Review

Chuyện Nhà Bông Bờm Bách

Thể loại Truyện thiếu nhi
Tác giả Trần Lực
NXB NXB Lao Động
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 168
Ngày tái bản 08-2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Chuyện nhà Bông Bờm Bách là tập hợp những câu chuyện ngắn xoay quanh cuộc sống thường nhật của gia đình đạo diễn – diễn viên Trần Lực thông qua lời kể của các thành viên trong gia đình. Dí dỏm, ngộ nghĩnh, đáng yêu, hài hước là những từ để miêu tả cuốn sách “Chuyện nhà Bông Bờm Bách”.

Một ông bố U50 với 3 đứa con nhỏ tuổi: Bông – điệu từ khi mới ra sinh ra đời, hay bị các em lành chanh; Bờm – ra khỏi bụng mẹ là láo liên nhìn quanh, luôn luôn tò mò khám phá thế giới xung quanh, với câu hỏi “tại sao” luôn ngự trị trong đầu; Bách – nỗi kinh hoàng của anh Bờm, là sự sợ hãi của chị Bông, là Bách “hổ báo” chính hiệu; mẹ Mỹ Trang với tên gọi đầy “thương yêu” mà cả nhà dành cho: cô phù thuỷ cưỡi chổi, do bị mắng mấy lần nên giờ gọi ngắn gọn là “cô Thuỷ” cho nó nhẹ.

Đọc cuốn sách này, bạn đọc sẽ cảm nhận được tình yêu thương sâu đậm mà Trần Lực dành cho các con. Với những gia đình có con nhỏ, các ông bố, bà mẹ thường hay đau đầu, mệt mỏi vì những “chiêu trò” của các con, hay những khi các con vặn vẹo lại bố mẹ, bày đủ thứ khắp nhà để rồi chúng ta phải dọn dẹp cho chúng…; nhất là những gia đình đông con. Có những khi không thể chịu được sự phiền toái mà các con gây ra, các bậc phụ huynh đã có những hành động quát mắng, doạ nạt với các con để rồi gây ra hành động phản kháng của các bé hay những hành vi không mong muốn xảy ra.

Như gia đình tác giả Trần Lực: là ông bố của 3 đứa nhỏ, nhiều lúc ông cũng phải đau đầu vì những lần nghịch ngợm và những lần lý sự của các con với mình, thế nhưng bằng tình yêu thương với các con mà Trần Lực đã có những cách ứng phó đặc biệt với các con. Người ta nói: “Gừng càng già càng cay”, phải chăng ở cái tuổi này, với những kinh nghiệm sống từ những thăng trầm của cuộc sống của ông mà Trần Lực mới có thể đối phó được với ba “tiểu quỷ” của mình?

Cuốn sách cũng là cẩm nang xây dựng và nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình dành cho những cặp vợ chồng trẻ trong việc nuôi dạy con cái, vun đắp tình cảm giữa các thành viên.

Đối với bất cứ ai đã từng xem Bố ơi mình đi đâu thế? phiên bản Việt mùa đầu tiên, chắc chắn sẽ không thể nào quên được cậu bé “Trần Bờm” nghịch ngợm, hồn nhiên đến hài hước và ông bố Trần Lực “tuổi cao sức yếu” lúc nào cũng thua trong các thử thách sức lực nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Nếu là fan của cặp bố – con trong chương trình này, bạn sẽ không thể bỏ lỡ cuốn sách này!

[taq_review]

Review

Stark Jame

Trần Lực, chúng ta có thể gọi anh bằng rất nhiều cái tên. Có người gọi anh là đạo diễn, có người thích gọi anh là diễn viên, nghệ sĩ, song, đến cuối cùng ,Trần Lực, anh vẫn là một người cha, một người bạn với Bách, Bông, Bờm. Câu chuyện giản dị mà sâu sắc. Bình dị đến thân thuộc mà bất cứ ai khi thưởng thức nó cũng mỉm cười. Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách không còn là câu chuyện của một ngôi nhà của một nghệ sĩ lừng danh, hay một câu chuyện quá đỗi đời tư người nổi tiếng, đọc nó, ta bỗng quên đi tất cả, chỉ có những câu chuyện về 3B cùng với ông bố quá đỗi tuyệt vời

Nga Trần

Đọc hết quyển sách thì thú thật mình hơi thất vọng 1 chút, vì các câu chuyện hầu hết là mình nghĩ đều sẽ xảy ra với những gia đình có con nhỏ. Truyện quá ngắn nên nhiều khi hơi hụt hẫng. Điều đọng lại nhiều nhất với mình sau khi đọc là tình yêu của một ông bố với các con. Tình yêu qua cách trả lời con, cách đối xử với con như những người bạn,… Nhưng là một tác phẩm in thành sách để bán thì mình nghĩ hơi quá tầm, quá kỳ vọng của độc giả.

Thanh Thủy

Tôi đọc hết “Chuyện Nhà Bông Bờm Bách” trong một buổi chiều. Một cảm giác nhẹ nhàng, yên bình đến từ cách viết rất “mạng xã hội”và hóm hỉnh của tác giả. Một cuốn sách bạn nên đọc, không bởi vì những triết lý mà chỉ bởi tâm hồn cần những cảm xúc đơn giản mà thiêng liêng.

Đặc biệt là những cô gái còn chưa muốn lập gia đình, hoặc bạn đọc nó, bạn nghẹn đôi lần cho tình cảm cha con, anh em rất đỗi dễ thương khi nghĩ về tuổi thơ của mình hoặc bạn sẽ nghĩ về anh xã và những đứa con trong thì tương lai và mỉm cười thật nhẹ.

Trích đoạn

Khi Bách được nghỉ

Mấy ngày nghỉ giỗ Tổ ở nhà mới thấy các cô trông Bách vất vả thế nào. Phải nói là ông này luôn chân luôn tay, thoắt hiện thoắt biến, mọi ngóc ngách trong nhà đều bị ông ý để lại dấu vết, đồ chơi ông ý rải khắp nơi. Phát điên vì ông ý mất thôi, ai lại anh Bờm chị Bông học mà ông ý cứ chạy vào hò hét rủ rê anh chị xem ti vi, xem phim hoạt hình làm cho Bông Bờm không thể tập trung học.

Để ngăn chặn sự phá đám của ông Bách, cô Thủy quyết định ngồi canh phòng học của Bông Bờm. Bố cháu thì phải chơi với ông Bách. Thật là không có gì mệt mỏi hơn. Đầu tiên là trò sến sẩm kinh điển.

– Em gái xin xẹp pố ơi!

– Sao lại gọi bố là em gái xinh đẹp hở ông? Điên á!?

– Xì xôi á! Pố ơi, pố xo coon hôn pố ná.

– Ừ. Thoải mái đi con!

Thế là màn ôm ghì hôn hít. Híc híc.

Chán trò ý lại sang trò bán hàng. Bách moi móc hạt xếp vòng của chị Bông rồi giả vờ pha nước hoa quả, xong là dí tận mồm bắt bố cháu cũng phải giả vờ uống với ăn, mà phải ăn ngon uống ngọt cơ, phải xuýt xoa khen ngon khen ngọt ông ý mới hài lòng. Bố cháu mệt rũ ra, cứ đà này thì ốm với ông Bách mất, thế là bố mới nghĩ ra cách giả vờ đau bụng đi toilet đẩy việc trông Bách cho cô Thủy. Khi ngồi trong toilet viết những dòng này thì ở ngoài phải nói là loạn cào cào, tiếng hét của cô Thủy và tiếng cười của Bách. Há há.

– Mẹ nói con có nghe không Bách?

– Không há há… á há há…

Tiếng bước chân kẻ đuổi người chạy cứ huỳnh huỵch. Đồ chơi rơi từ bàn loảng xoảng. Bàn ghế xô vào nhau lộc cộc…

Cuộc rượt đuổi quyết liệt lắm đây. Hehe. Tiếng cười khoái trá lanh lảnh của Bách lúc ré lên khi khùng khục trong họng, khi xa lúc gần. Cô Thủy tức lắm rồi, cô ý không thèm lên tiếng thì á, sắc mặt mang hình viên đạn là cái chắc. Lúc sau tiếng cười của Bách im bặt sau tiếng đóng cửa phòng ngủ của Bông Bờm cái rầm. Thôi xong, ông Bách đã bị cô Thủy dồn và nhốt vào phòng rồi, bây giờ thì có chạy đằng giời há há không thể để Bách bị ăn đòn, bố cháu lao ra. Cửa phòng Bông Bờm đã chốt bên trong. Híc híc.

– Mở cửa ra đi. Đùa cho lắm vào rồi lại thành thật.

– Bách! Xin lỗi mẹ ngay!

Im lặng.

– Á à… Bướng hả? Có xin lỗi mẹ không!?

– Thôi em ơi. Nó là trẻ con thì phải đùa nghịch chứ. Đã không chơi được với nó thì thôi lại còn hằm hè dọa dẫm thế thì nó lớn làm sao! Thật là…

– Đang dạy nó thì chen ngang vào là sao? Đã thế á… Bách! Xin lỗi mẹ ngay! Muốn ăn đòn à? Xin lỗi ngay!

Bách nhà cháu cũng không phải là dạng vừa vừa vừa… đâu. Ông ý hét lên:

– Coon xin lỗi mẹ áaaaaa…

– Xin lỗi thế hả? Hả? Hả?

Cứ sau mỗi chữ “hả” hình như là một phát vào mông. Bách khóc ầm, giọng mềm hẳn xuống, đầy đau khổ và có phần thê lương. Hụ hụ.

– Con xin lỗi mẹ ạ. Huhu.

Lúc sau cửa mở, cô Thủy hầm hầm đi ra. Bách mặt buồn ra theo, dáng đi rất tung tẩy. Khi đi ngang qua bố, ông ý toét miệng cười, xong lại còn nháy mắt với bố há há chịu ông này thật, bố khỉ!

– Mẹ ơi mẹ. Coon êu mẹ.

– Ừa.

– Mẹ ơi mẹ có êu coon không?

– Ừa. Yêu! Với điều kiện con ngoan thì mẹ mới yêu!

– Mẹ ơi mẹ à, coon ngoan thật rồi mà…

Nhà cháu đúng là dở hơi cám hấp điên loạn chả giống nhà nào. Há há.

Dọa ma cô Thủy

Nhà cháu con đàn nên ngày nào cũng vậy, cuối giờ chiều lúc nào cũng một đống quần áo bẩn để ở cửa phòng tắm.

Lũ 3B xểnh ra là lôi quần áo bẩn của bố mẹ chùm lên người chơi trò ma quỷ. Chúng tưởng tượng ra ngôi nhà của chúng là địa ngục, Bông là quỷ chị, Bờm là quỷ anh, Bách tất nhiên là quỷ em rồi. Híc híc. Cả lũ xếp hàng dạo mấy vòng quanh nhà, tay chân thì khuỳnh khoàng, mồm thì kêu ú ớ thậm chí hú hét. Định tạo không khí âm u ghê rợn đây mà. Bố cháu bao giờ cũng giả vờ hốt hoảng, co rúm người lại, mồm ngoạc lên cứu cứu… Cả lũ khoái lắm, cười khanh khách. Đấy là với bố.

Với cô Thủy á, đợi đấy. Hehe.

Tối qua 3B (cầm đầu là Bách) lại dở trò, ba chị em lại chùm áo bẩn của bố mẹ lên đầu, lại hú hét tiến đến cô Thủy. Bố cháu để ý thấy, cô Thủy rời mắt khỏi màn hình máy tính, liếc xéo 3B vẻ khó chịu, thậm chí cô ý còn gằn giọng nhắc nhở “thôi ngay đi!”. Lũ 3B một là không nghe thấy gì, hai là nghe thấy nhưng vẫn cố tình lờ đi, tiếp tục khuỳnh khoàng nghều ngào tiến tới trước mặt mẹ. Cô Thủy đảo mắt lên xuống, hai hàm răng nghiến chặt. Lũ kia vẫn tiếp tục ú ớ giả làm ma.

– Ù ù ù…

– Ờ ờ ờ…

– À à à…

Cô Thủy đứng phắt dậy. Mắt cô ý long lên kèm theo tiếng thét như chúa sơn lâm (cô ý tuổi hổ mà hehe).

– Có thôi ngay hông! Hảaaaaaaa?!

Ba đứa tung áo ra, nhăn nhở, ngoạc mồm cười.

– Á há há…

– Ố hố hố…

– É hé hé…

Cô Thủy vơ cái mắc áo (làm roi ạ).

3B cuống cuồng chạy mỗi đứa một hướng.

Tội nghiệp Bách, chậm chân nên bị cô ý túm được. Tất nhiên là anh ý ăn mấy roi vào mông rồi ạ. Anh ý khóc, giọng điệu rất oan ức.

Cô Thủy lại tọa chỗ cũ, tiếp tục chát chít trên máy tính. Bông Bờm rón rén đến bên Bách, ôm ấp, thì thầm an ủi em.

– Thôi nín đi em. Chị yêu em.

– Khộ thân. Chân ngắn quá chạy không kịp đây mà. Cố lớn nhanh cho dài chân em nhá. Như anh này, còn lâu mới bắt được anh.

Cái kết bi thảm là vậy đấy ạ. Nhưng các em ý vẫn còn bé mà hehe mai sọt quần áo đầy là lại tiếp tục nghịch dại thôi. Hehe.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button