Sức khỏe

Này Sản Phụ Cô Làm Ơn Ăn Ít Đi Nhé!

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Hà Linh

Download sách Này Sản Phụ Cô Làm Ơn Ăn Ít Đi Nhé ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SỨC KHỎE

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

MÌNH CHỈ MUỐN ĐI THẬT XA!

Từ khi bắt đầu làm mẹ, bạn có bị ám ảnh bởi điều gì không? Riêng tôi thì có. Đó chính là nỗi sợ hãi xuất phát từ những trải nghiệm tuổi thơ và xuất phát từ cả những kỳ vọng của chính tôi.

Không biết khi còn ở với bố mẹ thì các bạn thế nào, còn tôi chỉ mong lớn thật nhanh để thoát ly khỏi gia đình càng sớm càng tốt. Lúc đó chỉ có cảm giác sợ hãi, ấm ức và cô độc bủa vây. Quả thật, thời điểm đó tôi chưa đủ trưởng thành để hiểu hết thế nào là tình thương yêu và các cách thể hiện khác nhau của nó. Chỉ biết rằng tôi đã rất sợ hãi khi bị mắng và rất phiền muộn vì không được hiểu.

Tôi vẫn nhớ như in khi còn nhỏ, cha tôi làm việc xa và thường về nhà vào dịp cuối tuần. Vào mỗi cuối tuần, tôi thường cầu khấn để cha tôi đừng trở về. Tôi thường đứng ở góc nhà, chắp hai tay lại lẩm bẩm “Cha ơi, đừng về nhé” hàng chục, hàng trăm lần. Nhiều khi dù tôi làm như thế mà cha vẫn trở về thì lần sau tôi lại cầu ngược lại “Cha ơi về đi” những mong thực tế sẽ ngược lại với lời khấn. Đến khi cha chuyển về gần nhà làm việc thì tôi lại thường mong ước cha đi công tác thật xa, thật lâu. Chỉ bởi lý do khi cha đi vắng tôi thấy không khí trong nhà thật dễ chịu, tôi được tự do và thoải mái cười đùa mà không phải nơm nớp sợ hãi.

Những lúc cha tôi vắng nhà, mấy mẹ con nói chuyện với nhau đủ nghe, mẹ nhắc nhở nhẹ nhàng và chúng tôi cùng nhau vui vẻ làm mọi việc. Còn cha tôi thì dễ nổi nóng và luôn khiến tôi rụng rời khi ông nhìn tôi bằng ánh mắt giận dữ. Tôi luôn có cảm giác xa cách, không muốn lại gần cũng như không dám nói chuyện với cha.

Chị em tôi đều học kém những môn tự nhiên, cha tôi lại rất khá mấy môn đó. Nhưng chúng tôi thường co rúm người lại, tim đập thình thịch khi cha kèm chúng tôi học. Cha thường nổi cáu và dọa đánh còn chúng tôi thì “thần hồn nát thần tính” chẳng còn tự tin vào chính mình để biết cần phải làm gì. Nếu chúng tôi im lặng chờ hiệu lệnh của cha thì cha sẽ quát lên: “Tại sao mày không tính toán đi, còn giương mắt lên làm gì?”; còn khi chúng tôi vừa khiếp sợ vừa tính toán trong nỗi bấn loạn, nếu đúng thì không sao, nếu sai thì cha sẽ quát thêm, nếu chậm chạp thì cha tôi sẽ lại mắng: “Tính có từng đó mà cũng không ra hay sao, mày là bác sỹ hay kỹ sư gì rồi mà phải suy nghĩ lâu thế?”. Trời đất, chúng tôi biết làm sao? Một đứa trẻ khiếp nhược vì sợ hãi và làm gì cũng sợ bị mắng thì thử hỏi nó đang trong tình trạng như thế nào?

Mẹ tôi tuy hiền hòa, gần gũi hơn và là nơi tôi trông chờ sự bảo vệ, tình âu yếm nhiều nhất; nhưng có khi tôi đang trông chờ ở bà sự che chở vì bị cha mắng mà chẳng biết sai ở chỗ nào, thì bà lại buông một câu: “Ai bảo…”. Và thế là chúng tôi chìm trong nỗi tuyệt vọng vì chẳng có ai bênh vực và giải tỏa nỗi ấm ức cho mình.

Tôi thường bị cha chê là chậm chạp, khờ khạo. Và mẹ dường như đồng tình với cha, bà luôn công khai chê đứa con gái của mình không bằng bất cứ đứa trẻ nào. “Con người ta thì khôn ngoan thế, con mình thì…”, “Con người ta thì siêng năng thế, con mình thì…”, ‘‘Con này chậm chạp, lơ ngơ lắm…”

Hình như cảm giác không bằng ai và luôn sợ hãi đã biến tôi thành một đứa trẻ nhút nhát, ngại giao tiếp. Đến những nơi lạ, tôi luôn giữ im lặng, ai hỏi cũng không dám nói, đến nỗi có bà bác tôi bảo: “Sao mà mày chẳng biết nói năng gì như đứa bị câm vậy”, mẹ tôi đồng tình chép miệng: “Đấy, con với cái có miệng cũng như không”. Hệ quả là tôi càng chui vào vỏ ốc tự vệ của mình, có lẽ vì tôi không biết nên nói thế nào cho đúng, nói thế nào thì không bị chê là chậm, là khờ.

Vì nhút nhát và luôn mặc cảm nên nếu có người lớn nào chịu nói chuyện với tôi mà không xem thường hay mắng mỏ là tôi rất vui. Thi thoảng một vài đồng nghiệp của bố mẹ thường chia sẻ với tôi về chuyện sách vở, tôi thích lắm và những lúc như vậy tôi hoạt bát hẳn lên.

Tôi có cô bạn thân, bố mẹ bạn ấy luôn chuyện trò vui vẻ với con, hầu như không bao giờ mắng mỏ. Mỗi khi tôi tới nhà bạn, thấy bạn ríu rít kể mọi chuyện với bố mẹ, bố mẹ bạn lắng nghe đáp lại câu chuyện của con như những người bạn. Lúc đó, tôi đã ước ao giá như gia đình tôi cũng thế.

Tôi luôn có cảm giác khó chịu, sợ hãi trong căn nhà của mình. Tôi thường nhìn các anh chị được đi học xa, các cô chú trẻ trung làm việc ở cơ quan bố mẹ và mơ ước có ngày tôi cũng như thế để không còn bị ai mắng mỏ, so sánh. Có lẽ với tôi lúc đó, chỉ cần không bị ai mắng và được tôn trọng là đã quá hạnh phúc.

Khi qua lứa tuổi cấp 2, bắt đầu vào cấp 3, lúc đó tôi đã lớn hơn, nhận biết về cá nhân và xã hội rộng hơn và đồng thời nhu cầu được tôn trọng càng lớn lao hơn bao giờ hết. Tôi chỉ mong thi đỗ đại học và đi học thật xa để thoát khỏi không khí tù túng, ngột ngạt trong gia đình. Nhất là khi kỳ thi đại học đến gần, mỗi khi cha mẹ biết được con nhà ai chăm chỉ hơn, hay lúc điểm số của tôi không như trông đợi, thậm chí đôi khi không vì gì cả, bố mẹ lại nói những câu khiến nỗi lo không đỗ đại học trong tôi càng trở nên khủng khiếp.

Tôi vốn thích đọc sách, nhờ đọc sách mà tôi biết được rằng thế giới ngoài căn nhà tôi sống, ngoài thị trấn tôi cư ngụ thật rộng lớn, thú vị. Cũng nhờ sách mà tôi biết không phải đứa trẻ nào cũng bị kiểm soát. Tôi muốn được đắm mình vào thế giới rộng lớn đó. Vì thế tôi càng thích đọc sách, thích làm tập làm văn vì đó là nơi tôi được là chính mình, viết điều mình nghĩ…

Ngay cả chuyện bạn bè, cha mẹ tôi cũng lo ngại tôi bị bạn lôi kéo làm ảnh hưởng đến việc học nên chỉ cho tôi chơi với bạn nào mà cha mẹ thấy yên tâm, nghĩa là những bạn có gia cảnh tốt và ngoan ngoãn, học giỏi.

Có thể nói, tôi không cảm nhận được không khí ấm áp của gia đình, không hiểu được ý nghĩa của cái gọi là “sweet home” (theo nghĩa gia đình ngọt ngào, ấm áp) khi tôi còn bé. Tôi tin điều đó có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý sau này của chính tôi và ứng xử của tôi với gia đình của mình.

Tôi thường có nỗi lo lắng thầm kín là sợ làm tổn thương con, không đưa đến cho con cảm giác có căn nhà ấm cúng, tình yêu thương với sự thông cảm, tôn trọng như tôi đã trải qua thời bé. Vì thế khi chăm sóc con tôi bị mập mờ giữa hai khái niệm “nghiêm khắc” và “hà khắc” dẫn đến lúng túng trong một số trường hợp.

Có con, sinh sống ở nước ngoài, mọi thứ phải tự lập hoàn toàn cho nên tôi thường nổi cáu với con. Khi nổi cáu xong thì tôi lại hối hận vì sợ rằng con mình sẽ bị tổn thương. Rồi lại lo nghĩ liệu mình xử sự như vậy với con có giống cha mẹ mình ngày xưa không? Có làm con ấm ức, khó chịu không? Mai sau con có dễ cáu kỉnh như mình hay không? Vì thế nỗi sợ hãi nói trên cứ mơ hồ, lơ lửng trong tâm trí.

Mỗi khi tôi nhìn thấy các bạn của con mình, cháu nào bị ép học nhiều, bị kiểm soát quá nhiều tôi thường rất xót xa và nhớ lại thời thơ ấu của mình.

Bạn của con trai tôi viết lưu bút cuối kỳ là: ‘‘Bạn ơi, có lẽ từ nay mình không được chơi nữa, nhưng bạn cứ chơi cùng mình khi có thể nhé!”– đọc những dòng đó tôi rất thương cháu. Tất nhiên học hành là quan trọng, nhưng xin đừng tước đoạt tuổi thơ thần tiên của con trẻ.

Khi con còn bé, con có thể cảm nhận trực quan qua cách cha mẹ xử sự hằng ngày. Con có thể hiểu tình yêu của cha mẹ khi cha mẹ tôn trọng con, tạo ra bầu không khí vui vẻ, đầm ấm trong gia đình. Trí óc non nớt của con thật khó có thể nghĩ được sâu xa như người trưởng thành về thế nào là tình mẫu tử ẩn sau đòn roi, cáu giận.

Nuôi dưỡng một đứa con, theo tôi hiểu, nghĩa là ngay từ khi con còn trong bụng mẹ chúng ta đã cần tôn trọng một con người nhỏ bé chứ không phải là một con người lệ thuộc. Con cái có thế giới riêng của mình như chúng ta ngày xưa cũng thế. Có những thứ cha mẹ không thể nắm bắt nổi nếu cha mẹ đứng ngoài cuộc và chỉ tham gia vào cuộc sống của con bằng những mệnh lệnh…

Tôi không phải là một người mẹ tốt đúng nghĩa và hoàn hảo trong mắt con, cũng như chính tôi tự nhận thấy, tôi không đủ kiên nhẫn, khéo léo. Tôi không thể hiểu hết và làm cho con những điều con mong đợi, tôi chỉ luôn cố gắng làm những gì có thể thôi. Nhưng có một điều tôi chắc chắn, đó là tôi luôn họ c hỏi qua những sai lầm, qua những cư xử không như mong đợi hằng ngày hằng giờ. Có thể có những khi tôi không kiểm soát nổi bản thân, tôi cáu con, thậm chí tôi phát vào mông con, nhưng tôi biết đó là sai. Hay khi tôi làm điều gì đó mà đọc từ mắt con, từ thái độ của con, tôi biết điều đó là không thích hợp thì tôi sẽ sửa.

Không ai hoàn hảo cả, ngay từ đầu lại càng khó, nhưng tôi tin vào sự hướng thiện của con người.

Tôi kể lại trải nghiệm của mình không phải là lên án, trách cứ cha mẹ tôi. Dân gian có câu ‘‘Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”. Đúng thế, khi sinh con và nuôi dạy con, tôi dần hiểu ra tâm lý của người làm cha mẹ. Tôi hiểu ra những nỗi lo âu, những ước muốn và cả những nóng giận của cha mẹ khi xưa.

Tôi biết ơn họ đã sinh thành, cho tôi đến với cuộc đời này. Và tôi biết, họ yêu thương tôi theo kiểu “yêu cho roi cho vọt” như thế hệ trước thường quan niệm. Mà chắc gì đến nay những cách yêu thương như vậy đã hết!

Chúng ta có thể lý luận rằng, NHỜ CÓ những ngày tháng đó mà chúng ta CÓ ĐƯỢC như ngày hôm nay. Tôi cho rằng ý nghĩ đó thoạt tiên có vẻ có lý và nhấn mạnh đạo làm con, theo kiểu làm con phải biết ơn cha mẹ, cha mẹ xử sự thế nào đi nữa thì vẫn là cha mẹ. Cha mẹ ngày xưa nghiêm khắc, thậm chí là khắc nghiệt với chúng ta là vì yêu thương và mong cho chúng ta có những điều tốt đẹp.

Nhưng ngược lại, là con, chúng ta có quyền mong muốn cha mẹ cư xử theo cách tốt đẹp hơn bởi vì rõ ràng có những cách không cần đến đòn roi, quát mắng. Mặt khác, trong thế giới văn minh, tiến bộ, việc đánh đập, sỉ nhục con cái cũng có thể bị luật pháp khép tội.

Chúng ta biết công ơn sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không được nói thật lòng mình, không được rút ra những kinh nghiệm từ những trải nghiệm buồn để không lặp lại với con cái chúng ta. Không phải đòn roi hay sự ép buộc nào cũng mang tới thành công, ngược lại, nó để lại những tổn thương tâm lý thời thơ ấu không bao giờ có thể xóa được trong tâm khảm.

Con cái chúng ta được quyền đòi hỏi cách giáo dục phù hợp với tâm hồn trẻ thơ, và chúng ta có bổn phận thực hiện quyền đó cho con cái. Nếu cho rằng mình là cha mẹ nên có quyền năng tuyệt đối, muốn xử sự với con ra sao cũng được; rồi lý luận, biện minh là vì lo cho con, muốn điều tốt đẹp cho con, có lẽ vô hình trung điều đó sẽ gây đau khổ, cô đơn cho con.

Ngay cả chúng ta trong mọi mối quan hệ cũng đều mong có sự tôn trọng cũng như tình cảm ấm áp. Những đứa bé lại càng cần được tôn trọng, được lắng nghe và thấu hiểu hơn thế. Tuổi thơ không trở lại hai lần. Muốn con nên người, chúng ta phải nghiêm khắc nhưng đó là sự nghiêm khắc đúng mực, phải trái rõ ràng và trên cơ sở sự tôn trọng.

Tôi đã từng mong mỏi khi có con tôi sẽ không xử sự như cha mẹ tôi đã từng làm với tôi, tôi sẽ dành cho con tôi những thứ tôi đã mơ ước ở cha mẹ mình. Tất nhiên, nói thì dễ làm thì khó, nhất là khi ta đặt tất cả tình yêu, ý nghĩa cuộc sống vào những đứa con khiến cho ta càng trở nên bị áp lực.

Trong quá trình nuôi con ở Nhật, từ trải nghiệm bản thân và qua quan sát học hỏi, tôi nghiệm thấy có lẽ quan điểm về việc sinh thành và nuôi dạy con chính là mấu chốt vấn đề. Một quan điểm đúng đắn sẽ khiến tình yêu thương trong gia đình thực sự là món quà thiêng liêng chúng ta dành cho nhau thay vì trở thành thành gánh nặng của nhau.

ĐỌC THỬ

CON DÂU ƠI, NGHÉN KHÔNG PHẢI LÀ BỆNH!

Đó là lời mẹ chồng nói với tôi khi tôi mang thai con gái đầu lòng. Trong mấy tháng đầu bị nghén, tôi nôn ói thường xuyên. Tôi mới đến xứ lạ nên bạn bè không nhiều, lại không phải đi làm nên cả ngày chỉ lo nghĩ quanh chuyện nghén, chuyện nôn ói.

Và cũng chẳng biết than vãn, chia sẻ với ai, chỉ biết “hành hạ” chồng. Chồng cũng lần đầu tiên đối mặt với chuyện thai nghén của vợ nên lại càng lo lắng nhiều. Liên tục hỏi mẹ chồng, hỏi bạn quen người Nhật, hỏi bác sỹ sản khoa. Cả nhà cứ y như là có “bão”.

Tôi cảm giác mình không được bình thường, cái gì cũng lo, cái gì cũng cần phải hỏi ai đó, mà hỏi xong chưa hẳn đã yên tâm.Luôn luôn cảm thấy bất an và mọi thứ đều trở nên nghiêm trọng.

Tôi bị “nghén” thật nặng nề, chồng lo, bạn bè lo và cả mẹ chồng, bố chồng cũng quan tâm hỏi han.

Chồng tôi phải thường xuyên gọi điện thoại cho mẹ xin ‘‘tư vấn” của bà. Bà thường chia sẻ kinh nghiệm và động viên. Nhưng có lần bà bảo tôi rằng: ‘‘Thai nghén đúng là khiến cho cơ thể người phụ nữ có những đổi thay và mệt mỏi. Ốm nghén quả thật là rất khổ. Tuy nhiên chuyện thai nghén, sinh đẻ là thiên chức của người phụ nữ; những thay đổi đó tuy làm mình cực hơn nhưng không phải là bệnh tật mà chỉ là quá trình tự nhiên và mình phải chấp nhận suốt cả hành trình này.

Như ý niệm của bà, có thai là một thiên chức – một điều mà đa số phụ nữ khi kết hôn đều sẽ trải qua. Đó là niềm vui chứ không phải là căn bệnh khiến mình phải khổ sở, phải kiêng kị quá nhiều, rồi lo lắng, rồi muốn mọi người phải chăm sóc, nâng niu chiều chuộng mình. Và cũng không thể kỳ vọng “chữa khỏi” như là một căn bệnh nào đó.

Nếu cứ luôn nghĩ có bầu thật mệt, bị “thai hành” thật khổ rồi cau có, rồi lười biếng không muốn vận động nhiều thì đó là ‘‘tại mình” chứ không phải “tại’’ em bé.

Có lẽ nhờ mẹ chồng chỉ ra vậy, sau đó tôi tận hưởng thời kỳ thai nghén tốt hơn, không cảm thấy mình yếu ớt và cần được tất thảy mọi người chú ý chiều chuộng.

Thay vào đó là niềm vui vì được thực hiện thiên chức và biết được nghén chính là phản xạ của cơ thể, là “giao tiếp” ban đầu của đứa con đang lớn dần lên mỗi ngày trong chính cơ thể của mình.

Và khi hiểu hơn thiên chức của mình, bản năng làm mẹ trỗi lên cùng với niềm tự hào ngập tràn trong tôi.

NÀY SẢN PHỤ, CÔ LÀM ƠN ĂN ÍT ĐI NHÉ!

Chị bạn người Nhật của tôi tăng cân rất ít trong cả thai kỳ. Dù chị tăng chừng 6 kg nhưng con gái chị sinh ra là 2,7 kg, hoàn toàn khỏe mạnh. Khi đi khám thai, tôi thấy các bà mẹ thường tăng cân không nhiều, vì thế họ vẫn giữ được vóc dáng khá gọn gàng.

Điều đó có lẽ là do trong quá trình thai nghén, phụ nữ mang bầu được hướng dẫn một chế độ ăn uống hợp lý nhằm tăng chừng 8-10 kg trong cả thai kỳ. Chu kỳ cuối được chú ý nhất vì lúc đó cân nặng thường tăng rất nhanh.

Việc khám thai được duy trì đều đặn nên nếu có bất kỳ điều gì cần lưu ý về dinh dưỡng thì y bác sỹ sẽ có ý kiến với thai phụ ngay. Nếu thai phụ ăn uống không kiểm soát thì sẽ dẫn đến tăng cân nhanh, nhiều, và đồng nghĩa với việc người mẹ ăn do nhu cầu của mình chứ không phải cho con. Bác sỹ giải thích, nếu người mẹ ăn nhiều, béo lên, tế bào mỡ sẽ làm cho thành bụng dày lên và các cơ quan nội tạng ép lên thành tử cung khiến cho em bé không hoạt động được nhiều. Tế bào mỡ còn “xâm chiếm” các tuyến sữa cản trở “sản xuất” sữa! Ngoài ra còn làm phát sinh nguy cơ về các bệnh trong thai kỳ cũng như sau khi sinh nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Có thể nói trong quá trình thai nghén thì thử thách của tôi là chuyện ăn, chuyện tăng cân. Khi biết tôi có thai, gia đình và bạn bè ở Việt Nam thường khích lệ: ‘‘Ăn nhiều vào nhé, ăn đủ chất cho con khỏe!”. Thậm chí có anh bác sỹ Việt Nam qua thực tập ở Tokyo cũng dặn dò rằng nên ăn thật nhiều!

Bởi vậy, qua thời kỳ ốm nghén khổ sở, thậm chí bị sụt cân so với khi chưa có thai thì tôi có một niềm vui bất tận với chuyện ăn uống. Ăn cho mình là một chuyện, nhưng quan trọng hơn là “ăn cho con”– theo như quan niệm của những người ở nhà.

Ai cũng mong có đứa con khỏe mạnh từ trong bụng mẹ, mà con thì chỉ hấp thu thức ăn từ những gì mẹ ăn nên chuyện ăn rất quan trọng với thai phụ. Đôi khi điều quan trọng đấy lại được hiểu nôm na là ăn nhiều, mà ăn nhiều thì lại đồng nghĩa với tăng cân.

Hậu quả là tôi bị tăng cân rất nhiều, thậm chí có giai đoạn một tuần tăng hơn một cân. Đi khám thai bác sỹ luôn căn dặn: ‘‘Cô tăng cân thế này là nhiều, vì cô ăn nhiều quá, cô nên ăn ít đi”. Bác sỹ thường nhắc tôi phải có chế độ ăn uống điều độ. Có lần tôi đi khám thai định kỳ thì bị bác sỹ cáu: “Này sản phụ, cô làm ơn ăn ít đi nhé!” và ‘‘bắt cóc” tôi ở lại bệnh viện luôn vì chân bị phù, cân nặng tăng quá nhiều khiến bác sỹ lo ngại những nguy cơ hậu sản. Vào bệnh viện, việc đầu tiên là tôi phải ăn theo định lượng calo mà bác sỹ dinh dưỡng đưa ra. So với ở nhà thì lượng đó quá ít, chẳng thấm vào đâu, vừa ăn xong tôi đã đói meo, lại ngồi chờ bữa khác. Bệnh viện cũng không cho phép ăn thêm ngoài khẩu phần vì như thế là vi phạm phác đồ điều trị!

Khi tôi ra viện, bác sỹ dinh dưỡng cho một danh sách các loại lương thực, thực phẩm, hoa quả kèm theo định lượng calo và chế độ ăn tiêu chuẩn cho một phụ nữ có thai bình thường. Tôi phải ghi lại tên thực phẩm, định lượng mỗi thứ và báo cáo cho bác sỹ hằng tháng. Theo đó thì tôi hiểu, thực ra nhu cầu ĐỊNH LƯỢNG TĂNG THÊM của phụ nữ khi có thai KHÔNG KHÁC BIỆT quá lớn về lượng so với trước, QUAN TRỌNG là đủ CHẤT.

Tham khảo về lượng calo cần thêm cho người có thai như sau:

Đầu thai kỳ: Lượng calo trung bình + 50kCal (tương đương với 1 quả cam hay 1/2 bìa đậu phụ); – Thai phụ độ tuổi từ 18-29 cần chừng 2.000kCal/ngày, thai phụ độ tuổi từ 30 đến 49 cần chừng 2.050kCal/ngày;

Giữa thai kỳ: Lượng calo trung bình + 250kCal (2 quả táo hay 2 quả trứng ốp lết hay 5 miếng há cảo chiên – Thai phụ từ 18 đến 29 cần chừng 2.200kCal/ngày, thai phụ từ 30 đến 49 tuổi cần chừng 2.250kCal/ngày);

Cuối thai kỳ: Lượng calo trung bình + 450kCal (một đĩa nhỏ thịt kho, khoai tây và một bát cơm) – Thai phụ từ 18 đến 29 tuổi cần chừng 2.400kCal/ngày, thai phụ từ 30 đến 49 tuổi cần chừng 2.450kCal/ngày;

Sau khi sinh: Lượng calo trung bình + 350kCal với bà mẹ cho con bú, còn nếu mẹ không cho con bú thì trở lại chế độ ăn chừng 1.950kCal/ngày. (Theo thông tin về chế độ dinh dưỡng cho thai phụ và bà mẹ sau khi sinh từ các nguồn mạng ở Nhật và kinh nghiệm cá nhân).

Người có thai cần duy trì ăn điều độ ngày 3 bữa với chế độ ăn giàu vitamin, khoáng chất. Tránh thức ăn nhiều đạm, nhiều mỡ, nhiều đường vì sẽ nhiều kCal nhưng ít khoáng chất, vitamin.

Và thêm nữa, ở các thực phẩm hằng ngày luôn có những dưỡng chất cần thiết, ví dụ canxi có thể có trong pho mát, trong cá nhỏ chứ không nhất thiết phải uống sữa thì mới có canxi. Vì thế, mỗi bà bầu đều có thể chọn cho mình những món ăn ưa thích mà vẫn đủ khoáng chất cần thiết chứ không phải ăn/uống thứ chị B hay cô C vẫn dùng.

Như vậy có sự khác nhau về quan niệm ăn cho con theo truyền thống và theo y học hiện đại. Ăn cho con nghĩa là ăn đủ chất và điều độ để đảm bảo mẹ khỏe mạnh, con có điều kiện vận động nhiều ngay từ trong bụng mẹ.

Vậy thì ‘‘ăn cho con” không phải là ăn quá nhiều mà là một chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau củ quả với lượng thịt, cá thích hợp và tránh đồ nhiều mỡ, nhiều đường, chiên rán…

Nếu người mẹ hiểu sai về chuyện ăn dẫn đến cơ thể quá mập, sau khi sinh lại theo chế độ “ăn cho con bú” nhiều đạm, ít vận động rồi lại biện minh rằng ăn nhiều vì con thì thật có lỗi với con phải không bạn? Con chỉ cần ăn đủ chứ có yêu cầu mẹ ăn thật nhiều vậy đâu?

Thai phụ cũng cần duy trì vận động: đi bộ nhiều, làm việc nhà, chợ búa… Đây là cách để “đốt cháy” năng lượng thừa, giúp các cơ quan trong cơ thể có thể hoạt động khỏe mạnh.

Tất nhiên là sẽ khó có thể giữ “lập trường” khi xung quanh ai cũng giục ‘‘ăn nhiều cho con khỏe”, ‘‘có bầu thì cứ ăn nhiều lên”. Và thật khó mà từ chối khi mọi người luôn chăm chút từng miếng ăn cho mình. Nhưng từ quan sát và trải nghiệm thực tế của chính bản thân thì tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên hiểu rõ cơ thể cũng như nhu cầu dinh dưỡng của thai phụ để biết hiểu đúng thế nào là ‘‘ăn cho con” và thế nào là ‘‘ăn vì mình”.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button