Triết học

Sự Va Chạm Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Samuel Hungtington

Download sách Sự Va Chạm Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH TRIẾT HỌC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Những năm cuối của thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI đã chứng kiến nhiều sự kiện đặc biệt trong đời sống quốc tế. Sự thống trị của phương Tây trong nhiều lĩnh vực bắt đầu suy giảm, nhường chỗ cho sự phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau của các nước phi phương Tây khác trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Mối liên kết giữa các quốc gia hình như dựa trên một nền tảng mới; có những quốc gia trước đây là cừu thù nay lại liên kết với nhau hoặc ngược lại. Những tranh chấp về sắc tộc, tôn giáo, phong trào tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa dân tộc quá khích, sự chênh lệch giàu – nghèo v.v… đang là vấn đề làm thế giới loài người lo lắng. Hậu quả của chúng thật ghê gớm ở nhiều nơi trên thế giới và ảnh hưởng đến hầu như mọi quốc gia. Nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng và sự kiện đó và nhiều sự kiện khác là gì? Những lý giải cho các hiện tượng và sự kiện mà loài người vừa được chứng kiến có thể tìm thấy trong cuốn sách này: Sự va chạm của các nền văn minh.

Khi phân tích về những mối liên kết hay xung đột mới trên thế giới, tác giả cho rằng chúng có cội nguồn từ quan hệ giữa các nền văn minh và văn hóa nhiều hơn là do ý thức hệ tư tưởng… Đâu đó trong cuốn sách này, tác giả viết: “Những biểu tượng và các linh vật trung tâm của nền văn hóa đối lập sẽ trở thành những mục tiêu bị tiêu diệt”. Thật đáng buồn, điều này là một sự thật xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Tác giả lại nhận xét: “Trong các cuộc chiến tranh giữa các nền văn hóa, thì văn hóa bao giờ cũng là kẻ chiến bại”. Minh chứng gần đây nhất cho nhận xét này là việc chế độ Taliban phá hủy những pho tượng Phật có cả nghìn năm tuổi ở Afghanistan.

Cuốn sách này được viết trước khi nhiều sự kiện trên thế giới của những năm sau đó mà chúng ta vừa được chứng kiến chưa xảy ra. Có thể nói rằng nhiều nhận định của cuốn sách có tính tiên đoán.

Chủ đề chính của cuốn sách là văn hóa và bản sắc văn hóa, mà ở mức độ rộng nhất chính là các bản sắc văn minh, đang hình thành các hình mẫu liên kết, tan rã và xung đột trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh. Cuốn sách cũng cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi xác định bản sắc văn hóa, văn minh Ta là ai? và Ta thuộc về đâu? Cuốn sách gồm năm phần:

– Phần I bàn về bản chất các nền văn minh, quan hệ giữa các nền văn minh và phản ứng của các nền văn minh khác đối với nền văn minh phương Tây. Đặc biệt, phần này còn cho độc giả thấy nền chính trị toàn cầu, lần đầu tiên trong lịch sử, vừa đa cực vừa đa văn minh. Khái niệm hiện đại hóa và phương Tây hóa được phân biệt một cách hết sức rõ ràng. Phần này còn đề cập đến diện mạo mới của nền văn minh nhân loại và đặt ra câu hỏi: Liệu có một nền văn minh phổ cập cho toàn thể nhân loại hay không? Phần này đặc biệt đề cập đến sự thay đổi trong hàng loạt lĩnh vực như ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa… khi cán cân thăng bằng giữa các nền văn minh đang thay đổi. Đến bao giờ tiếng Hán sẽ thay thế tiếng Anh như một lingua franca do ảnh hưởng của sự phát triển nhanh của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia chủ chốt của nền văn minh Trung Hoa?

– Phần II cho độc giả một cái nhìn mới về cán cân thăng bằng giữa các nền văn minh đang thay đổi: phương Tây đang suy thoái về ảnh hưởng tương đối, các nền văn minh Á châu đang bành trướng sức mạnh kinh tế, quân sự và chính trị; Hồi giáo đang bùng nổ về dân số với hậu quả gây mất ổn định ở các nước Hồi giáo và láng giềng của họ; các nền văn minh phi phương Tây đang cố gắng khẳng định giá trị văn hóa của mình. Nhiều chương trong phần này còn lý giải nguyên nhân xui khiến những thanh niên cuồng tín uổng phí sinh mạng và tuổi trẻ của mình vì những “lý tưởng” bệnh hoạn trong những vụ khủng bố đẫm máu và man rợ để giết hại hàng loạt người dân vô tội hay tiêu diệt các công trình văn hóa.

– Phần III bàn về mối quan hệ giữa các quốc gia và đặc biệt lưu ý đến cơ sở của những mối liên kết mới: mối liên kết dựa trên cơ sở nền văn minh và văn hóa hình như đang thay cho sự liên kết dựa trên ý thức hệ tư tưởng. Trật tự thế giới dựa trên văn minh đang xuất hiện: những xã hội chung nhau giá trị văn hóa hợp tác với nhau; những cố gắng nhằm chuyển một xã hội từ nền văn minh này sang nền văn minh khác không thành công; các quốc gia đang tập hợp lại xung quanh quốc gia chủ chốt của nền văn minh của họ.

– Phần IV giới thiệu nhiều ý kiến khác nhau phản bác khái niệm về tính phổ cập của văn minh phương Tây, coi đó là nền văn minh phổ cập cho toàn thể nhân loại. Những giả định về tính phổ cập của phương Tây khiến nó mâu thuẫn với các nền văn minh khác, nghiêm trọng nhất là với Hồi giáo và văn minh Trung Hoa. Sự liên kết, đặc biệt mối liên kết giữa các nước “anh em” trong thế giới Hồi giáo ngày càng trở thành vấn đề cần sự quan tâm của cả thế giới. Thế giới đương đại đang chứng kiến những xung đột khốc liệt do những nguyên nhân không giống thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Khái niệm chiến tranh do phân giới văn minh sai lệch cũng được bàn đến trong phần này và xuyên suốt cuốn sách nói chung.

– Phần V vẽ ra một bức tranh về tương lai các nền văn minh và cho rằng để tránh được một cuộc chiến tranh giữa các nền văn minh, các nhà lãnh đạo thế giới cần chấp nhận và hợp tác để duy trì tính chất đa văn minh của nền chính trị toàn cầu. Chương cuối cùng của cuốn sách kết luận: “Trong kỉ nguyên sắp tới, những va chạm giữa các nền văn minh là mối đe dọa lớn nhất cho nền hòa bình thế giới, và một trật tự quốc tế dựa trên các nền văn minh là một đảm bảo an toàn chắc chắn nhất để chống lại chiến tranh thế giới”.

Chúng tôi thấy nội dung cuốn sách rất bổ ích và thú vị, đặc biệt là khi chúng tôi xem xét một cách có chọn lọc với một lập trường, quan điểm vững vàng nên quyết định dịch cuốn sách này sang tiếng Viẹt để những độc giả chưa có điều kiện đọc bằng nguyên bản có thể chia sẻ. Cũng bởi muốn bạn đọc được tiếp cận nội dung cuốn sách đúng như tiếp cận một thực tế khách quan, chúng tôi cố gắng bảo đảm tinh thần của nguyên bản, kể cả những cụm từ mà các học giả phương Tây quen dùng.

ĐỌC THỬ

Chương 1 – Kỉ nguyên mới trên chính trường quốc tế

Dẫn luận: Những lá quốc kỳ và bản sắc văn hóa

Ngày 3/1/1992, một buổi họp giữa các học giả Mỹ và Nga diễn ra tại lễ đường của một tòa nhà chính phủ ở Matxcơva. Hai tuần trước đó, Liên Xô tan rã và Liên bang Nga trở thành một quốc gia độc lập. Theo đó, bức tượng Lênin vẫn thường ngự trị trong đại lễ đường nay nhường chỗ cho lá cờ của Liên bang Nga. Duy chỉ có một chuyện, một học giả Mỹ nhận xét, là lá cờ đó bị treo lộn ngược. Khi đồng nghiệp Mỹ chỉ ra điều đó, chủ nhà lẳng lặng và nhanh chóng sửa sai ngay trong lần nghỉ giải lao đầu tiên.

Những năm tháng sau Chiến tranh Lạnh được chứng kiến những thay đổi sâu sắc về bản sắc các dân tộc và biểu tượng của những bản sắc này. Nền chính trị toàn cầu bắt đầu tái định hình theo các xu thế văn hóa. Những lá cờ treo ngược là một dấu hiệu của sự chuyển biến quá độ, nhưng ngày càng có nhiều lá cờ được treo cao hơn và hãnh diện hơn. Người Nga cũng như các dân tộc khác tiến bước theo lá cờ và biểu tượng văn hóa mới của chính họ.

Ngày 18/4/1994, hai nghìn người tập hợp ở Sarajevo, tay phất cờ của Ảrập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ. Phất những lá cờ này chứ không phải cờ của Liên Hợp Quốc, NATO hay cờ Mỹ, những người Sarajevo tự xác định mình là những người anh em với tín đồ Hồi giáo và cho thế giới biết ai thật sự là bạn của họ.

Ngày 16/10/1994, tại Los Angeles, 70 nghìn người tuần hành dưới “biển cờ Mêhicô” phản đối Dự luật 187 của Hoa Kỳ tước bỏ nhiều quyền lợi của những người nhập cư bất hợp pháp. Một số nhà quan sát thắc mắc: Tại sao họ “xuống đường với quốc kỳ Mêhicô khi đòi hỏi nước Mỹ phải cho con em họ được hưởng giáo dục miễn phí?”, “Lẽ ra họ phải cầm cờ Mỹ mới phải”. Hai tuần sau đó nhiều người biểu tình khác xuống đường và tay cầm cờ Mỹ – lộn ngược. Những lá cờ lần này biểu thị thắng lợi của họ trước Dự luật 187.

Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, quốc kỳ của các nước trên thế giới thật sự có ý nghĩa cũng như các biểu trưng văn hóa khác, trong đó có cả chữ thập, trăng lưỡi liềm, thậm chí cả khăn đội đầu – bởi vì văn hóa có tầm quan trọng và bản sắc văn hóa có ý nghĩa đối với hầu hết mọi người. Người ta đang khám phá bản sắc mới nhưng thường lại là cũ, đang tiến bước dưới lá cờ mới nhưng thực chất là cũ, đang đưa họ tới những cuộc chiến với kẻ thù mới song cũng thường vẫn là kẻ thù cũ.

Một Weltanschauung[1] ảm đạm cho kỉ nguyên hiện đại này được thể hiện sinh động bằng triết lý của nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc người Venise[2] trong tiểu thuyết Vũng biển chết của Michael Dibdin: “Người ta chẳng bao giờ có bạn mà lại không có kẻ thù, người ta ghét cái không giống mình, nghĩa là người ta yêu cái giống mình. Đây chỉ là những chân lý cũ mà chúng ta đang cố gắng khám phá lại sau một thế kỉ loanh quanh lảng tránh. Những ai phủ nhận những chân lý này đang phủ nhận chính gia đình mình, di sản, văn hóa và chính bản thân mình!” Cái chân lý đáng buồn trong những chân lý cổ xưa này, các chính khách và học giả không thể bỏ qua. Đối với những dân tộc đang tìm lại bản sắc của mình và đang tái sáng tạo sắc tộc, thì xác định bạn – thù là vấn đề quan trọng. Và kẻ thù tiềm tàng nguy hiểm nhất nằm ở những phân chia ranh giới không hợp lý giữa các nền văn minh lớn của thế giới.

Chủ đề chính của cuốn sách này là văn hóa và bản sắc văn hóa, mà ở mức độ rộng nhất chính là các bản sắc văn minh, đang hình thành các hình mẫu liên kết, tan rã và xung đột trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.

Một thế giới đa cực và đa văn minh

Trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, lần đầu tiên trong lịch sử, nền chính trị toàn cầu trở nên đa cực và đa văn minh. Trong lịch sử tồn tại của nhân loại, mối giao lưu giữa các nền văn minh hoặc lần lượt thay thế nhau hoặc không tồn tại. Thế rồi bằng sự khởi đầu của kỉ nguyên hiện đại vào khoảng năm 1500 sau CN, nền chính trị toàn cầu mang tính lưỡng cực. Trong hơn bốn thế kỉ, các quốc gia phương Tây như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Áo, Phổ, Đức, Hoa Kỳ và các nước khác làm thành một hệ thống quốc tế đa cực ngay trong lòng nền văn minh phương Tây đã cọ xát, cạnh tranh và gây chiến tranh với nhau. Cùng lúc, văn minh phương Tây bành trướng, chinh phạt, chiếm thuộc địa hoặc gây ảnh hưởng có tính quyết định đối với nền văn minh khác. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nền chính trị toàn cầu trở nên lưỡng cực và thế giới bị chia làm ba phần. Một nhóm các nước dân chủ tư sản giàu có do Hoa Kỳ đứng đầu bị lôi cuốn vào cuộc ganh đua về ý thức hệ, chính trị, kinh tế và đôi lúc quân sự với nhóm nước cộng sản nghèo hơn do Liên Xô đứng đầu. Các cuộc xung đột giữa hai cường quốc này bị đẩy ra bên ngoài biên giới của họ để tiến hành ở Thế giới thứ ba gồm các nước nghèo, thiếu ổn định về chính trị, mới giành được độc lập và tuyên bố không liên kết.

Cuối những năm 1980, các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, hệ thống quốc tế thời Chiến tranh Lạnh đi vào lịch sử. Trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, sự phân biệt quan trọng nhất giữa các dân tộc không còn là hệ tư tưởng, chính trị hay kinh tế. Sự khu biệt đó là văn hóa. Các dân tộc và quốc gia đang cố trả lời câu hỏi cơ bản nhất của nhân loại: Chúng ta là ai? Và họ đã trả lời câu hỏi đó theo cách mà nhân loại từng trả lời – bằng sự liên hệ với những gì ý nghĩa nhất đối với họ. Con người tự xác định mình bằng dòng dõi tổ tiên, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử, hệ giá trị, phong tục và giáo thuyết. Họ xác định danh phận mình bằng cộng đồng văn hóa: bộ lạc, bộ tộc, cộng đồng tôn giáo, quốc gia, và ở mức độ rộng rãi nhất là nền văn minh. Con người không sử dụng chính trị chỉ để tăng cường lợi ích mà còn để xác định danh phận mình. Chúng ta chỉ biết mình là ai khi chúng ta xác định được mình không phải là ai và nhất là khi chúng ta biết mình chống lại ai.

Các nhà nước dân tộc vẫn là những diễn viên chính trên sân khấu quốc tế. Hành vi của họ vẫn như xưa được định hình bởi những mưu cầu quyền lực và của cải, nhưng giờ đây bởi cả sở thích văn hóa đồng nhất và dị biệt. Việc tập hợp quan trọng nhất các quốc gia thành một cộng đồng không còn theo cách phân chia thời Chiến tranh Lạnh thành ba khối mà thành bảy hoặc tám nền văn minh lớn. Các xã hội phi phương Tây, đặc biệt ở Đông Á đang phát triển sức mạnh kinh tế và đang xây dựng nền móng cho sức mạnh quân sự và ảnh hưởng chính trị. Một khi sức mạnh và lòng tự tin của họ tăng lên, các xã hội phi phương Tây ngày càng khẳng định giá trị văn hóa của riêng họ và chối bỏ những gì phương Tây “áp đặt”. Tiến sĩ Henry Kissinger nhận xét: “Hệ thống quốc tế thế kỉ XXI sẽ có ít nhất sáu cường quốc – Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và có thể Ấn Độ – đồng thời cũng xuất hiện nhiều hơn nữa các nước tầm trung và nhỏ hơn”. Sáu cường quốc theo nhận định của Kissinger thuộc về năm nền văn minh rất khác nhau. Thêm vào đó, các quốc gia Hồi giáo quan trọng với vị trí chiến lược, dân số lớn và tài nguyên dầu mỏ sẽ có vai trò ảnh hưởng đến các vấn đề lớn của quốc tế. Trong thế giới mới này, chính trị địa phương là chính trị của sắc tộc; chính trị quốc tế là chính trị của các nền văn minh. Tình trạng đối địch giữa các siêu cường sẽ được thay thế bằng sự va chạm của các nền văn minh.

Trong thế giới mới này, các cuộc xung đột dữ dội, quan trọng và nguy hiểm nhất không phải giữa các tầng lớp xã hội, giữa giàu và nghèo mà giữa các dân tộc thuộc về các chỉnh thể văn hóa khác nhau. Các cuộc chiến tranh bộ lạc và xung đột sắc tộc sẽ xảy ra trong lòng các nền văn minh. Tuy vậy, bạo lực giữa các quốc gia và các nhóm thuộc các nền văn minh khác nhau sẽ mang theo nó nguy cơ leo thang vì các quốc gia và các nhóm thuộc các nền văn minh khác nhau này tập hợp để hậu thuẫn “nước anh em” của họ. Cuộc đụng độ đẫm máu giữa các bộ tộc ở Somalia không có nguy cơ dẫn đến xung đột rộng hơn. Cuộc đụng độ đẫm máu giữa các bộ lạc ở Rwanda gây hậu quả cho Uganda, Zaire và Burundi cũng không rộng hơn nữa. Nhưng các cuộc chạm trán giữa các nền văn minh ở Bosnia, vùng Caucasus, Trung Á, hoặc ở Kashmir có thể trở thành những cuộc chiến tranh lớn. Trong cuộc xung đột Nam Tư, Nga hậu thuẫn về ngoại giao cho Serbia, còn Ảrập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Libya cung cấp vũ khí và tài chính cho người Bosnia không phải vì lý do hệ tư tưởng hoặc quyền lực hay lợi ích kinh tế, mà vì tính thân thiết về văn hóa. Vaclav Havel nhận xét: “Xung đột văn hóa ngày càng tăng và chưa khi nào trong lịch sử nó nguy hiểm như ngày nay”. Jacques Delors nhất trí và cho rằng “các xung đột trong tương lai sẽ được châm ngòi bằng những yếu tố văn hóa chứ không phải kinh tế hay ý thức hệ tư tưởng”. Những xung đột văn hóa nguy hiểm nhất sẽ xảy ra ở những phân giới sai lệch nhất giữa các nền văn minh.

Trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, văn hóa vừa là sức mạnh đoàn kết vừa là sức mạnh chia rẽ. Những người bị ý thức hệ chia rẽ nhưng được văn hóa gắn kết sẽ tìm đến nhau, như hai nước Đức đã làm và Trung Quốc – Triều Tiên đang bắt đầu thực hiện. Những xã hội liên kết với nhau vì ý thức hệ hoặc vì hoàn cảnh lịch sử lại chia rẽ vì văn minh, hoặc sẽ tan rã, như Liên Xô, Nam Tư và Bosnia, hoặc sẽ phải chịu những căng thẳng ghê gớm như Ukraine, Nigeria, Sudan, Ấn Độ, Sri Lanca và nhiều ví dụ khác. Những nước có chung văn hóa sẽ hợp tác về kinh tế và chính trị. Các tổ chức quốc tế dựa trên cơ sở các quốc gia có điểm chung về văn hóa như Liên minh châu Âu, chắc sẽ thành công hơn những ai định vượt lên trên các nền văn hóa.

Những giả thiết triết học, giá trị nền tảng, quan hệ xã hội, tập quán và nhân sinh quan thuộc các nền văn minh rất khác nhau. Sự hồi sinh của tôn giáo nhiều nơi trên thế giới đang củng cố thêm những khác biệt văn hóa. Các nền văn hóa có thể thay đổi, bản chất của những ảnh hưởng lên chính trị của các nền văn hóa có thể thay đổi theo từng giai đoạn. Tuy vậy, những khác biệt lớn trong phát triển chính trị và kinh tế giữa các nền văn minh thường có nguồn gốc văn hóa sâu sắc. Thành công trong kinh tế của Đông Á, cũng như những khó khăn các nước này gặp phải để ổn định dân số và chính trị rõ ràng đều bắt nguồn từ nền văn hóa Đông Á. Văn hóa Hồi giáo cũng giải thích cho thất bại về dân chủ trong thế giới Hồi giáo. Những diễn biến trong các xã hội hậu cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô được định hình bằng bản thể văn minh của chính họ. Những nước có truyền thống Cơ đốc giáo phương Tây đang có tiến bộ trong phát triển kinh tế và chính trị dân chủ, triển vọng phát triển kinh tế và chính trị trong các nước theo Chính thống giáo không chắc chắn; triển vọng ở các nước Cộng hòa Hồi giáo thật ảm đạm.

Phương Tây trong những năm tới vẫn sẽ là nền văn minh hùng mạnh nhất. Tuy vậy sức mạnh của nó trong tương quan với các nền văn minh khác đang suy giảm. Trong khi phương Tây cố gắng khẳng định các giá trị và bảo vệ quyền lợi của mình thì các nước phi phương Tây phải đối mặt với một sự lựa chọn. Có những nỗ lực thi đua với phương Tây, nhập vào phương Tây hoặc “liên kết sách lược” với phương Tây. Các xã hội Khổng giáo và Hồi giáo nỗ lực bành trướng sức mạnh quân sự và kinh tế để chống lại phương Tây và “cân bằng” với phương Tây. Trục chính của chính trị thế giới hậu Chiến tranh Lạnh do vậy là sự tương tác giữa sức mạnh và văn hóa phương Tây với sức mạnh và văn hóa của các nền văn minh phi phương Tây.

Nói tóm lại, thế giới hậu Chiến tranh Lạnh là thế giới của bảy hoặc tám nền văn minh lớn. Những tương đồng và khác biệt về văn hóa sẽ định hình quyền lợi, sự đối kháng và liên kết của các quốc gia. Những nước quan trọng nhất thế giới có xuất xứ từ nhiều nền văn minh khác nhau. Những cuộc xung đột cục bộ có chiều hướng leo thang thành chiến tranh thường là những xung đột giữa các quốc gia có nền văn minh khác nhau. Các phương thức phát triển kinh tế và chính trị thống trị cũng khác nhau từ nền văn minh này sang nền văn minh khác. Những vấn đề quốc tế mấu chốt cũng kéo theo những bất đồng giữa các nền văn minh khác nhau. Sức mạnh lâu nay vẫn thuộc nền văn minh phương Tây giờ đây đang chuyển sang các nền văn minh phi phương Tây. Chính trường quốc tế trở nên đa cực và đa văn minh.

Những thế giới khác?

Bản đồ và hệ thống khái niệm phân loại các quốc gia. Chân dung thế giới hậu Chiến tranh Lạnh được định hình bởi các yếu tố văn hóa và kéo theo những tương tác giữa các quốc gia và nhóm nước thuộc các nền văn minh khác nhau được đơn giản hóa rất nhiều. Bức tranh đó đã lược bỏ rất nhiều thứ, bóp méo một số thứ và làm lu mờ những thứ khác. Tuy vậy, nếu chúng ta muốn suy nghĩ một cách nghiêm túc về thế giới và hành động một cách đúng đắn trong đó, chúng ta sẽ thấy cần có một loại bản đồ lược giản thực tế, một chút lý luận, khái niệm, khuôn mẫu hoặc tiểu hệ thống. Thiếu những tri thức như vậy về cấu trúc có thể dẫn đến “tranh luận vô ích” như lời của William James. Tính tiên phong của tri thức và khoa học, như Thomas Kuhn chỉ ra trong cuốn Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học của mình, là thay thế một hệ thống khái niệm ngày càng mất khả năng giải thích các hiện tượng mới này bằng hệ thống mới có khả năng làm sáng tỏ được những sự kiện mới một cách thỏa đáng. Kuhn viết: “Để được chấp nhận là một hệ thống khái niệm, một lý thuyết phải tỏ ra hơn hẳn đối thủ của mình, chứ không cần thiết phải giải thích tất cả sự kiện nó phải đối mặt”. John Lewis Gaddis thì nhận xét: “Tìm đường trong một xứ lạ thường cần một loại bản đồ nào đó”. Khoa học bản đồ, giống như nhận thức vậy, là một bàn cờ cần thiết cho phép chúng ta biết ta đang ở đâu và đang có thể đi đâu. Hình ảnh các siêu cường ganh đua nhau thời Chiến tranh Lạnh được Harry Truman mô tả như là một “bài tập về khoa học bản đồ chính trị mô tả hoàn cảnh thế giới bằng ngôn từ ai cũng hiểu được, và như thế đã chuẩn bị dọn đường cho một chiến lược chinh phạt phức tạp sắp xảy ra”. Nhân sinh quan thế giới và các lý thuyết sinh ra từ đó là những chỉ dẫn về nền chính trị quốc tế không thể thiếu được.

Trong 40 năm, sinh viên và những người hành nghề trong lĩnh vực quan hệ quốc tế đã suy nghĩ và hành động theo các tiểu hệ thống khái niệm thời Chiến tranh Lạnh ấy về các vấn đề quốc tế. Hệ thống này không thể giải thích mọi điều đang diễn ra trên chính trường quốc tế. Có rất nhiều dị biệt, và đôi khi các học giả và chính khách bị cái hệ thống này bịt mắt trước những diễn biến lớn như sự chia rẽ Liên Xô -Trung Quốc chẳng hạn. Tuy thế, với tư cách là một khuôn mẫu đơn giản trong chính trường toàn cầu, khái niệm hệ thống này giải thích được những hiện tượng phức tạp tốt hơn các khái niệm khác. Nó là điểm xuất phát cơ bản cho những suy nghĩ về các sự kiện quốc tế và được nhiều người chấp nhận, đồng thời nó định hình cho tư duy về chính trường thế giới ít nhất cho hai thế hệ.

Các hệ thống khái niệm hoặc giản đồ hết sức cần thiết cho tư duy và hành động của loài người. Một mặt, chúng ta có thể hình thành một cách tường minh những lý thuyết hoặc mẫu hình và sử dụng chúng một cách có ý thức để dẫn dắt hành vi của mình. Mặt khác, chúng ta có thể khước từ những nhu cầu dẫn dắt này và cho rằng hành động của chúng ta chỉ dựa trên những dữ kiện “khách quan”, giải quyết mỗi trường hợp cụ thể “trên cơ sở ưu điểm” của nó. Nếu chúng ta đặt giả thiết như vậy, chúng ta đang tự đánh lạc hướng chính mình. Vì trong trí não của chúng ta ẩn chứa những giả định, thiên kiến và định kiến đã điều khiển chúng ta nhận thức thực tế như thế nào, chúng ta quan tâm đến dữ kiện nào và đánh giá tầm quan trọng và thành tích của chúng ra sao. Chúng ta cần đến những mô hình sáng rõ và hàm ẩn để có thể:

  1. Xếp đặt và khái quát hóa thực tế;
  2. Hiểu được quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng;
  3. Tiên lượng, và nếu may mắn, tiên đoán được những diễn biến tương lai;
  4. Phân định được cái quan trọng ra khỏi cái không quan trọng; và
  5. Xác định chúng ta nên đi theo đường nào để đạt được mục đích.

Mỗi mô hình hoặc bản đồ là một tập hợp trừu tượng có ích cho những mục đích cụ thể nào đó. Bản đồ đường bộ chỉ cho ta đường đi từ A đến B, nhưng chẳng có ích bằng một bản đồ chỉ vị trí các sân bay, đường bay và địa hình khi ta điều khiển máy bay. Tuy thế, không có bản đồ chúng ta sẽ bị lạc. Bản đồ càng chi tiết bao nhiêu nó càng phản ánh thực tế đầy đủ bấy nhiêu. Nhưng một bản đồ quá chi tiết lại không phục vụ cho nhiều mục đích được. Nếu chúng ta muốn đi từ một thành phố lớn ra một xa lộ cao tốc, ta không cần đến hoặc cảm thấy lúng túng trước một bản đồ chi tiết quá gồm nhiều thông tin không liên quan, còn những xa lộ cao tốc thì lẫn vào một mê cung những đường phụ. Nói tóm lại, chúng ta cần một bản đồ vừa mô tả thực tế vừa đơn giản hóa thực tế phù hợp nhất cho mục đích của ta. Một số giản đồ hoặc một hệ thống khái niệm về chính trị thế giới đã được đề xuất khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Một thế giới: Lạc quan quá sớm và sự hòa hợp. Một hệ thống khái niệm được nhiều người nhắc tới dựa trên giả thiết cho rằng sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh cũng đồng thời là sự kết thúc xung đột lớn nhất trên chính trường quốc tế và sự xuất hiện một thế giới tương đối hài hòa. Sự hình thành mô hình được bàn luận nhiều nhất này là thuyết “kết thúc của lịch sử” do Francis Fukuyama đề xướng. Fukuyama tranh luận rằng: “Chúng ta có thể chứng kiến sự kết thúc của lịch sử như thế này: đó là sự kết thúc của quá trình tiến hóa ý thức hệ nhân loại và việc phổ cập dân chủ tự do phương Tây như là hình thức trị vì nhân loại cuối cùng”. Để khẳng định, ông nói, một số xung đột xảy ra ở đâu đó trong Thế giới thứ ba, nhưng xung đột thế giới đã chấm dứt, và ít nhất ở châu Âu. Tương lai không còn được chứng kiến những cuộc đối đầu về ý thức hệ tư tưởng mà tập trung vào các lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Nhưng như vậy, Fukuyama buồn rầu nhận xét, thế giới thật buồn tẻ.

Nhiều người chia sẻ ý nghĩ về sự hòa hợp. Các nhà lãnh đạo trong giới chính trị và trí thức cũng có những quan điểm tương tự. Bức tường Berlin sụp đổ, các chính quyền Đông Âu sụp đổ, Liên Hợp Quốc dự tính sẽ chỉ còn một vai trò quan trọng mới: gìn giữ và xây dựng hòa bình, khi những đối thủ trong Chiến tranh Lạnh sẽ trở thành những “đối tác”, những người tham gia “thương thảo”. Nguyên thủ quốc gia của siêu cường thì tuyên bố một trật tự thế giới mới, hiệu trưởng một trường đại học danh tiếng thế giới thì phủ quyết việc phong hàm giáo sư cho ngành an ninh, vì “Lạy Chúa, từ nay không còn chiến tranh, chúng ta không phải nghiên cứu về chiến tranh nữa”.

Trạng thái lạc quan quá sớm khi Chiến tranh Lạnh kết thúc mang lại ảo tưởng về sự hòa hợp mà sau đó cũng xảy ra đúng như vậy. Thế giới trở nên khác hẳn trong đầu thập kỉ 1990, nhưng không hẳn hòa bình hơn trước. Thay đổi là tất yếu; nhưng tiến bộ thì chưa hẳn. Những ảo tưởng tương tự về sự hòa hợp cũng nảy sinh mỗi khi một cuộc xung đột lớn của thế kỉ XX chấm dứt. Thế chiến thứ nhất là “chiến tranh để chấm dứt chiến tranh” và để làm cho thế giới an toàn hơn cho nền dân chủ. Thế chiến thứ hai, như Franklin Roosevelt nhận xét, “sẽ chấm dứt một hệ thống hành động đơn phương, những liên minh đặc lợi, cân bằng lực lượng và tất cả những hành động vội vàng vì lợi ích trước mắt – được thử thách qua hàng thế kỉ mà đã thất bại”. Thay vào đó, chúng ta sẽ có một “tổ chức chung” gồm “các dân tộc yêu chuộng hòa bình” và bắt đầu xây dựng “hòa bình vĩnh cửu”. Nhưng tiếp theo Thế chiến thứ hai là Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến tranh thật sự có tính toàn cầu. Ảo tưởng về hòa hợp sau Chiến tranh Lạnh chẳng bao lâu tan biến với sự tăng theo cấp số nhân những cuộc xung đột sắc tộc và “thanh lọc chủng tộc”, sự xuất hiện những liên minh và xung đột kiểu mới giữa các quốc gia, phong trào cộng sản kiểu mới, phong trào phát-xít kiểu mới, sự gia tăng tôn giáo cực đoan, sự chấm dứt chính sách “ngoại giao mỉm cười” và chính sách “gật” trong quan hệ của Nga với các nước phương Tây, sự bất lực của Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ trước những xung đột cục bộ đẫm máu, và sự lớn mạnh ngày càng rõ của Trung Quốc. Năm năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, từ “diệt chủng” được nhắc đến nhiều hơn khi còn Chiến tranh Lạnh. Rõ ràng ý tưởng về một thế giới hòa hợp quá xa với thực tại khiến người ta không còn coi đó là kim chỉ nam về một thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.

Hai thế giới: ta và họ. Trong khi những mong mỏi về một thế giới xuất hiện sau những xung đột lớn thì xu hướng nghĩ về hai thế giới tái xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Nhân loại vẫn thường quen chia mình thành hai phe: ta và địch, người mình và người ngoài, văn minh của ta và những người man rợ kia. Các học giả phân tích thế giới theo phương Đông và phương Tây, Bắc và Nam, trung tâm và ngoại vi. Người theo Hồi giáo chia thế giới thành Dar Al-islam và Dar Al-harb, xứ sở hòa bình và xứ sở chiến tranh. Sự phân biệt đó được các học giả Mỹ phản ánh trong “khu vực yên bình” và “khu vực biến động” . Khu vực thứ nhất bao gồm phương Tây và Nhật Bản với khoảng 15% dân số thế giới, khu vực kia là toàn bộ phần còn lại.

Tùy thuộc vào việc các khu vực được xác định như thế nào, hình ảnh thế giới có hai phần cũng phần nào tương ứng với thực tế. Sự phân chia phổ biến nhất, có thể mang các tên khác nhau, là giữa các nước giàu (hiện đại, phát triển) và các nước nghèo (truyền thống, kém phát triển hoặc đang phát triển). Có quan hệ lịch sử với sự phân chia về kinh tế này là sự phân chia về văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, ở đó vấn đề cốt lõi không phải là sự khác biệt về kinh tế mà ở sự khác biệt về nền tảng triết học, hệ giá trị và lối sống. Mỗi hình ảnh phản ánh một số nét của thực tế nhưng cũng chứa đựng những hạn chế. Các nước giàu có chung những đặc điểm khiến họ khác các nước nghèo. Sự khác biệt giàu nghèo có thể dẫn đến xung đột giữa các xã hội, nhưng bằng chứng cho thấy xung đột xảy ra trước hết khi nước giàu muốn lấn át và thôn tính nước nghèo hơn. Phương Tây đã làm điều này hơn 400 năm nay, và thế là các nước thuộc địa vùng dậy, tiến hành chiến tranh giải phóng chống lại quốc gia thực dân. Trong thế giới hiện tại, quá trình phi thực dân hóa và chiến tranh giải phóng đang biến thành các cuộc xung đột giữa các dân tộc được giải phóng.

Ở mức độ chung hơn, xung đột giữa giàu và nghèo ít xảy ra, trừ một số trường hợp đặc biệt, vì các nước nghèo thường thiếu sự đoàn kết chính trị, sức mạnh kinh tế và tiềm năng quân sự. Phát triển kinh tế ở châu Á và châu Mỹ Latinh đang làm lu mờ sự phân chia lưỡng cực giữa người có và người không có. Các nước giàu tiến hành chiến tranh mậu dịch với nhau, các nước nghèo thì có những cuộc chiến tranh xương máu với nhau; nhưng cuộc chiến tranh giai cấp quốc tế giữa miền Nam nghèo nàn và miền Bắc giàu có thì rất xa với thực tế, cũng xa vời như một thế giới hòa hợp hạnh phúc vậy.

Quan điểm phân chia thế giới thành hai phần bằng văn hóa vẫn chưa hữu hiệu. Chừng mực nào đó, phương Tây là một chỉnh thể, những xã hội phi phương Tây có gì chung nhau ngoài thực tế đơn thuần là phi phương Tây? Văn minh Trung Hoa, Nhật Bản, Hindu, Hồi giáo và Phi châu có ít điểm chung nhau về tôn giáo, cấu trúc xã hội, thể chế và các giá trị nổi trội.

Tính đoàn kết của cộng đồng phi phương Tây và sự phân chia Đông – Tây là những chuyện hoang đường do phương Tây sáng tác. Những chuyện hoang đường này cũng có những khuyết tật của chủ nghĩa phương Đông như Edward Said phê phán là làm tăng thêm “cách biệt giữa những cái giống nhau (châu Âu, phương Tây – ‘ta’) và những cái xa lạ (phương Đông – ‘họ’)” và tự cho “ta” siêu việt hơn “họ”. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thế giới bị phân cực theo ý thức hệ tư tưởng, không có sự tham dự của văn hóa. Phân cực Đông – Tây về văn hóa một phần là hậu quả của thói quen gọi văn minh châu Âu là văn minh phương Tây. Thay vì gọi “phương Đông” và “phương Tây”, người ta quen nói phương Tây và phần còn lại. Thế giới thật sự quá phức tạp nên không thể nhìn nhận một cách đơn giản như phân chia Bắc và Nam về kinh tế hoặc Đông và Tây về văn hóa.

Khoảng 184 quốc gia. Bản đồ thứ ba về thế giới hậu Chiến tranh Lạnh xuất phát từ cái thường được gọi là lý thuyết “thực tế” về quan hệ quốc tế. Theo lý thuyết này, các quốc gia thật sự là những người duy nhất quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Quan hệ giữa các quốc gia là quan hệ ít lệ thuộc chính phủ, và do vậy để đảm bảo sự tồn vong và an ninh của mình, các quốc gia không thể không cố gắng bành trướng sức mạnh của mình. Nếu quốc gia này thấy quốc gia khác tăng cường sức mạnh, có nghĩa là tăng thêm sự đe dọa với mình, quốc gia đó phải tự bảo vệ an ninh của mình bằng cách tăng cường sức mạnh hoặc phải liên minh với quốc gia khác. Từ đó người ta có thể tiên đoán được quyền lợi và hành động của hơn 184 quốc gia trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh sẽ ra sao.

Bức tranh thế giới “thực tế” này có thể làm điểm xuất phát để phân tích các vấn đề quốc tế và biện minh rất nhiều cho các hành vi cấp quốc gia. Các quốc gia đã và sẽ là những chỉnh thể nổi bật trong các vấn đề quốc tế. Họ vẫn duy trì quân đội, tiến hành ngoại giao, thương thảo trên các hiệp ước, tiến hành chiến tranh, kiểm soát các tổ chức quốc tế và định hình nền sản xuất và thương mại. Chính phủ các quốc gia ưu tiên đảm bảo an ninh bên ngoài quốc gia của họ. Nhìn chung, phương hướng này cho ta một bức tranh thực tiễn về nền chính trị quốc tế hơn là quan điểm một hoặc hai thế giới.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button