Kinh điển

Đắc Nhân Tâm

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Dale Carnegie

Download sách Đắc Nhân Tâm ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên di động, smartphone, desktop.

Danh mục : SÁCH KINH ĐIỂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

“ĐẮC NHÂN TÂM” RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?

Trong 35 năm đầu thế kỷ hai mươi, các nhà xuất bản ở Mỹ đã in trên 200.000 đầu sách khác nhau. Hầu hết chúng đều nhàm chán và thất bại về doanh thu. Giám đốc một trong những nhà xuất bản lớn nhất trên thế giới cho tôi biết rằng dù nhà xuất bản của ông đã có bảy mươi lăm năm kinh nghiệm song vẫn thất bại 7 trên 8 đầu sách đã in trong năm.

Như vậy, tại sao tôi vẫn quyết tâm viết cuốn sách này và sau khi hoàn tất, tôi còn tâm đắc đọc đi đọc lại rất nhiều lần?

Từ năm 1912, tôi giảng dạy nghệ thuật kinh doanh ở New York. Ban đầu, với kinh nghiệm thực tế, tôi dạy học viên cách diễn thuyết trước công chúng. Sau đó, tôi nhận thấy các học viên cần được hướng dẫn cách diễn đạt hiệu quả, đặc biệt là nghệ thuật ứng xử với con người, trong kinh doanh cũng như giao tiếp xã hội hàng ngày. Tôi nghĩ rằng, chính bản thân tôi cũng cần tự nhìn lại mình. Suy nghiệm về thời gian đã qua, tôi tự nhận thấy bản thân đã có rất nhiều lần xử sự thiếu tế nhị. Nếu cách đây 20 năm mà được đọc một quyển sách dạy cách ứng xử tốt thì có lẽ tôi đã khác đi rất nhiều.

Cư xử sao cho đẹp lòng người nhưng không thiệt phần mình là cả một nghệ thuật. Điều đó đòi hỏi sự nhạy cảm, tinh tế trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là trong quan hệ kinh doanh. Điều này đúng với tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội.

Theo một nghiên cứu được tiến hành dưới sự bảo trợ của Viện Carnegie thì ngay cả trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, thành công về tài chính của một người thường chỉ có 15% là do khả năng chuyên môn, 85% còn lại tùy thuộc vào nhân cách, sự khéo léo, tế nhị trong giao tiếp và khả năng quản lý, lãnh đạo.

Trên 1.500 kỹ sư đã đến với các lớp học do tôi giảng dạy tại Câu lạc bộ các kỹ sư Philadelphia và Viện Kỹ thuật điện Hoa Kỳ. Lý do họ đến với lớp học này là vì họ nhận ra rằng những người được trả lương cao nhất trong ngành cơ khí không phải là những người thông thạo nhất về máy móc mà chính là những người có trình độ kỹ thuật kết hợp với khả năng giao tiếp thông minh và tinh tế, có khả năng lãnh đạo, biết khơi dậy lòng nhiệt tình và biết động viên mọi người một cách tốt nhất. Rockefeller cũng từng nói rằng: “Nếu có thể mua được khả năng đối nhân xử thế thì tôi sẵn sàng dốc hết hầu bao của mình vì đây chính là điều quan trọng hơn bất cứ điều gì khác trên đời”.

Cách đây khá lâu, trường Đại học Chicago và các trường của Hội Công giáo Mỹ đã tiến hành một cuộc thăm dò trong hai năm với 156 câu hỏi để tìm hiểu xem những người trưởng thành muốn học hỏi điều gì nhiều nhất. Trong danh sách đó có những câu như: Công việc và nghề nghiệp của bạn là gì? Mối quan tâm của bạn là gì? Thời giờ rảnh bạn làm gì? Thu nhập của bạn ra sao? Những sở thích, ước mơ của bạn? Những vấn đề khó khăn của bạn trong cuộc sống? Ngoài công việc, học tập, bạn quan tâm đến điều gì nhất?…

Kết quả cuộc thăm dò cho thấy mọi người quan tâm nhiều nhất đến sức khỏe, tiếp theo đó là cách ứng xử sao cho họ được người khác quý trọng, tin tưởng và nghe theo.

Với mong muốn huấn luyện, đào tạo những học viên ở Meriden một khóa học về nghệ thuật giao tiếp ứng xử, những giảng viên đã cố gắng tìm kiếm một vài quyển sách để có thể làm tài liệu giảng dạy nhưng thật ngạc nhiên là không hề có một quyển sách nào được viết về đề tài này cả.

Không thể tìm ở đâu ra một cuốn sách để làm giáo trình, thế là tôi bắt tay vào viết một quyển sách như vậy. Trước khi viết, tôi đã bỏ nhiều thời gian để lục tìm và tham khảo rất kỹ những vấn đề mình đang quan tâm trên các sách báo, tạp chí, những câu chuyện và hồ sơ ghi chép các vụ kiện tụng trong gia đình và xã hội, các tác phẩm kinh điển của những triết gia và những nhà tâm lý học nổi tiếng trên thế giới…

Thậm chí tôi còn thuê cả một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp dành ra hơn một năm rưỡi trời để tìm đọc tất cả những gì có trong các thư viện mà tôi đã bỏ sót, đào bới trong những bài học về tâm lý, rà soát hàng trăm bài báo, tìm kiếm không biết bao nhiêu là tiểu sử với nỗ lực tìm hiểu cách mà các nhà lãnh đạo kiệt xuất của mọi thời đại đã đối xử với những người xung quanh họ như thế nào.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đọc về gương thành công của nhiều nhân vật xuất chúng như Julius Caesar, Thomas Edison… Tôi còn nhớ, chỉ riêng Theodore Roosevelt, chúng tôi đã tìm đọc đến hơn 100 bài tư liệu về cuộc đời ông.

Cá nhân tôi đã trực tiếp phỏng vấn rất nhiều người thành công, trong đó có những nhân vật nổi tiếng thế giới thuộc nhiều lĩnh vực: nhà phát minh vĩ đại Marconi, Edison… nhà lãnh đạo chính trị xuất chúng như Franklin D. Roosevelt, James Farley, nhà kinh doanh tài năng Owen D. Young, ngôi sao màn bạc Clark Gable, Mary Pickford, nhà thám hiểm Martin Johnson… để cố tìm ra những bí quyết thành công mà họ đã ứng dụng trong cách đối nhân xử thế.

Từ tất cả những tài liệu thu thập được, tôi đã chuẩn bị một bài viết ngắn có tên là “Đắc nhân tâm – Nghệ thuật đối nhân xử thế và thu phục lòng người”. Bài viết này chỉ “ngắn” ở giai đoạn đầu nhưng không lâu sau đó được phát triển thành một bài giảng kéo dài trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ.

Khi kết thúc bài giảng, tôi đề nghị các học viên thể nghiệm những kinh nghiệm, những nguyên tắc mà họ đã học vào trong công việc và cuộc sống của họ và khi quay trở lại lớp trong buổi học sau, mỗi học viên sẽ trình bày những trải nghiệm và kết quả mà họ đạt được. Tôi đã thật sự bất ngờ, thú vị và đồng cảm với những câu chuyện xúc động và những điều bổ ích mà các học viên kể lại.

Đây không phải là một quyển sách bình thường nằm lặng yên trên giá. Nó trưởng thành theo thời gian như sự phát triển của một đứa trẻ. Nó “lớn lên và phát triển” vượt ra khỏi những kinh nghiệm của hàng triệu người qua các thời đại đầy biến động của rất nhiều nền văn hóa khác nhau.

Lúc khởi đầu cách đây nhiều năm, chúng tôi đã in những nguyên tắc ứng xử đó trên một tấm thẻ bằng kích cỡ tấm bưu thiếp. Một năm sau, chúng tôi phải in trên một bưu thiếp lớn hơn, sau đó là một tờ giấy khổ lớn… Dần dần những nguyên tắc đó cứ tăng lên và được in thành một loạt những quyển sổ tay nhỏ. Sau 15 năm nghiên cứu và trải nghiệm, quyển sách này chính thức được hoàn thiện và ra đời.

Những điều được trình bày trong quyển sách này không chỉ đơn thuần là những lý thuyết hay những lý luận cảm tính, chủ quan. Những kinh nghiệm này thật sự có một phép lạ và từng làm thay đổi cuộc đời của rất nhiều người đã ứng dụng nó.

Trong lớp học của tôi có một vị giám đốc quản lý 314 nhân viên. Trước đây, ông thường xuyên ép buộc, chỉ trích và trách mắng nhân viên của mình. Hầu như chẳng bao giờ ông có được thái độ dịu dàng, những lời động viên, khuyến khích nhân viên. Nhưng ngay sau khi nghiên cứu những nguyên tắc được đề cập trong quyển sách, ông đã thay đổi hoàn toàn triết lý sống của mình. Mọi nhân viên trong công ty ông như được thổi một luồng sinh khí mới, làm việc với một sự trung thành cao độ, lòng nhiệt tình hăng hái và một tinh thần đồng đội mạnh mẽ – điều mà trước đây chưa hề có. Điều tuyệt vời nhất là ông đã biến 314 con người mà ông từng xem như những kẻ chống đối trở thành 314 người bạn thật sự của mình. Ông tự hào kể lại: “Trước đây mỗi lần đến công ty, tôi chẳng hề được ai chào đón. Các nhân viên thường nhìn về phía khác khi thấy tôi đến gần. Nhưng bây giờ tất cả thực sự đều là bạn tôi, ngay cả người bảo vệ gác cổng cũng chào tôi một cách rất thân mật”.

Người quản lý này đã đạt được nhiều thành công hơn, nhiều niềm vui hơn – và quan trọng hơn cả là ông đã tìm thấy được hạnh phúc trong công việc và cuộc sống.

Cũng nhờ ứng dụng hiệu quả những nguyên tắc trong quyển sách mà rất nhiều nhân viên kinh doanh đã tăng đáng kể doanh số của mình. Nhiều người phát triển thêm được những khách hàng mới – những khách hàng mà trước đó họ hoàn toàn vô vọng trong việc xây dựng mối quan hệ. Các lãnh đạo cấp cao thì được thăng chức, tăng lương. Những buổi học về nghệ thuật ứng xử không những đã thay đổi được nhiều người bảo thủ, có định kiến hay chống đối, những người thiếu hòa đồng thoát khỏi nguy cơ bị sa thải mà còn giúp họ nhận được lòng tin và được giao phó những trọng trách cao hơn. Những cách ứng xử này không những giúp hàn gắn lại những rạn nứt trong các mối quan hệ xã hội, công việc mà còn tạo nên những tình cảm tốt đẹp, làm thăng hoa hạnh phúc gia đình.

Hầu hết các học viên đều rất kinh ngạc về những kết quả tựa như phép màu mà họ đã đạt được. Nhiều học viên đã điện thoại đến nhà tôi cả vào ngày chủ nhật vì không thể chờ đến 48 tiếng đồng hồ nữa để chia sẻ những trải nghiệm mà họ vừa khám phá được.

Một học viên quá xúc động trước một bài tham luận đến mức ngồi lại thảo luận với các học viên khác đến tận 3 giờ sáng mới ra về. Anh ta quá phấn khích và hồi hộp trước những nhìn nhận về lỗi lầm của bản thân và trước những cảm nhận cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa, thế giới đầy những điều mới mẻ, đầy những cảm hứng đang chờ đợi mình đến nỗi anh thao thức, không thể ngủ được trong nhiều đêm liền.

Giáo sư nổi tiếng William James của trường Đại học Harvard nói rằng: “So với tất cả những gì chúng ta đã hành xử, chúng ta chỉ mới “tỉnh ngộ” có nửa phần mà thôi. Chúng ta mới chỉ sử dụng một phần nhỏ những khả năng thể chất và tinh thần vốn có. Con người thường dễ thỏa hiệp, bằng lòng với chính mình và sống trong các giới hạn tự đặt ra mà chúng cách rất xa so với khả năng thật sự của mình. Rất nhiều khả năng lớn lao đã không được dùng đến!” Và, mục đích duy nhất của quyển sách này là giúp các bạn phát hiện, phát triển và tận dụng những tiềm năng đang còn ngủ yên, chưa được khai thác trong chính con người bạn! Theo tiến sĩ John G. Hibben, nguyên Hiệu trưởng Đại học Princeton: “Thước đo sự giáo dục của một con người chính là khả năng ứng xử của anh ta trước những tình huống của cuộc sống”.

Nếu như bạn đọc xong ba chương đầu của quyển sách mà vẫn chưa cảm thấy mình tiếp nhận được những kiến thức và kinh nghiệm tốt hơn để ứng dụng vào những tình huống thực tế cuộc sống của bạn thì tôi xem đó là một thất bại hoàn toàn. Và, như vậy, quyển sách này không còn cần thiết cho bạn nữa. Bởi vì “mục đích tối thượng của giáo dục”, như Herbert Spencer nói, “không phải là kiến thức – mà là hành động”.

Và – đây chính là một quyển sách của hành động!

ĐỌC THỬ

Một cách dễ dàng để gây mỹ cảm lúc sơ kiến

Có nhiều bà muốn gây mỹ cảm, tiêu cả một gia tài để đắp vào thân những nhung cùng vóc, đeo vào mình những vàng cùng ngọc, mà hỡi ơi, quên hẳn cái bộ mặt của mình đi, bắt nó mang những nét chua ngoa và ích kỷ. Họ quên rằng đối với đàn ông, nét mặt nụ cười quan trọng hơn tơ lụa khoác lên mình. (Nhân tiện, xin nhắc bạn, ví như bà nhà đòi may một cái áo nhung, thì xin chớ trả lời bà bằng câu đó nhé!).

Charles Schwab mà trên kia tôi đã kể chuyện, nói rằng nụ cười của ông ta đáng giá một triệu đồng. Số đó còn dưới sự thực, vì tất cả sự thành công lạ lùng của ông đều nhờ tâm tính ông, duyên kín của ông. Mà chính nụ cười quyến rũ của ông lại là khả năng khả ái nhất.

Một buổi tối, tôi được tiếp Maurice Chevalier, danh ca của thế giới. Thú thực là tôi thất vọng. Tôi không ngờ ông ủ rũ, lầm lỳ như vậy, khác hẳn với trí tôi tưởng tượng. Nhưng, bỗng nhiên, ông ta mỉm cười. Rõ ràng là một tia nắng xuyên qua mây mù. Không có nụ cười đó, Maurice Chevalier có lẽ còn đóng bàn ghế ở Paris như ông thân và anh em ông.

Mỉm cười với ai, tức như nói với người đó: “Tôi mến ông… Được gặp ông, tôi vui vẻ lắm… tôi sung sướng lắm…”.

Lẽ cố nhiên, nụ cười đó phải chân thật, tự đáy lòng phát ra mới quyến rũ, uỷ lại được người, còn thử nụ cười nhích mép nở ngoài môi, như do một bộ máy phát ra, không lừa được ai hết, chỉ làm cho người ta ghét thôi. Ông chỉ huy nhân viên một cửa hàng lớn ở Nữu Ước nói rằng ông ưa mướn một cô bán hàng học lực sơ đẳng mà nụ cười có duyên hơn là một cô cử nhân văn chương mà mặt lạnh như băng.

Tại sao ta thương loài chó? Tại chúng tung tăng, vui mừng đón rước ta, làm cho ta vui lòng khi thấy chúng.

 

Nếu không thấy hứng thú khi làm một việc thì không thể làm nên việc đó.

Đã từng có người bắt tay vào việc làm với một lòng hoan hỉ vô biên và vì vậy mà thành công. Nhưng lâu dần quen nghề, lòng hoan hỉ tiêu tan. Người đó chỉ còn làm đủ bổn phận thôi. Rồi tới chán nản. Rồi tới thất bại.

Trong xã giao cũng vậy. Phải hoan hỉ giao du với người thì mới mong người hứng thú giao du với mình.

 

Tôi đã khuyên cả ngàn thương gia như vầy:

 

“Các ông luôn trong một tuần lễ, lúc nào cũng mỉm cười, gặp ai cũng mỉm cười… rồi các ông lại đây cho tôi biết kết quả ra sao”.

 

Thì đây kết quả như vầy:

 

Ông Steinhardt viết thư cho tôi kể:

“Tôi có vợ 18 năm rồi, và trong thời gian đó ít khi tôi mỉm cười với nhà tôi. Từ sáng dậy tới khi đi làm, tôi ít khi nói với nhà tôi quá 12 tiếng. Trong châu thành Nữu ước này, tôi vào hạng người càu nhàu khó chịu nhất.

Nghe lời ông khuyên, tôi thí nghiệm “tuần lễ mỉm cười” và ngay sáng hôm sau, khi rửa mặt, ngó trong gương, tôi tự nhủ phải bỏ cái bộ mặt đưa ma đó đi và quyết chí mỉm cười.

 

Khi ngồi bàn ăn sáng, tôi hớn hở chào nhà tôi. Nhà tôi ngạc nhiên vô cùng. Tôi giữ luôn như vậy trong hai tháng nay và đã tìm thấy được nhiều hạnh phúc trong gia đình tôi, hơn cả một năm vừa qua.

Bây giờ, gặp người coi thang máy, người giữ cửa, người bán giấy xe, gặp ai tôi cũng chào hoặc mỉm cười. Tôi không chỉ trích ai, chê ai hết, tôi khuyến khích và khen ngợi. Tôi không nói chuyện tôi cho người khác nghe nữa và ráng hiểu những nỗi lòng của người khác. Tôi biến thành một người mới, sung sướng, có lòng từ thiện và được mọi người thương. Hỏi còn có phần thưởng nào quý hơn nữa không?”.

Xin bạn nhớ rằng người viết bức thư đó làm trọng mãi (mua bán chứng khoán) ở thị trường chứng khoán Nữu Ước một nghề khó tới nỗi 100 người thì có 99 người thất bại.

Franklin Bettger, một biện sư khéo léo nhất trong nghề bảo hiểm nói với tôi: “Từ lâu, tôi đã hiểu rằng với nụ cười, đi đâu ta cũng được tiếp đón niềm nở hết. Cho nên trước khi vô nhà một thân chủ nào, tôi dừng lại một chút, nghĩ tới tất cả những sung sướng mà trời đã cho tôi. ý nghĩ đó tự nhiên làm nở nụ cười trên môi tôi… và tôi gõ cửa, tươi tỉnh như đóa hoa. Một phần lớn, nhờ có thuật đó mà tôi thành công”.

Là vì, giáo sư William James nói: “Hành động cơ hồ theo sau tư tưởng, nhưng sự thực thì cả hai đồng thời phát động. Dùng nghị lực để điều khiển hành động tức là điều khiển những tình cảm một cách gián tiếp…”.

Vậy khi mất cái vui rồi, muốn kiếm nó lại thì không cách nào bằng hành động như nó đã trở về với ta rồi… Hạnh phúc của ta không do ngoại vật đem tới mà tự tâm ta phát khởi. Hai người cùng ở một chỗ, cùng làm một nghề, gia sản ngang nhau, địa vị trong xã hội bằng nhau mà một người sướng, một người khổ, là vì đâu? Vì tâm trạng họ khác nhau. Trong số người làm công Trung Hoa, vất vả dưới ánh nắng thiêu người, đổi chén mồ hôi lấy 7 xu mỗi ngày, tôi đã từng thấy nhiều nét mặt vui tươi, như trên mặt các phú ông ở Nữu Ước.

Shakespeare (một thi hào nước Anh) nói: “Không có chi tốt mà cũng chẳng có chi xấu; xấu tốt đều do tưởng tượng mà ra cả”.

 

Abraham Lincoln nghiệm rằng phần nhiều người ta biết an phận mà được sung sướng. Ông nói có lý và tôi đã có dịp nhận rõ sự thực đó:

Một hôm tôi gặp ở Nữu Ước 30 đứa nhỏ tàn tật, chống gậy hay nạng, lết bết leo lên những bực của một nhà ga lớn. Có đứa phải cõng mới lên nổi. Tôi ngạc nhiên nghe chúng vui cười giòn giã. Một người coi sóc chúng giảng cho tôi: “Khi một em đó hiểu rằng mình sẽ tàn tật suốt đời, thì mới đầu như rụng rời, rồi bình tĩnh lại, cam lòng với định mạng, rồi cảm thấy sung sướng hơn những đứa trẻ mạnh”.

Tôi kính phục những em nhỏ đó. Các em đã cho tôi một bài học mà tôi sẽ ghi nhớ suốt đời.

 

Xin các bạn đọc – và nhớ thi hành, vì đọc suông không có kết quả – những lời khuyên chí lý sau này của giáo sư Elbert Hubbard:

“ở nhà ra, bạn ngửng đầu lên, đưa cằm ra; hít đầy phổi không khí và ánh sáng mặt trời; mỉm cười với mọi người và thân ái siết tay người quen biết. Đừng mất thì giờ nghĩ tới kẻ thù của bạn. Ráng vạch rõ trong đầu mục đích bạn muốn đạt và thẳng tiến tới lý tưởng đó. Một khi bạn đã định kỹ những hành vi đẹp đẽ, cao cả, bạn muốn làm thì tự nhiên ngày tháng sẽ đưa cơ hội thuận tiện tới lần lần cho bạn thực hiện được ý bạn…”.

Bạn hãy in sâu vào óc hình dung nhân vật có tài năng, trung tin và hữu ích mà bạn muốn trở nên rồi mỗi giờ trôi qua, sức tưởng tượng sẽ lần lần thay đổi bạn cho tới khi thành hẳn nhân vật đó…

Mãnh lực của tư tưởng thật tối cao. Bạn hãy nuôi lấy một tâm trạng quân tử: can đảm, trung chính và vui vẻ. Vì tư tưởng đẹp thì hành vi rất đẹp. Đã ham muốn tất cả phải thành công và lời cầu nguyện nào chân thành cũng được chuẩn hứa. Lý tưởng ủ ấp trong lòng sẽ cấu tạo nên những hành vi hợp với lý tưởng. Ngửng đầu lên, bạn, vì nếu trong mỗi cái kén có một con bướm chưa nở, thì trong tâm mỗi ta có một điểm phật, chỉ đợi dịp phát huy.

Người Trung Hoa thiệt khôn. Câu phương ngôn này của họ phải được dán trong nón chúng ta đội: “Người nào không biết mỉm cười, đừng nên mở tiệm”. Và khi bàn tới điều kiện mở tiệm, ông Fletcher đã phát ra những tư tưởng này:

Giá trị của nụ cười:

 

1- Một nụ cười chẳng mất vốn, mà lợi thật nhiều.

 

2- Một nụ cười không làm nghèo người phát nó nhưng làm giàu người nhận nó.

 

3- Một nụ cười chỉ nở trong khoảnh khắc, nhưng có khi làm cho ta nhớ tới suốt đời.

 

4- Kẻ phú quí tới bực nào mà không có nó thì cũng vẫn còn nghèo; còn kẻ nghèo hèn tới đâu, mà sẵn có nó thì vẫn còn cái vốn vô tận.

 

5- Nụ cười gây hạnh phúc trong gia đình, nó là nguồn gốc những hảo ý trong thương nghiệp và là dấu hiệu của tình bè bạn.

 

6- Nó bồi dưỡng kẻ mệt nhọc, nó là hình ảnh bình minh cho kẻ ngã lòng, là nắng xuân cho kẻ buồn rầu, và là thuốc mầu nhiệm nhất của tạo hóa để chữa lo âu.

7- Nụ cười không thể mua được, không thể xin như khất thực được, không mượn được mà cũng không thể ăn cắp được. Vì ta khư khư giữ nó thì nó chẳng có giá trị gì, nhưng nếu ta dùng nó một cách hào phóng thì giá trị nó vô cùng.

8- Cho nên khi bạn gặp một người mệt nhọc, không còn sức tươi cười với bạn được, thì bạn hãy mỉm cười với người đó đi. Vì người nào không còn lấy một nụ cười để tặng kẻ khác, người đó cần nhận một nụ cười hơn ai hết…

Vậy nếu bạn muốn được thương mến, xin nhớ quy tắc thứ hai này: “Giữ nụ cười trên môi”

Không theo quy tắc sau này tức là tự rước lấy thất bại

Năm 1898, Joe Farley chết một cách bất ngờ, để lại vợ góa và ba con côi với vài trăm đồng bạc vốn.

Đứa lớn nhất tên Jim, mười tuổi, phải giúp việc trong một lò gạch: đẩy xe cát, đổ cát vào khuôn, phơi gạch. Không có thì giờ học, nhưng có một thiên tài trời cho riêng dân ái Nhĩ Lan là bẩm sinh đã biết nghệ thuật làm cho người khác thương mình. Lớn lên, ông làm chính trị, tập nhớ tên họ và vẻ mặt của người khác, mà lần lần trí nhớ đó trở nên kỳ diệu.

Không hề tòng học một trường đại học nào hết, mà chưa đầy bốn mươi sáu tuổi, có tới bốn trường đại học cấp bằng danh dự cho ông, lại làm Hội trưởng ủy ban dân chủ quốc gia, và Tổng giám đốc sở Bưu điện.

Một lần được ông tiếp, tôi hỏi ông bí quyết của sự thành công đó. Ông đáp: “Nai lưng ra mà làm việc”. Tôi cãi: “Đừng nói chơi mà!”.

 

Ông hỏi lại tôi: “Vậy theo ông, bí quyết đó ở đâu?” Tôi đáp: “Người ta nói rằng ông có thể gọi tên được mười ngàn người”.

 

Ông cãi:

 

– Xin lỗi ông, ông lầm. Tôi có thể gọi tên năm chục ngàn người.

 

Nhờ trí nhớ kinh dị đó mà Jim Farley đi cổ động đắc lực cho ông Franklin D.Roosevelt được quốc dân bầu làm tổng thống.

Phương pháp ông giản dị lắm. Mỗi lần ông mới làm quen với ai, ông hỏi tên họ người đó và cách viết ra sao. Ông tìm cách biết rõ về gia đình, nghề nghiệp, màu sắc chính trị người đó, ghi nhớ lấy rồi, lần sau gặp lại, – dù là cách một năm đi nữa – ông cũng có thể vỗ vai người đó mà hỏi thăm về vợ, con, cả đến những cây trồng trong vườn người đó nữa!

Vậy thì tới đâu ông cũng có bạn thân, có gì là lạ?

Mấy tháng trước cuộc bầu cư Tổng thống Roosevelt, Jim Farley viết mỗi ngày cả trăm bức thư cho dân miền Bắc và miền Tây. Rồi ông đi trong mười chín ngày, khắp hai chục xứ, trên ba chục ngàn cây số. Đi xe lửa, xe ngựa, xe hơi, tàu thủy. Tới mỗi tỉnh, ông đãi các cử tri một bữa cơm trưa hay cơm tối, đem hết tâm can mà bày tỏ thiệt hơn với họ, đoạn chạy biến qua tỉnh khác.

Trở về nhà, ông viết ngay thư cho một người ông quen nhất trong đám cử tri ông mới đãi tiệc và xin cho biết tên những người đã có mặt hôm ông đãi tiệc cổ động.

 

Thành thử ông có một cuốn sổ ghi hàng ngàn tên những người ấy. Rồi mỗi cử tri đó đều ngạc nhiên nhận được của ông một bức thư đề: “Bạn Bill thân mến”. “Bạn Joe thân mến…” và ký tên: “Jim”.

Jim Farley hiểu rằng hạng trung nhân đều thấy tên mình êm ái hơn hết thảy những tên khác. Nhớ được tên đó, đọc nó được một cách dễ dàng, tức là khen người đó một cách kín đáo và khôn khéo. Còn nếu quên hoặc viết sai tên đó tức là làm cho người ta khó chịu. Riêng tôi, tôi cho rằng người ta vô lễ với tôi, nếu trên bao thư gởi cho tôi người ta đã biên sai tên tôi.

Những kỹ thuật gia giúp việc ông Andrew Carnegie biết rõ giả kim thuật hơn ông nhiều. Vậy tại sao ông vua thép đó thành công? Là vì ông biết dẫn đạo người. Ngay từ hồi ít tuổi, ông đã có tài tổ chức, thấu tâm lý và chỉ huy. Mới mười tuổi ông thấy rằng ai cũng cho tên họ của mình là vô cùng quan trọng. Một hôm, ông bắt được một con thỏ cái mới sanh được một bầy thỏ con. Mà không có chi nuôi chúng hết. Ông bèn dụ tụi bạn trẻ như vầy: “Nếu chúng bây chịu kiếm lá cây nuôi bầy thỏ thì ta sẽ lấy tên mỗi đứa đặt tên cho một con thỏ”. Kết quả thần diệu. Và ông không bao giờ quên chuyện đó hết.

Nhiều năm sau, ông lại dùng thuật đó. Ông lấy tên của hội trưởng một công ty xe lửa để đặt tên cho một xưởng lớn của ông và nhờ vậy mà công ty xe lửa đó thành khách hàng mua đường rầy của ông!

Khi George Pullman và Carnegie tranh nhau độc quyền chế tạo những toa xe lửa có giường ngủ cho một công ty hỏa xa nọ, hai bên chỉ trích lẫn nhau, đua nhau hạ giá, thành thử đều không lời. Nhưng Carnegie nhớ ngay bài học con thỏ. Một hôm gặp Pullman, ông chào: “Chào ông Pullman, ông có tin rằng hai đứa mình đều điên hết không?”.

Ông kia hỏi lại: – Ông muốn nói chi?

Carnegie bèn đề xướng với Pullman hợp hai công ty lại làm một, dùng những lời quyến rũ vạch rõ những lợi chung của sự kết liên đó. Pullman chú ý nghe, nhưng chưa tin hẳn. Sau cùng, ông hỏi: “Công ty mới đó sẽ đặt tên chi?”. Carnegie tức khắc trả lời: “Thì đặt là Công ty Pullman tất nhiên rồi”. Hiệu quả tức thì. Nét mặt ông Pullman tươi hẳn lên, rồi ông mời: “Ông vô phòng tôi. Chúng ta sẽ bàn thêm…”.

Cuộc thương lượng đó đưa tới một khế ước, nó thay đổi cục diện kỹ nghệ thiết lộ ở Mỹ.

Cái tài nhớ được và kính trọng tên bạn, và tên những người cộng sự của ông, là một trong những bí quyết đã làm cho ông nổi danh; ông tự phụ rằng nhớ được tên họ một số đông thợ của ông, và khoe rằng ông còn đích thân chỉ huy xí nghiệp của ông ngày nào, thì không có những vụ làm reo khuấy rối sự yên ổn và cần mẫn trong các xưởng ông ngày đó.

Còn ông Paderewsky, một nhạc sĩ dương cầm nổi danh, rất được lòng người bếp da đen hầu ông trong toa xe lửa riêng của ông. Mỗi lần ông đi biểu diễn tài nghệ về, người bếp đó luôn luôn đích thân dâng ông một món ăn đêm mà ý nấu riêng để ông dùng. Tại sao y quý ông như vậy? Tại ông theo lễ phép châu u, với một giọng trịnh trọng gọi người đó bằng: “Ông Copper”, chớ không kêu xách mé theo kiểu Mỹ. Và “ông Copper” thích được gọi như vậy lắm.

Loài người cho tên mình là vinh dự lắm – Cho nên tìm đủ cách truyền nó lại đời sau.

 

Như ông Barnum là người keo bẩn có tiếng, chỉ vì không con nối dõi, mà dám bỏ ra hai muôn rưỡi mỹ kim cho thằng cháu ngoại để y chịu theo họ ông.

 

Hai trăm năm trước, những người giàu có thường biếu tiền cho các văn sĩ để được thấy tên mình trên chỗ đề tặng của tác giả.

Những thư viện, viện bảo tàng sở dĩ sưu tập được nhiều sách, đồ quý là nhờ những phú gia biếu đồ hoặc quyên tiền và lưu danh lại sau này. Nhà thờ, đền chùa cũng vậy: những người bỏ những số tiền lớn ra đục tượng, tô chuông là những ai?

Sở dĩ chúng ta quên tên người, phần nhiều là vì chúng ta không chịu mất công, mất thì giờ chép lại, lặp lại cho nó in vào trong đầu óc chúng ta. Chúng ta tự bào chữa rằng như vậy lâu quá, mà công việc ta bề bộn quá.

Nhưng chắc không có ai bận việc bằng Tổng thống Franklin D.Roosevelt. Vậy mà ông có cách nhớ được cả tên, những người thợ máy ông đã gặp.

 

Hãng Chrysler đóng một chiếc xe hơi riêng cho Tổng thống F.D.Roosevelt, rồi cho kỹ sư W.F.Chamberlain với một người thợ máy lại Bạch Cung giao xe cho Tổng thống.

Ông Chamberlain tới, được Tổng thống tiếp đãi niềm nở vui vẻ lắm, gọi tên và chào hỏi, tỏ rằng được ông Chamberlain tới chỉ những bộ phận xe cho ông, ông hoan hỉ vô cùng. Ông ngắm nghía từng bộ phận nhỏ một, từ nệm ngồi cho tới cái khóa cửa, tới thùng xe, nhất là những chi tiết nào do ông Chamberlain sáng tạo cho tiện lợi, thì ông cứ muốn ghi nhớ lấy và chỉ cho bà Tổng thống, cho nữ Bộ trưởng lao động Perkins và cô thư ký riêng của ông. Rồi ông khen không ngớt miệng: “Thiệt tuyệt; chỉ cần ấn cái nút là xe chạy, chẳng khó nhọc chút chi hết. Đẹp quá… tôi muốn có thì giờ tháo bộ máy ra xem xét nó chạy ra sao”.
Khi ông Chamberlain chỉ cho ông xong rồi, Tổng thống quay lại nói: “Ông Chamberlain, Hội đồng Ngân hàng liên bang đang đợi tôi từ nửa giờ rồi; xin kiếu ông, tôi phải đi mới được…”.

Lúc ông Chamberlain tới, có giới thiệu cho Tổng thống người thợ máy đi theo ông.Anh này nhút nhát, đứng xa xa, không nói nửa lời, mà tên của anh trước sau chỉ nhắc tới có một lần, vậy mà trước khi từ giã, Tổng thống đưa mắt kiếm anh ta, bắt tay anh ta, gọi tên anh ta và cám ơn đã mất công tới. Những lời đó không phải thốt ra như cái máy đâu, mà trái lại, có một giọng yêu mến thật thà.

ít ngày sau, ông Chamberlain nhận được tấm hình với chữ ký của Tổng thống gởi biếu và mấy lời cám ơn một lần nữa. Thiệt không sao hiểu được ông kiếm đâu đủ thì giờ để làm công việc gây cảm tình đó.

Franklin D.Roosevelt biết rằng một trong những cách chắc chắn dễ dàng và công hiệu nhất để làm cho một người vui lòng và nhớ tên họ người ấy và tỏ cho họ thấy rằng họ quan trọng. Tổng thống Roosevelt còn làm như vậy, còn phần đông chúng ta, ra sao? Chúng ta khi được giới thiệu với một người lạ nói chuyện với họ một lát, rồi khi từ biệt không nhớ tên người ta để mà chào nữa.

Một nhà chính trị trước nhất phải nhớ tên những cử tri. Như vậy mới có danh và có quyền được. Nếu không thì bị thiên hạ bỏ quên. Trong thương mãi và xã giao, sự nhớ tên người cũng quan hệ không kém gì trong chính trị.

Hoàng đế Nã Phá Luân đệ tam khoe rằng dù việc nước bề bộn mà ông vẫn có thể nhớ tên mỗi người ông đã gặp. Phương pháp ông giản dị lắm. Khi ông nghe không rõ một tên nào, ông nói: “Xin lỗi, tôi chưa nghe rõ”. Nếu tên hơi lạ, ông bảo người ta đánh vần cho ông nhớ. Rồi trong khi nói chuyện với người đó, ông tìm cách nói tên người đó vài ba lần và ráng ghi trong trí nhớ hình dáng, vẻ mặt người đó để khi thấy người thì liên tưởng ngay tới tên được.

Nếu là một nhân vật rất quan trọng, ông viết ngay tên nhân vật đó trên một miếng giấy, ngó kỹ nó, tập trung tư tưởng vào nó, cho nó khắc sâu trong óc. Như vậy, ông vừa dùng tai và mắt để nhớ. Tất cả những cái đó mất thì giờ lắm. Nhưng, Emerson nói, “lễ phép tức là phải chịu nhiều hy sinh nhỏ”.

Vậy, muốn gây thiện cảm, xin bạn để ý tới quy tắc thứ ba này:

 

“Phải nhớ rằng tên một người đối với người đó là một âm thanh quan trọng và êm tai hơn hết thảy những âm thanh khác”.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button