Review

Có Một Phố Vừa Đi Qua Phố

Thể loại Tùy Bút – Thơ
Tác giả Đinh Vũ Hoàng Nguyên
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 248
Ngày xuất bản 08-2013
Giá bánXem giá bán

Ta bên nhau trên phố của bao người

Bao ân tình vừa đi qua phố

Có một phố vừa đi qua phố!

Có một người lắng phố, bên em.”

Nhận định

“Đinh Vũ Hoàng Nguyên mất rạng sáng 23 tháng Ba năm 2012, đúng sinh nhật lần thứ 38. Chàng nhà thơ này chưa có thơ xuất bản, nhà văn này không có truyện ngắn đăng báo, họa sĩ này chưa có triển lãm cá nhân.Nhưng tất cả những ai từng biết Nguyên qua blog Lão thầy bói già, qua Facebook với nick Đinh Vũ Hoàng Nguyên đều đã kịp chiêm ngưỡng những bức họa tràn trề màu xanh hy vọng của Nguyên, đã kịp say sưa theo dõi những truyện ngắn Nguyên post lên mạng làm nhiều kỳ, lôi cuốn, hồi hộp, cười đau cả ruột mà nước mắt ứa ra lặng lẽ.”- Báo Tuổi trẻ

“Coi chữ nghĩa là một cuộc chơi nghiêm túc, Đinh Vũ Hoàng Nguyên hoàn toàn xa lạ với sự nhạt, là bi kịch của bất kỳ ai thiết tha với nghệ thuật, và là thảm họa cho người thưởng thức, chẳng cứ văn chương.”- Nhà văn Lê Minh Hà

“Vườn thơ Đinh Vũ Hoàng Nguyên: Đó không là một khu vườn ngát hương của muôn hồng, nghìn tía với ong bướm rập rờn… Ở đó chỉ có một ‘cơn mưa pha màu’ lạ lùng như cổ tích mờ xa, một màu hồng phai gợi hồi ức tình yêu ấm áp và bé bỏng như đốm lửa, một ‘em’ như ‘vầng đêm giữa nắng’, một nốt lặng âm thầm trôi trong ‘câu vọng cổ’ mênh mang… Cứ thế, một thế giới gợn buồn mà thật xôn xao hiện về, thế giới của không gian nghệ thuật rất thực mà rất ảo, diệu vợi xa xôi mà cũng thật gần!”– Lê Uyển Văn, thethaovanhoa.vn

[taq_review]

Trích dẫn

Một chuyện tình

Một dạo y thuê xưởng vẽ ở khu Thành Công, vốn chỗ đấy trước là bãi rác của thành phố nằm dọc đoạn sông Tô Lịch tù hãm. Ở đây, y gặp u Mẳn. U đẹp lão, tính hay chửi, hay cười. Nhìn chung là người dễ chơi.

U Mẳn ngoài bảy mươi, buổi trưa nhà u bán cơm bụi, chiều bán nước. Ở cái loại hình dịch vụ đậm chất hè phố này, được gọi “u” cũng là sự khẳng định tính chuyên nghiệp. Y thường ăn cơm hàng u. Nhiều bữa ghi sổ, cũng vô tư.

Chồng mất đã ngoài năm năm, u vẫn ở vậy, quyết thủ tiết. Y nịnh u: “Đời nay ong ve cám dỗ nhiều, còn ngon nghẻ như u mà có cái đức chính chuyên là quý lắm!” U bảo: “Tổ cha mày, tao xây nhà sáu tấm, rồi lấy chồng khác luôn!>U Mẳn có cô cháu gái xinh, ngoài đôi mươi, vẫn phụ u bán cơm. Mắt em dài, làn môi mảnh mọng. Y nói với em: “Cái môi này là chúa nhẹ dạ!” Em cười, mắt nhóng nhánh, say say, em bảo: “Kệ!” Y ỡm ờ: “Nhưng ai ăn son trên môi này thì lại ngọt.” Đuôi mắt em thoắt quăng vào y. Em cong môi bảo: “Điêu.” Ôi! Cái miệng em duyên tệ! Thoáng phải lòng sao yêu yêu…!!!

Y ăn cơm đĩa. Cứ mỗi miếng, y lại thổm miệng về phía em đớp đớp. Y bảo: “Cắn tí hình ảnh em, là cho thêm mì chính, tí ớt.” Em kéo mắt lại phía y. Đuôi mắt em và y ngoắc cứng. Cộc ngón tay vào trán y, em bảo: “Ghét cái miệng họa sĩ tẩm đường!” Y hỏi: “Nhà em đang giã cua à?” Em ngơ ngác: “Đâu!” Y nói: “Rõ là có tiếng thình thịch!” Em cãi: “Tiếng đâu mà tiếng?” Y chợt ôm ngực, bảo: “Ồ nhầm! Được em gõ đầu, nên tim anh nó đập như loa thùng, anh tưởng…!” Em che miệng cười. Đuôi mắt dài thêm, đan vào đuôi mắt y như lưới.

U Mẳn ngồi nghe, u cười. Cái mẩu tình nhỏ vụn trong veo veo…

Một ngày, gặp em, y chìa tờ đơn, y bảo: “Em ký nhé.” Em ngước mắt hỏi: “Ký gì cơ?” Y bẽn lẽn: “Đọc thì biết!” Em mở, em xem:

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN XIN ĐƯỢC YÊU

Kính gửi em!

Tên anh là Nguyên. Làm nghề bôi màu.

Sau một thời gian rình rập đeo bám, khi chủng chẳng, khi quyết liệt, anh viết lá đơn này để bày tỏ tình yêu đối với em…

Giấy ngắn tình dài, bút cùn mực cạn, tả sao xiết nỗi!

Mà em nhận lời thì ký vào đây cho một chữ, coi như cái tình mình được văn bản hóa. Kính mo

Em cười, vẩy vẩy đánh y. Mắt em thíp thịp, mọc hàng trăm cái đuôi.

Trời ơi! Lòng đàn bà giả dối khôn lường. Đành rằng hôm ấy em không sẵn bút để ký, nhưng em cũng gí cái ngón tay dính mỡ gà điểm chỉ vào đơn! Thế mà hóa em đã thủ sẵn từ trước một kẻ để lấy làm chồng. Kẻ đấy lại không phải là y!

Em sang sông…

Y thẫn thờ, nhìn dòng Tô Lịch bé như con mương tù. Nếu không vì cái biển “Cấm đổ rác”, có lẽ y đã nhảy tòm xuống, cho đời biết mối tình y oanh oanh liệt liệt.

Người mộng xa. Em theo chồng, em có nhớ…

Ngẩn ngơ. Rồi đột nhiên y thấy cay cú. Y hận em. Mà không hận làm sao được. Em đã nhận lời yêu y. Có giấy trắng mực đen làm chứng.

Không! Quyết vụ này phải làm ra nhẽ. Gáo hay muôi thì cũng cần rõ ràng. Y lục lá đơn mang đến hàng u Mẳn.

Gặp u, giọng y xẵng: “U! Bắt đền!”

U hỏi: “Đền gì?”

Y chìa lá đơn xin yêu còn lưu vết điểm chỉ mỡ gà, y nói: “Cháu gái u lừa của con cục tình!”

U bảo: “Có mà có cái mặt mày, tao phải gả cháu tao đi cho sớm ý!”

Y sấn sổ: “Kệ! Thằng này không biết. U có bắt đền không thì nói!”

U cười, rõ cái kiểu cười trừ, cười cho qua chuyện. U đưa y chén nước: “Thằng dở hơi! Đền đấy, uống đi!”>Đời nào y chịu. Dễ mà bỏ qua! Y bảo: “Không uống! Đền tình cơ!”

Đoạn, y tóm chịt tay u Mẳn đang chìa chén nước. Rồi nói nhanh, nói dài, nói say đắm:

“Mẳn em… à mà quên! Mẳn u! Hôm nay con chính thức ngỏ lời yêu u. Con muốn cùng u tính chuyện trăm năm, nên duyên cầm sắt!… Đời kiếp này con xin nguyện cùng u son sắt, má áp vai kề, chia ngọt sẻ bùi, chia củ hành, chia củ tỏi…”

Đáp lại lời y, u cười nhằng nhặc. U chửi: “Tổ cha mày!”

Rồi u ho…

Y hiểu lắm, ho là cái thẹn của ái tình!!!

Đàn ông đàn bà

– Đàn ông thằng nào cũng chó!

– Ơ kìa! Tao là đàn ông đấy nhé!

– Kệ mày! Nhưng đàn ông thằng nào cũng chó!

Thị nâng chén rượu. Thị tợp một hơi. Y nhặt miếng thịt gà nướng, đưa thị. Thị cầm miếng thịt rồi lại đặt xuống, với tay lấy chai rượu, thị rót đầy chén:

– Cứ nhớ lại là tao buồn nôn, tao thù, mày ạ! Nó phang nhau trước mũi mình!… Một lũ phản trắc!

Y cười, y trêu:

– Tại ai cơ nhỉ? Đứa nào từng nói “Osin mặt mũi phải sáng sủa, phải nhanh nhảu mổm miệng, phải làm mát mặt chủ nhà”?

Thị không đáp lời y, thị đăm đăm nhìn chén rượu, một lát giọng thị chùng:

– Ba giờ sáng, tao quờ tay sang bên, thấy trống, tao tưởng lão đi đái. Mười lăm phút sau không thấy lão lên, tao mới xuống nhà, qua phòng con osin, chúng nó vần nhau ư ử ư ử, rồi con kia kêu “Chú ơi, cháu sướng!!!” – thị tru giọng lên nhại.

Y nghe chuyện này không phải lần đầu, nhưng hễ hai đứa ngồi với nhau, có rượu vào, thị lại kể lại. Y đùa:

– Thì mày cũng nên tự trách mình, sao không tám chín giờ sáng hẵng tỉnh như mọi bữa thì có phải vợ chồng vẫn vui! Là do mày dở hơi, ba giờ sáng ai bảo mò dậy…

– Tao biết ngay kiểu nói của chúng mày! Một giuộc cả!… Đàn ông thằng nào cũng chó!

Y rót thêm rượu cho thị, hỏi:

– Từ hồi vợ chồng bỏ nhau, thằng cu nhà mày có hay nhắc bố nó không?

Thị không đáp.

Hồi lâu, y nói:

– Trông mày ngon lắm! Càng già càng xinh!

Thị cười:

– Mày định đong cả tao à?

– Cũng chưa biết…!

Thị không để tâm lời y, đôi mắt thị mơ mơ, rồi đột nhiên thị giật tay y, tủm tỉm:

– Này, mà hắn ga lăng lắm mày ạ!

– Hắn nào nhỉ?

– Mày lại quên rồi! Cái thằng cha mà đợt trước tao kể ý.

– Ừ! Thì sao?

– Mày bảo có nên không?

– Nên gì?

– Nên gì còn phải hỏi!

– Vợ hắn đâu?

– Nghe bảo đang ly thân!

– Hắn giàu không?

– Hắn giàu lắm!… Mà hắn lại ga lăng, mà hắn quái quái… mà thằng bé nhà tao cũng quý hắn!

– Ừ!

– Hôm trước hắn còn đọc tao nghe thơ hắn nữa! Thơ buồn cười lắm, gì gì mà “triết học đối diện em/triết học tụt quần đùi…”

– Ừ!

– Nhưng thơ kiểu ấy hay không mày?

– Ừ!

– Mày thì cái gì cũng “ừ”. Thằng nào chỉ cốt qua chuyện cũng “ừ”! Đàn ông đứa nào cũng chó!…

Nhà cuối ngõ

Nghề nghiệp của y là vẽ tranh.

Y thuê một gian trong khu nhà hai gian nằm ở cuối ngõ làm xưởng vẽ, có lối đi và cổng riêng biệt. Chủ nhà này ở nơi khác. Người trong xóm đa phần là dân lao động, rất nhiều ca ve cũng về thuê nhà ở đấy.

Mụ Điếc tuổi gần năm mươi, bị nghễnh nặng, nhà ngay gần kề. Mụ có con nhưng không có chồng, nghề chính là làm thợ may, buổi chiều thì ra ghi lô ở đầu ngõ; cô con gái mụ vừa cưới xong, ở nhà chồng cũng gần đó. Y thường xưng hô với mụ Điếc là bà bà tôi tôi.

Vốn xưởng vẽ của y là nơi lũ bạn bè thường mò đến tụ bạ. Bọn này họ cú, thức đêm hò hét rượu chè inh ỏi, nên những chỗ y thuê ở trước đây thường bị hàng xóm sang phê bình. Giờ thuê được căn nhà mà chủ nhà không ở gần, hàng xóm lại điếc, y khoái lắm. Gặp mụ Điếc, y hô: “Bệnh điếc vạn tuế!” Mụ bảo: “Tao làm gì mà phải hạn chế?”

Mụ Điếc ngồi ghi lô, y đi ngang nói: “Điếc, tên em là một bài ca.” Mụ hỏi: “Cái gì, ba mốt bảy ba á? Đề hay lô?” Thấy mọi người xung quanh cười, mụ cầm cuốn sổ chạy theo đập đập đánh y bảo: “Thằng chó này chắc lại vừa nói gì đểu!”

Ở khu nhà thuê đó một thời gian thì y có thêm hàng xóm mới, là lão Hoán. Lão đến thuê gian bên cạnh, đi chung cổng với y.

Lão Hoán ngoài năm mươi, người lẻo khẻo môi mỏng hớt, gặp gái thì tròng mắt lảo đảo, nhìn gian và dê. Tiểu sử tiên sư của lão chả ai rõ, chỉ biết hiện tại lão kéo nhị trong hội nhạc đám ma.

Hồi lão mới về y hơi dè chừng, sợ nhậu nhẹt đêm hôm lão ý kiến ý cò. Nhưng không, lão chả để tâm. Y rủ lão sang uống rượu vài lần, thành thân tình. Lão bảo với y: “Tao chơi nhạc cụ dân tộc, mày vẽ tranh, lĩnh vực khác nhau, nhưng đều là nghệ sĩ. Tao với mày về đây làm văn hóa cho cái ngõ này.” Y cụng, đáp: “Chứ chả chuyện!”

Lão Hoán thích mụ Điếc ngay từ buổi mới về, rất hay lân la mon men… Mụ Điếc ngồi may, cúi lom khom, lão Hoán lượn ra lượn vào săm soi khe cổ mụ. Có lần lão ghé tai mụ Điếc bảo: “Đằng ấy dựng được vét tông, thế có biết dựng quần đùi không, thì dựng hộ cái!” Mụ Điếc bảo: “Nỡm, dở hơi, rửng mỡ!” Lão Hoán đi, mụ lẩm bẩm: “Đồ chó già!” rồi cười tủm.

Tối, lão Hoán kéo nhị hát:

Một năm có mười hai tháng ớ ơ…

Một tháng có ba mươi ngày ớ ơ…

Thỉnh thoảng có tháng có ba mốt ngày ớ ơ…

Một tháng có ba ngày phụ nữ không được thắp hương ớ ơ…

Đoạn, lão nghểnh sang nhà mụ Điếc hát:

Em Điếc có còn bị kiêng thắp hương ớ ơ…

Y liền bảo lão: “Bố sang bên đấy hỏi mẹ nó thẳng là em đã mãn kinh chưa, cho nhanh. Nhạc với chả nhẽo! Mà mụ ấy nghe được khối ra!”

Lão bảo: “Loại mày nghệ sĩ cái cục cứt. Chả lãng mạn gì cả!” rồi hát tiếp:

“Hôm nào không kiêng thắp hươngt cửa buồng ớ ơ…”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button