Ồ, đúng rồi, giá sách. Tôi nghĩ mình có thể gắn thêm vài cái giá sách ở chỗ nào đó. Ngoài hành lang chẳng hạn. Tôi sẽ bàn với người ở ban Lao động”.

“Vâng, thưa ông”.

“Odenigbo. Gọi tôi là Odenigbo”.

Ugwu nhìn ông trân trối, vẻ ngờ vực. “Ông?”

“Tên tôi không phải là Ông. Gọi tôi là Odenigbo”.

“Vâng, thưa ông”.

“Odenigbo là tên thường gọi của tôi. Ông chỉ là cách xưng hô, một cách gọi. Sau này, em cũng có thể trở thành Ông”.

“Vâng, thưa ông… Odenigbo”.

Ugwu thích dùng chữ ông hơn, cái quyền lực giòn giã đằng sau chữ ấy, và vài hôm sau khi hai người ở ban Lao động đến để gắn mấy kệ sách ở hành lang, hắn nói với họ là họ phải chờ cho đến khi “Ông” về, tự hắn không thể ký tên vào cái tờ giấy trắng đầy những chữ đánh máy. Hắn dùng chữ Ông một cách hãnh diện.

“Hắn là một trong mấy đứa giúp việc nhà quê”, một người trong đám nói một cách khinh thị; Ugwu nhìn mặt gã, miệng lầm bầm rủa gã và con cái, gia đình của gã bị tiêu chảy suốt đời. Khi hắn sắp xếp sách vở của Ông Chủ, hắn tự hứa với mình, suýt nữa đã nói thành tiếng, là hắn sẽ học cách ký tên vào những mẫu đơn hay giấy tờ.

Trong những tuần kế tiếp, hắn xem xét mọi ngóc ngách của ngôi nhà, hắn cũng phát hiện ra là ong làm tổ trên cây điều, và bướm tụ về sân trước vào lúc mặt trời rực rỡ nhất, đồng thời hắn cẩn thận ghi lại nếp sinh hoạt của Ông Chủ. Mỗi buổi sáng, hắn nhặt tờ Daily Times và Renaissance mà người bán báo bỏ trước thềm nhà, rồi đặt mấy tờ báo lên bàn, bên cạnh trà và bánh mì. Hắn rửa chiếc xe Opel trước khi Ông Chủ ăn sáng xong, và sau khi Ông Chủ đi làm về, hắn lau xe lúc ông nghỉ, trước khi ông lái xe đến sân quần vợt. Hắn bước thật nhẹ nhàng những khi Ông Chủ rút vào phòng nghiên cứu hàng giờ liền. Khi Ông Chủ đi đi lại lại trong hành lang, nói to, hắn chuẩn bị nước nóng để pha trà. Hắn kỳ cọ nền nhà mỗi ngày. Hắn lau cửa sổ cho đến khi chúng lấp lánh trong nắng chiều, chú ý từng khe nứt nhỏ xíu trong bồn tắm, đánh bóng mấy cái đĩa con mà hắn đựng hạt kola để đãi bạn của Ông Chủ. Ngày nào cũng có ít nhất hai người ở phòng khách; cái radiogram được mở rất nhỏ để nghe tiếng nhạc như tiếng sáo, nhỏ đủ để chỉ có tiếng nói, cười và tiếng ly tách chạm vào nhau lanh canh vọng đến tai của Ugwu khi hắn ở trong bếp hay khi hắn là quần áo cho Ông Chủ.

Hắn muốn được làm thêm, muốn tạo thêm nhiều lý do để Ông Chủ thấy cần phải giữ hắn lại làm việc; vì thế, có một buổi sáng, hắn là cả tất của Ông Chủ. Đôi tất sọc màu đen không nhăn nheo, nhưng hắn nghĩ chúng sẽ có vẻ tươm tất hơn nếu được là cho thẳng. Cái bàn là kêu xèo xèo khi hắn nhấc lên, hắn thấy phân nửa chiếc tất dính vào bề mặt bàn là. Hắn chết lặng. Ông Chủ đang ngồi ở bàn ăn; ông vừa ăn sáng xong và sẽ vào phòng bất cứ lúc nào để đi giày tất, lấy giấy tờ trên kệ, đi làm. Ugwu muốn giấu đôi tất dưới ghế rồi phóng vào tủ quần áo lấy đôi khác nhưng chân của hắn không chịu di chuyển. Hắn đứng chết trân với chiếc tất bị cháy và biết rằng Ông Chủ sẽ nhìn thấy mình ở tư thế này.

“Chú mày là cả tất à?” Ông Chủ hỏi. “Ngốc ơi là ngốc”. Câu ngốc ơi là ngốc thoát ra khỏi miệng ông nghe như tiếng nhạc.

“Xin lỗi ông! Xin lỗi, thưa ông!”

“Tôi đã bảo em đừng gọi tôi bằng ông”. Ông chủ cầm tài liệu. “Muộn rồi!”

“Thưa ông, con mang đôi tất khác cho ông nhé?” Ugwu nói. Nhưng Ông Chủ đã xỏ giày, không đi tất, và lật đật chạy. Ugwu nghe ông đóng cửa đánh sầm rồi tiếng khởi động xe. Ngực hắn nặng như đeo đá. Hắn không biết tại sao hắn lại là tất, tại sao hắn không chỉ là bộ âu phục safari [8] mà thôi. Chắc là ma xui quỷ khiến thế nào ấy chứ. Chắc là thế rồi! Lũ ma quỷ đó rình rập tất cả mọi nơi. Bất cứ lúc nào hắn cảm sốt, hay lúc hắn trèo cây ngã, mẹ hắn thường chườm dầu okwuma lên người hắn, mồm thì cứ lầm bầm suốt, “Chúng ta sẽ xua đuổi chúng đi. Bọn chúng không đời nào thắng được”.

Hắn đi ra sân trước, qua mấy hòn đá nằm san sát nhau trên nền cỏ được cắt xén cẩn thận. Lũ tà ma không thể nào thắng được. Hắn sẽ không để cho chúng thắng. Có một khoảng đất trống ở chính giữa sân cỏ, trông như một hòn đảo nhỏ giữa biển cỏ xanh, có một cây dừa nhỏ đứng đó. Ugwu chưa bao giờ nhìn thấy một cây dừa thấp và có lá xòe ra cân đối đến thế. Cây dừa không có vẻ đủ khỏe mạnh để cho quả hay hữu dụng, cũng giống như mọi cây cối ở đây. Hắn nhặt một hòn đá và ném ra xa. Đất đai ở đây bị lãng phí quá độ. Trong làng của hắn, người ta trồng trọt ở tất cả những khoảnh đất nhỏ tí tị tì ti quanh quanh chỗ ở của họ và chỉ trồng những thứ có lợi ích thiết thực như rau và gia vị. Bà của hắn không cần phải trồng arigbe mà bà yêu thích nhất, vì chúng mọc hoang ở khắp nơi. Bà thường nói arigbe làm trái tim người đàn ông trở nên dịu dàng. Bà là người thứ hai trong số ba bà vợ, vì thế bà không có một chỗ đứng đặc biệt như người vợ cả hay là người vợ cuối cùng. Trước khi mở miệng xin chồng bất cứ cái gì, bà kể lại với Ugwu, bà đều nấu cháo khoai lang cay với arigbe. Bà vẫn luôn luôn được toại nguyện. Có lẽ dùng cách này cũng sẽ chiếm được lòng Ông Chủ.

Ugwu đi lòng vòng tìm arigbe. Hắn nhìn vào giữa đám hoa màu hồng, dưới mấy cây điều có tổ ong treo trên một cành cây, cây chanh có bầy kiến đen bò lên bò xuống. Mấy trái đu đủ chín bị chim mổ thủng thành những lỗ to. Nhưng mặt đất trống trơn, không có bất kỳ loại rau thơm nào; Jomo nhổ cỏ rất cẩn thận, sạch sẽ, không một cây cỏ nào có thể mọc hoang ở đất này.

Lần đầu tiên hai người gặp nhau, Ugwu chào Jomo. Jomo gật đầu đáp lại rồi tiếp tục làm việc, chẳng nói chẳng rằng. Ông ta nhỏ thó, thân hình khô cứng và nhăn nheo, răn rúm đến nỗi Ugwu có cảm tưởng ông là người cần được tưới nước hơn là đám cây cỏ mà ông đang tưới bằng một cái bình kim loại. Cuối cùng, Jomo ngẩng lên nhìn Ugwu. “Afa m bu Jomo”, ông ấy tự giới thiệu, làm như Ugwu không biết tên ông. “Có nhiều người gọi tôi là Kenyatta, gọi theo tên một người rất nổi tiếng ở Kenya. Tôi là thợ săn”.

Ugwu không biết phải trả lời thế nào vì Jomo nhìn thẳng vào mắt hắn như chờ Ugwu kể một thành tích nào đó của bản thân.

“Ông săn loại thú nào?” Ugwu hỏi. Mặt Jomo rạng rỡ hẳn lên. Dường như đây chính là câu hỏi mà ông chờ được nghe, rồi ông bắt đầu kể chuyện đi săn. Ugwu ngồi lên bậc thềm dẫn ra sân sau, lắng nghe. Ngay từ ngày đầu tiên, hắn đã chẳng tin chuyện của Jomo kể – đánh nhau bằng tay không với mấy con báo, hay giết chết hai con khỉ bằng một phát đạn – nhưng hắn thích nghe những chuyện như thế. Hắn còn chuyển việc giặt đồ của Ông Chủ sang buổi khác, để những hôm Jomo đến, hắn có thể ngồi ngoài sân xem ông làm việc. Jomo di chuyển thật chậm chạp, một sự chậm chạp cố ý. Ông làm tất cả những việc như cào cỏ, tưới nước, trồng cây với một vẻ hiểu biết đầy nghiêm trang. Đang xén cây cảnh, ông có thể ngẩng lên và nói, “Thịt ấy ngon lắm đấy”, thế rồi ông đến lấy cái túi bằng da dê buộc đằng sau xe đạp của ông, lục lọi trong túi để tìm cái giàn ná.

“Đừng có đến gần cái túi của tôi những lúc tôi không có mặt ở đây”, ông bảo Ugwu. “Chú mày có thể bắt gặp cái đầu của ai đó đấy”.

Ugwu cười như nắc nẻ nhưng cũng không hoàn toàn nghi ngờ lời nói của Jomo. Hắn ao ước ngày hôm nay Jomo sẽ đến. Jomo là người tốt nhất mà hắn có thể hỏi về arigbe – và còn quan trọng hơn nữa, để hỏi xem làm cách nào cho Ông Chủ nguôi giận.

Hắn ra khỏi nhà, nhìn qua hàng cây bên đường cho đến khi thấy đống lá rơi đầy, phủ kín đám rễ dưới gốc phi lao [9] . Hắn chưa bao giờ ngửi thấy mùi gì thật sắc, đậm, nồng giống như mùi của arigbe trong những món ăn nhạt phèo mà Ông Chủ mang về từ câu lạc bộ; hắn sẽ nấu món thịt hầm với gia vị này, mời Ông Chủ ăn với cơm, sau đó sẽ năn nỉ ông. Xin đừng đuổi con về làng, thưa ông. Con sẽ làm thêm giờ để hoàn lại đôi tất bị cháy. Con sẽ kiếm tiền để đền. Hắn chưa biết chính xác có thể làm việc gì để có tiền đền cho đôi tất nhưng hắn sẽ nói với Ông Chủ dự định của hắn.

Nếu arigbe có thể làm dịu lòng Ông Chủ, may ra hắn sẽ được trồng loại cây này và một số loại gia vị khác ở sân sau. Hắn có thể nói với Ông Chủ, hắn sẽ làm mảnh vườn này trước khi vào học. Bởi vì bà hiệu trưởng nói hắn không thể vào học giữa chừng. Có thể hắn nuôi nhiều hy vọng quá. Mơ mộng một mảnh vườn trồng rau thơm để làm gì nếu Ông Chủ sẽ đuổi việc hắn, nếu Ông Chủ không tha thứ cho việc hắn làm cháy đôi tất? Hắn đi nhanh vào trong bếp, đặt mớ arigbe lên bàn bếp, rồi lấy gạo.

Mấy tiếng đồng hồ sau, hắn cảm thấy ruột gan như bị thắt lại khi bắt đầu nghe thấy tiếng xe của ông: tiếng bánh xe nghiến lên sỏi và tiếng máy xe rung nhẹ trước khi đỗ lại trong ga ra. Hắn đứng cạnh nồi thịt hầm, khuấy nhẹ, cầm thìa thật chặt, chặt như là cái cảm giác thắt chặt trong bao tử hắn vậy. Lẽ nào Ông Chủ lại đuổi hắn ra khỏi nhà trước khi hắn kịp mời Ông Chủ món ăn hắn nấu? Hắn sẽ phải giải thích như thế nào với người trong làng?

“Xin chào, thưa ông… Odenigbo”, hắn nói, trước lúc Ông Chủ bước vào bếp.

“Ừ, ừ”, Ông Chủ nói. Ông ôm một đống sách trước ngực bằng một tay, tay kia xách cặp. Ugwu chạy vội đến để đỡ lấy chồng sách. “Thưa ông? Ông có ăn ngay bây giờ không?” Hắn hỏi bằng tiếng Anh.

“Ăn gì?”

Ruột gan của Ugwu thắt chặt hơn. Hắn sợ dạ dày của hắn sẽ vỡ bung lúc hắn cúi xuống đặt chồng sách lên bàn. “Món thịt hầm, thưa ông”.

“Thịt hầm?”

“Vâng, thưa ông. Món thịt hầm rất ngon”.

“Vậy thì tôi ăn thử”.

“Vâng, thưa ông!”

“Gọi tôi là Odenigbo!” Ông Chủ hơi gắt giọng trước khi đi tắm.

Sau khi Ugwu dọn thức ăn, hắn đứng bên cạnh cửa bếp, nhìn Ông Chủ xúc đầy một nĩa cơm và thịt hầm, xúc thêm một miếng nữa, rồi nói vọng ra, “Ngon tuyệt, bạn tốt”.

Ugwu xuất hiện đằng sau cánh cửa. “Thưa ông? Con có thể trồng rau thơm trong một khoảnh vườn được không? Để có thể nấu thịt hầm như thế này”.

“Một khoảnh vườn?” Ông Chủ ngừng để nhấp một ngụm nước và lật một trang nhật ký. “Không, không được! Bên ngoài là lãnh thổ của Jomo, bên trong là của em. Phân phối lao động, bạn tốt. Nếu mình cần rau thơm, mình sẽ nhờ Jomo lo chuyện ấy”. Ugwu yêu vô cùng cái âm vang của câu Phân phối lao động, bạn tốt, bằng tiếng Anh.

“Vâng, thưa ông”, hắn nói, mặc dù hắn đã thầm chọn chỗ tốt nhất, thích hợp nhất để trồng rau thơm, gần căn phòng dành cho người giúp việc [10] , nơi mà Ông Chủ chưa bao giờ đặt chân đến. Hắn không đủ tin cậy để có thể giao vườn rau cho Jomo. Hắn sẽ tự tay chăm sóc vườn rau khi Ông Chủ không ở nhà. Với cách này, arigbe của hắn, loại rau thơm của sự tha thứ, sẽ không bao giờ thiếu. Mãi đến tối hôm ấy hắn mới nhận ra là Ông Chủ đã quên bẵng chuyện đôi tất bị cháy từ lúc nào, trước cả khi về nhà.

Ugwu cũng biết thêm một số điều khác. Hắn không phải là một thằng bé giúp việc bình thường; thằng bé giúp việc của ông bác sĩ Okeke nhà bên không được ngủ trên giường ở trong phòng mà phải ngủ trên nền nhà bếp. Thằng bé giúp việc ở cuối đường Ugwu đi chợ cũng không có quyền quyết định nấu món ăn gì, nó nấu những món mà người ta bảo. Ông chủ hay bà chủ của chúng không đưa sách cho chúng và bảo, “Quyển sách này hay lắm, rất là tuyệt vời”.

Phần lớn các câu trong mấy quyển sách ấy Ugwu đều không hiểu nhưng hắn cố ý chứng tỏ là hắn có đọc. Hắn cũng không hiểu hết những câu chuyện mà Ông Chủ và bạn bè nói với nhau nhưng hắn cũng cứ lắng nghe; như chuyện thế giới cần phải tích cực hơn trong vụ người da đen bị giết ở Sharpeville [11] , hay là cái máy bay do thám bị bắn rơi ở Liên Xô thì đáng đời cho quân Mỹ, hay De Gaulle [12] rất vụng về ở Algeria, hay là Liên Hiệp Quốc sẽ chẳng bao giờ loại trừ Tshombe [13] ở Katanga [14] . Thỉnh thoảng Ông Chủ đứng dậy nâng ly và lên giọng – “Chúc mừng người Mỹ da đen can đảm đã mở đường vào trường đại học của tiểu bang Mississippi!” [15]. “Chúc mừng Ceylon [16] và người nữ Thủ tướng đầu tiên trên thế giới”. “Chúc mừng Cuba đã thắng Mỹ bằng cách gậy ông đập lưng ông!” – và Ugwu lắng nghe một cách sung sướng tiếng chai bia chạm lanh canh vào thành ly, tiếng ly cụng ly, và tiếng chai cụng vào chai.

Cuối tuần, Ông Chủ có nhiều bạn bè đến chơi, Ugwu mang nước uống cho khách, đôi khi Ông Chủ giới thiệu hắn – bằng tiếng Anh, dĩ nhiên. “Ugwu lo những việc vặt trong nhà giúp tôi. Chú bé này thông minh lắm”. Ugwu vẫn im lặng, tiếp tục mở nút chai bia và Coke, cảm giác ấm nóng của niềm tự hào lan tỏa từ đầu ngón chân lên dần phía trên. Hắn đặc biệt thích khi Ông Chủ giới thiệu hắn với người nước ngoài, như ông Johnson, người Caribbean; Giáo sư Lehman, người hay nói lắp, da trắng, có giọng nghẹt mũi đến từ nước Mỹ với đôi mắt xanh thắm, màu của lá non. Ugwu hơi sợ khi gặp ông này lần đầu, vì hắn luôn tưởng tượng là chỉ quỷ sứ mới có cặp mắt mang màu xanh của lá.

Rất nhanh chóng, hắn nhận biết khách quen thường đến và mang nước uống của họ ra trước khi Ông Chủ bảo. Ông bác sĩ Patel, người Ấn Độ, hay uống bia Golden Guinea pha với Coke. Ông Chủ gọi ông ta là Ông Đốc. Bất cứ khi nào Ugwu mang hột kola ra, Ông Chủ nói, “Ông Đốc, ông nên biết hột kola không hiểu tiếng Anh”, trước khi ông ta tiếp tục cầu nguyện bằng tiếng Igbo hay là làm dấu thánh trên hột kola. Mỗi lần như thế bác sĩ Patel lại cười vang, có vẻ hể hả lắm, người dựa ngửa vào trong ghế sofa và nhấc cặp giò ngắn tũn của ông lên, làm như đó là một câu nói đùa thú vị ông mới nghe lần đầu. Sau khi Ông Chủ tách hột kola và chuyền cái đĩa đựng kola đi đủ một vòng, bác sĩ Patel, bao giờ cũng thế, nhón lấy một hột và bỏ vào túi áo; Ugwu chưa từng thấy ông ăn kola bao giờ, dù chỉ một lần.

Có ông giáo sư tên Ezeka, giọng rất khàn, nói nhỏ như thì thầm. Ông ấy luôn luôn cầm ly, giơ lên ngang tầm mắt và rọi qua ánh sáng để biết chắc là Ugwu rửa ly sạch sẽ. Đôi khi ông tự mang rượu gin đến. Lần khác ông đòi uống trà rồi tiếp tục kiểm tra bát đường và hộp sữa, miệng lẩm nhẩm, “Khả năng của vi trùng rất là phi thường”.

Còn có một anh chàng tên là Okeoma, người đến thường xuyên nhất và ở lâu nhất. Anh ta nhìn có vẻ trẻ hơn các vị khách khác, luôn luôn mặc một cái quần soóc, đầu tóc bù xù với đường ngôi lệch rẽ cao hơn đường ngôi của Ông Chủ. Tóc anh ta có vẻ thô và rối, không giống như tóc Ông Chủ; hình như Okeoma không thích chải đầu. Okeoma uống Fanta. Có mấy buổi tối, Okeoma trình diễn thơ, tay ôm một xấp giấy, và Ugwu đứng nhìn từ chỗ cửa bếp để thấy tất cả những người khách khác đang xem anh ta đọc thơ, mặt họ như đang hóa đá, tưởng chừng họ không dám thở. Sau đó, Ông Chủ vỗ tay và nói, giọng rổn rảng, “Tiếng nói của thế hệ chúng ta!”; tiếng vỗ tay kéo dài mãi cho đến khi Okeoma phải gắt lên, “Đủ rồi!”

Và còn có cô Adebayo, cũng uống brandy giống Ông Chủ và không giống bất cứ những gì mà Ugwu có thể tưởng tượng về một nữ giảng viên đại học. Dì của Ugwu có kể sơ về mấy bà giáo dạy đại học. Dì phải biết chứ, bởi vì dì làm lao công cho ban Giáo sư Khoa học ban ngày và chạy bàn trong câu lạc bộ giáo viên ban đêm. Thỉnh thoảng, các nhà thuyết trình thuê dì lau chùi nhà cửa cho họ. Dì nói mấy bà giáo trưng hình của họ thời còn đi học ở Ibadan [17] , Anh và Mỹ trên giá sách. Bữa sáng, họ ăn trứng không được luộc chín quá, lòng đỏ trứng phải vẫn còn rung rinh; họ đội tóc giả được kéo thật thẳng tung bay theo bước chân, và mặc những cái váy maxi dài phủ mắt cá chân. Có lần dì kể chuyện có một cặp đi dự tiệc cocktail ở câu lạc bộ. Hai người bước ra khỏi một chiếc xe Peugeot 404 rất xịn, người đàn ông mặc bộ vét màu kem, người đàn bà mặc váy dài xanh lá cây. Tất cả mọi người đều chăm chú ngắm cặp này, đang đi tay trong tay, bỗng dưng có một cơn gió mạnh thổi bay bộ tóc giả của người đàn bà. Đầu bà ta trọc lốc. Người ta dùng lược hấp nóng để chải tóc cho thẳng, dì hắn giải thích, tại vì họ muốn giống người da trắng, cho dù mấy cái lược nóng đó làm cháy tóc của họ.

Ugwu đã từng tưởng tượng đến người đàn bà trọc đầu này, đẹp, với cái mũi thẳng đứng, chứ không tẹt dí như loại mũi hắn thường nhìn thấy. Hắn tưởng tượng đến một người phụ nữ hiền hậu, duyên dáng, người mà từ cái nhảy mũi, cách cười, cách nói của họ cũng nhẹ nhàng, mềm mại như lông tơ trên da của con gà. Nhưng cái bà đến thăm Ông Chủ, mấy người mà hắn gặp ở ngoài chợ và trên đường phố thì khác hẳn. Phần lớn họ đội tóc giả (tóc được thắt thành bím, hay được bện thêm chỉ vào trong tóc), nhưng họ không mảnh mai, dịu dàng như lá cỏ. Họ đều thuộc loại to mồm. Và người to mồm nhất là cô Adebayo. Cô không phải là người Igbo; Ugwu biết vậy nhờ tên của cô, ngay cả nếu như hắn không tình cờ gặp cô với người đầy tớ gái ở chợ và nghe họ nói với nhau bằng tiếng Yoruba nhanh đến nỗi hắn không thể hiểu được. Cô ấy bảo hắn chờ, cô sẽ cho hắn đi ké về trường đại học, nhưng hắn từ chối và nói là hắn còn nhiều thứ phải mua và hắn sẽ gọi taxi để về, mặc dù lúc đó hắn đã mua hàng xong xuôi. Hắn không muốn đi nhờ và đi chung xe với cô, hắn không thích cái cách cô lên giọng, giọng cô át cả giọng của Ông Chủ trong phòng khách, đầy thách thức và muốn gây gổ. Hắn thường phải tự ghìm lại để không nói vọng ra từ trong bếp, bảo cô câm mồm đi, nhất là khi cô gọi Ông Chủ là nhà ngụy biện. Hắn không biết nhà ngụy biện nghĩa là gì, nhưng hắn không thích cô gọi Ông Chủ như thế. Hắn cũng không thích cái cách cô nhìn Ông Chủ. Ngay cả khi một người nào khác đang nói và đáng lẽ cô phải tập trung vào người ấy, mắt của cô vẫn cứ dán vào Ông Chủ. Có một buổi tối thứ Bảy, Okeoma làm rơi một cái ly và Ugwu vào để thu dọn mảnh vỡ nằm vương vãi trên nền nhà. Hắn cứ làm việc từ từ, rề rà để được nghe câu chuyện hai người nói với nhau, rõ hơn và cũng dễ hiểu hơn cách Giáo sư Ezeka nói. Ở trong nhà bếp thì hầu như không thể nghe rõ người ta nói những gì.

“Chúng ta nên có một tổ chức Liên hiệp Phi châu [18] lớn mạnh hơn để hưởng ứng, cổ vũ những gì đang diễn ra ở Nam Mỹ, thật đấy…” – Giáo sư Ezeka nói.

Ông Chủ ngắt lời. “Ông nên biết, Chủ nghĩa Liên hiệp Phi châu, trên căn bản là quan niệm của người Âu châu”.

“Ông đang lẩn tránh không trả lời trực tiếp”, Giáo sư Ezeka nói và lắc đầu, vẫn cái cung cách kẻ cả, bề trên như thường lệ.

“Có thể đó là quan niệm của người Âu châu”, cô Adebayo nói, “nhưng nhìn xa hơn, chúng ta đều cùng một chủng tộc”.

“Thế nào là nhìn xa hơn?” Ông Chủ hỏi. “Bằng cách nhìn xa hơn của người da trắng? Cô không thấy là tất cả chúng ta hoàn toàn khác nhau, chỉ trừ lòng trắng của con mắt?” Tiếng của Ông Chủ to dần lên; Ugwu từng để ý, cứ đến ly brandy thứ ba là ông bắt đầu cầm ly khua khua, rướn người nghiêng về phía trước cho đến khi ông chỉ ngồi ghé ở mép của ghế bành. Khi đêm đã khuya, Ông Chủ đã đi ngủ, Ugwu ngồi vào cái ghế bành này rồi tưởng tượng mình nói tiếng Anh rôm rả, nói như mê hoặc những người khách tưởng tượng, dùng những chữ như trao quyền độc lập và Liên hiệp Phi châu, hắn cố luyện giọng cho giống với giọng của Ông Chủ, và hắn cứ đổi thế ngồi, đổi mãi cho đến khi hắn cũng ngồi ra mép của cái ghế bành.

“Dĩ nhiên là chúng ta đều như nhau, chúng ta đều bị người da trắng đô hộ, đó là đặc điểm chung của chúng ta”, cô Adebayo lạnh lùng nói. “Chủ nghĩa Liên hiệp Phi châu là câu trả lời thích hợp nhất”.

“Dĩ nhiên, dĩ nhiên, nhưng theo tôi, cái nền tảng căn bản, đặc thù để nhận biết người Phi châu chính là bộ lạc của họ”, Ông Chủ nói. “Tôi là người Nigeria vì một gã da trắng sáng tạo ra cái tên Nigeria rồi cho tôi cái tông tích ấy. Tôi đen bởi vì một anh da trắng xây dựng khái niệm màu đen để làm sao nổi bật sự khác biệt với cái màu trắng của hắn. Nhưng tôi là người Igbo trước khi người da trắng đến xứ này”.

Giáo sư Ezeka khịt mũi và lắc đầu, hai cái chân bắt tréo. “Nhưng ông bắt đầu nhận biết ông là người Igbo là nhờ người da trắng. Cái ý tưởng Liên hiệp Igbo hình thành chỉ để đương đầu với sự thống trị của người da trắng. Ông phải thấy rằng bộ lạc, ngày nay cũng như thời thực dân, là sản phẩm của một quốc gia và chủng tộc”. Giáo sư Ezeka lại bắt tréo chân.

“Cái ý tưởng Liên hiệp Igbo đã xuất hiện rất lâu, trước khi người da trắng có mặt”. Ông Chủ hét to. “Đi mà hỏi những bô lão trong làng của ông về lịch sử xem”.

“Vấn đề là, Odenigbo là một người trung thành với việc gìn giữ bộ lạc, chúng ta cần phải làm cho ông ấy im lặng”. Cô Adebayo nói.

Xong, cô làm một chuyện mà Ugwu giật mình: cô đứng dậy, cất tiếng cười giòn tan, đi đến gần Ông Chủ và lấy tay khép đôi môi ông lại. Cô đứng đó, có vẻ như rất lâu, tay cô để lên môi ông. Ugwu tưởng tượng nước bọt đã hòa lẫn với rượu brandy trong mồm ông thấm vào ngón tay cô. Hắn thấy người cứng đơ lúc hắn nhặt những mảnh ly vỡ. Hắn ước gì Ông Chủ không chỉ ngồi đó lắc đầu làm như mọi chuyện rất buồn cười.

Từ đó về sau, cô Adebayo trở thành một mối nguy hại. Cô càng lúc càng giống như một con dơi ăn hoa quả, với cái mặt giống như bị véo, nước da không sáng sủa và cái áo hoa lùng bùng quanh thân thể cô như là đôi cánh. Ugwu luôn mang rượu cho cô sau cùng và lãng phí rất nhiều thì giờ lau tay bằng cái khăn lau chén trước khi hắn mở cửa cho cô vào. Hắn lo lắng là cô sẽ cưới Ông Chủ và mang cô hầu gái nói tiếng Yoruba vào trong nhà này, phá hủy cái vườn rau thơm và bảo hắn cái nào hắn có thể nấu hay là không được phép nấu. Hắn vẫn lan man nghĩ thì nghe thấy Ông Chủ và Okeoma nói chuyện với nhau.

“Hôm nay, cô ta có vẻ như không muốn về”, Okeoma nói. “Nwoke m, anh có chắc là anh không toan tính làm chuyện gì với cô ấy chứ?”

“Đừng nói linh tinh!”

“Nếu anh có làm gì, cũng không người nào ở London biết đâu”.

“Này, này…”

“Tôi biết anh không để ý đến cô ta theo nghĩa ấy, nhưng tôi vẫn thắc mắc không biết đàn bà họ thấy cái gì hấp dẫn ở anh kia chứ”.

Okeoma cười phá lên và Ugwu cảm thấy yên tâm. Hắn không muốn cô Adebayo – hay bất cứ người đàn bà nào – chen vào và phá hỏng cuộc sống của hắn với Ông Chủ. Có những đêm, sau khi khách về sớm, hắn ngồi trên nền nhà trong phòng khách và lắng nghe Ông Chủ nói. Ông thường chỉ nói những chuyện mà hắn không thể nào hiểu được, hình như rượu brandy đã làm ông quên Ugwu không phải là khách của ông. Chẳng ăn nhằm gì. Tất cả những thứ mà Ugwu cần chỉ là một giọng nói Igbo trầm ấm, giàu nhạc điệu có pha lẫn giọng Anh, và ánh sáng lấp lánh của cặp mắt kính dày cộp.

Hắn ở với Ông Chủ được khoảng bốn tháng thì ông nói, “Cuối tuần này, có một người phụ nữ rất đặc biệt sẽ đến đây chơi. Rất đặc biệt! Em phải dọn dẹp cho thật sạch sẽ. Tôi sẽ đặt thức ăn ở câu lạc bộ”.

“Nhưng, thưa ông, con có thể nấu ăn”, Ugwu nói, buồn bã nghĩ đến chuyện sắp tới.

“Cô ấy mới trở về từ London, bạn tốt, và cô ấy thích cơm nấu theo cách riêng của cô ấy. Cơm rang. Tôi nhớ như thế. Tôi không chắc em có thể nấu món gì hợp ý của cô ấy”. Ông Chủ quay người bỏ đi.

“Con có thể nấu món đó, thưa ông”. Ugwu nói nhanh, mặc dù hắn không hề biết cơm rang là gì. “Để con nấu cơm, và ông mua thịt gà ở câu lạc bộ”.

“Mặc cả khéo lắm”, Ông Chủ nói bằng tiếng Anh. “Thế thì em nấu cơm”.

“Vâng, thưa ông”, Ugwu nói. Sau đó, hắn dọn phòng sạch sẽ, kỳ cọ bồn cầu một cách cẩn thận, như hắn luôn luôn làm thế, nhưng Ông Chủ nhìn và bảo hắn là chưa được sạch lắm rồi đi ra tiệm mua thêm một gói bột Vim rồi hỏi, giọng gắt gỏng, tại sao Ugwu không lau chùi cái kẽ giữa hai viên gạch. Ugwu lau lại. Hắn cọ cho đến khi mồ hôi nhễ nhại hai bên má, đến khi hai cánh tay hắn đau nhức rã rời. Và thứ Bảy, hắn nổi cáu lúc nấu ăn. Trước đó, Ông Chủ chưa bao giờ cằn nhằn. Đây là lỗi của người đàn bà sắp đến, người mà Ông Chủ quá quý trọng, đến nỗi không cho hắn nấu ăn. Người đàn bà mới về từ London, thật vậy.

Khi chuông cửa réo, hắn làu bàu rủa sao cho dạ dày của cô ả sẽ bị sưng tấy vì ăn phân. Hắn nghe Ông Chủ nói to, mừng rỡ như trẻ con; tiếp đó là một khoảng yên lặng kéo dài và hắn tưởng tượng hai người đang ôm nhau, cái thân hình xấu xí của cô ta dán chặt vào Ông Chủ. Rồi hắn nghe giọng của cô nàng. Hắn chết lặng. Hắn luôn nghĩ rằng không thể mang tiếng Anh của Ông Chủ ra mà so sánh với tiếng Anh của bất cứ người nào, không thể so với thứ tiếng Anh rất khó nghe của Giáo sư Ezeka, hay thứ tiếng Anh mà cứ như tiếng Igbo, cả ở cách nhấn giọng lẫn cách ngắt, ngừng của Okeoma, hay thứ tiếng Anh cứ líu ríu đến kỳ lạ của bác sĩ Patel. Kể cả tiếng Anh của Giáo sư Lehman, lời nói của ông như bị bắt tuôn ra qua lỗ mũi, cũng không đáng ngưỡng mộ bằng cách nói tiếng Anh của Ông Chủ. Tiếng Anh của Ông Chủ dìu dặt như tiếng nhạc, nhưng cái mà Ugwu đang nghe bây giờ là giọng của một người phụ nữ, một giọng thần tiên. Đây là một giọng Anh tuyệt vời nhất, một thứ ngôn từ lóng lánh, một giọng Anh đặc biệt mà hắn từng nghe qua đài của Ông Chủ, tròn vành rõ chữ, chuẩn xác đến từng âm, như thái một lát khoai với con dao mới vừa được mài thật bén, ngọt xót từng lát một.

“Ugwu!” Ông Chủ gọi. “Mang Coke ra đây!”

Ugwu đi ra ngoài phòng khách. Nàng thơm mùi kem dừa. Hắn chào người phụ nữ, câu chào chỉ lí nhí trong miệng, mắt hắn nhìn xuống nền nhà.

“Kedu?”, nàng hỏi.

“Con khỏe, thưa cô”. Hắn vẫn không dám nhìn nàng. Lúc hắn mở nút chai, nàng đang cười to về chuyện Ông Chủ nói trước đó. Ugwu sắp sửa rót Coke lạnh vào ly cho nàng thì nàng khều tay hắn và nói, “Rapuba, kệ tôi, kệ tôi, không phải lo”.

Tay nàng hơi ẩm ướt. “Vâng, thưa cô”.

“Ông chủ của em nói với tôi là em chăm sóc ông ấy chu đáo lắm, Ugwu”, nàng nói. Nàng nói giọng Igbo còn mềm mại hơn cả giọng Anh, và hắn rất thất vọng khi thấy nàng nói tiếng Igbo quá dễ dàng. Hắn ước gì nàng hơi vấp váp, ngập ngừng khi nàng nói tiếng Igbo; hắn không ngờ được là tiếng Anh hoàn hảo như thế lại có thể đi song song với sự hoàn hảo của tiếng Igbo.

“Vâng, thưa cô”, hắn lập bập. Mắt hắn vẫn còn nhìn chằm chằm xuống nền nhà.

“Hôm nay em nấu món gì cho chúng tôi, bạn tốt?” Ông Chủ hỏi, giả bộ như không biết. Giọng ông vui vẻ đến mức làm hắn bực mình.

“Con dọn ra ngay, thưa ông”, Ugwu nói tiếng Anh, và ngay lập tức, hắn ước gì hắn nói khác đi, đúng văn phạm hơn, như là Con sẽ mang thức ăn ra ngay, bởi vì nói như thế nghe hay hơn, và làm nàng có ấn tượng về hắn tốt hơn. Trong lúc dọn bàn, hắn tiếp tục liếc ra phòng khách, mặc dù hắn có thể nghe tiếng nàng cười và giọng của Ông Chủ, với một âm vang mới, nghe rất khó chịu.

Cuối cùng thì hắn cũng được thấy mặt nàng lúc nàng và Ông Chủ ngồi vào bàn ăn. Gương mặt trái xoan, nước da mịn màng, màu da tươi mát như mặt đất đẫm mưa, đôi mắt rất to và hơi xếch – đáng lẽ nàng không nên đi đứng ăn nói như người bình thường, mà nên ở trong một tủ kính giống như cái tủ kính trong phòng đọc sách của Ông Chủ; ở trong đó, người ta có thể chiêm ngưỡng thân hình với những đường cong tuyệt mỹ của nàng; ở trong đó, nàng sẽ được giữ gìn. Tóc nàng dài, mỗi sợi chảy dài xuống tới cổ, đuôi tóc xòe bông ra. Nàng rất hay cười, hàm răng trắng muốt. Hắn cứ đứng ngắm nàng mãi cho đến khi Ông Chủ nói, “Mọi khi Ugwu nấu ngon hơn. Cậu ta nấu món thịt hầm rất tuyệt”.

“Nhạt quá, chẳng có mùi vị gì cả, nhưng dĩ nhiên vẫn còn tốt hơn là bốc lên cái mùi không thể chịu được”. Nàng nói, và mỉm cười với Ông Chủ trước khi quay sang Ugwu. “Tôi sẽ chỉ cho em cách rang cơm mà không phải dùng nhiều dầu”.

“Vâng, thưa cô”, Ugwu nói. Hắn đã tự nghĩ ra cách rang cơm, bằng dầu lạc; và trước đó, hắn từng thầm mong là sẽ làm cho hai người vội vàng chạy vào nhà vệ sinh. Nhưng bây giờ, hắn lại rất muốn nấu một bữa ăn tuyệt hảo, cơm jollof thơm ngon hay món thịt hầm với arigbe, để cho nàng thấy là hắn nấu ngon đến mức nào. Hắn chưa rửa bát đĩa vội vì tiếng nước chảy sẽ át giọng nói của nàng. Khi hắn mang trà ra, hắn sắp xếp mấy cái bánh ngọt nhỏ trên đĩa thật chậm rãi để hắn có thể ở lâu một chút và có thể nghe nàng nói chuyện, cho đến khi Ông Chủ lên tiếng, “Thế là được rồi, bạn tốt”. Tên nàng là Olanna. Nhưng Ông Chủ chỉ gọi tên nàng có một lần thôi. Thường thường ông gọi nàng là nkem, em yêu [19] . Họ nói về chuyện Sardauna và thủ lĩnh của Western Region cãi vã nhau; sau đó, Ông Chủ nói chuyện gì đó đại khái về việc chờ nàng dọn đến Nsukka và việc đó chỉ mất vài tuần thôi. Ugwu nín thở để hắn có thể nghe rõ hơn. Ông Chủ cười hào sảng và nói, “Nhưng mà mình sẽ sống chung với nhau tại đây, nkem, và em có thể giữ căn nhà ở đường Elias”.

Nàng sẽ dọn đến Nsukka. Nàng sẽ sống trong nhà này. Ugwu rời chỗ đứng ở cửa và nhìn cái nồi còn đặt trên bếp. Cuộc sống của hắn sẽ xáo trộn. Hắn sẽ phải học rang cơm, sẽ phải tập dùng ít dầu hơn và phải nghe lời nàng. Hắn thấy buồn; nhưng không chỉ có thế hắn còn có cảm giác nôn nóng chờ đợi, một cảm giác bồn chồn thật mơ hồ.

Chiều hôm ấy, khi đang giặt tấm ga trải giường của Ông Chủ ở sân sau, gần cây chanh, hắn ngẩng lên, chợt thấy nàng đang đứng ở cửa sau nhìn mình. Đầu tiên, hắn tin chỉ là tưởng tượng, bởi vì những người mà hắn nghĩ đến nhiều nhất thường chỉ hiện ra với hắn trong tưởng tượng. Hắn chuyện trò trong tưởng tượng với Anulika rất nhiều lần, và, ngay sau khi hắn tự thỏa mãn trong đêm, Nnesinachi sẽ thoáng hiện ra với nụ cười bí ẩn trên môi. Nhưng Olanna đúng là đang ở chỗ cửa. Nàng đang băng ngang qua sân, đến gần hắn. Nàng chỉ có tấm vải quấn [20] vòng ngang ngực, và khi nàng bước đi, hắn tưởng tượng nàng là trái điều vàng, chín mọng, đầy quyến rũ.

“Thưa cô? Cô có cần gì không ạ?” Hắn hỏi. Hắn biết nếu hắn đưa tay ra chạm vào mặt nàng, chắc sẽ giống như chạm vào bơ, loại bơ mà Ông Chủ bóc giấy gói rồi quết lên bánh mì.

“Để tôi giúp em”. Nàng chỉ vào tấm ga trải giường mà hắn vừa mới xả lại bằng nước sạch và từ từ, hắn lấy tấm ga còn đang nhỏ nước ra. Nàng túm một đầu rồi lui vài bước. “Xoay đầu tấm ga em đang nắm sang hướng này”, nàng nói.

Hắn vặn phần của hắn sang bên phải hắn trong khi Olanna vặn phần của nàng sang bên phải nàng; cả hai cùng nhìn nước bị vắt ra. Tấm ga rất trơn.

“Cảm ơn cô”, hắn nói.

Nàng mỉm cười. Nụ cười của nàng làm hắn có cảm giác như hắn cao hơn. “Ồ, nhìn kìa, mấy quả đu đủ này gần chín rồi. Lotekwa, đừng quên hái nó nhé”.

Có một cái gì đó rất thanh nhã trong giọng nói và phong cách của nàng; nàng như một viên đá trong một con suối tuôn chảy dào dạt, được dòng nước trong mát chuốt mài qua bao tháng năm. Được gặp nàng cũng giống như tìm được hòn đá ấy, một cơ hội hiếm có. Hắn nhìn cho đến khi nàng đi vào bên trong.

Hắn không muốn chia sẻ việc săn sóc Ông Chủ với ai cả, cũng không muốn làm gián đoạn cuộc sống bình lặng của hắn với Ông Chủ, tuy thế, đột nhiên hắn thấy mình khó mà chịu nổi nếu từ nay không còn được nhìn thấy nàng. Đêm đó, sau bữa tối, hắn rón rén đi bằng mười đầu ngón chân đến phòng ngủ của Ông Chủ, áp tai vào cửa. Nàng đang rên rất to, tiếng rên không có vẻ gì giống với tiếng của nàng, rất buông thả và đầy kích thích, thoát ra từ cổ họng. Hắn đứng đó rất lâu, cho đến khi tiếng rên chấm dứt, rồi trở lại phòng của hắn.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button