
Lẽ Phải Của Phi Lý Trí
Thể loại | Chuyên ngành – Tâm lý |
Tác giả | Dan Ariely |
NXB | NXB Thời Đại |
Công ty phát hành | Alphabooks |
Số trang | 410 |
Ngày xuất bản | 05-2013 |
Giá bán | Xem giá bán |
Trong cuốn sách nền tảng của mình Phi Lý Trí, nhà khoa học xã hội Dan Ariely đã đưa ra những ảnh hưởng đa chiều dẫn tới việc con người đưa ra những quyết định thiếu khôn ngoan. Giờ đây, trong cuốn Lẽ Phải Của Phi Lý Trí, ông hé lộ những ảnh hưởng đầy bất ngờ, cả tích cực lẫn tiêu cực, mà “phi lý trí”có thể tác động đến cuộc sống của chúng ta. Tập trung vào nghiên cứu những hành vi của chúng ta tại nơi làm việc và các mối quan hệ của chúng ta, ông đưa ra những hiểu biết mới và những sự thật đáng ngạc nhiên về những điều đang thôi thúc chúng ta làm việc, cách thức mà một hành động thiếu khôn ngoan có thể trở thành một thói quen, cách mà chúng ta học để yêu thương những người mà chúng ta sống cùng, và còn nhiều hơn thế nữa.
Sử dụng những phương pháp thí nghiệm giống như những gì đã khiến cuốn sách Phi Lý Trí trở thành một trong những cuốn sách được bàn luận tới nhiều nhất trong vài năm trở lại đây, Ariely sử dụng dữ liệu từ những thí nghiệm thú vị và độc đáo để đưa ra những kết luận hấp dẫn về cách thức – và nguyên nhân tại sao – chúng ta hành động như vậy. Từ những thái độ tại nơi làm việc của chúng ta, cho tới những mối quan hệ lãng mạn, tới việc chúng ta luôn tìm kiếm mục đích cuộc đời mình, Ariely lý giải cách thức phá vỡ những khuôn mẫu bi quan trong suy nghĩ và hành vi của chúng ta để đưa ra những quyết định tốt hơn.
Lẽ Phải Của Phi Lý Trí sẽ thay đổi cách thức chúng ta nhận thức bản thân trong công việc và trong gia đình – và soi xét các hành vi phi lý trí của chúng ta dưới một thứ sắc thái ánh sáng hoàn toàn mới mẻ.
Đọc cuốn sách bạn sẽ biết:
– Tại sao những khoản tiền thưởng lớn lại có thể khiến các CEO làm việc kém hiệu quả hơn?
– Làm cách nào mà những định hướng rối rắm lại hữu ích đối với chúng ta?
– Tại sao việc trả thù lại quan trọng?
– Tại sao có một sự khác biệt rất lớn giữa điều mà chúng ta nghĩ là sẽ khiến chúng ta hạnh phúc và những thứ thực sự khiến chúng ta hạnh phúc?
Và rất nhiều phát hiện thú vị khác…
“Dan Ariely là một thiên tài trong việc am hiểu hành vi con người: không một nhà kinh tế nào có thể giỏi hơn ông trong việc lột trần và lý giải những nguyên nhân ẩn sâu phía sau những hành động kỳ quặc của con người.” – James Surowiecki, tác giả cuốn Trí Tuệ Đám Đông.
Mời các bạn đón đọc!
[taq_review]
Trích dẫn
HIỆU ỨNG IKEA
Hay việc lý giải hiện tượng “Văn mình thì hẳn là hay”
Mỗi khi tôi bước vào một cửa hàng IKEA, tôi lại nghĩ ra vô số ý tưởng trang trí tổ ấm của mình. Cửa hàng đồ nội thất tự lắp giá rẻ rộng lớn này giống như một cái lâu đài đồ chơi khổng lồ dành cho người lớn. Tôi bước qua các phòng trưng bày đầy các loại đồ đạc khác nhau và tưởng tượng cái bàn kiểu cách, hay đèn bàn, hay tủ sách trông sẽ thế nào nếu được đặt vào ngôi nhà của mình. Tôi thích ngắm nghía chiếc bàn trang điểm hào nhoáng không mấy đắt tiền ở khu trưng bày nội thất phòng ngủ và xem xét các đồ vật và bát đĩa trong các gian nhà bếp sáng bóng đầy các tủ bếp tự lắp. Tôi chỉ muốn mua đầy một xe tải các đồ nội thất tự lắp này và để khắp nhà mình từ chiếc bình đựng nước bình dân đầy màu sắc đến cái bàn viết gắn vào chiếc tủ cao lừng lững.
Không phải lúc nào tôi cũng chạy theo những thôi thúc từ các món hàng IKEA, nhưng hễ khi nào có nhu cầu là tôi lại đến đó. Vào một lần như thế, tôi mua một món đồ Thụy Sĩ cực kỳ hiện đại để cất giữ những món đồ chơi vương vãi khắp nhà. Đó là một loại tủ có ngăn kéo tự lắp ghép dùng để đựng đồ chơi. Tôi mang nó về nhà, mở hộp ra, đọc bản hướng dẫn và ráp các thanh tủ vào với nhau. (Phải nói rõ là tôi không thực sự tài năng lắm trong việc lắp ráp đồ đạc, nhưng tôi vẫn thấy thích thú khi làm công việc này – có lẽ là dư âm của việc thích chơi Lego khi còn thơ ấu.)
Không may là các miếng ghép không được đánh dấu rõ ràng như tôi tưởng và bản hướng dẫn thì sơ sài, đặc biệt là ở những bước quan trọng. Giống như nhiều những thí nghiệm tôi đã tiến hành trong đời, quá trình lắp ghép thật quái quỷ lại theo đúng định luật của Murphy: mỗi lần tôi phải đoán xem một mảnh gỗ hay cái ốc vặn được đặt vào đâu là thế nào tôi cũng đoán sai. Thỉnh thoảng, sai lầm được phát hiện ngay. Có lúc tôi không hề nhận ra mình đã lắp sai đến ba hay bốn công đoạn, có nghĩa là tôi lại phải tháo ra làm lại.
Dù sao thì các trò lắp ghép vẫn luôn hấp dẫn tôi, thế nên tôi vẫn kiên nhẫn nghiên cứu cách lắp ghép món đồ IKEA của mình như thể đang chơi một trò ghép hình cỡ lớn. Tuy nhiên, vặn ra vặn vào mãi cùng một con ốc cũng khiến cho người ta khó mà giữ được lâu tâm trạng này, và cả quy trình đã ngốn mất nhiều thời gian hơn tôi tưởng. Cuối cùng thì tôi cũng thấy mình đứng bên cái tủ đồ chơi đã hoàn thành. Tôi nhặt đồ chơi của bọn trẻ và cẩn thận xếp chúng vào. Tôi cảm thấy rất tự hào về công trình của mình và trong suốt cả mấy tuần sau đó, tôi không thể không nở một nụ cười mãn nguyện mỗi khi đi ngang qua nó. Khách quan mà nói, tôi chắc chắn rằng đây không phải là món đồ có chất lượng tuyệt nhất mà tôi có thể chi trả. Tôi cũng chẳng thiết kế, đo đạc, cũng chẳng cưa gỗ hay đóng dù chỉ một chiếc đinh. Nhưng hình như chính việc mất hàng giờ đồng hồ vật lộn với cái tủ đã khiến tôi trở nên gần gũi với nó hơn. Tôi cảm thấy gắn bó với nó hơn bất kỳ đồ vật nào trong nhà. Và tôi tưởng tượng rằng nó cũng yêu tôi hơn những đồ vật còn lại trong nhà mình.
Lấy ra từ lò nướng
Niềm tự hào vì sự sáng tạo và những thứ do chính mình làm ra luôn chảy trong huyết quản của mỗi con người. Khi chúng ta nấu một bữa ăn từ rất nhiều nguyên vật liệu hay làm một cái giá sách, chúng ta vẫn mỉm cười và tự nhủ rằng “Những gì ta vừa làm thật đáng đồng tiền bát gạo!” Câu hỏi ở đây là: vì sao có những trường hợp chúng ta tìm cách làm chủ và có những trường hợp khác thì không? Những gì sẽ khiến ta hoàn toàn thỏa mãn với cảm giác tự hào vì chính ta đã làm ra nó?
Ở cấp độ thấp, sáng tạo có thể là món mì ống ăn liền hay pho-mát, những thứ mà cá nhân tôi cho rằng chẳng có tính nghệ thuật gì lắm. Để làm ra chúng, người ta chẳng cần một kỹ năng độc đáo nào, cũng như chẳng cần lao tâm khổ tứ gì: nhặt một gói mì ở cửa hàng, trả tiền, mang về nhà, mở nó ra, đun nước, nấu và để mì cho ráo nước, trộn nó với bơ, sữa và túi nước gia vị màu cam, rồi chén. Chỉ như vậy thì thật khó có thể gọi là tự hào khi làm ra được nó. Còn ở cấp độ cao, có những bữa ăn làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau, chẳng hạn như món canh mì gà, món ớt chuông nhồi hay món bánh táo ngon lành bà nấu. Trong những trường hợp (hiếm hoi) đó, chúng ta rõ ràng là cảm thấy được sự sở hữu và niềm kiêu hãnh đối với sáng tạo của mình.
Thế còn những món ăn nằm giữa hai mức độ đó thì sao? Sẽ thế nào nếu chúng ta trộn được một bình nước sốt pasta mua sẵn với một ít rau thơm hái ngoài vườn và vài miếng pho-mát Parmigiano-Reggiano cắt lát đẹp mắt? Sẽ thế nào nếu chúng ta thêm vào đó một ít hạt tiêu rang? Và có gì khác nhau không giữa hạt tiêu được mua ở cửa hàng với hạt tiêu trồng ở vườn nhà? Nói một cách ngắn gọn, chúng ta cần phải bỏ ra bao nhiêu công sức để có thể nhìn ngắm một cách kiêu hãnh các thành quả của chúng ta?
Để hiểu được công thức căn bản của thái độ được sở hữu cũng như niềm tự hào, chúng ta hãy cùng xem xét một chút lịch sử của những thức ăn bán sẵn. Từ khi mà những thứ hỗn hợp để nướng ăn ngay (như bích quy, vỏ bánh nướng và những thứ tương tự) xuất hiện từ cuối thập niên 1940, chúng đã nhanh chóng chiếm lĩnh các xe chở hàng, kho đựng đồ ăn và cuối cùng là trên các bàn ăn. Tuy nhiên, không phải món nào trong đó cũng được chào đón nhiệt liệt như nhau. Những người nội trợ đặc biệt dè dặt với món hỗn hợp trộn sẵn để làm bánh ngọt mà họ chỉ cần làm một hành động đơn giản là chế thêm nước vào, thế là bánh đã thành hình. Một số nhà sản xuất cũng băn khoăn liệu những hỗn hợp bánh ngọt đó liệu có quá ngọt hay thiếu vị tự nhiên không. Tuy nhiên, chẳng có ai giải thích được vì sao những hỗn hợp khác là vỏ bánh nướng hay bích quy – làm từ những thành phần mà cơ bản là giống với bánh ngọt – lại được ưa chuộng trong khi hỗn hợp bánh ngọt bán rất chậm. Vì sao những người nội trợ cần mẫn lại không bận tâm lắm đến việc liệu cái vỏ bánh nướng họ sử dụng có phải là lấy từ trong hộp ra không? Tại sao họ lại thận trọng với bánh ngọt như vậy?
Có một lý thuyết giải thích rằng hỗn hợp bánh ngọt làm đơn giản hóa quy trình làm bánh đến mức mà những người phụ nữ không còn cảm thấy những cái bánh ngọt là “do họ làm ra” nữa. Như một tác giả chuyên viết về ẩm thực là Laura Shapiro chỉ ra trong cuốn sách Lấy ra từ lò nướng, bích quy và vỏ bánh nướng rất quan trọng, nhưng tự bản thân chúng lại chẳng thành cái món gì. Một bà nội trợ có thể sẽ vui vẻ nhận lời khen ngợi về một món ăn mà bà ta phải sử dụng một số mua sẵn mà không hề cảm thấy lời khen đó không xứng đáng. Một chiếc bánh ngọt, ngược lại, tự bản thân nó đã là một món ăn hoàn chỉnh, một quy trình khép kín. Và trên hết, bánh ngọt thường mang những ý nghĩa tinh thần to lớn, là biểu tượng của những dịp đặc biệt. Một người nướng bánh khó có thể vui vẻ khi tự thấy mình (hay tự thú nhận trước mọi người) là đã làm bánh sinh nhật chỉ bằng “một hỗn hợp trộn sẵn”. Cô ấy không chỉ cảm thấy hổ thẹn hay tội lỗi mà còn làm thất vọng những vị khách, những người có thể sẽ cảm thấy họ không được thết đãi tương xứng trong một dịp đặc biệt thế này.
Khi đó, một nhà tâm lý học và chuyên gia tiếp thị có tên là Ernest Dichter nghĩ rằng việc bớt đi một số thành phần và cho phép những người nội trợ pha chế thêm chúng vào đồ ăn có thể sẽ giải quyết được vấn đề. Ý tưởng này sau đó được biết đến với cái gọi là “lý thuyết quả trứng”. Chưa hết, hồi ấy Pillsbury còn loại trứng khô ra khỏi hỗn hợp bột, và yêu cầu các bà nội trợ tự trộn trứng tươi cùng với sữa và dầu ăn vào hỗn hợp bánh khi chế biến, doanh số đã tăng chóng mặt. Với những người nội trợ những năm 1950, rõ ràng chỉ cần thêm trứng và một vài thứ gia vị khác là đủ để biến một hỗn hợp bánh trộn sẵn từ địa vị là “đồ ăn sẵn” lên “chiếu trên” của “đồ chế biến”, thậm chí khi sự “chế biến” món bánh tráng miệng đó chỉ là thêm một chút pha trộn. Động cơ căn bản là được làm chủ trong nhà bếp, kèm theo mong muốn được tận hưởng sự tiện lợi, là lý do ra đời của câu khẩu hiệu rất thông minh của Betty Crocker “Bạn và Betty Crocker sẽ mang đến món nướng hạnh phúc”. Sản phẩm vẫn là của bạn, chỉ tốn chút ít thời gian chế biến với sự giúp sức của một biểu tượng nhà bếp. Chẳng có gì phải xấu hổ, phải không nào?
THEO TÔI NGHĨ, người hiểu hơn ai hết sự cân bằng tinh tế giữa mong muốn có được niềm tự hào của người làm chủ với ước ao không phải mất quá nhiều thời gian trong nhà bếp chính là Sandra Lee, người nổi tiếng với cuốn sách “Semi-Homemade” (Tạm dịch: Tự-làm-một-nửa). Thực ra, Lee còn làm thủ tục để cấp bằng sáng chế cho công thức chỉ ra điểm gặp nhau giữa hai yếu tố này, đó là “Triết lý 70/30 Semi-Homemade®”. Theo Lee thì việc một đầu bếp phải nấu nướng quá nhiều sẽ cảm thấy rất vui sướng khi tiết kiệm được thời gian làm bếp bằng việc sử dụng những thứ đã được chế biến sẵn tới 70% (ví dụ như hỗn hợp bột bánh ngọt trộn sẵn, tỏi băm sẵn, một hũ nước tương cà chua kiểu Ý) và 30% dành cho việc “sáng tạo của người đầu bếp” (với một ít mật ong, va-ni cho thêm vào bánh ngọt hay thêm một ít húng quế vào nước sốt). Người phụ nữ này đã tạo ra một sự kết hợp những thứ làm sẵn với mong muốn tạo dấu ấn của mình trong món ăn ở đúng mức độ cần thiết, trước sự hào hứng của các bà nội trợ và sự thất vọng của các đầu bếp chuyên nghiệp.
Ví dụ, đây là công thức nấu món “Nấm cục Sô-cô-la đánh thức mọi giác quan” của Sandra Lee:
Thời gian nấu: 15 phút
Cấp độ: Dễ
Nguyên liệu: khoảng 36 viên nấm cục
Thành phần:
1 hộp kem phủ sô-cô-la (16 ao-xơ)
¾ tách đường, loại hạt nhỏ
1 thìa cà phê vani
½ tách bột cô ca nguyên chất không đường
Hướng dẫn:
Xếp hai khay bánh tròn bằng giấy da, dùng máy trộn tay đánh nhuyễn sô-cô-la, đường cát, va-ni. Dùng thìa cà phê khuôn bột thành hình tròn và đặt vào khay bánh. Rắc bột cô-ca lên các viên nấm cục. Gói vào giấy và để lạnh cho đến khi dùng được.
Về bản chất thì Sandra Lee đã hoàn thiện lý thuyết quả trứng, chứng minh rằng những người hưởng ứng công thức của mình có thể tạo ra được món ăn có dấu ấn riêng của họ chỉ với một cố gắng nho nhỏ. Các chương trình truyền hình, tạp chí và hàng loạt các cuốn sách nấu ăn của bà là bằng chứng cho thấy một muỗng cảm giác làm chủ là nguyên liệu tất yếu trong món ăn tâm lý có tên là nấu nướng.
Niềm tự hào làm chủ tất nhiên không phải chỉ gắn với phụ nữ hay việc bếp núc. Local Motors, một công ty có tính nhân văn còn đưa lý thuyết quả trứng đi xa hơn. Công ty này cho phép bạn thiết kế và sau đó tự mình lắp chiếc ô tô cho chính mình trong thời gian khoảng bốn ngày. Bạn có thể chọn một trong các thiết kế cơ bản và sau đó điều chỉnh sản phẩm cuối cùng theo sở thích của mình, có lưu ý đến yếu tố khu vực và thời tiết. Tất nhiên tự bạn không thực hiện được; một nhóm kỹ thuật viên và chuyên gia sẽ giúp bạn. Ý tưởng thông minh của Local Motors chính là để cho khách hàng trải nghiệm quá trình ra đời của chiếc ô tô của chính mình và qua đó tạo ra một mối liên hệ sâu sắc với thứ mà họ cảm thấy nó gần gũi và quý giá. (Liệu có bao nhiêu người coi chiếc xe ô tô như “đứa con của mình”?) Đó thật sự là một chiến lược đầy sáng tạo; công sức và thời gian bạn bỏ ra để lắp chiếc ô tô của mình tạo ra tình cảm đối với nó giống như tình cảm đối với đứa con yêu quý của bạn.
Tất nhiên, đôi khi những thứ mà ta cảm thấy quí giá sẽ biến mối dây liên hệ thoải mái giữa ta và nó sang mối quan hệ cực kì bền chặt, giống như là trường hợp chiếc nhẫn quý của Gollum trong bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn của J. R. R. Tolkien. Cho dù đó là chiếc nhẫn có phép lạ, hay một chiếc ô tô được lắp rất dễ thương, hay một tấm thảm mới, chúng đều có thể là vật báu đối với một số người nhất định. (Nếu bạn khó chịu khi bị lệ thuộc quá nhiều bởi tình yêu với một thứ đồ vật như vậy, hãy nhắc lại theo tôi: “Đó chỉ là [rồi điền vào chỗ trống tên của nó: cái ô tô, cái thảm, cuốn sách, cái hộp…] thôi mà.”) Nhìn chung, tôi nghĩ đó là một ý tưởng hay để tránh bị ảnh hưởng từ những thứ quí giá mà ta có, chuyển từ cảm giác thoải mái sang cảm giác hoàn toàn bị ràng buộc.
Tuyệt tác Origami của tôi
Tất nhiên, quan niệm rằng việc bỏ công sức sẽ mang lại sự gắn kết không phải là điều mới lạ. Trong những thập kỷ qua, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng nỗ lực cao hơn có thể mang lại những giá trị lớn hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, khi người ta cảm thấy khó khăn bao nhiêu để được gia nhập các nhóm xã hội như huynh đệ hội hay hội làm vườn, thậm chí đôi khi những nỗ lực ấy khiến người ta mệt mỏi, tức tối và bẽ bàng bao nhiêu đi nữa, thì các thành viên của các hội ấy lại càng cảm thấy nhóm của mình có giá trị bấy nhiêu. Một ví dụ khác là một khách hàng của Local Motors, người đã bỏ ra 50.000 đô-la cộng thêm vài ngày để thiết kế và dựng lên chiếc xe của mình. Người này có thể sẽ tự nhủ: “Với ngần ấy nỗ lực, mình thực sự, thực sự ấy, cảm thấy yêu chiếc xe này. Mình sẽ chăm chút và yêu thương nó mãi mãi.”
Tôi kể lại câu chuyện về chiếc tủ đựng đồ chơi đẹp đẽ của tôi cho Mike Norton (hiện đang là Giáo sư tại Trường Đại học Harvard) và Daniel Mochon (một cộng sự đang tham gia chương trình đào tạo sau tiến sĩ tại Đại học California ở San Diego) và chúng tôi phát hiện ra rằng tất cả đều đã có những trải nghiệm tương tự. Tôi tin là bạn cũng như vậy. Ví dụ là bạn đang đi thăm Dì Eva của bạn. Các bức tường trong nhà Dì đều được trang trí bằng rất nhiều tác phẩm nghệ thuật tự làm: những bức tranh vẽ những loại hoa quả hình thù lạ mắt nằm cạnh một cái bát, những loại cây nằm bên hồ được tô bởi những màu sắc rất ngẫu nhiên, một cái gì đó giống hình thù một người lờ mờ, và tương tự thế được đóng khung cẩn thận. Khi nhìn những tác phẩm nghệ thuật thách đố nghệ thuật này, bạn có thể băn khoăn không hiểu sao dì của mình có thể treo nó lên tường. Nhìn gần hơn, bạn thấy ở góc dưới cùng của các bức tranh là chữ ký của Dì Eva. Ngay lập tức bạn hiểu ngay rằng vấn đề không phải là Dì Eva có một thị hiếu thẩm mỹ kỳ quặc; thực ra là dì ấy bị choáng ngợp bởi sự hấp dẫn của những sáng tạo của chính mình. “Ôi, Dì ơi!” bạn hướng về phía dì nói to. “Cái này thật đẹp. Dì đã tự vẽ nó đấy ư? Nó thật là, ừm, … khó hiểu!” Được nghe lời khen dành cho tác phẩm của mình, Dì Eva đáp lại bằng việc khoản đãi bạn món bánh nho và bột yến mạch tự làm, cái đó, may thay, có chất lượng cao hơn nhiều so với các tác phẩm nghệ thuật của bà.
Mike, Daniel và tôi quyết định rằng ý tưởng về sự kết dính giữa chúng ta với đồ vật của mình thật đáng để kiểm nghiệm, đặc biệt khi chúng tôi muốn tìm hiểu quá trình lao động làm nảy sinh tình yêu. Bước đầu tiên (giống như trong tất cả các thí nghiệm quan trọng), chúng tôi phải nghĩ ra một cái tên cho hiệu ứng này. Trân trọng nguồn cảm hứng của việc nghiên cứu này, chúng tôi quyết định gọi việc đánh giá một sự cao hơn giá trị thực của nó nhờ lao động này là “Hiệu ứng IKEA.” Nhưng chúng tôi không chỉ định làm công việc đơn giản là đưa hiệu ứng IKEA vào tài liệu nghiên cứu. Chúng tôi còn muốn tìm hiểu xem cái giá trị lớn lao có được từ hiệu ứng IKEA có phải là dựa trên sự gắn kết mang tính cảm xúc (“Nó tạo dáng đẹp mắt và đủ để cất những quyển sách của tôi, nhưng hơn thế, nó là giá sách của chính tôi“) hay chỉ là sự tự dối mình (“Cái giá sách này đẹp chẳng kém gì cái có giá sách trị giá 500 đô-la ở cửa hàng Thiết kế Trong Tầm tay “.)
TIẾP TỤC VỚI DÌ EVA và chủ đề nghệ thuật, Mile, Daniel và tôi quyết định dạo một vòng các phòng trưng bày nghệ thuật trong khu vực để tìm các tài liệu thí nghiệm. Nhận thấy rằng đất sét và màu vẽ có phần dễ bôi bẩn, chúng tôi quyết định tiến hành thí nghiệm dựa trên nghệ thuật xếp giấy origami của Nhật Bản. Một vài ngày sau, chúng tôi lại lập một lều gấp origami trong trung tâm sinh viên ở Đại học Harvard và mời các sinh viên gấp cò hoặc ếch theo phương pháp origami (hai hình gấp này có mức độ phức tạp tương đương). Chúng tôi cũng thông báo trước với các sinh viên rằng các sản phẩm gấp giấy của họ sẽ thuộc về chúng tôi, nhưng họ sẽ có cơ hội tham gia đấu giá sản phẩm đó tại một buổi đấu giá.
Chúng tôi nói với các sinh viên rằng họ sẽ đấu giá với máy tính theo một phương thức đặc biệt được gọi là quy trình Becker-DeGroot-Marschak (gọi theo tên người nghĩ ra nó) và sau đó giải thích kỹ hơn cho họ. Nói một cách ngắn gọn, một cái máy tính sẽ đưa ra một con số ngẫu nhiên sau khi người chơi bỏ giá cho sản phẩm. Nếu giá trả của người chơi cao hơn so với máy tính, họ sẽ nhận được tác phẩm origami của mình và trả theo giá máy tính đưa ra. Ngược lại, nếu giá của người chơi thấp hơn máy tính, họ sẽ không phải trả gì cả và cũng không nhận được origami. Lý do chúng tôi sử dụng quy trình này là để đảm bảo kích thích những người chơi đưa ra mức giá cao nhất mà họ muốn trả để nhận lại đồ chơi mình đã gấp – không hơn hay kém một xu.
Có sự chênh lệch rõ ràng về mức định giá giữa hai điều kiện. Những người không phải là người tạo ra sản phẩm, như Jason, nhìn những miếng giấy được gấp nghiệp dư như thể một thứ gấp khúc đột biến do một khoa học gia hắc ám tạo ra trong phòng thí nghiệm nào đó dưới tầng hầm. Trong khi đó, người sáng tạo những miếng giấy gấp thì lại thấy chúng thật có giá trị. Tuy nhiên, qua sự trả giá chênh lệch này thì chúng ta vẫn chưa biết điều gì tạo ra sự khác biệt trong cách đánh giá. Liệu có phải là người làm ra sản phẩm đơn giản là thích thú với nghệ thuật origami nói chung, trong khi người không tạo ra sản phẩm (không tham gia vào việc làm origami) thì thờ ơ với các mảnh giấy gấp? Hay những người tham gia ở cả hai điều kiện đều đánh giá origami với mức độ tương đương nhau, chỉ có điều là người tạo ra nó dành sự yêu quý đặc biệt đối sản phẩm của chính mình.
Nhìn nhận theo một cách khác, liệu có phải Scott và những người thuộc điều kiện của anh ta thích origami nói chung hay chỉ là thích sản phẩm origami do chính tay mình gấp?
Related Posts: