Review

Hẹn Hò Nước Mỹ

Thể loại Kỹ năng sốngTùy bút
Tác giả Đỗ Nhật Nam
NXB NXB Lao Động
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 160
Ngày xuất bản 12-2016
Giá bánXem giá bán

Hẹn hò nước Mỹ là tâm sự của Nhật Nam từ khi Nam chuẩn bị đi Mỹ du học. Ở đó Nam chia sẻ hành trình của mình từ khi xin học bổng đến khi hòa nhập với cuộc sống một mình ở nước Mỹ. Qua cuốn sách bạn sẽ có cái nhìn thật hơn về cuộc sống của một du học sinh.

Hoàn toàn không đơn giản như mọi người vẫn nhìn thấy những thành tích ở Nam, cuốn sách “hé lộ” cả những thất bại mà Nam đã trải qua và đôi khi là cả tâm trạng buồn đến mức muốn quay trở về nhà của chàng trai này.

Cuốn sách cũng là những góc nhìn của Nam trước những người, những việc rất đỗi bình dị ở nước Mỹ. Những bức ảnh Nam chụp, những bài thơ minh họa cho các bức ảnh đó thể hiện suy ngẫm rất riêng của chàng trai tuổi 15.

Sách cũng chan chứa nỗi niềm yêu thương của Nam dành cho bố mẹ, cho gia đình. Và ta chợt hiểu, đi hết núi sông đồng bãi là sẽ gặp nhà mình.

Và như thế, đọc sách cũng là cách để tìm cảm hứng lên đường và tha thiết tin tưởng vào những gì mình lựa chọn trong cuộc đời này!

[taq_review]

Trích dẫn


NGÔI TRƯỜNG NĂM 13 TUỔI

Ngôi trường năm đầu tiên mình học ở Mỹ là trường tư thục.

Đó là một ngôi trường nhỏ nằm êm đềm bên rặng cây cổ thụ xanh mát. Vì thuộc hệ thống trường dòng nên ngay sát cạnh trường có một ngôi nhà thờ thâm nghiêm, cổ kính.

Hầu hết các phòng trong trường đều nho nhỏ, xinh xinh.

Hồi mới nhập trường, nhìn vào đâu cũng chạm vào nỗi nhớ nhà nên mình rất sợ những chỗ như một góc ghế đá cạnh hàng cây, một góc thư viện học sinh ngồi đọc sách. Bởi tất cả đều gợi cho mình cảm giác muốn quay về nhà. Về nhà để lại được cùng mẹ đi dạo ngoài công viên, để có thể cùng bố ngồi đọc sách ở cái tầng hai bé xinh nhà mình.

Trường cũng không đông học sinh, chủ yếu là học sinh trong vùng nên mình là học sinh duy nhất đến từ phương trời xa nhất.

Các thầy cô giáo thì rất vui vẻ và thân thiện. Mỗi lần gặp mình các thầy cô và bè bạn đều cười rất tươi và giơ tay lên: Chào chàng trai Việt Nam đáng yêu!

Nói chung là mọi thứ đều dễ chịu.

Các môn học thì đều dễ. Mình không bị bất cứ điều gì làm khó cả, kể cả việc nghe giảng. Chắc vốn tiếng Anh mình tích lũy đã đủ để phù hợp với một môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Nhưng điều mình sợ nhất là mỗi buổi chiều sau giờ học ngồi chờ chú chủ nhà đến đón. Vì giờ học hàng ngày kết thúc lúc ba giờ mà thường bảy, tám giờ chú chủ nhà mới đón.

Khi ấy, mình luôn dõi nhìn theo các bạn được về cùng bố mẹ một cách vô cùng thèm thuồng.

Giá như ở nhà thì thế nào cũng có mẹ.

Mẹ luôn ra cổng chờ xe của trường và đứng nấp vào một gốc cây. Mình đi qua vờ như không để ý. Rồi bất chợt quay lại. Cả hai mẹ con ôm lấy nhau và cười ầm lên.

Sau đó hai mẹ con ùa vào nhà. Mẹ vào bếp làm món ăn gì đó cho mình sau một ngày học hành và chơi bời đến đói ngấu ở trường. Và đợi bố về. Bố sẽ hé mắt nhìn qua cái ô cửa hẹp bé tí và hét ầm lên: Thằng bếu! Thằng bếu đâu ra đón bố…

Mình chạy ra ôm chầm lấy bố. Hai bố con sẽ lên tầng hai và chơi những trận túc cầu nảy lửa, có lần sút thủng cả ti vi.

Những hình ảnh đó như cuốn phim quay chậm, khiến mình nhớ nhà đến thẫn thờ. Và không ít lần nước mắt âm thầm rơi trong những buổi chiều xa xứ.

Nhưng rất may là các cuốn sách trong thư viện trường đã nâng đỡ mình.

Mình được ngồi lại trong phòng thư viện đầy chật sách. Và lần lượt đọc từng cuốn, từng cuốn. Đọc để quên những nỗi buồn đang chầm chậm trôi qua ô cửa sổ.

Mình biết ơn những cuốn sách đó biết bao.

Không chỉ đọc sách ở thư viện trường, mình còn liên tục đặt mua sách trên Amazon để đọc ở nhà.

Tự nhiên mình có thêm bao nhiêu kiến thức.

Và các thầy cô trong trường liên tục giới thiệu cho mình các cuộc thi để mình có thể thử sức.

Mình tham gia với tất cả sự háo hức. Mình muốn biết các bạn học sinh ở Mỹ khi đối diện với các kì thi sẽ như thế nào.

Điều mình thích nhất là các kì thi đều do mỗi người tự chuẩn bị. Thầy cô chỉ là người hỗ trợ thêm, khi mình thấy phần gì cần hỏi thì cứ hỏi, các thầy cô luôn sẵn lòng trả lời. Các thầy cô cũng sẽ cung cấp cho mình rất nhiều tài liệu, các đề thi của nhiều năm trước. Và tất nhiên sẽ là người đưa mình đi thi.

Hầu hết các cuộc thi mình tham gia đều có rất đông các bạn đến từ nhiều nơi khác.

Nhưng khâu tổ chức khá đơn giản. Ban đầu là phổ biến quy định rồi chúc các thí sinh thi tốt. Không “trống giong cờ mở” gì cả.

Như cuộc thi thuyết trình mà mình tham gia, thí sinh phải qua 6 vòng thi ở các cấp, mỗi lần cách nhau từ nửa tháng đến một tháng. Vì đã trải qua 6 cấp độ nên vào vòng chung kết mình khá hồi hộp vì mình biết bạn nào tham gia thi vòng này cũng đều rất giỏi. Vòng chung kết đó thí sinh phải qua ba phòng vấn đáp.

Mỗi phòng có ít nhất 3 giám khảo, họ sẽ trực tiếp ra đề để mình nói về chủ đề gì đó sau đó bắt đầu đặt câu hỏi.

Ở phòng thi nào mình cũng nhận được ánh mắt khích lệ của các thầy cô và mọi người tỏ ra vui thực sự khi nghe phần trình bày của mình.

Những trải nghiệm về các cuộc thi trên đất Mỹ khiến mình có niềm tin vào sự hòa nhập thực sự với môi trường mới.

Trong trường mình học, bạn bè cũng thoải mái chan hòa. Tất nhiên cũng có hiện tượng bè phái, cũng phân chia giàu nghèo, cũng có chút phân biệt màu da và cũng có nạn bắt nạt tuy không nhiều. Nhưng mình chỉ chơi thân với một số bạn, còn lại là giữ khoảng cách giao tiếp ở mức độ bình thường. Vậy là đủ rồi.

Trường cũng hay cho học sinh đi dã ngoại, tham gia các hoạt động ngoại khóa. Hầu hết các chuyến đi mình đều tham gia rất hồ hởi. Mỗi lần đi là một lần mình hiểu thêm về đất nước mà mình đang sống.

Bài vở ở trường khá đơn giản nên năm học đó lại tạo cơ hội để mình tự học thêm nhiều và đặc biệt theo đuổi những mục tiêu mà mình đặt ra từ đầu.

Đây là những điều mình rút ra trong năm đầu tiên học tại trường tư thục của Mỹ:

– Bạn nên chuẩn bị tất cả đồ dùng học tập hoặc đồ sinh hoạt cá nhân. Ở Mỹ đi mua sắm không dễ như ở Việt Nam. Mỗi khi cần mua sắm đều cần đến siêu thị. Siêu thị có thể cách nhà xa và thật là dở nếu bạn đang học mà lại thiếu một thứ gì đó. Mình may mắn là bố đã chuẩn bị cho quá đầy đủ các thứ đồ dùng cần thiết và có thể yên tâm dùng cả năm không hết.

– Các thầy cô rất nhiệt tình chỉ bảo cho bạn nhưng với điều kiện là bạn cũng phải tỏ ra là mình có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm. Còn nếu bạn chỉ ngồi yên lặng thì sẽ không ai can thiệp vào những giây phút yên lặng ấy. Mọi người đều có nguyên tắc là tôn trọng không gian riêng của người khác một cách tuyệt đối. Nên họ hiểu bạn yên lặng nghĩa là bạn không muốn ai làm phiền.

– Nên kết thân với một số người bạn tin tưởng, còn lại không nên tìm hiểu quá sâu về cuộc sống, sở thích… của những người bạn khác. Họ sẽ không thực sự thích như vậy.

– Cứ thử tham gia những cuộc thi nào bạn thấy hứng thú. Còn nếu không cũng chẳng sao. Nước Mỹ cho bạn cơ hội để tự tìm hiểu về bản thân, nên đôi khi rất cần sự thử – sai.

– Hãy tham gia nhiệt tình mọi hoạt động ngoại khóa của trường. Đó là cách tốt nhất để xây dựng chân dung về bạn, hơn bất kì lời giới thiệu nào.

– Trường tư ở Mỹ cũng thường xuyên có kiểm tra đánh giá bằng điểm số. Cũng có các hình thức kiểm tra không khác gì ở Việt Nam, chỉ có điều ít khi bạn cần học thuộc lòng. Bạn muốn có bảng điểm tốt, bạn cũng cần chăm chỉ làm bài, nghe giảng, làm thêm các bài tập nâng cao.

– Điều cuối cùng, hãy tự tin, tự tin và tự tin. Kiến thức không hề khó, để đạt điểm cao không hề khó, để nhận được lời khen càng dễ vì các thầy cô rất hào phóng lời khen. Vậy nên bạn cứ tin tưởng vào bản thân bạn. Rồi bạn sẽ thấy mọi việc rất dễ dàng.

Năm học đầu tiên ấy cũng cho mình thật nhiều kỉ niệm.

Mình nhớ khi chia tay, cô giáo dạy Toán đã viết cho mình một lá thư rất dài. Trong thư cô kể lại chuyện khi nhà cô bị hỏa hoạn, sách vở cháy sạch. Và việc mình đã mua tặng cho cháu gái của cô 3 cuốn truyện. Cô sẽ giữ 3 cuốn sách ấy, cô sẽ nói với cháu cô là hãy giữ gìn những cuốn sách ấy mãi như nâng niu những tình cảm tốt đẹp mà Nam đã dành cho cả nhà… Và cô luôn cầu mong mình tiếp tục thực hiện được những ước mơ của mình. Cô đã tin tưởng ở mình thật nhiều, một học sinh mà theo cô là đã gây ấn tượng nhất kể từ khi cô bắt đầu sự nghiệp dạy học đến giờ.

Mình yêu lá thư ấy, mình yêu cách cô giáo nói về học trò thân thương như thế.

Và mình nhận ra, khi đến một môi trường khác sinh sống, bạn cần có sự cởi mở cũng như cách giao tiếp sao cho tinh tế. Cho dù bất cứ quốc gia nào, bất cứ màu da nào, mọi người cũng đều mong muốn nhận được những quan tâm và yêu thương thành thực.

Hết năm học đầu tiên, mình chờ đợi ngày về.

Cuộc hẹn đầu tiên của mình đã thành công ngoài mong đợi.

Và mình mang theo niềm mong nhớ, mang theo cả nụ cười trong hành trang để về nghỉ hè trong kì nghỉ đầu tiên…

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button