Kinh điển

Bột Mì Vĩnh Cửu

Bot mi vinh cuu1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Alexander Romanovich Belyaev

Download sách Bột Mì Vĩnh Cửu ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH ĐIỂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Thời kì Xô Viết chứng kiến những tài năng văn học đỉnh cao như Maxim Gorki, Vladimir Vladimirovich Mayakovsky, Boris Leonidovich Pasternak,… Trong đó, Alexander Romanovich Belyaev cũng là tên tuổi đáng chú ý bởi những ý tưởng, những câu chuyện của ông rất đặc biệt.

Alexander là nhà văn theo đuổi và được xem là người đặt nền móng cho dòng tiểu thuyết viễn tưởng với các tác phẩm chủ yếu viết trong những năm 1920 và 1930.

Tác phẩm của ông là sự kết hợp tài tình giữa những vấn đề xã hội, lồng ghép những phát minh khoa học, sinh học, vật lý, y học… cùng với những yếu tố kỳ ảo khác. Ông vừa nghiêm túc phê phán những thói hư tật xấu vừa khắc họa một cách hài hước và vô cùng tài tình. Tiếp xúc với văn học của ông, người đọc dường như cảm giác được những phát minh đó sẽ xảy đến trong một tương lai không xa, khi con người bước những bước dài trên con đường khám phá tri thức.

Tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến là Bột mì vĩnh cửu, Người cá, Đầu giáo sư Dowell, Ngôi sao KEZ, Người bán không khí, Chúa tể thế giới…

Trong đó, Bột mì vĩnh cửu là cuốn tiểu thuyết rất đáng đọc, thích hợp với cả trẻ em và người lớn. Câu chuyện kể về một nhà khoa học tài năng và có tâm đã phát minh ra loại bột có khả năng… ăn mãi không hết. Chỉ cần mỗi ngày ăn một nửa số bột, hôm sau số bột sẽ lại nở đầy như cũ. Dù là “bột ăn nhanh” nhưng vẫn chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Nhà bác học đã tặng phát minh của mình cho một người đánh cá nghèo và yêu cầu ông hứa giữ bí mật. Nhưng bản tính tò mò của con người, tính hiếu kỳ, lòng tham và mong muốn có ăn mà không cần phải làm đã khiến bí mật đó bị bại lộ. Ai cũng muốn không cần lao động mà được ăn uống và hưởng thụ, ai cũng muốn trục lợi một cách nhanh nhất, ai cũng muốn làm lợi cho mình đầu tiên. Cuối cùng thứ bột kỳ diệu kia, thay vì có ích cho con người lại trở thành một thảm họa mà có “cho tiền cũng không ai dám nhận”.

Chỉ trong một cuốn sách mỏng, Alexander phê phán đủ mọi tính xấu của con người. Từ việc lười biếng nhưng luôn thích hưởng thụ, từ việc tham lợi mà hãm hại người bạn của mình, từ việc coi thường chữ tín và lời hứa, từ những mưu mô và toan tính… đã đưa con người đến vực thẳm, phá hủy hoàn toàn cuộc sống của họ.

Alexander còn vạch rõ bản chất hay thay đổi của con người. Khi thiếu thốn thì xem nhau như bạn nhưng mặt khác cũng sẵn sàng trở mặt, khi sung túc thừa mứa thì còn cầu cứu ai được nữa?

Câu chuyện còn là sự xót thương, cảm thông với những nhà khoa học. Họ là những con người luôn khao khát tìm tòi, phát minh những thứ giúp con người cải thiện cuộc sống, tất cả vì mục đích tốt đẹp. Nhưng họ nào biết đâu, thành quả của mình bị người ta sử dụng sai cách, bị bọn đầu cơ trục lợi… cuối cùng chính họ lại trở thành thủ phạm gián tiếp đe dọa cuộc sống và sự tồn vong của nhân loại. Hậu quả đó có lẽ họ chưa hoặc không bao giờ nghĩ tới.

Vỏn vẹn 124 trang nhưng Bột mì vĩnh cửu của Alexander là một câu chuyện đáng đọc và suy ngẫm. Như một món ăn với những gia vị đặc biệt mà không gây “chán” hay khó hiểu, Alexander đặt ra những vấn đề mà khoa học và xã hội ngày nay đã, đang và tiếp tục đương đầu với chúng. Những câu hỏi hóc búa giữa khoa học và đạo đức con người liệu có tìm được tiếng nói chung, có tìm ra giải pháp hay câu trả lời? Điều đó có lẽ còn phụ thuộc vào tương lai và các thế hệ sau này.

ĐỌC THỬ

Tin sốt dẻo trong làng

Chiếc thuyền đánh cá cỡ nhỏ chậm chạp bơi đến gần đảo Fer nằm trong quần đảo Friesland ở phía bắc biển Đức. Một buổi tối mùa thu. Gió bấc thổi mạnh quất vào mặt những người dân chài từng tia nước lạnh buốt. Buổi đánh cá hôm nay chẳng nước non gì nên bộ mặt mấy người dân chài đã tái xám vì rét lại càng thêm cau có.

– Mùa đông năm nay sẽ rét sớm đây. – Một ông lão miệng ngậm tẩu thuốc lên tiếng.

– Có lẽ như thế thật – Một thanh niên hưởng ứng, rồi sau giây lát im lặng, nói thêm – Nhà Carlo có chiếc lưới mới tinh lại bị trộm cuỗm mất rồi!

Câu chuyện sôi nổi hẳn lên. Mấy người đánh cá bàn tán xem kẻ nào trong đám dân chài lại có thể làm cái trò tắt mắt ấy được.

– Tôi cho rằng lão Hans làm chứ chẳng còn ai. – Anh thanh niên lúc nãy quả quyết nói.

– Lão Hans à? Chú chỉ phịa là giỏi! – Mấy người kinh ngạc thốt lên.

Hans là một lão già ốm yếu, gầy như que củi, người cao ngỏng. Lão sống cô độc ngoài cây đèn biển cũ kỹ đã bị bỏ không từ lâu.

– Lão Hans ư? Thằng cha ấy thì còn khó nhọc lê bước được đến đây! Chú có chứng cứ gì không?

– Thì lão ta đang béo trương béo nứt ra đấy thôi. – Anh thanh niên đáp.

Quả có thế thật. Mấy tuần gần đây mặt lão Hans sệ hẳn ra và vẻ béo tốt kỳ lạ của lão đã trở thành đầu đề cho những câu chuyện ngồi lê đôi mách trong làng.

– Người ta đồn rằng lão Hans vớ được một hòm báu vật do sóng biển đánh giạt vào bờ. Được món bở như thế làm gì mà chẳng béo tốt ra. – Một ông già nói, giọng trầm ngâm.

– Lão Hans buôn lậu đấy.

– Tôi thì tôi báo các bác rằng, – Anh thanh niên lúc nãy vẫn không chịu im – lão Hans đánh cắp lưới và cá của cánh ta rồi đem bán, nên mới phát phì ra đấy. Các bác có thấy cứ đến khuya là lão lại lẩn đi như trạch hay không? Lão đi đâu và làm gì? Đáng nghi lắm.

Mọi người tranh cãi với anh thanh niên, nhưng rõ ràng câu chuyện anh ta kể đã gây ấn tượng mạnh tới nhiều người. Vì thế, khi chiếc thuyền cập bến có cây đèn biển cũ kỹ, một người đánh cá đề xướng:

– Thì ta cứ thử ghé vào đây xem lão Hans sinh sống ra sao đã nào? Ta vừa sưởi ấm vừa nhìn kỹ lão luôn thể.

– Hay đấy. – Anh thanh niên linh lợi hẳn lên, nhanh nhẹn bê cá ra khỏi thuyền và thu dọn đồ nghề lại.

Từ trong lòng cây đèn biển, một ánh sáng yếu ớt lọt ra qua chiếc cửa sổ nhỏ. Lão Hans vẫn chưa ngủ. Lão niềm nở tiếp đón khách và mời cả bọn vào sưởi ấm bên chiếc lò sưởi cũ nát.

– Thế nào, được nhiều cá không các bác? – Lão vừa hỏi vừa xoa xoa hai bàn tay nổi đầy gân. Ngón tay lão trông như những chiếc móc.

– Chà nước non gì. – Anh thanh niên đáp. Anh ta tức giận vì đánh được ít cá, vì trời xấu, nên chỉ muốn trút cơn giận sang người khác – Còn lão thì cứ béo nứt ra, tại sao thế lão Hans?

Lão già mỉm cười một cách đáng thương và khoát tay.

– Thì cậu cũng béo ú ra đấy thôi, cậu Ludwig. – Lão đáp.

– Không phải nói về tôi. Khi người ta bắt cá bằng lưới của mình rồi đem bán, thì béo tốt cũng chẳng có gì lạ. Còn lão, lão hãy nói cho bọn này biết cái bí quyết vì sao không làm mà cứ béo ra xem nào. Khi đó có lẽ bọn này cũng chả tội gì phải bỏ lò sưởi ấm áp để ra khơi đánh cá, rước lấy bệnh thấp khớp vào thân làm gì.

Lão Hans lúng túng ra mặt. Lão rúm người, xoa tay rồi nhún vai. Mọi người đều nhận thấy vẻ lúng túng của lão nên cả những ai trước còn nghi ngờ bây giờ cũng tin là lão có lỗi.

– Ta phải khám xét nhà hắn xem – Anh chàng Fris tóc hung ghé vào tai một người đánh cá khác nói nhỏ – tớ sẽ thu xếp thật khéo. – Rồi quay sang phía lão Hans, anh ta nói – Lão sống trong cái nhà đổ nát như thế này mà không sợ à? Gió Đông bắc thổi mạnh một cái thì nó sẽ đổ sụp xuống, đè lão vụn như cám mất thôi.

– Tường nhà dày lắm, chả lo đâu. – Lão Hans thủng thẳng đáp.

– Nhưng lỡ nó cứ đổ xuống thì sao – Fris không chịu thôi – Già cả như lão có lẽ điều đó thế nào cũng được, nhưng còn bọn tôi thì người ta sẽ hỏi tội vì sao không giữ gìn an toàn cho lão. Có khi lại bị đưa ra tòa nữa là khác. Phải để cánh này xem xét chỗ ở của lão mới được.

– Làm gì phải xem với xét? – Lão Hans lúng búng nói. Lão không còn nghi ngờ gì nữa: đích thị bọn này nghi kỵ lão điều gì nên mới đến đây, đâu phải vô cớ.

– Ngày mai trời sáng sủa xin mời các bác hãy đến xem xét, nếu các bác muốn.

– Sao lại đến mai. Chúng tôi xem ngay hôm nay cũng được.

– Nhưng trời tối quá, cầu thang lại hỏng, sợ các bác ngã thì khổ. Mà làm gì phải vội vàng thế? Lão sống đã năm chục tuổi đầu rồi mà bỗng dưng có một đêm thôi các bác cũng không đợi được hay sao?

Ludwig đã hiểu thủ đoạn ranh mãnh của Fris nên hành động luôn:

– Lão hãy châm đèn lên xem nào.

– A, đèn! Tôi không có dầu đốt cho đèn.

Nhưng Fris đã lần mò khắp phòng.

– Dầu à? Đèn đây rồi. Dầu cũng có đây. Tại sao lão giấu diếm hả?

Fris nhanh nhẹn rót dầu rồi châm đèn.

– Nào ta đi.

Tất cả đứng dậy đi theo Fris. Lão Hans thở dài nặng nề, lệt bệt đôi giày theo sau cả đám. Trong ánh sáng mập mờ, cả bọn leo dần lên những bậc gỗ ẩm ướt, ọp ẹp của chiếc cầu thang xoáy trôn ốc.

Trên gác toàn thấy những đồ vật cũ nát, vô dụng, phủ đầy bụi bặm và vôi vữa lở xuống. Gió lùa hun hút vào phòng qua những cửa kính vỡ. Ánh sáng cây đèn làm lũ dơi hoảng sợ bay loạn xạ, rung bụi và mạng nhện xuống đám người. Fris xem kỹ mọi ngóc ngách, lấy mũi ủng gảy tung từng đám rác, sau đó soi đèn lại gần tường và nói:

– Chà, tường nứt nẻ đến khiếp!

Nhưng anh ta không thấy có gì khả nghi.

– Ta lên tầng ba xem.

– Trên ấy chẳng có gì đâu. – Lão Hans vội ngăn. Nhưng Fris không chịu nghe, cứ leo lên.

Ở đây gió thổi ù ù, không chỉ qua mấy chiếc cửa sổ trống huếch trống hoác, mà còn ùa vào qua mấy lỗ hổng to tướng.

– Có lẽ cậu nhầm rồi, Ludwig ạ. – Fris khẽ nói.

– Rồi xem. – Ludwig lớn tiếng đáp rồi giận dữ đẩy mạnh vào người Fris – Đưa đèn lại đây. Cái gì thế này?

– Chẳng phải lưới đánh cá – Anh chàng Fris thấy chẳng cần giấu diếm mục đích tìm kiếm, cũng nói tướng lên. Ngọn đèn soi vào chiếc giá gỗ và một chiếc xoong đặt trên giá có đậy miếng gỗ mỏng.

Fris nhấc miếng gỗ và nhòm vào xoong thấy một thứ chất lỏng đông đặc, trông như trứng ếch.

– Chuồn thôi, Ludwig ạ. Món này chỉ là đồ bỏ đi. Tớ đã bảo cậu nhầm rồi mà lại.

Ludwig đã bực mình lắm vì tự nhiên đi gây chuyện để đến nỗi bây giờ bị lừa phỉnh.

Để chữa lại giây phút nhục nhã của mình, Ludwig kéo lão Hans từ góc tối ra và thét vào mặt lão:

– Lão chứa cái gì trong nồi thế hử?

Ai nấy ngạc nhiên không ngờ câu hỏi của Ludwig lại làm cho lão Hans lúng tung đến vậy. Lão già lo quá, hàm răng cứ run cầm cập. Lão ấp a ấp úng được vài tiếng rồi cứng lưỡi lại. Điều đó khiến mấy người đánh cá kia để ý đến món lạ đựng trong xoong.

– Sao lão câm như hến thế – Ludwig tấn công – Lão có biết kiểu làm ăn ám muội thế này dẫn tới đâu không? – thấy lão Hans bối rối, anh ta được thể dọa già.

– Xin các bác đừng tra hỏi nữa, tôi van các bác, – Lão Hans lí nhí đáp – chuyện này chẳng có gì tội lỗi cả, nhưng lão đã hứa…

Lời lẽ đó làm cả bọn hết sức sửng sốt, không ngờ trước mặt họ lại là một cái gì rất bí hiểm. Anh chàng Ludwig đắc thắng đưa hai tay cẩn thận đỡ lấy chiếc nồi và ra lệnh cho Fris soi đường để mình đi xuống.

– Có lẽ món này sẽ lý thú hơn cả chuyện lưới cá mất cắp chứ chẳng chơi. – Ludwig xúc động nói với Fris khi đặt xoong lên chiếc bàn cạnh lò sưởi.

Rồi anh ta quay sang lão Hans:

– Bây giờ lão phải kể hết đầu đuôi câu chuyện cho cánh này nghe.

– Nhưng lão đã hứa giữ kín…

– Thế thì lão sẽ vào tù.

– Vì sao?

– Vì món này đây. Cánh chúng tôi đã ngờ lão từ lâu. Không phải là vô cớ mà lão béo tốt ra đâu.

– Thế các bác đã biết rồi sao?

Ludwig có biết gì đâu. Nhưng buổi tối mùa thu hôm nay anh ta bỗng khám phá ra mình có khả năng làm mật thám.

– Đúng, cánh này biết cả rồi – Ludwig nói một cách tự tin – Nếu lão chịu thú thật thì có thể cánh này sẽ không bỏ tù lão đâu.

Lão già tuyệt vọng hẳn. Lão gục đầu im lặng một lát rồi nói:

– Lão chẳng muốn nuốt lời hứa và gây chuyện không hay cho người đã thương xót lão và là ân nhân của lão. Nhưng nếu các bác đã biết thì… Đây là “bột mì vĩnh cửu” do giáo sư Broie cho lão.

Nếu Ludwig quả thực có khả năng làm mật thám thì anh ta vẫn còn quá non nớt trong lúc hành nghề. Quên mất vai trò của mình, anh ta hết sức kinh ngạc hỏi:

– Bột mì vĩnh cửu à? Nó là cái gì?

Nghe câu hỏi với vẻ ngạc nhiên thành thực ấy, lại thấy cả đám dân chài đều thốt lên ngơ ngác, lão Hans hiểu ngay rằng họ chẳng biết gì về chuyện “bột mì vĩnh cửu” cả, rằng họ đến đây vì ngờ lão chuyện khác, nhưng vô tình đã phát hiện ra điều bí mật mà lão vẫn giữ rất kín. Giá lão chưa nói tên giáo sư ra thì hay biết mấy? Nhưng lùi bước thì đã muộn rồi.

Lão Hans còng lưng ngồi phịch ngay xuống ghế:

– Các bác hãy nghe đây. Lão sẽ kể hết.

Lão Hans may mắn

– Lão nghèo túng quá, chẳng những thế, lão còn bị đói – Lão Hans bắt đầu thú thực – Một buổi tối lão đói lả, không còn đủ sức lê ra khỏi nhà nữa, thì có tiếng gõ cửa. Lão mở cửa ra thì thấy trước mặt mình là giáo sư già tên là Broie, người mà các bác cũng biết là đang sống ở cái trang trại gần làng ta ấy…

– Biết rồi, nói tiếp đi. – Fris nôn nóng ngắt lời lão Hans.

– Giáo sư Broie bảo lão: “Tôi có thể nuôi sống bác suốt đời, bác Hans ạ, nhưng với điều kiện bác phải hứa là không được nói ra với bất cứ ai chuyện đó”. Lão đã thề với giáo sư, – Lão nặng nề thở dài – và bây giờ đang nuốt lời thề ấy đây… Lúc ấy giáo sư liền rút từ trong túi áo khoác ra một hộp sắt, chìa cho lão và nói: “Trong hộp này có thứ “bột mì vĩnh cửu”. Bác chỉ cần ăn nửa hộp cũng đủ no cả ngày. Sau một ngày một đêm, bột đó sẽ tự nở đầy hộp. Đừng sợ, bác Hans ạ, – Giáo sư nói – bột này chẳng độc hại gì đâu. Bác đừng thấy nó xấu xí mà chê. Thứ này vừa bổ vừa ngon. Bác nếm thử mà xem”. Lão còn ngần ngại. Thấy thế giáo sư liền ăn trước và nói: “Bác thấy không, tôi vẫn sống và khỏe mạnh đó thôi”. Giáo sư để hộp bột lại cho lão và yêu cầu lão thỉnh thoảng đến kể cho ông biết lão thấy trong người thế nào. Rồi giáo sư ra về…

Mấy người đánh cá căng tai nghe chuyện và tỏ vẻ kinh ngạc đến mức há hốc mồm ra.

– Rồi sau đó thế nào? – Fris sốt ruột cựa quậy trên ghế và hỏi.

– Mãi lão vẫn không dám ăn thứ bột ấy – Lão Hans kể tiếp – Trông nó giống như trứng ếch, kinh kinh là. Mấy lần lão đã bước lại gần chiếc hộp, nhưng vẫn không sao tránh được cảm giác kinh tởm. Lão đói quá nên không tài nào ngủ được. Gần sáng, cơn đói giày vò làm thắt bụng lại. Lão nghĩ: thôi thì đằng nào cũng chết… Lão bèn lấy thìa xúc một miếng bột cho vào miệng ăn thử. Lão thấy nó ngon như món táo nướng nghiền ấy. Chỉ chén một lát, lão đã thấy no căng, người khỏe mạnh lên. Thầm cám ơn vị giáo sư đã tặng món quà kỳ diệu, lão đánh một giấc dài và khi tỉnh dậy thì thấy người sảng khoái, hoàn toàn khỏe mạnh.

– Thế còn món bột? Lão có ngó xem sao không?

– Lão ăn hết gần một nửa, thế mà sáng hôm sau nó đã nở ra đầy tới miệng hộp. Từ đó lão chén tì tì và béo tốt ra.

Đám dân chài hết sức ngạc nhiên cứng đờ ra. Lúc lão già kể xong, cả bọn xôn xao lên tiếng và hoa chân múa tay chồm người dậy.

– Thế là thế nào nhỉ? Y như có phép tiên ấy?.

– Đúng thật. Giá người ta cho cánh mình của báu ấy thì chẳng cần thứ gì trên đời này nữa. Chẳng phải cày sâu cuốc bẫm, chẳng phải dấn thân chài lưới ngoài biển làm gì. Chỉ việc nằm khàn chén món bột ấy là xong…

Mà cái vùng đất khốn khổ này làm ăn có ra gì đâu cơ chứ. Khoai mọc chẳng ra khoai, lúa chẳng ra lúa…

Khi cơn xúc động đầu tiên đã dịu xuống, mọi người đều thấy nghi ngờ. Chẳng lẽ đúng thế được ư? Liệu lão Hans có đánh lừa bọn họ không? Câu chuyện “bột mì vĩnh cửu” có vẻ quá ư huyền hoặc.

– Lão không bịa đặt tí nào chứ, lão Hans? – Ludwig nghiêm mặt hỏi.

– Lão bịa đặt làm gì kia chứ? Lão có thể ăn ngay cho các bác xem. – Và lão Hans lấy thìa xúc một miếng tướng thứ “bột” sền sệt ấy đưa lên miệng ngon lành.

Cả bọn nhìn lão với vẻ mặt y như lão đang nuốt một con rắn sống.

– Có bác nào thử nếm một tí không?

Tuy chẳng ai dám ăn, nhưng đã hết nghi ngờ. Mọi người lại sôi nổi bàn tán về sự việc kỳ lạ ấy và tỏ vẻ ghen tị với vận may của lão Hans.

Vợ con mấy người đánh cá thấy chồng và bố lâu về phát hoảng nên bổ đi tìm. Chẳng mấy chốc nhà lão Hans đã chật ních. Đến nửa đêm thì cả làng chài đã biết câu chuyện kỳ lạ. Họ trò chuyện râm ran cho tới sáng. Trời còn sớm mà bên cây đèn biển cũ kỹ, đám người hiếu kỳ đã lũ lượt kéo nhau đến. Ai cũng muốn xem hình thù cái món “bột mì vĩnh cửu” ấy ra sao và sau một đêm nó đã nở lên thế nào. Fris và Ludwig đứng cạnh hộp bột cả đêm và bây giờ đã có thể làm chứng rằng quả thực thứ “bột” ấy đã nở ra đầy một hộp.

Fris là người đầu tiên quyết định nếm thử và xác nhận rằng thứ “bột” này rất ngon miệng và chóng no bụng.

Căn phòng nhỏ tròn trong lòng cây đèn biển chưa bao giờ đông như vậy. Người ta họp bàn liên miên. Đám dân chài không muốn để mình lão Hans giữ một báu vật như vậy làm của riêng chút nào. Sau khi tranh cãi hồi lâu, mọi người quyết định cử một đoàn đại biểu tới gặp giáo sư Broie để hỏi tỉ mỉ về chuyện “bột mì vĩnh cửu” và xin giáo sư phân phát món “bột” ấy cho cả làng. Đoàn gồm có Fris, Ludwig và ông giáo Otto Vesman, người có học vấn và uyên bác nhất làng. Lão Hans cũng xin được đi theo đoàn để có dịp thanh minh với vị giáo sư.

Giáo sư Broie là nhà bác học nổi tiếng thế giới. Các tác phẩm của ông trong lĩnh vực sinh hóa học khiến người ta kinh ngạc về sự táo bạo. Chúng đã gây ra những cuộc tranh cãi kịch liệt, nhưng đồng thời cũng làm cho giới khoa học Âu và Mỹ hết sức quan tâm. Cách đây mấy năm, giáo sư tuy đã già nhưng còn rất hăng hái, bỗng tuyên bố bỏ giảng dạy ở Trường đại học tổng hợp Berlin để lui về “nơi yên tĩnh”, theo lời giáo sư. Giáo sư đã chọn một vùng đất cách xa trung tâm và xây dựng một ngôi nhà nhỏ trên đảo Fer làm chỗ ở. Với bè bạn thân thiết, giáo sư nói rằng ông muốn xa lánh cảnh “ngược xuôi trần tục”, lui về làm thí nghiệm để nghiên cứu giải quyết một vấn đề có tầm quan trọng toàn thế giới. Song đó là vấn đề gì thì giáo sư chẳng nói với ai.

– Ở các trường đại học nước ta, – Giáo sư đau khổ nói với các bạn ông – chỉ có thể làm đúng theo khuôn sáo cũ mà thôi. Bất kỳ tư tưởng khoa học có tính chất cách mạng nào cũng làm cho người ta lo lắng và sợ hãi. Cả một lô một lốc theo dõi chúng ta, nào là phụ giảng, nào là sinh viên, nào là các phó giáo sư, nào là các nhân viên thí nghiệm, các phóng viên, ông hiệu trưởng và thậm chí cả những đại biểu nhà thờ nữa. Các bạn cứ thử làm cách mạng khoa học trong điều kiện ấy mà xem? Các bạn sẽ bị chúng chế giễu, vùi dập bằng những mưu đồ tăm tối trước khi các bạn đạt tới một kết quả nào đó. Về nơi hẻo lánh, tôi được tự do. Không ai moi móc những thiếu sót của tôi, kết quả cuối cùng tự nó sẽ được khẳng định.

Và giáo sư bỏ cảnh “ngược xuôi trần tục” ấy ra đi, cắt đứt mọi sự tiếp xúc, thậm chí ngừng cả việc thư từ với thế giới bên ngoài.

Những người dân đánh cá ở làng chài gần trang trại của giáo sư không hề biết đến tên tuổi của giáo sư, mà nói chung họ cũng biết rất ít về ông, vì hầu như chẳng mấy khi ông chịu ló mặt tới đâu. Thỉnh thoảng, vào lúc sáng sớm hay chiều tối, người ta có thể nhìn thấy ông dạo bước giữa những cồn cát vắng vẻ. Người ta chỉ coi giáo sư như một ông già khó hiểu và hơi lập dị. Thế mà nay ông già ấy lại nắm giữ cả một kho báu có thể làm cho hết thảy mọi người sung sướng. Đoàn đại biểu dân chài bất giác cảm thấy rụt rè e ngại khi họ leo lên một ngọn đồi nhỏ và nhìn rõ ngôi nhà nhỏ màu trắng thấp thoáng giữa một vườn cây cằn cỗi, bên ngoài có hàng rào thấp bằng đá núi bao quanh. Không hiểu giáo sư sẽ tiếp đón họ ra sao? Liệu ông ta có tặng họ món “bột mì vĩnh cửu” như đã cho lão Hans không?…

Ông giáo Otto Vesman khẽ ẩy cánh cổng khép hờ và bước vào vườn. Theo chân ông giáo là Fris và Ludwig. Lão Hans lệt bệt sau cùng với vẻ mặt của kẻ bị dẫn ra tòa. Từ trong nhà, hai con chó rất béo tốt nhảy xổ ra phía đám người vừa bước vào.

– Chà, lũ chó này có lẽ cũng chén đẫy món “bột” kia đây – Fris nhận xét – Chúng to béo quá chừng! Chẳng lẽ ông ta cho chó xơi món “bột” ấy mà đối với người lại tiếc hay sao?.

Nghe tiếng chó sủa, một ông già chừng sáu mươi tuổi, người đẫy đà, vẻ quắc thước, bước ra. Râu ông đã bạc trắng, nhưng bộ tóc màu hạt dẻ sáng vẫn còn rất tốt. Đó là giáo sư Broie. Giáo sư đuổi hai con chó và niềm nở hỏi mấy người đánh cá xem họ cần gì.

– Chúng tôi đến đề nghị xem giáo sư có thể cho chúng tôi “bột mì vĩnh cửu” được hay không? – Otto Vesman đánh bạo hỏi thẳng – Nếu thứ “bột” ấy quả thực có những đặc tính như ông Hans đây nói.

Nét mặt giáo sư Broie bỗng thay đổi hẳn. Ông cau mày và quắc mắt nhìn lão Hans khiến lão còng người xuống run sợ.

– Thưa ngài giáo sư, tôi không có lỗi đâu ạ – Lão Hans ấp tay vào ngực, thốt lên – Họ đã ranh mãnh buộc tôi phải nói lộ bí mật của ngài.

– Đúng, lão ta không có lỗi gì giáo sư ạ. – Fris xác nhận, rồi kể lại cho giáo sư nghe đầu đuôi việc họ tình cờ phát hiện ra bí mật của “bột mì vĩnh cửu”. Nét mặt giáo sư đã dịu xuống đôi chút, nhưng vẫn cau có. Giáo sư im lặng một lát, chắc để cân nhắc tình thế đã xảy ra. Đoàn đại biểu thấy sự im lặng ấy dài đằng đẵng. Cuối cùng giáo sư lên tiếng:

– Lão Hans nói đúng. Một cân “bột” có thể nuôi sống một người suốt đời và còn có thể để lại được cho con cháu nhà. Nhưng nếu tôi giải thích cách làm ra nó thì vị tất các bác đã hiểu được. Vả lại đối với các bác, điều đó cũng không quan trọng.

– Tất nhiên, điều quan trọng đối với chúng tôi là được ăn thứ bột đó thôi – Ludwig đáp lời – Như thế là giáo sư sẽ cho chúng tôi một ít phải không ạ?

– Không được. Tôi không cho đâu. Ít nhất là chưa thể cho được ngay bây giờ.

Fris và Ludwig lo lắng:

– Thế sao ngài cho lão Hans được? Mấy con chó của ngài con nào cũng to tướng, chắc là cũng nhờ được ăn món “bột” của ngài chứ gì?

– Đúng vậy. – Giáo sư Broie đáp. Và sau khi giơ tay ngăn Fris định nói, giáo sư nói tiếp bằng một giọng hách dịch mà người ta không thể ngờ ở giáo sư:

– Khoan, hãy chú ý nghe tôi nói đây. Tôi đã hiến cả đời tôi cho việc phát minh ra thứ “bột” có thể cứu đói toàn thể nhân loại ấy. Đối với các bác, tôi đang lo chế ra thứ “bột” đó và các bác sẽ được lĩnh nhận. Tôi cho rằng tôi đã đạt được mục đích, nhưng thí nghiệm vẫn chưa xong. Mà khi thí nghiệm chưa hoàn thành thì không thể phân phát “bột” lung tung được.

– Nhưng Hans…

– Lão Hans cũng là một thí nghiệm thôi – Giáo sư nghiêm khắc ngắt lời Fris – Tôi đã làm thí nghiệm trên súc vật, trên chuột lang và mấy con chó này. Sau đó tôi tự thí nghiệm trên bản thân mình, rồi chỉ khi đã tin rằng thứ “bột” đó hoàn toàn không có hại gì, tôi mới đem thí nghiệm với lão Hans. Nhưng như thế chưa phải đã xong xuôi. Chính tôi cũng chưa nghiên cứu hết mọi đặc tính của thứ “bột” đó. Lỡ ăn trong một thời gian dài sẽ có hại cho sức khỏe thì sao? Các bác chớ vội ghen tị với lão Hans. Tôi chưa rõ một tháng nữa món “bột” ấy sẽ thế nào. Có thể nó sẽ hóa chua và không ăn được nữa. Bởi vậy các bác hãy chịu khó chờ ít lâu. Các bác trước đây sống không có thứ “bột” đó, thì nay có thể gắng đợi vài tháng nữa. Tôi hứa sẽ cung cấp cho làng các bác trước tiên, nhưng với điều kiện là nhất thiết phải giữ bí mật, không được nói hở cho các làng chài bên cạnh biết. Nếu tôi thấy rằng dù chỉ thêm một người nữa biết chuyện “bột mì vĩnh cửu”, thì tôi sẽ thủ tiêu món “bột” ở nhà lão Hans và bỏ đi nơi khác ngay. Đó là lời nói cuối cùng của tôi.

– Thưa giáo sư, – Ông giáo nói – nhưng mà…

– Không “nhưng mà” gì hết? – Broie cắt lời.

– Thưa, tôi muốn nói chuyện khác kia. Tôi muốn biết vì sao món “bột” ấy lại tự nở ra được ạ. Tôi là giáo viên nên có lẽ cũng hiểu được.

– Như ông thấy đấy, tôi là giáo sư Trường đại học tổng hợp Berlin mà cũng phải mất bốn mươi năm lao động mới “hiểu” được nó. Biết giải thích với ông thế nào bây giờ? Nếu ông chặt con giun đất ra làm đôi thì hai nửa sẽ mọc ra thành hai con giun mới. Rõ chưa nào? Với món “bột” kia đại khái cũng vậy. Thôi, tôi phải làm việc. Xin chào. Hãy nhớ điều kiện của tôi đấy. Hoặc là chịu khó im lặng và chịu đựng vài tháng rồi ai cũng sẽ có “bột”, hoặc là sẽ chẳng được gì.

Rồi giáo sư gật đầu bỏ vào nhà.

Mấy đại biểu thất vọng giậm chân tại chỗ.

– Thật ngắn và rõ – Ludwig thất vọng thốt lên – Thay cho món “bột”, các vị phải chặt giun đất ra làm đôi. Đem rán một nửa mà chén, còn nửa kia để cho nó tự lớn lên…

– Đấy là nói ví dụ thế thôi. – Ông giáo phản đối.

– Ví dụ mà làm cho người ta no được à? Thí nghiệm với chó và lão Hans thì được. Thế còn chúng ta, chúng ta không đáng để thí nghiệm hay sao? Không được, tôi chẳng để yên chuyện này đâu.

Mấy đại biểu chán nản ra về báo tin buồn bị giáo sư từ chối cho dân làng biết.

Lão Hans trở thành “lái buôn bột”

Cả làng vẫn cứ xôn xao. Ai cũng nghĩ thật chẳng công bằng tí nào khi chỉ một mình lão Hans có món “bột mì vĩnh cửu”. Những người đánh cá họp nhau lại và quyết định tuyên bố “bột” là tài sản chung, cần trung dụng để chia đều cho cả làng. Song Sunster (thượng quan thấy quyết định đó là bất hợp pháp nên cự tuyệt việc thi hành nó. Ludwig và Fris phản đối ra mặt. Hai người thậm chí dám cả gan nói rằng chawgnr cần đếm xỉa đến páp luật, bởi vì khi làm luật, người ta đã biết “bột mì vĩnh cửu” là gì đâu. Tuy nhiên phần lớn mọi người sợ trở thành những kẻ phạm pháp, sợ chuốc vạ vào thân một khi chính quyền trung ương biết được kiểu làm ăn hết sức phi pháp này. Trong một buổi tụ tập như thế, có người đến báo tin rằng kẻ trộm đã hai lần đến đánh cắp một phần “bột” ở nhà lão Hans. Bọn trộm này xem ra cũng có đôi chút lương tâm, vì chúng chỉ lấy mỗi lần ba chục gam thôi.

– Bọn chúng thế mà khôn, – Fris nói – tớ thậm chí chẳng coi việc đó là trộm cắp. “Bột” ấy không thể chỉ thuộc về một người. Tớ đã khẳng định như thế từ lâu rồi mà.

Sau khi Ludwig biết chuyện “bột” mất cắp, hắn cương quyết định thó cho kỳ được một cục “bột” diệu kì ở chỗ lão Hans.

Một đêm tối trời, hắn thủ chiếc thừng vào người rồi đi đến chỗ cây đèn biển. Hắn ném được một đầu thừng có buộc móc câu vào một khe tường rồi bằng hai tay kẻo thừng leo lên đến tận buồng có để “bột”. Lúc hắn thò tay mò mẫm sờ chiếc giá để xuống “bột”, bỗng có con vật gì không biết gào lên một tiếng kinh rợn rồi lao thẳng vào người hắn mà cào vào mặt vào tay. Ludwig hoảng quá rú lên, lùi lại nên trượt chân ngã lăn xuống cầu thang. Thấy động lão Hans mới cầm đèn ra soi xem sao.

Chú làm gì ở đây thế, Ludwig? – Lão hỏi.

– Tôi… Tôi định tóm lấy cái thằng kẻ trộm vừa đánh cắp “bột” của lão. Nhưng hình như nó là quỷ sứ thì phải. Nó lấy móng vuốt cào toạc cả mặt tôi ra đây này.

Ludwig được cái không tin là có ma quỷ nên hắn đề nghị lão Hans đem đèn lên gác trên xem sự thể ra sao. Khi hai người lên đến nơi thì thấy một con mèo đen to tướng đang gầm gừ với họ.

– Kẻ trộm đây ư? – Ludwig kinh ngạc. – Chẳng lẽ lũ mèo cũng khoái món “bột” này à? – Và gã đau đớn nghĩ bụng: “Lũ mèo thì chắc chả phải tính đến thứ luật pháp ngu ngốc làm gì”. Nhưng vì suýt nữa thì bị bắt quả tang phạm tội nên từ đó gã không dám đánh cắp “bột” nữa. Vả lại, câu chuyện chẳng mấy chốc đã xoay sang hướng khác.

Lão Hans có món “bột” không bị đói khát. Nhưng đôi ủng của lão đã tã, bộ quần áo rách như tổ đỉa che sao kín cái thân hình đang ngày một đẫy ra; lão chẳng có củi đóm gì nên đành co ro chịu rét trong lòng cây đèn biển đổ nát. Tóm lại, lão vẫn là một kẻ nghèo hèn, tuy rằng có no bụng.

Bọn nhà giàu trong làng lợi dụng ngay cảnh đó. Họ bắt đầu tranh nhau quyến rũ lão đổi “bột” cho họ để lấy ủng mới, củi và áo lông ấm. Lão Hans khá lâu vẫn khăng khăng không chịu nghe lời phỉnh. Song đến giữa tháng chạp thì những cơn bão tuyết giá lạnh tràn về, lão không chịu đựng được nữa liền đem “bột” đi bán. Bản thân lão cũng đã ăn đẫy bụng rồi, vả lại cơ thể già nua cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều lắm. Mỗi ngày lão Hans không ăn hết một nửa hộp “bột” nên vẫn còn thừa chút ít. Lão bèn đem số “bột” ấy ra thị trường, mỗi ngày bán cho nhà nào đó một ít. Dần dần muốn mua “bột” của lão, người ta phải chờ chán mới tới lượt mình. Càng ngày việc buôn bán ấy càng làm cho lão Hans ham làm giàu. Lão cứ nâng giá lên cao dần, cò kè mặc cả như một tên cho vay nặng lãi thực thụ. Người ta nguyền rủa lão, nhưng vẫn mua của lão. Thế mới khỏi thua chị kém em.

Lão Hans đã say sưa làm giàu thật sự. Lão thậm chí giảm bớt cả khẩu phần ăn hàng ngày của mình để mở rộng việc buôn bán nên có phần gầy sút đi. Nhưng bù vào đó trong nhà lão đã có những chiếc hòm mới đầy quần áo rét quý giá, lò sưởi lúc nào cũng đượm than hồng và chiếc rương nhỏ đựng tiền ngay dưới gầm giường lão cứ ngày một nặng. Chưa đầy hai tháng sau, lão Hans đã trở thành kẻ giàu có nhất làng.

Người lão trẻ ra vì vận may bất ngờ. Bây giờ lão mới thấy sợ chết: lỡ cái tháp đèn biển cũ nát sụp xuống người lão thật sự thì hết đời. Lão bèn tậu một ngôi nhà mới tinh, dọn đến ở đó và thuê một người hầu gái để giặt giũ quần áo lo toan nội trợ và pha cà-phê cho lão uống như “một trưởng giả thực thụ”, bắt chước vị mục sư ở làng bên sáng nào cũng dùng cà-phê kem sữa. Lão Hans còn đặt mua từ ngoài thành phố một chiếc ra-đi-ô kèm theo loa mắc trong phòng, rồi suốt ngày lão chỉ ngồi chễm chệ trong chiếc ghế bành phè phỡn phả khói thuốc mà nghe mọi tin tức xảy ra trên đời. Lão chẳng hề thấy lương tâm cắn rứt tí nào. Thỉnh thoảng có nhớ đến giáo sư Broie thì lão lại nghĩ: “Ta có làm điều gì xấu đâu? Giáo sư nuôi ta ăn, nhưng không cho ta mặc. Vả lại cũng nên nghĩ đến dân làng nữa chứ. Đúng là để một người nắm giữ thứ ‘bột’ đó thì chả công bằng”.

Dân làng cũng lấy làm mãn nguyện. Quả “bột” có hơi ít, người ta phải ăn thêm bánh mì và cá mới đủ. Nhưng món “bột” ấy đúng là chỗ dựa quan trọng về kinh tế.

Chỉ mấy nhà quá nghèo là không đủ tiền mua “bột” mà thôi. Được nghe nói mãi là “bột mì vĩnh cửu” phải trở thành tài sản chung của cả làng, một bác cố nông định biến điều đó thành thực tế mới thò tay vào chiếc hộp đựng “bột” mà người ta vô tình đặt ở một chỗ sơ hở. Không may bác bị bắt quả tang, bị chủ là một gã đánh cá giàu có nện cho một trận nhừ tử và đưa ra tòa về tội ăn cắp. Bác rất ngạc nhiên khi thấy tất cả những người đã mua thứ “bột” đó đều tỏ vẻ căm giận hành động của bác. Bác cố thanh minh bằng cách nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng chính họ đã bảo bác “bột” là tài sản chung của cả làng. Nhưng bác chẳng thuyết phục được một ai.

– Bao giờ “bột” được phát không, – Người ta đốp vào mặt bác – thì nó sẽ là tài sản chung. Tại sao anh muốn xơi không cái thứ “bột” mà chúng tôi đã bỏ tiền ra mới mua được? Người ta phải chài lưới vất vả đầy nguy hiểm mới kiếm ra tiền mua “bột”. Anh đã đánh cắp công sức lao động của chúng tôi, chứ chẳng phải chỉ lấy trộm “bột” thôi đâu.

Và tên trộm đã bị pháp luật nghiêm trị thẳng tay. Cần nói thêm rằng, trong bản án, các vị quan tòa ở làng chài không nói rõ bác cố nông đã lấy trộm thứ “bột” gì. Đám dân chài vẫn cố giữ bí mật về món “bột mì vĩnh cửu” trong phạm vi làng mình. Họ muốn sống sung túc hơn dân chài các làng lân cận. Thêm nữa, họ hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa giáo sư Broie sẽ phát “bột” thỏa thích cho họ. Họ giấu không để giáo sư biết chuyện mua “bột” ở nhà lão Hans. Song chẳng mấy chốc giáo sư đã rõ mọi chuyện. Và cũng không phải riêng mình giáo sư.

Một hôm, Broie đang ngồi trong phòng thí nghiệm của mình thì được người đầy tớ báo cho biết là có một người trẻ tuổi “ăn mặc lịch sự theo kiểu thành thị” đến xin gặp ông. Giáo sư cau mặt. Ông vốn không thích bị quấy rầy khi làm việc. Thế mà bây giờ lại có người khách lạ mặc bộ com-lê hợp mốt nữa.

– Ra bảo tôi đi vắng. – Giáo sư bảo anh đầy tớ Carlo.

– Con đã nói thế. Nhưng anh ta đáp rằng sẽ đợi cho đến khi giáo sư về.

– Thế thì bảo anh ta rằng hôm nay tôi không về. – Giáo sư nổi cáu nói, rồi mải miết làm việc.

Sáng hôm sau, Carlo vào báo rằng người khách lạ hôm qua lại đến và xin được tiếp. Rồi Carlo chìa ra một tấm danh thiếp.

Thấy không thể tránh mặt được người khách hay ám, giáo sư đành thở dài đi ra phòng khách. Một người trẻ tuổi, mày râu nhẵn nhụi, ăn mặc cực kỳ sang trọng, với chiếc kính tròn to tướng trên sống mũi, đứng dậy chào Broie.

– Thưa giáo sư kính mến, – Người khách vội nói – thứ lỗi vì đã quấy rầy sự yên tĩnh của ngài…

– Tôi rất bận nên chỉ có thể dành cho ông năm phút là cùng. – Giáo sư đáp một cách lạnh nhạt.

– Tôi sẽ không phiền ngài lâu. Tôi là phóng viên một tờ báo ở Berlin… – Người trẻ tuổi nói tên một tờ báo lớn. Giáo sư hừ một tiếng khó chịu khi biết đang tiếp xúc với một ký giả. – Tòa soạn giao cho tôi phải trao đổi về phát minh hết sức vĩ đại của ngài…

– Phát minh nào? – Broie cảnh giác hỏi.

– Tất nhiên là phát minh “bột mì vĩnh cửu”. Vì nó sẽ mở ra những triển vọng vô cùng to lớn…

– Thế nào, cả anh cũng biết chuyện “bột mì vĩnh cửu” rồi ư? – Giáo sư đỏ mặt tía tai nói lớn – Làm sao anh biết? Tất cả chỉ là chuyện ngồi lê đôi mách nhảm nhí hết. Tôi chẳng phát minh ra thứ “bột mì vĩnh cửu” nào cả.

Người trẻ tuổi nghe lời nói nóng nảy ấy với một nụ cười bình thản khiến giáo sư càng thêm bực bội.

– Thưa giáo sư kính mến, – Phóng viên nói – có lẽ chúng tôi cũng chẳng hay biết gì về bí mật công trình sáng tạo của giáo sư, nếu không có một trường hợp tình cờ đã giúp chúng tôi. Chuyện ấy xảy ra bấu chấp chúng tôi thôi.

– Trường hợp gì vậy? – Giáo sư hỏi và cảm thấy bí mật của ông quả đã bị tiết lộ.

– Ngài cho lão Hans, một lão già làm nghề đánh cá một phần “bột mì vĩnh cửu” để thí nghiệm. Lão Hans bắt đầu bán thứ “bột” ấy cho dân làng ăn…

– Không thể có chuyện đó! – Giáo sư quát lên.

– Than ôi, đó là sự thật. Lão ta đã phụ lòng tin cậy của ngài. Vợ một người đánh cá đã không chịu nổi, gửi một cục “bột” ấy biếu bà mẹ nghèo đau ốm ở làng bên. Cô con gái thứ hai đang ở với bà cụ ấy viết thư kể cho cậu em mình làm việc ở Berlin biết thứ “bột” thần diệu đó. Người em trai ấy – tình cờ may mắn làm sao! – lại làm nghề chạy giấy ở tòa soạn chúng tôi.

– Thật là sự tình cờ bất hạnh cho tôi? – Giáo sư khẽ thốt lên.

– Bởi vậy tờ báo chúng tôi là tờ báo đầu tiên biết đến phát minh sẽ làm đảo lộn thế giới ấy. Tin đó làm cho mọi người sửng sốt đến mức thú thực rằng chẳng ai tin lời anh chạy giấy cả. Tòa soạn mới cử tôi đến kiểm tra tại chỗ xem sao.

Mọi lý lẽ phủ nhận lúc này đều vô ích. Giáo sư gục đầu xuống.

– Anh nói tiếp đi.

– Đến nơi tôi được biết – tuy thực tình có phải ranh ma đôi chút – rằng sự việc đúng như lời người chạy giấy kể. “Bột mì vĩnh cửu” quả đang tồn tại.

Broie lật đật chạy tới nắm chặt tay phóng viên:

– Anh nghe đây, – Giáo sư hổn hển nói – tôi tha thiết mong ông đừng viết gì cho các báo cả. Thí nghiệm chưa hoàn tất nên không thể công bố ngay được… Điều đó có thể gây ra những tai họa khó lường. Tôi hứa, tôi xin hứa rằng anh sẽ là người đầu tiên được biết phát minh của tôi, một khi tôi thấy có thể công bố nó ra. Tôi sẽ tự tay viết thư cho anh biết.

Người trẻ tuổi mỉm cười thông cảm nhưng lắc đầu từ chối:

– Tiếc rằng không thể như vậy được, thưa giáo sư kính mến. Chúng tôi đã cho đăng một bài. Làm sao chúng tôi có thể chờ đợi được. Các báo khác sẽ nẫng tay trên cái tin tức chấn động hoàn cầu ấy mất!

– Các anh thì chỉ nghĩ đến chuyện gây chấn động – Broie đau đớn nói – Anh chỉ việc viết một bài báo khác nói rằng, qua kiểm tra tại chỗ, đó chỉ là những tin đồn vô lý mà thôi.

– Bây giờ thì muộn rồi. Nhiều phóng viên khác sẽ đổ về đây. Thôi được, để tôi bàn với ông chủ bút và sẽ làm tất cả những gì có thể làm được. Nhưng phải có đi có lại. Xin ngài cho tôi biết vắn tắt vài điều về thực chất phát minh của ngài cũng được. Không phải để đăng ngay lên mặt báo, mà đề phòng trường hợp không ỉm được chuyện này. Để ít nhất thì tòa soạn chúng tôi cũng đăng được đôi điều cụ thể đầu tiên về phát minh của ngài chứ.

Broie xúc động đi đi lại lại trong phòng. Để lấy lòng viên ký giả, ông quyết định thỏa mãn yêu cầu của anh ta. Và ông bắt đầu nói, y như trước đám đông cử tọa, giọng ông bất giác phấn chấn hẳn lên. Còn người phóng viên thì vội giở sổ tay và lấy bút ghi tốc ký những lời giáo sư đang nói.

– Chắc anh cũng biết rằng nhiều nhà bác học từ lâu đã nghĩ đến việc sáng chế ra thứ “bánh mì nhân tạo” trong phòng thí nghiệm. Nhưng tất cả các nhà khoa học đó đều đi theo một con đường sai lầm khi nghĩ rằng chỉ có thể giải quyết được vấn đề ấy bằng sức mạnh của riêng môn hóa học thôi.

Hóa học là một khoa học vĩ đại và có sức mạnh phi thường, nhưng mỗi khoa học đều có giới hạn của nó. Chẳng hạn, ví thử các nhà hóa học có chế được protein theo lối hóa học, – mà sớm hay muộn tất nhiên người ta cũng sẽ thành công – thì vấn đề thức ăn vẫn chưa giải quyết được đâu. Vấn đề số một là ý nghĩa thực tiễn. Các nhà bác học đã chế được vàng bằng phương pháp hóa học, thực hiện ước mơ của các nhà luyện đan ngày xưa muốn biến kim loại thường thành kim loại quý Nhưng giá thành một gam vàng chế trong phòng thí nghiệm đắt bằng mấy giá thị trường so với một gam vàng tự nhiên. Về mặt khoa học thì đó là một phát minh vĩ đại, nhưng về mặt thực tiễn, chỉ là con số không. Vấn đề thứ hai là thức ăn của chúng ta, ngoài protein ra, còn phải có gluxit và lipid nữa. Về phương diện hóa học, chế ra mọi thứ cần thiết để nuôi sống cơ thể là vấn đề có thể giải quyết được nhưng cực kỳ khó khăn với trình độ hiểu biết hiện nay của chúng ta. Và thế là tôi đã nhờ đến sự giúp đỡ của khoa sinh học. Cơ thể sống cũng giống như một phòng thí nghiệm, nơi diễn ra những quá trình hóa học kỳ lạ nhất, nhưng đó là phòng thí nghiệm không cần sự tham gia của bàn tay con người. Mấy chục năm trước, tôi đã nghiên cứu việc cấy các sinh vật nguyên sinh, mong nuôi lớn một loại “giống” có đủ các chất cần thiết để sống. Tôi đã thành công việc đó đúng hai mươi năm về trước.

– Hai mươi năm? Và ngài im lặng hoàn toàn ư? – Phóng viên kinh ngạc thốt lên.

– Vâng, tôi im lặng vì cái đó mới giải quyết được một mặt của vấn đề. Các sinh vật nguyên sinh ấy của tôi là một món ăn tuyệt diệu. Thuộc loại đơn bào, chúng sinh sản theo kiểu phân chia tế bào, và về mặt này cũng là “bột mì vĩnh cửu”. Nhưng muốn bảo đảm sự sống “vĩnh cửu” cho chúng, phải hết sức săn sóc và nuôi dưỡng đặc biệt. Điều đó tốn kém bằng mấy chuyện nuôi lợn chẳng hạn. Tóm lại vàng điều chế trong phòng thí nghiệm của tôi đắt hơn vàng thường. Và hai chục năm qua tôi dành hoàn toàn cho việc tìm kiếm cách nuôi cấy sinh vật nguyên sinh không cần phải tốn kém gì hết.

– Thế ngài đã tìm ra chưa?

– Tìm ra rồi. Nhưng tôi nhắc lại rằng thí nghiệm chưa hoàn tất. Vì vậy, tôi khẩn khoản yêu cầu hoãn việc công bố lại ít lâu nữa. Tôi đã tìm ra và nuôi dưỡng bằng cách nhân tạo một “loại” đơn bào nguyên sinh có thể hấp thụ mọi chất cần thiết ngay trong không khí để tự sống.

– Ngay trong không khí! – Người trẻ tuổi không kìm được sự thán phục, lại thốt lên – Nhưng không khí thì cho ta được thức ăn gì? Nó chỉ có khí ni-tơ và ô-xy thôi mà…

– Cả argong lẫn hidro, – Giáo sư nói tiếp – cả neon lẫn kryton, cả helium lẫn xenon nữa chứ. Nhưng ngoài các nguyên tố cố định ấy ra, trong khí quyển còn có một lượng nhất định hơi nước, khí carbonic, axit nitric, ozon, clo, amoniac, brom, hidro peroxit, iot, hidro sunfua, clorua natri, các nguyên tố xạ khí như radi, thori và actini, rồi lại thêm bụi vô cơ và phải nhớ vững vàng trong khí quyển có bụi hữu cơ tức là vi khuẩn. Đó chính là “thịt” rồi. Có đúng không khí là món ăn ngon lành không nào.

Người phóng viên bỏ cả viết, ngạc nhiên nhìn giáo sư. Anh ta chưa bao giờ nghĩ rằng cái thứ không khí “trống rỗng” lại có thành phần phức tạp đến thế.

– Đúng là trong cái kho không khí quanh ta, không phải thứ gì cũng ăn sống được. Nhưng các sinh vật nguyên sinh của tôi sẽ hấp thụ những gì cần lấy, chế biến chúng trong cơ thể mình rồi cung cấp cho ta một món ăn tuyệt diệu.

Có lẽ giáo sư sẽ còn say sưa nói mãi nếu như chính người phóng viên không ngắt lời ông. Anh ta không nén được nữa, đứng vụt dậy, cất sổ tay vào túi và vừa vò đầu vừa chạy lung tung trong phòng.

– Kỳ lạ quá, thật không sao hiểu nổi? Đây là một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Không còn đói khát, nghèo khổ, hết cả chiến tranh, hằn thù giai cấp…

– Mong sao được như vậy – Giáo sư nói – Nhưng tôi chẳng hy vọng thế đâu. Người ta bao giờ cũng tìm ra được lý do để cãi lộn nhau. Ngoài bánh mì ra, người ta còn cần có quần áo để mặc, nhà cửa để ở, ô-tô để đi, rồi nghệ thuật, rồi danh vọng nữa chứ.

– Nhưng phát minh của ngài vẫn vĩ đại lắm! Thế ngài định sử dụng nó ra sao?

– Tất nhiên tôi sẽ không đem ra buôn bán đầu cơ như lão Hans. “Bột mì vĩnh cửu” phải trở thành tài sản chung của mọi người.

– Ồ tất nhiên! Ngài không chỉ là một nhà bác học. Ngài là một con người tuyệt diệu. Ngài… Ngài là ân nhân của loài người! Xin phép được bắt tay ngài.

Và người trẻ tuổi xiết chặt tay giáo sư Broie.

– Xin anh nhớ cho lời hứa của mình. – Giáo sư nói lúc chia tay.

– Ồ, tất nhiên rồi! Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể và không thể được.

Rồi anh ta chạy vút ra khỏi phòng.

“Ôi biết bao triển vọng! – Anh ta nghĩ bụng khi vội vã ra bến tàu. – Và… có thể viết thành bao nhiêu dòng, bao nhiêu bài báo, kiếm được bao nhiêu tiền nhuận bút…”.

Còn giáo sư Broie lúc ấy ngồi trong phòng làm việc giữa vô số bình lọ thí nghiệm và nghĩ đến bao chuyện khó chịu đang đợi ông ở phía trước.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button