Review

Giọt Rừng

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Mikhail Prisvin
NXB NXB Lao Động
Công ty phát hành CT TNHH TM – DV Chính Thông
Số trang 276
Ngày xuất bản 01-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Tập tản văn Giọt rừng của Mikhail Prisvin được dịch giả Đoàn Tử Huyến chuyển ngữ sang tiếng Việt và được ấn hành lần đầu năm 2011, tái bản tháng 4 năm 2016.

K.Paustovski tác giả Bông hồng vàng đã nhận xét về Mikhail Prisvin: “Nếu thiên nhiên có thể cảm thấy sự biết ơn đối với con người vì con người đã thâm nhập vào đời sống của thiên nhiên và ca ngợi nó, thì trước hết sự biết ơn đó phải dành cho Mikhail Prisvin”. Nhận xét của K.Paustovski đã không sai nếu ta đã từng đọc Giọt rừng để kiểm chứng.

122 tản văn trong tập Giọt rừng đã đưa người đọc đắm chìm vào thế giới thiên nhiên Nga qua những quan sát tinh tế, với những ngôn từ trong sáng, lối viết giản dị của Mikhail Prisvin.

“Buổi sáng âm hai mươi độ, còn đến giữa trưa, băng từ mái nhà tan thành nước nhỏ xuống từng giọt. Cái ngày hôm ấy suốt từ sáng cho đến đêm cứ rực rỡ, ngời ngời hệt như pha lê vậy. Những cây vân sam phủ tuyết tựa như làm bằng thạch cao, cả ngày thay đổi liên tục từ màu hồng sang xanh lơ. Một mảnh liềm trăng nhợt nhạt treo lơ lửng trên nền trời, còn bên dưới, dọc theo đường chân trời là các dải màu lung linh đủ sắc.”

Tập tản văn Giọt rừng của Mikhail Prisvin được dịch giả Đoàn Tử Huyến chuyển ngữ sang tiếng Việt và được ấn hành lần đầu năm 2011, tái bản tháng 4 năm 2016.

K.Paustovski tác giả Bông hồng vàng đã nhận xét về Mikhail Prisvin: “Nếu thiên nhiên có thể cảm thấy sự biết ơn đối với con người vì con người đã thâm nhập vào đời sống của thiên nhiên và ca ngợi nó, thì trước hết sự biết ơn đó phải dành cho Mikhail Prisvin”. Nhận xét của K.Paustovski đã không sai nếu ta đã từng đọc Giọt rừng để kiểm chứng.

[taq_review]

Trích dẫn


Sự sống trong vỏ cây

Năm ngoái, để đánh dấu chỗ trên bãi đẵn gỗ, chúng tôi đã bẻ gãy một cây bạch dương non: phần thân gãy của nó rủ xuống treo lủng lẳng gần như chỉ trên một rẻo vỏ mảnh hẹp. Năm nay, quay trở lại chỗ đó, tôi hết sức ngạc nhiên thấy cây bạch dương nọ vẫn xanh tươi, có lẽ bởi vì rẻo vỏ mảnh mai kia vẫn truyền nhựa sống cho phần thân cây bị gãy.

Cô gái giữa rừng bạch dương

Trên những cây bạch dương chỉ mới hiện lên màu non xanh mơn mởn và rừng bỗng trở nên rộng lớn hơn, mang vẻ thật trinh nguyên. Trong những khu rừng đó, đoàn tàu của chúng tôi không có vẻ như một con quái vật, ngược lại, tôi thấy nó khá là tiện nghi. Tôi cảm thấy rất vui vì mình có thể ngồi cạnh cửa sổ và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh rừng bạch dương lấp loáng không ngừng trôi ngang qua. Đứng cạnh ô cửa tiếp theo là một cô gái trẻ nhưng không thật xinh đẹp lắm. Thỉnh thoảng cô lại ngả đầu ra phía sau và ngó quanh khắp toa tàu, như một con chim tìm diều hâu, để xem có ai nhìn mình không? Sau đó, cô lại áp mình vào cửa sổ.

Tôi muốn nhìn xem, trông cô như thế nào khi đối diện với cái khối xanh bao la của bạch dương. Lặng lẽ đứng dậy, tôi thận trọng nhìn vào ô cửa sổ. Cô gái mê mải ngắm cái khối bạch dương non xanh biếc đang sáng lên lấp loáng, mỉm cười với nó và thì thầm điều gì đó, đôi má ửng hồng…

Vàng anh

Những chồi thông từ xa trông như búp nến. Lúa mạch đen ngập đến đầu gối. Cây cối, những vạt cỏ cao, những bông hoa đều khoác màu sặc sỡ. Trong tiết chớm xuân này, chim chóc cũng như ngừng hoạt động, những con đực ẩn vào chỗ kín đáo thay lông, những con mái giữ mình chay tịnh trong tổ. Thú rừng bận kiếm mồi cho lũ thú non. Người nông dân mải miết với vụ xuân, hết gieo hạt lại cày bừa.

Những con chim vàng anh, cun cút, sa yên, én bờ bay đến. Sau cơn mưa đêm, buổi sáng sương mù dày đặc, tiếp đó là một ngày nắng đẹp, trời đất trong lành. Trước lúc hoàng hôn buông, gió bắt đầu đổi chiều, thổi từ hướng dãy núi sau lưng chúng tôi ra mặt hồ, nhưng những gợn sóng vẫn tiếp tục chạy về phía chúng tôi. Mặt trời như một quả cầu lớn bờm xờm không chói sáng lặn xuống rừng từ phía sau đám mây xanh.

Chim vàng anh rất thích thời tiết biến động, thay đổi thất thường, chúng muốn mặt trời lúc thì bị che phủ, lúc lại hé sáng và gió nô đùa với lá như những con sóng. Với lũ chim vàng anh, chim én, hải âu và sa yên, gió là chỗ thân tình.

Hôm nay, từ sáng sớm trời đã mang vẻ âm u. Sau đó trở nên oi ả, và một đám mây đen lớn tiến lại chỗ chúng tôi. Gió nổi lên; trong tiếng véo von của vàng anh và tiếng the thé của sa yên, đám mây trôi dần về hướng Zazer và dường như tan loãng đâu đó trong những khu rừng, nhưng chẳng bao lâu sau nó lại phình lớn ra và đội chiếc mũ trắng khổng lồ ngược gió tiến về phía chúng tôi. Hồ nước trở nên sôi động, gió tiếp gió, sóng tiếp sóng, những vệt đen như bóng của những đôi cánh nhanh chóng lao đi mọi hướng khắp mặt hồ. Một tia chớp lóe lên soi sáng dải bờ bên kia, sấm nổ vang. Vàng anh ngừng giọng, sa yên cũng lặng tiếng, chỉ còn hoạ mi vẫn hót đến tận cùng, có lẽ tới chừng nào những giọt nước mưa ấm áp to tướng còn chưa đổ xuống gáy nó. Rồi mưa bắt đầu tuôn như trút.

Mật ong

Cái lạnh rớt tháng Năm qua đi, trời trở ấm và hoa dã anh bắt đầu bớt vẻ rực rỡ. Thế vào đó, thanh lương trà bắt đầu nhú nụ và tử đinh hương cũng đang đơm hoa. Khi nào thanh lương trà đồng loạt trổ hoa thì mùa xuân sẽ hết; hoa thanh lương trà trở nên đỏ rực là độ mùa hè qua; lúc ấy chúng tôi bắt đầu những chuyến đi săn mùa thu, và cho đến tận mùa đông sẽ bắt gặp những trái thanh lương trà đỏ rực trong rừng.

Khó có thể nói chính xác hoa dã anh có mùi hương như thế nào, cũng không thể so sánh nó với bất cứ một cái gì khác. Lần đầu tiên ngửi hoa dã anh mùa xuân, tôi nhớ lại tuổi thơ, nhớ đến những người thân của tôi, và tôi nghĩ về họ, rằng họ cũng như tôi đang ngửi hoa dã anh và cũng không thể nói nó có mùi hương như thế nào. Cả các ông bà, các cụ tổ và cả những ai sống ở cái thời mọi người còn hát thiên tráng sĩ ca về đoàn quân Igor, và còn trước đó nhiều nữa vào cái thời hồng hoang của loài người – thời nào cũng có hoa dã anh thơm, có giọng họa mi hót, có muôn vàn loài cỏ, loài hoa và loài chim ca hát, và có những tình cảm và cảm xúc khác nhau gắn với tất cả những cái đó tạo nên tình yêu tổ quốc của chúng ta. Chỉ trong một mùi hương dã anh ta đã gắn bó với toàn bộ quá khứ. Và kìa, hoa dã anh đã bắt đầu tàn. Lần cuối cùng tôi muốn nâng bông hoa lên ngửi, trong một hi vọng sau cuối và vô ích là sẽ hiểu được rốt cục dã anh có mùi hương gì. Và tôi kinh ngạc cảm thấy từ những bông hoa đó tỏa ra mùi hương mật ong. Đúng thế, tôi nhớ rất rõ, trước phút cuối đời mình hoa dã anh không tỏa ra mùi hương của chính nó như chúng ta quen thấy, mà là hương mật ong, và điều đó nói với tôi rằng những bông hoa ấy tồn tại không vô ích. Cứ mặc cho giờ đây những bông dã anh đang tàn rụng, nhưng bù lại chúng đã góp được bao nhiêu mật cho đời!

Tầng lá trên cao

Buổi sáng, tuyết rơi hôm qua vẫn còn vương đọng trên mặt đất. Rồi mặt trời hiện ra và suốt ngày những đám mây nặng nề trôi đi trong gió Bắc buốt lạnh, lúc để lộ mặt trời, lúc lại phủ che đầy vẻ đe dọa.

Còn trong rừng, ở nơi kín gió, cuộc sống mùa xuân vẫn thản nhiên tiếp diễn. Và đây đúng là một cảnh tượng cổ tích: các cành nhánh còn chưa mặc áo lá nhưng đã nở dầy những nụ và hoa hoặc những chồi non xanh dài căng nhựa; chúng từ tất cả các tầng rừng rủ xuống, xoắn xuýt, quấn bện vào nhau. Những vòi hoa dã anh màu xanh; hoa trên cây cơm cháy trông chẳng khác gì món cháo đỏ; từ màn lá liễu buông lơi như mái tóc mềm, những nụ hoa vàng bé xíu trổ ra và kết thành hình những chú vịt lông vàng vừa chui ra khỏi vỏ trứng.

Thậm chí cả thân của những cây vân sam chưa già cũng phủ kín lá kim xanh non như một lớp lông, còn ở phía trên nhánh tít trên cùng của cây cũng đang dần dần hình thành một tầng lá mới non tơ.

Tôi nói điều này không phải để chúng ta, những kẻ đã trưởng thành và phức tạp, quay trở về với thời niên thiếu, mà là để trong bản thân mỗi người vẫn giữ được con người thơ trẻ của mình, không bao giờ quên nó và xây dựng cuộc sống của mình như một cái cây: vòm lá non tơ đầu tiên kia của cây luôn luôn ở trên cao, trong ánh sáng, còn thân cây là sức mạnh của nó, là chúng ta – những người đã trưởng thành.

 

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button