Văn học trong nước

Có Một Mùa Hè

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đặng Ái

Download sách Có Một Mùa Hè ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Cổn giồ, cậu học sinh nghịch ngợm, quấy phá tới mức được “mời” lên phòng giám hiệu không biết bao nhiêu lần. Lần đầu “long trọng”, tới bảy tám thầy cô và thầy hiệu trưởng tiếp đón, sau cứ kém dần, có bữa chỉ còn bác lao công. Thế mà, sau một mùa hè, cậu có cuộc bứt phá ngoạn mục. Cứ nhìn cái Ngã Ba Bia thì biết, từ nơi đổ rác bừa bãi, nay trở thành công viên thiếu niên sạch đẹp phong quang, y như hình ảnh của cậu. Vì đâu? Lê – cô đội trưởng chăm ngoan, giỏi giang, Dong – người bạn chân thành, anh Phiệt, chị Cầm, cô giáo Phương thương yêu, tâm huyết… đã làm những điều tuyệt vời. Đó là gì vậy?

Chuyện dài và hấp dẫn, các bạn nghe kể từ từ nhé.

Nhưng tôi biết, những tấm lòng đã làm nên tất cả.

ĐỌC THỬ

Buổi học cuối năm

Sắp đến giờ chia tay- Trận đấu quyết liệt – trên mái bằng – Cả trường hoảng hốt – Mời lên ban giám hiệu – Đấm nhau với thằng Tuế – Tấm giấy sinh hoạt hè.

 

Chỉ còn sáng nay nữa là mùa hè đã trở về, thực sự trở về. Mặc dù đã hơn một tháng, cái nắng gắt gao làm người nào cũng toá mồ hôi và mặc dù cây phượng trước cổng trường đã ra hoa đỏ rực, nhưng hết buổi sáng nay mới đúng mùa hè. Nào gấp sách lại, gấp luôn cái đa thức với loài bò sát lại, nghe cô giáo nói: “Từ mai, các em bắt đầu nghỉ!”. Vỗ tay reo ầm lên.

Mùa hè trở về như thế. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là chia tay nhau. Mặc dù biết rồi ra, trong những ngày hè ấy họ vẫn có thể gặp nhau trên đường phố nhưng cái cảm giác về một cuộc chia tay thực sự vẫn xâm chiếm lòng mọi người. Bụng dạ xốn xang, bọn trẻ nhìn nhau thấy khang khác, là lạ. Chúng nghiêm trang hơn, lắm lời hơn, rầu rĩ hơn, vui vẻ hơn, mơ mộng hơn, mặc đẹp hơn… Nghĩa là cái gì cũng có vẻ hơn ngày thường cả.

Lũ trẻ kéo đi tốp năm tốp bảy. Trừ một ít đứa ngồi lại trong lớp còn phần lớn túa ra sân trường, ngồi bên các hàng hiên, dưới các gốc cây xà cừ nhẵn thín, bên các bồn hoa hình ngôi sao năm cánh, trong vườn thực vật có các giống cây ôn đới, trong vườn địa lý có thùng đo mưa và cái phong vũ biểu lúc nào cũng chỉ gió đông bấc cấp 4.

Tiếng cười đùa cứ rộn cả sân trường. Bọn con trai luôn tay luôn chân trêu chọc nhau. Mấy đứa con gái bao giờ cũng dịu dàng, thích yên tĩnh. Chúng nó ngồi bên nhau, tâm sự nho nhỏ. Vài đứa ưa hoạt động, rủ nhau nhảy dây ở sân. Tiếng dây thừng xé gió von vút, đôi tay thật dẻo, quay tròn. Thỉnh thoảng có đứa bị vấp dây, dừng lại. Má ửng hồng, thở hổn hển, trao dây cho bạn khác.

Một cô bé ngồi bên bồn hoa nhìn các bạn chơi bằng con mắt lơ đãng. Đó là Lê, cô học sinh nổi tiếng, niềm tự hào của 6D. Lê có vẻ buồn rầu vì mùa hè sắp đến rồi, lại phải xa các bạn, xa những bài học mà nó luôn luôn được điểm cao. Ôi! Giá cả năm lúc nào cũng được cắp sách đến trường. Mùa hè đối với nó chẳng có gì thú vị cả. Nó không ham các trò chơi, chỉ thích học. Tất nhiên mùa hè cũng học, nhưng học một mình thì chẳng thú bằng cùng các bạn… Lê tỉ mẩn nhổ từng ngọn cỏ dưới gốc cây hoàng diệp. Dường như ngày nào hoa vườn trường cũng được chăm sóc chu đáo bởi các đội trực nhật của lớp trực tuần. Điều ấy đã được ghi vào nội quy nhà trường và bọn trẻ thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Nhưng ngày mai, ai tưới hoa, bắt sâu cho cây? Cái Lê tự hỏi, lòng nao nao. Đôi mắt đen và trong của Lê trở nên thẫn thờ…

Một đứa bạn gái nhẹ nhàng đến bên Lê. Hai đứa ôm vai nhau, nghiêng đầu vào nhau. Rất thân thiết. Nhưng chúng khác nhau như hai đầu đũa: Lê gầy nhỏ như chim sẻ, chiếc áo cũ kỹ vá vai và mái tóc hoe hoe, cũn cỡn, thứ tóc mà bọn con gái, chả đứa nào ước. Còn Nguyệt, cô bạn ấy lại rực rỡ như một bông hồng đỏ. Quần âu màu xanh, áo trắng là thẳng nếp, chiếc khăn quàng đỏ chói trên cổ.

– Nghỉ hè rồi đằng ấy đến mình chơi luôn nhé – Lê giao hẹn.

– ừ! Đằng ấy cũng phải sang nhà tớ kia – một lát Nguyệt chợt nhớ ra – à… Không! Mùa hè này chúng mình chẳng đi chơi với nhau được đâu. Tớ phải đi Hà Nội. Bố tớ hẹn thế rồi.

Lê quay nhìn khuôn mặt đẹp một cách sang trọng của bạn. Nguyệt là con gái một vị chỉ huy cao cấp trong quân đội. Suốt trong thời gian chiến tranh, bác ta lặn lội, chiến đấu khắp nơi, bây giờ đóng ở Hà Nội, Nguyệt rất hãnh diện về người bố. Trong trường, Nguyệt được các thầy cô rất cưng. Cưng nó cũng phải thôi. Nó là một cô bé thông minh, lễ phép. Nhà nó có bàn là điện và một người mẹ rất rỗi. Sáng nào mẹ nó cũng dậy sớm là quần áo, khăn quàng cho nó. Với cái nết của mình, quần áo lại chững chạc, trông nó càng đáng yêu hơn.

Lê với Nguyệt là đôi bạn thân, mặc dù không ngồi cùng bàn và hoàn cảnh gia đình rất khác nhau.

–  Đằng ấy đi thật ư? _ Lê hỏi bằng giọng luyến tiếc, đã thế cái nhìn của Lê đối với bạn lại còn luyến tiếc hơn. Nguyệt mở đôi mắt tròn xoe, không trả lời thẳng câu hỏi:

– Bố tớ nhớ tớ lắm mà!

– Mang sách đi ôn bài chứ?

– Tất nhiên rồi! Tớ sẽ đi xem Hồ Gươm này, Văn Miếu này, gò Đống Đa này…

– Rồi đằng ấy về kể cho bọn mình nghe nhé!

– ừ? Tớ sẽ kể lại! Nhưng kể lại thì chán thật, chẳng bằng thấy thật đâu!…

Một lũ con trai cầm quả bóng chuyền đi qua. Đứa nào nom cũng hăm hở, đã sẵn sàng lao vào cuộc đấu chí tử. Thằng Tuế, một thằng bé có nước da đen, khuôn mặt ngỗ ngược, và bộ quần áo nhàu nát, lôi thôi lếch thếch. Tuế đứng lại trước Nguyệt và Lê. Cả bọn cũng dừng lại, biết sắp được chứng kiến một trò thú vị! Thằng Tuế vốn là một trong những ông tướng chuyên bày những trò nghịch và được không ít đứa hưởng ứng.

– Ê… hai con nhóc!… Vừa nói giọng khàn khàn, bắt chước các vai sĩ quan địch trong kịch truyền thanh, thằng Tuế vừa đưa hai tay lên mi mắt.

Nhoáng cái, hai mi mắt nó đã lật lên, đỏ hỏn, gớm guốc. Nó ghé sát mặt vào hai đứa con gái làm chúng nó kinh hãi rú lên! Thằng Tuế bật cười sằng sặc, chớp một cái rõ mạnh, mi mắt nó lại lật xuống.

Nguyệt nghiến răng đấm mạnh vào đầu nó.

– Đồ đểu! – Thằng Tuế vừa gãi mớ tóc bù xù vừa rủa. Nhưng nó không giận. Ăn thua gì quả đấm con gái ấy. Nó định lật mi mắt doạ một cú nữa. Nhưng cái Lê đã đứng dậy, kéo tay cái Nguyệt, lách khỏi vòng vây.

Lũ con trai được mẻ cười ầm ĩ.

Chúng nó kéo nhau ra giữa sân trường. ở đây có một sân bóng chuyền, có cả lưới cẩn thận. Bình thường mỗi tuần một lần đều có thi đấu bóng chuyền giữa các lớp. Tất nhiên bọn lớp 5 thì chẳng thể dự giải vô địch toàn trường, chúng nó nhác lắm. Thành ra giải vô địch, chỉ có khối 6 và khối 7 dự. Nhưng như thế cũng đủ để đấu hàng tháng mới xong. Lớp nào được, tất nhiên là khoái ra mặt, còn bọn thua thì cay cú đến điều.

Bọn con trai 6D kéo nhau vào sân bóng. Thằng Tuế đút tay vào mồm tuýt còi ầm ĩ. Chúng hy vọng sẽ có một đội nào đó ra tranh giải với chúng. Nhưng hôm nay chẳng có đội nào chịu ra, Thằng Cổn liền bắc tay lên miệng làm loa:

– A lô! A lô! Mọi người chú ý, chú ý! Tin thể thao, thể thao! Cho đến nay đội bóng chuyền 6D đã vĩnh viễn đoạt chức vô địch toàn trường.

Nghĩ ra được cái tin ấy Cổn rất khoái chí. Nó loa lên mấy lần nữa rồi rủ các bạn:

– Bọn ta chia đôi chơi bóng đá vậy!

– Bóng này là bóng chuyền chứ có phải bóng đá đâu! Một đứa phản đối.

– Ê! – Thằng Tuế vừa khịt mũi vừa lý sự – cứ đá đi, nó sẽ thành bóng đá.

Quả bóng được tung lên, bọn trẻ ồ vào dùng chân tranh cướp. Thằng Tuế nói đúng thật, cứ đá là thành bóng đá ngay. Sân bãi hẹp, nhưng không hề chi, mỗi bên hai hòn gạch, thế là thành cầu môn. Không đá nào chịu làm thủ thành, tất cả đều lên giành bóng. Nhưng không dễ gì đá tung “lưới” đối phương được. Quả bóng lăn đến đâu, bọn trẻ bâu lại như một đàn sẻ. Mấy đứa 6C, 6A và cả lớp 7 nữa cũng xông vào trận. Giữa chừng một đứa kêu “ối”! Nó ôm chân lạc cò cò, mặt dăn dúm lại vì đau. Một đứa nào đó đã sút vào “ống đầy” của nó. May mà cú sút không mạnh lắm, có chỉ lặc mấy bước đã thấy đỡ đau, lại lao vào đám đông như một viên đạn.

Lúc này thằng Tuế được bóng. Trước mặt nó là thằng Cổn. Hai thằng rình rập lừa miếng nhau như gà trong xới chọi. Một thằng 6C lợi dụng, “thọc khe” qua háng thằng Tuế. Quả bóng lăn về phía cuối sân. Một đứa nào đó đón được, nó bặm môi sút một quả cực mạnh, bổng tít lên. Quả là nó có cú sút tuyệt vời!

Quả bóng lơ lửng mãi trên không, bọn trẻ nhìn chói cả mắt. Rồi nó rơi xuống mái bằng căn nhà hai tầng của trường. Lũ trẻ nhìn thấy nó nẩy lên một lần rồi mất hút!

Chúng nó ngơ ngác lặng đi một lúc. Mãi sau mới nhao nhao lên:

– Đứa nào đá? Đứa nào đá?

Nhưng bây giờ có trời mà tìm ra thủ phạm. Bọn trẻ lo ắng ra mặt. Quả bóng này bọn 6D mượn trong phòng thầy Cúc, thầy giáo phụ trách thể dục thể thao. “Nể” chúng nó lắm thầy mới cho mượn một lát. Thầy mà biết quả bóng đã nằm trên mái bằng thì nguy to.

Làm sao được bây giờ? Nếu rơi xuống ao, hoặc vào bụi rậm thì chúng lấy lên dễ dàng. Nhưng đây lại là mái bằng. Cả trường chưa ai từng lên trên mái ấy. ở trên ấy có gì cũng không ai biết. Mà vì là mái bằng chứ không phải sân thượng nên đường lên cũng không có nữa kia!

Bọn trẻ nghĩ cách trèo lên mái.

– Hay đi mượn thang? – Một đứa đề nghị.

– Phải đấy! – Một đứa nào đó reo lên – mượn thang đi chúng mày ơi!

– Thang nào mà dài đến thế?

Chợt Cổn reo lên:

– Tớ tìm ra cách rồi!

Nó bặm môi lại, ngẩng mặt lên nhìn như ước lượng chiều cao của ngôi nhà xem là bao nhiêu. Lũ trẻ im lặng chờ đợi, tin chắc là Cổn đã tìm ra một cách rất hay. Thường thì bao giờ gặp chuyện bí trong các trò chơi nghịch, Cổn đều có sáng kiến giải quyết phăng tất cả. Hắn ta hất hàm hỏi lũ bạn:

– Chúng mày có biết những người leo núi làm cách nào để leo lên đỉnh cao không?

– Thì họ cứ trèo lên! – Một đứa hấp tấp trả lời.

– Xuý! Đồ ngu! Gặp những vách đá thành vại thì trèo thế nào? Con người chứ có phải con thạch sùng đâu?

THằng Cổn nhìn bọn trẻ một cách kẻ cả rồi nói tiếp:

– Người ta dùng dây, buộc móc sắt vào một đầu tung lên cho nó bám vào mỏm đá nào đó, rồi nắm dây mà trèo lên, nghe chưa?

– Nhưng đào đâu ra đây bây giờ?

– Bọn con gái có!

Thế là việc trèo lên mái bằng đã được giải quyết. Chỉ cần lấy được những sợi dây thừng của bọn con gái. Tất nhiên lấy được chẳng dễ dàng. Nhưng chúng cũng cứ hăm hở kéo nhau đi.

Chúng nó sấn đến chỗ bọn con gái.

Biết cuộc nhảy dây của mình sắp bị phá, bọn con gái nhìn bọn con trai bằng con mắt cảnh giác.

– Cho chúng tớ chơi với nào – Thằng Cổn nói, vừa nháy mắt cho thằng Tuế rồi sấn vào hai đứa con gái cầm hai đầu dây có vẻ thân thiện lắm:

– Các cậu nhảy, chúng tớ quay cho!

Và chẳng cần đứa con gái có đồng ý hay không, thằng Cổn giật luôn lấy đầu dây. Bên kia thằng Tuế không giật được vì con bé nắm rất chặt. Cầm một đầu dây, thằng Cổn kéo con bé kia sền sệt như thể kéo co vậy.

Lũ con gái kêu chí choé, lao vào giữ dây cho bạn. Có đứa lăn xả vào ôm cứng lấy thằng Cổn. Khó khăn lắm, Cổn mới vùng ra được với một nửa cái dây thừng!

Như thế cũng coi như đắc thắng rồi!

Song toà nhà cao gấp 10 lần nửa cái dây ấy, vả lại không có móc sắt thì làm gì được? Lũ trẻ lại một phen thất vọng. Nhưng Cổn là anh hùng của chúng. Cổn lại reo lên sung sướng:

– Tớ nghĩ ra rồi!

Chẳng cần đợi lũ bạn trả lời, nó chạy vụt đi. Một loáng lúc sau nó xuất hiện ở cửa sổ tầng hai. Nó trèo lên bám lấy bậu cửa sổ, ngửa người nhìn lên. Chóng mặt quá và chả thấy gì cả! Lúc đứng dưới đất nhìn lên thì có thể dễ dàng lắm, chỉ việc đứng ở cửa sổ, bám lấy mái, đu lên, thế là xong! Nhưng vào sự việc mới thấy là không đơn giản như thế. Có lẽ phải chồng ba đứa lên mới bám vào được mái. Mà tất nhiên, không thể chồng người lên được rồi. Chết như chơi! Nhưng vốn là thằng bé táo bạo, Cổn không chịu dứt bỏ ý nghĩ nó sẽ trèo lên mái bằng lối cửa sổ.

Trong lúc đang bí nó chợt thấy cái dây sét dòng từ trên mái xuống, đóng dọc tường toà nhà. Nó chạy lại cửa sổ cuối cùng. Bây giờ thì cái dây sét gần lắm rồi. Nó thấy rất có triển vọng vì cái dây sét không đến nỗi nhỏ lắm: cũng to bằng ngón tay, loại sắt sáu chính cống! Một tay bám lấy cửa sổ, một tay lần theo tường; nó muốn bám lấy cái dây ấy. Nhưng không tới được; nó nhích ra một chút nữa, vẫn không tới. Song nó thấy rõ ràng chỉ nhích thêm chút nữa là được ngay!

Dưới đất hình như bọn trẻ cũng đoán được ý đồ của Cổn. Chúng nố hồi hộp nhìn lên:

– Cẩn thận!

– Cố lên! Cố lên tí nữa!

Thằng Cổn thấy lâng lâng trong lòng. Cái cảm giác của một người thích được ca ngợi và đang được ca ngợi. Nó muốn nhìn xuống dưới một tí xem chúng nó ra sao? Nhưng chợt nhớ ra đã có lần nó nghe người ta nói khi đang trèo cao thì chớ nên nhìn xuống, chóng mặt, mất tinh thần ngay. Tuy nhiên nó chưa được thể nghiệm xem điều ấy có đúng không? Tại sao nhìn xuống lại chóng mặt? Nó tò mò không tự kìm chế được mình nữa. Nó cúi xuống… và bên dưới nó mở ra một cảnh lạ lùng: Tất cả mọi người ở sân trường đều trở thành lùn tẹt. Trên cửa sổ tầng hai cũng không phải là thấp lắm đâu, nó cảm thấy chónh mặt thật, máu dồn lên đầu nằng nặng. Nó vội nhắm mắt lại ngay, không nhìn xuống dưới nữa.

Và thêm một lần, nó lại lần tay theo bờ tường, mấy ngón tay cứ nhích dần từng phân, càng ngày càng thấy khó khăn hơn.

– Cố lên!

– Cố lên “Cổn giồ” ơi!

Lũ trẻ vẫn động viên rất nhiệt tình. Có đứa réo cả tên tục của Cổn! Những lời động viên quả là có tác dụng mạnh mẽ! Thằng Cổn thấy phấn chấn, can đảm hẳn lên. Nó dướn thêm một tí nữa, bám được dây sét. “Bây giờ có sét đánh là mình cháy thui!”. Nhưng ý nghĩ ghê gớm ấy chỉ thoáng qua. Trời đang trong xanh, lồng lộng. Chẳng bao giờ sét lại đánh trong những trường hợp như thế… Cái dây sét trong tay nó khẽ rung lên, ở chỗ đinh cắm vào tường, một tí vụn vôi rơi lả tả… Khi nó buông cánh tay ở cửa sổ ra, dồn cả sức nặng vào dây sét. Nó có cảm giác cái dây sét sẽ bong ra khỏi tường, nhưng không… Bây giờ thì việc trèo lên mái dễ dàng hơn rồi. Nó co tay, nhích dần từng đoạn ngắn. Rồi nó bám được mép mái nhà. Chắc chắn không sợ gì nữa hết. Nó áp mặt vào gờ mái, nghỉ một lát. Hơi nóng từ xi măng hầm hập, nhưng nó vẫn cảm thấy hết sức khoan khoái. Vả, nó thấy gió lộng lắm… Nghỉ ngơi xong, nó vắt một chânlên và… phốc, nó đã ở trên mái.

Mái nhà rộng như sân bóng, láng xi măng nhẵn thín, bốn chung quanh có rãnh thoát nước. thế thôi, từa tựa như sân thượng vậy. Nó nhìn thấy quả bóng nằm ở một góc. Nó đứng thẳng dậy, huơ tay lên, chào bạn trẻ dưới sân trường. Bọn kia chỉ còn mỗi cách là vỗ tay đến đỏ rát và gào đến rách họng.

Ôm quả bóng, Cổn co chân sút một cú mạnh. Quả bóng bổng títlên, rơi bình xuống sân trường.

Lũ trẻ reo lên náo nức.

Hình như cũng có lúc tất cả học sinh trường Điện Biên đã thấy thằng Cổn trên mái nhà và có một đứa nào đấy đã mách các thầy.

Lúc này tất cả giáo viên đang trong văn phòng. Nghe tin báo, nghe tiếng reo hò của lũ trẻ, biết là có chuyện không bình thường xảy ra, mọi người đều hối hả ra khỏi phòng.

– Có chuyện gì đấy? – Thầy hiệu trưởng hỏi.

– Thưa thầy, có đứa trèo lên mái nhà ạ!

Thầy hiệu trưởng và các thầy cô khác đều ngẩng nhìn lên: Trên mái, một đứa trẻ đang hoa chân múa tay có vẻ khoái chí lắm.

Ông hiệu trưởng nổi giận, hỏi:

– Em nào?

Một đứa con gái nhanh nhẩu:

– Thưa thầy bạn “Cổn giồ” ạ! Bạn ấy trèo lên theo đường dây chống sét.

– Trời ơi, giết người không bằng! – ông hiệu trưởng thét lên – Xuống ngay! Xuống ngay!

Thằng Cổn biến mất.

Ông hiệu trưởng vẫn quát nhưng chẳng biết nó ở đâu.

Trên mái, thằng Cổn biết nỗi nguy đến nơi rồi. Nó vội nằm xuống, áp chặt vào lớp xi măng nóng bỏng. Cái gờ mái che khuất nó, không cho mọi người ở dưới trông thấy. Nó nằm và nghe hết những tiếng quát tháo dưới sân. Nó bắt đầu cảm thấy mình đã làm một trò dại dột, nhưng điều ấy chỉ rất mơ hồ. Tất cả ý nghĩ của nó lúc này tập trung để làm sao không thấy cô nào nhìn thấy nó.

Trong lúc đó cả trường đã xôn xao. Hàng trăm cặp mắt đổ dồn trên mái nhà.

Ông hiệu trưởng đưa mắt tìm cô chủ nhiệm 6D. Cô Phương đang lo lắng vô cùng. Cô lo vì Cổn gây ra chuyện này đúng ngày tổng kết, ngày mà lẽ ra không nên xảy ra một chuyện phiền phức nào cả. Nhưng cô lo hơn nữa. Nếu nó ngã xuống thì khốn!

– Phải tìm cách nào đưa nó xuống chắc chắn không gây ra tai hoạ chứ?

Thầy phụ trách thể dục sai mấy đứa sang công trường xây dựng nhà máy sứ. ở đấy người ta đang quét vôi. Những ông thợ quét vôi vẫn nối hai ba cái thang với nhau để lên các tầng trên.

Một lúc sau đã mượn được thang. Thầy Cúc trèo lên. Nhưng ô kìa! Chẳng thấy Cổn đâu cả. Thầy gọi vọng xuống:

– Nó biến mất rồi!

Nhưng Cổn không biết đi đâu cả. Nằm ép vào lớp xi măng nóng bỏng một lát, nó thấy cứ mãi thế này cũng không ổn. Bèn tìm cách trèo xuống.

Toà nhà không phải chỉ một mà có tới sáu dây sét ở bốn góc và khoảng giữa chiều dài. Cả sáu dây đều nối với nhau bằng một dây chạy vòng quanh trên mái. Nếu có sét đánh bất cứ chỗ nào, điện sẽ truyền xuống đất theo cả sáu dây. Cổn bí mật bò lại góc sau, nơi không ai để ý. Dẫu sao trong trường hợp này xuống cũng dễ hơn lên. Nó bám lấy cột thu lôi, thả mình xuống. Cái nóng, cơn hoảng sợ, làm mồ hôi nó toá ra đầm đìa. Nó nhích xuống từng lo một cách chậm chạp, nhưng cuối cùng cũng xuống được đến đất. Chẳng kịp suy nghĩ gì, nó lom khom chạy dọc hành lang. Biết chắc đã đến lớp mình, nó lao vào cửa sổ, lớp vắng tanh. Đầu tiên nó còn sợ sệt nấp trong góc lớp. Sau nó thấy cần phải đường hoàng, vờ như từ sáng đến giờ nó vẫn ngồi ngoan ngoãn trong này…

– A! Cổn giồ đây!

Một đứa ngó vào lớp và reo lên. Tiếng nó nhói như một mũi kim làm Cổn ta giật thót mình!

Bây giờ thì Cổn ta đang ở trong văn phòng nhà trường. Và lúc này ở đây chỉ có nó và thầy hiệu trưởng.

Bọn trẻ xúm xít quanh các cửa kính, tò mò xem câu chuyện sẽ đi đến đâu!

Cổn ngồi ở ghế, hai tay chắp vào lòng. Tay áo, vai áo, ngực và cả quần nó bệt đầy vôi trắng. Nó ngồi im như một pho tượng, mặt cúi gằm xuống, nhưng mắt chớp lia lịa. Nó biết sẽ có hình phạt và nó đã sẵn sàng chịu đựng.

Trong khi đó thầy hiệu trưởng không nói không rằng, hai tay chắp sau lưng, đi đi lại lại trong phòng… dường như đã quên có thẳng Cổn ngồi đấy.

Đây không phải là lần đầu tiên Cổn được mời vào văn phòng. Đã hai năm nay, nó được mời đến đây luôn luôn. Thường cứ sau một giờ học nào đó, vừa lúc lũ bạn túa ra sân chơi thì có một cậu (hoặc cô) trực tuần, đeo băng đỏ, đến trước mặt thằng Cổn, nghiêm trang:

– Bạn Cổn, lên ban giám hiệu!

ở văn phòng, ban giám hiệu đã chuẩn bị đón tiếp nó theo mức độ cần thiết. Những lần đầu thật là long trọng, có tới bảy tám thầy cô, tất nhiên có cả thầy hiệu trưởng. Nhưng những lần sau những cuộc đón tiếp cứ kém long trọng dần. Có bữa chỉ thấy mình cụ lao công.

– Cu cậu lại vừa giở trò gì ra thế? – Cụ lao công nói, vẫn không ngừng việc lau bàn – Thôi về đi. Nhớ là đừng lên đây nữa nhé!

Đó là lần “Lên ban giám hiệu” nhẹ nhõm nhất, nhẹ nhõm ngoài sự tưởng tượng của Cổn. Còn ngoài ra lần nào cũng bị chỉnh nên hồn, bị doạ ghi học bạ, bị bắt làm kiểm điểm…

Khi nó ra khỏi văn phòng, về đến lớp thì sân trường đã vắng lặng. Tất cả học sinh đã vào lớp cả rồi. ở lớp 6D cũng vậy. Chúng đang ngồi yên nghe cô Phương nói.

Cổn rụt rè ghé mắt qua khe cửa. Dường như cô Phương đã thấy nó. Nó nghe cô bảo:

– Lê, em ra bảo bạn Cổn vào lớp!

Cái Lê ngồi ngay đầu bàn trên cùng. Nó chỉ việc đứng dậy, ghé mắt ra cửa:

– Vài đi kìa!

Cổn không nhúc nhích. Cái Lê bèn bước hẳn ra, ánh nhìn và giọng nói nó lạnh lùng đến khó chịu:

– Không vào còn đợi gì nữa!

Buộc lòng Cổn phải đi vào. Vô tình nó chạm vai vào người cái Lê, làm con bé lặng đi. Nó nguýt thằng Cổn một cái rõ dài “chưa biết thân ư?” Cổn cứ tỉnh bơ, về chỗ ngồi của mình ở cuối lớp.

Cô Phương đưa ra một tập giấy in rô-nê-ô phát cho bọn trẻ. Đó là tờ giấy giới thiệu sinh hoạt hè. Mỗi đứa chỉ việc điền tên, số nhà, lớp học mình vào chỗ trống. Cô giáo đi từng bàn mà phát. Đến bàn thằng Cổn cô chỉ đếm có bốn tờ, mặc dù có năm khuôn mặt đang ngước lên nhìn cô.

– Em Cổn chưa có!

Thằng Cổn như bị nện thêm một đòn nữa. Xấu hổ, lo sợ… mặt nó lì ra.

Thằng Tuế tỏ ra vô cùng khoái chí:

– A! Cổn giồ không được sinh hoạt hè chúng mày ơi!

Nó reo rất to, đồng thời thụi luôn vào lưng Cổn một cái. Mặt Cổn đỏ bừng lên, mọi sự chịu đựng vỡ bung ra. Nó vồ lấy thằng Tuế, đè dúi xuống mặt bàn, giáng tới tấp những quả đấm mạnh hết sức, thằng Tuế bị bất ngờ, chỉ ngúc ngoắc đỡ đòn.

– Cổn!

Cô giáo gỡ hai đứa ra, nghiêm khắc nhìn chúng. Chắc là cô định toát cho thằng Cổn một trận nên thân, nhưng nghĩ thế nào cô lại quay sang thằng Tuế.

– Em không biết xấu hổ hả Tuế? Thấy bạn bị kỷ luật mà reo mừng, thế là thói gì?

Tưởng được cô bênh, ai ngờ… Thằng Tuế đỏ mặt lên cãi bừa:

– Ai bảo nó đánh em!

– Mày đấm tao trước!

– Nhưng mày đánh tao đau hơn!

Cô Phương lại phải quát lên một lần nữa, chúng nó mới chịu ngồi im.

Hết giờ, cô Phương dẫn Cổn lên văn phòng. Thầy hiệu trưởng đã đi vắng, chỉ có một cô chủ nhiệm lớp 5 mà Cổn không biết tên.

– Ông tướng Cổn đây phải không?- Cô giáo ấy hỏi cô Phương rồi nói thêm không đợi trả lời.

– Anh Văn (tức là thầy hiệu trưởng) gửi cho chị cái giấy này!

Cô mở ngăn kéo lấy ra tờ giấy. Thoạt nhìn thằng Cổ đã biết giấy gì rồi. Đó cũng là tờ giấy sinh hoạt hè như mọi tờ khác, nhưng chỗ trống thì đã được ghi sẵn. Và phía góc trái lại có dòng chữ của thầy hiệu trưởng: “Học sinh Mai Văn Cổn hay phá rối, vô kỷ luật, khó bảo. Đề nghị đặc biệt theo dõi”. Phía dưới thầy ký tên đóng dấu rõ đậm.

Cô Phương đọc tờ giấy, chay mày suy nghĩ. Có lẽ cô không muốn giao một tờ giấy thế này cho học sinh của cô. Nhưng thầy hiệu trưởng đã muốn thế!

– Thôi em cứ cầm về vậy! Mùa hè cố gắng lên, kiềm chế những ý muốn nghịch ngợm lại. Em biết cô buồn khổ với em bao nhiêu… Nhưng cô tin rồi mọi việc sẽ khác đi, em ạ! Cô tin em, em có hiểu không, cô tin ở em!…

Nghe cô nói tự dưng Cổn thấy rưng rưng trong lòng. Nó biết cô giáo rất tốt với nó. Buồn bã, nó vâng một tiếng rất nhỏ.

Một ngày

Bữa cơm sáng – Làm gì trong mùa hè – Bé Ngà – Lại gặp thằng Tuế – Tách cà phê – Chạy ngay không thì khốn – Người mẹ buồn vì con – Lang thang dưới nắng – Câu chuyện giữa mẹ và cái Lê còi – Đành làm con chuột.

 

Bản nhạc tập thể dục của đài phát thanh đã vang lên. Cổn mở choàng mắt. Nó định vùng dậy, chạy ra sân, vặn mình, hít thở không khí trong lành. Mọi ngày, dù là mùa đông, vào lúc này, nó cũng vùng dậy không chần chừ.

Cả nhà đều đã dậy. Mẹ và chị Nam thì đã dậy từ trước, nấu cơm sáng. Cái lệ của nhà là thế. Nhưng hôm nay Cổn chợt nhớ không phải đi học, nó thấy chẳng việc gì phải dậy sớm. Nó sẽ nằm thêm một lát nữa rồi ăn cơm sau với bé Ngà cũng được.

Buổi sáng không khí mát mẻ, đắp tấm chăn mỏng ngang bụng, nằm nán lại trên giường rất thích. Giường bên, bé Ngà vẫn đang ngủ. Bố đang rửa mặt ngoài giếng. Tiếng nước dội vào chậu ào ào, lanh lảnh. Dưới bếp, tiếng mỡ sôi trong chảo lách tách. Một mùi thơm mằn mặn bay lan trong không khí. Chắc là hôm nay mẹ làm món rau muống xào.

Một lát có tiếng mẹ:

– Nam gọi thằng Cổn dậy đi!

– Nó nghỉ hè rồi mà mẹ! – Chị Nam đáp.

Bố cũng nói:

– Để nó ngủ muộn một tý cũng được!

Thật thế, nghỉ hè rồi, dậy sớm cũng chẳng làm gì… Mùa hè đối với Cổn thật là lý thú. Mùa hè! Thật chẳng có gì gợi lên niềm hứng thú bằng hai tiếng ấy. Này nhé, những đường phố nắng chang chang với những chú ve sầu rỉ rả trên cành phượng. Này nhé, những trận đấu bóng kéo dài đến tối mịt và dòng sông trong vắt, lấp loáng tha hồ mà vùng vẫy. Này nhé… ôi! Làm sao kể hết được những điều thú vị của mùa hè… Mùa hè còn thú vị hơn nữa, bởi không có cái “hằng đẳng thức” đến là rắc rối, không có đề văn hắc búa: “Em hãy tả lại buổi lao động xã hội chủ nghĩa tuần trước và nói lên cảm tưởng của mình”. Mùa hè cũng chẳng có “Ban giám hiệu” với thầy hiệu trưởng luôn luôn ghép tội cho nó. Mùa hè lại cũng không có tiếng quát của mẹ: “Cổn! Không ở nhà học bài, lại đi chơi hả?”.

Chao ơi! Mùa hè, mùa hè! Ước chi một năm có đến bốn mùa hè!

Nhưng thôi, hôm nay mùa hè đã trở về rồi. Thế là được… Cổn nằm nghĩ miên man, dự định những việc sẽ làm trong hè này. Có lẽ nó phải kiếm một con sáo nâu, phải, sáo nâu chứ không phải sáo đen. Sáo nâu nhanh biết nói hơn. Rồi hàng ngày con sáo sẽ reo lên the thé: “Có khách! Có khách!” Còn gì nữa? Tất nhiên là phải xoay lấy một ít nút bia làm vốn đánh đáo. Mùa hè năm ngoái nó kiếm được hàng trăm nút, nhưng đến lúc khai giảng, chẳng hiểu chúng biến đi đâu mất cả! Nghĩ đến những đám đáo Cổn lấy làm khoái chí. Sát phạt nhau chí tử. Cổn không phải là loại đánh đáo tồi. Nếu có một hòn cái tốt, nó dễ dàng vét tất cả nút bia của những đứa khác vào túi mình. Thế đấy. Nhất định phải kiếm một ít nút bia. Thật không còn gì khoái bằng lúc hai túi quần căng phồng những nút bia, để cho lũ trẻ nhìn với con mắt thèm muốn. Mà cái nghề đời dễ trường vốn lại dễ thắng. Qua mấy tháng không bi đáo, nó thấy ngứa ngáy chân tay lắm rồi!…

Chị Nam đã bưng mâm cơm lên bàn. Xong chị lại giường ghé mắt nhìn qua màn xem thằng Cổn đã dậy chưa? Nó liền giả vờ nhắm mắt lại thở đều.

Chị đã quay đi. Lát sau nó nghe chị nói:

– Cậu ta vẫn ngáy khò khò ấy!

– Cứ để nó ngủ, để nó ngủ! – Bố nói.

Bố là một người mát tính, ông chiều các con rất mực, khác hẳn mẹ. Mẹ thì động một tý là gắt ầm lên. Hễ Cổn làm điều gì không vừa ý mẹ là mẹ lại: “tao lột xác mày bây giờ”! Nhưng chưa bao giờ mẹ lột xác nó cả, chỉ mạnh “ca nhạc” thế.

Yên trí là Cổn ta đang ngủ, mẹ, bố và chị Nam ngồi vào mâm cơn không gọi nó.

Một lát sau, Cổn nghe tiếng mẹ:

– Từ nay thằng Cổn nghỉ hè rồi, phải giao việc cho nó không thì nó lại đi chơi lêu lổng.

– ừ, giao cho nó chăm vườn rau vậy – bố tán thành – xới đất này, tưới rau này…

Chị Nam thêm.

– Quét dọn nhà cửa và nấu cơm nữa!

– Để nó đốt nhà đi à?

– Mẹ đừng tưởng, nó làm được tất!

– Thôi nấu cơm thì chẳng cần – bố lại góp ý.

Để thì giờ cho nó đi chơi một tí rồi còn học bài nữa chứ!

Vừa ăn ba người vừa nói chuyện với nhau về thằng Cổn. Nó thấy gay quá. Nếu bị gò bó vào công việc thì mùa hè chẳng còn lý thú gì nữa. Nó muốn phản đối: “Không! Con không làm những việc ấy đâu!”. Nhưng nó cứ nằm yên. Dậy bây giờ còn nguy hơn. Vừa há mồm ra, chưa kịp nói câu nào, biết đâu mẹ lại chẳng mang những điều ở trường ra, toát cho một trận nên thân. Thôi, thôi, tốt nhất là cứ im như không biết gì…

Nó cứ nằm, mơ mơ màng màng thế nào lại ngủ thiếp đi khi nó tỉnh dậy thì nhà đã vắng lặng. Bố, mẹ và chị Nam đã đi làm cả. Uể oải nó ngồi dậy, chẳng cần tháo màn, cứ chân không bước xuống đất. Chưa bao giờ nó thấy thế này. Một mình nó được làm chủ cả cái nhà! Tất nhiên còn cái Ngà nữa, nhưng con bé là quân của nó rồi! Cái cảm giác được làm chủ, trở thành người lớn nhất nhà thật là dễ chịu.

Nó quyết định gọi cái Ngà dậy.

– Dậy đi – Nó lay con em.

Con bé mở choàng mắt, lúc lắc đôi vai nũng nịu trông rất dễ thương. Phải nói là Ngà rất xinh. Tay chân nó mập mạp, tóc hơi hoe, mịn màng. Đôi mắt nó thì thật là tuyệt: đen nhưng nhức, cứ như hai hạt nhãn biết làm nũng vậy. Cái miệng nó nữa chứ, cong cong, mòng mọng.

Thằng Cổn thấy cái miệng bé Ngà dần dần méo xệch. A… định giở bài gì thế? Nếu nó khóc thì nguy to. Cổn rất ghét trẻ con khóc, càng ngại khi phải dỗ chúng nó nín.

– Cô mình lại sắp vòi hả, ăn “lươn” đấy!

Con bé sắp bật khóc lên, sắp giãy đạp lung tung, nhưng Cổn đã nẩy ra một sáng kiến trứ danh, để ngăn cơn khóc của con em. Nó hít một hơi thật dài rồi vụm mồm lại, phồng má bên nọ, lại phồng má bên kia như anh hề. Trông tức cười quá. Bé Ngà bật lên sằng sặc. Rồi Ngà ngồi dậy.

– Anh phồng má nữa đi!

Chiều em, thằng Cổn liền chơi trò phồng má cho đến lúc mỏi mồm tê dại cả hàm.

– Thôi dậy nào – Cổn bảo – Hôm nay chỉ có hai anh em mình ở nhà!

Con bé tụt xuống đất.

– Đi ăn cơm, tao đói lắm rồi!

– Rửa mặt đã chứ! – Con Ngà cự lại.

Cổn chợt nhớ ra mình cũng chưa rửa mặt. Chưa rửa mặt mà đòi ăn cơm thì cũng bẩn thật. Cổn dắt tay em ra sau nhà. Nó múc một chậu nước đầy, ném vào đấy cái khăn mặt.

– Rửa mặt đi!

Con bé nhúng cả hai tay vào chậu nước mát. Rồi nó với lấy cái khăn đắp lên mặt. Nước chảy ròng ròng ướt hết cả áo. Nước đẫm trên đầu nó, dựng đứng cả tóc mai lên.

– Đồ ngu! Phải vắt khăn đi chứ!

Con bé không hiểu lời anh. Nó vắt luôn cả cái khăn lên vai làm áo ướt thâm. Đúng là bọn con gái ngu thật! Có mỗi việc rửa mặt mà cũng không biết cách rửa cho đúng. Thằng Cổn lắc đầu lia lịa. Nhìn cái cách con Ngà lóng ngóng, ngơ ngác mà tức chứ!

– Cởi áo ra! – Thằng Cổn quát lên – Đô vô giáo dục – bất giác nó nhắc lại một câu thầy hiệu trưởng hay mắng nó và thấy rất hả hê.

Con Ngà vẫn cứ ngơ ngơ không nghe lời anh. Đã thế nó lại còn khoát nước ở chậu tung toé. Cổn nắm lấy tay con Ngà, kéo xốc dậy:

– Cởi áo ra chứ! Mày không biết mặc áo ướt thì sinh bệnh hắc lào à?

Vừa nói thằng Cổn vừa tự tay cởi áo cho em. Lát sau chúng ngồi ngay vào mâm cơm. Cơm hôm nay có món rau muống xào, cá kho và trứng rán. Tất nhiên trứng rán là dành riêng cho cái Ngà rồi. Thằng Cổn chỉ cắn thử của em một miếng nhỏ, còn đâu đưa cả cho nó.

Cổn ăn rất nhanh, nhoáng cái đã được bốn bát, no căng. Nó vươn vai cho cơm sụt xuống, khỏi tức bụng. Nó muốn đặt một đĩa nhạc vào đài nghe cho vui, nhưng nghĩ sao lại thôi.

Mở cửa trước nhìn ra phố, thằng Cổn chợt thấy cuồng chân, cuồng tay, muốn chạy lồng lên như con ngựa. Nhưng nó chợt nhớ nhiệm vụ trông em của mình. Bực thật! Nếu mà chẳng có em thì tốt biết bao.

– Ngà! Ăn xong để bát trên bàn, úp lồng bàn lại. Cấm đi đâu nghe chưa!

Chẳng đợi con em có ý kiến gì, dặn xong một câu vậy, Cổn tót ra đường luôn. Thật tình nó vẫn canh cánh về nhiệm vụ của mình, tự nhủ chỉ ra đường một tí thôi!

Những ngày hè chỉ mát được một tí buổi sáng. Khoảng tám, chín giờ sáng đã nóng nực lắm rồi. Lúc này là lúc rôm mọc. Nắng chang chang, vàng rực lên. Đường phố rải nhựa đen nên bắt nắng ghê lắm. Cái thị xã lúc nào cũng đông người, xe cộ như mắc cửi. Một đám dông nghịt, chen vòng trong vòng ngoài, xô đẩy nhau. Cửa hiệu sách thì vắng vẻ. Liếc thấy những quyển sách bìa sặc sỡ bày trên giá, thằng Cổn rẽ vào xem. Cơ man nào là sách báo. Sách thiếu nhi, quyển nào cũng có cái bìa vẽ những hình ngồ ngộ rất hấp dẫn. Nhưng nó không phải là đứa ham đọc sách. Nó chỉ liếc qua một tí rồi bổ đi. Ngoài đường phố có nhiều cái hấp dẫn hơn sách.

– Ê… Cổn giồ!

Cổn giật mình dừng lại.

Một đôi mắt lật mí đỏ hoe nhìn nó trừng trừng; một hàm răng khấp khểnh cười toang hoác!… Chính là thằng Tuế. Thằng Tuế rất diện. Nó mặc một cái áo sơ mi ngắn tay màu hung vàng, có sọc nâu. Cái quần xám ống loe. Chân nó dận đôi dép đúc đen sì đế cao đến mười phân. Phải nói là nó diện rất chi là “đúng mốt thời đại”. Thằng Cổn thấy lòng thèm muốn, nghen tị. Chưa bao giờ nó được một bộ diện như thế. Thường thì mẹ chỉ may cho nó cái quần chéo xanh, cái sơ mi trắng là cùng. Đôi khi nó phải mặc quần hoạn lại của bố. Bởi vì nhà Cổn không dư dật đồng tiền. Còn nhà thằng Tuế thì ngược lại.

– Mày tìm tao phải không?

Một tay thọc túi quần, một tay chống nạnh, chớp mắt cho mi mắt lật xuống, thằng Tuế hất hàm hỏi. Câu hỏi và thái độ trịch thượng ấy làm Cổn lộn ruột. Nó làm như nó là cái gì mà mình phải cần tìm.

– Tìm mày mà thèm vào!

– Thế sao mày vào phố tao?

Cổn nhìn quanh. Đúng là nó đã quen chân rồi! Từ nhà đến đây có phải là gần nhau. Vậy mà. Cổn thấy tưng tức.

– Phố của riêng mày đấy à?

Thằng Tuế cười hềnh hệch, đấm lên vai Cổn một cái tỏ ra thân thiện. Xưa nay vẫn thế, hai thằng vẫn giận nhau luôn, nhưng cũng chóng làm lành, tuy trong bụng không ưa nhau.

Nheo một bên mắt, ra vẻ quan trọng, Tuế ghé sát vào tai Cổn:

– Tao có “đếm” đây này! Mua cái gì chén nhá…

Nói rồi thằng Tuế hé miệng túi áo ngực cho Cổn nhìn vào. Trong túi nó một tờ năm đồng xanh, mới nguyên! ác liệt thật, nó kiếm đâu ra những năm đồng bạc thế kia?

– Tao thó của bà bô! Bí mật nhá!

Thằng Tuế lại  đấm Cổn một cái nữa, rồi hai thằng kéo nhau chạy ra lối phố Vườn Hoa.

Đây là cái phố đông đúc nhất thị xã. Đường phố dài đến hơn một ki lô mét, rộng mênh mông. Hai bên hàng phố đầy những cửa hiệu, nào là chữa đồng hồ, bán thiếp mời, kẻ vẽ in hoa, sách báo, văn hoá phẩm, nhận gia công bánh quy, bách hoá, cửa hàng ăn uống… thôi thì đủ thứ. Trên công viên, trước cửa hàng ăn uông có hàng chục người ngồi với mẹt hàng, đủ các thứ tầm tầm, nhiều nhất là những thứ ăn được, hút được. Công an ở phố này cũng nhiều. Cứ một quãng lại có một người. Thỉnh thoảng tiếng còi lại rít lên. Thế là có một người nào đó bị giữ lại để nhận biên lai phạt vi cảnh. Một ông già người bé nhỏ, cầm chiếc loa pin vừa đi dọc vỉa hè vừa nhắc nhở mọi người. Ông cụ toàn nhắc bằng thơ. Mà thơ của cụ thì đa phần là lẩy Kiều: “Tà tà bóng ngả về tây, mời cô áo trắng đi lên vỉa hè…”.

Hai đứa dắt nhau vào cửa hàng giải khát.

– Uống cà phê nhé? – Thằng Tuế hỏi.

Cổn rất xúc động. Quả tình nó mới chỉ nhìn thấy cà phê thôi chứ chưa được uống bao giờ. Nó gật đầu. Thằng Tuế móc tiền ra cầm tay, đi lại quầy vé.

Lát sau chúng đã ngồi đàng hoàng trên ghế, ở một cái bàn riêng, ngay dưới cái quạt trần. Cô phục vụ mặc bờ lu trắng mang cho chúng nó hai cốc cà phê đen. Cổn ta chộp lấy định uống. Thằng Tuế vội cản lại:

– Mày quấy lên đã, đường ở dưới đấy!

Rõ ràng Tuế là một thằng bé rất lõi đời. Cổn để ý cái cách nó ngoắng cà phê và làm theo một cách ngập ngừng. Khi thằng Tuế đưa thìa lên nếm thử, Cổn ta cũng bắt chước. Một cái gì ngòn ngọt, nhưng đắng lắm làm tê dại đầu lưỡi nó. Thật khiếp đắng chẳng kém gì ký ninh, có lẽ còn hơn. Uống cà phê thế này thì được cái ngon gì? Thà uống nước xi rô còn hơn. Nghĩ thế nhưng Cổn không dám nói. Trong khi đó thằng Tuế bữu môi ra vẻ khinh mạn:

– Cà phê yếu quá! Họ cho đường quá tay với lại rang cháy nữa! Mày biết không, thua ông bô tao. Sáng nào ông bô tao cũng uống cà phê. Tất nhiên tao chỉ được xái hai thôi, nhưng còn ngon hơn thế này!

Thằng Cổn thấy chẳng thú vị gì cái tách đắng ngắt ấy, nhưng nó lại sợ bị chê là “tồ”, bèn cầm lấy cốc, nhắm mắt làm thẳng một hơi.

Thấy thế, thằng Tuế cười phá lên:

– Hê… hê… ông xã xệ lý toét ơi! Ai lại cà phê mà mày làm như nước lã thế!

Cổn ta ngượng chín mặt. Nó tự nhủ nhẽ ra phải chờ xem thằng Tuế uống thế nào hẵng. Được thể lên mặt lõi đời. Thằng Tuế nâng tách cà phê bằng hai ngón tay rất kiểu cách. Nó nhập một ngụm nhỏ, chép miệng, mắt mơ màng nhìn những người chung quanh… chợt nó hoảng hốt nâng cả cốc lên làm ực một hơi! Cà phê đổ toé cả ra tay, ra bàn, dây cả vào cái áo đẹp của nó.

– Chạy đi mày!

Thằng Tuế lao vào phía trong cửa hàng, khu những người phục vụ. Chẳng hiểu chuyện gì, thằng Cổn cũng hoảng hốt chạy theo. Hai đứa suýt nữa thì va vào một chị bưng khay đầy những cà phê sữa, chanh đá. Thật là hú vía! Nếu va phải thì lột hết quần áo cũng không đủ đền. Mấy người trong cửa hàng nhớn nhác nhìn hai đứa bé. Một người quát:

– Hai thằng kia! Chạy đâu!

Tiếng quát dữ dội quá; Cổn ta bủn rủn cả chân tay, xuýt thì lao xuống rãnh nước thải.

Hai đứa chạy qua một dãy nhà trống, vượt qua một cái sân rộng phơi than quả bàng, vọt ra cửa sau đường Tống Duy tân. Chạy đến đầu phố Cao Thắng rồi chúng nó mới dừng lại, thở hổn hển.

Cổn vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Thằng Tuế nhoẻn cười:

– Ông bô tao!

Thằng Tuế rất sợ bố. Nếu bố nó trông thấy nó ngồi trong cửa hàng cà phê cà pháo thì chỉ có mà nhừ đòn.

– Mày là con nhà cán bộ chứ có phải là con nhà mất dạy đâu. Mày đừng làm tao xấu mặt với thiên hạ, liệu hồn tao thì vặn cổ.

Bố nó thường mắng như vậy. Ông ta dữ như cọp. Nhưng cũng chóng quên. Đánh con buổi trưa, chiều về lại cười, gắp thịt gà vào bát nó rồi! Người ta bảo những người hói trán, mặt béo đỏ phừng phừng thường có tính như vậy. Còn bà mẹ thì đối với con bằng kiểu khác hẳn. Thỉnh thoảng bà lại giao cho con đi lấy hộ vài lạng mỳ chính, dăm gói tiêu bắc… Toàn là những cuộc mua dấm bán dúi, thanh toán tiền nong với nhau từ lúc nào, thằng Tuế chỉ việc đến nhận hàng mang về. Mỗi lần như thế, bà Tuế lại phải “lót tay” cho thằng Tuế năm hào hoặc một đồng. Cái tiếng “lót tay” là do bà mẹ truyền ra. Có lần một người bạn hàng đến chơi, chị ta khen thằng Tuế ngoan, được việc. Bà mẹ âu yếm bảo:

– Chị tưởng dễ mà nó làm cho đâu! lần nào cũng phải có cái gì lót tay đấy!

Lót tay nghĩa là như thế. Cần người khác làm cái gì cho mình thì phải “lót tay” họ. Đơn giản, tiện lợi!

Bây giờ mặt trời đã lên cao, nóng lắm rồi. Sau một cuộc chạy chí tử, hai thằng đầm đìa mồ hôi, khắp người nổi rôm lên, ngứa muốn phát điên. Lúc này mà có một cái máy nước không người thì phải biết! Song có bói cũng không ra cái máy nước ấy! Càng nắng người ta dùng nước càng nhiều. ở vòi nước nào cũng có hàng dãy thùng xếp vòng vèo như con rắn. Mà nước chảy thì chậm rì rì. Cứ gọi là mười hai giờ đêm mới vắng người.

– Về nhà tao tắm? – Thằng Cổn rủ.

Hai đứa dễ dàng nhất trí với nhau. Tắm giếng cũng tốt chán. Nhưng đi được một đoạn thằng Tuế lại thay đổi ý định. Chúng nó chạy qua sân vận động, chui qua phố Tân Giang. Ngoài sông có bến tắm rất tốt, lúc nào cũng đông người – phần lớn là lũ trẻ. ậ đấy chúng tha hồ lặn hụp, nô đùa.

Lúc ấy bác Hải gái đã đi nhận hàng về. Bác gánh một gánh trúc nặng, những thanh trúc đã tiện ngắn để ghép thành mành.

Bước vào nhà, bác thấy trống tuyênh, chẳng thấy thằng Cổn và cái Ngà đâu! Đồ chơi của con Ngà vứt tung toé trên nền nhà. Đây chiếc ô tô, kia cái chong chóng. Trên bàn, bát đĩa lổng chổng, cái thì úp, cái thì nghiêng. Nước mắm đổ lênh láng ra mâm. Bác gọi mấy lần cũng không thấy đứa nào trả lời. Quái, chúng đi đâu cả? Vừa mệt vừa nóng, bác giận sôi lên. Hàng xóm đi vắng cả, chẳng biết hỏi ai.

Bác Hải gái quyết định phải đi tìm con, Bác vốn biết tính thằng Cổn. Nó là một thằng bé rất mải chơi, có khi để em lạc cũng nên.

Bác vừa khép cánh cửa sau lại, định đi thì, trời ơi! Bác thấy cái Ngà ngồi đó, ngay trong xó cửa. Con bé, tay cầm chiếc thìa, tựa đầu vào vách, ngủ ngon lành. Bên cạnh nó bát cơm ăn dở, ruồi bâu đen kịt. Thấy động, lũ ruồi bay lên vù vù… Bao nhiêu nỗi hoảng hốt, tức giận tan biến hết, lòng thương con dào dạt, bác Hải gái ôm lấy cái Ngà. Con bé mở choàng mắt, tiếp tục nhai cơm trong mồm! Rồi, nó nhận ra nó đang ở trên tay ai, kiền khóc oà!

Một lúc sau con bé Ngà đã được tắm rửa sạch sẽ, nhà cửa đã được dọn dẹp phong quang. Bác Hải gái ngồi xâu mành, cái Ngà ngồi bên cạnh… có lẽ đã đến một giờ chiều. Nắng đã bắt đầu chếch trước cửa. Ngoài đường người giảm bớt; vào giờ này, để tránh nắng, bất đắc dĩ người ta mới phải ra đường. Trời tuy nắng gắt nhưng không nóng lắm, bởi gió nồm nam đã lên, thổi từng đợt, từng đợt nghe rào rào…

Hai mẹ con vừa làm vừa trò chuyện với nhau rất vui vẻ. Thỉnh thoảng  bác Hải gái lại dừng tay, khẽ cù cái Ngà. Nó vội nó tránh rồi cười nấc lên. Có lúc nó ngước đôi mắt như hai hạt nhãn trong suốt ấy, nhìn mẹ, chờ cho mẹ cù. Cái Ngà là út, cũng là thứ tư. Trên cái Ngà là Cổn, trên Cổn là chị Nam, trên chị nam là anh Hải. Anh đang trong bộ đội. Bác Hải đẻ thưa nên từ anh Hải xuống đến Ngà, cách gần hai mươi tuổi! ở các nhà khác thì thế nào cũng xảy ra tình trạng anh em tranh cãi, thậm chí đánh lộn nhau. Nhưng nhà này thì không, bởi đứa này cách đứa kia khá nhiều tuổi. Những trò chơi đứa nhỏ thích thì đứa lớn đã chán từ lâu. Nói chung mấy đứa con bác đều ngoan ngoãn, dễ bảo, chỉ có thằng Cổn là ngang bướng. Bác rầy la nó luôn, nhưng cũng biết là cái tính trời phú cho nó. Đấy, cái trán nó dô thế! Con nít trán dô thì còn phải nói! Ngày mới đẻ, nó đã là một đứa bướng phát khiếp. Nó đã khóc thì đố ai dỗ, đã ngậm núm vú thì đừng hòng dứt ra nếu nó chưa no nê. Đêm ngủ, nó đạp tứ tung, cứ trồi đầu lên. Mới lên một đã biết đánh nhau với con hàng xóm. Hễ đánh nhau là mặt nó lì lì, đau mấy cũng không thèm khóc. Thằng bé ưa nịnh, hễ phổng mũi lên là việc gì cũng làm tăm tắp. Nhưng chỉ được một lúc, rồi đâu lại vào đó. Bác Hải trai bảo: “con nít nó thế lớn lên biết nghĩ nó khác đi chứ! Bác gái cũng vậy. Thiếu gì đứa trẻ bướng nướng là nghịch bạt tử, phá gia, vậy mà lớn lên lại thành anh hùng, được huân chương, ăn nói lễ phép đáo để. Biết thế, nhưng bố mẹ nào lại dám để cho con cái muốn ăn nói, làm gì thì làm. Bác Hải phải luôn miệng bảo ban, quát mắt doạ dẫm nó. ấy vậy mà lúc này nó vẫn làm bác sợ hết hồn!

Nghĩ về con, bác Hải gái thở dài…

Thằng Cổn mà biết thế chắc là nó mủi lòng. Nhưng nó đâu có biết được. Lúc này nó đang vùng vẫy uồm uồm giữa dòng sông. Nó bơi giỏi như rái cá. Và chẳng biết học từ bao giờ, nó thạo rất nhiều kiểu bơi: nào là ếch, bướm, sải, ngửa… Đặc biệt là khi nó bơi trườn thì ai nhìn cũng phải mê, cứ như mộ cái xà-lúp! Nó như một mũi tên bắn trên mặt nước. Xung quanh nó bọt nước sủi ngầu, sùng sục như quanh chân vịt tàu thuỷ.

Bọn trẻ tắm mãi đã mệt phờ, chúng nó lần lượt lên bờ, đứa nào cũng nổi gai ốc! Tuy tắm lâu như vậy nhưng có đứa vẫn bản không chịu được. Ghét bám đầy, đặc biệt là quanh cổ. Một khoanh đen sì! Có lẽ đến hàng tạ ghét, không kém!

Mặc quần áo xong, chúng kéo nhau về thành một dây rồng rắn. Trong sân bóng các cầu thủ đội cơ khí đang tập luyện để chủ nhật này đấu giao hữu với đội thủ công nghiệp.

Bất cứ ở đâu, các cầu thủ luôn luôn là niềm hấp dẫn vô cùng đối với bọn trẻ. Lũ trẻ ùa vào sân, quấn lấy chân các cầu thủ. Hễ bóng lăn ra xa là chúng lại được một dịp tranh cướp. Đứa nào cũng mong giành được bóng để biểu diễn những cú chuyền nghệ thuật. Có đứa còn nịnh các cầu thủ chính cống đến nỗi có khi hai tay bê quả bóng đến tận chân cho các chú.

Bọn thằng Cổn chơi đùa ở sân bóng mãi đến xế chiều, Cổn bây giờ mới nhớ ra, nó đã để cái Ngà ở nhà một mình, đi chơi suốt từ sáng đến giờ!

Một trận đòn là điều không tránh khỏi. Gần tới nhà tự nhiên thằng Cổn đi chậm lại. Trong cái đầu bé nhỏ của nó bắt đầu nẩy ra bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu âm mưu. Lần này thì chắc là không có cách gì tránh được cơn thịnh của mẹ đâu. Nó nghĩ ra nhiều cách. Nào là phải đi họp, nào là bố nhắn sang cơ quan bố có tí việc, nào là… Nhưng tất cả những lý do ấy sẽ bị lộ ngay. Mẹ tinh ý lắm, mẹ chẳng bảo cứ nhìn vào mắt có thể biết người ta nói dối hay nói thật! Bao nhiêu lần nói dối đều bị phát hiện rồi!

Đến cửa nhà chú Quốc, Cổn nảy ra một kế hoãn binh.

Nó sẽ vào nhà chú. Chú Quốc đang ngủ ở trong buồng, cô Quốc đi làm chưa về. Mấy đứa con chú chơi ở sân sau. Thấy Cổn vào, chúng cũng chẳng nói gì, cứ điềm nhiên chơi trò cô y tá. Bố chúng đã dặn, có ai lạ vào thì hỏi, nhưng anh Cổn đâu có phải là người lạ.

Cổn cũng chẳng cần hỏi chúng, đi thẳng ra vườn. Nó lách rào chui vào vườn cụ Kế. Ông cụ vốn là nhà giáo, nay đã về hưu, suốt ngày cứ đeo cái kính to cồ cộ, ngồi đọc những quyển sách bằng tiếng Pháp. Mắt cụ kém lắm, tai lại nghễnh ngãng. Có đi sát bên cụ, cụ cũng chẳng hay, chỉ việc lách qua một hàng rào nữa là về đến nhà an toàn. Việc này rất dễ dàng vì hàng rào của tất cả mọi nhà ở phố này đều có sẵn một lỗ để có thể chui qua được.

Cổn lần vào đến giếng, thấy nhà vắng lặng, chắc chắn là mẹ ở nhà trên. Nó lần qua bếp, tót ngay vào buồng. Đúng là mẹ ở nhà trên thật, bởi vì Cổn nghe tiếng mẹ rì rầm nói chuyện với ai. Cổn trèo lên giường, ghé mắt qua cửa sổ tròn. ở đây nó nhìn ra ngoài nhà rõ mồn một, nhưng ngoài nhà nhìn vào thì không thể thấy gì.

Mẹ ngồi quay lưng lại phía Cổn, xâu mành. Cạnh mẹ là cái nhà con bé tý toáy nghịch cái gì đó. Cạnh cái Ngà là cái Lê! Cái Lê đến đây từ lúc nào? Chắc là nó đến để “hót” chuyện ở trường thôi! Và từ lúc nó đến chăc đã “hót” đủ thứ rồi. Nhà Lê ở đối diện nhà Cổn, nhưng hai đứa không chơi với nhau, nói đúng ra là Cổn không thèm chơi với nó. Nó là con gái, song điều đó không quan trọng – con trai vẫn có thể chơi thân với con gái được chứ, nếu hợp nhau. Cái làm cho thằng Cổn không thể thân với cái Lê, lại còn ghét nữa là khác, là vì những chuyện ở trường nhẽ ra nên để ở trường thì nó lại đem về kể thông thốc!

Cổn chăm chú nghe câu chuyện giữa mẹ và Lê. Nhưng hai người nói nhỏ quá. Thằng Cổn phải ghé sát vào cửa sổ, lại còn phải dùng tay kéo căng vành tai ra.

Cái Lê nói:

– Bác ạ! Gội đầu bằng bồ kết thì nó dài tóc ra ấy nhỉ! Vừa nói Lê vừa vuốt tóc mình, chả là cô bé có mái tóc ngắn cũn cỡn.

– ừ! – Mẹ trả lời – lại còn đen mượt nữa! Dưng mà con gái tóc dài quá là khổ đấy!

– Phải chải nhiều bác nhỉ!

– à, bây giờ mấy giờ rồi nhỉ?

Mẹ chợt hỏi. Chiếc đồng hồ bàn để ngay trên nóc tủ, cạnh cửa sổ. Thật tai hại quá, cu Cổn trượt chân giáng cái đít đánh sầm xuống giường!

– ối! Cái gì thế?

Cả mẹ và cái Lê đều ngạc nhiên hỏi.

– Cháu xem hộ bác cái gì trong buồng ấy!

Cổn ta hoảng thật sự! Giáp mặt cái Lê lúc này mất giá trị quá. Nó cáu cái đít vô tích sự quá chừng!… Nhưng trong ghian nguy người ta hay nẩy ra những sáng kiến tuyệt vời. Nhanh như chớp, Cổn chui tọt xuống gầm giường, bò vào góc tối nhất.

Cái Lê cũng không phải là đứa dũng cảm. Nó đẩy cửa rộng ra rồi cứ đứng ở ngoài nhìn vào.

– Chẳng có gì cả bác ạ! Chắc là con chuột đấy!

Cái Lê đã bước ra,  nhưng nghĩ thế nào nó lại ngó vào gầm giường. Nguy quá, có thể nó sẽ thấy. Cổn giả bộ chuột kêu chít chít.

Tiếng kêu chả giống lắm, song cái Lê cũng bị lừa.

– Đúng là chuột rồi bác ạ! – Lê quay ra nói với bác Hải gái.

– Bác bảo bạn Cổn làm một cái bẫy đi, chuột nó ham ăn lắm!

– Thằng Cổn nhà bác thì có làm được cái gì bao giờ! Đi chơi suốt từ sáng cũng chưa về đấy!

Giọng mẹ không có vẻ giận dữ. Thằng Cổn thấy đỡ lo hơn. Nhưng nó liền hối hận: nếu lúc nãy đàng hoàng về nhà, lại là tốt?

Lê đã về. Cổn vẫn còn thu lu trong gầm giường, nghĩ cách nên ra dàn mặt mẹ thế nào?

Cô tấm mảnh khảnh

Cô chị có một bầy em – Ngoan cũng là một tội? – Ước muốn – Cần tôn trọng lời hứa – Những que kem – Đã mười hai tuổi rưỡi – Người bạn thân nhất ra đi – Phát khóc lên vì ức.

 

Mẹ Lê sinh Lê vào một buổi sáng mùa đông. Bác Vấn gái thích có con trai đầu lòng, bác nghĩ sinh con trai đầu lòng chắc chắn hơn. Song Lê lại là con gái. Thấy thế bác Vấn trai bảo: “Con gái đầu lòng mới tốt mình ạ! Con gái nó ngoan việc, có thể chăm sóc được các em chứ con trai thì chẳng nhờ nó được gì cả!”. Biết là chồng an ủi mình, nhưng bác gái cũng bằng lòng vậy. Chẳng bằng lòng sao được – bởi dù là con gái cũng do vợ chồng bác sinh ra.

Con bé gầy yếu lắm, nhưng được cái ngoan nết. Càng lớn nó càng ngoan. Biết nhường nhịn chăm sóc em rất chu đáo. Chưa đầy hai tuổi, cái Lê đã có em, rồi sau đó cứ vài năm lại thêm một em nữa. Bây giờ nó đã có một bầy em đông đúc tới năm đứa, gồm ba gái, hai trai.

Có thể nói cái Lê là người nội trợ, người chủ gia đình. Mọi việc do nó quán xuyến hết.

Bác Vấn trai làm công nhân ở Công đoàn xếp dỡ. Thường bác đi làm rất sớm và về rất muộn. Hàng hoá ở bến sông, ở ga nhiều lắm, các bác phải ra sức làm mới xuể. Tuy người chẳng to lớn, nhưng bác có thể đặt lên vai một tạ hàng, đi như không. Nói chung ở Công đoàn xếp dỡ, ai cũng có sức khoẻ như vậy… Bác Vấn gái không phải vác lên vai một tạ hàng, nhưng công việc của bác cũng không kém phần vất vả: bác làm hộ lý ở bệnh viện.

Bố mẹ đi biền biệt, có khi cả đêm. ở nhà chỉ có cái Lê là lớn nhất. Vậy mà nó thu xếp công việc rất khéo.

Sáng ra nó dậy sớm, đun nấu lách cách dưới bếp, đủ cho cả nhà mỗi người một bát ăn sáng. Rồi nó đong gạo ra rá, đổ nước vào nồi, chẻ củi… để sẵn đấy. Sáu rưỡi nó đến trường. Việc cai quản ở nhà được giao cho thằng Hoạch. Đơn giản thôi, thằng Hoạch chỉ việc giữ sao cho các em khỏi khóc.

Đi học về cái Lê vào bếp nấu cơm luôn. Cơn cạn, thức ăn nấu xong rồi, Lê mang vú sữa cho em bú – nếu có đứa còn bú. Rồi nó dỡ cơm vào cặp lồng, sai thằng Hoạch mang cho bố và mẹ.

Buổi chiều thằng Hoạch đi học. Cái Lê ở nhà vừa trông em vừa giặt giũ quần áo, chợ búa và lại lo cơm chiều.

Những ngày nhà hết gạo thì quả là vất vả gấp mấy lần. Chả là cửa hàng gạo lúc nào cũng đông. Cái Lê cắt một đứa ở lại coi nhà còn ba chị em nó bồng bế nhau đi mua gạo. Nó đặt sổ, ngồi chờ đến lượt. Để khỏi nóng ruột và chờ  lâu, nó vẽ mộ bàn ô và rải quân. Rồi khi người ta gọi đến tên, giao đứa bé nhất cho một đứa khác, nó vào kho cân gạo. Cân xong giao cho các em ngồi coi, nó gánh dần về. Gạo nhà nhiều, phải gánh mấy gánh mới hết. Gánh cuối cùng cả mấy chị em cùng đi, kéo một dây nhũng nhẵng.

Tối, bố mẹ về Lê mới rỗi. Bắt đầu ngồi học bài. Nhưng cũng chưa yên đâu. Mấy đứa trẻ mến chị, lắm lúc cứ bám chặt lấy.

Công việc nhà nhiều như vậy nhưng Lê vẫn học giỏi, là niềm tự hào của trường. Các bài kiểm tra ít ra cũng được điểm tám, chả mấy khi bị con bảy. Những lúc thảnh thơi, bác Vấn trai rất vui vẻ, thường xoa đầu con: “Đẻ con gái quả không nhầm đấy!”. Bác Vấn gái thường khoe với mọi người ở bệnh viện: “Không có cháu nó, chẳng biết vợ chồng tôi xoay sở ra sao”?

Hàng xóm láng giềng ai cũng ca ngợi con bé. Các bà mẹ thường đem cái Lê ra so sánh, chì chiết con mình. Bác Hải gái lại càng hay so sánh tợn.

– Con cái người ta thế mới là con chứ! – Bác bảo thằng Cổn – Mày đi mà xách guốc cho nó!

Bị mẹ nhiếc, thằng Cổn tức cái Lê lắm. Giá nhà nó ở phố khác để mẹ không biết thì hay biết mấy! Một lần, vào năm ngoái năm kia gì đó, thằng Cổn giơ củ thụi vào mặt cái Lê:

– Mày dờ hồn đấy!

– Tôi làm gì mà bạn doạ đánh? – Cái Lê ngạc nhiên hỏi.

– Vì mày mà mẹ tao mắng tao.

– Tôi có mách gì đâu?

– Nhưng mà mày ngoan!

Thằng Cổn buộc tội cái Lê như vậy. Thấy vô lý quá, cái Lê rủm rỉm cười. Khi nó cười thì lại có hai cái lúm đồng tiền, trông xinh ghê lắm.

– Bạn Cổn ạ! Bạn cũng ngoan lên thì mẹ chẳng mắng đâu!

– Thèm vào! Đồ con gái nói bậy!

Cái Lê cứ nghĩ là nó sẽ nện mình. Nhưng… cũng may mà lúc đó thằng Cổn đang nghĩ tới danh dự của một thằng con trai: không thèm chấp bọn con gái!…

Mùa hè năm nay cái Lê đã mười hai tuổi rưỡi rồi. Trách nhiệm của nó đối với gia đình càng nặng nề hơn.

Gia đình bác Vấn không thuộc loại sung túc. Số tiền hai bác kiếm được hàng tháng phải chi tiêu rất dè sẻn mới đến được kỳ lương sau. Cái Lê biết thế, tự nó rất tiết kiệm, từ mẩu củi, cọng dưa.

Nghỉ hè được hôm trước, hôm sau Lê nói với bố:

– Bố ạ, con nghỉ hè rồi, bố  kiếm thêm việc gì cho chị em chúng con làm đi!

ý Lê muốn làm thật tích cực mấy tháng, thế nào cũng dành dụm được một ít tiền. Nó sẽ lấy tiền ấy mua sắm cho mọi người và cho mình một bộ quần áo, quần lụa hẳn hoi! Nó chưa đến tuổi được cấp phiếu nữ để mua lụa, nhưng mẹ sẽ nhường phiếu của mẹ cho. Dẫu sao cũng phải có bộ quần áo dễ coi. Nó đã lón rồi, tự thấy phải ăn mặc thêm chút ít.

Nhưng điều ấy nó không muốn nói ra, vì nó biết, nếu chỉ có thế thì bố sẽ bảo: “Thôi con ạ! Bố sẽ gắng làm thêm ít ngày năng suất để sắm cho con! Chẳng cần phải gắng thêm nữa, bố cũng đã mệt nhọc lắm rồi – cứ nhìn những buổi bố đi làm về thì biết! Lê không muốn bố vất vả thêm nữa.

– Bố ạ! – Lê nói thêm – bố xin cho con bán vé xổ số, xe đay hay làm que kem cũng được.

Bố cười:

– Chẳng có những việc ấy con cũng đã bận túi bụi rồi còn gì! Còn hcút thì giờ nào để nghỉ ngơi cho khoẻ.

– Lao động là nghỉ ngơi tích cực bố ạ! Vả lại – cái Lê cắn môi suy nghĩ, cố tìm những lý do chính đáng nhất – có việc làm các em nó sẽ không đi chơi lêu lổng, đánh nhau ngoài đường.

Lúc sau, như một người lớn thực thụ, cô bé thêm:

– Cũng nên tập cho các em nó lao động chứ!

Những lời lẽ của nó làm bố thấy rất có lý. Bác hứa hẹn:

– Được! Nếu các con thích làm, bố sẽ kiếm việc cho.

Cái Lê vui lắm, ôm chằm lấy cổ bố, cảm thấy thích chí khi bố cọ cái cằm đầy râu vào trán nó.

– Nhất định bố nhé!

– ừ! Nhất định thế rồi!

Vài hôm sau bác Vấn vác về một vác nứa. Bác đã liên hệ với nhà máy kem, xin cho chị em Lê được vót que kem.

Cái Lê vẫn muốn được bán vé số! Nó sẽ có một cái bàn xinh xinh, một cái ghế, mang ra ngồi dưới gốc cây góc phố. Như thế thì thú biết mấy! Người ta sẽ xúm xít quanh nó: “Cô bé, bán cho một vé nào!”. Nhiều đứa cũng chỉ bằng tuổi Lê thôi, cũng bán vé số, chúng nó cứ líu la líu lô rất chi là là hãnh diện. Nhưng xét cho cùng vót que kem vẫn hơn. Vì có thể kết hợp được việc nhà và cho cả mấy đứa em cùng làm.

Chiều hôm ấy, chủ nhật, bác Vấn trai đưa cái Lê đi chợ. Hai bố con chọn mua một cái cưa, một con dao pha và một con dao bài.

– Lấy được tiền công, phải thanh toán vốn cho bố ngay nhé – Bác Vấn nói đùa với con.

Rồi bác ngồi suốt buổi, cắt ra cơ man nào là ống nứa, mỗi ống dài bằng que kem. Chị em cái Lê chỉ việc chẻ ra và vót tròn là được.

Đêm ấy cái Lê nằm thao thức mãi. Nó tính toán xem nên sắp xếp công việc thế nào để có nhiều thì giờ nhất, ngồi vót que. Tất nhiên thằng Hoạch, cái Vui  cũng phải làm. Nhưng bắt chúng làm ít thôi, để một ngày vài giờ chúng đi chơi nữa chứ! Lê sẽ làm nhiều hơn, làm cả ngày, cả tối. Nó sẽ thức đến tận mười hai giờ đêm! Đầu óc giàu tưởng tưởng của nó chứa bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ… Nó tưởng tượng đến hôm nó gánh một gánh que kem, đầy hai thúng, mỗi bó là một nghìn que đem giao cho nhà máy kem. Rồi người ra sẽ giao tiền cho nó! Số tiền đầu tiên nó làm được trong đời. Nó sẽ mua một bữa kem đãi cả nhà. Người vót que kem cũng phải ăn xem cái kem nó thế nào chứ! Riêng em Lâm bé quá chưa ăn được kem thì sẽ có quà khác. Ôi! Lúc cả nhà quây quần, mỗi người một cây kem lạnh mua bằng tiền do chị em Lê làm ra thì thú biết mấy!

Cái Lê ngủ thiếp đi trong cảm giác lâng lâng, với một nụ cười.

* Ngoài trời vẫn còn mờ tối, Lê đã tỉnh giấc. Nó tự đấu tranh với mình: có nên dậy ngay không? Cuối cùng nó thấy là không nên làm mấy giấc ngủ của cả nhà, đành nằm nán lại. Cái Na, cô em thứ năm, nằm cạnh Lê. Suốt đêm, tay nó vẫn nắm lấy vạt áo chị. Nó vẫn có thói quen thế, lúc ngủ phải nắm một cái gì đó trong tay, nếu không thì không ngủ yên được. Vào lúc rạng sáng, Na chợt nói mơ làu bàu cái gì. Lê nhìn thấy mặt em bần thần… Nó vừa kịp hiểu cái gì sắp diễn ra thì… tách, tách, tách… nước đã thánh thót nhỏ xuống gầm giường. Lại đái dầm rồi! Con bé đến là hư. Để cho em đái xong Lê mới lay nó dậy. Nếu làm nó giật mình lúc đang đái dầm, nó sẽ sinh bệnh đái dắt – người lớn vẫn bảo thế.

Lúc này bản nhạc tập thể dục của đài phát thanh cũng đã vang lên. Thế là một ngày lại bắt đầu.

Cái Lê khẽ đét đít em một cái.

– Em hư lắm! Buổi tối uống cho nhiều nước vào!

Cái Na biết mình có lỗi, không dám khóc.

Lũ trẻ lồm cồm bò dậy cả. Bố mẹ cũng trở dậy. Chỉ riêng thằng Hoạch là vẫn ngủ lì, chẳng bao giờ nó cần dậy sớm. Nó sẽ còn ngáy nửa tiếng nữa là ít.

Lê cùng mẹ vào bếp. Nhoáng cái, nồi mì đã xong.

Lát sau bố mẹ đi cả, chỉ còn mấy chị em. Lê phân công thằng Hoạch cuộn chiếu, chiếu cái Na đái dầm đem ra sông giặt. Rồi dặn thêm:

– Chóng lê về còn vót que nhé!

Thằng Hoạch rất thích được vót que. Có thể nói nó là một đứa bé rất ham những việc mới mẻ. Cái gì mới mẻ cũgn hấp dẫn nó cả. Nó ôm chiếu, tay huơ cái chổi rễ cùn lên, hẹn:

– Chờ em về. Cấm chị làm trước đấy!

Lê thu xếp rất nhanh công việc nhà cửa. Lát sau nó bế cái Lêm đặt vào cũi, bỏ luôn vào đó mấy thứ đồ chơi lặt vặt: Con búp bê nhựa, cái trống, cái xúc xắc… rồi hôm em đánh chụt:

– Bé chơi ngoan cho chị làm việc nhé!

Thằng Hùng được phân công vừa trông cái Na vừa học bài. Còn cái Vui phải để ý em Lâm.

Công việc đâu vào đấy rồi, Lê đi lại góc nhà chăm chăm nhìn đống nứa. Nó muốn bắt tay vào quá, nhưng lại nghĩ tới lời hẹn của thằng Hoạch. Nó cứ quanh quẩn, đặt con dao xuống lại cầm lên. Nhưng rồi nó thấy không nên sai lời hẹn với em, như thế thằng bé – Lê vẫn coi thằng Hoạch còn bé lắm, mặc dù nó đã mười tuổi và mặc dù, cách đây hai năm, cũng bằng tuổi thằng Hoạch bây giờ, Lê đã tự cho mình là người lớn – thằng bé sẽ đói, chẳng ai dỗ được!

Nhưng chẳng lẽ ngồi chờ đó? Lê bèn mang cả mấy con dao ra bờ giếng, mài cho thật sắc.

Mài dao xong, thằng Hoạch vẫn chưa về, cái Lê lại phải đấu tranh với mình một phen nữa.

Sau cùng nó nghĩ mình phải thử dao xem có sắc không chứ? Nếu dao cùn thì tí nữa làm gì được? Nó cầm con dao pha, chẻ đôi ống nứa. Rồi cứ tiện tay chẻ mãi…

– Ơ… đếch chơi kiểu ấy đâu!

Thằng Hoạch đã đi giặt chiếu về. Thấy cái Lê chẻ que, nó réo lên. Rõ ràng thằng bé vừa nói hỗn.

Lê nghiêm sắc mặt:

– Hoạch, tại sao em văng tục?

– Ai bảo chị làm trước người ta?

– Chị thử dao xem có sắc không chứ!

– Thử… thử!… Thèm vào mà chơi nữa!

Lê đỡ chiếu trên vai em:

– Lần sau còn văng tục chị phết cho mấy roi.

Nói thế nhưng cái Lê cũng thấy mình có lỗi. Nhẽ ra nó nên giữ đúng lời hứa với em.

Nhưng rồi chị em nó mau chóng làm lành với nhau. Lát sau thằng Hoạch đã vớ lấy dao háo hức làm. Thằng bé hăng hái nhưng tính nó hơi ẩu. Những nhát dao của nó thường là bập sâu quá, như vậy que sẽ nhỏ đi, không đúng quy cách. Lê cứ phải luôn mồm nhắc nó:

– Nhẹ tay chứ! Xem chị làm mẫu đây này!

Vót được một lúc thằng Hoạch dừng lại đếm: mười lăm que! Nó nhẩm tính bốn lần thế này là được sáu mươi que. Năm lần là bảy nhăm, sáu lần là chín mươi… Thêm vào mười que nữa là một trăm. Trong khi nó tính thì cái Lê đã thêm được một que nữa, thế là thành mười sáu! Thằng Hoạch lại tính. Nhưng nhân với mười sáu khó hơn với mười lăm nhiều! Mà Hoạch ta mới học lớp bốn.

Đã được hơn hai mươi que rồi. Thằng Hùng, cái Na, và cả cái Vui nữa đều xúm xít quanh đống nứa, chỉ còn cái Lâm vẫn ở trong cũi, vật nhau với búp bê.

Mấy đứa bé cũng đòi làm. Song chúng còn nhỏ quá, làm gì được. Cái Lê phải giữ một lúc hai con dao, sợ chúng đứt tay.

Chơi một mình được tí tẹo thì chán, cái Lâm khóc “e” lên. Biết là nó đói bụng rồi, Lê sai cái Vui:

– Lấy cho em cái vú sữa!

Việc này thì cái Vui thạo phải biết! Nó thạo cách pha sữa, đổ vào chai, chụp cái vúi cao su vào!… Nó cầm chai sữa ra, lũ trẻ nhìn một cách thèm thuồng. Song đó không phải là thứ chúng có thể xâm phạm tới được. Biết thế, đứa nào cũng chép miệng, chỉ mong cho em Lâm bú thừa!

Lê rất hiểu ý nghĩa cái nhìn của lũ trẻ. Ôm cái Lâm vào lòng cho nó bú, Lê bảo các em:

– Bé mà ăn sữa thì tốt. Nhưng mọc răng rồi mà còn ăn sữa thì sún khiếp lắm!

Nhưng có thể, không đứa nào sợ sún. Lê đánh chuyển hướng:

– Các em có muốn nghe chuyện cổ tích không nào?

Lũ trẻ liền nhao nhao lên, chị Lê chúng kể chuyện cổ tích rất hay.

– Chị kể đi!

– Chuyện Tấm Cám ấy!

– Chuyện thằng Cuội ngồi gốc cây đa!

– Chị kể một chuyện mới nhé: Chuyện “Nàng công chúa Hồng Hoa hay là sự tích hoa hồng”.

Cái Lê bắt đầu kể:

Ngày xưa ở nước nọ, có một ông vua đã lấy tới chín mươi chín người vợ mà chẳng sinh được một đứa con. Vua rất buồn; các quan cũng rất buồn; thần dân trong nước cũng rất buồn…

– Thần dân là gì nhỉ? – Cái Vui ngắt lời chị.

– Im đi! – thằng Hoạch giải thích – thần dân là ông thần chứ còn gì nữa!

Thằng Hoạch nói sai toét! Nhưng thần dân là cái gì, chính Lê cũng không hiểu. Nó suy nghĩ một lúc, cố tìm cách giải thích, song đành chịu.

– Để chị kể tiếp nhé… Thế là… một hôm viên quan coi việc thiên văn trong triều nhìn thấy một ngôi sao rất sáng từ phía trời tây bay xuống phía say cung thất nhà vua. Viên quan rất lấy làm lạ, tâu lên, song vua không biết đó là điềm gì. Các quan, những người hết sức tài giỏi nghĩ nát óc cũng chẳng thể biết là cái gì… Thế rồi, có một đạo sĩ đến dưới cổng thành, bảo tên lính canh: “Nhà vua cứ đi về hướng tây sẽ thấy điều hằng mong ước!”. Vua y lời, chuẩn bị xa giá lên đường. Cứ hướng tây, nhà vua đi mãi, đi mãi, qua biết bao nhiêu đồi núi trập trùng, bao nhiêu cánh rừng sâu thẳm. Hôm đó, trời đã về chiều, vua trông thấy ngôi nhà một người tiều phu cheo leo trên vách núi, bèn quyết định ghé lại xin nghỉ chờ qua đêm để sáng mai đi tiếp. Hai vợ chồng người tiều phu già sống với một cô gái rất xinh đẹp. Nhìn thấy nàng nhà vua đem lòng yêu mến, bèn hỏi làm vợ. Vua cho vợ chồng người tiều phu rất nhiều gấm vóc, tiền bạc đề đi dưỡng tuổi già rồi đưa cô gái về triều, phong làm hoàng hậu. Chẳng bao lâu hoàng hậu có mang rồi sinh được một nàng công chúa. Vua rất mừng, đặt tên là công chúa Hồng Hoa. Hồng Hoa càng lớn lên càng xinh đẹp. Mắt sáng như sao, môi đỏ như son, tóc dài như suối. Năm nàng mười sáu tuổi thì chẳng còn ai đẹp bằng. Nàng cũng thông minh rất mực. Lúc bấy giờ vua cha đã già lắm, vua muốn có một chàng phò mã để sau này thay vua trị vì đất nước. Thế là công chúa Hồng Hoa treo biển kén chồng. Trai tráng khắp nơi nô nức kéo nhau về kinh đô thi thố tài năng. Trong số những người rắp ranh làm phò mã ấy, có một hoàng tử con vua nước ngoài và một chàng thợ săn nghèo khổ…

Cái Lê kể đến đấy, chợt thấy bóng nắng đã ra đến kè, đến giờ phải nấu cơm rồi, bèn dừng lại.

– Chị kể nữa đi! – Bọn trẻ đang muốn nghe, giục Lê.

– Không! Bây giờ đi nấu cơm, có lẽ bố mẹ đã đói rồi đấy. Mai chị kể tiếp.

Cái Lâm lại được vào cũi. Thằng Hùng thì phải đi giúp Lê làm bếp, còn thằng Hoạch phải cai quản cả mấy đứa nhỏ. Hoạch vẫn say sưa với mấy que kem. Bây giờ đã vót được nhiều lắm rồi. Nó đếm mãi, nhưng cứ đếm đến gần hai trăm lại lẫn mất. Buổi tối thì vui vẻ hơn. Cả nhà ngồi vót nên được rất nhiều. Cái Lê làm được mấy hôm, đống nứa đã ngót hẳn đi, mà những bó que thì cứ nhiều thêm mãi. Bây giờ Lê không để muộn giờ cơm trưa nữa. Nhà không có đồng hồ, nhưng cái Lê đã sang nói với bác Nghiệp. Bác có cái đồng hồ báo thức chạy đúng giờ lắm. Bác chiều cái Lê, treo đồng hồ lên bức vách chung với nhà Lê. Cứ mười giờ sáng là chuông réo lên, ở bên này nghe rất rõ.

Mấy chị em vẫn ngày ngày ngồi vót que, và nghe chuyện cổ tích. Nhưng thằng Họch thì không hào hứng như trước nữa. Nhiều khi cái Lê phải dùng mệnh lệnh mới bắt được nó ngồi vót, khỏi phốc ra đường.

– Em hư lắm, chả biết nghĩ gì cả – cái Lê nghiêm giọng nói – thế mà em là đứa con trai lớn nhất nhà đấy! Giọng nó nghiêm khắc, đầy trách móc nhưng cũng chan chứa yêu thương. Thằng em chẳng dám cãi chị, nó cụp mắt xuống, lẳng lặng đi làm việc…

Một bữa vào buổi chiều, anh Phiệt đến tìm Lê. Anh Phiệt là học sinh lớp mười, vừa thi đại học xong, nhà ở cùng phố. Có lẽ đây là lần đầu tiên anh vào nhà này. Trông thấy năm sáu chị em lít nhít, anh ngạc nhiên lắm, nghĩ bụng, hệt như vườn trẻ vậy.

Đứng giữa nhà anh vui vẻ hỏi to:

– Trong đây ai là cô Lê nào?

Thường vẫn như vậy. Tuy cùng phố nhưng người lớn chẳng thể nào biết hết bọn trẻ. Còn bọn trẻ thì biết rất rõ người lớn. Chúng có thể kể vanh vách những câu chuyện những thói quen của người ta… Cả mấy đứa trẻ ngước mắt nhìn anh. Anh cao lớn, trắng trẻo, năm nay vừa tròn mười tám tuổi. Trông đôi mắt anh thì biết, rất là vui tính. Ngực áo anh găm cây bút nắp vàng còn tay thì cầm tờ giấy nâu cuộn tròn.

Cái Lê rụt rè hỏi:

– Anh hỏi em có việc gì ạ?

– Lê đây hả? Xem nào! – Anh nhìn cái Lê chằm chằm. Rồi anh vuốt tóc Lê – Lớn lên xinh phải biết! Năm nay em mười hai tuổi phải không?

Được khen đẹp, cái Lê hơi bẽn lẽn.

– Mười hai tuổi rưỡi hạ!

– ừ! Có cái rưỡi mới hay chứ! – Anh chỉ từng đứa, bảo cái Lê giới thiệu. Nghe xong anh cười – có lẽ phải đặt thành văn vần mới nhớ hết được!

Lê định đi pha nước mời anh uống, nhưng anh lắc đầu bảo thôi. Kể cũng may vì nhà chẳng còn tí chè nào.

Anh Phiệt bảo cái Lê:

– Anh được giao cho phụ trách thiếu nhi đường phố sinh hoạt hè. Bây giờ em lập cho anh một danh sách thiếu nhi trong phố ta. Được không?

Việc này thì rất dễ, cái Lê trả lời ngay:

– Được ạ!

Hai anh em, kẻ đọc, người ghi độ  mười phút thì xong. Danh sách có trên hai chục đứa.

– Hôm nay em đi báo cho tất cả các bạn có tên trong danh sách này đến tối mai chúng ta sinh hoạt buổi đầu tiên nhé!

– Báo các bạn đến đâu cơ ạ?

– ừ! Để xem nào… – Anh Phiệt suy nghĩ một lúc – nhà ai cũng chật cả, chả lẽ lại họp giữa đường à?

– Em biết có một chỗ rộng! – Thằng Hoạch lên tiếng – họp rất sướng nhá!

– Chỗ nào? – Anh Phiệt quay sang hỏi thằng Hoạch.

– Nhưng phải cho em sinh hoạt với, em mới chỉ!

Anh Phiệt nhìn bản danh sách, mỉm cười:

– ừ nhỉ! Tại sao chúng mình lại quên một cậu bé như thế này nhỉ? Em tên gì nào?

– Hoạch!

– Cái tên nghe rất “dịu dàng”! Được đấy! – Vừa nói anh Phiệt vừa ghi tên thằng Hoạch vào cuối danh sách.

Chắc chắn là mình được sinh hoạt rồi, thằng Hoạch khoái lắm. Nó đưa ý kiến:

– ở Ngã Ba Bia được không anh?

Nhưng cái Lê không thích họp ở đó. Ai lại họp hành ở giữa bãi cỏ bao giờ ấy! Theo Lê, cuộc họp nào, ngay cả họp thiếu niên sinh hoạt hè cũng vậy, phải có bàn ghế tử tế, có chỗ cho chủ toạ ngồi nữa chứ!…

Nó mong anh Phiệt gạt ý kiến thằng Hoạch đi.

Song anh Phiệt gật đầu:

– Phải rồi! Họp giữa trời như vậy càng mát!

… Buổi trưa ấy Lê sắp xếp lại công việc để có thì giờ đi báo cho các bạn. Phải nói là Lê phấn khởi vô chừng. Chính Lê chứ không phải đứa nào được giao nhiệm vụ đầu tiên. Chỉ thế nó cũng cảm thấy vinh dự, cố làm thật chu đáo… Hơn nữa, việc sinh hoạt hè đã bắt đầu, thế là lại được gần gũi, ca hát với các bạn chẳng khác gì ở trường… Mùa hè năm nay đặc biệt thế đấy, khác hẳn mọi năm. Mọi năm cứ vào cữ này là bọn học sinh tản mát mỗi đứa một nơi. Thực ra nhiều đứa cũng chẳng đi đâu ra khỏi thị xã, song, vì không có tổ chức sinh hoạt nên đứa nào cũng tìm công việc riêng, vui thú riêng. Đứa thì bấn lên về công việc gia đình, đứa thì suốt ngày lang thang ngoài đường, bi đáo, cãi nhau chí choé. Vụ hè xong, đứa nào cũng đen nhẻm, gầy rộc đi, bài vở học năm ngoái quên tiệt cả. Những ngày đầu khai giảng cứ ngơ ngơ ngác ngác, đến những bài toán thật dễ cũng chẳng làm nên hồn…

Cái Lê đi gọi từng nhà.

Nhưng không phải gọi bạn nào cũng dễ. Có nhà, người lớn bảo:

– Ôi dào! Mùa hè là mùa nghỉ ngơi của chúng mày, lại còn vẽ vời ra sinh hoạt sinh hiếc làm gì!

– Nhà trường bảo phải sinh hoạt bác ạ!

Lê muốn giải thích cho những ông bố, bà mẹ ấy hiểu cái lợi của việc sinh hoạt hè, song nó chỉ nói được bằng ấy. Nhưng như thế cũng đủ rồi, bởi cuối cùng, không người lớn nào lại không vui lòng.

Cái Nguyệt đón Lê thật là niềm nở, cô bé chạy ra tận hè dắt bạn vào nhà. Nhà Nguyệt rộng mà vắng vẻ, chỉ có nó, mẹ, người anh là kỹ sư ở ban khoa học và chị dâu cũng là kỹ sư. Trong nhà, mọi đồ dùng đều có vẻ trang trọng, uy nghiêm, từ cái giường, bộ xa lông, đến cái gương đứng, cái đài ti-gôn-đa. Đã vào nhà nhiều lần nhưng lần nào Lê cũng rụt rè như sợ làm đổ vỡ, sứt mẻ cái gì.

Bước vào nhà là thấy ngay ảnh bố cái Nguyệt, phóng rất to, lồng trong khung kính. Đó là một người đàn ông đã luống tuổi, mặt mũi phương phi, lẫm liệt. Ông mặc quân phục nhưng không đính quân hàm và huân chương. Chắc là ông giữ bí mật! (bọn trẻ thường kháo nhau thế). Bên cạnh ảnh ông là những tấm ảnh gia đình, nhỏ hơn. Rồi trên những bức tường còn nhiềù ảnh khác. ảnh cái Nguyệt đứng bên bồn hoa ở công viên Thống Nhất ngoài Hà Nội, thật là đẹp như một cô công chúa! Mắt nó nhìn điệu quá, mà miệng thì lại mỉm cười. Lê đã từng ao ước có một tấm ảnh như thế, nhưng ao ước đến mấy cũng chỉ là ao ước thôi – nó chẳng dám xin tiền bố mẹ để đi chụp ảnh. Vả lại cái Nguyệt có quần áo đẹp, thế nên ảnh mới đẹp được.

Hai vợ chồng người anh đi làm chưa về. Lê lễ phép chào mẹ Nguyệt. Bà là một người hiền hậu, nhưng béo quá. Chắc là bà chẳng ốm bao giờ, cũng chẳng lúc nào mệt mỏi cần đấm lưng nên cái Nguyệt cũng chẳng có niềm vui được chăm sóc mẹ. Song để bù vào đấy, nó lại có nhiều niềm vui khác mà chẳng mấy ai có.

Bà mẹ gật đầu chào Lê. Bà vốn mến tất cả những đứa bạn thân của Nguyệt. Đối với Lê, bà càng mến hơn: “Con bé đảm đang như người lớn vậy!” – bà thường nói thế. Lúc này, vừa xâu từng mũi kim một cách chậm chạp, bà vừa bảo con:

– Nguyệt lấy nước mời bạn đi!

Cái Nguyệt mời Lê ngồi vào ghế. Rồi nó ấn nút điện cái quạt Hoa Sinh quay vù vù, thổi tung cả mái tóc cũn cỡn của Lê.

– Bạn uống nước chanh nhé? – Nguyệt nghiêng đầu hỏi âu yếm.

– Không, tớ chẳng uống nước chanh đâu – Lê trả lời thế, tuy biết lúc này uống nước chanh thì dễ chịu lắm.

Nguyệt lấy bánh quy trong tủ, bỏ đầy đĩa, đẩy lại phía Lê. Nó chẳng nói gì, nhưng đôi mắt nhìn thì lại như nói: “Bạn ăn một chiếc cho tớ vui lòng!” Phải nói là Nguyệt có tài làm vừa lòng những người nó mến. Tất nhiên là nó học được ở mẹ và chị dâu.

– Nguyệt ạ, mời bạn tối mai ra Ngã Ba Bia họp thiếu niên, bắt đầu sinh hoạt hè.

– Mấy giờ cơ?

– Bảy giờ, tối mai!

Cái Nguyệt khẽ lắc đầu:

– Tiếc nhỉ! Chiều nay mình phải ra ga rồi!

Lê chợt nhớ ra cách đây mấy hôm Nguyệt đã nói là nghỉ hè sẽ đi với bố. Thế là Nguyệt đi thật, đến bốn giờ chiều nay là Nguyệt đi rồi.

– Tớ đã xin phép thầy hiệu trưởng và thầy đã đồng ý – Nguyệt nói thêm.

Hôm ấy không những thầy chỉ đồng ý mà còn xoa đầu cái Nguyệt bảo: “Phải đấy! Nếu không có em thì mùa hè này bố em buồn biết mấy. Em đi, rồi bè kể chuyện Hà Nội cho thầy nghe nhé!”.

Nguyệt dẫn Lê vào buồng, giới thiệu cái va-ly con con của nó, đựng những bộ quần áo, đồ dùng mà nó sẽ mang đi. Khi Lê ra về, Nguyệt âu yếm hứa hẹn:

– Tớ sẽ mang quà về cho cậu!

Lê thấy buồn buồn, chơi vơi… Mùa hè này vắng cô bạn rất dịu dàng đồng thời rất bạo dạn trừng trị bọn con trai phá quấy. Vì thế niềm vui kém đi…

Bây giờ thì Lê đi tìm Cổn, đứa cuối cùng, cũng là đứa gần nhà nhất. Trên vỉa hè, cô bé lò cò đi chân sáo. Vừa đi vừa nghĩ khó mà gặp được Cổn đây, cậu ta hay đi chơi linh tinh lắm… Song còn cách hai cây cột đèn nữa mới đến nhà Cổn, Lê đã gặp nó rồi. Mặt Cổn phừng phừng, nhễ nhại mồ hôi, chân không dép, chẳng hiểu cậu ta chui từ đâu ra, hai túi căng phồng. Nét mặt tươi tỉnh, ra vẻ thân thiện. Cổn đi lại gần Lê. Cổn hỏi:

– Bạn đi đâu đấy?

– Lại nhà cậu đây!

– Thế à? Chợt Cổn reo lên – ồ, xe đạp đâm nhau rồi!

Lê nhìn theo tay Cổn chỉ, nơi cuối phố, nhưng chẳng thấy cái xe nào đâm nhau cả. Mọi người vẫn đi lại bình thường.

Bỗng Cổn chộp lấy đầu Lê, xoa tóc Lê rối bù, rồi nó bỏ chạy, cười khấc khấc. Nó làm nhanh quá, Lê không kịp chống cự gì cả. Bấy giờ Lê mới đưa tay lên đầu, thì gớm quá, nó thấy lẫn trong mái tóc, đầy những quả gì đó có gai, bấu rất chặt lấy tóc. Đó là quả ké! Thỉnh thoảng có những đứa con trai vẫn nghịch ác, ném lên đầu bọn con gái những quả này. Muốn gỡ ra được cũng phải rất lâu. Nhiều đứa con gái đã phát khóc lên vì những quả ké này.

Lê ức cũng sắp phát khóc rồi. Nó lần tay gỡ từng quả. Nhưng ké bấu chặt quá, tóc đứt phừn phựt.

Thằng Cổn vẫn chạy giật lùi, nó thè lưỡi ra nhệu nhệu như thằng câm muốn nói.

– Lêu lêu có đứa khóc nhè.

Con trai lắm nước đái

Con gái lắm nước mắt!

Lê bỗng oà lên. Trái tim nó thổn thức, mắt nhoà đi long lanh trong ánh nước…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button