Review

Ếch

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Mạc Ngôn
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Chibooks
Số trang 560
Ngày xuất bản 03-2010
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


“ẾCH” do NXB Văn nghệ Thượng Hải xuất bản, vừa phát hành tại Trung Quốc vào những ngày cuối tháng 12 này, đã nhanh chóng thu hút đông đảo độc giả Trung Quốc và dấy lên làn sóng tò mò háo hức của độc giả nhiều nước vốn mê thích truyện của Mạc Ngôn. Cuốn sách xoay quanh cuộc đời và công việc của nhân vật chính – một nữ bác sĩ chuyên đỡ đẻ ở khắp nông thôn Cao Mật, phải chuyển sang nghề thắt ống dẫn tinh cho nam giới và nạo phá thai. Đây là một đề tài cực kỳ hiếm hoi trong văn học, được nhà văn Mạc Ngôn miêu tả vô cùng khéo léo và đầy kịch tính. Cuốn sách như một bức tranh xã hội sâu sắc ở Trung Quốc, phản ánh được những tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình kéo dài hơn 30 năm tới cuộc sống của người dân nước này.

[taq_review]

Trích dẫn


Vì số người tham dự đại hội đấu tố bí thư huyện ủy Dương Lâm quá đông, không có chỗ nào có thể chứa hết nên Tiêu Thượng Thần, đương kim Chủ nhiệm Ủy ban cách mạng công xã mới nghĩ ra cách là đem hội trường bố trí tại khu Đới Hồng bên bờ bắc sông Giảo Hà. Đúng vào giữa đông, băng kết một lớp dày trên mặt sông, trong tầm mắt chỉ là một màu trắng lấp lóa như thủy tinh. Tôi là người đầu tiên trong thôn biết là đại hội sẽ được tổ chức tại địa điểm này, bởi tôi thường trốn học để bỏ ra đây chơi. Ngày ấy, tôi đang lật băng lên để câu cá dưới mặt sông, gần bên cống Đới Hồng thì nghe thấy trên bờ có tiếng người nói lao xao. Tôi nghe rõ nhất là tiếng nói của Tiêu Thượng Thần. Giọng của ông ta, tôi có thể nhận ra trong hàng nghìn người. Tôi nghe ông ta nói: “Đ. mẹ! Đúng là phong cảnh đặc trưng của miền Bắc! Tốt rồi, đại hội đấu tố sẽ được tổ chức tại đây, khán đài sẽ được dựng ngay trên cống Đới Hồng này!”.

Nơi đây vốn là một vùng trũng. Sau đó, để bảo đảm cho sự an toàn dưới vùng hạ lưu, người ta xây cống chắn nước Đới Hồng trên đê Giảo Hà. Mùa hạ và mùa thu, người ta đóng cống Đới Hồng khiến nơi đây từ một vũng trũng biến thành hồ. Lúc ấy, người dân Đông Bắc Cao Mật chúng tôi vô cùng bất mãn. Vì dù là vùng trũng thì vẫn cứ là đất canh tác, trồng loại cây khác thì không được nhưng trồng cao lương thì vẫn có thể. Nhưng nhà nước đã muốn làm, bọn thảo dân như chúng tôi dựa vào đâu mà phản đối. Tôi đã trốn học rất nhiều lần ra đây đứng ngắm dòng nước tuôn ra từ mười hai lỗ cống chảy ào ào về xuôi. Qua một trận lụt là vùng này biến thành một chiếc hồ mênh mông có chu vi đến ba chục cây số. Trong hồ tôm cá rất nhiều. Những người đi bắt cá chia thành từng nhóm, cá bắt được ăn không hết nên phải bán. Chợ cá ban đầu họp ngay trên cống Đới Hồng nhưng sau đó chỗ này cũng trở nên chật chội nên chuyển đến bên bờ sông, dưới rặng liễu dài đến khoảng hai cây số. Những lúc buôn bán tấp nập nhất có cả những người bán rau, bán trứng, bán đậu… cũng tranh thủ ra đây kiếm vài đồng. Những kẻ du thủ du thực, lưu manh, ăn mày kiếm chác dựa vào chợ búa ở các vùng lân cận cũng đã dần dần kéo đến. Dân binh của tổ chức vũ trang công xã đến đuổi thì chúng lại chạy, vừa quay về thì chúng cũng xuất hiện trở lại. Cái chợ này tồn tại một cách bán hợp pháp, nói khác đi thì là bán phi pháp. Tôi rất thích xem các loại cá. Có đủ các loại cá ở đây: Cá lễ có thân hình giống quả chuối, cá mè, cá nheo, cá quả, lươn, cua…. Loại cá nào tôi cũng thích. Ở đây tôi đã trông thấy một con cá rất to, to nhất cho đến lúc ấy đối với tôi, e nặng đến cả năm chục ký lô, da trắng nhợt, thoạt trông giống như một người đàn bà đang mang thai. Thái độ của ông già bán con cá này trông có vẻ cung cung kính kính, giữ lấy con cá mà chẳng khác nào giữ một vật thiêng trong tay, đôi mắt rất cảnh giác. Tôi nhập vào dòng người mua bán nhộn nhịp, nhập vào với đám lục lâm đang lừa lọc và nhận ra rằng, họ vừa trao đổi vừa dỏng tai lắng nghe những âm thanh lạ, mắt vẫn nhìn láo liêng chung quanh. Vì sao họ lại có hành vi kỳ lạ ấy? Bởi một lẽ đơn giản là nhân viên thuế vụ của Phòng thuế vụ công xã có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào và thu giữ cá của họ. Đã từng có chuyện một số nhân viên công xã nhàn rỗi đã giả danh là nhân viên thuế vụ ập đến và mặc sức lấy cá của họ. Ngày ấy, con cá năm chục ký của ông già ấy suýt chút nữa đã bị hai người mặc sắc phục màu lam, miệng ngậm thuốc lá phì phèo, tay đặt lên bao súng bên hông thu giữ. Nếu không có con gái ông ta vừa kêu vừa khóc vừa kêu inh ỏi, nếu không có Tần Hà vạch trần thân phận của hai gã ấy thì e rằng chúng đã vác con cá ấy về nhà mà đánh chén với nhau.

Tần Hà chính là gã thanh niên có mái tóc rẽ đường ngôi thẳng tắp, mặc đồng phục học sinh màu lam, trên túi áo có giắt một chiếc bút bi hiệu “Tiến Sĩ”, một cây bút chì hiệu “Tân Hoa”, bộ dạng rất giống với một sinh viên đại học thời kỳ Ngũ Tứ[3]. Sắc mặt anh ta trắng bệch, thần thái có vẻ u uất, đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt như có thể khóc thành tiếng bất kỳ lúc nào. Miệng lưỡi anh ta rất lưu loát, nói toàn tiếng phổ thông. Mỗi câu nói của anh ta chẳng khác nào những lời đối thoại trong một vở kịch nói hiện đại. – Sau này tôi viết kịch bản sân khấu có ảnh hưởng một phần từ anh ta – Lúc nào Tần Hà cũng ôm trên tay một bát sắt tráng men màu trắng, bên ngoài dùng sơn đỏ vẽ một ngôi sao năm cánh cùng với một chữ “Thưởng”. Anh ta thường đứng giữa người bán cá bán tôm, nói bằng một giọng hết sức bi thương: “Đồng chí, tôi là một kẻ hoàn toàn mất sức lao động. Anh có thể nói, nhìn kìa, cậu trẻ thế, có giống với người mất sức lao động tí nào đâu? Đồng chí à, tôi nói có thể trông thấy vẻ bên ngoài của tôi, kỳ thực là tôi bị bệnh tim cực kỳ nghiêm trọng. Tim tôi đã bị người ta dùng dao đâm xuyên qua. Chỉ cần làm một việc nhẹ, vết thương trong tim sẽ vỡ ra. Thế là tôi sẽ hộc máu mà chết. Đồng chí, anh hãy cho tôi một con cá. Tôi không dám xin anh con cá to, tôi chỉ cần con cá nhỏ thôi…”. Cứ thế, lúc nào Tần Hà cũng có được một vài con cá con tôm. Và ngay lập tức, anh ta chạy xuống bờ sông, dùng một con dao nhỏ mổ bụng rửa ráy sạch sẽ, tiếp theo là tìm một chỗ khuất gió, nhặt một ít cành khô và hai cục đá, đặt chiếc bát lên trên, đốt lửa luộc chín… Tôi thường đứng sau lưng quan sát mọi công việc của anh ta. Mùi vị thơm phức tươi rói từ chiếc bát bốc lên khiến tôi thèm chảy nước miếng và trong thâm tâm, tôi hâm mộ cuộc sống của anh ta…

Tần Hà là em ruột của bí thư đảng ủy công xã Tần Sơn, từng là học sinh trường trung học số 1 của huyện. Em trai của bí thư công xã đi xin ăn ở chợ, tất nhiên trong chuyện này có nhiều nguyên nhân rất phức tạp. Có người nói, anh ta là kẻ ái mộ cô tôi đến độ điên cuồng nhưng rồi trong một lúc điên loạn, anh ta đã dùng súng của anh trai tự sát nhưng bất thành, sau khi chữa trị vết thương thì biến thành bộ dạng như thế. Ban đầu vẫn có người cười cợt chế nhạo. Nhưng kể từ khi anh ta giúp ông già giữ được con cá năm mươi ký, những người bán cá đã có vẻ kính nể và thông cảm cho anh ta hơn. Tôi cảm thấy người này có một sức hấp dẫn kỳ lạ, tôi muốn hiểu anh ta. Mỗi khi nhìn thấy đôi mắt dâm dấp ướt của anh ta là tôi cảm thấy đồng tình. Một buổi chiều hoàng hôn, chợ cá đã tan, một mình anh ta đứng dưới những tia nắng cuối cùng, kéo lê chiếc bóng dài ngoằng phía sau đi về phía tây. Tôi lặng lẽ đi theo anh ta. Tôi muốn biết bí mật của con người này. Anh ta phát hiện tôi theo dõi phía sau thì dừng lại, quay người cung kính cúi sát đất vái tôi một cái, nói: “Anh bạn thân mến, tôi là thằng người chẳng ra gì, đúng không?” – Giọng nói và cử chỉ anh ta trông thật tội nghiệp: “Ý tôi là, xin anh đừng đi theo sau lưng tôi”. Tôi nói: “Anh đi thì tôi cũng đi, tôi có đi theo anh đâu”. Anh ta lắc đầu, thì thầm van nài: “Anh bạn, hãy thương lấy kẻ bất hạnh này”. Nói xong thì quay người tiếp tục đi về phía trước. Tôi vẫn cứ đi theo. Bước chân anh ta rất dài, chân co lên rất cao khi bước, thân thể lắc la lắc lư trông chẳng khác nào được cắt ra từ một tờ giấy. Tôi chỉ dùng năm phần sức lực cũng đủ để theo kịp anh ta. Anh ta dừng lại, thở hồng hộc, sắc mặt trắng bệch, nước mắt đã chảy ra ràn rụa, lắp bắp: “Anh bạn… Anh hãy tha cho tôi… Tôi là một phế nhân, là một kẻ đã từng bị trọng thương…”.

Thái độ của anh ta khiến quyết tâm của tôi không còn nữa, đứng lại, nhìn theo bóng dáng anh ta và bên tai tôi vẫn thoang thoảng những tiếng nấc nghẹn. Thực ra thì tôi không hề ác ý. Tôi chỉ muốn biết anh ta sống thế nào, chẳng hạn như đêm xuống, anh ta ngủ ở đâu mà thôi.

Lúc ấy, đôi chân tôi đã dài lắm, bắp vế rất to, mới chỉ là một đứa trẻ nhưng tôi lại mang giày số bốn mươi. Mẹ tôi vẫn rất buồn về chuyện này. Thầy Trần dạy thể dục ở trường, vốn là vận động viên điền kinh cấp tỉnh, là một kiện tướng thể dục đúng nghĩa nhưng lại thuộc phái hữu đã từng đo bắp chân, đo chiều cao đôi chân tôi và cho rằng tôi có khả năng về thể dục nên rất chú ý bồi dưỡng tôi. Thầy dạy tôi cách điều chỉnh bước chân khi chạy, điều hòa hơi thở để phân bổ sức lực. Trong hội thao giành cho học sinh trung và tiểu học toàn huyện, tôi đã đoạt giải ba về môn chạy cự ly ba nghìn mét. Do vậy chuyện tôi trốn học chạy đến chợ cá chơi trở thành một chuyện bình thường, không ai thèm để ý nữa.

Sau lần theo dõi ấy, tôi trở thành bạn của Tần Hà. Mỗi lần gặp mặt, anh ta luôn luôn gật đầu chào tôi rất thân thiện. Anh ta lớn hơn tôi đến mười mấy tuổi, nhưng tình bạn giữa tôi và anh ta có thể nói là tình bạn vong niên. Ngoài anh ta ra, chợ cá còn có hai người ăn xin nữa. Một người tên là Cao Môn có đôi vai rộng, thoạt nhìn cũng biết ngay là người rất khỏe. Người còn lại tên là Lỗ Hoa Hoa, là một người đàn ông mắc chứng vàng da do bị viêm gan nhưng không hiểu sao lại mang một cái tên rất đàn bà. Có một ngày, hai gã ăn mày này liên thủ tấn công Tần Hà. Một gã dùng chiếc gậy bằng thân cây liễu, một gã cầm chiếc giày rách đánh tới tấp vào Tần Hà. Anh ta không trả đòn mà chỉ kêu van:

“Các đại ca ơi! Các đại ca đánh chết được tôi, tôi vô cùng cám ơn… Nhưng các đại ca đừng nên ăn ếch… Ếch là bạn của con người, không nên ăn chúng… Trong thịt ếch có ký sinh trùng… Người ăn thịt ếch sẽ biến thành kẻ đần độn…”.

Tôi đã trông thấy dưới bóng cây liễu có một đống lửa, khói xanh vẫn còn đang cuồn cuộn bốc lên, trong đống lửa ấy có những con ếch đang sắp bị nướng chín. Bên cạnh đống lửa là da ếch, xương ếch đang bốc lên mùi tanh tanh khiến tôi muốn lộn mửa. Tôi hiểu, thì ra Tần Hà ngăn cản hai gã ăn mày này bắt ếch nướng ăn nên mới bị đánh. Nhìn thấy Tần Hà bị đánh, nước mắt tôi trào ra. Thời kỳ đói kém, người ta ăn thịt ếch là chuyện bình thường. Nhưng người trong gia tộc chúng tôi không bao giờ ăn thịt ếch. Và tôi tin rằng, tất cả những người thuộc gia tộc tôi thà chết đói chứ không bao giờ ăn thịt ếch. Xét về phương diện này, Tần Hà là đồng chí của tôi. Tôi nhặt một que củi đang cháy dở đập mạnh vào mông Cao Môn rồi thuận tay điểm mạnh vào cổ Lỗ Hoa Hoa rồi vất que củi, chạy thục mạng về phía bờ sông. Cả hai gã đuổi theo tôi. Tôi giữ cự ly an toàn nhưng đủ để dụ chúng rời xa Tần Hà. Khi cả hai dừng lại thì tôi lại cao giọng chửi hoặc nhặt một vài hòn đá rơi vãi trên bờ sông ném về phía chúng.

Ngày ấy, người của bốn mươi tám thôn thuộc công xã đều vác cờ đỏ, có người còn mang theo cả trống và phèng la, người đi theo đường bộ, kẻ đi theo đường sông áp giải những kẻ xấu thuộc thôn mình theo đến tập trung tại khu Đới Hồng. Họ tập trung về đây để phê đấu Dương Lâm, vốn là bí thư huyện ủy nhưng đã theo tư sản. Những kẻ xấu ở các cơ quan, các xã trực thuộc và các thôn cũng bị điệu về đây để tham dự cuộc phê đấu. Chúng tôi đi theo đường sông lúc này đang đóng băng. Có người còn trượt băng trên những tấm ván trượt tự chế. Thầy giáo Trần, người từng chú ý bồi dưỡng tôi, đầu đội một chiếc mũ giấy cao ngất ngưởng, đôi ống chân để trần, đôi bàn chân xỏ một đôi giày cỏ rách nát, gương mặt tươi rói đi sau thầy hiệu trưởng cũng đang đội chiếc mũ cao ngất ngưởng nhưng gương mặt vô cùng buồn thảm. Áp giải họ là con trai Tiêu Thượng Thần – Tiêu Hạ Thần tay cầm cờ đỏ. Tiêu Thượng Thần đã trở thành chủ nhiệm Ủy ban cách mạng công xã và con trai ông ta, Tiêu Hạ Thần đã là đại đội trưởng Hồng vệ binh trường tôi. Đôi giày thể thao mà nó đang mang trong chân là lột từ đôi chân của thầy giáo Trần dạy thể dục. Còn khẩu súng bắn được hai phát hiệu lệnh – vốn là vật tôi mơ ước được cầm thử một lần – lúc này đang giắt bên hông của Tiêu Hạ Thần lại là tài sản công của trường tôi. Thi thoảng, nó lấy khẩu súng ra, nhét thuốc súng vào rồi chĩa lên trời bắn đoàng đoàng. Tiếng súng nổ cộng với làm khó xanh nhạt tỏa ra từ đầu mũi súng khiến không khí càng trở nên hùng tráng hơn.

Khi cách mạng mới bắt đầu, tôi cũng muốn tham gia Hồng vệ binh nhưng thằng Tiêu Hạ Thần lại không nhận tôi. Nó nói, tôi thuộc phái hữu vì là học sinh được thầy Trần đặc biệt bồi dưỡng. Nó còn nói, ông nội tôi là Hán gian, là liệt sĩ giả danh, cô tôi là đặc vụ của Quốc dân đảng, là vợ chưa cưới của kẻ phản bội tổ quốc, là kẻ đi theo phái tư bản. Để báo thù nó, tôi nhặt phân chó, dùng lá cây gói lại cẩn thận, giấu trong tay. Đi đến trước mặt nó, tôi cố ý nói: “Tiêu Hạ Thần, đầu lưỡi của mày sao lại đen thế?”. Thằng này đâu có biết tôi lừa, lập tức há miệng ra, tôi nhét nắm phân chó vào miệng nó và quay người bỏ chạy. Nó làm sao đuổi kịp tôi! Trong trường, ngoài thầy giáo Trần ra, không ai có khả năng chạy thi với tôi cả.

Nhìn thấy nó mang giày của thầy Trần, cầm cờ đỏ, mang súng phát hiệu lệnh cùng với cái mặt tiểu nhân đắc ý cố tình diệu võ dương oai của nó, tôi vừa căm ghét vừa đố kỵ nên mới quyết định cho nó một vố nữa. Tôi biết nó vốn rất sợ rắn nhưng lúc ấy đã là cuối thu, khó lòng bắt được con rắn nào. Nên ngay sau đó, tôi đi tìm một khúc dây thừng, khoanh tròn lại và giấu sau lưng, lặng lẽ đến bên cạnh rồi bất ngờ quàng dây thừng vào cổ nó, đồng thời hét lên: Rắn độc!

Tiêu Hạ Thần thét lên một tiếng kinh hoàng, vất cờ lệnh, hai tay quáng quàng bấu lấy chiếc dây thừng trên cổ. Khi nhận ra vật trên cổ chỉ là một chiếc dây thừng, nó mới bình tĩnh lại, nhặt cờ lệnh lên, nhe răng tím mặt hét lớn: “Vạn Tiểu Bão, mày là một thẳng phản cách mạng! Giết”. Vừa nói, nó vừa đâm thẳng cán cờ lệnh vào tôi trông chẳng khác nào đang sử dụng một thanh kiếm.

Tôi chạy.

Nó đuổi theo.

Chạy trên băng nên rất khó cho tôi phát triển sở trường của mình. Tôi cảm thấy có một luồng khí lạnh đang áp sát sau lưng mình, hoảng sợ khi nghĩ là cán cờ có bịt đầu bằng sắt ấy sẽ xuyên qua thân thể mình vì biết Tiêu Hạ Thần đã từng dùng đá để mài cái mũi sắt ấy rất sắc nhọn. Tôi cùng biết là thằng này tâm địa rất thâm độc, trong tay nó lại đang có vũ khí lợi hại nên ý thức giết người càng thêm hăng. Nó vẫn thường dùng cái cán cờ ấy đâm thẳng vào thân cây, đâm vào những con bù nhìn trên ruộng, trước đấy không lâu đã đâm chết một con lợn đực của hàng xóm vì con lợn đực này đang chồm lên lưng con lợn cái nhà nó. Vừa chạy tôi vừa quay lại nhìn, trông thấy đầu tóc nó dựng ngược, hai con mắt trợn tròn xoe. Tôi nghĩ thầm, nếu để nó đuổi kịp thì cái mạng nhỏ của tôi ba phần tư là không còn tồn tại nữa.

Tôi chạy. Tôi len lỏi giữa những hàng người mà chạy, ngã xuống rồi lại đứng dậy chạy tiếp nhưng vẫn có cảm giác là cán cờ của Tiêu Hạ Thần đang gí sát lưng mình. Nhưng may thay, băng trơn, tôi ngã thì nó cũng ngã. Tôi bò dậy thì nó cũng bò dậy, tôi tiếp tục chạy và nó tiếp tục đuổi. Thi thoảng tôi đâm sầm vào một ai đó. Đàn ông? Hay đàn bà? A! Thẳng oắt này! A! Cứu! Cứu mạng!… Có kẻ muốn giết người! Một đoàn người đầy đủ chiêng trống đang diễu hành trên băng bị tôi đâm thẳng vào, tiếng chiêng tiếng trống có phần lỗi nhịp, trong đó có mũ của mấy kẻ xấu rơi xuống đất – Tôi chạy qua trước mặt Trần Ngạch, bố Trần Tị; tôi chạy sau lưng Ngãi Liên, mẹ Trần Tị. Tôi chạy bên hông Viên Liễm, bố Viên Tai… Họ đã biến thành những kẻ “theo đuôi phái tư sản”. Tôi chạy ngang qua bên mình Vương Cước – Tôi trông thấy mặt mẹ tôi, nghe thấy bà kêu lên kinh sợ – Tôi thấy Vương Can, bạn thân của tôi – Tôi nghe thấy một tiếng ngã nặng nề sau lưng mình và sau đó là tiếng rú thảm thiết của Tiêu Hạ Thần – Sau đó tôi mới biết, Vương Can đã nhẹ nhàng đưa một chân ra khiến Tiêu Hạ Thần ngã sấp, mặt đập rất mạnh xuống băng khiến môi tóe máu, may mà còn giữ được hai hàm răng. Tiêu Hạ Thần bò dậy định xông vào hành hung Vương Can nhưng đôi bàn tay to lớn của Vương Cước đã túm chặt lấy vai nó. Vương Cước nói: “Tiêu Hạ Thần mày là đồ tạp chủng. Mày mà dám động đến một sợi tóc của Vương Can là tao móc đôi mắt mày ra! Nhà tao ba đời cố nông – Vương Cước nói – Người khác thì sợ mày chứ ông nội mày đây chẳng có gì phải sợ!”.

Người đã đông như kiến trên mặt nước hồ đã đóng băng dày. Còn trên cống Đới Hồng, một sân khấu bằng ván và chiếu lau rất hoành tráng đã được dựng lên. Đầu năm nay công xã đã điều động một số người khỏe mạnh, có tay nghề cao tập hợp thành một đội chuyên đi dựng sân khấu, khán đài để tổ chức đấu tố. Trên sân khấu cắm mấy chục là cờ đỏ và rất nhiều những câu khẩu hiệu trắng viết trên nền vải đỏ. Hai chiếc trụ to tướng dựng trước sân khấu có mắc bốn chiếc loa phóng thanh cực to. Khi chúng tôi đi đến vị trí quy định, trên loa đang phát bài hát “Ngữ lục ca”: Chân lý của chủ nghĩa Mác, trăm vạn điều hay. Quy về một mối, chỉ cần một câu: Tạo phản có lý của tạo phản…

Đúng là quá vui, quá náo nhiệt. Tôi chen lấn giữa biển người để tiến về phía trước, muốn đến gần khán đài. Những người bị tôi xô đẩy vung chân đá vào mông tôi, vung nắm đấm đập vào vai tôi, dùng cùi chỏ thúc vào mặt tôi chẳng hề khách khí chút nào. Tốn rất nhiều thời gian và sức lực nhưng rốt cuộc không những tôi không tiến được lên phía trước mà dần dần còn bị đẩy ra ngoài. Tôi nghe thấy tiếng nước chảy róc rách và dự cảm là có điều gì đó không may chuẩn bị xảy ra. Đúng lúc ấy, tiếng một người đàn ông khàn khàn như vịt đực vang lên trên loa: “Đại hội đấu tố sắp sửa bắt đầu, xin mới quý vị bần hạ trung nông giữ trật tự. Những người ở phía trước ngồi xuống!”.

Bạn đọc cảm nhận


ĐỖ NGA

Tôi đã cầm lên đặt xuống quyển sách này đến 3 – 4 lần rồi mới có thể đi đến trang cuối cùng. Phải đọc hơn 1/2 quyển tiểu thuyết tôi mới hiểu được tại sao Mạc Ngôn chọn cái tên “Ếch”.

Mạc Ngôn đứng ở vai khách quan, nhìn nhận và kể chuyện, không đánh giá, không nhận xét, cũng không nhấn mạnh và diễn biến tâm lý nhân vật mà tất cả để cho người đọc tự cảm nhận. Chẳng cần nói nhiều, chỉ cần kể và tả là cũng đủ để nhận được những biến đổi tâm lý đó. Đằng sau cái lạnh lùng đến mức bị gọi là “máu lạnh” thì chắc chắn vẫn âm ỉ một nỗi đau xé lòng.

Đọc “Êch” sẽ hiểu thêm cái “máu lạnh” của người Trung Quốc. Là đồng bào, làng xóm, họ hàng thân thuộc nhưng cũng không vị nể tình riêng. Vậy mới thấy họ kiên cường ra sao.

Mai Hương

Đây là lần đầu tiên tôi đọc tiểu thuyết của Mạc Ngôn, lại là một chủ đề đặc biệt như thế này. Cuốn sách mô tả chính sách kế hoạch hóa của Trung Quốc giai đoạn thập niên 60 sống động đến nỗi khiến tôi cảm thấy gai người.

Phải đọc hết cuốn sách tôi mới thấm ý nghĩa của cái tên “Ếch”. Ếch xuất hiện thoạt đầu là tên tạp chí nội bộ của Hội liên hiệp văn học “Tiếng ếch kêu”. Ếch là cơn ác mộng của người cô. Tiếng ếch vang vọng như tiếng của hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ đang khóc. Ếch còn là tên vở kịch của nhân vật tôi. Và vở kịch đó đến khi hạ màn vẫn khiến người ta phải âm trầm suy tưởng.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button