Review

Tâm Lý Học Đám Đông

Thể loại Chuyên ngành – Tâm lý
Tác giả Gustave Le Bon
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 251
Ngày xuất bản 12-2015
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Gustave Le Bon (1841 – 1931) là nhà tâm lí học xã hội nổi tiếng người Pháp với lí thuyết về đám đông. Ông viết về nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp đương thời.

Le Bon tập trung nghiên cứu về tính cách và tinh thần của các dân tộc, những ưu thế và quá trình phát triển của các chủng tộc. Ông đặt lên hàng đầu khái niệm vô thức tập thể mà chính Freud đã thừa nhận vai trò của nó đối với các nghiên cứu về phân tâm học của mình. Le Bon cho rằng con người được xác định bởi những nhân tố sinh học và tâm lí học. Chủng tộc cũng núp bóng trong mỗi cá nhân cấu thành một dân tộc; nó chi phối mọi hành động, mọi ham muốn, mọi xung năng của anh ta, nó tạo nên vô thức tập thể của anh ta.

Trong khi đó, thời đại của Le Bon đã chứng kiến bản chất di truyền của chủng tộc bị lung lay với sự lớn mạnh của đám đông và những bất ổn về chính trị, xã hội. Ông đã trải nghiệm qua Công xã Paris năm 1871 và nghiên cứu rất kỹ về cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 và 1848. Những trải nghiệm ấy mang lại kinh nghiệm thực tiễn cho việc hình thành tư tưởng về đám đông của ông. Tư tưởng ấy được thể hiện rõ rệt nhất trong tác phẩm Tâm lí học đám đông.

Theo Le Bon, những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng; họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất.

Ngày nay, lí thuyết của Le Bon vẫn chịu một số chỉ trích. Ông được coi là người đặt nền móng cho chủ nghĩa quốc gia hiện đại. Nhưng dù thế nào đi nữa thì Le Bon cũng chỉ là “con đẻ” của thời đại ông. Nỗi lo sợ về nạn bạo lực, sự hoành hành, chứng khủng bố của những đám đông thể hiện rất rõ trong lí thuyết của ông. Ông dường như đã quá phóng đại về nguy cơ bạo lực và sự vô lí của đám đông. Tuy vậy, cuốn sách này thực sự là tác phẩm quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng thời đại của Le Bon nói chung cũng như tâm lí học hiện đại nói riêng.

Trong khi đọc cuốn sách này, xin độc giả lưu ý rằng cụm từ chủ nghĩa xã hội (socialisme) mà Le Bon nhắc đến ở đây có hàm ý là chủ nghĩa xã hội không tưởng đã tồn tại từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX ở Tây Âu, chứ không đồng nghĩa với khái niệm chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx và Engels mà Lenin đã vận dụng để xây dựng nên Liên bang Xô viết và trở thành nền tảng tư tưởng của phe xã hội chủ nghĩa được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

[taq_review]

Trích đoạn

Thời đại của những đám đông

Sự tiến triển của thời hiện tại. – Những thay đổi lớn của văn minh là kết quả của những thay đổi trong tư tưởng của các dân tộc. – Niềm tin mới vào sức mạnh của đám đông. – Nó biến đổi chính trị truyền thống của những Nhà nước. – Sự lên ngôi của các tầng lớp bình dân xảy ra như thế nào và sức mạnh của tầng lớp ấy tác động ra sao. – Hậu quả tất yếu của sức mạnh những đám đông. – Chúng chỉ thực hiện chức năng của kẻ phá hoại. – Chính nhờ đám đông mà tiến trình tan rã của các nền văn minh già cỗi mới kết thúc được. – Sự thiếu hiểu biết chung về môn tâm lí học đám đông. – Tầm quan trọng của việc nghiên cứu đám đông đối với những nhà lập pháp và các chính khách.

Những đảo lộn to lớn xảy ra trước những thay đổi của các nền văn minh, như sự sụp đổ của Đế chế La Mã và việc thành lập Đế chế Ả Rập, mới thoạt nhìn, hình như được quyết định chủ yếu do những biến đổi chính trị to lớn: ngoại bang xâm lược, các triều đại bị sụp đổ. Nhưng một nghiên cứu chăm chú tỉ mỉ hơn về những biến cố này cho thấy rằng đằng sau những nguyên nhân bề mặt, thường có nguyên nhân thực sự là sự biến đổi sâu sắc trong tư tưởng của các dân tộc. Những đảo lộn lịch sử thực sự không phải là những đảo lộn làm chúng ta ngạc nhiên vì mức độ lớn lao và bạo liệt của chúng. Chỉ những thay đổi quan trọng, nơi sinh ra sự đổi mới cho các nền văn minh mới là những gì diễn ra trong tư tưởng, quan niệm và niềm tin. Các biến cố đáng nhớ của lịch sử là hiệu quả có thể thấy được của nhiều thay đổi không thể nhìn thấy trong tư tưởng con người. Sở dĩ những biến cố lớn lao ấy rất hiếm khi biểu lộ, đó là vì ở một chủng tộc chẳng có gì bền vững hơn nền tảng di truyền trong tư tưởng của nó.

Thời hiện tại là một trong những thời điểm quyết định, vì đó là lúc tư tưởng con người đang trong tiến trình tự biến đổi.

Có hai nhân tố cơ bản làm nền tảng cho sự biến đổi này. Nhân tố thứ nhất là sự phá huỷ niềm tin tôn giáo, chính trị và xã hội, vốn là nguồn cội sinh ra mọi yếu tố của nền văn minh chúng ta. Nhân tố thứ hai là sự sáng tạo ra những điều kiện sinh tồn và suy tưởng hoàn toàn mới, kết quả của những phát kiến mới trong khoa học và công nghiệp hiện đại.

Những tư tưởng của quá khứ, dù đã bị phá huỷ phân nửa, vẫn còn rất mạnh, và những tư tưởng phải thế chỗ cho chúng thì đang hình thành, nên thời hiện đại biểu thị một giai đoạn quá độ và vô chính phủ.

Từ giai đoạn này, dĩ nhiên có phần hỗn độn, thật không dễ để nói giờ đây cái gì có thể nảy sinh. Sẽ có các tư tưởng cơ bản nào để trên đó xây dựng những xã hội nối tiếp xã hội của chúng ta? Chúng ta vẫn chưa biết được. Nhưng, ngay từ lúc này, điều chúng ta đã thấy rõ, đó là để tổ chức chúng, cần phải tính tới một sức mạnh mới, tối cao của thời hiện đại: quyền lực của những đám đông. Trên đống đổ nát của biết bao tư tưởng, được coi là chân lí trước đây nhưng nay đã chết, của biết bao quyền lực mà các cuộc cách mạng đã liên tiếp đập tan, thì quyền lực của đám đông là cái độc nhất vượt lên, và nó hình như sớm được giao cho sứ mệnh hấp thu hết những quyền lực khác. Trong khi mọi niềm tin cổ xưa đều chao đảo và biến mất, những cột trụ già cỗi của xã hội lần lượt sụp đổ thì quyền lực của đám đông là lực lượng duy nhất chẳng gì đe doạ nổi và uy thế của nó ngày càng lớn lên. Thời đại mà chúng ta đang bước vào sẽ thực sự là THỜI ĐẠI CỦA NHỮNG ĐÁM ĐÔNG.

Chỉ mới một thế kỉ trước đây thôi, đường lối chính trị truyền thống của các Nhà nước và sự đối nghịch giữa các vua chúa vẫn là nhân tố chính của những biến cố. Ý kiến của những đám đông ít có giá trị, và thậm chí thường chẳng có chút giá trị gì. Còn ngày nay, truyền thống chính trị, khuynh hướng cá nhân của các nhà cai trị, sự đối nghịch giữa họ lại không còn quan trọng nữa, trái lại, chính tiếng nói của đám đông đã trở nên có ưu thế hơn. Tiếng nói ấy áp đặt cho vua chúa cách hành xử, và vua chúa có nhiệm vụ phải nghe theo nó. Số phận của các quốc gia không còn được sắp đặt trong những hội đồng của các ông hoàng nữa, mà ở trong tâm hồn của những đám đông.

Sự lên ngôi của các giai cấp bình dân trong đời sống chính trị, nghĩa là, trên thực tế, họ đã dần dần biến đổi thành giai cấp lãnh đạo, là một trong những đặc điểm nổi bật của thời đại quá độ của chúng ta. Thực ra, việc phổ thông đầu phiếu, được thực hiện từ lâu nhưng ít có ảnh hưởng, không phải là đặc điểm đánh dấu sự lên ngôi của giai cấp bình dân như ta vẫn tưởng. Việc dần nảy sinh quyền lực đám đông thoạt tiên được bắt đầu bằng sự phổ biến một số tư tưởng từ từ du nhập vào tâm trí con người, rồi từng bước liên kết những cá nhân để dẫn tới việc hiện thực hoá các quan niệm lí thuyết. Chính thông qua liên kết mà những đám đông cuối cùng đã hình thành nên tư tưởng, nếu chưa thật xác đáng thì ít ra cũng dứt khoát về quyền lợi và có ý thức về sức mạnh của mình. Những đám đông thành lập các nghiệp đoàn mà mọi giới có thẩm quyền đều phải lần lượt đầu hàng, các hiệp hội lao động nhằm điều tiết những điều kiện lao động và tiền công, bất chấp mọi quy luật kinh tế. Họ gửi vào các cơ quan chính phủ những đại biểu không giữ ý kiến riêng và sự độc lập cá nhân nữa mà thường chỉ còn là những người phát ngôn cho các uỷ ban đã lựa chọn mình.

Ngày nay những yêu sách của đám đông càng ngày càng rõ rệt và không dẫn đến điều gì khác hơn là phá huỷ toàn bộ xã hội hiện tại, để đưa nó về chủ nghĩa cộng sản nguyên thuỷ, trạng thái thông thường của mọi nhóm người trước buổi bình minh của văn minh. Hạn chế giờ lao động, trưng thu hầm mỏ, đường sắt, nhà máy và đất đai; chia đều sản phẩm, loại trừ mọi tầng lớp trên vì quyền lợi của các giai cấp bình dân v.v… Đó là các yêu sách.

Thiếu khả năng suy luận, ngược lại đám đông đủ khả năng hành động. Qua sự tổ chức hiện thời, sức mạnh của đám đông trở nên to lớn vô cùng. Những tín điều mà ta thấy đang nảy sinh chẳng mấy chốc sẽ có sức mạnh như những tín điều xưa cũ, nghĩa là sức mạnh chuyên chế và tối thượng không được phép bàn cãi. Luật thiêng của đám đông sẽ thay thế luật thiêng của vua chúa.

Các nhà văn ủng hộ tầng lớp tư sản hiện thời, những người đại diện tốt nhất cho tầng lớp này, tầng lớp có tư tưởng chật hẹp, đầu óc thiển cận, chủ nghĩa hoài nghi hơi thô thiển, tính ích kỉ đôi khi hơi quá đáng, thì gần như điên lên trước cái quyền lực mới đang lớn mạnh. Và để đấu tranh chống lại sự hỗn loạn của tâm trí con người, các nhà văn này đã tuyệt vọng kêu gọi tới sức mạnh tinh thần của Nhà thờ mà xưa kia họ vốn coi thường. Họ nói với chúng ta rằng khoa học đã phá sản, và trở về từ La Mã với lòng sám hối, họ nhắc nhở chúng ta những bài học về chân lí đã được thần khải. Nhưng những kẻ quy đạo mới này quên là đã chậm quá mất rồi. Nếu thực sự ơn phước đã chạm tới họ, thì ơn phước cũng không có quyền năng như thế đối với những linh hồn chẳng mấy bận tâm đến bao lo lắng đang ám ảnh các tân tín đồ này. Ngày nay, những đám đông không còn thích các thần thánh mà ngày xưa chính họ cũng không thích và từng góp phần vào đập phá. Không có sức mạnh thần thánh hoặc con người nào có thể bắt những dòng sông chảy ngược về nguồn.

Khoa học không hề bị phá sản và không dính gì tới tình trạng vô chính phủ trong tinh thần con người hiện tại, cũng chẳng dính gì tới quyền lực mới đang lớn lên giữa tình trạng vô chính phủ này. Khoa học đã hứa hẹn cho chúng ta chân lí, hay ít nhất cho ta sự nhận thức về những quan hệ mà trí tuệ của chúng ta có thể nắm bắt; nó không bao giờ hứa hẹn cho chúng ta hoà bình và hạnh phúc. Vô cùng thờ ơ với tình cảm của chúng ta, khoa học không nghe lời than vãn của chúng ta. Chính chúng ta phải cố gắng sống với khoa học, bởi vì chẳng gì có thể phục hồi những ảo tưởng đã bị nó phá huỷ.

Những triệu chứng phổ biến, thấy được ở mọi quốc gia chỉ cho ta thấy rõ sự tăng nhanh quyền lực của những đám đông, và không cho phép ta giả định rằng quyền lực này sắp phải ngừng lớn lên. Dù nó mang lại cho ta điều gì, ta cũng đành phải chịu.

Mọi biện luận chống lại quyền lực của đám đông chỉ là những ngôn từ vô ích. Hẳn có thể sự lên ngôi của đám đông đánh dấu một trong những chặng đường cuối cùng của các nền văn minh Tây phương, một sự quay hẳn về những thời kì vô chính phủ hỗn tạp, vốn hình như bao giờ cũng phải xảy ra trước khi khai sinh một xã hội mới. Nhưng chúng ta làm thế nào để ngăn cản nó?

Cho đến nay, vai trò rõ ràng nhất của đám đông là tạo ra những cuộc phá huỷ to lớn đối với các nền văn minh đã quá già cỗi. Thực thế, không phải chỉ ngày hôm nay, vai trò này mới xuất hiện trên thế giới. Lịch sử cho ta biết rằng khi những lực lượng tinh thần làm nền móng cho một nền văn minh đã mất hết ảnh hưởng, thì sự tan rã cuối cùng sẽ được thực hiện bởi những đám đông vô thức và tàn nhẫn, được gọi khá chuẩn xác là những kẻ dã man. Cho đến nay, những nền văn minh chỉ được tạo ra và được dẫn dắt bởi một nhóm nhỏ quý tộc trí thức, chứ không bao giờ bởi những đám đông. Đám đông chỉ có sức mạnh để phá hoại. Sự thống trị của đám đông bao giờ cũng biểu thị một thời kì dã man. Một nền văn minh bao hàm những quy tắc cố định, kỉ luật, sự chuyển từ bản năng sang lí trí, có viễn kiến về tương lai, một trình độ cao về văn hoá, những điều kiện mà đám đông, phó mặc cho chính mình, luôn tỏ ra tuyệt nhiên không thể thực hiện nổi. Do sức mạnh duy nhất chỉ là phá hoại, đám đông tác động như loài vi trùng, đẩy nhanh sự tan rã của những cơ thể ốm yếu hay những thây ma. Khi toà lâu đài của một nền văn minh đã bị mục ruỗng, thì bao giờ cũng chính những đám đông sẽ đưa nó tới chỗ sụp đổ. Chính lúc đó xuất hiện vai trò chủ đạo của đám đông, và trong một khoảnh khắc, triết lí số đông hình như là thứ triết lí duy nhất của lịch sử.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button