Review

Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Thomas Cathcart & Daniel Klein
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 272
Ngày xuất bản 09-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Sáng tạo thêm bên cạnh TRIẾT HỌC một khái niệm mới: TIẾU HỌC, Thomas Cathcart và Daniel Klein đã mở rộng cánh cửa để ánh sáng của rừng cười tràn vào ngôi đền triết học. PLATO VÀ CON THÚ MỎ VỊT BƯỚC VÀO QUÁN BAR… dẫn dắt người đọc vào cuộc du hành vui vẻ và hài hước, qua truyện cười để hiểu lịch sử triết học cổ kim, đưa ra những câu trả lời đơn giản đến bất ngờ cho những ai muốn đi sâu vào bản chất Các Câu Hỏi Lớn mà không bị chìm nghỉm trong lý luận hàn lâm.

Từ đây, các nhà tư tưởng lớn từ cổ chí kim như Aristotle, Plato, Descartes Kant, Hegel, Wittgenstein, Sartre… với ta không còn quá xa cách; siêu hình học, siêu triết học, nhận thức luận, triết học tôn giáo hay đạo đức học… với ta không còn nằm ngoài tầm hiểu.

Nhận định

“Không dễ tìm được món quà hoàn hảo cho những người mà chúng ta yêu mến…Thật tình cờ vì tôi có trên tay Plato và con rái mỏ vịt bước vào quán bar… Sẽ xảy điều gì, nếu pha trộn truyện cười, những châm biếm sâu sắc và hài hước vào các bài học lớn của đời sống? Bạn được đọc một cuốn sách thật hay và bạn muốn chia sẻ nó với càng nhiều người càng tốt. Khi nó không thuần túy là truyện cười!”- Orlando Stinel

“Thế giới này dù tuyệt diệu đến đâu,chúng ta cũng chỉ ghé qua trong chuyến thăm ngắn ngủi.Nhưng ngắn ngủi so với gì? Với vĩnh hằng ư?”- Thomas Cathcart và Daniel Klein (Về Vô Tận và Vĩnh Hằng)

“Plato và con rái mỏ vịt bước vào một quán bar… Lĩnh hội triết học thông qua truyện cười, của Thomas Cathcart và Daniel Klein là cuốn sách thật sinh động.” – Chicago Sun-Times

[taq_review]

Trích dẫn

KHẢ NĂNG PHẢN NGHIỆM

Bệnh nhân: Đêm qua tôi mơ thấy tôi lên giường với Jennifer Lopez và Angelina Jolie, và ba chúng tôi đã làm tình suốt đêm.
Bác sĩ tâm thần: Không còn nghi ngờ gì nữa, ông có mong muốn thầm kín ngủ với mẹ ông.
Bệnh nhân: Cái gì?! Không ai trong hai người đó giống mẹ tôi chút xíu nào.
Bác sĩ tâm thần: A ha! Một phản ứng ngược! Ông nhất định đang kim nén những dục vọng thật của ông.

Trên đây không phải là một truyện cười, thực ra đó là cách mà một số tín đồ của Freud lập luận. Và cách lập luận này phức tạp ở chỗ: không lấy đâu ra những tình huống thực tế mà ta có thể nhận biết để bác bỏ lý thuyết về phức cảm Oedipe kia. Trong bài phê phán logic quy nạp, triết gia thế kỷ hai mươi Karl Popper lập luận rằng để một lý thuyết đứng vững được, nhất định phải có một số tình huống khả dĩ có thể chứng minh rằng nó là sai. Trong câu chuyện núp bóng tiếu lâm ở trên, không có tình huống nào như thế để ông bác sĩ tâm thần tín đồ của Freud có thể thừa nhận là chứng cứ.
Còn đây là một truyện cười thực thụ, mô tả quan điểm của Popper rõ ràng hơn:

Hai gã đang ăn sáng. Một gã phết bơ vào miếng bánh mì nướng và nói, “Cậu có bao giờ để ý thấy, nếu cậu đánh rơi một lát bánh mì, mặt phết bơ luôn úp xuống dưới không?”
Gã thứ hai nói, “Không, tớ dám cá là chỉ có vẻ thế thôi, vì nếu mặt phết bơ úp xuống thì phải lau dọn sàn nhà rất khó chịu. Tớ cược là khi nó rơi mặt có bơ thường quay lên trên.”
Gã thứ nhất nói, “Thế hả? Nhìn đây này.” Anh ta thả lát bánh xuống sàn nhà, mặt phết bơ quay lên trên.
Gã thứ hai nói, “Thấy chưa, tớ đã bảo mà”.
Gã thứ nhất nói, “Ồ, tớ biết tại sao rồi. Tại tớ phết bơ sai mặt!”

Đối với anh chàng này, không có bất kỳ chứng cứ nào có thể chứng minh lý thuyết của gã là sai.

LOGIC DIỄN DỊCH

Logic diễn dịch đi từ cái chung đến cái riêng. Cốt lõi của lập luận diễn dịch là phép tam đoạn luận “Mọi người đều phải chết; Socrates là người; suy ra Socrates phải chết.” Điều đáng ngạc nhiên là mọi người rất hay lẫn lộn, và họ lập luận thế này, “Mọi người đều phải chết; Socrates chết, suy ra Socrates là người,” như vậy là phi logic. Nói thế chẳng khác nào nói, “Mọi người đều phải chết, con chuột lang của thằng con tôi chết, vậy con chuột lang là người.”
Một cách khác để làm hỏng suy luận diễn dịch là lập luận từ một tiền đề sai.

Một anh cao bồi già bước vào quán rượu gọi một ly. Trong lúc anh ta đang ngồi nhấm nháp whiskey thì có một cô gái trẻ ngồi xuống bên cạnh. Cô gái quay sang hỏi, “Anh có phải là cao bồi chính hiệu không?”
Anh ta đáp, “Ờ, tôi sống cả đời ở nông trại, chăn ngựa, chữa hàng rào, đóng dấu gia súc, nên tôi nghĩ tôi là cao bồi.”
Cô gái nói, “Còn tôi là người đồng tính nữ, suốt ngày tôi chỉ nghĩ về đàn bà. Buổi sáng vừa ngủ dậy tôi nghĩ ngay đến đàn bà. Khi tôi tắm hay xem ti vi, dường như cái gì cũng khiến tôi nghĩ đến đàn bà cả.”
Lát sau, một đôi trai gái ngồi xuống bên cạnh gã cao bồi và hỏi, “Anh có phải là cao bồi chính hiệu không?”
Anh ta đáp, “Trước tôi cứ tưởng tôi là cao bồi, nhưng tôi vừa mới phát hiện hóa ra tôi là người đồng tính nữ.”

Phân tích chính xác xem anh chàng cao bồi kia đã sai ở đâu có lẽ là một việc khá vui. Cũng có thể không vui. Nhưng dù sao chúng tôi cũng sẽ thử.
Lần đầu tiên, trả lời cho câu hỏi anh ta có phải cao bồi thật không, anh ta lập luận như sau:
1. Nếu ai đó dành toàn bộ thời gian của mình làm những công việc của cao bồi, thì anh ta là cao bồi chính hiệu.
2. Tôi dùng toàn bộ thời gian của tôi làm những công việc của cao bồi.
3. Do đó, tôi là một cao bồi chính hiệu.

Cô gái lập luận:
1. Nếu một người phụ nữ dành toàn bộ thời gian của mình nghĩ về phụ nữ, thì cô ta là một người đồng tính nữ.
2. Tôi là một phụ nữ.
3. Tôi dành toàn bộ thời gian của mình nghĩ về phụ nữ.
4. Do đó, tôi là một người đồng tính nữ.

Khi anh cao bồi đi đến cùng kết luận như cô gái, anh ta đã thừa nhận một tiền đề sai đối với trường hợp của bản thân: đó là (2) – tôi là một phụ nữ.
Sao nào, chúng tôi chưa từng hứa với các bạn rằng triết học và truyện cười là một.

LẬP LUẬN QUY NẠP THEO PHÉP LOẠI SUY

Không có gì giống như một lập luận từ phép loại suy. Ờ, có lẽ một con vịt thì giống. Có thể thấy lập luận loại suy được sử dụng trong câu trả lời cho câu hỏi: ai hoặc cái gì đã tạo ra vũ trụ. Một số nhà tư tưởng lý luận rằng: Vì vũ trụ giống như chiếc đồng hồ, nên phải có Đấng chế tạo đồng hồ. Như triết gia Anh theo chủ nghĩa kinh nghiệm thế kỷ mười tám David Hume đã chỉ ra, đó là một lý lẽ không đáng tin cậy, vì không có cái gì hoàn toàn tương tự với cả vũ trụ, trừ phi nó là một vũ trụ khác, do đó chúng ta không nên đi chệch sang bất cứ cái gì vốn chỉ là một phần của vũ trụ này. Tại sao lại là chiếc đồng hồ? Hume đặt câu hỏi. Tại sao không nói vũ trụ tương tự con chuột túi chẳng hạn? Nói cho cùng, thì cả hai đều là những hệ thống gắn kết hữu cơ. Nhưng nếu dùng con chuột túi chúng ta sẽ đi đến một kết luận rất khác về nguồn gốc vũ trụ: đó là, nó được sinh ra từ một vũ trụ khác sau khi vũ trụ khác đó giao phối với một vũ trụ thứ ba. Lập luận loại suy cơ bản dựa trên giả định rằng, vì một số khía cạnh của A tương tự với B, nên các khía cạnh khác của A cũng tương tự với B. Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng thế.

___oOo___
Gần đây, lập luận về chiếc đồng hồ và Đấng chế tạo đồng hồ đã quay lại dưới hình thức “lý thuyết” Thiết kế Thông minh. Lý thuyết này cho rằng cấu tạo cực kỳ phức tạp của các vật thể tồn tại trong tự nhiên (như bông tuyết, nhãn cầu, hạt quartz) chứng tỏ phải có một nhà thiết kế siêu thông minh. Khi Hội đồng Giáo dục của thành phố Dover, Pennsylvania được đề nghị đưa Thiết kế Thông minh vào chương trình giảng dạy trong nhà trường như một “lựa chọn thêm” bên cạnh thuyết tiến hóa, ông chủ tịch Hội đồng John Jones III đã khuyên các tác giả của ý tưởng này nên quay trở lại ngồi trên ghế nhà trường. Trong ý kiến trả lời bằng văn bản thường là hóm hỉnh của mình, Jones đã không cưỡng lại được việc châm chọc những chuyên gia phe bảo vệ lý thuyết Thiết kế Thông minh. Chẳng hạn, một vị giáo sư thừa nhân rằng lập luận theo phép loại suy thường có khiếm khuyết, nhưng “nó vẫn hữu hiệu trong các phim khoa học giả tưởng”.
Thế đấy, còn ai tiếp tục bênh vực nữa, xin mời!
***

Lập luận loại suy còn có một vấn đề khác là từ những quan điểm khác nhau bạn sẽ có những cách loại suy hoàn toàn khác nhau.

Ba sinh viên ngành kỹ thuật đang thảo luận về ngành nghề của vị Chúa đã thiết kế cơ thể con người. Sinh viên thứ nhất nói, “Chúa phải là kỹ sư cơ khí. Cứ xem các khớp thì biết.”
Anh thứ hai nói, “Tôi nghĩ Chúa phải là kỹ sư điện. Hệ thần kinh có hàng ngàn mối liên kết điện.”
Người thứ ba nói, “Thật ra, Chúa là kỹ sư xây dựng dân dụng. Ngoài Ngài ấy ra, còn ai có thể đặt đường ống nước thải độc hại đi qua khu vui chơi giải trí nào?”

Nói chung, các lập luận loại suy không thuyết phục lắm. Chúng không cung cấp cho ta độ chắc chắn cần thiết trong những vấn đề liên quan đến những niềm tin cơ bản như sự tồn tại của Chúa. Không gì tệ hơn phép loại suy tồi của một nhà triết học, có lẽ chỉ trừ phép loại suy của một học sinh trung học. Bằng chứng là kết quả cuộc thi “Những câu loại suy dở nhất trong một bài luận trường trung học” do tờ Washington Post tổ chức:
1. “Bị số phận nghiệt ngã chia cắt lâu ngày, đôi tình nhân bất hạnh băng qua đồng cỏ lao đến gặp nhau như hai đoàn tàu chở hàng, một đoàn tàu rời Cleveland lúc 6:36 chiều, chuyển động với tốc độ 55 dặm một giờ, đoàn tàu kia xuất phát từ Topeka lúc 7:47 tối với tốc độ 35 dặm một giờ”
2. “John và Mary chưa bao giờ gặp nhau. Họ giống như hai con chim ruồi cũng chưa bao giờ gặp nhau.”
3. “Con thuyền nhỏ êm đềm trôi qua đầm đúng như cái cách mà một quả bóng bowling không bao giờ có thể trôi.”
4. Từ trên căn buồng áp mái vọng xuống tiếng hú ghê rợn. Toàn bộ cảnh này có một tính chất ma quái, dị thường – như thể bạn đang đi nghỉ ở một thành phố khác và chương trình Jeopardy lên sóng lúc 7 giờ tối thay vì 7:30.

PHÉP NGỤY BIỆN “POST HOC ERGO PROPTER HOC”*

*Tiếng Latinh, có nghĩa là: “Đến sau do đó là hậu quả của cái trước” – một lỗi logic có thể diễn giải như sau: “Vì sự kiện đó đi sau sự kiện này, nên sự kiện đó do sự kiện này mà ra.”

Trước hết, xin nói qua về tập quán xã hội của thuật ngữ này: trong một số nhóm giao tiếp, khi được thốt lên kèm một bộ mặt nghiêm trang, câu này có thể giúp bạn gặp may ở một bữa tiệc. Thật thú vị, hiệu quả sẽ ngược lại hoàn toàn khi nó được nói bằng tiếng Anh: “After this, therefore because of this.” (“Đến sau, do đó là kết quả của cái trước.”) Hãy tự tìm hiểu đi.
Câu này mô tả lỗi giả định rằng vì một sự vật theo sau sự vật khác, nó phải do cái kia gây ra. Vì những lý do rõ ràng, cách suy luận sai lầm này phổ biến trong những diễn ngôn chính trị xã hội, như “phần lớn những người dính vào heroin đều bắt đầu từ cần sa”. Đúng, nhưng còn nhiều người bắt đầu từ sữa hơn.
Post hoc được luận giải khá thú vị trong một số nền văn hóa: “Mặt trời mọc khi gà gáy, do đó tiếng gà gáy làm mặt trời mọc.” Cảm ơn gà trống nhé. Hoặc đây, một câu chuyện của đồng nghiệp chúng tôi:

Sáng nào cô ấy cũng bước ra trước hiên nhà và trang trọng nói lớn, “Cầu cho ngôi nhà này không bị lũ hổ quấy nhiễu!” Rồi lại bước vào.
Cuối cùng, chúng tôi bảo cô ấy, “Cô nói cái gì thế? Trong bán kính một nghìn dặm quanh đây làm gì có hổ.”
Cô ấy đáp, “Các anh thấy chưa? Có tác dụng thế còn gì!”

Truyện cười theo mô tip post hoc sinh sôi tỷ lệ thuận với những nhầm lẫn của con người.

Bạn đọc cảm nhận

Đặng Nhật Anh

Này, các bạn nghĩ triết học chỉ có ông Karl Marx thôi à? Ở đây tôi có một cuốn sách xàm đế không thể bỏ qua, kể cho bạn những trường phái của hàng tá ông còn vi diệu hơn ông Marx, hoặc không.

Thông qua các mẫu truyện cười vừa giản dị vừa hàn lâm, hai tác giả sẽ giải thích cho bạn nghe thế nào là Siêu Hình học (vốn không liên quan gì tới Hình học lớp 12), thế nào là Nhận thức luận (bạn có biết cái bạn biết không), và đạo đức có những cách hiểu khác nhau ra sao. Bên cạnh đó, bạn còn tìm hiểu thêm về một số loại ngụy biện, xem xét các khía cạnh về Chúa (có thể không phải là cùng một vị Chúa với bạn), tại sao bạn có mặt trên đời, mà thực ra thì đời là gì, và bạn có là bạn hay không, v.v..

Mặc dù có vài chỗ cần lắp não trước khi đọc, nhưng nhìn chung cuốn này khá dễ hiểu so với môn triết bạn gặp ở trường. Những ai muốn mở rộng thế giới quan và thay đổi cách nhìn của mình về triết học, hãy tìm đến “Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar…”

Ghi chú: không có con thú mỏ vịt nào bị chuốc say trong quá trình thực hiện cuốn sách.

Le Ngoc Tram

Có thể nói đây là cuốn sách khá hấp dẫn nhưng không hề dễ đọc.Vì hầu hết sinh viên VN đều bị ác mộng từ trết học Mác Lê ở trường nên coi triết học là những gì đó quá cao siêu, khó lĩnh hội. Thực ra triết học giải thích rất nhiều khía cạnh và quy luật của cuộc sống. Sách Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar là một cuốn sách cần đọc chậm rãi hai lần mới có thể thẩm thấu và nhận ra cái thâm sâu của những câu chuyện cười. Phần đầu rất hấp dẫn khiến tôi cười không ngớt nhưng càng về sau những câu chuyện cười càng nhạt và đi theo lối mòn của những câu chuyện đầu, chủ yếu gây cười bằng những ví dụ dung tục. Việc này làm sách trở nên một màu và ngán ngẩm. Tuy nhiên về tổng thể tôi nhận thấy đây là một trong những cuốn sách thú vị cần xem cho những ai muốn tìm hiểu về triết học.

Nhật Nam

Cuốn sách này có lẽ phù hợp với những người đã có một chút kiến thức về Triết học, họ sẽ cảm nhận được sự ý nhị và yếu tố gây cười của tác giả. Nó hoàn toàn không dành cho những người đầu óc sáo rỗng, không có hứng thú với Triết mà chỉ chăm chăm tìm kiếm một cuốn truyện cười, hoặc giả chỉ vì nó nổi tiếng nên mua về đọc cho bằng anh bằng em. Muốn hiểu về điều gì, làm ơn hãy tìm tòi hoặc chí ít đọc về nó trước đã. Các bạn ngủ gật suốt giờ Triết mà đòi hiểu được truyện cười về Triết ? Có thấy điều đó vô lý không ạ ?

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button