Lịch sử - địa lý

Góc Nhìn Sử Việt: Việt Hoa Bang Giao Sử

Viet Hoa bang giao su - Huyen Quang - Xuan Khoi - Dat Chi1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đang cập nhật

Download sách Góc Nhìn Sử Việt: Việt Hoa Bang Giao Sử ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH LỊCH SỬ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Nước Việt Nam ta, trải qua bốn nghìn năm lịch sử, đã có hàng chục thế kỷ nằm dưới quyền Bắc thuộc, nền văn hóa Trung Hoa đã có một ảnh hưởng sâu xa vào văn hóa nước nhà. Hai dân tộc Việt Hoa đã có một cuộc bang giao truyền thống trải qua mấy ngàn năm lịch sử.

Kể từ thượng cổ thời đại cho đến thời đại cận kim, cuộc bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa lúc nào cũng tỏ ra rất khăng khít. Một khi những cuộc chiến tranh xẩy ra đã tạm yên rồi, người Việt Nam lại phải cố gắng gây tình hòa hiếu với Trung Hoa cho yên mặt bắc. Với một số cư dân quá ít ỏi so với Trung Hoa, người Việt chẳng dại gì lại gây hấn với ông bạn láng giềng to lớn và mạnh mẽ hơn mình gấp trăm lần.

Người Việt đã thần phục Trung Hoa không phải đó là một dấu hiệu hèn kém, vì lịch sử đã hiển nhiên chứng tỏ người Việt Nam lúc nào cũng có óc tự cường, không bao giờ chịu đi làm nô lệ cho người khác. Chứng cớ là trong thời kỳ Bắc thuộc, rất nhiều người Việt đã nổi lên chống lại người Tàu đặng mở ra những triều đại tự chủ mới. Bà Trưng, bà Triệu, Lý Bốn, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền là những nhân vật bằng xương bằng thịt hẳn hoi đã nổi lên chống lại Trung Hoa và sức bành trướng của họ.

Kể từ nhà Ngô trở đi, nước Việt Nam ta mới thực sự hoàn toàn bước vào giai đoạn tự chủ. Nước ta đã thoát hẳn cái ách ngoại xâm và lệ thuộc vào ông bạn to lớn phương Bắc. Tuy vậy, không phải chúng ta đã dứt được hẳn những mối liên quan với Trung Hoa. Như trên chúng tôi đã nói, nền văn hóa Trung Hoa đã có ảnh hưởng sâu xa mật thiết vào văn hóa nước nhà, cho nên các triều đại tự chủ, Việt Nam vẫn phải mở mang cuộc bang giao hòa hiếu với họ.

Bị sáp nhập vào bản đồ Trung Hoa ngót 11 thế kỷ, ta đã noi theo Tàu kể từ tôn giáo, tập quán và học thuật. Sức tiến hóa trong nước hoàn toàn dựa vào sức tiến hóa của ông bạn láng giềng. Đối với Trung Hoa, ta chỉ biết bắt chước họ, chứ ngoài ra không thấy phát biểu được một sáng kiến gì mới, ngoài việc Hàn Thuyên dựng cờ sáng tạo ra chữ Nôm về đời vua Nhân Tông nhà Trần (1279-1284)1.

Về phương diện kinh tế và chính trị, nước Việt Nam ta ở vào tình trạng thua kém, giáp giới phía nam có Chiêm Thành, Ai Lao, văn minh sơ khai, cho nên nước ta chỉ biết nhắm vào Trung Hoa ở phía bắc để làm khuôn mẫu.

Từ khi Triệu Đà lập ra nước Nam Việt, đem văn minh Tàu sang truyền bá ở phương Nam, cho nên từ đó về sau người nước mình đều nhiễm cái văn minh ấy. Học thì toàn dùng Tứ thư, Ngũ kinh và triết lý Khổng, Mạnh. Giấy mực và sách vở cũng mua ở Tàu, hấp thụ nền văn hóa Trung Hoa đến cội rễ, nên các vua ta cũng sợ Trung Hoa tuyệt giao với mình. Ta chỉ sợ nếu sợi dây bang giao đứt, Trung Hoa sẽ không bán sách vở, điền khí và đồ sắt cho ta nữa.

Nước đã nhỏ bé, nên từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, vua Việt Nam phải nhận tước phong của Tàu. Mặc dầu những cuộc xung đột diễn ra, nhưng khi tấn kịch tranh thủ hạ màn, thì Việt Nam lại sang Tàu và vua Việt Nam lại nhận tước phong. Mỗi một lần thắng trận xong, vua Việt Nam muốn giữ tình giao hảo cố hữu ấy lại phải phái Tuế cống sứ sang Tàu. Tấn kịch mâu thuẫn ấy cứ luôn luôn diễn ra, kẻ chiến thắng thường phải cầu hòa và thần phục kẻ chiến bại.

Hơn nữa, chúng ta lại luôn luôn phải vượt núi, qua sông, tiến đánh các nước Chiêm Thành, Ai Lao, Chân Lạp. Nước Việt Nam phải đem hết sức mình ra để áp đảo và mưu cuộc bình trị ở phương Nam, nên ta không thể luôn luôn có một lực lượng hùng hậu để cự với những đạo quân dũng mãnh của Trung Hoa được.

Bởi vậy, chúng ta đã thần phục ông bạn Bắc phương chẳng qua là để tâm chú trọng vào cuộc Nam tiến. Khuất phục kẻ mạnh để xúc tiến tự cường bên trong, đó chẳng qua cũng là mánh khóe ngoại giao của các triều vua nước ta vậy.

Ở đây, chúng tôi không chú ý vạch lại những cuộc chiến tranh đầy gian lao và hiểm nghèo của người dân Việt. Chúng tôi chỉ muốn phác họa lại một cách rõ ràng và tế nhị về những mối bang giao Việt – Hoa kể từ khởi thủy đến thời đại cận kim.

Cái công việc đó là của những nhà học giả uyên thâm, quảng bác, sức học năm xe, nhưng ở đây làm cái việc “đánh trống qua cửa nhà sấm”, chúng tôi chẳng qua mang một thành ý là nêu lên một vấn đề và mong mỏi các bậc cao minh nghiên cứu kỹ càng hơn, ngõ hầu tạo nên một bộ sách đầy đủ và hoàn toàn!

Kẻ viết những trang sử bang giao Hoa – Việt này, lúc nào cũng mang một thành ý là phơi bày sự thực đã ghi trong sử sách. Chúng tôi chỉ muốn nói ra một sự thật của những cây bút vô tư, chứ không bao giờ muốn khơi lại đống tro tàn đã tắt ngấm từ những triều đại trước. Xin đừng ai ngộ nhận những quan điểm của chúng tôi mà kết thù vì những chuyện đã qua, không bao giờ trở lại.

Trên dòng lịch sử, cái hay cũng như cái dở, chúng ta cần phải thẳng thắn nói ra, miễn sao bằng một ngòi bút khách quan là hơn hết, Việt – Hoa bang giao sử chỉ là những tấn kịch đã hạ màn, tuy vậy mối kết giao giữa anh em Hoa – Việt vẫn còn bền bỉ đời đời. Nhắc lại đây, chúng tôi e là một chuyện thừa, dù sao cũng vẫn phải minh biện để khỏi có sự ngộ nhận.

ĐỌC THỬ

Những cuộc bang giao về thượng cổ thời đại

Nước Việt Nam ta lập quốc từ đời Hồng Bàng, họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời. Nhưng xét kỹ từ đời Kinh Dương Vương đến đời Hùng Vương thứ 18, cả thảy có 20 ông vua, trị vì vừa được 2622 năm tính từ Nhâm Tuất (2879) đến Quý Mão (258) trước kỷ nguyên.

Trong thời gian đó, cuộc bang giao của nước Việt ta vẫn còn lờ mờ, vì các sử gia coi đời Hồng Bàng là một chuyện không được xác thực cho lắm.

Căn cứ vào sách vở cũ, sử Tàu có chép rằng năm Tân Mão (1109 trước kỷ nguyên) đời vua Thành Vương nhà Chu, có nước Việt Thường ở phía nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống. Nhà Chu phải sai người thông ngôn mới hiểu được tiếng. Sau đấy, ông Chu Công Đán lại phải chế ra xe chỉ nam để đưa sứ Việt Thường về nước. Duy có một điều là người ta không hiểu đất Việt Thường và đất Giao Chỉ có phải là đất của ông tổ Hùng Vương của chúng ta thời bấy giờ hay không?

Sau đó, Hùng Vương thứ 18 bị Thục Vương Phán đem quân sang đánh lấy mất nước Văn Lang, Hùng Vương thua chạy, nhảy xuống giếng tự tử. Thục Vương chiếm được nước Văn Lang, tự xưng là An Dương Vương, và cải quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô tại Phong Khê.

Trong khi An Dương Vương làm vua ở nước Âu Lạc thì bên Tàu vua Thủy Hoàng nhà Tần đã nhất thống cả thiên hạ. Năm Đinh Hợi (214 trước kỷ nguyên) Thủy Hoàng sai tướng là Đô Thư đem quân đi đánh lấy Bách Việt (vào quãng những tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, và Quảng Tây bây giờ).

An Dương Vương thế yếu nên cũng phải cho sứ giả sang xin thần phục nhà Tần. Bấy giờ, nhà Tần mới chia đất Bách Việt và đất Âu Lạc ra làm 3 quận gọi là: Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bắc Việt bây giờ).

Năm Quý Tỵ (208 trước kỷ nguyên) là năm thứ 50 đời vua An Dương Vương. Triệu Đà, một viên quan úy ở quận Nam Hải sang đánh lấy nước Âu Lạc lập ra nước Nam Việt.

Triệu Đà tự xưng là Vũ vương và đóng đô ở Phiên Ngung, gần thành Quảng Châu bây giờ.

Hồi ấy, bên Tàu, Lưu Bang đã diệt được nhà Tần, nhà Sở, thống nhất thiên hạ rồi, lên ngôi hoàng đế tức là vua Cao Tổ nhà Hán.

Năm Ất Tỵ (196 trước kỷ nguyên), năm thứ 12 đời Vũ vương nhà Triệu, Cao Tổ có sai Lục Giả sang phong cho Vũ vương. Vốn tính kiêu căng, không muốn thuần phục nhà Hán, khi sứ thần Lục Giả sang tới nơi xin vào yết kiến, Vũ vương cứ ngồi xếp vành tròn không chịu đứng dậy tiếp, Lục Giả thấy vậy liền nói:

− Nhà vua là người nước Tàu, mồ mả và thân thích đều ở cả châu Chân Định. Nay nhà Hán đã làm vua thiên hạ, sai sứ sang phong vương cho nhà vua. Nếu nhà vua kháng cự sứ thần, không chịu làm lễ thụ phong, Hán Đế tất phải tức giận, hủy hoại mồ mả và giết hại thân thích của nhà vua rồi đem quân sang đánh thì nhà vua làm thế nào?

Vũ vương nghe thấy những lời bày tỏ của sứ Tàu Lục Giả, hoảng nhiên tỉnh ngộ, vội đứng lên làm lễ và mỉm cười nói:

− Tiếc thay ta không được khởi nghiệp ở nước Tàu, chứ không thì ta cũng chẳng kém gì Hán Đế!

Năm Mậu Ngọ (183 trước kỷ nguyên) vua Cao Tổ nhà Hán băng, bà Lữ Hậu lâm triều, rồi nghe theo những lời gièm pha, cấm không cho người Hán buôn bán những đồ vàng, đồ sắt và đồ điền khí với người Nam Việt. Vũ vương tức giận, liền tự lập thành Nam Việt hoàng đế và cử binh mã sang đánh quận Trường Sa (tỉnh Hồ Nam bây giờ).

Khi Lữ Hậu mất, Hán Văn Đế lên ngôi, lại sai Lục Giả đưa thư sang khuyên Vũ Đế về thần phục nhà Hán. Thư rằng:

Trẫm là con trắc thất vua Cao Đế, phụng mệnh ra trị nước Đại, vì non sông cách trở, thẹn mình phác lậu2, cho nên lâu nay chưa từng đưa thư sang hỏi thăm nhà vua.

Từ khi đức Cao Đế, xa bỏ quần thần, đức Huệ Đế qua đời, bà Cao Hậu ra lâm triều, không may bị bệnh, để cho họ Lữ chuyên quyền, toan đem con họ khác để nối vị đức Huệ Đế. May nhờ nhà Tôn miếu linh thiêng các công thần ra sức dẹp kẻ tiếm nghịch.

Trẫm vì các vương hầu cùng bách quan cố ép, cho nên phải lên ngôi hoàng đế. Mới rồi trẫm nghe nhà vua có đưa thư cho Long Lư Hầu, nhắn tin anh em họ hàng ở quận Châu Định; và xin bãi binh ở quận Trường Sa.

Trẫm cũng nghe lời thư của nhà vua, đã ra lệnh cho Tướng quân Bắc Dương hầu bãi binh về. Còn anh em họ hàng nhà vua ở Châu Định thì trẫm đã cho người thăm nom, lại sai sửa sang phần mộ nhà vua, thật là tử tế.

Thế mà vừa rồi trẫm nghe nhà vua còn đem binh quấy nhiễu ngoài biên; quận Trường Sa thật khổ mà Nam quận lại còn khổ hơn. Làm như thế, nước nhà vua có chắc lợi được một mình không? Tất là tướng tá quân sĩ chết nhiều, làm cho vợ người góa chồng, con người mô côi bố, cha mẹ mất con, được một mất mười, trẫm không lòng nào nỡ làm như vậy.

Vả lại được đất nhà vua cũng không lấy làm to; được của nhà vua cũng không đủ làm giàu. Vậy từ phía nam núi Lĩnh thì mặc ý nhà vua tự trị lấy. Nhưng nhà vua cứ xưng đế hiệu, hai bên cùng là đế quốc, mà không sai sứ giao thông, thế chẳng hóa ra ganh nhau ư? Ganh nhau mà không nhường, thì người nhân không thèm làm.

Trẫm nay xin cùng nhà vua gác bỏ điều cũ, từ nay trở đi, thông sứ như xưa. Vậy trẫm sai Lục Giả sang đem ý trẫm khuyên nhà vua nên nghe, chớ làm chi nhiều sự cướp bóc tai hại.

Lời lẽ trong bức thư của Hán Văn Đế thực là nhân từ và tử tế. Cuộc bang giao hòa hảo này do sứ giả nhà Hán đem thư sang đã khiến cho cõi lòng ông vua hiếu chiến nước ta phải cảm phục. Triệu Vũ Đế liền phúc đáp bằng một bức thư khác, lời lẽ như sau:

Man di3 đại trưởng lão phu thần, Đà, muội tử tái bái, dâng thư lên hoàng đế bệ hạ, lão phu là kẻ cô lại nước Việt; khi Hiếu Huệ hoàng đế lên ngôi, tình nghĩa không dứt, vẫn hậu đãi lão phu. Đến khi Cao Hậu lâm triều, lại phân biệt ra Trung Hoa ngoại di; hạ lệnh cấm không được bán cho Nam Việt những đồ vàng sắt và điền khí; còn ngựa, trâu, dê thì chỉ bán cho giống đực, chứ không bán cho giống cái.

Lão phu ở phương xa mà không có vật cúng tế thì phải tội, vì thế có sai Nội sử Phan, Trung úy Cao và Ngự sử Bình, ba lượt dâng thư sang Thượng quốc tạ quá, đều không trở về cả.

Lão phu lại phong văn4 rằng nhà Hán đem hủy hoại cả phần mộ lão phu cùng giết cả anh em tôn tộc lão phu, cho nên có bàn riêng với chúng rằng nay trong đã không còn vẻ vang với nhà Hán, ngoài lại không có gì hơn được nước Ngô, vậy có xưng đế hiệu; mà chẳng qua cũng chỉ là tự đế ở nước mình mà không dám hại gì đến thiên hạ.

Cao Hậu nghe thấy thế, lấy làm tức giận, đem tước bỏ sổ Nam Việt đi, không cho thông sứ, lão phu trộm nghĩ rằng hẳn vì Trường Sa vương gièm pha cho nên lão phu có đem binh đánh.

Lão phu ở nước Việt đã bốn mươi chín năm nay, bây giờ đã có cháu rồi, nhưng vẫn sớm khuya trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên mắt không dám trông sắc đẹp, tai không dám nghe đàn vui, chỉ vì không được phụng thờ nhà Hán. Nay nhờ bệ hạ đoái thương, cho lại hiệu cũ, thông sứ như xưa, lão phu nhờ ơn, dẫu có chết xuống cũng không nát.

Vậy xin cải hiệu từ đây và xin có cống phẩm phụng hiến hoàng đế bệ hạ.

Cùng với thư phúc đáp này, Triệu Vũ vương lại sai sứ sang cống nhà Hán: một đôi ngọc trắng, 10 bộ sừng tê giác, 500 con đồi mồi, 1.000 con chim trả, một đôi khổng tước, một hộp quế đố (cà cuống).

Từ khi Triệu Vũ vương chịu bỏ đế hiệu, Nam Bắc lại mở cuộc bang giao hòa hiếu, không có điều gì xích mích nữa.

Triệu Vũ Vương làm vua được hơn 70 năm, sau truyền ngôi cho cháu đích tôn tên là Hồ lên làm vua, tức là Triệu Văn vương, tính tình nhu nhược không được kiên quyết như Vũ vương. Thời vua Văn vương trị vì, vua nhà Hán sai người Trang Trợ sang dụ Văn vương vào chầu, nhưng đình thần xin đừng đi, nên nhà vua cho thái tử Anh Tề đi thay, mãi đến khi Văn vương mất mới về nối ngôi, tức là Triệu Minh vương.

Hồi ở bên Hán, Anh Tề có lấy người vợ lẽ là Cù Thị, và đẻ được một người con tên là Hưng. Khi về Việt Nam làm vua, Cù thị5 được sắc phong làm hoàng hậu và Hưng làm thái tử.

Triệu Minh vương mất, thái tử Hưng lên nối ngôi, lấy hiệu là Triệu Ai vương.

Vua Hán, hồi ấy lại sai An quốc Thiếu Quý sang dụ vua Nam Việt vào chầu. Sứ giả Thiếu Quý trước là tình nhân của Cù Thị, nên khi sang Nam Việt thông sứ, lại tư thông với Cù Thị và dỗ dành Ai vương đem nước Nam Việt dâng về nhà Hán.

Quan Tể tướng Lữ Gia biết rõ ý định của Cù Thị và Ai vương, can ngăn mãi nhưng không được, liền hợp với mấy vị đại thần, đem quân cấm binh vào giết sứ nhà Hán, Cù thị và Ai vương.

Việc này đến tai vua nhà Hán, Vũ đế liền sai Phục Ba Tướng quân Lộ Bác Đức và Dương Bộc sang đánh Nam Việt. Cuộc bang giao hòa hảo không còn nữa, quan Thái phó Lữ Gia đem quân chống lại không nổi, phải đem Triệu Dương vương chạy, quân Hán đuổi theo bắt được, vua tôi đều bị hại cả.

Nước Nam Việt mất quyền tự chủ và bị người Tàu chiếm lấy cải là Giao Chỉ bộ, và chia làm 9 quận, đặt quan cai trị như các châu quận bên Tàu.

Cuộc bang giao Việt ‒ Hoa đã chấm dứt bằng những nét khá bi thảm trên những trang sử Việt.

Nước Nam Việt đã mất quyền tự chủ và sa vào một thời đại Bắc thuộc trong ngót một ngàn năm.

Mối bang giao Việt Hoa trong thời đại tự chủ

Trải qua một thời kỳ hơn ngàn năm Bắc thuộc, cuộc bang giao bình đẳng giữa hai nước không còn nữa. Tuy vậy, trong thời kỳ lệ thuộc này, một người Việt Nam đầu tiên được thụ tước phong của Bắc Triều là Khúc Thừa Dụ, quán tại làng Hồng Châu (Bình Giang và Ninh Giang, Hải Dương). Khúc Thừa Dụ được vua Đường Chiêu Tuyên phong cho làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ (năm Bính Dần, 906) để cai trị Giao Châu, sau lại gia phong làm Đồng bình chương sự.

Kế nghiệp họ Khúc (906-923) đến đời nhà Ngô (937-965); lúc ấy nước Tàu đang hồi loạn lạc, nên cuộc thông sứ không có, vì các vua Tàu không rảnh tâm nghĩ đến miền Nam.

Ngô Vương Quyền đã khởi thủy đặt móng xây nền cho thời đại tự chủ của nước ta. Lâu đài tự chủ này lại càng thêm vững bền khi Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn Thập nhị sứ quân.

Năm Mậu Thìn (968), Vạn Thắng vương lên ngôi hoàng đế, tức là Tiên Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.

Cuộc bang giao giữa Trung Hoa và Việt Nam chính thức khởi từ triều đại này. Năm Canh Ngọ (970), Tiên Hoàng đặt niên hiệu là Thái Bình nguyên niên và đặt ra năm ngôi hoàng hậu. Nguyễn Bặc được phong Định Quốc công, Lê Hoàn làm Thập đạo Tướng quân và con là Đinh Liễn được phong làm Nam Việt vương.

Hồi này, bên Tàu ông Triệu Khuông Dẫn6 lên nối nghiệp nhà Hậu Chu tức là vua Thái Tổ nhà Tống. Năm Canh Ngọ (970), Tống Triều sai tướng là Phan Mỹ sang đánh lấy Nam Hán. Vua Tiên Hoàng sợ quân nhà Tống sang đánh, bèn sai sứ sang thông hiếu với Tống triều.

Năm Nhâm Thân (972), Tiên Hoàng lại sai Việt Nam vương là Liễn đem lễ vật sang cống nhà Tống. Năm Quý Dậu (973) Tống Thái Tổ liền sai sứ sang phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận vương và Nam Việt vương Đinh Liễn Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ. Sang năm Bính Tý (975) Đinh Liễn lại được gia phong làm Giao Chỉ Quận vương. Từ đó, nước ta cứ giữ lễ triều cống nước Tàu.

Nhưng một khi vua Đinh Tiên Hoàng băng, tự quân còn nhỏ dại lên kế nghiệp. Tống triều thừa dịp ấy muốn sang lấy nước ta, mới hội đại binh ở gần biên giới. Trước bức tối hậu thư quỷ quyệt của vua Thái Tông nhà Tống, Thập đạo Tướng quân là Lê Hoàn đã nhún mình lấy lời Vệ vương Đinh Tuệ xin phong, để làm chước hoãn binh. Thư rằng:

… Đời đời nhờ lệnh Thiên triều bao tưởng, nước thì mếch về góc biển, được lĩnh chức Tiết chế ở nơi mọi rợ, thường lo liệu việc tuế cống, không may nhà thần phúc bạc, gặp khi đức tiên thế tử lộc thì ngọc lụa vội dâng, dám mong được phần trợ tế, nhưng tuy là thổ địa kế truyền, chưa được lĩnh chức thụ phiên. Cha thần là Bộ Lĩnh, anh là Liễn, đều đội ơn Thiên triều, được dự phần khôn ký7, giữ gìn cương vực, dám đâu có lòng phản bội. Cái công lao mồ hôi ngựa chưa có gì mà cái tin buồn mù buổi sáng thoắt đến. Nhà thần sắp tan, có tang chưa đoạn thì các quận nội quân dân, quan tướng, các bô lão phiên trấn đều đến trước gối đất đệm cỏ, xin thần tạm nắm quyền việc quân lữ, thần đã ba bốn lần chối từ, họ cứ nằng nặc cố xin. Toan đợi tâu lại với bệ hạ, nhưng lo rằng nếu để chậm thì cái thói ác độc của mường mọi, dân giảo quyệt trong núi động, không theo cho vừa lòng nó sợ sinh biến chăng. Cho nên thần chỉn8 đã nhiếp9chức Tiết độ hành quân Tư mã, quyền lĩnh các việc trong châu, cúi trông xin được chân mệnh, để cho đủ chức với biệt phiên, yên ủy tấm lòng tận trung của thần và tỏ cái lễ diên thưởng của Thiên triều, đặng thần đủ sức kế nghiệp của cha ông và vỗ về mọi rợ nơi biên viễn. Ở cõi đồng trụ may chỉ đủ sức hãn10ngự mà dưới cửa khuyết được mãi mãi tỏ tấm lòng thành dâng cống, xin bệ hạ cúi xét tình đầu11, không nỡ làm tội.

Thư này đưa sang nhà Tống sau khi Lê Hoàn nhờ bọn Phạm Cự Lạng12 suy tôn lên làm vua rồi. Tuy vậy, trong thư vẫn nói dối là lời của Đinh Tuệ (đã bị truất xuống làm Vệ vương) xin phong có ý để nhà Tống hoãn binh lại.

Vua Tống không nghe, sai sứ sang trách Đại Hành rằng sao lại được xưng đế, và lại nói:

− Nhà Đinh truyền tập đã ba đời rồi, vậy cho Đinh Tuệ làm thống soái, Lê Hoàn làm phó. Nhược bằng Đinh Tuệ còn trẻ tuổi không làm được thì Lê Hoàn phải bắt mẹ con Đinh Tuệ sang chầu Bắc triều, rồi sẽ phong quan tước cho Lê Hoàn.

Vua Đại Hành biết mưu nhà Tống, không chịu vâng lời, liền sửa sang mọi cách phòng bị. Tháng ba năm Tân Tỵ (981), Lê Hoàn phá tan quân Tống ở Chi Lăng (Ôn Châu, Lạng Sơn) và chém được tướng Tống là Hầu Nhân Bảo.

Quân ta tuy thắng trận nhưng vua Đại Hành sợ thế lực không chống với Tàu được lâu, bèn thi hành một chính sách ngoại giao khôn khéo. Năm 982, nhà vua sai sứ sang nhà Tống thông hiếu và báo tin về việc đánh thắng được Chiêm Thành.

Năm Thiên Phúc thứ 5 (985), sứ Tàu lại sang và khi về vua Đại Hành cho đưa rùa vàng và ngà voi sang biếu, để xin lĩnh tiết trấn. Tháng mười năm sau, Tống triều sai chức Tả cổ khuyết là Lý Nhược13 và Hữu cổ khuyết Quốc tử giám bác sĩ là Lý Giác đem chế sách sang phong cho Lê Hoàn làm “Kim tử Quang lộc Đại phu kiêm hiệu Thái úy An Nam đô hộ Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ, Kính triệu quân, Khai quốc hầu”.

Trong bài chế sách này, có những câu: “Sĩ Nhiếp là người thông minh, khai hóa cho dân tộc đất Việt được yên ổn, Triệu Úy Đà là người kính thuận, tuân theo chiếu chỉ của nhà Hán mà không trái, vỗ về dân di lạc để tỏ đức hóa của Trung triều.”

Lê Hoàn nhận tờ chế sách đó một cách rất kính cẩn và tiếp đãi sứ giả rất hậu, lại sai đem giả14 hai tướng của nhà Tống bắt được năm trước là bọn Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân. Cùng năm ấy, Lê Hoàn lại sai sứ giả Ngô Quốc Ân đem đồ cống sang Tàu, nhân tiện tâu về việc người Chiêm Thành là Bồ La Át đem họ hàng hơn 100 người sang xin nội phụ.

Năm Thiên Phúc thứ 7 (987), Tống Thái Tông phái Lý Giác sang sứ Việt Nam. Vua Đại Hành liền sai Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (tục gọi sư Thuận) cải trang giả làm lái đò ra đón ở chùa Sách Giang. Sứ giả Lý Giác vốn là một nhà thơ, thấy trên sông từng đôi chim thiên nga tung tăng bơi lội, bất giác nổi thi hứng, tức khẩu hai câu thơ:

Nga nga lưỡng nga nga,

Ngưỡng diện hà thiên nhai.

Thiền sư Đỗ Pháp Thuận ứng khẩu nối tiếp hai câu:

Bạch mao phô lục thủy,

Hồng trạo bài thanh ba.

……

Phải chăng đó là một mánh khóe tự kiêu trong cách giao thiệp của một người đã từng chiến thắng về quân sự để nêu thanh danh cho Tổ quốc.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button