Văn học trong nước

Khỏa Thân Trắng

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Thu Phương

Download sách Khỏa Thân Trắng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NGỎ

Bạn đọc quý mến của tôi…

Đúng là với văn chương, tôi không còn là người trẻ, cũng không phải là người mới. Vậy nhưng, vì gián đoạn đến cả chín năm hơn do nhiều lý do, từ năm 2006 đến tận bây giờ, nên có vẻ như “tình cũ” bỗng thành ra quá tinh khôi, tươi ngời, trong trẻo không khác như tình đầu. Bạn đang cầm trên tay quyển sách của một người viết chưa bao giờ thôi yêu sách, nhất là… sách của chính mình. Người ấy, hẳn cũng giống như bạn, có thể dễ dàng tìm đọc thấy trên mạng rất nhiều thứ, nhưng vẫn không thể nào bỏ qua những rung động, những cảm xúc thực với từng trang sách thơm mùi giấy mới, thơm mùi mực in, lâng lâng hương vị gì đó khó tả khi đưa tay lật từng trang sách, vuốt ve mỗi bức họa, chạm lần trên con chữ… và mắt dõi, và suy nghĩ mải mê theo, và ký ức ôn hồi khi ngân nga những nhịp nhớ nhung khao khát đồng cảm, và trái tim thổn thức trong cùng dòng yêu ghét, cả đau lẫn hận, cả tan vỡ trong cay đắng, cả xa cách bao tiếc nuối, là biết người có khi soi thấu mình… Chín năm, trong những bài phỏng vấn trên các tờ báo, nhiều lần tôi được hỏi đến khi nào mới quay trở lại với văn chương mà tôi đã lơi lỏng xa rời? Đến khi nào Phương mới in sách lại? Đến khi nào Phương mới bớt lang thang rong ruổi trong quá nhiều công việc khác để tập trung cho “tình yêu thứ nhất”? Ừm. Tôi nhớ chứ, nhớ rất nhiều, nhớ vô cùng cái cảm giác của những khi lại có thêm đầu sách mới. Nhớ tâm trạng muốn vỡ òa vì hạnh phúc trong ngày sách mình chính thức phát hành. Vậy mà cũng để quá lâu, chắt chiu dồn nén mãi mới ra tiếp được cuốn này, sau mười ba tác phẩm đã có. Mười ba – cứ như tại con số đó. Mười ba – cuối cùng tôi cũng đã bước qua… Loanh quanh dông dài kể với bạn như thế để biết tôi nâng niu “Khỏa thân trắng” – mười bốn yêu thương của tôi đến mức nào.

Bạn chắc cũng như tôi, trước khi quyết định mua một cuốn sách sẽ xem từ bìa trước, bìa sau, xem từ ảnh tác giả, dăm ba dòng giới thiệu, xem tác phẩm người ấy đã in, xem câu trích có lẽ được tác giả ưa thích, xem những lời giới thiệu, xem lời ngỏ người ấy viết, và nhất là lật bâng quơ vào trong ruột sách, đọc thử đôi ba dòng hay đôi ba trang, coi có gì thú vị, đáng mua không. Trong cuốn sách của tôi, nếu cũng lật bâng quơ như cách ấy bạn sẽ thấy những cái tựa truyện thường hay “có màu”, nhiều nhất là màu đỏ, như San hô đỏ, Xe đỏ…, Người đội mũ đỏ ; tiếp nữa là màu trắng, như Khỏa thân trắng (cũng là tựa tập sách), Phiêu linh trắng ; hoặc màu xanh như Nắng trên đồi xanh, sông xanh … Ai đó vẫn thường nói văn là người, cuộc sống của chính tôi có vẻ như cũng nhiều màu. Và nữa, rất nhiều những chuyến đi, đan cài trong nhiều bối cảnh. Quan trọng nhất là tình yêu, mười một câu chuyện tình lãng mạn, ngọt ngào, éo le, khúc mắc, đẹp đẽ, hư ảo hay chân thực, trẻ trung hay từng trải, đơn phương hay đa chiều, thi vị hay thực tế, đứt gãy hay trải dài, và có vẻ hơn thế nữa… Nhiều khi cứ tẩn mẩn nghĩ, vì tôi có “nhược điểm” là trí nhớ không được tốt, không thể ghi nhớ rất nhiều tình huống, chi tiết cụ thể, những chuyện hay, vui, thú vị, đặc sắc, những bài học ý nghĩa đã gặp trong các chuyến đi, thì chẳng có cách lưu giữ nào tốt hơn là ghi lại bằng hình ảnh và trang viết. Hình ảnh có giá trị phản ánh trung thực như chuỗi lát cắt liên hoàn của cuộc sống, còn trang viết, nhất là văn chương, sẽ giúp tôi lưu được cả cảm xúc và ghi giữ đồng thời những chiêm nghiệm, suy ngẫm qua những gì đã trải… Một cách nào đó, tôi mong có được vô vàn “giao điểm” trong truyện, trong sách, trong văn của tôi với từng bạn đọc. Vì như thế, tôi đã tự phối thêm nhiều màu sắc, nhân lên thêm nhiều tầng ngữ nghĩa cho trang viết của mình.

Những trang viết đó của tôi, may mắn thay, nhận được sự giúp đỡ hết mình của Hội Nhà văn TP. HCM từ khi còn là bản thảo và nhân duyên với Công ty Sách Phương Nam đã giúp cuốn sách được ra đời. Vì thế, tôi muốn dành lời cảm ơn chân thành nhất đến những người đã cùng tôi tạo nên hình hài cho cuốn sách nhiều sắc màu này.

Và, bạn đọc thân mến hỡi, đừng chần chừ nhé, hãy cho cuốn sách của tôi về cùng với đội của bạn…

Nguyễn Thu Phương

ĐỌC THỬ

KHÔNG DẤU VẾT

CÔ TỈNH DẬY trong nếp nhà nhỏ lợp lá phôi xinh xắn trên hòn đảo lạ. Ký ức gần gũi nhất mà cô còn lưu giữ chỉ như những mảnh ván thuyền nát vụn, tan tác trôi. Một đoạn phim quay nhanh, có quá nhiều các “xen” mang những điềm báo gở. Người chủ của chiếc ca-nô du lịch với hàng ria con kiến đỏm dáng, khó ưa, không ăn nhập gì nếu đem so nét ngoài chân phương với tính cách “con buôn” trong từng lời ăn tiếng nói. Ông ta đã khăng khăng gút gạc cái giá “hai trăm hai, không thêm không bớt một xu” cho hai tiếng đồng hồ chở nhóm của cô tham quan vùng vịnh nước sâu. Mười hai con người có cùng điểm chung ưa khám phá, thích mạo hiểm, phiêu lưu, thích thể hiện bản năng chinh phục.

Tay lái tàu ủ dột, lầm lì, mũi toen hoen và mắt ti hí, nhếch miệng không hơn bốn chữ để giải thích gọn hơ cho cái việc không có đủ áo phao: “Ông chủ không mua!”. Nói không đủ dường như hơi sang, đúng ra phải trách là “quá thiếu!”. Chỉ có hai cái áo phao, một đỏ, một xanh, cho cô và Tuyết Mai, như để làm dáng làm duyên, còn thì tất cả đám con trai cứ hồn nhiên “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Phong cách liều mạng rất điển hình của lối kinh doanh du lịch manh mún, nông cạn, cứ đè bê ra để vắt sữa.

Rồi khi họ đã cách khá xa hòn đảo du lịch xinh tươi có cái tên kỳ quái Hòn Mụn, giông bão bỗng từ đâu bất ngờ nổi lên. Không lan tràn dữ dội nhưng cũng đủ biến chiếc ca-nô mỏng manh thành chiếc lá khô nhẹ tênh, cuống quýt, xoay mòng mòng trong cơn lốc. Vịnh nước xanh ngăn ngắt thốt nhiên biến thành nước xám đen chỉ sau không đầy hai mươi phút. Và thêm khoảng bao nhiêu phút nữa thì không ai kịp đo, vì mạng người như con sâu cái kiến giữa cuồng phong, vất vả bám đeo hỗn loạn của mười hai tính cách thích phiêu lưu cộng thêm chân dung bất lực của gã lái tàu thích lim dim đã trở nên vô vọng giữa thiên nhiên hung hăng gầm rú.

Chiếc ca-nô hóa ra mục nát hơn rất nhiều so với cái vẻ bên ngoài xanh đỏ, ghê gớm, bảnh bao “làm màu”. Và vỡ, và nát, và hét, và la. Và cầu cứu. Và vô vọng. Mạnh ai nấy ôm bất cứ thứ gì trôi đến trong tầm tay, tầm mắt. Ván vỡ, mảnh tôn, can nhựa… Hùng, Thành, Vinh, Ngạn, Tuyết Mai, Lê Cường, Thái Anh, Mẫn, Huyên, Chiến, Phục. Lạc nhau giữa cơn điên cuồng, hốt hoảng. Tuyệt vọng, vẫy vùng trong giông gió. Rối ren. Và nước biển mặn chát, nước mắt cay xè. Và sóng dâng lên giội xuống từng cơn. Và sấm sét, và mưa. Chát chúa, kinh hoàng. Điên loạn mãi như không thể ngừng.

Dường như cô đã trôi đi rất xa trong cơn vật vờ. Mất hết khái niệm thời gian, không gian, cụ thể hay vô hình. Nếu không nhờ chiếc áo phao dập dềnh thít chặt lấy thân thì có lẽ… Chỉ biết rằng khi mở mắt thì đã thấy biển lặng, sóng êm. Khắp xung quanh không bóng dáng một ai. Môi cô rộp lên và da khô, như cá chiên xù tróc vẩy. Tóc bết. Áo quần đương nhiên tả tơi, rách nát. Cơn khát làm cho mắt hoa, cơ thể rốc khô, và cô như muốn mụ đi thêm lần nữa.

Bừng tỉnh lần hai đã thấy nằm trên bãi cát, sóng soải, như con cá đuối ươn dù được vớt lên từ biển muối. Và xa xa, đôi bắp chân nâu săn, lực lưỡng của một người đàn ông nào đó đang băng băng, hối hả chạy nhanh. Qua những ghềnh đá nhỏ trơn rêu. Qua vũng cát. Qua vỏ ốc vỏ nghêu vỏ sò mảnh san hô lao xao lạo xạo. Lao về phía cô. “Vậy là ta không chết…”, cô lắp bắp. Hồn ngỡ bay lên trời bỗng trở về phàm. Cuối cùng tỉnh dậy trong căn nhà nhỏ xinh xắn lợp lá phôi. Có chàng cúi xuống ân cần bên cô, cười hân hoan, giọng nghe trầm ấm:

– Rốt cuộc em đã tỉnh.

Cảm giác dễ chịu đầu tiên, thốt nhiên lòng cô ấm áp.

– Em uống nước nghen?

Cô gật. Vâng. Xin cám ơn anh. Em đang khát như có thể uống nguyên con sông, nguyên dòng thác, hay nguyên hồ trên núi. Kìa nước trôi miên man trong cổ họng, tỏa xuống khắp châu thân, thấm vào tim, lên tận óc, lan ra những mạch máu nhỏ li ti, những đầu ngón tay, ngón chân. Chưa bao giờ cô thấy nước ngon, ngọt, thơm như vậy. Tưởng như thần dược. Lát sau, cô nhỏm dậy, nhìn quanh ngơ ngác. Nhận ra mình bỗng khỏe. Một câu hỏi như luôn phải thế, “Em đang ở đâu?”. Chàng cười, thong thả:

– Tất nhiên em đang trong nhà anh. Trên đảo Ông Ni.

– Đảo Ông Ni? Trời đất! Nó ở đâu… so với đảo Hòn Mụn?

– Không xa lắm. Nhưng hầu như không có cách nào liên lạc. Vì Hòn Mụn là đảo du lịch, rất đẹp và tiện lợi giao thông. Còn Ông Ni là đảo… xấu, không có bất cứ tiềm năng gì để khai thác. Hai ngày mới có một chuyến tàu khách từ bờ ra, mà cũng rất thưa người đi.

Trong khi chàng nói thì cô lẳng lặng nghe, và quan sát. Chợt thấy âm thầm… yêu ngay. Có những mối tình đến nhanh trong ánh mắt đầu tiên, cô đã nghe như vậy về tình yêu sét đánh. Nay có dịp kiểm chứng, là đây. Nhưng tình yêu này lại đến sau cơn giông bão. Chàng có biết trái tim cô đang bối rối? Cố lấy vẻ thờ ơ (“có gì đâu phải ầm ĩ”), cô nói:

– Em chưa biết tên anh.

– Một cái tên ư?! Cũng không quan trọng!

Và cô đã không gọi chàng bằng tên. Hay như thói thường, với những sự vật hay người không biết tên, ta cứ mặc nhiên đặt cho anh ấy/ cô ấy/ sự vật ấy/ đồ vật ấy một cái tên “không đụng hàng”.

Đáng ngạc nhiên, cô khỏe lại quá nhanh. Tắm gội thong dong trong khoang cát nhỏ quây kín bằng tấm phên dày, cô ngỡ ngàng khi chàng vắt trên liếp cửa bộ quần áo phụ nữ bằng vải hoa li ti, giải thích ôn tồn:

– Của vợ anh. Nhưng em cứ mặc, không sao.

– Anh có vợ rồi ư?

– Có. Và một con gái hai tuổi rưỡi.

Ấy là thiên đường bỗng như cát lún, lung lay đổ sụp dưới chân. Nói một câu cổ điển hơn bất cứ cô nàng nào đang yêu trong tình cảnh trái ngang: “Dường như tất cả những đàn ông đẹp trai, hấp dẫn, hay ho đều đã đi lấy vợ!”. Vợ của chàng thấy rõ mảnh mai hơn cô, dựa theo vóc dáng của bộ quần áo. Chị ấy chắc xinh đẹp, giỏi giang và duyên dáng lắm? Con gái do chị ấy sinh ra chắc như thiên thần? Một gia đình hoàn hảo, một túp lều tranh hai quả rưỡi tim vàng.

– Chị ấy và bé con đi đâu?

– Theo tàu về đất liền. Vợ anh đưa bé về thăm bên ngoại, nhân thể đi mua sắm thêm ít đồ dùng cho những ngày sắp tới…

– Vậy ra chị ấy là dân đất liền?

– Ừ. (Chàng cười, khoe hàm răng trắng bóng) Thì anh cũng vậy. Tụi anh có nhà bên đó, nhưng nhà khóa cửa bỏ không.

– Vậy sao hai người lại bỏ ra đây, cất chòi lên để… sống?

– Vì công việc thôi.

Trưa đến, chàng dọn cơm cho cô ăn. Cơm do tự tay chàng nấu, rất ngon, gạo trắng. Nước mắm đậm đà nhưng cô không thể ăn cay. Vài thứ cá tôm rất tươi ngoài biển có sẵn, cùng với rau trong vườn nhà. Dăm ba người quen của chàng tình cờ đi ngang, ghé lại. Họ hỏi thăm cô rối rít về vụ bão biển, sóng lớn, đắm ca-nô. Hóa ra cô là người duy nhất trôi dạt tới đây. Thở dài đau xót khi cô được nghe: Ông Ni là xứ đảo mịt mù khơi xa, đừng nói gì internet, mobile, ngay điện thoại liên tỉnh cũng là thứ chỉ có trong những bộ phim. Tivi rất xa xỉ, chỉ được xem theo giờ vì điện trên đảo là do máy phát chạy xăng tự cung tự cấp, không phải điện lưới quốc gia. Mà ăng-ten cũng không đủ cao, đủ mạnh để có thể thu hút sóng các đài truyền hình.

Có khi cả thành phố của cô đã kịp biết tin nóng hổi và tang thương (thông qua những bài tường thuật súc tích, những câu bình luận sắc sảo, thấu đáo, đi kèm những hình ảnh minh họa xác đáng) rằng ca-nô chở nhóm du lịch mười hai người rời đảo Hòn Mụn bị bão, đã tan nát hết và không có đủ áo phao, nhưng chính ở đây thì người ta lại không biết. Bởi nơi cô đang sống là thành phố nóng, ai nấy luôn quay cuồng trong một biển thông tin, tràn ngập y như lúc triều cường. Biết đâu cô đã bị người ta xếp vô danh sách những nạn nhân mất tích hay “chết không tìm thấy xác”. Ba má cô có hoảng hốt đi tìm cô không? Cơ quan cô thì sao? Nhà chức trách có nhanh chóng vào cuộc?

– Đừng lo lắng quá. Ngày mai chuyến tàu khách tới đây lúc chín giờ, và em sẽ quay về lại đất liền. Tha hồ cho em gọi điện, nhắn tin.

Chàng nhìn cô cảm thông, trong ánh mắt có sự độ lượng của người thông minh, thấu suốt, và luôn biết chia sẻ, yêu thương. Vì sao chàng có quá nhiều ưu điểm? Cô biết có những con người sinh ra trong môi trường giáo dục muôn phần hoàn hảo – nhưng lớn lên vẫn biến dạng và hư hỏng, còn chàng sinh ra và lớn lên trong môi trường nào?

– Ăn xong mình sẽ làm gì vậy anh?

– Nghỉ ngơi đi. Bộ em không thấy mệt sao?

– Em muốn được xem qua hòn đảo “của anh”.

Hóa ra đã trải qua một phen gần chết nhưng cô vẫn không chừa cái thói ham thích phiêu lưu, ưa tìm tòi, khám phá, ưa thể hiện bản năng chinh phục. Chàng cười, nhưng cũng vui lòng đưa cô đi. Chàng ân cần, nói năng lưu loát như một hướng dẫn viên:

– Ông Ni, nói cho cùng cũng không phải là hòn đảo quá xấu. Chỉ tiếc hình như người ta đang quyết tâm làm cho nó trông… tệ hơn. Khắp đảo chỉ trồng những cây lương thực như lúa, bắp, khoai mì, khoai lang… Đường giao thông quá thê thảm, xuống cấp, vì có bao giờ được nâng cấp đâu. Cảnh vật không đặc sắc, cho dù có núi, có thác, có rừng thưa lá xanh, có thung sâu và suối róc rách. Lây lan khắp mọi nơi là cây hoang, cỏ dại, cành khô, mọc xen lẫn với một thứ hoa xấu xí ngay từ cái tên: hoa đành đành.

Hoa đành đành? Cô nghe lạ quá. Và công việc mà chàng đang làm trên đảo Ông Ni chính là trồng và nghiên cứu chỉ một thứ hoa vô vị ấy. Thứ hoa không thể sống trên đất đai của bất kỳ khu dân cư hay định canh nào khác. Thứ hoa mà vì nó chàng buông bỏ đất liền, lôi kéo theo cả vợ con. Vâng, chàng là nhà khoa học. Nhưng không phải một chân dung uyên bác và tưng tửng, đãng trí như cô vẫn thường được xem trong sách, trong phim (những ông bác học tóc tai bờm xờm, mắt kính cận dày cui như hai mảnh ve chai, bút giắt trên tai mà cứ luôn kêu gào cô thư ký, hỏi cô “bút của tôi cô đem vứt ở nơi đâu?”).

Chàng không như vậy. Chàng cao, to, đẹp đẽ. Ăn nói rất duyên, đã thông minh lại hóm hỉnh. Vai chàng đủ rộng cho cô âm thầm khao khát trìu mến khi nương dựa, mắt chàng đủ sáng như thiêu đốt người đối diện, và đôi môi chàng đủ tươi, với men răng thật trắng. Khuyết điểm duy nhất của chàng cho đến nay – theo cô được biết – là chàng đã không tự do, một khuyết điểm đáng yêu khiến người ta tha thiết tiếc vì đã gặp chàng không đủ sớm. Tóm lại, nói theo ngôn ngữ của thời “pi-a” (PR) là rất đỉnh.

Lại nói về hoa đành đành, thứ hoa có cái tên La-tinh quá dài “lin, lim, nux, nus…”, hay gì đó mà cô đã không thể nhớ. Chàng có vẻ quá say mê. Hoa đành đành có hai dạng: màu trắng và màu lam. Màu lam có mùi rất ngọt, rất thơm, nhưng chỉ cần ăn xong một bụi hoa là một con bò cái tơ đang khỏe mạnh cũng có thể lăn quay ra mà chết. Màu trắng cực hôi, hôi đến khó thở, hôi kinh dị, nhưng lại chứa trong hoa một “vị thuốc khỏe”. Đấy là căn nguyên chứng say mê của chàng và vợ. Họ đang cùng nhau theo đuổi công trình nghiên cứu mang đậm tính thiện nguyện: bào chế chất siêu tăng lực chiết xuất từ thứ “nhân sâm” thiên nhiên của hoa đành đành với giá siêu rẻ. Ấy là cách diễn đạt bằng ngôn ngữ nôm na, bình dân nhất để cho cô dễ hình dung về công việc của vợ chồng chàng trên đảo.

– Thử tưởng tượng, nếu dự án này mà hoàn thành, anh sẽ có cơ hội để giúp đỡ cho bao nhiêu người. Phục hồi nhanh sức khỏe, đặc biệt dành cho những đối tượng có thu nhập thấp… Vấn đề là mùi hương của hoa. Không ai giải thích được vì sao giống “hoa thiện” lại quá hôi, trong khi “hoa ác” thì quá thơm. Hay đời luôn như vậy: Cái ác thường ẩn náu trong lớp vỏ ngọt ngào, thơm tho, đẹp đẽ? Thơm nên ít nhất trên đảo đã từng có vài vụ thất tình cương quyết dùng hoa đành đành để kết thúc số phận lâm ly bi đát. Và hôi nên nhiều người thà ốm yếu, hom hem còn hơn phải uống cái thứ nước sâm dù bịt mũi, nín thở nhưng vẫn không thể nuốt!

Loanh quanh đi xem hoa, nói về hoa, xem xét thứ tinh chất siêu quý chiết xuất ra từ hoa… trời đã ngả muộn, chiều buông lúc nào không hay. Hóa ra bên cạnh cánh đồng hoa chàng có hẳn một phòng thí nghiệm khang trang, trang bị đủ các thứ “đồ chơi” cần thiết. Và họ đang xúc tiến xây dựng nhanh một xưởng chưng cất. Cô không giấu được nỗi băn khoăn khi theo chân chàng trở về căn nhà nhỏ lợp lá phôi xinh xắn bên triền phi lao. Một câu hỏi cứ tự nhiên buột ra:

– Tại sao anh không ở gần cánh đồng hoa và nơi làm việc cho tiện, mà lại tách riêng ra ở đây?

– Vì anh muốn có một không gian riêng để sống. Và vì không muốn con gái anh có khả năng bị trúng độc vô ý do hoa!

Cô đã ngẫm ra điều gì cuốn hút cô nhiều nhất nơi chàng, hơn cả do hình thức hay tri thức. Một người đàn ông đôn hậu, vững chãi, yêu thương, thấu đáo với vợ con đến hết khả năng. Một giấc mơ cho cô gái nào đang khao khát yêu đương và đang muốn lập gia đình. Đã nhiều đêm cô thao thức do chuyện này. Rồi đến tuổi nào, đến lúc nào, người ta cũng nên tìm lấy một ai đó để chung sống. Đàn ông, với cô chia làm hai dạng: những người quan tâm cô nhưng cô không thích, và những người cô thích thì họ… không yêu cô. Tuyết Mai, đứa bạn khá thân thì nói về khả năng sẽ là bà mẹ đơn thân nuôi con, “không cần chồng!”. Thời buổi này chuyện đó dường như đã dễ thở hơn rất nhiều, người ta trách cứ, chê bai riết rồi sẽ chán không nói nữa. Là thôi! Con mình đẻ ra thì mình thương, mình nuôi. Mẹ yêu con và con yêu mẹ. Sớm tối ngày đêm hủ hỉ có nhau. Cũng đủ. Vấn đề là sẽ cố để tìm cho ra một người đàn ông tuyệt vời, xứng đáng làm cha đứa bé. Người đàn ông trong bóng đêm hay gì gì đó. Người đàn ông khuất mặt. Người đàn ông ẩn danh…

Và khi đêm xuống, chàng đưa cô ra biển. Biển một đêm không có trăng. Trong sóng vỗ sôi trào từng cơn và bóng đêm mịt mùng thăm thẳm, chàng nói với cô rằng trong ly nước ban trưa rót để đưa cô khi cô vừa mới tỉnh, chàng đã pha thêm một liều thuốc khỏe, là chất trích ra từ hoa. Vâng, đúng, hoa đành đành. Hèn chi mà cô đã hồi phục nhanh! Nhưng cô chỉ ngạc nhiên, ôn hồi cảm giác. Nhớ hương vị của ly nước đó, hình như rất ngọt và thơm. Mát, miên man, ăn lan tới từng đường gân, phiến tóc. Có thể nào? Mùi hương của “hoa ác” phối hợp cùng “chất thiện” của hoa không thơm! Một công trình mới? Nhưng chàng chỉ cười, không giải thích. Như cách mà các tác giả vẫn hay âm thầm khiêm tốn lúc đứa con tinh thần của mình nên vóc nên hình.

Họ ngồi nơi hõm đá, ngước mắt nhìn lên ngắm bầu trời đêm và những ngôi sao xa. Cùng bâng khuâng vì tính ngẫu nhiên của cuộc gặp gỡ. Non một ngày trước đó, họ vẫn còn chưa ai biết ai. Có thể đây là lần duy nhất. Chỉ một lần thôi trong đời và mãi mãi không bao giờ… Vu vơ, cô kể về Tuyết Mai, kể luôn toan tính “bà mẹ đơn thân nuôi con” với người đàn ông trong bóng đêm, vâng, người đàn ông khuất mặt. Lời lẽ nhiều khi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Hay cô đang cố gợi mở một chi tiết cuối? Chàng thông minh nên đã hiểu hơn những gì cô muốn nói. Và chàng bao dung, độ lượng, nên cố công gìn giữ. Cho cô, cho chàng. Cho nhau một lần, anh được gì không – em còn gì không? “Không. Em không muốn giữ. Em đã tìm anh bao lâu nay…”, cô thấy giọng mình như lạc đi. Tha thiết. Hay ở nơi đây quá gió? Quá sóng? Quá trào dâng cảm xúc? Cho nhau một lần, anh được gì không em cũng không dám chắc, nhưng em sẽ được rất nhiều. Đêm đó là đêm kỳ diệu, một đêm mà cô tự biết sẽ không bao giờ nhạt phai trong ký ức. Cảm giác êm đềm miên man như rơi vào tấm nệm lông thiên nga sau phút giây trôi vụt lên đến đỉnh. Tiếng lanh canh của gió rung phong linh ngân nga, từng giác quan lơ mơ, thảng thốt. Khúc giao hòa, tan thấm. Còn hơn một nỗi ám ảnh. Đêm của tình yêu, của thăng hoa từ khát khao, ước ao và thỏa nguyện…

Tất cả khi đó diễn ra rất nhanh. Loang loáng. Khuôn mặt chàng điển trai như tượng điêu khắc La Mã. Cơ bắp chàng vạm vỡ. Cát xôn xao, sục sạo, ôm ấp. Một chiếc giường tân hôn rộng bao nhiêu hải lý? Một tấm chăn uyên ương đắp bằng bao nhiêu cánh gió? Nụ hôn chàng trượt trên môi cô, nồng nàn vị muối. Thời gian vô thức, vô cảm trôi. Rất đằm nhưng cũng rất nhanh, vun vút vội như tên. Hay vun vút nhanh chỉ vì tiếc nuối? Đếm nhịp tim đếm mạch tay đếm giờ trôi, phút trôi, giây trôi. Không biết rằng bao nhiêu con sóng đã đập bờ đau. Không biết rằng bao nhiêu ngôi sao vụt rơi ướt biển. Không biết rằng bao nhiêu ái ân bao nhiêu hạnh phúc. Không tuyên ngôn và không hứa hẹn. Không nói về hôm qua và hôm mai. Không có tương lai biết tên từ quá khứ. Rồi huy hoàng biển đêm nối với hừng đông.

Mặt trời gióng chuông hoan ca đã dứt. Trả lại cho chàng những áo với quần vải hoa li ti. Trả chàng lại cho người phụ nữ mảnh mai và thiên thần bé bỏng trong căn nhà nhỏ lợp lá phôi. Xin tha thứ ngàn lần vì đã tạm chiếm tình yêu và hạnh phúc của người ta dù chỉ trong một đêm. Nói gì cũng dở, cho nên cô đành cứ im lặng thôi – vờ như mình không có lỗi.

Chuyến về trên con tàu khách lúc chín giờ hai mươi. Cập bờ lúc mười hai giờ ba tám phút. Liên lạc với bạn bè. Trở về khu nghỉ dưỡng – du lịch trên đảo Hòn Mụn. Mừng mừng tủi tủi. Tíu tít hỏi han. Rất may không có ai tử nạn và thương vong cũng nhẹ, vì đám con trai ai nấy đều bơi rất giỏi, lại may mắn được các ngư dân phát hiện và vớt lên lúc chưa quá đuối. Tuyết Mai hùng hổ tuyên bố sẽ phát động phong trào toàn dân phải mặc áo phao mỗi khi đi biển (giống như toàn dân phải đội mũ bảo hiểm lúc ra xa lộ). Ngạn nháy Vinh, ngờ vực: “Gào thét lên để được gì. Rồi có ai muốn nghe ta không?!”. Tuyết Mai ấm ức: “Thì cứ thử chết đi sống lại một lần đi, rồi sẽ biết!”. Thì cứ thử chết đi sống lại một lần đi, rồi sẽ yêu như ngày mai đã hết. Không hiểu sao cô cứ giấu, không tâm sự về chàng dù ngay cả với Tuyết Mai. Chỉ nói chung chung rằng cô dạt đến Ông Ni, được người dân vớt lên, và cho ăn uống… Nào thôi, thư giãn, nghỉ ngơi. Cố quên. Quên hết. Đời như giấc mộng! Và khi Tuyết Mai thắc mắc, “Ông Ni là ai? Tại sao người ta đặt cho đảo ấy cái tên Ông Ni?” thì cô mới tiếc đã không hỏi chàng. Không hỏi ai. Ừ nhỉ. Vì sao gọi là Ông Ni? Có thật có một ông tên là Ni? Hay như thói thường, với những sự vật không biết tên thì ta cứ mặc nhiên đặt bừa cho nó cái tên nào đó, chỉ miễn rằng ta sẽ nhớ?

Lẽ tất nhiên, cô đã không dùng thuốc tránh thai khẩn cấp bảy hay mười lăm tiếng sau sự cố. Và lén lút mua liều thuốc thử đầu tiên sau suốt hơn hai tuần đầy lo âu, ức chế. Hy vọng mong manh, xen lẫn với bao nhiêu hồi hộp. Mình sẽ nuôi đứa trẻ do mình sinh ra như thế nào đây? Mình sẽ bịt mắt bưng tai để “ngồi xổm” trên dư luận? Mình sẽ giải thích cho con bé/ hay thằng bé như thế nào về cha của nó? Mình sẽ làm gì khi con lớn lên đòi giám định gien, để biết rõ năm mươi phần trăm nguồn gốc? Mình sẽ nhận lời hay không nếu sau chàng và sau khi đã có con, mình bỗng nhiên lại có thể yêu thêm một ai đó khác và muốn lấy anh ta làm chồng? Ba má sẽ mắng nhiếc/từ bỏ, hay tội nghiệp/thương yêu hai mẹ con mình?

Chiếc que màu trắng, duy nhất lằn gạch đỏ hiện ra khiến cô ôm đầu. Tiếc nuối. Sao không phải hai mà chỉ một? Hay thời gian quá ít? Lại thêm hai tuần nữa lo âu và mong đợi. Vẫn không thấy kinh và thêm một lần thử. Y như lần trước, không thấy lằn vạch đỏ thứ hai. Không có tin vui. Suy sụp. Hai ngày sau cô thấy mệt, và có tháng. Kế hoạch phiêu lưu đã trăm phần trăm tan vỡ. Hạnh phúc chiếm dụng tạm thời rốt cuộc đã không nảy mầm đơm hoa, nên không thể kết trái. Thất bại từ đâu? Không ai biết! Chỉ biết một sinh linh mới đã không được tạo ra. Không có đứa con đẹp đẽ, khỏe mạnh, thông minh từ ông bố nhân hậu, giỏi giang, vạm vỡ và người mẹ phiêu lưu muốn đơn thân sở hữu báu vật. Cô sẽ không phải bịt mắt bưng tai để ngồi xổm trên dư luận. Không phải giải thích cho em bé nào về người cha khuyết danh của nó. Không phải giám định ADN. Không phải băn khoăn khi có khả năng lấy chồng. Không phải lo ba má cô mắng nhiếc từ bỏ hay tội nghiệp. Không có cơ hội để sống lại thêm một đêm tuyệt vời trên nệm cát, gối sóng, quạt gió, chăn mây. Không thể không ám ảnh, nhưng sẽ không liên lạc. Không có điện thoại, thư từ hay hỏi han. Không dấu vết. Không, không và không. Và… chấm hết.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button