Kinh điển

Lũ Trẻ Đường Ray

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Edith Nesbit

Download sách Lũ Trẻ Đường Ray ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH ĐIỂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

GIỚI THIỆU

Một tối, cha đi khỏi nhà cùng hai ngườỉ đàn ông lạ mặt và không trở về. Mẹ lẳng lặng gói ghém đồ đạc đưa lũ trẻ về sống tại Ba Ống Khói, ngôi nhà nằm bên một nhà ga tưởng tượng ở miền quê Yorkshire. Từ ngày về đây, đường tàu đã trở thành trung tâm cuộc sống ba chị em Bobbie, cuốn chúng vào những chuyến phiêu lưu mạo hiểm nhưng vô cùng kỳ thú: Cứu cả đoàn tàu thoát khỏi tai nạn trong trận lở đất, giúp ông người Nga tha hương tìm gia đình, cứu em bé nhà “ông sà lan” thoát khỏi đám cháy… Nhưng đằng sau những chiến tích rực rỡ vẫn là một nỗi buồn thầm lặng khôn nguôi. Bởi vì, bao giờ cha sẽ về ?

Câu chuyện về ba đứa trẻ nghèo sống bên dường tàu đã cuốn độc giả vào một thế giới tinh nghịch, trong trẻo mà đầy cảm động, một xâu chuỗi khéo léo những tình tiết tưởng như rời xa nhau nhưng hóa ra lại đồng quy ở kết thúc đầy bất ngờ nơi cuối truyện.

Đến từ nuớc Anh và sau hơn một thế kỷ ra mắt, Lũ trẻ đường tàu của Edith Nesblt vẫn luôn là một tượng đài tác phẩm thiếu nhi kinh điển không thể bỏ qua, một viên ngọc còn lại mãi trong ký úc nhiều thế hệ độc giả trẻ thế giới.

Dành tặng con trai yêu quý của tôi PAUL BLAND, kiến thức của con về ĐƯỜNG TÀU là chỗ dựa đáng tin cậy cho hiểu biết đầy thiếu hụt của tôi.

ĐỌC THỬ

Mọi chuyện bắt đầu

Chúng vốn không phải là trẻ con đường tàu. Tôi không cho là chúng từng suy nghĩ về đường tàu, có chăng thì chúng coi đó chỉ là phương tiện để tới sân khấu ảo thuật Maskelyne và Cooke, đi xem kịch câm, tới vườn bách thú và bảo tàng tượng sáp Madame Tussaud. Chúng là những đứa trẻ ngoại ô bình thường, sống cùng cha mẹ trong một biệt thự bình thường có mặt trước xây bằng gạch đỏ, cửa chính lắp kính màu, tiền sảnh lát đá hoa, một phòng tắm có nước nóng lạnh, chuông điện, cửa sổ lớn, tường sơn trắng, và “mọi tiện nghi hiện đại”, như đám môi giới nhà đất thường nói.

Có ba đứa trẻ. Roberta là chị cả. Tất nhiên là mẹ thì không bao giờ phân biệt các con nhưng nếu có đứa nào mẹ chúng yêu nhất thì đó là Roberta. Giữa là Peter, nó mơ ước lớn lên sẽ làm nghề lái tàu; và em út là Phyllis, con bé luôn muốn mình có sức khỏe đáng nể.

Mẹ chúng không có thói quen cả ngày gọi cho mấy bà rỗi việc nói mấy chuyện tầm phào cũng không quen ngồi nhà ôm điện thoại chờ mấy bà kia gọi lại. Hầu như lúc nào bà cũng có mặt để chơi với các con, đọc cho chúng nghe, giúp chúng làm bài tập. Ngoài ra, bà cũng hay viết truyện cho các con khi chúng ở trường rồi đọc cho chúng nghe sau bữa trà. Bà bao giờ cũng sáng tác những bài thơ ngộ nghĩnh vào dịp sinh nhật bọn trẻ và những dịp long trọng khác, như là lễ rửa tội cho lũ mèo con, trang hoàng lại ngôi nhà búp bê, hay khi bọn trẻ bị quai bị.

Ba đứa trẻ may mắn này luôn có mọi thứ chúng cần: quần áo đẹp, lò sưởi ấm áp, một phòng trẻ con đầy đồ chơi với giấy dán tường có hình Ngỗng Mẹ. Chúng có một cô bảo mẫu tốt bụng và vui vẻ, một con chó của riêng chúng tên là James. Chúng còn có một người cha hoàn hảo – ông chẳng bao giờ giận dữ, chẳng bao giờ thiên vị và luôn sẵn sàng cho một trò chơi – ít nhất thì khi nào không thể ông luôn có lý do tuyệt vời, giải thích cho bọn trẻ một cách thú vị và buồn cười đến nỗi chúng tin chắc ngay là ông không thể.

Các bạn sẽ nghĩ rằng chúng hẳn là đã rất hạnh phúc. Và đúng là như vậy. Nhưng chúng không biết chúng hạnh phúc nhường nào cho đến khi cuộc sống vui tươi trong ngôi Biệt thự Đỏ trôi qua và kết thúc. Và chúng phải sống một cuộc đời hoàn toàn khác.

Sự thay đổi khủng khiếp xảy ra hết sức bất ngờ.

Vào lần sinh nhật thứ mười của Peter. Trong số các món quà nó nhận được có một cái xe lửa tinh xảo hơn bất cứ thứ gì nó có thể mơ ước. Những món quà khác cũng rất đẹp nhưng cái xe lửa đẹp hơn tất cả.

Vẻ đẹp hoàn hảo của nó tồn tại được đúng ba ngày. Sau đó, hoặc là do lỗi của Peter, hoặc Phyllis đã hơi mạnh tay hay vì nguyên nhân nào đó, chiếc xe bỗng vỡ bung ra với một tiếng nổ mạnh đến nỗi con James lao vụt ra ngoài và biến mất cả ngày. Toàn bộ cư dân muông thú trên con thuyền Nô-ê  cạnh đó đều vỡ tan từng mảnh. Ngoài ra không có gì khác bị tổn thương trừ cái xe lửa tội nghiệp và cảm xúc của Peter. Mọi người trong nhà bảo nó đã khóc. Nhưng tất nhiên là những cậu bé lên mười rồi thì không dễ khóc, dù thảm họa có nặng nề đến mức phủ bóng đen lên đời các cậu đi chăng nữa. Peter nói rằng mắt nó đỏ vì nó bị cảm lạnh. Điều này hóa ra lại đúng, mặc dù khi nói thế Peter không hề biết. Ngày hôm sau nó không được ra khỏi giường mà phải nằm yên đó. Mẹ đã bắt đầu sợ rằng nó có thể mắc bệnh sởi thì bỗng nhiên nó ngồi dậy nói, “Con ghét cháo trắng, con ghét nước đại mạch, con ghét bánh mì và sữa. Con muốn dậy ăn cái gì đó hẳn hoi.”

“Thế con muốn ăn gì  ?” mẹ hỏi.

“Bánh nướng nhân thịt bồ câu ạ,” Peter háo hức nói, “một cái bánh nướng bồ câu to. Thật to vào.”

Mẹ liền bảo đầu bếp làm một cái bánh bồ câu to. Thế là có ngay cái bánh. Bánh làm xong liền được cho vào lò nướng. Khi bánh chín, Peter ăn một ít. Ăn xong, bệnh của nó khá hơn. Mẹ đã sáng tác một bài thơ để nó vui trong khi chờ bánh chín. Mở đầu bài thơ cho biết cậu bé Peter can đảm không may thế nào. Tiếp theo là:

Cậu có chiếc xe lửa quý

Yêu xe với trọn lòng thành,

Giá trời cho đây điều ước

Ước gì xe lại nguyên lành.

Rồi một hôm kia, bạn ạ

Ôi trời tệ hại xiết bao

Bỗng chốc thằng đinh vít ốm

Cả nồi hơi vỡ đánh ào  !

Não lòng cúi nhặt xe lên

Cậu chạy ù ngay tới mẹ,

Dẫu lòng chẳng dám tin rằng

Xe lại hồi sinh nhờ mẹ.

Hành khách không may tử nạn

Cậu chẳng hề chút bận tâm,

Xe, xe là tất cả

Hơn hàng đoàn lũ cư dân.

Thế là giờ đây bạn biết Peter ngã bệnh vì sao

Bánh rồi sẽ an ủi cậu

Nỗi buồn rồi sẽ qua mau.

Quấn mình chăn ấm nệm êm

Nằm ườn chả dậy đúng giờ,

Lòng đã quyết bằng cách đó

Quên đi nỗi buồn trong mơ.

Còn nếu mắt cậu hoe đỏ,

Ấy là do cậu cảm thôi.

Bánh bồ câu thơm điếc mũi,

Cậu đâu cần đợi được mời.

Cha ở vùng nông thôn ba bốn ngày vừa mới về. Niềm hy vọng sửa được chiếc xe giờ đây dồn cả vào ông. Cha có những ngón tay cực khéo léo. Ông có thể sửa bất cứ thứ gì. Ông từng là bác sĩ thú y cho con ngựa gỗ bập bênh. Có lần ông đã cứu nó khi mọi giúp đỡ dường như vô vọng. Con vật khốn khổ đã bị coi như đồ bỏ đi rồi, thậm chí ông thợ mộc còn nói là không thể làm gì hơn. Cũng chính cha đã chữa cái nôi của búp bê khi không ai chữa được. Và chỉ cần ít keo, vài mẩu gỗ, một con dao nhíp là ông có thể giữ cho toàn bộ cư dân của con thuyền Nô-ê gắn chặt vào trục như trước, nếu không nói là chặt hơn.

Peter vốn biết nghĩ cho người khác nên đã không hề để lộ chút gì về chiếc xe lửa của mình mà đợi cho đến khi cha ăn xong bữa tối và hút điếu xì gà kết thúc bữa ăn. Nghĩ cho người khác là ý tưởng của mẹ, nhưng Peter là người thực hiện. Ngoài ra, làm thế còn phải rất kiên nhẫn nữa.

Cuối cùng mẹ nói với cha, “Anh à, giờ anh đã nghỉ ngơi và thấy thoải mái rồi thì mẹ con em muốn kể cho anh nghe một tai nạn xe lửa nghiêm trọng và xin anh lời khuyên.”

“Được rồi,” cha nói, “bắt đầu đi nào !”

Peter kể lại câu chuyện và bày ra những gì còn lại của con tàu.

“Hừm,” cha nói sau khi đã xem xét kỹ lưỡng.

Bọn trẻ nín thở chờ đợi.

“Có hy vọng không cha  ?” Peter ấp ứng hỏi nhỏ.

“Hy vọng à ? Nhiều ra phết  ! Hàng tấn hy vọng,” cha nói vui, “nhưng còn cần vài thứ ngoài hy vọng – một miếng đồng, ừ, hoặc hợp kim hàn vá một cái van mới. Có lẽ nên để việc này lại tới lúc nào thích hợp hơn. Nói cách khác là cha sẽ dành cả chiều thứ Bảy để sửa con tàu và tất cả các con sẽ phải giúp cha đấy.”

“Con gái có thể giúp chữa tàu không ạ  ?” Peter hỏi đầy nghi ngờ.

“Tất nhiên là có rồi. Con gái cũng thông minh như con trai, con đừng quên chứ  ! Con có muốn trở thành người lái tàu hỏa không, Phil  ?”

“Mặt con lúc nào cũng sẽ bị nhọ, đúng không ạ  ?” Phyllis hỏi, vẻ thiếu nhiệt tình, “mà con sợ sẽ làm hỏng một cái gì đó mất.”

“Con rất thích việc ấy,” Roberta nói. “Cha có nghĩ là lớn lên con có thể lái tàu không  ? Hay thậm chí làm người giữ lửa cũng được  ?”

“Con muốn nói là người đốt lò chứ gì,” cha vừa nói vừa kéo và vặn cái xe lửa. “Ồ, nếu lớn lên con vẫn muốn làm việc đó, chúng ta sẽ nghĩ cách giúp con thành một cô đốt lò. Cha nhớ hồi cha còn nhỏ…”

Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa.

“Ai chứ  !” cha nói. “Nhà của một người Anh là pháo đài của anh ta, tất nhiên, nhưng cha ước gì họ xây những biệt thự liền vách có hào bao quanh và cầu rút.”

Ruth – cô giúp việc phòng khách có mái tóc đỏ – bước vào nói rằng có hai ông muốn gặp ông chủ.

“Thưa ông, tôi đã đưa họ vào thư viện,” chị ta nói.

“Mong rằng chỉ là việc đăng ký mua quà lưu niệm cho cha xứ,” mẹ nói; “không thì là quỹ nghỉ hè cho dàn đồng ca. Tiễn họ về nhanh đi anh à. Cũng hết buổi tối rồi và đã gần đến giờ cho các con đi ngủ.”

Nhưng có vẻ cha không thể tiễn họ nhanh được.

“Con ước gì chúng ta có một con hào và cầu rút  ?”, Roberta nói; “lúc đó, nếu không muốn có người đến, chúng ta có thể kéo cầu lên và chẳng ai vào được. Con sợ cha sẽ quên chuyện hồi cha còn bé nếu họ ngồi lâu quá.”

Mẹ cố gắng lấp chỗ trống bằng cách kể cho chúng một truyện cổ tích mới về nàng công chúa có đôi mắt màu xanh lá cây nhưng khó quá, vì chúng có thể nghe được giọng của cha và những người kia từ thư viện vọng ra. Giọng của cha vang to hơn và khác cái lối ông thường nói với những người đến nhà mình về chuyện quà lưu niệm hay quỹ nghỉ hè.

Rồi chuông thư viện rung và mọi người thở phào.

“Họ sắp về rồi,” Phyllis nói; “cha nhấn chuông để tiễn họ về đấy.”

Nhưng thay vì tiễn ai đó về, Ruth lại xuất hiện và chị ta trông khá kỳ cục, bọn trẻ nghĩ vậy.

“Thưa bà, ông chủ muốn bà vào ngay phòng đọc. Ông trông như người chết, thưa bà. Tôi cho là ông có tin xấu. Bà nên chuẩn bị đón tin xấu nhất, thưa bà… có thể là ai đó trong gia đình vừa qua đời hay ngân hàng phá sản hay..

“Được rồi, Ruth,” mẹ nói nhẹ nhàng, “chị có thể đi.”

Sau đó mẹ vào thư viện. Có tiếng nói chuyện. Rồi chuông lại rung, và Ruth đi gọi xe. Bọn trẻ nghe thấy tiếng giày bước ra, xuống thềm. Xe chuyển bánh và cửa trước đóng lại. Mẹ bước vào. Khuôn mặt thân yêu của mẹ trắng bệch như cổ áo đăng ten, mắt mẹ to và sáng khác thường, miệng mẹ khép chặt trông như một đường đỏ nhợt – đôi môi mẹ mỏng hơn, trông không còn là môi nữa.

“Đến giờ ngủ rồi,” mẹ nói. “Ruth sẽ cho các con đi ngủ”.

“Nhưng mẹ đã hứa là chúng ta sẽ ngủ muộn vì hôm nay cha về mà,” Phyllis nói.

“Cha được gọi đi có việc,” mẹ nói. “Đi, các con yêu, ngay lập tức.”

Bọn trẻ hôn mẹ rồi bước ra. Roberta nấn ná ôm mẹ thật chặt và thầm thì.

“Không phải tin xấu, đúng không mẹ  ? Là ai đó chết… hay…”

“Không ai chết cả, không,” mẹ nói, bà gần như đẩy Roberta ra. “Mẹ không thể kể cho con nghe điều gì tối nay, con yêu. Đi, con, đi ngay.”

Nên Roberta đi.

Ruth chải tóc cho hai đứa con gái và giúp chúng thay quần áo. (Thường mẹ vẫn tự mình làm việc này.) Khi Ruth tắt đèn đi ra thì thấy Peter, vẫn mặc nguyên quần áo trong ngày, đợi ở cầu thang.

“Em hỏi cái đã, Ruth, có chuyện gì vậy  ?” thằng bé hỏi.

“Đừng hỏi gì kẻo tôi phải nói dối,” Ruth tóc đỏ trả lời. “Cậu sẽ sớm biết thôi.”

Khuya hôm ấy mẹ vào phòng hôn ba đứa con đang say ngủ. Roberta là đứa duy nhất tỉnh giấc nhưng nó nằm yên như khúc gỗ, không nói gì.

“Nếu mẹ không muốn cho bọn mình biết là mẹ khóc, bọn mình sẽ không biết,” nó tự nhủ khi nghe trong bóng tối hơi thở của mẹ. “Sẽ như vậy.”

Khi bọn trẻ xuống ăn sáng sớm hôm sau, mẹ đã đi rồi.

“Đi Luân Đôn”, Ruth nói, và để chúng ngồi ăn sáng.

“Có gì đó tồi tệ xảy ra rồi” Peter nói lúc đập trứng. “Tối qua Ruth bảo em sẽ sớm biết thôi.”

“Em hỏi chị ta chắc  ?” Roberta nói, vẻ khinh thường.

“Chứ còn gì  !” Peter giận dữ đáp. “Chị có thể đi ngủ mà không quan tâm mẹ có lo lắng hay không. Nhưng em thì không thể. Thế đấy  !”

“Chị không nghĩ ta nên yêu cầu người khác làm điều mà mẹ không bảo ta”, Roberta nói.

“Đúng thế, thưa quý cô ngoan ngoãn,” Peter nói, “không phải thuyết giáo.”

“Em không phải là quý cô ngoan ngoãn”, Phyllis nói, “nhưng em nghĩ lần này Bobbie đúng.”

“Tất nhiên, chị ấy lúc nào chả đúng. Theo ý chị ấy,” Peter nói.

“Ồ, không”, Roberta kêu lên, đặt thìa xuống.

“Đừng hục hặc với nhau nữa. Chị chắc là có một tai họa khủng khiếp đang xảy ra. Bọn mình đừng làm nó tồi tệ hơn nữa đi  !”

“Thế ai khơi mào trước chứ  ?” Peter hỏi.

Roberta cố kềm chế, trả lời, “Chị, chị cho là thế, nhưng…”

“Vậy thì xong,” Peter đắc thắng tuyên bố.

Tuy nhiên, trước khi đi học nó đấm nhẹ vào giữa hai vai chị và bảo chị vui lên.

Bọn trẻ về nhà vào giờ ăn lúc một giờ, nhưng mẹ vẫn chưa về. Đến giờ uống trà cũng vậy.

Phải đến gần bảy giờ mẹ mới về. Trông mẹ mệt mỏi đến nỗi bọn trẻ cảm thấy không thể hỏi bà bất kỳ câu nào. Bà chìm vào trong ghế bành. Phyllis gỡ những cái cặp ghim dài ra khỏi mũ mẹ trong khi Roberta cởi găng tay và Peter tháo đôi giày đi bộ rồi lồng đôi dép nhung mềm đi trong nhà vào chân mẹ.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button