Chuyên ngành

Tư Duy Logic

tu-duy-logic-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK TƯ DUY LOGIC

Tác giả : D.Q.McInery

Download sách Tư Duy Logic ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH CHUYÊN NGÀNH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

(Cho bản tiếng Việt)

Bạn đọc thân mến!

Triết gia, nhà khoa học người Pháp Rene Descartes đã từng nói: “Có trí óc tốt vẫn chưa đủ, quan trọng là phải sử dụng tốt nó.” Thật vậy! Những thao tác so sánh, phân tích, liên tưởng, phán đoán, suy luận,… vốn bẩm sinh trong não bộ của tất cả mọi người nhưng không phải ai cũng vận hành chúng một cách hoàn hảo. Chúng sẽ trở thành công cụ đắc lực cho công việc và cuộc sống của bạn nếu được bồi dưỡng và phát triển đúng hướng. Rèn luyện và nâng cao các kỹ năng tư duy không dễ dàng nhưng không phải là không thể.

Trong cuốn Tư duy logic, bạn sẽ có được những nền tảng thiết yếu để hiểu và vận dụng các quy tắc tư duy logic như một lợi thế trong cuộc sống hàng ngày.

Tư duy logic khác với bất kỳ cuốn giáo trình logic học nào bạn từng đọc, tính logic của nó thể hiện ngay từ cấu trúc nội dung chặt chẽ và ở cách trình bày ngắn gọn, rõ ràng. Bạn sẽ gặp lại những kiến thức logic cơ bản như khái niệm, mệnh đề, lập luận, ngụy biện,… nhưng bằng lối dẫn dắt mạch lạc và giản dị. Mỗi vấn đề logic được cụ thể hóa nhờ những phân tích thấu đáo, những ví dụ thiết thực và những bình luận sâu sắc từ trải nghiệm và hiểu biết của nhà triết học McInerny.

Dưới sự dẫn lối của logic, bạn sẽ biết cách đưa ra những kết luận đúng đắn và xây dựng những lập luận chặt chẽ thuyết phục người nghe. Thú vị hơn, bạn sẽ có thêm cái nhìn mới, từ cấu trúc lý thuyết cho tới tình huống thực tiễn của các bẫy ngụy biện thường mắc phải mà không hay biết.

Logic không đơn thuần là những khái niệm và công thức khô khan, nó thật sự là một nghệ thuật. Hãy để McInerny đưa bạn vào thế giới logic đầy kỳ thú và bất ngờ ấy!

Lời tựa

Logic là lối tư duy rành mạch và hiệu quả. Nó vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Mục tiêu của cuốn sách này là giới thiệu những nguyên tắc cũng như những kỹ năng cơ bản liên quan đến khoa học – nghệ thuật logic.

Chúng ta đều biết những người thông minh không phải lúc nào cũng toả sáng nếu thiếu tư duy logic. Họ có khả năng tư duy rành mạch và hiệu quả nhưng khả năng đó không biểu hiện đều đặn. Rất có thể họ chưa từng được bồi dưỡng khả năng tư duy logic một cách đúng đắn do lỗ hổng trong hệ thống giáo dục. Thực chất, logic là xương sống của nền giáo dục chân chính nhưng nó lại hiếm khi được giảng dạy trong nhà trường Hoa Kỳ. Theo cá nhân tôi, logic chính là mảnh ghép còn thiếu trong hệ thống giáo dục, là môn học nền tảng cho những môn học khác, từ Anh văn đến Lịch sử, Khoa học hay Toán học.

Khi đọc cuốn sách này, vài độc giả, đặc biệt là những người lần đầu tìm hiểu về logic, có thể sẽ có cảm giác ngao ngán khi nhìn thấy những từ ngữ chuyên ngành hay những ký hiệu thường được sử dụng trong logic. Đừng bỏ cuộc bởi những ấn tượng ban đầu đó. Tôi đã nỗ lực trình bày những nội dung khô cứng một cách đơn giản và dễ hiểu nhất. Tuy nhiên, tôi cũng tránh sa vào sự giản dị thái quá. Một thứ logic đơn giản quá mức không còn là một logic nữa. Vài bạn đọc khác sẽ bỏ qua những điều tưởng như hiển nhiên được nhấn mạnh. Đúng là trong cuốn sách này, tôi có chủ ý đề cao việc nhấn mạnh những điều hiển nhiên. Trong logic cũng như trong cuộc sống, cái hiển nhiên mới là cái cần được nhấn mạnh vì chúng thường bị bỏ qua. Nếu tôi nhấn mạnh những điều đã quá rõ ràng và thường chọn những quan điểm rành mạch thay vì những quan điểm ngầm ẩn, đó là vì tôi trung thành với quy tắc sư phạm lâu đời rằng giả định càng ít càng an toàn.

Nhìn tổng thể, logic là một lĩnh vực sâu rộng và đa dạng đến tuyệt vời. Tôi sẽ rất mãn nguyện nếu các độc giả của mình sau khi đọc xong cuốn sách nhỏ này không còn cảm giác xa lạ với logic nữa. Còn mục tiêu trực tiếp của tôi lại rất khiêm tốn. Tuy cuốn sách không phải là một chuyên luận về lý thuyết logic học, cũng không phải là một cuốn giáo trình về logic nhưng tôi vẫn không thôi hy vọng nó được đón nhận trong các lớp học. Mục tiêu chủ yếu của tôi là viết một cuốn cẩm nang thực hành, trình bày những nguyên tắc cơ bản phù hợp với những người lần đầu tìm hiểu về logic. Tư duy logic hướng đến mục tiêu sinh ra những thực hành gia chứ không phải những lý thuyết gia – những người không chỉ hiểu mà còn vận dụng được các quy tắc logic.

Để đạt được kết quả thực tiễn tối đa cho cuốn sách, tôi sử dụng lối văn phong giản dị, thường đối thoại trực tiếp với độc giả, đôi khi là giọng điệu chỉ thị rõ ràng khi cần hướng dẫn, nhấn mạnh. Tôi chia logic thành năm giai đoạn, được trình bày thành năm phần, giai đoạn sau được xây dựng dựa trên giai đoạn trước. Phần Một mang tính chuẩn bị và đưa ra cấu trúc tư duy đúng đắn – nền tảng không thể thiếu để thực hành tư duy logic. Trong phần Hai và Ba, phần trọng tâm của cuốn sách, chúng ta sẽ đi sâu vào lãnh địa của logic học. Phần Hai giải thích những chân lý nền tảng chi phối tư duy logic, phần Ba tập trung vào lập luận – biểu hiện rõ ràng nhất của tư duy logic. Trong phần Bốn, tôi bàn đến thái độ và cấu trúc trí tuệ hình thành lối tư duy phi logic. Cuối cùng, phần Năm tập trung vào những dạng đặc biệt của tư duy phi logic – các ngụy biện.

Lời cuối cùng, tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ và đánh giá cao với cuốn sách rất sắc sảo The Elements of Style (Tạm dịch: Các yếu tố của văn phong) của hai tác giả William Strunk, Jr. và E. B. White. Cuốn sách đã gợi nguồn cảm hứng cho Tư duy logic. Những gì tôi cố gắng đạt được trong cuốn sách này không thể sánh được với thành tựu độc nhất vô nhị của Strunk và White, nhưng tôi hy vọng Tư duy logic thành công trong chủ đề tư duy ở một mức độ nào đó như thành công mà Các yếu tố của văn phong đã đạt được trên lĩnh vực sáng tác. Ước muốn tha thiết nhất của tôi là cuốn sách này thuyết phục thành công các độc giả về tầm quan trọng của logic trong thực tiễn. Hy vọng cuốn sách này sẽ giúp độc giả nhận thức đúng về sự đồng hành của cảm giác hạnh phúc và tư duy logic.

ĐỌC THỬ

1. Lưu tâm

Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta hay phạm sai lầm trong lý luận là do không dành đủ quan tâm cho các tình huống mình gặp phải. Điều này lại càng đúng với những tình huống quen thuộc. Sự quen thuộc chính là nguyên nhân khiến chúng ta bất cẩn khi đánh giá. Chúng ta hiểu sai tình huống vì chúng ta chỉ nhìn lướt qua, trong khi đáng ra phải xem xét chúng kỹ càng. Thông thường, chúng ta cho rằng một tình huống quen thuộc là sự lặp lại của một tình huống tương tự chúng ta từng trải nghiệm. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khắt khe hơn, sẽ không bao giờ có những tình huống lặp lại. Mỗi tình huống đều độc nhất vô nhị và chúng ta cần phải thừa nhận tính chất này.

Cụm từ “lưu tâm” nói lên nhiều điều. Nó nhắc chúng ta rằng sự lưu tâm nào cũng có cái giá của nó. Lưu tâm đòi hỏi phản ứng chủ động và nhanh nhạy trước mọi đối tượng, ở mọi nơi, trong mọi tình huống. Không thể cùng lúc vừa hoàn toàn lưu tâm vừa thụ động. Đừng chỉ nhìn, hãy quan sát. Đừng chỉ nghe, hãy lắng nghe. Hãy luyện tập để bạn tập trung hơn vào các chi tiết. Đừng bỏ qua những điều nhỏ bé vì chính chúng sẽ dẫn ta đến với những điều lớn hơn.

2. Nhìn thẳng vào thực tại

Thực tại là những gì hiện đang tồn tại thực tế xung quanh chúng ta. Nó tồn tại khách quan và độc lập trong cách nhìn nhận của chúng ta.

Có hai loại thực tại khách quan cơ bản là sự vật và sự kiện. Sự vật là một thực thể tồn tại như động vật, rau quả hay khoáng sản. Còn sự kiện là sự việc có ý nghĩa ít nhiều quan trọng đã xảy ra. Nhà Trắng là một ví dụ của loại thực tại thứ nhất, và vụ mưu sát tổng thống Abraham Lincoln là loại thứ hai. Loại thứ nhất căn bản hơn loại thứ hai vì sự kiện được tạo thành từ các sự vật hay hành động của các sự vật. Ví dụ một buổi ăn tối trọng thể được tổ chức tại Nhà Trắng. Sự kiện này không thể xảy ra nếu không có sự tồn tại của thực tại đầu tiên và trước nhất là Nhà Trắng, cùng vô số những thực tại khác nữa. Để có thể xác minh tính chân thực của một sự kiện, cần quan tâm tới vô số những sự vật cụ thể khác.

Để xác định liệu thực tại có phải là một sự vật hay không, tất cả những gì bạn cần làm là đến viếng thăm nó. Nếu nó thực sự tồn tại, nó phải ở đâu đó. Hãy giả định bạn có thể đến được đúng địa điểm, có thể xác minh tính chân thực của nó bằng cách quan sát. Ví dụ như trong trường hợp của Nhà Trắng. Để xác minh đó là một thực tại chứ không đơn thuần là một ảo tưởng, bạn hãy đến thăm thành phố Washington và ở đó bạn có thể tận mắt thấy Nhà Trắng. Đó chính là cách trực tiếp và tin cậy nhất để khẳng định tính chân thực. Nhưng bạn cũng có thể tin tưởng những chứng cứ gián tiếp. Ví dụ, lời nói của những nhân chứng đáng tin cậy hay một bức ảnh chụp cũng đủ để xác minh Nhà Trắng thực sự ở Washington.

Nhưng còn sự kiện mưu sát Tổng thống Lincoln thì sao? Chúng ta nói đó là một thực tại. Nhưng bằng chứng nào đảm bảo cho tuyên bố đó? Sự kiện này đã kết thúc và không còn nhân chứng sống nào để chứng thực. Hiển nhiên là chúng ta không chứng kiến sự kiện này, do đó không cần phải bàn đến chứng cứ trực tiếp. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ tiếp cận qua những sự vật đóng vai trò là chứng cứ gián tiếp. Ví dụ, chúng ta có thể tham khảo những tài liệu tin cậy (báo cáo của cảnh sát, giấy chứng tử, v.v..), bài tường thuật trên báo, hình ảnh, hồi ký, nhật ký, và những tài liệu khác trong Hồ sơ Quốc hội. Tất cả những tài liệu đó đều đáng tin cậy và có những lý giải hợp lý cho tính xác thực của vụ mưu sát Lincoln. Dựa trên tính chân thực của những sự vật này, chúng ta xác minh được tính hiện thực của sự kiện. Và từ đó, một sự thực lịch sử cũng dễ dàng được xác nhận.

Một thực tại có thể được nhìn nhận theo hướng khách quan hay chủ quan. Cả sự vật và sự kiện đều là những thực tại khách quan. Chúng tồn tại công khai và được tất cả mọi người tiếp cận. Còn thực tại chủ quan chỉ giới hạn trong bản thân chủ thể trải nghiệm chúng. Cơn đau đầu là một ví dụ về thực tại chủ quan. Nếu tôi đang bị đau đầu thì tôi có bằng chứng trực tiếp về tính chân thực của nó. Nhưng nếu bạn đang bị đau đầu, tôi chỉ có thể xác minh nó qua những bằng chứng gián tiếp. Việc xác minh những thực tại chủ quan hoàn toàn dựa trên niềm tin vào lời nói của người đang trải nghiệm.

Cách nhìn nhận thực tại của chúng ta được tổng kết lại như sau: Nếu một thực tại là sự vật có thể tiếp cận được thì cách chắc chắn nhất để xác minh tính chân thực là xem xét sự tồn tại của nó. Chúng ta sẽ thu được bằng chứng trực tiếp về sự vật đó. Nếu không tìm được bằng chứng trực tiếp, chúng ta phải kiểm tra chặt chẽ tính xác thực và đáng tin cậy của bất kỳ bằng chứng gián tiếp nào. Dựa trên nền tảng đó, chúng ta mới có kết luận chắc chắn về tính chân thực của sự vật.

Chúng ta rất ít khi được trải nghiệm những sự kiện công khai quan trọng. Có nghĩa là trong hầu hết các trường hợp, chúng ta phải dựa vào các bằng chứng gián tiếp. Khi xác minh tính chân thực của các sự kiện thông qua bằng chứng gián tiếp, chúng ta phải xem xét chúng kỹ càng như khi xác minh tính chân thực của các sự vật thông qua bằng chứng gián tiếp. Tất cả đều phụ thuộc vào tính chất xác thực và đáng tin cậy của dữ liệu nguồn.

Khi chủ thể tự trải nghiệm, thông thường, một thực tại chủ quan được tự chứng thực. Tuy nhiên, với cơ chế tự dối mình hoặc hợp lý hoá, ai cũng có thể sai lầm, ngay cả việc nhìn nhận về chính bản thân mình.

Sự xác minh tính chân thật của một thực tại chủ quan của người khác hoàn toàn dựa trên niềm tin dành cho người đó. Vì vậy, trước hết bạn phải kiểm tra độ thành thực của người đó, càng kỹ càng tốt.

3. Khái niệm và khách thể của khái niệm

Mỗi khái niệm phản ánh một hay nhiều sự vật tồn tại độc lập và riêng biệt với nhận thức của chúng ta. Khái niệm là sự phản ánh chủ quan một thực tại khách quan. Do đó, những khái niệm rõ ràng là những khái niệm phản ánh chân thực trật tự khách quan từ nguyên bản của chúng. Ngược lại, những khái niệm không rõ ràng lại tái hiện thế giới khách quan đã biến dạng.

Sự thật là chúng ta không thể kiểm soát toàn bộ các khái niệm. Điều này không có nghĩa là chúng ta bất lực trước những khái niệm không rõ ràng. Để chắc chắn rằng các khái niệm luôn rõ ràng, chúng ta phải cẩn trọng khi nghiên cứu mối quan hệ giữa khái niệm và khách thể của nó. Nếu mối quan hệ giữa khái niệm và khách thể gượng ép, sợi dây liên kết chúng mỏng manh thì đó là một khái niệm không rõ ràng.

Sẽ là ảo tưởng nếu chúng ta muốn hiểu thế giới chỉ thông qua các khái niệm. Đó chỉ là những khái niệm của riêng chúng ta mà thôi. Chúng chỉ là phương tiện, không phải đích đến của nhận thức. Chúng kết nối ta với thế giới. Các khái niệm càng rõ ràng thì “lực nối” càng mạnh. Cách hiệu quả nhất để chúng ta làm rõ các khái niệm là nhìn xuyên suốt từ khái niệm tới các khách thể tương ứng.

4. Hãy lưu tâm tới nguồn gốc của các khái niệm

Theo quy luật tự nhiên, chúng ta có khuynh hướng ưu ái những khái niệm của bản thân mình. Dù thế nào, chúng cũng là những đứa con, những quan điểm của chính chúng ta. Nhưng những quan điểm chỉ khả dĩ với chủ thể tư duy khi tồn tại sự tương tác giữa chủ thể này với thế giới. Rốt cuộc, các khái niệm tồn tại được là nhờ các sự vật bên ngoài độc lập với tâm trí, cái chúng ta gọi là thực tại khách quan.

Các khái niệm của chúng ta rất rõ ràng, và nhận thức của chúng ta về chúng cũng vậy. Nhưng các khái niệm đó chỉ rõ ràng khi chúng ta theo dõi được những sự vật mà chúng phản ánh. Trọng tâm luôn phải hướng tới nguồn gốc của các khái niệm trong thế giới khách quan. Chúng ta không thể hiểu thấu đáo những khái niệm nếu cho rằng chúng không xuất phát từ thực tại hay tồn tại cùng thực tại bên ngoài.

Chúng ta càng tách biệt các khái niệm khỏi nguồn gốc khách quan thì độ tin cậy của chúng càng thấp. Sợi dây liên kết giữa trật tự chủ quan và khách quan trở nên căng thẳng và nếu chúng ta đẩy tình trạng này đi quá xa, sợi dây này sẽ đứt. Khi đó, chúng ta đã tự tách mình ra khỏi thế giới khách quan. Thay vì nhìn thế giới như chính nó, chúng ta lại thấy một thế giới phản chiếu, thế giới do tâm trí chúng ta tự sản sinh ra.

Khi bàn tới việc “xác minh một thực tại,” chúng ta thường xét đến sự tồn tại của một khái niệm trong tâm trí. Như đã biết, khái niệm trong tâm trí là một thực tại chủ quan còn thực tại mà chúng ta đang muốn xác minh là thực tại khách quan. Để làm được điều đó, chúng ta phải mở rộng tầm mắt, nhìn ra nguồn gốc của các khái niệm trong thế giới khách quan. Với một khái niệm cụ thể, tôi sẽ xác minh được thực tại khách quan nếu tôi chắc chắn rằng có một thực tại bên ngoài tương ứng với tâm trí của tôi. Ví dụ, trong tâm trí tôi có khái niệm “con mèo”. Đối ứng với khái niệm đó là những sự vật gọi là mèo trong thế giới bên ngoài. Nhưng tôi có thể có một khái niệm khác do tôi tự đặt tên là “quái vật đầu người, mình ngựa” và không tìm thấy một thực tại đối ứng nào ở thế giới bên ngoài. Rốt cuộc, khái niệm “quái vật đầu người, mình ngựa” là một thực tại chủ quan vì nó chỉ tồn tại như một khái niệm trong tâm trí tôi.

5. Khớp khái niệm với thực tại

Có ba thành phần cơ bản tạo nên nhận thức con người: thứ nhất, một thực tại khách quan (ví dụ: một con mèo); thứ hai, khái niệm về con mèo; thứ ba, từ ngữ mà chúng ta gán vào khái niệm, cái chúng ta dùng để giao tiếp với những người khác (từ “con mèo”). Tất cả đều bắt đầu từ con mèo. Nếu không có con mèo thực nào thì sẽ không có khái niệm nào về chúng, và càng không có từ ngữ nào miêu tả khái niệm đó. Tôi vẫn phải nhấn mạnh lại quan điểm tổng quát: các khái niệm (những thực tại chủ quan) chỉ rõ ràng, hoàn thiện khi chúng phản ánh các thực tại khách quan. Chúng ta vừa nói rằng tất cả khái niệm đều bắt nguồn từ thế giới khách quan. Giờ đây, chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng hơn mối liên hệ từ khái niệm đến thế giới khách quan vì không phải lúc nào chúng cũng đơn giản. Thêm nữa, chúng ta phải đối diện với câu hỏi: Tại sao lại tồn tại những khái niệm huyền hoặc?

Đôi khi vẫn tồn tại mối tương quan trực tiếp giữa khái niệm và thực tại khách quan. Ví dụ: khái niệm về con mèo. Chúng ta gọi đây là một khái niệm “đơn giản”. Đối ứng với khái niệm “con mèo” của tôi là một thực thể đơn lẻ cụ thể trong thế giới bên ngoài – loài thú có lông kêu meo meo mà chúng ta gọi là con mèo. Kiểm tra tính xác đáng của một khái niệm đơn giản là chuyện khá dễ dàng vì chúng ta chỉ cần dựa vào một sự vật. Khái niệm của tôi về con mèo rõ ràng và hoàn chỉnh nếu nó tham chiếu đến con mèo thực trong thế giới.

Chúng ta sẽ đặt khái niệm “phức tạp” cho những sự vật không tồn tại quan hệ một-đối-một giữa khái niệm và sự vật. Ở đó, tồn tại một hay nhiều quan hệ đối ứng. Dạng khái niệm này có nhiều hơn một nguồn gốc trong thế giới khách quan. Hãy xem xét khái niệm “dân chủ”. Liệu nó có phải là một khái niệm rõ ràng hay hoàn chỉnh không? Có chứ, ít nhất là ở dạng tiềm năng. Khái niệm “dân chủ” rõ ràng, hoàn chỉnh khi chúng ta có thể liên hệ nó với thế giới khách quan. Nhưng cần kết hợp quá nhiều sự vật trong thế giới khách quan để tạo thành ý nghĩa phong phú của khái niệm này: con người, sự kiện, hiến pháp, luật định, những thể chế trong quá khứ và hiện tại. Nếu tôi trao đổi với những người khác về khái niệm dân chủ, nó còn liên quan tới những điểm chung giữa tôi và họ, hay chính những sự vật sự việc là nguồn gốc của khái niệm dân chủ trong thế giới khách quan. Để khái niệm của mình không sa vào chủ nghĩa chủ quan đơn thuần và không thể chia sẻ với những người khác, tôi phải duy trì mối liên kết với những thực tại khách quan, nơi khái niệm được sinh ra.

Vậy thế nào là những khái niệm huyền hoặc (không rõ ràng và hoàn chỉnh)? Một khái niệm không rõ ràng hay không hoàn chỉnh khi chúng xa rời và không còn liên quan đến nguồn gốc trong thế giới khách quan. Không có khái niệm nào, kể cả những khái niệm kỳ lạ nhất, có thể hoàn toàn cắt đứt mối liên hệ với thế giới khách quan. Nhưng có khái niệm xa cách với thế giới đến mức sợi dây liên hệ rất khó thấy hoặc không thể thấy được. Những khái niệm huyền hoặc có thể cung cấp nhiều thông tin, không phải về thế giới khách quan mà về quan điểm chủ quan của người sở hữu nó, vì chúng không phản ánh thế giới một cách trung thực. Những khái niệm huyền hoặc không tự nhiên mà có. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về chúng. Bởi vì chúng sinh ra từ chính sự bất cẩn của chúng ta khi không quan tâm đúng mức tới những đặc tính liên quan tới khái niệm, hay tệ hơn, chúng là sản phẩm của hành động chủ tâm khước từ thực tại khách quan của chúng ta.

6. Khớp ngôn từ với khái niệm

Như đã thấy, đầu tiên là sự vật, sau đó là khái niệm, và cuối cùng là từ ngữ. Nếu những khái niệm của chúng ta phản ánh chân thực sự vật, chúng cũng sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu bộ trang phục ngôn từ chính xác. Điều kiện để một khái niệm được mọi người thấu hiểu là chúng phải được diễn giải bằng ngôn từ chính xác. Chọn từ ngữ đúng cho các khái niệm không phải là quá trình vô thức mà đôi khi cũng đầy thử thách. Không ít lần chúng ta rơi vào tình cảnh muốn nói nhưng không tìm được từ để nói.

Làm thế nào để bảo đảm ngôn từ phù hợp với các khái niệm cần truyền đạt? Chúng ta phải tìm hiểu nguồn gốc của các khái niệm – giống với quá trình xác minh tính rõ ràng và hoàn chỉnh của các khái niệm. Thông thường sẽ không thể tìm được từ ngữ đúng cho một khái niệm nếu chúng ta không hiểu tường tận khái niệm đó. Khi nào khái niệm được làm sáng tỏ bằng cách tra cứu nguồn gốc trong thế giới khách quan, từ ngữ đúng sẽ đến với chúng ta.

Đôi khi từ ngữ và khái niệm là một cặp đôi hoàn hảo. Theo đó, sẽ có một hôn ước giữa từ ngữ và sự vật, vì nếu sự vật được phản ánh chân thực trong khái niệm và từ ngữ biểu thị chính xác khái niệm thì chắc chắn từ ngữ sẽ miêu tả sự vật kia một cách trung thực. Điều này là dễ dàng với những khái niệm đơn giản. Nếu tôi nói, “Tượng đài làm bằng đá hoa cương,” và tượng đài mà tôi nói đến thực tế làm bằng đá hoa cương thì trong từ “đá hoa cương” tôi đã kết hợp hoàn hảo khái niệm với sự vật mà nó phản ánh. Nhưng mọi chuyện không còn dễ dàng khi vấp phải những khái niệm phức tạp. Quy tắc chung vẫn không thay đổi: để đảm bảo việc sử dụng ngôn từ chính xác, hãy quay về với thực tại khách quan – yếu tố nền tảng để giải nghĩa cho từ ngữ đó.

Khi nỗ lực sử dụng ngôn từ để diễn tả chính xác khái niệm, mục tiêu trên hết của chúng ta là: sắp xếp từ ngữ sao cho chúng truyền tải chính xác hiện thực khách quan đến người nghe. Ngôn ngữ không những cần phù hợp với khái niệm mà còn phải ăn khớp với những khái niệm rõ ràng và hoàn chỉnh. Ví dụ tôi say sưa khẳng định sự tồn tại của Lilliput và cung cấp đủ thứ khái niệm về nó. Tôi có thể tìm ra hàng tá từ ngữ biểu đạt những khái niệm này cho bạn nhưng tất cả những gì mớ từ ngữ này làm là thể hiện trí tưởng tượng của tôi chứ không phải hiện thực của thế giới. Chúng thể hiện thực tại chủ quan thay vì thực tại khách quan.

7. Giao tiếp hiệu quả

Ngôn ngữ và logic gắn bó bền chặt với nhau. Điều này sẽ sáng rõ hơn khi chúng ta nhìn lại mối quan hệ giữa khái niệm và từ ngữ. Dù đây vẫn là điểm khiến các chuyên gia còn tranh luận nhưng có vẻ như ai cũng nhận ra mình có thể giữ một khái niệm trong tâm trí mà không cần một từ ngữ chính xác cho nó. Chỉ tới khi nào muốn truyền đạt khái niệm đến người khác, chúng ta mới buộc phải sử dụng từ ngữ. Và như đã nhắc đến ở trên, từ ngữ càng biểu đạt chính xác khái niệm thì hoạt động giao tiếp càng rõ ràng và hiệu quả.

Khớp từ ngữ với khái niệm là bước đầu tiên và căn bản nhất trong giao tiếp. Bước tiếp theo là sắp xếp các khái niệm lại với nhau để tạo thành những phát biểu mạch lạc. Nếu tôi nói “con chó” hoặc “con mèo,” bạn sẽ có tâm thế chờ đợi để nghe nội dung tiếp theo. Bạn sẽ thắc mắc tôi muốn nói gì về chó hay mèo. Qua lời nói của tôi, bạn biết rõ những khái niệm nhưng không biết tôi định cung cấp thông tin gì về chúng. Tôi chỉ mới đơn thuần nhắc đến các khái niệm mà chưa nói gì về chúng. Các khái niệm mang nội dung khi chúng được sắp xếp thành phát biểu và có thể tạo nên phản ứng đồng tình hay phản đối từ người nghe. Hãy để ý xem! Nếu ai đó chỉ đơn thuần nói từ “mèo,” sẽ không có nhiều nội dung để phản hồi lại “Đúng rồi” hay “Sai rồi.” Nhưng nếu ai đó nói “Con mèo đang ở trong nhà xe” thì những phản hồi như trên là thích hợp. Phát biểu mà ta vừa nhắc đến có một ý nghĩa đặc biệt trong logic. Nó là một biểu thức ngôn ngữ chấp nhận phản hồi “đúng” hoặc “sai.”

Từ ngữ được xem là những viên gạch nền tảng xây dựng nên ngôn ngữ, còn logic lại bắt đầu từ mệnh đề. Bởi vì chỉ với mệnh đề mới đặt ra câu hỏi về tính đúng sai và logic sẽ xác định cái gì đúng và phân biệt nó với cái sai. Đôi khi để xác định tính đúng sai của một mệnh đề, ngay cả những mệnh đề rõ ràng cũng là việc khó khăn. Nhưng nếu chúng ta gặp khó khăn trong việc hiểu nội dung của mệnh đề thì khó khăn sẽ càng chồng chất hơn. Bởi vì trước hết chúng ta phải tìm ra ý nghĩa của mệnh đề rồi chuyển sang bước quan trọng là xác định tính đúng sai của nó. Do đó, giao tiếp rõ ràng, hiệu quả là rất quan trọng.

Hiệu quả giao tiếp sẽ không tốt nếu thiếu đi tư duy rành mạch. Tôi khó lòng giải thích minh bạch một khái niệm cho bạn nếu tôi chỉ hiểu lờ mờ về nó. Thế nhưng nắm rõ các khái niệm vẫn không bảo đảm cho một phát ngôn rành mạch. Hiểu rất rõ những khái niệm đang muốn nói đến vẫn không đạt được thành công trong giao tiếp nếu bạn không biết cách truyền đạt chúng rõ ràng.

Dưới đây là một vài nguyên tắc cơ bản hoạt động giao tiếp đạt hiệu quả:

Đừng mặc định rằng người nghe hiểu ý bạn nếu bạn không nói rõ ràng

Với những chủ đề càng phức tạp thì nguyên tắc này càng trở nên quan trọng. Đôi khi chúng ta cứ đinh ninh rằng người nghe đã có những thông tin nền tảng cần thiết để hiểu đúng chủ đề mà mình đang nói, nhưng thực tế, người đó có thể vẫn còn lạ lẫm với thông tin ấy. Nếu họ còn hoài nghi, hãy giải thích rõ những thông tin nền tảng. Nói quá nhiều vẫn tốt hơn là nói quá ít.

Sử dụng những câu hoàn chỉnh

Loại câu mà logic quan tâm nhiều nhất là câu trần thuật. Một câu trần thuật giống như một phát ngôn (còn được gọi là “mệnh đề” trong logic). Nếu tôi nói “Chó rùa,” “Sự rớt giá của chứng khoán trong tháng Bảy,” “Mặt tiền tòa nhà đá vôi Indiana,” bạn có thể đoán rằng tôi định kết hợp vài khái niệm nào đó lại với nhau nhưng không biết tôi làm bằng cách nào. Bởi vì tôi chưa xây dựng được những phát biểu trọn vẹn. Tôi cần phải nói những câu hoàn chỉnh như: “Con chó cắn con rùa,” “Chứng khoán rớt giá trong tháng Bảy khiến Julian phiền muộn,” “Mặt tiền công trình đá vôi Indiana bị huỷ hoại bởi những kẻ ngu dốt chuyên phá hoại các công trình văn hoá.”

Đừng xem những phát biểu đánh giá như những phát biểu về thực tại khách quan

“Toà nhà Pearce nằm ở góc đường Main và Adams” là một phát biểu về thực tại khách quan. Những phát biểu kiểu này không đúng thì sai. “Toà nhà Pearce xấu xí” là một phát biểu đánh giá. Những phát biểu kiểu này kết hợp cả yếu tố khách quan và chủ quan. Những phát biểu đánh giá không tạo ra các phản hồi đúng/ sai đơn thuần. Chúng ta không nên đưa ra những phản hồi vô căn cứ. Nhưng chúng ta lại thường coi một phát biểu đánh giá như một phát biểu về thực tại khách quan. Những phát biểu đúng với thực tại khách quan không thể đem ra tranh luận nhưng những phát biểu đánh giá thì có thể. Để mọi người chấp nhận một phát biểu đánh giá của mình, tôi phải biện hộ cho nó.

Tránh phủ định kép

Trong tiếng Tây Ban Nha, các phủ định kép có tác dụng nhấn mạnh tính phủ định trong câu. Trong tiếng Anh, phủ định kép huỷ bỏ tính phủ định và biến câu trở thành khẳng định (trong tiếng Việt cũng vậy). Hiện tượng này đôi khi khiến ta bối rối, vì câu có hình thức phủ định nhưng thực ra lại là câu khẳng định. Để tránh lối diễn đạt rối rắm và mập mờ đó, không nên sử dụng lối phủ định kép. Thay vì nói: “Không chắc là cô ấy sẽ không được chào đón,” hãy nói: “Cô ấy sẽ được chào đón.”

Hãy sử dụng ngôn ngữ phù hợp với người nghe

Nếu bạn là một nhà vật lý học đang thảo luận về nguyên lý bất định với đồng nghiệp trong một hội thảo chuyên ngành, bạn có thể tự do sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành. Nhưng nếu được yêu cầu giải thích nguyên lý này cho một nhóm không phải các nhà vật lý, bạn nên lựa chọn ngôn từ và cách trình bày dễ hiểu nhất có thể. Đừng sử dụng những biệt ngữ chỉ để gây ấn tượng với mọi người. Mục tiêu của bạn là giao tiếp. Hai thái cực chúng ta cần tránh là nói giọng kẻ cả hay giọng hiểu biết với người khác.

Một điểm quan trọng cần lưu ý là ngôn ngữ của chúng ta chỉ phù hợp với người nghe khi chúng ta thực sự hiểu họ. Do đó, việc đầu tiên bạn phải làm là tìm hiểu về tư chất, lai lịch của đối tượng mà bạn cần nói chuyện càng nhiều càng tốt.


 

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button