Review

Dòng Máu

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Sidney Sheldon
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Huy Hoang Bookstore
Số trang 523
Ngày xuất bản 12-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Sidney Sheldon, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết thuộc hàng Best-selling được người đọc Việt Nam yêu thích như “Nếu còn có ngày mai”, “Âm mưu ngày tận thế”, “Thiên thần nổi giận”…, đã từ trần ở tuổi 89.

Warren Cowan, một trong những cố vấn của Sheldon cho biết nhà văn từ trần vào chiều ngày 30/12 tại Bệnh viện Eisenhower ở Rancho Mirage (Mỹ) vì bệnh viêm phổi. Vợ ông, bà Alexandra, con gái Mary Sheldon đồng thời cũng là một nhà văn, đã có mặt bên cạnh Sheldon trong lúc lâm chung. Cowan xúc động nói: “Tôi đã mất một người bạn lâu năm và thân thiết nhất. Trong suốt những năm tháng được làm việc cùng Sheldon, tôi chưa bao giờ nghe thấy ai đó nói một từ không hay về ông”. Sidney Sheldon từng có thời gian làm việc tại Hollywood và là tác giả của nhiều kịch bản phim nhựa và phim truyền hình nổi tiếng.

Tuy nhiên, bước sang 50 tuổi, tức là vào khoảng những năm 1967, ông lại chuyển sang viết tiểu thuyết và nổi tiếng với hàng chục tác phẩm ăn khách nhất hành tinh, được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới. Những cuốn sách của Sheldon, như “Thiên thần nổi giận”, “Phía bên kia nửa đêm”, “Nếu còn có ngày mai” đã khiến tên tuổi của nhà văn Mỹ luôn tồn tại trong lòng bạn đọc.

Ông là một nhà văn có tài thực thụ. Bằng cách viết và diễn tả tình tiết câu chuyện rất ly kỳ với giọng văn hóm hỉnh nhưng đầy trí tuệ, những tác phẩm của Sheldon thường nói về những nhân vật thành đạt, nổi tiếng nhưng không có thật và thường là phụ nữ.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1982, Sheldon tâm sự: “Tôi cố gắng viết những tác phẩm để người đọc không thể đặt chúng xuống. Tôi viết để khi người đọc đọc tới cuối chương, họ phải đọc thêm một chương nữa”. Giải thích lý do tại sao có quá nhiều phụ nữ là các nhân vật chính trong các tác phẩm của ông, Sheldon nói: “Tôi thích viết về những người phụ nữ tài giỏi, và quan trọng hơn, là họ vẫn đầy quyến rũ, nữ tính. Phụ nữ có một sức mạnh vô cùng to lớn – đó là nét quyến rũ và người đàn ông không thể làm gì nếu thiếu điều này”. Không giống như những nhà văn khác thường sử dụng máy chữ hoặc máy tính để viết tác phẩm, Sheldon thường đọc ra 50 trang truyện mỗi ngày cho thư ký hay máy thu âm ghi lại. Sau đó, ông sửa bản sáng tác vào ngày hôm sau và cứ tiếp tục công việc như vậy cho tới khi tác phẩm của ông dài từ 1.200 tới 1.500 trang.

Sheldon nói: “Tôi đọc và sửa lại bản viết cuối cùng từ 12 tới 15 lần. Có thể tôi chỉ dùng cả năm để sửa lại bản viết đó”. Sidney Sheldon sinh ngày 11/2/1918 tại Chicago, Illinois dưới tên Sidney Schechtel, trong một gia đình có bố là người Do Thái gốc Đức, mẹ là gốc Nga. Ông bắt đầu việc viết lách ngay từ khi còn rất nhỏ. Lên 10 tuổi, cậu bé Sheldon đã kiếm được 10 USD cho một bài thơ. Thời trai trẻ, Sheldon từng làm nhiều nghề để kiếm sống trong khi là sinh viên tại Northwestern University và tham gia một nhóm chuyên viết những vở kịch ngắn.

Sheldon từng thú nhận ông suýt tự tử vào năm 17 tuổi. Năm 17 tuổi, Sheldon quyết định thử vận may tại Hollywood. Công việc ban đầu duy nhất mà Sheldon nhận được là đọc kịch bản phim tại Universal Studio với giá 22 USD/ tuần. Trong khi đó, ban đêm ông viết kịch bản phim riêng của mình và bán lại cho Universal với giá 250 USD. Sau thế chiến thứ 2, từ một phi công của Lực lượng không quân Mỹ, Sheldon giải ngũ và về làm việc cho sân khấu kịch Broadway – nơi đánh dấu những bước đi quan trọng trong sự nghiệp viết văn của ông. Cũng tại đây, Sheldon nhận giải Tony award cho kịch bản hay nhất cho “Redhead”.

Với hơn 300 triệu ấn bản được bán, Sheldon không chỉ là một trong những nhà văn “lão làng” của Mỹ mà còn có ảnh hưởng lớn trong nền văn học thế giới. Ông từng đoạt giải Oscar với kịch bản hay nhất cho phim “The Bachelor and the Bobby-Soxer” (1957), giải Tony Award cho vở nhạc kịch “Rehead” (1957) nổi tiếng của sân khấu kịch Broadway và giải Emmy cho “Dream of Jeannie” (1967) Tại Việt Nam, nhiều tác phẩm của Sheldon đã được dịch và xuất bản như “Âm mưu ngày tận thế”, “Bầu trời sụp đổ”, “Người lạ trong gương”, “Phía bên kia nửa đêm”, “Nếu còn có ngày mai”, “Kế hoạch hoàn hảo”, “Cát bụi thời gian”….

[taq_review]

Trích dẫn

Bàn tay tự do của ngài Đại Sứ Thuỵ Điển ấn mạnh vào mông Elizabeth và nàng cố phớt lờ chuyện đó khi hai người khiêu vũ quanh phòng, đôi môi nàng vẫn mỉm cười, cặp mắt lướt qua các vị khách ăn mặc sang trọng, dàn nhạc, những người hầu mặc lễ phục, mặt tủ buffet để đầy những món ăn độc đáo, rượu vang ngon, và nàng thầm hài lòng với bản thân. Đây quả là một bữa tiệc hấp dẫn.
Họ đang ở trong phòng khiêu vũ thuộc khu nhà ở Long Island. Có khoảng hai trăm khách mời và tất cả bọn họ đều rất quan trọng với tập đoàn Roffe và các con. Elizabeth nhận ra ngài Đại sứ đang ép người vào sát người nàng, cố gắng kích thích nàng. Ông ta đụng lưỡi vào tai nàng và thì thầm:
– Cô nhảy đẹp lắm.
– Ông cũng vậy, – Elizabeth mỉm cười trả lời, nàng bất thần bước hụt và đạp gót giầy nhọn hoắt của mình lên chân ông ta. Ông ta kêu lên đau đớn và Elizabeth lập tức tỏ ý xin lỗi, – Tôi xin lỗi, thưa ngài Đại sứ. Để tôi mời ngài một ly.
Nàng rời khỏi ông ta và lách về phía quầy rượu một cách ung dung giữa đám khách, cặp mắt thận trọng quan sát quanh căn phòng, kiểm tra xem mọi thứ có được hoàn hảo hay không.
Hoàn hảo, đó là những gì bố nàng yêu cầu. Giờ đây Elizabeth đã làm chủ cả hàng trăm buổi yến tiệc do Sam tổ chức, nhưng nàng vẫn không bao giờ thấy thoải mái. Mỗi bữa tiệc là một sự kiện, một đêm khai mạc, với hàng tá những điều có thể sai sót. Nàng chưa từng biết đến sự sung sướng như thế. Giấc mộng tuổi thơ được ở gần bên bố, được bố cần tới đã trở thành hiện thực. Nàng đã biết cách điều chỉnh theo thực tế rằng nhu cầu của bố nàng là không phải dành riêng cho một cá nhân nào, rằng giá trị của nàng đối với ông dựa trên những gì nàng có thể cống hiến cho tập đoàn. Đó là chuẩn mực duy nhất mà Sam Roffe dùng để đánh giá người khác. Elizabeth đã có thể lấp đầy khoảng trống do cái chết của mẹ nàng mang lại. Nàng đã trở thành bà chủ tiệc khéo léo của bố nàng. Nhưng Elizabeth là một cô gái cực kỳ thông minh nên nàng còn tiến xa hơn thế. Nàng được tham dự vào các buổi hội nghị kinh doanh với Sam, trên máy bay cũng như trong các khách sạn sang trọng, trong nhà máy cũng như trong các toà đại sứ và các cung điện. Nàng chứng kiến bố mình thi hành quyền lực, dùng hàng tỉ đô la vào việc mua và bán, phá huỷ và xây dựng. Roffe và các con là một sự phong phú vô cùng tận và Elizabeth thấy bố mình rộng rãi hào phóng với các bạn bè của tập đoàn cũng như siết chặt lòng rộng rãi với các kẻ thù của nó.
Elizabeth nhìn quanh phòng và thấy Sam đang đứng ở quầy bar, nói chuyện với Rhys, cùng một vị thủ tướng và một thượng nghị sĩ từ California. Sam trông thấy Elizabeth và vẫy tay gọi nàng. Elizabeth đi về phía ông, trong đầu nàng nghĩ về quãng thời gian ba năm trước, khi sự việc bắt đầu.

***

Elizabeth bay về nhà ngay ngày nàng tốt nghiệp.

Nàng đã mười tám tuổi. Nhà vào lúc đó, đã là căn hộ tại quảng trưòng Beekman ở Manhattan. Rhys cũng ở đó cùng bố nàng. Không hiểu sao nàng lại biết anh sẽ ở đó ở một nơi bí mật trong ý nghĩ của nàng vẫn có hình ảnh của anh, và mỗi khi cô đơn, chán chường hay thất vọng nàng lại lôi chúng ra và sười ấm bản thân bằng hồi ức của mình. Lúc đầu thì chuyện đó dường như là vô vọng. Một cô bé học sinh mười lăm tuổi và một người đàn ông hai mươi nhăm tuổi. Mười tuổi cách biệt đó chẳng khác gì một trăm tuổi.

Nhưng qua một số cách tính toán kỳ diệu nào đó thì đến năm mười tám tuổi sự cách biệt với nàng đã không còn quan trọng như trước. Hình như là nàng già đi nhanh hơn Rhys, cố gắng để bắt kịp anh.

Hai người đàn ông đứng lên khi nàng bước vào thư viện, nơi họ đang thảo luận chuyện làm ăn. Bố nàng thản nhiên hỏi:
– Elizabeth, con vừa về à?
– Vâng.
– À! Thế là đã học xong rồi đấy.
– Vâng.
– Thế thì tốt.
Và đó là lời chào mừng nàng trở về nhà. Rhys đi lại phía nàng và mỉm cười. Trông anh có vẻ thật sự vui mừng vì được gặp nàng.
– Trông em tuyệt quá, Liz. Lễ tốt nghiệp thế nào? Sam cũng rất muốn đến tham dự nhưng ông không thể đi được.
Anh đang nói những điều mà nhẽ ra bố nàng nên nói. Elizabeth giận dữ với bản thân mình vì đã bị tổn thương. Không phải là bố mình không yêu thương mình, nàng tự nhủ, mà đó là vì ông đã được cống hiến cho một thế giới không có phần của nàng trong đó. Ông sẽ đưa một đứa con trai vào thế giới của ông, còn đứa con gái thì chỉ là vật xa lạ mà thôi. Nàng không phù hợp với kế hoạch của tập đoàn.
– Con đang làm gián đoạn phải không. – Nàng đi ra cửa.
– Đợi một lát đã, – Rhys nói. Anh quay sang Sam. – Liz về nhà thật đúng lúc. Cô ấy có thể phụ giúp vào bữa tiệc đêm thứ bảy.
Sam quay sang Elizabeth, ngắm nhìn nàng một cách khách quan, như thể ông đang đánh giá nàng theo một kiểu mới. Nàng rất giống mẹ. Nàng cũng có vẻ đẹp đó vẻ thanh lịch tự nhiên đó. Mắt Sam chợt hiện ra một vẻ gì đó như vô cùng hứng thú. Chưa bao giờ từ trước đến nay ông lại nghĩ con gái mình sẽ là một nguồn vốn tiềm tàng cho Roffe và các con.
– Con có cái váy dài sang trọng nào không?
Elizabeth ngạc nhiên nhìn ông.
– Con…
– Cũng không sao. Con đi mua một cái đi. Con có biết làm sao tổ chức một buổi tiệc không?
Elizabeth nuốt nước bọt và trả lời:
– Chắc chắn là có.
Không lẽ tốt nghiệp trường ở Thuỵ Sĩ mà không làm được sao? Họ đã dạy bạn tất cả các lễ nghi xã hội
– Dĩ nhiên là con biết cách tổ chức một bữa tiệc.
– Tốt. Bố đã mời một số quan khách từ Ả rập. Họ có khoảng… – ông quay sang Rhys.
Rhys mỉm cười với Elizabeth và nói:
– Bốn mươi. Thêm hoặc bớt vài người.
– Để tất cả đấy cho con. – Elizabeth nói với vẻ tự tin.
Bữa tiệc đó là một sự thất bại hoàn toàn.
Elizabeth đã bảo người đầu bếp làm món Cocktail cua đầu tiên, tiếp theo là món ra gu thịt và đậu cho mỗi người cùng với một loại rượu vang nổi tiếng. Thật không may khi trong món ra gu kia có cả thịt lợn và những người Ả rập không bao giờ ăn tôm cua cũng như thịt heo. Họ cũng không uống các thứ nước giải khát có cồn. Họ chỉ nhìn chằm chằm vào các món ăn mà không hề đụng đũa. Elizabeth ngồi ở một đầu chiếc bàn dài, còn đầu kia là bố nàng, lạnh ngắt vì xấu hổ, trong lòng chết lặng.
Chính là Rhys đã cứu vãn cho buổi tối hôm đó.
Anh biến vào phòng làm việc và gọi điện thoại. Rồi anh quay lại phòng ăn, gây hứng thú cho khách bằng những câu chuyện tiếu lâm trong khi đám nhân viên bắt đầu dọn sạch bàn.
Rất nhanh sau đó, một đội xe phục vụ chạy đến và như có phép màu, các món ăn được bầy ra. Thịt cừu nướng chiên bột, cơm, gà quay, cá, cùng với bánh ngọt, phó mát và hoa quả tươi. Tất cả đều hài lòng với các món ăn, ngoại trừ Elizabeth. Nàng quá khó chịu nên không thể nuốt trôi dù chỉ là một miếng nhỏ.
Mỗi khi nàng ngước nhìn Rhys, thì lại thấy anh đang theo dõi mình với vẻ thông đồng trong ánh mắt. Elizabeth không thể nói vì sao, nhưng nàng thấy mất thể diện vì Rhys không những nhìn thấy nỗi nhục của nàng mà còn ra tay cứu nàng ra khỏi nỗi nhục đó. Khi bữa tiệc kết thúc và người khách cuối cùng miễn cưỡng rời khỏi vào mấy giờ sáng, Elizabeth cùng Sam và Rhys ngồi trong phòng khách. Rhys rót một ly rượu mạnh.

Elizabeth hít một hơi thở sâu và quay sang bố:
– Con xin lỗi về bữa tối hôm nay. Nếu không có Rhys…
– Bố tin là lần sau con sẽ khá hơn. – Sam nói dứt khoát.
Và ông đã đúng. Kể từ lần đó, mỗi khi Elizabeth tổ chức yến tiệc, dù cho có bốn hay bốn trăm khách, nàng cũng nghiên cứu họ, tìm xem họ thích và không thích cái gì, họ ăn và uống cái gì, họ thích loại hình giải trí nào. Nàng có cả một quyển hồ sơ từng người.
Những người khách đều cảm thấy thoả mãn khi thấy có đầy đủ các nhãn rượu hoặc whisky hoặc xì gà mà họ quen dùng, cũng như Elizabeth có thể thảo luận chuyện kinh doanh với họ một cách thông thạo.
Rhys có mặt ở hầu hết các bữa tiệc và bên cạnh anh bao giờ cũng là một cô gái xinh đẹp nhất. Elizabeth ghét tất cả bọn họ. Nhưng nàng cũng cố bắt chước họ. Nếu Rhys đi cùng một cô gái kẹp tóc đằng sau Elizabeth sẽ làm tóc giống y như vậy. Nàng cố ăn mặc theo kiểu các cô gái của Rhys, hành động như họ hành động. Nhưng tất cả những việc đó chẳng để lại cho Rhys chút ấn tượng gì. Thậm chí anh còn chẳng buồn để mắt đến. Thất vọng, Elizabeth quyết định mình có sao thì vẫn để vậy thôi.
Buổi sáng hôm sinh nhật lần thứ hai mươi mốt của nàng, khi Elizabeth xuống nhà ăn điểm tâm, Sam nói:
– Con hãy đặt một số vé đi xem hát tối nay. Sau đó sẽ ăn tối ở nhà hàng hai mốt.
Elizabeth nghĩ, ông vẫn nhớ và nàng cảm thấy rất vui sướng.
Rồi bố nàng nói thêm:
– Chúng ta có tất cả mười hai người. Và chúng ta sẽ xem xét bản hợp đồng mới ở Bolivia.
Nàng không nói gì về sinh nhật mình. Nàng nhận được vài bức điện từ các bạn học cũ, nhưng cũng chỉ thế. Đến sáu giờ chiều hôm ấy, một bó hoa to tướng gói trong giấy bóng kính được mang đến. Elizabeth tin chắc rằng nó là của bố nàng. Nhưng trên tấm thiếp viết “Một ngày dễ thương cho một phụ nữ dễ thương” và ở dưới ký “Rhys”.
Bố nàng rời khỏi nhà đến nhà hát lúc bảy giờ tối hôm ấy. Ông nhìn thấy bó hoa và hờ hững nói:
– Cũng đẹp đấy chứ?
Elizabeth định nói “Đó là quà sinh nhật”, nhưng như thế thì cũng được gì? Nếu bạn định nhắc nhở người mình yêu thương rằng hôm nay là sinh nhật của mình thì thật là phù phiếm.
Nàng nhìn ông bước đi và tự hỏi mình sẽ làm gì cho hết buổi tối đây. Tuổi hai mươi mốt luôn được coi là điểm mốc quan trọng. Nó mang ý nghĩa trưởng thành, có tự do, trở thành đàn bà. Thế đấy, hôm nay là cái ngày kỳ diệu và nàng thấy nó cũng không khác gì so với năm ngoái, hay năm trước nữa. Tại sao ông lại không nhớ nổi cơ chứ? Nếu nàng là con trai thì liệu ông có nhớ hay không?
Người quản gia xuất hiện để hỏi nàng về bữa tối.
Elizabeth không thấy đói. Nàng chỉ thấy trống trải và hoang vắng. Nàng biết rằng mình đang thương xót cho bản thân, nhưng không phải chỉ là cho ngày sinh không được kỷ niệm nầy. Đó là cho tất cả những sinh nhật cô đơn trong quá khứ, cho nỗi đau trưởng thành một mình, thiếu mẹ, thiếu bố, thiếu một người quan tâm săn sóc.
Vào lúc mười giờ, khi Elizabeth đang ngồi trước lò sưởi trong phòng khách tối tăm, mặc một chiếc áo dài, thì một giọng nói vang lên “Sinh nhật vui vẻ”. Ánh sáng bừng lên và Rhys Williams đã đứng đó từ bao giờ. Anh đi đến bên nàng và nói với vẻ trách móc:
– Đây không phải là cách mừng sinh nhật. Một cô gái liệu có bao nhiêu lần sinh nhật hai mươi mốt tuổi.
– Em… em nghĩ rằng anh đi cùng bố em đêm nay, – Elizabeth bối rối nói.
– Anh đã đi. Và ông có nhắc rằng đêm nay em ở nhà một mình. Thay quần áo đi. Chúng mình sẽ cùng đi ăn tối.
Elizabeth lắc đầu. Nàng từ chối lòng thương hại của anh
– Cám ơn anh, Rhys. Em… em thật sự không đói.
– Không, anh thì đói và anh rất ghét phải ngồi ăn một mình. Anh cho em năm phút để thay đồ, hay là em sẽ mặc nguyên thế nầy mà đi với anh.
Họ ăn tối tại Long Island, dùng món xúc xích với ớt cùng hành rán kiểu Pháp và uống nước trái cây, và họ nói chuyện, và Elizabeth nghĩ hôm nay còn tuyệt hơn cả hôm ở nhà hàng Maxim’s. Tất cả mọi sự chú ý của Rhys đều tập trung vào nàng và nàng có thể hiểu tại sao anh lại hấp dẫn phụ nữ đến như vậy. Không chỉ vì ngoại hình của anh. Sự thật là anh thật sự thích phụ nữ và anh luôn sung sướng khi được ở bên cạnh họ. Anh làm cho Elizabeth có cảm giác rằng nàng là một người đặc biệt và anh muốn được ở bên nàng hơn bất cứ người nào trên thế giới. Cũng không có gì kỳ lạ, Elizabeth nghĩ, khi mà tất cả đám phụ nữ đều say mê anh.
Rhys kể cho nàng nghe đôi điều về tuổi thơ của anh ở xứ Walses, và anh biến nó thành một câu chuyện tuyệt vời, đầy chất mạo hiểm và vui nhộn.

Bạn đọc cảm nhận

Quỳnh Trang Nguyễn

Các cuốn sách của Sidney Sheldon luôn khiến mình mê mẩn và đây cũng không phải là ngoại lệ. Nhịp tim cứ nhảy lên khi mỗi lần nhân vật chính là cô Liz bị rơi vào những hoàn cảnh nguy hiểm vì bị chính những người thân trong họ hàng ám sát để chiếm đoạt gia tài. Mình cũng thở phào nhẹ nhõm khi Liz bình yên vô sự. Còn mối quan hệ của Liz và Rhys cũng khiến mình nôn nóng hết sức, 1 cặp đẹp đôi trai tài gái sắc. Cao trào nhất có lẽ là những khoảnh khắc Liz chống chọi với thần chết trong ngôi biệt thự. Lúc đó mình cũng than thầm như thể là Liz, làm ơn người hại Liz không phải là Rhys và may quá tác giả cho 1 cái kết tươi đẹp. Tình yêu sau bao nhiêu sóng gió, nghi lị lẫn nhau và cả nguy hiểm tính mạng cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng.

Kiều Hạnh

“Anh yêu em, Liz (Elizabeth). Anh yêu em, em yêu của anh.”.

Đọc xong tác phẩm Dòng Máu của Sidney Sheldon, những câu nói Rhys vẫn còn trong tâm trí mình. Không chỉ có có cốt chuyện hay, nội dung chứa đựng sự hiểu biết y khoa, tác phẩm vừa mang chất trinh thám, vừa đậm chất ngôn tình – đúng là “Tác phẩm” của “Tác Phẩm”.

Nói về tình yêu, Elizabeth yêu Rhys từ khi 15 tuổi, một tình yêu thầm kín, dù nhiều lần muốn thổ lộ nhưng nàng không cho phép lòng tự cao của mình được làm điều ấy. Nàng chủ động cầu hôn Rhys nhưng là cách ứng xử cực kỳ thông minh để bảo vệ tập đoàn Rofe và các con trai – một mũi tên hai đích.

Trong cơn hôn mê do âm mưu sát hại, sự sợ hãi không làm mất đi lý trí của Liz, nàng cố tìm cách chạy trốn, để dù có chết nàng không cho phép mình chết một cách vô ích, nàng cố gắng dàn trận để dù có chết cảnh sát cũng biết nàng bị sát hại và Rhys sẽ bị mất quyền thừa kế. Với tất cả sự thông minh và dũng cảm nàng đã thoát khỏi căn nhà đang rực cháy để đối mặt và phát hiện người đã sát hại cha nàng là người chú nàng yêu mến nhất – Alec, không phải Rhys.

May mắn Rhys đã có mặt kịp thời, cứu nàng khỏi tay Alec, ôm nàng trong tay và nói “Anh yêu em”.

Tình yêu của cô bé ngày nào cuối cùng đã có kết quả, câu nói “Anh yêu em” có lẽ là một câu nói thật lòng mà Liz đã mong chờ từ rất lâu.

Dòng Máu là một tiểu thuyết hiện đại xuất sắc, từ cốt chuyện cho đến ngôn từ và từng tình tiết nhỏ.

Nguyễn Thảo Nguyên

Đọc phần đầu của truyện, khi Sidney Sheldon nói về cái chết của Sam và lần lượt đến hoàn cảnh của từng người, Rhys, Walther, Ivo, Charles, Alec…, tôi đã cảm thấy có vẻ cuốn truyện này không được như những cuốn truyện khác của Sidney, vì nói hơi dài dòng, lan man. Nhưng càng đọc về sau, tôi càng thấy đoạn đầu rất có ý nghĩa. Đó là câu chuyện về một tập đoàn, câu chuyện về tình yêu và sự tin tưởng. Tôi khâm phục Elizabeth, một cô gái đầy bản lĩnh và nghị lực, với sâu thẳm trong tâm hồn là tình yêu thương ấm áp. Tôi yêu quý Rhys, một người đàn ông đáng tin cậy. Hòa theo dòng chảy của câu chuyện, tôi đã thấp thỏm lo lắng cùng Elizabeth, thất vọng cùng cô khi tưởng Rhys là người đứng đầu mọi chuyện, buồn bã khi thấy kẻ chủ mưu lại là ông chú yêu quý Alec và cuối cùng là vỡ òa trong hạnh phúc khi thấy cô lao vào vòng tay chàng trai mình yêu. Đây là một câu chuyện tuyệt vời dạy cho ta về lòng tin và tình yêu đích thực. Và đây cũng là một câu chuyện in đậm phong cách của Sidney Sheldon – chân thực đến trần trụi nhưng thông minh, đầy logic và còn lãng mạn nữa. Rất tuyệt!

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button