Review

Người Đua Diều

Thể loại Văn học kinh điển
Tác giả Khaled Hosseini
NXB NXB Phụ Nữ
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 341
Ngày tái bản 09-2015
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Câu chuyện là lời tự thuật của nhà văn người Mỹ gốc Afghanistan Amir về những năm tháng tuổi thơ đầy niềm vui cũng như lỗi lầm, về những ngày trôi dạt trên đất khách rồi cuộc hành trình trở lại quê hương đổ nát để cứu chuộc tội lỗi cho bản thân và cho cả người cha đã khuất. Theo dòng hồi ức của Amir, người đọc trở lại hơn hai mươi năm về trước, khi Amir còn là một cậu bé mười hai tuổi sống trong vòng tay che chở của Baba giàu sang và thanh thế. Cùng gắn bó với Amir suốt những năm tháng tuổi thơ là Hassan, con trai của người quản gia Ali, một cậu bé lanh lợi, mạnh mẽ nhiều lần xả thân để bảo vệ Amir. Thế nhưng tình bạn và lòng tận tụy của Hassan đã không được đền đáp, một ngày mùa đông năm 1975, Hassan vì ra sức bảo vệ chiếc diều xanh chiến lợi phẩm của Amir đã bị bọn trẻ xấu hành hung và nhục mạ. Sự nhu nhược và hèn nhát đã cản bước Amir cứu bạn, thậm chí, còn biến cậu thành một kẻ gian dối khi bịa chuyện nhằm đuổi cha con Ali và Hassan ra khỏi nhà. Và Amir đã phải trả giá cho lỗi lầm ấy trong suốt phần đời còn lại. Ngay cả khi anh đang sống sung túc trên đất Mỹ, ngay cả khi tìm được một mái ấm cho riêng mình hay thực hiện được mơ ước trở thành nhà văn, nỗi ám ảnh của một kẻ gian dối vẫn ngày đêm đeo đuổi Amir. Và cuối cùng, trở lại Afghanistan để cứu con trai Hassan khỏi tay bọn Taliban là con đường duy nhất để Amir chuộc lỗi với người bạn, người em cùng cha khác mẹ Hassan đã chết dưới họng súng Taliban.

Người đua diều có đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một tác phẩm best-seller: tính thời sự, cốt truyện ly kỳ, xúc động, xung đột gay gắt giữa các tuyến nhân vật, trong chính bản thân nhân vật… Và sự thật, tác phẩm đã nắm giữ vị trí đầu bảng của The New York Times trong 110 tuần. Ngoài những khía cạnh trên, sức hấp dẫn của Người đua diều còn bắt nguồn từ giá trị nhận thức sâu sắc.

[taq_review]

Review

Nguyễn Quỳnh

Câu chuyện bắt đầu bởi tuổi thơ và kết thúc cũng bằng tuổi thơ. Tuổi thơ thuở đầu của một đứa trẻ không-bất-hạnh-nhưng-bất-hạnh và tuổi thơ muộn màng của một người đàn ông nay đã sám hối. Dĩ nhiên, hai người họ là một. Không như mình tưởng, những rối ren chính trị, vâng đương nhiên rồi, được nhắc tới trong câu chuyện không hề làm cho nó trở nên khô khan và rối rắm. Xuyên suốt câu chuyện là hành trình nội tâm của một con người đã làm những điều sai và những điều đúng. Có đọc tác phẩm này, mình mới nhận ra ranh giới giữa Thượng Đế, giữa thánh thần và con người phàm tục. Mình cũng ngộ ra lẽ gì mà những người đàn ông có bộ râu dài đáng sợ và những người đàn bà luôn-luôn e ấp, rụt rè và lặng yên này lại sống cuộc sống như-vậy và trở nên như-vậy. Câu chuyện, nói gọn gàng lại, chỉ cho chúng ta giá trị của một con người. Không rõ có phải người Afghan thích cách sống bện chặt quá khứ với hiện tại hay không, nhưng cuộc đời của những nhân vật thật sự là nét với giữa hai mảng đã-qua và mảng bây-giờ. Lòng trung thành đến khó hiểu, sự tự mãn khiến người ta choáng ngợp, lời hứa với một đứa trẻ con, kí ức, tội lỗi trong quá khứ, sự chuộc tội, sự tha thứ,… tất cả được gói gọn trong 38 năm cuộc đời của một người tưởng chừng đã quên mất Thượng Đế, đã quên mất bản ngã của mình. Bên cạnh đó, “Người đua diều” cho chúng ta thấy một chân dung khác nhưng không khác của Afghanistan. Vâng, đất nước bị giày xéo bởi nhiều thế lực, hoang tàn, tang tóc, nghèo nàn. Đúng như những gì chúng ta thấy trên TV. Nhưng đằng sau những hình ảnh ấy, một dân tộc đầy lòng kiêu hãnh, nhân nghĩa xen kẽ với vị kỉ, tự hào xen lẫn với hổ thẹn hiện lên rõ ràng và sống động. Sự đối lập gay gắt giữa ước muốn và hiện thực, giữa nỗi sợ hãi và sự căm hờn càng làm cho câu chuyện thêm kịch tính mặc dù nó rất thật.

Không đơn giản, nhưng dễ hiểu, dễ thấm và ám ảnh, đó là những gì mình cảm nhận về tác phẩm này. Mong rằng mọi người sẽ thử đọc và tự mình nhận ra thông điệp của nó

Nguyễn Lan Anh

“Người đua diều” có lẽ là tác phẩm hay nhất mà mình đọc trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây.
Một tác phẩm nói về tình cha con, tình bạn bè vô cùng cảm động.

Khi mới đọc tác phẩm, mình luôn thấy trách móc người cha không dành cho Amir tình yêu thương tuyệt đối, ánh mắt ông nhìn cậu luôn là sự thất vọng; cảm thông với Amir khi không có được trọn vẹn tình cảm của người cha nhưng cũng vô cùng uất nghẹn khi cậu hèn nhát đứng nhìn Hassan vì cậu mà bị Aseff cầm thú đẩy vào địa ngục và sau đó là một loạt hành động sai lầm hủy hoại tình bạn giữa Amir và Hassan.

Nhưng đến khi Amir quay lại Afghanistan, biết được toàn bộ sự thật, câu chuyện chuyển sang một hướng hoàn toàn mới. Và bắt đầu từ đây, tất cả mọi khúc mắc, đánh giá của mình về từng nhân vật đều thay đổi 180 độ. Mình thấy rất thương người cha về những điều mà ông đã dằn vặt suốt cả cuộc đời, cảm phục chặng đường gian nan để đi tìm, cướp lấy Sohrab từ tay tử thần, dành lại nụ cười và sự hồn nhiên cho cậu bé.

Toàn bộ cuốn truyện là một hành trình cảm động đưa người đọc đến những ngạc nhiên và bất ngờ về cuộc sống, phong tục và con người Afghanistan trong thời bình và trong chiến tranh. Đồng thời cũng cho ta biết rằng: cuộc sống không hề bằng phẳng mà đầy rẫy sóng gió bất ngờ vì vậy con người ta không thể hoàn hảo. Chính vì vậy, trong cuộc phải luôn biết chấp, tha thứ và tìm cách vượt qua sóng gió.

Trang Vũ

Người đua diều là câu chuyện của một người Aghani – Amir, lưu vong trên đất Mỹ khi quân đội Nga tiến vào Aghanistan. Amir đã từng có lỗi với một người bạn ở Kabul nên việc sang Mỹ cũng là để chôn vùi quá khứ. 20 năm sau, Amit trở về Aghanistan để sửa chữa lỗi lầm của mình. Khi đọc được khoảng cỡ 2/3 tác phẩm, tôi bắt đầu thắc mắc tại sao tác giả lại đặt tên là “người đua diều”. Người đua diều ở đây là Hassan, được giải thích rõ ngay từ những trang đầu tiên, là vết sẹo trong lòng Amir – nhân vật chính của câu chuyện, là nỗi ám ảnh bất tận theo cậu từ thuở thiếu thời cho đên tận tuổi trung niên. Hassan được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, như thể một nút thắt quan trọng xuyên suốt câu chuyện. Nhưng với tôi, nhân vậy trung tâm ảnh hưởng đến Amir của chúng ta vẫn là Baba. Có lẽ vì tác giả muốn lồng ghép vào đó cả câu chuyện của dân tộc Aghani chăng?

Tôi thích Người đua diều vì kết cấu giản đơn của nó. Chúng ta thường thích nghe những câu chuyện kịch tính hiếm khi xảy ra ở hiện thực. Sự giản đơn của cuốn sách làm tôi cảm thấy gần gũi. Sự thiên vị của người lớn làm sứt mẻ tình cảm của con trẻ. Một đứa con tìm mọi cách để được cha công nhận yêu thương, chỉ để được ngồi trên đùi Baba. Điều tôi không đồng ý cho lắm chính là sự phóng đại tội lỗi của Amir. Với tôi, tội lớn nhất của Amir là tội lỗi trong tâm tưởng khi cậu ghen tị với Hassan và chưa bao giờ thực sự coi cậu ấy là bạn. Vì thế, tôi không đồng ý với những quan điểm cho rằng đề tài của cuốn sách là chuộc lỗi, phục thiện, về tình anh em, bạn bè. Nói Người đua diều là một cuốn sách về tâm lý trẻ em thì phù hợp hơn.

Bao trùm trong cuốn sách là nỗi nhớ quê hương, làng xóm của một người con tha hương, đau đớn khi quê nhà bị giày xéo. Tôi thích cuốn sách vì nó làm tôi hiểu hơn về Aghanistan, nơi tôi từng nghĩ rằng chỉ có bom đạn, chiến tranh, những con người cực đoan, yêu bạo lực. Kết truyện là sự hân hoan của người Aghani khi quân Mỹ tiến vào đánh đuổi Taliban. Đó là thời điểm cuối 2001. Tôi thắc mắc rằng đã 14 năm rồi, giờ Aghanistan như thế nào. Họ có nuối tiếc như đã từng hối hận vì reo mừng Taliban vào đuổi quân Roussi (Nga), Showari. Tôi thật sự mong đến ngày diều bay rợp trời Aghanistan, người Pashtun và Hazara hòa hợp vì trên tất cả những xung đột, họ là người Aghani. Và họ sẽ mổ cừu để ăn mừng ngày ấy.

“Vi cậu, cả ngàn lần rồi”!

Trích đoạn

Mùa đông.

Đây là những gì tôi làm vào ngày tuyết rơi đầu tiên hàng năm. Tôi bước ra khỏi nhà vào buổi sáng sớm, vẫn mặc quần áo ngủ, hai cánh tay co ro để chống lại cái lạnh. Tôi thấy lối xe vào, chiếc xe hơi của cha tôi, những bức tường, những nóc nhà và cả những dãy đồi nữa, thảy đều bị vùi dưới lớp tuyết dày chừng ba mươi phân. Tôi mỉm cười. Bầu trời không một gợn mây, xanh biếc, tuyết trắng đến nỗi mắt tôi nhức nhối. Tôi vốc đầy vốc tay tuyết mới rơi bỏ vào miệng, lắng nghe sự tĩnh lặng bao trùm chỉ bị phá vỡ bởi tiếng quạ kêu. Tôi bước xuống bậc thềm trước cửa, chân trần, và gọi Hassan ra ngoài xem.

Mùa đông là mùa ưa thích của mọi đứa trẻ ở Kabul, ít nhất cũng là những đứa mà cha nó có đủ tiền mua một chiếc lò sưởi bằng gang loại tốt. Lý do thật đơn giản: Người ta đóng cửa trường học vào mùa băng tuyết. Mùa đông đối với tôi là sự kết thúc bất đồng kéo dài, và đặt tên cho thủ đô Bulgaria, và sự khởi đầu của ba tháng chơi bài bên lò sưởi với Hassan, xem phim Nga miễn phí vào các sáng thứ Ba tại Công viên Điện ảnh, là qurma[29] củ cải ngọt ăn với cơm cho bữa trưa, sau cả buổi sáng đắp người tuyết.

Và diều, đương nhiên. Thả điều. Và đua diều.

Đối với một số ít đứa trẻ không may, mùa đông không có nghĩa kết thúc năm học. Có những cái gọi là khoá học mùa đông tự nguyện. Không bao giờ có đứa trẻ nào tôi biết lại tự nguyện đến các lớp học ấy, đương nhiên cha mẹ làm cái việc tự nguyện hộ chúng. May cho tôi, Baba không phải là một trong bọn họ. Tôi nhớ một đứa, thằng Ahmad sống ở dãy bên kia phố tôi. Bố nó là một bác sĩ gì gì đấy, tôi nghĩ vậy. Ahmad bị động kinh và luôn luôn mặc áo vest len, đeo đôi kính dày cộm gọng đen. Nó là một trong nhưng nạn nhân đều đặn của Assef. Sáng nào tôi cũng từ cửa số phòng ngủ của tôi quan sát người đày tớ Hazara của họ xúc tuyết khỏi đường xe vào nhà, dọn lối cho chiếc Opel màu đen. Tôi luôn cố xem thằng Ahmad và bố nó chui vào xe như thế nào, Ahmad trong chiếc áo vest len và áo khoác ngoài mùa đông, cặp đầy sách và bút chì. Tôi đợi cho đến khi họ đi khỏi, rẽ theo một góc phố, rồi lại chui vào giường trong bộ quần áo ngủ bằng flanen mỏng. Tôi kẻo chăn tới tận cằm và ngắm nhìn những ngọn đồi phủ tuyết ở phía Bắc qua cửa sổ. Ngắm những ngọn đồi cho đến khi lại mơ màng chìm vào giấc ngủ.

Tôi yêu mùa đông ở Kabul. Tôi yêu nó vì những bông tuyết mềm mại vỗ nhẹ vào cửa sổ phòng tôi ban đêm, vì tuyết mới rơi lạo xạo dưới đôi ủng cao su đen của tôi, vì hơi ấm của chiếc lò sưởi gang khi gió rít qua sân, qua đường phố. Nhưng chủ yếu bởi vì khi mà cây cối cóng lạnh và băng giá từng lớp phủ những con đường, cái lạnh lẽo giữa Baba và tôi tan ra đôi chút. Và lý do của điều đó là diều. Baba và tôi sống trong cùng một ngôi nhà, nhưng lại trong những bầu sinh quyển khác nhau. Những cánh diều là những làn giấy mỏng ở nơi giao cắt giữa hai bầu sinh quyển đó.

Mùa đông nào, các quận của Kabul cũng tổ chức cuộc thi đấu diều. Và nếu bạn là một đứa con trai sống ở Kabul, thì ngày thi đấu chắc chắn là sự kiện nổi bật của mùa lạnh giá. Tôi không bao giờ ngủ được đêm trước hôm thi đấu. Tôi thường trằn trọc trở mình, làm bóng những con vật trên tường, thậm chí ngồi trên lan can trong đêm tối, chăn quấn quanh người. Tôi cảm thấy như một người lính cố ngủ trong chiến hào vào đêm trước trận đánh lớn. Và cũng chẳng khác mấy. Ở Kabul, thi thả diều quả hơi giống như đi ra trận.

Như bất cứ cuộc chiến nào, anh phải chuẩn bị sẵn sàng cho trận chiến. Hassan và tôi thường bỏ ra một khoảng thời gian làm những chiếc diều riêng cho chúng tôi. Chúng tôi để dành tiền tiêu vặt hàng tuần vào mùa thu, bỏ tiền vào một con ngựa sành nhỏ mà Baba một lần đã đem từ Herat về. Khi những cơn gió mùa đông bắt đầu thổi và tuyết rơi đáng kể rồi chúng tôi cậy vỡ lớp mỏng dưới bụng con ngựa. Chúng tôi ra phố chợ mua tre, keo, dây và giấy. Môi ngày chúng tôi bỏ ra nhiều giờ để gọt ruột tre và uốn khung diều, cắt những miếng giấy mỏng mịn để dễ phết keo bồi diều. Và rồi, cố nhiên chúng tôi phải làm dây diều riêng cho mình, còn gọi là tar. Nếu diều là súng thì dây bọc bột thuỷ tinh sắc cạnh là đạn trong ổ súng. Chúng tôi thường ra ngoài sân tuốt độ một trăm năm mươi mét dây qua hỗn hợp thuỷ tinh nghiền và keo nhựa. Rồi treo lên giữa các thân cây để phơi khô. Hôm sau, chúng tôi quấn thứ dây đó sẵn sàng cho trận đánh đó vào một ống cuộn bằng gỗ. Đúng lúc tuyết tan và mưa xuân đổ xuống, đứa con trai nào ở Kabul cũng phải chịu những vết cứa ngang lộ rõ trên các ngón tay, từ cả một mùa đông đấu diều. Tôi còn nhớ vẫn thường cùng bọn ở lớp tụ tập với nhau vào ngày đầu năm học để so những vết sẹo chiến của chúng tôi. Những vết cứa đau buốt, vài tuần lễ sau không lành, nhưng tôi không buồn để ý. Chúng là những vật lưu niệm của một mùa yêu dấu đã lại một lần nữa trôi qua quá nhanh. Thế rồi lớp trưởng thường thổi còi và cả bọn lại đều bước thành một hàng duy nhất vào lớp, nhớ nhung mùa đông đã qua thay vì chào đón bóng ma của một năm học khác dài dặc.

Nhưng rõ ràng Hassan và tôi đã nhanh chóng trở thành những chiến binh đấu diều hơn là người làm diều. Một khiếm khuyết nào đó, hoặc có điều gì trong thiết kế của chúng tôi, khiến cái diều của chúng tôi chẳng đâu vào đâu. Vì vậy, Baba đem chúng tôi đến cửa hiệu Saifo để mua diều. Saifo là một ông già gần như mù, làm moochi – tức nghề chữa giày. Nhưng ông cũng là một người làm diều nổi tiếng nhất của thành phố, làm việc ngoài túp lều nhỏ trên phố Jadeh Maywand, một phố đông dân phía Nam hai bờ lầy lội của sông Kabul. Tôi vẫn nhớ, bạn phải khom người chui vào cái cửa hàng cỡ bằng xà lim nhà lao rồi phải nhấc một cửa sập để trườn xuống cầu thang gỗ, tới một tầng hầm nhớp nhúa là kho chứa những chiếc diều được người ta thèm muốn của ông. Baba thường mua cho chúng tôi mỗi đứa ba chiếc diều giống hệt nhau và những cuộn dây thuỷ tinh. Nếu tôi đổi ý và đòi mua một chiếc diều lớn hơn, lạ lùng hơn, Baba cũng vẫn mua cho tôi, nhưng ông cũng mua luôn cho Hassan nữa. Đôi khi tôi mong muốn ông đừng làm như vậy. Muốn ông hãy để cho tôi được là đứa con cưng.

Thi đấu diều là truyền thống mùa đông lâu đời ở Afghanistan. Nó được bắt đầu vào sáng sớm ngày thi, và chỉ kết thúc khi nào còn duy nhất một chiếc diều thắng cuộc bay trên bầu trời. Tôi vẫn nhớ một năm cuộc thi đấu tàn ngày vẫn chưa xong. Dân chúng tụ tập bên lề đường, trên nóc nhà, reo lên hoan hô những chiếc diều của họ. Phố xá đầy những chiến binh đấu diều, giật dây, kéo diều của mình, mắt liếc lên bầu trời, cố chiếm lấy vị trí để cắt đứt dây diều của đối phương. Mỗi người đấu diều có một phụ tá – với tôi là Hassan – giữ ống cuộn dây và thả dây.

Có lần, một thằng nhóc Hindi, gia đình nó mới chuyển đến ở quanh vùng, kể cho chúng tôi nghe rằng, ở thị trấn quê nó, đấu diều có những luật lệ và quy tắc chặt chẽ. “Anh phải chơi ở một khu vực được khoanh lại và phải đứng ngược gió,” nó kiêu hãnh nói. “Và anh không được dùng nhôm để làm dây thuỷ tinh.”

Hassan và tôi nhìn nhau. Cười phá. Thằng nhóc Hindi rồi sẽ nhanh chóng học được những gì người Anh học được hồi đầu thế kỷ này, và những gì người Nga cuối cùng đã học được vào những năm cuối thập kỷ tám mươi rằng người Afghan là một dân tộc độc lập. Người Afghan yêu quý phong tục nhưng ghê tởm các luật lệ. Và với việc đấu diều cũng thế. Luật lệ thật đơn giản: Không luật lệ nào. Thả diều của bạn lên. Cắt hạ đối thủ. Chúc may mắn.

Tất nhiên không phải chỉ có thế. Trò vui thực sự bắt đầu khỉ một chiếc diều bị hạ. Là khi những đấu thủ thả diều ào đến, bọn trẻ ấy đuổi theo chiếc diều bị gió thổi cuốn đi, qua những vùng lân cận, cho đến khi nó quay mòng mòng lộn xuống cánh đồng, rơi vào sân nhà ai đó, mắc trên ngọn cây hoặc một nóc nhà. Cuộc rượt đuổi cực kỳ dữ dội, từng đám trẻ đua diều kéo đàn trên đường phố, xô đẩy lấn lướt nhau, giống những người ở Tây Ban Nha như chạy trốn những con bò tót tôi đã có lần được đọc. Một năm, có đứa trẻ hàng xóm trèo lên cây thông để tìm diều. Cái cành gãy răng rắc dưới sức nặng của nó, và nó rơi từ gần mười mét xuống. Gãy lưng và không bao giờ đi lại được nữa. Nhưng nó ngã mà chiếc diều vẫn ôm trong hai tay. Và khi một người đấu diều đặt hai tay lên chiếc diều, không ai có thể cướp được của họ. Đó không phải một luật lệ. Đó là phong tục.

Đối với những người đấu diều, giải thưởng đáng thèm muốn nhất là chiếc diều cuối cùng bị rơi của cuộc đấu diều mùa đông. Nó là một giải thưởng của danh dự, một cái gì đó để trưng trên tấm áo khoác, cho khách khứa trầm trồ. Khi bầu trời đã quang diều và chỉ còn hai chiếc cuối cùng trụ lại, mỗi người đua diều đều chuẩn bị sẵn sàng cho cơ may giật giải. Cậu ta chọn cho mình một vị trí nghĩ rằng sẽ đem lại cho mình lợi thế hơn. Những cơ bắp căng cứng đã sẵn sàng duỗi ra. Những chiếc cổ nghển lên. Những con mắt nheo lại. Những cuộc chiến nổ ra. Và khi chiếc diều cuối cùng bị hạ, thế là ồn ĩ loạn xạ cả lên.

Trải qua nhiều năm, tôi đã từng chứng kiến bao chàng trai đua diều. Nhưng Hassan vượt xa người đua diều vĩ đại nhất mà tôi từng thấy. Điều hoàn toàn lạ lùng là cung cách cậu luôn luôn nắm được vị trí chiếc diều tiếp đất, cả trước khi nó thật sự đáp xuống, như thể cậu có một sự định hướng sâu kín nào đó.

Tôi nhớ một ngày đông ảm đạm, Hassan và tôi đang thả diều. Tôi đang đuổi theo cậu qua những vùng quanh đó, nhảy qua nhưng rãnh nước, len lỏi qua những đường phố hẹp. Tôi hơn cậu ấy một tuổi, nhưng cậu chạy nhanh hơn, và tôi tụt lại phía sau.

– Hassan, đợi với! – Tôi hét lên, thở gấp và giận dữ.

Cậu quay vòng lại, vẫy tay: “Lối này!”, cậu gọi trước khi vụt rẽ theo một góc phố khác, tôi ngước nhìn lên, thấy hướng chúng tôi đang chạy ngược với hướng diều rơi.

– Chúng ta lạc rồi! Chúng ta nhầm đường rồi! – Tôi kêu toáng lên.

– Tin tôi đi.

Tôi nghe thấy tiếng cậu gọi ở phía trước. Tôi đến góc đường và thấy Hassan vụt chạy, đầu cúi xuống, không thèm nhìn lên trời, mồ hôi đầm đìa trên lưng áo sơ mi. Tôi vấp chân lúc bước qua một hòn đá và ngã nhào – tôi không chỉ chậm hơn Hassan mà còn vụng về hơn. Tôi luôn luôn ghen với sức vóc lực lưỡng bẩm sinh của cậu ấy. Khi loạng choạng đứng lên, tôi thoáng nhìn thấy Hassan biến mất quanh góc phố khác. Tôi tập tễnh chạy theo cậu ấy, mà như có kim châm đau nhức liên hồi chọc vào hai đầu gối trầy xước của tôi.

Tôi thấy chúng tôi hoá ra đã ở trên một con đường bẩn thỉu đầy vệt bánh xe, gần trường Trung học Isteqlal. Một bên có cánh đồng rau diếp mọc vào mùa hè, bên kia là một rặng cây anh đào chua. Tôi thấy Hassan đang bắt tréo chân ngồi dưới gốc cây, ăn một nắm dâu tằm khô.

– Chúng ta định làm gì ở đây nào? – Tôi hổn hển, bụng quặn lên muốn nôn.

Cậu ta mỉm cười.

– Ngồi xuống đây với tôi, Amir agha.Tôi ngồi phịch xuống gần cậu ta, trên một lớp tuyết mỏng, thở phì phò:

– Cậu đang làm mất thì giờ của chúng ta. Nó đi theo lối khác rồi, cậu không thấy ư?

Hassan tóp tép một quả dâu tằm trong miệng, nói:

– Sắp đến rồi.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button