Văn học nước ngoài

Buồng Khử

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jeffery Deaver

Download sách Buồng Khử ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Robert Moreno, một công dân Mỹ nhưng lại bài trừ Mỹ, bị một tay súng bí ẩn mưu sát tại Bahamas từ khoảng cách không tưởng. Lincoln Rhyme – nhà khoa học hình sự xuất sắc nhất nước Mỹ – và đồng sự Amelia Sachs được mời vào cuộc. Danh tính tay súng vẫn còn là ẩn số, nhưng một người tố giác nặc danh đã tiết lộ tổ chức giật dây phía sau chính là Cục Tình báo và Chỉ huy Quốc gia. Có kẻ đã cố tình điều chỉnh số liệu tình báo để kết tội Moreno là kẻ khủng bố và ra lệnh giết anh ta.

Trong khi Amelia Sachs lần theo dấu vết của nạn nhân tại Manhattan, thì Rhyme đến thẳng hiện trường tại Bahamas để truy tìm “viên đạn triệu đô”. Khi các tình tiết của vụ án bắt đầu hé mở, cặp đôi này phát hiện ra mọi chuyện không đơn giản như vẻ bề ngoài. Có kẻ lén lút bám theo họ, thậm chí còn đi trước họ một bước trong suốt cuộc điều tra. Hắn sẵn sàng dọn sạch tất cả để che giấu tội ác – bằng chứng, nhân chứng và cả điều tra viên. Trong trận đấu trí rợn người giữa Lincoln với tên sát nhân máu lạnh, chiến thắng chỉ thuộc về kẻ thông minh và liều lĩnh hơn. Liệu họ có giành được công lý mà vẫn toàn mạng trở về?

ĐỌC THỬ

1.

Ánh chớp ấy làm anh bất an.

Một tia sáng, trắng hoặc vàng nhạt, ở đằng xa.

Từ nước chăng? Từ mũi đất băng qua cái vịnh ngọc lam yên bình ấy chăng?

Nhưng tại nơi đây, không thể có nguy hiểm. Nơi đây, anh đang ở trong một khu nghỉ dưỡng xinh đẹp và biệt lập. Nơi đây, anh thoát khỏi cái nhìn soi mói của giới truyền thông và tầm ngắm của kẻ thù.

Roberto Moreno nhíu mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, mới gần tứ tuần mà mắt anh đã kém. Anh đẩy gọng kính lên sống mũi rồi lướt mắt qua khung cảnh tuyệt mĩ – khu vườn ngoài cửa sổ của dãy phòng, bờ cát hẹp trắng xóa, biển màu xanh ngọc đang vỗ nhịp. Xinh đẹp, biệt lập… và nghiêm mật. Không tàu bè nào bập bềnh trong tầm mắt. Và giả sử có một kẻ thù nào đó cầm súng trường biết anh đang ở đây rồi lén lút băng qua khu nhà máy công nghiệp trên mũi đất cách chỗ anh tận một cây số rưỡi bên kia biển, thì khoảng cách và sự ô nhiễm đến mịt mờ tầm nhìn cũng sẽ vô hiệu hóa phát súng.

Không còn ánh chớp, cũng chẳng còn tia sáng.

Mày đang được an toàn. Dĩ nhiên là vậy.

Song Moreno vẫn thận trọng. Như Martin Luther King, như Gandhi, anh luôn trong tình cảnh nguy hiểm. Đây là lối sống của anh. Anh không sợ chết. Nhưng anh sợ chết trước khi xong việc. Và ở độ tuổi trẻ trung này, anh vẫn còn nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, sự kiện mà anh vừa tổ chức xong cách đây khoảng một tiếng – một sự kiện trọng đại, nhất định sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người – chỉ là một trong số cả chục kế hoạch được lên cho năm sau. Và xa hơn nữa, một tương lai dư dật đang chực chờ.

Vận một bộ com lê vàng nâu nhạt kín đáo, sơ mi trắng và cà vạt màu xanh hoàng gia – đậm chất Caribê – người đàn ông phương phi rót đầy hai tách từ bình cà phê mà nhân viên phục vụ phòng vừa giao rồi trở lại chỗ đi văng. Anh trao một tách cho ông phóng viên, lúc này đang sửa soạn máy ghi âm.

“Senor[1] de la Rua. Ông dùng ít sữa nhé? Hay đường?”

“Không, cảm ơn anh.”

Họ đang trò chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng mà Moreno rất thành thạo. Anh ghét tiếng Anh và chỉ sử dụng thứ tiếng này khi cần thiết. Anh chưa bao giờ hoàn toàn trút bỏ chất giọng New Jersey khi nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình, “her” nghe như “hehr,” “mirror” nghe như “mirrah,” “gone” nghe như “gun.” Hễ nghe chính giọng điệu của mình là anh lại nhớ về những ngày đầu ở Mỹ – bố anh dành nhiều giờ dằng dặc làm việc trong tỉnh táo, còn mẹ anh lại đắm chìm nhiều giờ dằng dặc trong hơi men. Những khung cảnh ảm đạm, những kẻ bắt nạt từ một trường trung học gần đó. Rồi sự cứu rỗi xuất hiện: Gia đình anh dọn tới một nơi tử tế hơn hẳn South Hills, một nơi mà ngay cả lời ăn tiếng nói cũng mềm mỏng và tao nhã hơn.

Ông nhà báo nói, “Cứ gọi tôi là Eduardo được rồi.”

“Còn tôi là Roberto.”

Tên anh thật ra là “Robert” nhưng cái tên ấy sặc mùi luật sư phố Wall, mùi chính trị gia Washington và mùi của lũ tướng tá nơi chiến trường luôn gieo trên đất khách những cái xác của dân bản địa như mớ hạt giống rẻ tiền. Thế mới có cái tên Roberto.

“Ông sống tại Argentina,” Moreno nói với ông nhà báo, một người đàn ông nhỏ nhắn, đầu đang hói dần, mặc một chiếc sơ mi màu lam không cà vạt cùng một bộ com lê đen đã sờn chỉ. “Thành phố Buenos Aires phải không?”

“Đúng vậy.”

“Ông có biết gì về tên gọi của thành phố đó không?”

De la Rua nói không. Ông chẳng phải người bản địa.

“Nghĩa của nó dĩ nhiên là ‘không khí trong lành’ rồi,” Moreno nói. Anh đọc rất nhiều – vài cuốn sách mỗi tuần, phần lớn thuộc thể loại lịch sử và văn học Mỹ Latin. “Nhưng ‘không khí’ ở đây là ở đảo Sardinia của nước Ý, không phải ở Argentina. Được đặt theo tên một khu định cư trên đỉnh một ngọn đồi tại Cagliari. Khu này nằm bên trên, để xem nào, đủ thứ mùi hăng nồng của thành phố cổ bên dưới nên được đặt tên là Buen Ayre. Nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã phát hiện rồi đặt tên Buenos Aires theo khu định cư này. Dĩ nhiên đó là khu định cư đầu tiên của thành phố. Chúng bị người địa phương quét sạch vì dân bản địa không thích bị người châu Âu bóc lột.”

De la Rua nói, “Ngay cả các giai thoại anh kể cũng có hơi hướng chống thực dân thấy rõ.”

Moreno cười. Nhưng sự khôi hài biến mất và anh lại nhìn nhanh ra ngoài cửa sổ.

Cái tia sáng chết tiệt ấy. Nhưng anh vẫn không thấy gì ngoài cây cối trong vườn và mũi đất mù sương cách đây một cây số rưỡi. Khách sạn này nằm trên phần bờ biển tây nam gần như hoang vắng của New Providence, hòn đảo tại quốc gia Bahamas nơi thủ đô Nassau tọa lạc. Khuôn viên được rào và canh phòng. Khu vườn được dành riêng cho dãy phòng này và được bảo vệ bằng một hàng rào cao ở phía bắc và phía nam, với bãi biển ở phía tây.

Không có ai đằng kia. Không thể có ai đằng kia. Một con chim chăng? Một chiếc lá rung rinh.

Simon đã kiểm tra khuôn viên cách đây không lâu. Moreno liếc nhìn cậu ta, một người Brazil to con, ít nói, da ngăm đen, mặc một bộ com lê đẹp – vệ sĩ của Moreno ăn mặc đẹp hơn anh mà không diêm dúa. Simon, ngoài ba mươi, trông nguy hiểm đúng như kỳ vọng và mong muốn của người đời đối với cái nghề này, mặc dù cậu ta chẳng phải dân anh chị. Cậu ta từng làm sĩ quan trong quân đội, trước khi trở về làm thường dân trong vai trò chuyên gia an ninh.

Cậu ta cũng rất thạo nghề. Đầu Simon xoay đi, cậu ta đã để ý thấy cái nhìn trân trối của ông chủ nên lập tức bước đến chỗ cửa sổ, mắt nhìn ra ngoài.

“Một ánh chớp thôi mà,” Moreno giải thích.

Người vệ sĩ đề xuất đóng mành lại.

“Chắc không cần đâu.”

Moreno đã quyết rằng Eduardo de la Rua, sau khi bỏ tiền túi đáp chuyến bay hạng phổ thông đến đây từ thành phố của không khí trong lành, xứng đáng được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt mỹ này. Ông ấy không có nhiều cơ hội trải nghiệm sự phồn hoa, vì bản thân là một phóng viên năng nổ được tiếng luôn tường thuật sự thật thay vì viết những bài tâng bốc nhân viên cao cấp doanh nghiệp và chính trị gia. Moreno cũng quyết định thết đãi người đàn ông này một bữa trưa thịnh soạn ra trò tại nhà hàng cao cấp của khách sạn South Cove.

Simon nhìn chằm chằm ra ngoài một lần nữa, trở lại ghế rồi cầm lên một cuốn tạp chí.

De la Rua nhấn máy ghi âm. “Bây giờ tôi xin phép nhé?”

“Xin tự nhiên.” Moreno dồn toàn bộ sự chú ý vào ông nhà báo.

“Anh Moreno, Phong trào Trao quyền Địa phương của anh vừa mở văn phòng ở Argentina, là văn phòng duy nhất tại nước này. Anh có thể cho biết mình đã thai nghén ý tưởng này như thế nào không? Và nhóm của anh làm gì?”

Moreno đã thuyết giảng bài này cả chục lần. Nội dung thay đổi tùy theo nhà báo hoặc khán giả cụ thể, song mục đích cốt lõi của nó rất đơn giản: khuyến khích dân bản địa cự tuyệt chính phủ Mỹ cùng sức ảnh hưởng của doanh nghiệp Mỹ bằng cách tự cung tự cấp, nhất là thông qua tín dụng vi mô, nông nghiệp vi mô và kinh doanh vi mô.

Anh trả lời, “Chúng tôi kháng lại sự phát triển của doanh nghiệp Mỹ. Cũng như các chương trình viện trợ và chương trình xã hội của chính phủ Mỹ, mà suy cho cùng, mục đích cũng chỉ là khiến chúng tôi nghiện ngập các chuẩn mực của họ. Chúng tôi không được xem là con người, chúng tôi bị xem là nguồn nhân công rẻ mạt và thị trường cho hàng hóa Mỹ. Ông có thấy cái vòng luẩn quẩn đó chưa? Dân của chúng tôi bị bóc lột trong nhà máy của người Mỹ rồi sau đó bị dụ dỗ mua sản phẩm từ chính các công ty đó.”

Ông nhà báo nói, “Tôi đã viết nhiều về mảng đầu tư kinh doanh ở Argentina và các nước Nam Mỹ khác. Và tôi được biết phong trào của anh cũng có những khoản đầu tư tương tự. Người ta có thể lý luận là anh cực lực phản đối chủ nghĩa tư bản song cũng tán đồng nó.”

Moreno vuốt mái tóc hơi dài, đen và bạc trước tuổi. “Không phải, tôi cực lực phản đối việc áp dụng sai chủ nghĩa tư bản – cụ thể là việc người Mỹ áp dụng sai chủ nghĩa tư bản. Tôi lấy việc kinh doanh làm vũ khí. Chỉ có kẻ ngốc mới dựa vào một mình hệ tư tưởng để tạo ra thay đổi. Tư tưởng là bánh lái. Tiền là chân vịt.”

Ông nhà báo mỉm cười. “Tôi sẽ lấy đoạn đấy làm phần dẫn nhập. Tôi được biết một số người gọi anh là nhà cách mạng.”

“Ha, tôi chỉ là một kẻ to mồm, thế thôi!” Nụ cười phai dần. “Nhưng nhớ kỹ lời tôi đi, trong khi thế giới đang tập trung vào Trung Đông, thì mọi người đã bỏ sót mất sự ra đời của một lực lượng hùng mạnh hơn hẳn: Mỹ Latin. Tôi chính là người đại diện cho vùng đất ấy. Trật tự mới. Chúng tôi không thể để người khác phớt lờ mình nữa.”

Roberto Moreno đứng dậy bước đến cửa sổ.

Đội lên trong khu vườn là một cây gỗ độc, cao khoảng mười hai mét. Anh trọ tại dãy phòng này thường xuyên và rất thích cái cây. Thật ra, anh đã nảy sinh tình đồng chí với nó. Gỗ độc là loại cây đáng gờm, kiên gan và đẹp một cách mộc mạc. Nó còn rất độc, như cái tên gợi tả. Phấn hoa hoặc khói tỏa ra sau khi đốt gỗ và lá cây có thể lẻn vào phổi, gây đau rát tột độ. Dẫu vậy, loài cây này nuôi dưỡng loài bướm phượng Bahamas xinh đẹp, còn loài bồ câu mào trắng lại sống nhờ vào quả cây.

Mình cũng giống cái cây này, Moreno nghĩ. Một bức ảnh đẹp cho bài báo chăng. Mình sẽ đề cập chi tiết này nữa…

Lại tia sáng ấy.

Trong tích tắc: Một chuyển động lập lòe đánh động đám lá thưa thớt của cái cây, rồi cái cửa sổ cao trước mặt anh nổ tung. Thủy tinh biến thành hàng triệu tinh thể tuyết ào ạt, lửa bùng trổ trong ngực anh.

Moreno bỗng thấy mình nằm trên chiếc đi văng mà trước đó nằm sau lưng anh hơn mét rưỡi.

Nhưng… nhưng chuyện gì vừa xảy ra ở đây? Cái gì thế này? Mình đang ngất, mình đang ngất. Mình không thở được.

Anh nhìn trân trân cái cây, giờ đây nó rõ hơn, rõ hơn hẳn, khi không còn tấm kính cửa sổ ở đó. Cành cây đung đưa trong cơn gió biển ngọt lịm. Lá cây hết phồng lại xẹp. Cái cây đang thở hộ anh. Bởi lẽ anh không thở được, khi ngực anh đang cháy rực. Khi cơn đau vẫn còn đó.

Tiếng thét, tiếng la ó cầu cứu quanh anh.

Máu, máu khắp nơi.

Mặt trời đang lặn, bầu trời tối dần. Nhưng chẳng phải đang buổi sáng sao? Moreno thấy hình ảnh vợ mình, cậu con trai và cô con gái đang tuổi mới lớn. Những suy nghĩ của anh tan biến đến khi anh chỉ nhận thức được một thứ duy nhất: cái cây.

Vừa độc vừa hùng dũng, vừa độc vừa hùng dũng.

Ngọn lửa bên trong anh đang yếu dần, tan biến dần. Sự nhẹ nhõm đẫm lệ.

Bóng tối đang thẫm lại.

Cây gỗ độc.

Gỗ độc…

Độc…

2.

“Ông ấy đi rồi hay chưa?” Lincoln Rhyme hỏi, chẳng buồn kìm lại sự bực dọc.

“Có chuyện gì đấy ở bệnh viện,” giọng Thom nói với vào từ lối hành lang hoặc nhà bếp hoặc chỗ nào đó. “Ông ấy đến muộn. Khi nào rảnh ông ấy gọi.”

“‘Có chuyện gì đấy’. Chà, cụ thể thật. ‘Có chuyện gì đấy ở bệnh viện’!”

“Thì ông ấy bảo tôi như vậy mà.”

“Ông ấy là bác sĩ. Ông ấy nên nói chính xác chứ. Và cũng nên đúng giờ nữa.”

“Ông ấy là bác sĩ,” Thom đáp, “nên luôn có ca cấp cứu phải xử lý.”

“Nhưng ông ấy có nói ‘ca cấp cứu’ đâu. Ông ấy chỉ nói ‘có chuyện’. Cuộc phẫu thuật này được lên lịch vào ngày 26 tháng 5 rồi. Tôi không muốn hoãn lại. Ngày đấy dù sao cũng quá xa rồi. Tôi chẳng hiểu tại sao ông ấy không làm sớm hơn được.”

Rhyme điều khiển chiếc xe lăn Storm Arrow màu đỏ của mình đến một màn hình vi tính. Anh đỗ xe cạnh chiếc ghế mây mà Amelia Sachs, mặc chiếc quần jean và áo sát nách đen, đang ngồi. Mặt dây chuyền vàng đính một viên kim cương và một hạt ngọc trai đung đưa từ sợi dây chuyền mỏng quanh cổ cô. Trời còn sớm, nắng xuân xuyên qua những ô cửa sổ trực diện hướng đông, phản chiếu ánh sáng quyến rũ từ mái tóc đỏ búi cao được cuốn lên cẩn thận bằng kẹp thiếc của cô. Rhyme chuyển sự chú ý trở lại màn hình, lướt qua báo cáo hiện trường về một án mạng anh vừa giúp Sở cảnh sát New York phá xong.

“Sắp xong,” cô nói.

Họ ngồi trong phòng khách căn biệt thự của anh tại khu phố Tây Central Park tại Manhattan. Cái nơi xưa kia có lẽ từng là căn phòng hiu quạnh, tĩnh lặng dành cho khách khứa và những tay ve gái vào thời Trùm Tweed[2] nay là một phòng giám định hiện trường vụ án chỉn chu. Phòng đầy ắp trang thiết bị giám định chứng cứ, máy vi tính và dây nhợ, dây nhợ chằng chịt khắp nơi, khiến việc di chuyển xe lăn của Rhyme lúc nào cũng mấp mô, một cảm quan mà anh chỉ cảm nhận được từ phần vai trở lên.

“Ông bác sĩ đến muộn,” Rhyme làu bàu với Sachs. Không cần thiết vì cô chỉ ở cách anh có ba mét lúc anh nói chuyện với Thom. Nhưng anh vẫn còn bực và cảm thấy đỡ hơn nếu được cằn nhằn thêm chút đỉnh. Anh cẩn thận đưa cánh tay phải đến bàn rê cảm ứng ở phía trước rồi cuộn xem những đoạn cuối cùng của bản báo cáo. “Tốt.”

“Em gửi nhé?”

Anh gật đầu rồi cô nhấn một phím. Toàn bộ sáu mươi lăm trang báo cáo được mã hóa khởi hành vào không gian ảo đến cái đích cách đó gần mười cây số: cơ sở phân tích hiện trường của Sở cảnh sát New York tại Queens, nơi bản báo cáo sẽ trở thành nội dung trụ cột cho vụ án New York khởi tố Williams.

“Xong.”

Xong… nhưng còn phải cho lời khai trước tòa vào phiên xử tay trùm ma túy này, kẻ đã phái bọn đàn em mười hai, mười ba tuổi xuống đường phố khu Đông New York và Harlem để giết thuê cho gã. Khó khăn lắm Rhyme và Sachs mới định vị và phân tích được nhiều mẩu li ti các chứng cứ dấu vết và chứng cứ dấu hằn dẫn dắt họ đi từ chiếc giày của thằng lỏi con đến tầng lầu của một cửa hiệu mặt tiền tại Manhattan, đến tấm thảm của một chiếc xe con Lexus rồi đến một nhà hàng tại Brooklyn và cuối cùng đến căn nhà của chính tên Tye Williams.

Tay đại ca giang hồ này trước đó không có mặt lúc nhân chứng bị giết, không chạm vào súng, cũng không có hồ sơ cho thấy gã ra lệnh khử người, còn tay súng non choẹt nọ lại quá kinh sợ không dám cho lời khai chống lại gã. Song những rào cản này trong quá trình truy tố không quan trọng, Rhyme và Sachs đã giăng một sợi chỉ chứng cứ căng dài từ hiện trường vụ án tới thẳng ổ của Williams.

Gã sẽ đi tù mọt gông.

Sachs nắm lại bàn tay mình trên cánh tay trái của Rhyme, cánh tay hiện bị cột vào xe lăn, bất động. Nhìn những đường gân mờ bên dưới làn da xanh xao của cô, anh biết cô đang siết chặt tay. Người phụ nữ cao ráo đứng dậy duỗi người. Họ đã làm việc suốt từ sáng sớm để hoàn thành bản báo cáo. Cô thức dậy lúc 5 giờ. Anh, muộn hơn một chút.

Rhyme để ý thấy cô nhăn mặt khi cô bước đến chỗ bàn nơi đặt tách cà phê của mình. Chứng viêm khớp ở hông và đầu gối cô gần đây trở nặng. Tình trạng tổn thương tủy sống của Rhyme, khiến anh trở thành kẻ liệt tứ chi, bị xem là rất trầm trọng. Song nó chưa hề làm anh đau đớn một phút giây nào.

Cơ thể của tất cả chúng ta, bất kể là ai, đều ít nhiều phụ lòng ta, anh suy ngẫm. Kể cả những ai hiện đang khỏe mạnh và ít nhiều mãn nguyện cũng thấy phiền lòng trước những bất trắc. Anh thương xót các vận động viên, những con người mĩ miều, những con người trẻ trung hiện đang lường trước thời khắc suy tàn trong âu lo.

Song, trớ trêu thay, điều ngược lại lại đúng đối với Lincoln Rhyme. Từ đáy địa ngục của thương tổn, anh đã hồi phục, nhờ vào các phương pháp phẫu thuật tủy sống mới cùng thái độ quyết liệt của anh đối với thể dục và các quy trình phẫu thuật thí điểm đầy rủi ro.

Nghĩ tới đây, anh bỗng nhớ lại mình đang bực dọc vì ông bác sĩ đã muộn cuộc hẹn đánh giá sức khỏe của ngày hôm nay để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật sắp tới.

Tiếng chuông cửa vang lên kính-coong.

“Để tôi mở cửa,” Thom gọi với ra.

Căn biệt thự phố này dĩ nhiên được sửa sang cho hợp với người khuyết tật, Rhyme nhẽ ra có thể dùng máy tính để xem và nói chuyện với người đang ở trước cửa rồi mới cho họ vào. Hoặc không cho vào. (Anh không thích những kẻ ghé qua đột xuất và thường đuổi họ đi – đôi khi đuổi sỗ sàng – nếu Thom không hành động nhanh).

“Ai vậy? Kiểm tra trước đã.”

Người này không thể là bác sĩ Barrington, vì ông ấy sẽ gọi điện ngay khi giải quyết xong “chuyện gì đấy” khiến ông đến muộn. Rhyme không có tâm trạng tiếp khách khác. Song người điều dưỡng của anh có kiểm tra trước hay không dường như cũng không quan trọng. Lon Sellitto xuất hiện trong phòng khách.

“Linc, anh có nhà đây này.”

Tất nhiên là ở nhà rồi.

Vị thám tử béo lùn đi thẳng đến khay chứa cà phê và bánh ngọt.

“Ông muốn ăn bánh tươi không?” Thom hỏi. Cậu hộ lý mảnh khảnh vận một chiếc sơ mi trắng tinh tươm, cà vạt in hoa màu lam và quần dài sẫm. Hôm nay có khuy măng sét, bằng gỗ mun hoặc mã não.

“Kệ đi, cảm ơn Thom. Chào Amelia.”

“Chào Lon. Rachel khỏe không?”

“Khỏe. Gần đây cô ấy tập Pilates. Cái tên nghe kỳ khôi. Môn thể dục gì đấy.” Sellitto vận một bộ com lê nâu nhàu nhĩ đặc trưng và một chiếc sơ mi xanh lơ cũng nhàu nhĩ đặc trưng. Anh ta diện một cái cà vạt có sọc đỏ thẫm, thẳng thớm như miếng gỗ bào, vốn chẳng phải phong cách anh ta. Một món quà mới nhận, Rhyme suy luận. Từ cô bạn gái Rachel chăng? Bây giờ là tháng năm – chẳng có lễ lạt gì. Chắc là quà sinh nhật. Rhyme không biết ngày sinh nhật của Sellitto. Mà thật ra anh cũng chẳng biết được hầu hết ngày sinh nhật của người khác.

Sellitto nhấp cà phê rồi nhấm một chiếc bánh ngọt Đan Mạch, cắn chỉ hai miếng. Anh ta muôn đời vẫn ăn kiêng.

Rhyme và vị thám tử này làm chung với nhau nhiều năm trước, là cộng sự của nhau, và chính Lon Sellitto là người chủ yếu hối thúc Rhyme công tác trở lại sau vụ tai nạn, không phải bằng cách chiều chuộng, dỗ dành mà bằng cách ép buộc anh nhấc mông lên mà đi phá án trở tiếp. (Chính xác hơn, trong trường hợp của Rhyme, phải nói là ép anh yên vị mà công tác trở lại). Quá khứ giữa hai người là thế, nhưng Sellitto chẳng bao giờ đến đây chỉ để thăm hỏi. Vị thám tử hạng nhất này được phân công vào Tổ Trọng án, làm việc tại Đại Cao ốc – 1 Police Plaxa[3] – và anh ta thường làm thám tử chỉ đạo trong các vụ án mà Rhyme được thuê làm cố vấn. Sự xuất hiện của anh ta vào lúc này là một điềm báo.

“Này.” Rhyme nhìn sơ qua anh ta. “Anh có gì hay ho cho tôi hả, Lon? Một vụ án cuốn hút chăng? Ly kỳ chăng?”

Sellitto hết nhấp lại gặm. “Tôi chỉ biết là mình vừa nhận điện thoại của cấp trên hỏi anh có rảnh không. Tôi bảo họ anh đang làm nốt vụ Willams. Rồi họ bảo tôi đến đây gấp, gặp một người. Họ đang trên đường đến.”

“‘Một người’? ‘Họ’?” Rhyme hỏi một cách chua chát. “Cụ thể chả thua gì ‘chuyện gì đấy’ đang cầm chân bác sĩ của tôi. Dễ lây nhiễm thật. Như dịch cúm vậy.”

“Này, Linc. Tôi chỉ biết nhiêu đó thôi.”

Rhyme ném một cái nhìn nhăn nhó về phía Sachs. “Tôi để ý thấy chẳng ai gọi cho tôi về chuyện này cả. Có ai gọi cho em không, Sachs?”

“Chẳng có lấy một cuộc.”

Sellitto nói, “Ồ, đấy là vì cái lý do kia.”

“Lý do kia nào?”

“Bất kỳ chuyện gì đang xảy ra cũng là bí mật. Và phải được giữ bí mật.”

Vậy chuyện này ít ra cũng ly kỳ hơn được một chút, Rhyme nhận định.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button