Chuyên ngành

Nói Với Người Bạn Tu Học

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Duy Nhiên

Download sách Nói Với Người Bạn Tu Học ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Tâm Linh – Tôn Giáo

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Quyển sách này đã được xuất bản trước đây với tựa đề Hạnh phúc và con đường tu học. Trong ấn bản mới này tác giả đã có những bài viết mới bổ sung.

Nói với người bạn tu học gồm có 17 bài viết ngắn của tác giả nó giống lời nhắn nhủ nhẹ nhàng mà lại rất sâu sắc. Những bài viết như là lời giải đáp của tác giả dành cho những bạn mới tu học giúp các bạn hiểu được cái bản chất cốt lõi, thực sự của Phật giáo. Hóa giải những hiểu lầm về Phật giáo thường gặp. Ví như hạnh phúc của con người là gì? Như thế nào để đạt được hạnh phúc? Sống trong thực tại và sống ở thực tại có gì khác nhau không? Đạo Phật làm cho một quốc gia không thể trở nên giàu có và phú cường, con người trở thành thụ động và yếm thế có phải chăng? Tu có phải là dẹp hết ham muốn không? Tu có phải là từ bỏ sự nghiệp, đi ngược lại với sự tiến bộ của xã hội? Tất cả sẽ được sáng tỏ, những điều bạn còn băn khoăn trăn trở khi muốn dứt bỏ những phiền muộn cuộc sống để tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn?

Và đặc biệt tác giả không chỉ đưa ra những vấn đề mà còn gợi mở cho chúng ta những hướng đi mà chính tác giả đã gặp và trải qua.

Quyển sách này đã được xuất bản trước đây với tựa đề Hạnh phúc và con đường tu học. Trong ấn bản mới này, tác giả đóng góp nhiều bài viết mới, chia sẻ thêm về những nhận thức và kinh nghiệm tu học của mình.

KÍNH GỞI THẦY AM CHỦ CỐC KHÔNG TÊN

Thầy vẫn khỏe chứ, tu viện trên ấy bây giờ ra sao rồi, thưa Thầy? Có gì đổi thay không? Năm nay, dường như trời vào Thu sớm hơn mọi năm. Chắc lối đi xuống ngôi cốc nhỏ của thầy mỗi sáng mây mù che kín. Những ngày không mây, trời bên ấy vẫn cao, gió vẫn lộng? Và mỗi đêm dải Ngân Hà vẫn trải khắp bầu trời khuya?

Tôi thì vẫn vậy, có đời sống bận rộn và những hạnh phúc của một người với đời sống gia đình. Những ngày lên sống ở tu viện, tôi thấy có những thênh thang, những thong dong, có mây và gió bay ngang trời. Trên ấy có những điều kiện mà dưới này chúng tôi không thể có. Nhưng thật ra, có lẽ nơi đâu cũng vậy. Vấn đề là mình có mở lòng ra mà tiếp nhận những gì đang có mặt hay không mà thôi, phải không Thầy?

Sáng nay, tôi nghĩ Thầy cũng có chút thời giờ và thong thả. Trời tu viện rộng và đẹp, buổi sáng này mây ngoài biển đã kéo vào chưa? Thôi, xin mời thầy hãy vào cốc Trăng Lên, nhóm thêm chút củi, đốt lửa cho ấm. Trời trên ấy mùa này chắc lạnh rồi. Mời Thầy đun nước và pha một tách trà thơm. Buổi sáng nay, miền này cũng đã vào Thu, trời lành lạnh. Tôi sẽ đi pha một ly cà phê nóng, khoác thêm một chiếc áo, ra sau sân nhà ngồi nơi chiếc bàn gỗ nhỏ giữa trời lá Thu, có vài chuyện muốn được chia sẻ với Thầy.

ĐỌC THỬ

1TUỔI TRẺ VÀ TU HỌC

Sau khóa tu vừa rồi trở lại tu viện Thầy làm gì? Hỏi vậy thôi, chứ tôi biết việc Thầy nhiêu khê, bận rộn hết đủ mọi chuyện. Có biết bao việc đang chờ đến bàn tay của Thầy.

Khóa tu năm nay chúng ta thấy có nhiều người trẻ đến tham dự hơn mọi năm. Nói trẻ vậy chứ tuổi của những người ấy cũng bằng chúng tôi. Họ cũng có gia đình và sự nghiệp hết rồi, và phần lớn cũng bắt đầu có những quan tâm đến vấn đề tu học cho thế hệ sắp tới. Nhưng không hiểu sao, bao giờ thì chúng tôi cũng vẫn cứ nghĩ mình là còn trẻ!

TUỔI TRẺ CỦA HÔM QUA

Thường thường trong những khóa tu học, các bác đến tham dự bao giờ cũng đông hơn lứa tuổi của chúng ta. Năm ngoái, khi đi dự khóa tu của Sư Ông, có một bác đứng lên đặt câu hỏi rằng, bác thấy số người đến tham dự khóa tu đa số thuộc tuổi già, nếu mai này thế hệ của bác không còn nữa, thì có ai còn đi tu học nữa không? Bác thao thức, không biết ta phải nên làm gì để khuyến khích tuổi trẻ, giúp cho họ thấy được những ích lợi của sự tu học?

Thắc mắc của bác khiến tôi cũng tự hỏi, có thật rằng khi thế hệ chúng ta đi qua rồi, sẽ không còn ai nghĩ đến chuyện tu học như bác nghĩ không? Thật ra, vấn đề bác nêu ra là vấn đề chung của mọi thế hệ, chứ không phải chỉ riêng cho thế hệ chúng ta ngày nay. Tôi nghĩ đó là một mối băn khoăn, thao thức chung từ xưa đến giờ.

Thế nhưng, tại sao qua nhiều thế hệ, ở bất cứ thời điểm nào, những người lớn tuổi tìm đến nương tựa vào một đời sống tâm linh vẫn có mặt, vẫn đông, mà không bao giờ thiếu vắng đi? Họ là ai, phải chăng họ cũng chính là những người trẻ của ngày hôm qua! Và vòng xoay ấy sẽ tiếp tục, những người trẻ của ngày hôm qua, lại băn khoăn cho đời sống tâm linh của người trẻ ngày hôm nay!

Tôi nghĩ, cái gì là chân thật thì bao giờ cũng vẫn sẽ tồn tại, phải thế không Thầy! Tôi không bao giờ sợ nó bị mất đi. Nhưng điều chúng tôi có thể làm, là mang sự tu học đi vào cuộc đời, đến với những người bạn trẻ trong thời đại này, giúp cho họ có được một đời sống tâm linh đầy đủ hơn, một cuộc sống hạnh phúc hơn. Chừng nào khổ đau còn có mặt trong cuộc đời, chừng ấy tôi nghĩ vấn đề tu học sẽ vẫn còn là cần thiết cho tất cả mọi lứa tuổi.

ĐI TÌM MỘT HẠNH PHÚC CHÂN THẬT

Những người trẻ đến với khóa tu, Thầy nghĩ họ tìm kiếm những gì? Phần lớn họ đều là những người cũng đã có gia đình và sự nghiệp vững vàng. Họ đến với những khóa tu có những kỳ vọng gì? Trong khóa tu Thầy bận rộn hướng dẫn nhóm của các bác, còn tôi có dịp được ngồi chia sẻ với với các anh chị trẻ. Đời sống vật chất của những người bạn ấy đâu phải là thiếu thốn, và sự nghiệp của họ đâu thể gọi là thất bại. Nhưng trong những dịp trao đổi tôi đã học được rất nhiều. Tôi hiểu rằng, trong cuộc đời này không phải hạnh phúc nào cũng là một hạnh phúc thật sự. Và có lẽ họ đến đây chỉ với bấy nhiêu đó thôi, muốn đi tìm một cái gì chân thật, một hạnh phúc không biến đổi với thời gian.

Chúng tôi cũng có dịp đi tham dự những khóa tu học của người Tây phương, những khóa tu này được hướng dẫn thực tập theo giáo lý của đạo Phật. Tôi nhận thấy ở xã hội này, số người vào lứa tuổi của chúng ta đi tham dự rất đông, đông hơn các bác lớn tuổi. Sự kiện ấy có nhiều lý do khác nhau! Nhưng tôi nghĩ, một trong những lý do ấy, là vì phương pháp tu tập của đạo Phật có thể giúp họ giải quyết được những khổ đau của mình, một cách rất cụ thể và không nặng phần tín ngưỡng.

Tham dự những khóa tu này tôi mới thấy rõ sự có mặt của khổ đau trong một xã hội văn minh, giữa một đời sống quá đầy đủ trên mọi phương diện vật chất. Họ là những người tương đối thành công trong cuộc đời, nhưng vẫn cảm thấy rất cô đơn, và bên trong có những vết thương rất sâu đậm. Khi đời sống nghèo khó và túng thiếu, mình có thể hy vọng rằng nếu được giàu có và đầy đủ hơn, ta sẽ bớt khổ đau. Nhưng đối với một người đã có đầy đủ hết rồi, họ còn biết đặt kỳ vọng vào đâu! Những người ấy đến với các khóa tu và sự thực tập để mong tiếp xúc được với một cái gì sâu sắc hơn, chân thật hơn là những gì họ đang có trong tay.

CUỘC SỐNG VỚI NHỮNG BẤT NGỜ

Ở đây mỗi tháng chúng tôi có một ngày thực tập chung với nhau gọi là ngày quán niệm. Ngày ấy là một khóa tu một ngày được tổ chức trong một khung cảnh yên tĩnh, gần thiên nhiên. Nơi đây chúng tôi chọn một nơi chốn, cũng là một trung tâm tu học ở xa thành phố, không gian rất trong mát.

Buổi sáng, trong giờ thiền hành, chúng tôi thường đi ngang qua một bàn thờ nhỏ trong chánh điện, có đặt những tấm hình của những người đã mất. Sau giờ thiền hành, tôi thường đến đứng yên trước chiếc bàn nhỏ này, nó nhắc nhở tôi về sự vô thường và phù du của cuộc sống. Trên bàn thờ có rất nhiều gương mặt thật trẻ, yêu đời, đầy sự sống, ánh mắt của họ nhìn vào tương lai đầy hứa hẹn. Những người ấy cũng đã như tôi, cũng từng có những ước vọng, lo âu, họ cũng có những người thương và kẻ ghét, những ngày vui, và những nỗi buồn. Và bây giờ họ đang ở đâu? Mạc đãi lão lai phương học đạo, cô phần đa thị thiếu niên nhân “Chớ để khi già mới học đạo Nghĩa trang đầy mộ kẻ đầu xanh”. Hãy nhìn đi, đừng đợi tuổi già rồi mới học đạo, những nấm mộ cô độc ngoài nghĩa trang phần lớn là của người trẻ. Mà chúng ta cũng có mấy ai là còn trẻ đâu!

Life changes fast.

Life changes in the instant.

The ordinary instant.

You sit down to dinner and life as you know

it ends.

Cuộc sống thay đổi thật nhanh.

Cuộc sống thay đổi trong phút chốc.

Trong một giây lát bình thường.

Ta ngồi xuống buổi ăn chiều

và cuộc sống mà ta vẫn thường biết,

chấm dứt.

Bà Joan Didion viết những dòng ấy trong nhật ký của mình. Vào một chiều mùa đông, sau khi hai vợ chồng bà vừa mới trở về từ nhà thương thăm đứa con gái đang bị hôn mê. Hai người đang sửa soạn cho buổi ăn chiều. Lúc ấy, chồng bà bất ngờ bị một cơn động tim dữ dội, và ông qua đời trên đường chở vào bệnh viện. Trong một giây lát bình thường, cuộc đời của bà đã hoàn toàn thay đổi.

Trong giây phút thôi, có những cuộc sống đầy hy vọng, đầy sinh lực bỗng mãi mãi bị hoàn toàn biến đổi, chỉ trong một phút chốc. Có ai thật sự biết được việc gì sẽ xảy ra cho mình buổi sáng này không!

2DANH TỪ TU HỌC

Có người đề nghị chúng ta nên chọn một tên gọi khác cho những khóa tu, thay vì gọi là khóa tu học. Chữ Tu học đối với một số người, nhất là những người mới, hoặc chưa quen, họ bảo nghe thấy nặng nề quá. Họ nói, nó gợi lên những hình ảnh khắc khổ, lập dị, và có vẻ trốn tránh cuộc đời.

Tôi có một người bạn theo Thiên Chúa giáo, khi những người bạn của chị nghe nói chị sắp đi dự khóa tu học, họ ngạc nhiên và sợ lắm. Họ thắc mắc nghĩ là mình phải có khổ đau hay vấn đề gì ghê gớm lắm mới phải đi tu học vậy! Người ta thường liên tưởng một khóa tu với lại những sinh hoạt gò bó, nghi thức khắc khổ. Thầy nghĩ sao? Thật ra đó cũng có thể là một sự hiểu lầm, phải không Thầy!

HẠNH PHÚC VÀ CON ĐƯỜNG TU HỌC

Có thể họ nghĩ rằng, tu tập thì nhất định cần phải chịu cực khổ, và có thể họ đã có những kinh nghiệm như vậy. Nhưng thật ra, tu học không nhất thiết có nghĩa là mình phải khắc khổ. Mục đích của sự tu học không phải là để người ta cảm thấy cuộc đời khổ đau hơn, mà ngược lại là cuộc đời này có nhiều điều kiện hạnh phúc hơn.

Nhưng thành kiến thì không dễ gì mà thay đổi. Tôi nghĩ, mục đích của những khóa tu thật ra không gì khác hơn là giúp các thiền sinh tiếp xúc và chuyển hóa những khổ đau của chính mình. Sự chuyển hóa ở đây phải là một sự chuyển hóa sâu sắc, tận gốc rễ của khổ đau. Thật ra, ta không thể chuyển hóa khổ đau bằng cách thay đổi, hay trốn tránh hoàn cảnh được, mà với một nhận thức và thái độ đúng đắn của mình. Sự chuyển hóa sẽ xảy ra tự nhiên, nếu như chúng ta có được một cái thấy trong sáng đối với thực tại, với những gì đang thật sự xảy ra.

Thầy đã có dịp đi hướng dẫn nhiều khóa tu trong những năm qua, chắc Thầy cũng đã thấy được điều ấy. Có nhiều người, sau khóa tu đã cảm nhận được một sự thay đổi lớn, họ có thể mở rộng lòng mình ra và tiếp xúc được với những hạnh phúc đang có mặt chung quanh. Họ đã có thể ôm lại được một người thân yêu của họ. Chứng kiến những sự thay đổi ấy đem lại cho chúng ta một niềm tin. Không có việc gì là dễ, nhưng con đường ngàn dặm cũng phải bắt đầu bằng một bước chân nhỏ bé. Hạnh phúc của ta cũng được bắt đầu từ một nụ cười nhỏ trên môi.

KHÔNG GIAN YÊN TĨNH VÀ RỘNG MỞ

Mỗi năm chúng ta vẫn thường cố gắng tổ chức một vài khóa tu học nhiều ngày. Chúng ta chọn những địa điểm có một khung cảnh thiên nhiên, yên tĩnh và rộng rãi. Cả năm sống trong thành phố ồn ào, đầy khói bụi, giờ được trở về hít thở không khí trong lành giữa miền đồng quê cũng là một thay đổi tốt rồi. Trời đất nơi này cao rộng, xanh mát và nằm giữa thiên nhiên, có bóng mát của cây cỏ, của trời, của mây và của nước. Về đây rồi thì bụi đỏ cũng thôi bay.

Có nhiều người đề nghị chúng ta nên tổ chức những khóa tu ở gần thành phố hơn, chọn những nơi mà các thiền sinh có thể đi về dễ dàng, và thuận tiện cho sự di chuyển hơn. Nhưng chúng ta biết rằng sự tu tập và chuyển hóa đôi khi cũng cần không gian và thời gian. Thật ra, nơi đó không cần phải thật xa thành phố, nhưng nếu được nên có một không gian rộng rãi và an tĩnh. Chúng ta cần có một không gian và thời gian riêng biệt, để giúp mình thật sự sống và thật sự có mặt với khóa tu. Nơi đây, chúng ta cùng đi thiền hành trên những ngọn đồi cỏ, trên cao có trời xanh mây trắng, mỗi bước chân của ta làm dậy những làn gió nhẹ. Hoặc cùng ngồi với nhau thành từng nhóm nhỏ bên bờ suối trong, chia sẻ những quan tâm, ưu tư của mình với thầy, với bạn.

Và tôi cũng ý thức được rằng, tuy môi trường chung quanh có thể trợ giúp ta trong vấn đề tu học, nhưng đó cũng chỉ là những điều kiện bên ngoài, và có giới hạn. Dù chúng có tốt đẹp đến đâu. Quan trọng hơn vẫn là tấm lòng rộng mở và thái độ trong lành của mình. Khi ta cùng sống với nhau bằng tình thương, biết buông bỏ những thành kiến, biết lắng nghe với một tấm lòng rộng mở, thì khổ đau nào mà còn có thể có mặt được!

Mà Thầy có một đề nghị nào để thay thế cho chữ Tu Học chưa? Thật ra thì tôi thấy việc ấy cũng không cần thiết lắm. Tôi chỉ bắt chước đức Phật trả lời với những người bạn ấy rằng “Hãy đến đi rồi sẽ thấy!” Tên gọi nào rồi cũng có những giới hạn và những khiếm khuyết của nó. Chúng ta chỉ có thể đến tiếp xúc và rồi tự mình kinh nghiệm cho chính mình mà thôi.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button