Review

Bóng Hình Của Gió

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Carlos Ruiz Zafón
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 975
Ngày xuất bản 05-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên, nơi chốn mang cái tên kỳ dị này ẩn chứa những gì? Sau khi Daniel Sempre, mười tuổi, mang ra khỏi đó một cuốn sách do cậu tự chọn với sự cho phép của cha, gần như ngay sau đó cậu bị một kẻ lạ gớm ghiếc đáng sợ có khuôn mặt hoàn toàn biến dạng theo sát gót. Hắn muốn gì? Cuốn sách kia, Bóng hình của gió mà cậu giữ trong tay, nó hay tác giả của nó mang những bí mật u tối nào khiến cho dường như nhiều phận người bị liên lụy với nó đến vậy?

Trong cơn xoáy lốc chầm chậm nhưng chết chóc tỏa ra từ Bóng hình của gió và những gì ẩn đằng sau nó, Daniel phải chiến đấu ra sao để bảo vệ người mình yêu cũng như những người khác ban đầu xa lạ song dần dần trở nên thân thiết với cậu? Một câu chuyện thật đẹp nơi mà tình yêu, hận thù, tình bạn, ý thức nghĩa vụ… đều tuyệt đỉnh. Và bàng bạc khắp là thành phố Barcelona, thủ phủ xứ Catalan nước Tây Ban Nha, kỳ vĩ, diễm lệ, bí ẩn, một trong những nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết.

Nếu như Dan Brown nổi tiếng với cuốn Mật mã Da Vinci và những cuộc hành trình nghẹt thở kéo 24h đồng hồ, J.K. Rowling với bộ truyện nhiều tập Harry Potter cùng những cuộc phiêu lưu trong thế giới ma thuật đầy hấp dẫn thì Carlos Rúiz Zafon mang đến cho bạn đọc một trường phái Gothic đầy ma mị nhưng không kém phần lãng mạn. Nơi mà góc tối của tâm hồn được phơi bày một cách rất thực mà không hề giả dối. Nơi mà nỗi đau và sự tuyệt vọng chỉ như vết cứa vào trong tâm hồn, sau đó vẫn có thể lành lại, để biết đau mà vượt qua và vươn lên để đạt lấy sự hạnh phúc trong cuộc sống. Những người thấu hiểu Gothic sẽ trân trọng những gì cuộc sống đem lại: trong cơn đau khổ, một niềm vui cho dù nhỏ nhoi đến đâu cũng sẽ là một sự sung sướng đến tột cùng.

Nói về Bóng hình của gió cuốn tiểu thuyết thứ năm theo trường phái Gothic của Carlos Rúiz Zafon, người đọc khi đã bắt đầu khó mà ngừng đọc, đặt sách xuống được.

[taq_review]

Trích dẫn

… Một buổi chiều tháng Mười năm 1914, một cỗ máy mà nhiều người cho rằng là ngôi đền có bánh xe đã dừng lại trước cửa hiệu Fortuny trên Ronda de San Antonio. Từ xe bước ra là hình dáng của Don Ricardo Aldaya kiêu hãnh, oai nghiêm và ngạo mạn, lúc ấy đã là một trong những người giàu có nhất không chỉ ở Barcelona mà còn cả Tây Ban Nha. Đế chế vải sợi của ông ta đã chiếm những thành lũy công nghiệp và địa hạt thương mại dọc các dòng sông xứ Catalan. Tay phải ông ta nắm dây cương các ngân hàng và bất động sản của một nửa tỉnh này. Và tay trái ông, còn linh lợi hơn, giật dây hội đồng cấp tỉnh, tòa thị chính, các ban ngành, giáo phận và cơ quan hải quan.

Buổi chiều hôm ấy, người đàn ông có bộ râu rậm rạp, tóc mai như nhà vua, và cái đầu không mũ, con người mà ai cũng người e sợ, cần một chiếc mũ. Ông bước vào cửa hiệu của Don Antonio Fortuny, và, sau khi liếc nhìn thoáng qua cửa hiệu, ông ngờ vực nhìn ông làm mũ và người phụ việc, cậu bé Julián, rồi nói như sau: “Người ta bảo với tôi rằng, bất chấp cái vẻ bề ngoài, cửa hiệu này là nơi làm ra những chiếc mũ tốt nhất Barcelona. Mùa thu năm nay thật khó chịu, và ta sẽ cần sáu chiếc mũ chóp cao, một tá mũ quả dưa, mũ đi săn, và cái gì đó để đội tại Nghị viện ở Madrid. Các người nhớ chưa, hay cần ta phải nhắc lại?”

Đấy là điểm khởi đầu cho một quá trình gian khổ và bộn lời trong đó hai cha con hợp lực để hoàn thành đơn hàng cho Don Ricardo Aldaya. Nhờ đọc trên báo Julián biết rõ vị thế của Aldaya, nên vào thời điểm quan trọng và quyết định nhất trong công việc của cha mình, cậu tự nhủ không thể để ông thất bại được. Từ lúc nhà tư bản đặt chân vào cửa hàng, ông làm mũ ngất ngây vui sướng. Aldaya đã hứa nếu ông ta được hài lòng, ông ta sẽ giới thiệu cho tất cả bạn bè ông. Thế có nghĩa là cửa hàng mũ Fortuny, từ một cơ sở uy tín nhưng còn khiêm nhường, có thể với đến những giới cao nhất trong xã hội, làm ra những chiếc mũ lớn nhỏ cho các Nghị viên, Thị trưởng, đức Hồng y và giáo sĩ. Tuần hôm ấy dường như trôi qua trên một đám mây hạnh phúc. Julián nghỉ lớp và làm việc trong xưởng mũ mười tám đến hai mươi tiếng mỗi ngày. Cha cậu, lả đi vì vui sướng, thỉnh thoảng lại ôm cậu, và thậm chí không hề ngần ngại mà hôn cậu. Ông còn rộng lượng đến mức tặng cho vợ ông, bà Sophie, một chiếc váy và một đôi giày mới, lần đầu tiên trong mười bốn năm. Người ta không còn nhận ra ông bán mũ nữa. Một ngày Chủ nhật, ông quên đi nhà thờ, và chiều hôm đó, lòng đầy kiêu hãnh, ông ôm Julián mà nói, nước mắt rưng rưng, “Ông nội sẽ tự hào về chúng ta.”

Một trong những quá trình phức tạp nhất của nghề làm mũ, mà nay đã biến mất, cả về kỹ thuật lẫn sự khéo léo, là do kích thước. Don Ricardo Aldaya có cái hộp sọ mà theo Julián gần giống như hình quả dưa hấu và khá gồ ghề. Ngay khi ông nhìn thấy đầu của ông lớn kia là ông bán mũ đã hiểu được những khó khăn, và tối hôm đó, khi Julián nói rằng nó làm cậu nhớ tới đỉnh núi ở Montserrat, Fortuny không thể không đồng ý. “Bố ơi, con nói bằng tất cả lòng thành kính, bố biết rằng gì chứ đo đầu làm mũ thì con làm giỏi hơn bố, vì bố dễ bị hồi hộp lo lắng. Hãy để con làm cho.” Ông làm mũ đồng ý ngay, và ngày hôm sau, khi Aldaya đến trong chiếc Mercedes-Benz, Julián  đón ông ta và dẫn vào cửa hàng. Khi Aldaya nhận ra rằng ông ta được một cậu nhóc mười bốn tuổi đo số mũ, ông ta nổi cáu. “Cái gì thế này? Một đứa trẻ con sao? Các người định cù chân ta đấy à?” Julián biết địa vị xã hội của khách hàng mình nhưng cậu không hề cảm thấy e sợ dù chỉ một chút, bèn trả lời, “Thưa ngài, cháu không biết gì về chân của ngài cả, nhưng chắc chắn không thể cù trên này được. Cái đỉnh đầu này giống như một trường đấu bò vậy, và nếu nhà cháu không nhanh chóng làm cho ngài một bộ mũ thì sớm muộn gì người ta cũng nhầm đầu ngài với sơ đồ đường phố Barcelona mất.” Khi nghe những lời ấy, Fortuny như muốn chui xuống đất. Aldaya không hề nao núng, cứ nhìn chằm chặp vào Julián. Rồi, trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông ta cười phá lên như thể nhiều năm rồi không được cười.

“Thằng nhóc nhà ông sẽ tiến xa đấy, Fortunato,” Aldaya tuyên bố, vì ông ta không biết họ của người bán mũ.

Vì câu chuyện đó mà người ta hiểu ra rằng Don Ricardo Aldaya ngán đến tận răng cái sự e sợ và khúm núm của người khác đối với ông. Ông ta khinh miệt những kẻ bợ đít, hèn nhát, và bất cứ ai tỏ ra yếu đuối, dù về thể chất hay tinh thần hay đạo đức. Khi gặp một cậu bé tầm thường, gần như là đứa học việc, dám cả gan cười nhạo mình, Aldaya quyết định rằng ông đã đến đúng hàng mũ lý tưởng và ngay lập tức tăng gấp đôi đơn hàng. Tuần sau đó, ông ta vui vẻ xuất hiện đúng hẹn hằng ngày, để Julián có thể lấy số và thử các mẫu khác nhau cho ông. Antoni Fortuny ngạc nhiên, không hiểu làm sao ông vua xứ Calatan lại cười rũ rượi trước lời bông đùa và những câu chuyện được kể từ miệng con trai ông, đứa trẻ mà với ông thật xa lạ, cậu bé ấy không bao giờ ông nói chuyện và là người đã nhiều năm không hề tỏ dấu hiệu có khiếu hài hước. Vào cuối tuần, Aldaya kéo ông hàng mũ đến một góc cửa hiệu để chuyện riêng với ông.

“Nghe này Fortunato, con trai ông là một đứa có tài đấy, còn ông lại nhốt nó ở đây, khiến nó buồn chán, quét mạng nhện trong cái cửa hàng nhỏ bé này.”

“Công việc này rất tốt, thứ Don Ricardo, và nó có chút năng khiếu, dù nó thiếu nghị lực.”

“Thật vớ vẩn. Cháu nó học trường gì?”

“À, nó học trường khu vực…”

“Chẳng khác gì một dây chuyền sản xuất nhân công. Khi còn trẻ, thì tài năng – hay thiên tài, nếu ông muốn – phải được nuôi dưỡng, nếu không nó sẽ rối loạn và tàn phá con người sở hữu nó. Cháu nó cần được định hướng. Hỗ trợ. Ông có hiểu không, Fortunato?”

“Ngài lầm về con trai tôi rồi. Nó chẳng phải thiên tài gì sất. Môn địa lý mà nó cũng còn trầy trật mới qua nổi nữa là. Ông giáo bảo nó là đứa đoảng và có thái độ hư đốn, giống như mẹ nó. Nhưng ít nhất ở đây nó luôn có một công việc lương thiện và…”

“Fortunato, tôi thật chán ông quá. Ngay hôm nay, không chần chừ gì nữa, tôi sẽ đến trường San Gabriel để gặp ban tiếp nhận, và tôi sẽ cho họ biết rằng họ phải nhận con trai ông vào học cùng với lớp của thằng cả Jorge nhà tôi. Nếu không làm được như vậy thì tôi đây là kẻ chẳng ra gì.”

Ông bán mũ trố hết cả mắt. Trường San Gabriel là vườn trẻ cho con em giới thượng lưu.

“Nhưng Don Ricardo, tôi sẽ không chịu nổi chi phí…”

“Không ai bắt ông phải trả gì hết. Tôi sẽ lo việc học cho con ông. Còn ông, là cha đứa bé, chỉ việc đồng ý.”

“Nhưng tất nhiên, hẳn rồi, nhưng mà…”

“Quyết như vậy nhé. Miễn là Julián đồng ý, tất nhiên.”

“Nó sẽ làm điều gì được bảo, hẳn rồi.”

Khi người lớn đang bàn chuyện, Julián vẫn chúi đầu ở phòng sau với khuôn mũ trong tay.

“Don Ricardo, khi nào ngài sẵn sàng…”

“Julián này, chiều nay cháu định làm gì?” Aldaya hỏi.

Julián hết nhìn cha lại nhìn ông trùm tư bản.

“Dạ, cháu giúp việc cho bố, ở cửa hàng.”

“Ngoài việc đó ra.”

“Cháu nghĩ sẽ đến thư viện…”

“Cháu thích sách à?”

“Vâng, thưa ngài.”

“Cháu đã đọc Conrad chưa? Đọc Tâm bóng tối chưa?”

“Ba lần rồi ạ.”

Ông bán mũ chau mày, hoàn toàn rối trí. “Thế cái gã Conrad này là ai vậy, ngài không phiều nếu tôi hỏi chứ?”

Aldaya khiến ông ta  im lặng bằng cử chỉ như đang ở một cuộc họp cổ đông.

“Trong nhà ta có một thư viện với mười bốn ngàn cuốn sách, Julián. Khi còn trẻ, ta đọc sách rất nhiều, nhưng giờ ta không còn thời gian nữa. Nói ta mới nhớ, ta có ba cuốn do Conrad ký tặng cơ đấy. Con trai Jorge của ta thì lôi được nó vào thư viện còn khó. Trong nhà ta, đứa duy nhất biết suy nghĩ và đọc sách là con gái Penélope, nên tất cả những cuốn sách ấy đang bị bỏ phí. Cháu có muốn đi xem không?”

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Thị Thanh Hằng

Lấy bối cảnh thành phố Barcelona của đất nước Tây Ban Nha, câu chuyện đã được viết nên.

Julian Carax và Daniel Sempre, 2 con người thuộc 2 thế hệ khác nhau. Không có bất cứ 1 mối liên hệ nào, thứ gắn kết duy nhất giữ họ là quyển sách Bóng hình của gió. Thế nhưng giữa 2 người lại có những tương đồng kỳ lạ. Julian Carax – 1 con người tài năng lại có 1 cuộc đời đầy khổ đau, đầy trắc trở, giờ đây chỉ sống như 1 bóng ma, 1 cuộc đời không còn ý nghĩa, thứ giữ lại ông với cuộc đời này là mục đích thêu hủy tất cả những quyển sách do chính mình viết ra. Thế nhưng lại cảm thấy hứng thú với cậu bé Daniel, ông như tìm được chính tuổi trẻ của mình qua cậu bé, và cũng có mong muốn giúp cậu bé tránh khỏi vết xe đổ của mình. Daniel Sempre, tình cờ hay duyên số có được quyển Bóng Hình Của Gió của Julian Carax, ban đầu chỉ là 1 thắc mắc rồi đến tò mò tìm hiểu về nhà văn bí ẩn này, từ đó dẫn đến nhiều câu chuyện, nhiều mối quan hệ phức tạp khác và cuộc đời của Julian Carax cũng dần được hé lộ. Hai con người tưởng chừng xa lạ nhưng lại là động lực giúp đỡ nhau, xoa dịu những nổi đau của nhau. Với lối dẫn truyện nhẹ nhàng nhưng hấp dẫn, khơi gợi sự tò mò, làm ta không thể dừng đươc.
– có những ngục tù còn hơn cả ngôn từ- Daniel

Thuỳ Dung

Nếu như Dan Brown nổi tiếng với cuốn Mật mã Da Vinci và những cuộc hành trình nghẹt thở kéo 24h đồng hồ, J.K. Rowling với bộ truyện nhiều tập Harry Potter cùng những cuộc phiêu lưu trong thế giới ma thuật đầy hấp dẫn thì Carlos Rúiz Zafon mang đến cho bạn đọc một trường phái Gothic đầy ma mị nhưng không kém phần lãng mạn. Nơi mà góc tối của tâm hồn được phơi bày một cách rất thực mà không hề giả dối. Nơi mà nỗi đau và sự tuyệt vọng chỉ như vết cứa vào trong tâm hồn, sau đó vẫn có thể lành lại, để biết đau mà vượt qua và vươn lên để đạt lấy sự hạnh phúc trong cuộc sống. Những người thấu hiểu Gothic sẽ trân trọng những gì cuộc sống đem lại: trong cơn đau khổ, một niềm vui cho dù nhỏ nhoi đến đâu cũng sẽ là một sự sung sướng đến tột cùng.Đọc những mô tả về sách trên tiki đã khiến cho mình muốn sở hữu một cuốn khi so sánh với mật mã Davinci.

Pham Quynh Huong

Đây là điển hình của motip trong truyện có truyện mình đã gặp khi đọc Hoa Tư Dẫn và bây giờ lại gặp lại nó trong cuốn này, dĩ nhiên Bóng hình của gió ra đời lâu hơn nên hiển nhiên mình đánh giá rất cao điểm này của tác phẩm.

Mạch truyện diễn biến nhịp nhàng không quá nhanh hay quá chậm, chỗ cần chậm thì chậm cần nhanh thì nhanh, tình tiết cũng rất lôi cuốn và kịch tính, kích thích trí tò mò của người đọc. Mình thấy cuốn này được lồng ghép nhiều thể loại cả triết lý, trinh thám, tình cảm lãng mạn, tiểu thuyết tâm lý…. tất cả đều được thâm thắt hài hòa không quá phô trương hoặc chú trọng duy nhất một phần nào. Hệ thống nhân vật phong phú, đa dạng, bao quát. Góc nhìn được thay đổi để mang tính chất khách quan hơn dù cho ngôi kể là ngôi thứ nhất.

Về tổng thể cuốn này quả thật đối với mình rất suất sắc và đặc biệt. Đọc nó mình dường như sống lại những tháng ngày u ám, chậm rãi nơi Barcelona với một màn sướng bí ẩn luôn chờ người khác khám phá. Cuốn này với mình hay cả vè ngôn từ, tình huống,nhân vật, thể loại, bối cảnh,… gần như là hoàn mĩ đến từng milimet.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button