Review

Sử Việt – 12 Khúc Tráng Ca

Thể loại Lịch sử
Tác giả Dũng Phan
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Bão
Số trang 272
Ngày xuất bản 06-2017
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Tác phẩm “Sử Việt – 12 khúc tráng ca” kể về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước thời phong kiến, được chọn lọc theo tính chất quan trọng và hùng tráng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Cuốn sách là sự kết hợp của những tư liệu lịch sử đã được kiểm chứng, xen kẽ với nhận định và đánh giá của người biên soạn. Tác phẩm kể lại các câu chuyện Sử Việt đầy hấp dẫn bằng một cách tiếp cận hoàn toàn mới, không phải như tiểu thuyết dã sử, nhưng cũng không phải là một tài liệu chuyên khảo khô khan.

Đây là cuốn sách dành cho tất cả mọi thế hệ. Bởi chỉ cần là người Việt Nam, thì đều có thể tìm kiếm được trong đây tình yêu với sử nhà bởi tính chất hấp dẫn, bi hùng và những bài học của tiền nhân để lại thông qua những câu chuyện đặc sắc.

Không chỉ đưa người đọc đến với những vị anh hùng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… cuốn sách còn đến với những nhân vật quan trọng chưa được đánh giá đúng mực (Khúc Hạo), hay những địa danh bị bụi phủ mờ (thành Bình Lỗ, đầm Thị Nại), càng không chỉ nói sơ qua chiến tích ở Bạch Đằng, mà còn giúp hiểu thêm kĩ thuật đóng cọc trên sông. Bên cạnh giải đáp chuyện bí ẩn Quang Trung hành quân thần tốc, còn lý giải vì sao lãnh thổ dân tộc có diện mạo hình chữ S như ngày hôm nay.

“Sử Việt – 12 khúc tráng ca” hệt như một cuốn phim li kì, với hàng loạt câu hỏi về các nghi án lịch sử, những tranh đoạt hoàng quyền trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Cuốn sách như một bản nhạc, khi thì dồn dập, khi thì bi ai, khi thì hùng tráng, khi thì trầm mặc. Những câu chuyện trập trùng xen kẽ như các khúc ca thăng trầm của dân tộc Việt Nam.

[taq_review]

Review

Phan Hoàng Nam

+ Giọng văn thực sự lôi cuốn. Không giống như những sách sử mình đã đọc qua (không nhiều), thay vì đơn thuần liệt kê các tình tiết, sự kiện lịch sử, tác giả Dũng Phan đã viết dưới dạng kể chuyện và (quan trọng hơn cả) luận bàn các câu chuyện lịch sử ấy. Đối với người đọc như mình, không có cảm giác như đang đọc 1 cuốn sách giáo khoa lịch sử, mà có cảm giác như đang được ở trong 1 buổi thảo luận lịch sử mà tác giả là người dẫn dắt

+ Điểm cộng thứ 2 chính là ở chỗ “luận bàn” mà mình nói ở trên. Ngày trước đi học mình không thích học sử vì mọi sự kiện trong sách, mình được dạy học theo nằm lòng, và không được đặt câu hỏi, không nhận được câu trả lời cho những thắc mắc, suy nghĩ, quan điểm trái chiều của mình về sự kiện lịch sử được dạy. Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra những câu hỏi, những giả thuyết về 1 số sự kiện lịch sử mà theo ghi chép lại có nhiều điểm không rõ ràng. Sách vì thế không đơn thuần dạy mình lịch sử, mà còn kích thích người đọc đưa ra những góc nhìn khác nhau về cùng 1 câu chuyện, nhân vật lịch sử.

Luong Thao

Mình vừa đọc xong cuốn sách, trước đây đọc sử Việt luôn có 1 cảm xúc khó tả, dù là đọc sách hay đọc trên wiki, cứ cảm giác đang lật giở được những bí mật xưa cổ ly kỳ. Khi đọc cuốn sách này thì cứ vừa đọc vừa ứa nước mắt vì những cảm xúc mãnh liệt mà cuốn sách mang lại, tự hào và bi thương… Thật sự khâm phục tác giả vì anh thật sự là ngươi đọc sử rất sáng suốt, từ những mảnh ghép tản mát trong nhiều tài liệu sử lại có thể ghép thành những bức tranh của các vị anh hùng tổ tiên của dân tộc. Kiến thức sử của tác giả cũng rất uyên bác thể hiện ở việc xâu chuỗi, so sánh những con người ở những thời đại và vùng đất khác nhau, đặt nghi vấn và dùng suy luận của mình để làm rõ hình ảnh của vị anh hùng dân tộc. Cảm ơn tác giả! Sách rất rất nên đọc!

Ura Tròn Xinh

Vốn là người yêu thích tìm hiểu lịch sử sau khi biết đến và theo dõi các bài viết của tác giả trên fb, khi biết đến cuốn sách tôi đã đặt mua ngay và luôn. Và quả thật tôi đã vô cùng yêu thích cuốn sách, hay tuyệt vời đúng như tôi hình dung và kì vọng. Những câu chuyện lịch sử được xắp xếp theo dòng thời gian rành mạch, đan xen phân tích nhiều vấn đề vô cùng thú vị dưới góc nhìn khoa học và logic của chính tác giả. Lịch sử đi vào hồn tôi sống động và thú vị, 12 khúc tráng ca như những thước phim tuyệt vời, lòng yêu nước tự hào dân tộc, sự ngưỡng mộ, những nỗi nuối tiếc, buồn thương,….Ở những trang cuối cùng về nữ tướng Bùi Thị Xuân, không hiểu vì sao nước mắt bất chợt lăn dài, xúc động tiếc thương cho một vương triều ngắn ngủi và oanh liệt, những con người anh dũng viết nên lịch sử bằng máu của chính mình. … Cuốn sách đã giúp tôi đi qua nhiều cung bậc cảm xúc mãnh liệt, tôi đã đọc ngấu nghiến, đọc đi đọc lại, ghi chép vào sổ tay những cái tên, những sự kiện để nhắc mình không quên, để sau này có thể nói với con tôi ” sử Việt hay lắm con ạ!”

Cảm ơn tác giả, không hiểu sao anh là kĩ sư xây dựng mà viết sử rành mạch rõ ràng, kể chuyện lịch sử hay như thế? Có lẽ cái tư duy khoa học đã giúp anh trình bày dễ hiểu như vậy. ^^ Người giỏi môn khoa học viết chuyện xã hội không những không khô khan mà rất mượt mà logic. Nếu anh có tái bản mà đọc được dòng này thì tôi mong sẽ có thêm minh họa trong sách cho dễ hình dung về các trận đánh nhé.

Đọc mà mơ ước sử việt được dựng thành phim chỉn chu như Trung Quốc đã làm được với sử họ, để thế hệ trẻ VN phải thuộc sử VN chứ không phải rành sử Trung, hàn, nhật hơn sử nhà như hiện nay.

Trích đoạn

KHÚC CA 1: TIÊNG NHẠC DẠO ĐẦU

DÒNG HỌ KHÚC ĐẶT NỀN MÓNG TỰ CHỦ


Đã bao giờ trên những trang sách lịch sử viết về thời kỳ Bắc thuộc, các bạn tự hỏi: Vì sao chỉ có chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng là chấm dứt được 1000 năm Bắc thuộc, trong khi các cuộc khởi nghĩa trước đó của Bà Trưng, Bà Triệu, của Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, của Phùng Hưng, hay của Mai Thúc Loan chỉ là những chiến thắng ban đầu gây tiếng vang và rồi nhanh chóng bị dập tắt? Câu trả lời mấu chốt có liên quan đến một dòng họ quan trọng trong lịch sử dân tộc: dòng họ Khúc.

Năm 938, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Kể từ ngày ấy, quân phương Bắc không còn trở lại và đất nước ta chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc. Nhưng tại sao quân phương Bắc không còn trở lại để đánh Ngô Quyền nữa? Bởi vì họ đã nhìn thấy nước Nam như một quốc gia riêng biệt khó bề chế ngự. Chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng không phải là một cuộc khởi nghĩa đơn thuần như các cuộc khởi nghĩa trước đó,mà trận đánh này là cuộc chiến giữa hai vùng đất tự chủ: vùng đất Giao Châu do người nước Nam quản lý và vùng đất Nam Hán của vua Lưu Nham phương Bắc. Khác với tính chất một cuộc khởi nghĩa vùng lên bột phát bởi sự cai trị hà khắc của kẻ cầm quyền, tính chất của trận đánh ở Bạch Đằng là sự ngăn chặn Nam Hán xâm chiếm trở lại An Nam. Những gì Ngô Quyền có hôm ấy không phải là một sự manh mún, nhỏ lẻ như Bà Trưng, Bà Triệu… ngày nào mà là một chính quyền và quân đội rõ ràng. Chính quyền ấy đã được tạo nên từ cách đó hơn 30 năm, dưới tay của một vị hào trưởng thuộc đất Hồng Châu, tỉnh Hải Dương: Khúc Thừa Dụ. Ba đời dòng họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ) đã xây dựng một chính quyền của nước Nam riêng biệt với phương Bắc, với một nền kinh tế tự chủ và một đội quân bảo vệ Giao Châu hoàn toàn của người Việt. Bởi vậy điểm mấu chốt cho thắng lợi của Ngô Quyền không phải là chiến thuật trên sông Bạch Đằng mà ở cái gốc rễ được tạo dựng dưới chân Ngô Vương trước đó. Bạch Đằng chỉ là chiến trường để phân định thắng thua, là nơi ghi nhận tài năng quân sự của Ngô Vương, còn phía sau lưng Ngô Vương thì quyền lực đã được quản lý đến cấp địa phương. Sự khác biệt quan trọng của một chính quyền “ăn sâu bén rễ” đến cấp thôn làng đã giúp Ngô Quyền, chứ không phải Hai Bà Trưng hay Lý Nam Đế, mới là người chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc của dân tộc.

1. KHÚC THỪA DỤ

“Thời thế tạo anh hùng”, câu nói ấy chính ứng vào Khúc Thừa Dụ. Cuối thế kỷ IX, nhà Đường đi vào giai đoạn suy vong. Sự suy yếu đến tận gốc rễ của một trong những triều đại hùng mạnh nhất Trung Quốc đã tạo điều kiện cho vương quốc của người Bạch và người Di tên là Nam Chiếu hùng mạnh lên. Nam Chiếu đã tấn công thẳng vào An Nam, cạnh tranh nhà Đường. Nhưng sự suy yếu của nhà Đường cùng sự đi xuống của Nam Chiếu theo thời gian viễn chinh đã dẫn đến một cuộc chiến tương tàn mà cả hai bên đều thất bại, cuối cùng chỉ có người Việt chiến thắng. Sự rối ren đã đưa quyền lực đến cho quyền thần Chu Toàn Trung. Lúc này, Chu Toàn Dục là tiết độ sứ An Nam nhưng sau đó lại được thay bằng tiết độ sứ Độc Cô Tổn. Độc Cô Tổn lại không được lòng quyền thần Chu Toàn Trung, cuối cùng bị giết. Đất An Nam không có tiết độ sứ, còn chính quyền đô hộ như rắn mất đầu.

Chính lúc này vị anh hùng của chúng ta là Khúc Thừa Dụ bước chân lên Vũ đài lịch sử. Ông là một hào trưởng thuộc đất Hồng Châu, tỉnh Hải Dương. Được dân chúng ủng hộ, ông đã cùng với bộ thuộc tiến quân ra chiếm đóng phủ thành Tống Bình (Hà Nội) và tự xưng là tiết độ sứ. Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 5) chép lại: “Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu. Khúc Thừa Dụ tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là tiết độ sứ.” Như vậy, Khúc Thừa Dụ đã thực hiện một màn cướp chính quyền trong âm thầm và đẩy nhà Đường vào thế sự đã rồi, buộc phải công nhận tước vị của ông. Sự khôn khéo của Khúc Thừa Dụ nằm ở chỗ, ông không dựng cờ để gây sự chú ý mà âm thầm xây dựng một chính quyền của người Việt và cho người Việt. Ông đứng trên danh nghĩa là tiết độ sứ của nhà Đường, là người thuộc bộ máy đô hộ, nhưng phía sau lại làm công việc của một người giành độc lập. Đấy là chuyển quyền tự chủ dân tộc sang cho người Việt, một cách khéo léo.

Trí tuệ của Khúc Thừa Dụ còn ở cái cách khiến cho nhà Đường phong hàm tước đồng bình chương sự cho ông. Rồi dùng chính chức tước ấy, ông phong cho con là Khúc Hạo chức vụ Tĩnh Hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu, tức là chức vụ chỉ huy quân đội và sẽ thay thế nắm quyền hành tiết độ sứ khi cha mất đi. Ông muốn rằng, nếu một ngày mình tạ thế thì quyền lực vẫn ở trong tay người Việt.

Ngày 23 tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, người đời sau thương mến gọi ông là Khúc Tiên chủ, dù cho ông chưa hề xưng đế hay xưng vương. Con ông – Khúc Hạo – lên nắm quyền chức tiết độ sứ thay cha, và lúc này, Khúc Hạo chứng minh bản lĩnh của một người kế thừa xứng đáng. Khúc Hạo là một nhà cải cách lớn ngay từ thế kỷ X, một nhân tài trị quốc dường như đã bị bỏ quên và cần ghi công lại trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.

2. KHÚC HẠO

Lúc này, nhà Đường đã mất, Trung Quốc bước vào giai đoạn “Ngũ đại Thập quốc!”. Nhà Hậu Lương một lần nữa muốn quay trở lại thôn tính nước ta. Vua Hậu Lương là Chu Ôn (tức Chu Toàn Trung) phong cho Lưu Ấn chức tiết độ phó sứ Quảng Châu, nhưng lại kiêm thêm Tĩnh Hải quân tiết độ, An Nam đô hộ, như một cách gián tiếp cho phép Lưu n được quyền quay lại An Nam nắm quyền. Đứng trước tình thế nguy hiểm ấy, Khúc Hạo mềm mỏng xưng tôi với vua Hậu Lương, đưa vàng bạc qua thương thuyết. Ông đối ngoại khôn khéo và giữ yên được bờ cõi, tránh được một cuộc can qua. Cùng với đó là đường hướng đối nội, Khúc Hạo tiến hành cải cách ở hai mặt hành chính và kinh tế để giúp nước Việt vững mạnh, nhằm đương đầu khi có chiến tranh, xác lập tự chủ lâu bền.

Cho đến bây giờ, chúng ta đều nắm rõ, để một vương triều tồn tại lâu dài cần phải có sự gắn kết trong bộ máy hành chính: cai trị từ trung ương đến địa phương. Vào thế kỷ X, Khúc Hạo đã nghĩ đến điều đó. Một chiến thắng ngoài mặt trận không thể giúp đất nước vững bền, nhưng một hệ thống hành chính kiện toàn có thể làm được điều đó.

Khúc Hạo chia cả nước thành đơn vị hành chính các cấp: lộ, phủ, châu, giáp, xã. Thời thuộc Đường, dưới châu là hương, Khúc Hạo đổi hương là giáp. Mỗi giáp có một quản giáp và một phó tri giáp để trông nom việc thu thuế. Theo sách An Nam chí nguyên, Khúc Hạo đặt thêm 150 giáp cả thảy bao gồm trước đó, tổng cộng trên cả nước ta có 314 giáp. Dưới giáp là xã, mỗi xã có xã quan, một chánh lệnh trưởng và một tá lệnh trưởng. Dưới xã là quận, tổng cộng, trình tự bộ máy thời họ Khúc tự chủ do ông cải cách là: lộ – phủ – châu – giáp – xã – quận.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Nam có một cuộc cải cách sâu rộng đến như thế. Chính những cải cách gần dân và ở cấp cơ sở này sẽ là tiền đề để 30 năm sau, Ngô Quyền chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc một cách đường đường chính chính.

Cần phải nhấn mạnh: Ở bộ máy cải cách do Khúc Hạo đặt ra có một điểm đặc biệt quan trọng để sau này không chỉ giúp nước ta giành được độc lập, đứng lên chống lại sự xâm lược qua từng thời kỳ mà còn củng cố văn hóa nghìn năm của dân tộc này, đó là “văn hóa lũy tre làng”. Làng xã Việt Nam phía sau lũy tre đã quây tròn lại cùng nhau, kể cho nhau thuở Hồng Bàng, Văn Lang, u Lạc, đã nhắc nhở nhau và giữ gìn truyền thống ăn trầu, nhuộm răng, để 1000 năm mất nước vẫn không quên đi nguồn gốc đất tổ. Khi Khúc Hạo cơ cấu phân khu xã làng và quận, ông đã gián tiếp thu gom lực lượng, chính thức hóa một nét Việt và bảo vệ mãi mãi truyền thống ấy. Cải cách thứ hai của Khúc Hạo là kinh tế. Khúc Hạo chấm dứt tình trạng tô thuế, lao dịch và cống nạp nặng nề mà người Việt phải chịu đựng trong quá trình Bắc thuộc trước đó. Ông cho ban hành chính sách “bình quân thuế ruộng”, có nghĩa là phân phối ruộng đất theo chế độ công xã, và tiến hành đánh thuế bình quân theo ruộng đất mà các hộ được phân chia. Điều này giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất và an tâm cày cấy.

Ngoài ra, Khúc Hạo còn sửa đổi lại chế độ điền tô, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kê rõ quê quán, giao cho giáp trưởng (quản giáp) trông coi. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã viết về các chính sách cải cách của Khúc Hạo bằng 11 chữ sau: “Cốt khoan dung giản dị, nhân dân đều được yên vui.” Mặc dù hoàn cảnh dân tộc khi ấy khiến cho những cải cách của Khúc Hạo chưa được toàn diện và triệt để nhưng tính từ khi lập nước, cải cách của Khúc Hạo đã đưa dân tộc ta tiến một bước dài đến tự chủ và độc lập. Một ngôi nhà chỉ yên ấm khi nền móng chắc chắn, một con người chỉ thành công khi cái gốc vững vàng. Câu chuyện từ dòng họ Khúc lặng lẽ xây dựng vun đắp nước Việt để tạo nên chiến thắng cho dân tộc Sau đó hơn 30 năm chính là bài học lịch sử Vĩ đại mà tiền nhân đã dạy chúng ta.

Năm 917, Khúc Hạo mất. Con trai ông là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Khúc Thừa Mỹ không có được tính nhẫn nại của cha và ông, đã vội vàng gây sự với quân Nam Hán. Kết quả, gây ra cuộc chiến tranh vào năm 930. Quân Nam Hán tiến quân thần tốc, đánh bại quân Việt, Khúc Thừa Mỹ bị bắt, phủ thành Đại La (Hà Nội) bị chiếm. May sao một vị ái tướng nhà họ Khúc tên là Dương Đình Nghệ đã đem quân vây lấy quân Nam Hán, chém chết hai tướng, rồi giành quyền tự chủ về lại cho nước Việt, ông là vị tiết độ sứ kế thừa dòng họ Khúc. Nhưng Dương Đình Nghệ chỉ ở cương vị tiết độ sứ được 7 năm thì bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại. Con rể của ông là Ngô Quyền (cưới con gái của Dương Đình Nghệ là Dương Như Ngọc) đã đưa bộ thuộc từ Thanh Hóa đến bảo vệ Đại La, giao chiến trên sông Bạch Đằng. Phần còn lại, hẳn chúng ta đều đã biết.

Dẫu chỉ tồn tại đúng 25 năm nhưng dòng họ Khúc đã đặt nền móng tự chủ cho dân tộc Việt Nam một cách vững vàng, từ chiến thắng ngoài trận tiền cho đến việc kiến quốc, dựng nước, tạo nền tảng hành chính – kinh tế mà các triều Ngô, Đinh và Tiền Lê đã kế thừa.

Sử gia Lê Tung nhà Hậu Lê thế kỷ XVI đánh giá công lao của Khúc Hạo: “Khúc Trung Chúa (tức Khúc Hạo) nối nghiệp mở nước, khoan hòa, có phong thái trù mưu định kế quyết thắng, ngoài ý mọi người, chống chọi các nước Bắc triều, thật là bậc chúa hiền của nước Việt.”

Những trang sử vẻ vang của dân tộc rồi đây sẽ lần lượt được kể lại với những chiến thắng và những công tích kỳ vĩ. Nhưng hậu nhân không bao giờ quên có một dòng họ Khúc thầm lặng đã xây nên một nền móng vững vàng, cho khúc ca tự chủ ngân lên vào năm 938 sau này.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button