Quà tặng cuộc sống

Ngợi Ca Sống Chậm

sach-ngoi-ca-song-cham1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Carl Honoré

Download sách Ngợi Ca Sống Chậm ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách hay về cuộc sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Cuộc sống còn có nhiều cái quan trọng hơn là tăng tốc

GANDHI

Những ngày này,nền văn hóa của chúng ta dạy rằng nhanh là đúng. Và để nhanh được, chúng ta đã phải trả giá bằng tất cả: công việc, ăn uống, sức khỏe, các mối quan hệ và đời sống dục tình của chúng ta. Cuốn sách kỳ diệu của Carl Honoré đã thách thức sự tôn thờ tốc độ bằng cách chứng minh: Sống Chậm mới là thời thượng. Sống lành mạnh hơn trong một thế giới hiện đại cuồng nộ, tạo lập sự cân bằng giữa nhanh và chậm, điều độ, tự chủ và minh triết. Những điều tra đầy hứng thú của Honoré soi sáng phương thức mới mẻ để sống trọn vẹn đời ta một cách viên mãn, hiệu quả, trong triết lý sâu sa của Chậm.

“Hãy đọc cuốn sách này mỗi ngày một chương – để thông điệp mang tính đột phá của nó ngấm vào trong bạn, hoàn toàn thay đổi cuộc đời bạn”.

Bill MacKibben, tác giả của The End of Nature

“Cuốn sách này đã phản kháng một cách đầy thuyết phục với lối sống gấp vô tình và đưa ra những gợi ý thật cụ thể, hấp dẫn về những cách thức để kéo dài khoảnh khắc sống”

Los Angeles Times

“Truyền cảm hứng gấp triệu lần bất kỳ cuốn sách nào về đổi thay lối sống…”

Sunday Express

“Honoré đưa ra những bằng chứng thuyết phục, gợi ý rằng việc kiểm soát nhịp độ cuộc sống của ta khiến ta không chỉ khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, mà còn mang lại một phong cách sống hiệu quả và xứng đáng”.

Globe and Mail

“Cuốn sách có một giọng điệu riêng, gần gũi bên cạnh những khảo sát kỹ lưỡng của tác giả. Sức mạnh lớn lao của nó nằm ở sự nối kết những ý tưởng dường như khác biệt (ăn chậm và làm chậm!), mang tới cho ta một cái nhìn thật sâu và độc đáo về một vấn đề văn hóa rộng lớn… Honoré đã cho độc giả một cơ hội để thay đổi cuộc đời của họ”.

Vancouver Sun

Trích dẫn :

Con người sinh ra rồi kết hôn, sống rồi chết, đều ở giữa vòng náo loạn điên cuồng đến mức bạn tưởng như họ sẽ phát điên.
WILLIAM DEAN HOWELLS, 1907.
Vào một buổi trưa chan hòa ánh nắng hè năm 1985, chuyến du lịch châu Âu thời niên thiếu của tôi tới chặng dừng trên một quảng trường ở ngoại ô Rome. Chuyến xe buýt quay về thành phố đã chậm hai mươi phút và vẫn chưa thấy bóng dáng đâu. Tuy vậy, sự chậm trễ chẳng làm tôi phiền lòng. Thay vì đi đi lại lại trên vỉa hè hoặc gọi điện cho công ty xe buýt để phàn nàn, tôi mở máy nghe Walkman, rồi ngả người trên ghế băng, lắng nghe Simon và Garfunkel hát về nỗi hân hoan được chậm rãi và làm cho thời khắc kéo dài. Từng chi tiết của quang cảnh ấy đã in sâu trong ký ức tôi: hai chú nhóc đá bóng quanh đài phun nước thời Trung cổ; những cành cây lòa xòa quệt trên nóc bức tường bằng đá; một quả phụ già nua xách túi rau về nhà.
Mười lăm năm thoắt trôi qua, mọi sự đều đã thay đổi. Khung cảnh giờ chuyển thành sân bay Fiumicino nhộn nhịp của thành Rome và tôi là một phóng viên nước ngoài đang vội vã bắt chuyến bay về nhà ở Luân Đôn. Thay vì thư thái lấy chân đá sỏi cuội trên đường, tôi lao vội qua phòng chờ khởi hành, thầm nguyền rủa những ai cắt ngang đường mà lại đi chậm hơn. Đáng lẽ nghe dân ca từ chiếc Walkman rẻ tiền, tôi lại nói chuyện bằng điện thoại di động với một biên tập viên cách xa hàng ngàn cây số.
Bên cửa lên máy bay, tôi nhập vào cuối một hàng người dài dằng dặc, ở đấy chẳng có việc gì để làm ngoại trừ, đúng vậy, việc không làm gì cả. Duy có điều tôi không chịu được cảnh không làm gì cả ấy nữa. Để chờ đợi cho hữu ích, cũng là để bớt sốt ruột, tôi đọc lướt một tờ báo. Chính lúc đó, mắt tôi bắt gặp một bài viết sau này gợi cho tôi cảm hứng viết cuốn sách về sự chậm rãi.
Những dòng chữ bắt tôi dừng lại giữa đường ấy là: “Chuyện kể một phút trước giờ đi ngủ.” Giúp các bậc cha mẹ thu xếp ổn thỏa với bọn trẻ mất-thời-giờ, nhiều tác giả đã rút gọn các câu chuyện cổ kinh điển thành những mẩu hoàn chỉnh mất đúng sáu mươi giây. Hãy thử tưởng tượng Hans Christian Andersen mà bắt gặp những mẩu tóm tắt lỗi lạc này thì sẽ ra sao. Phản ứng đầu tiên của tôi là reo lên Eureka! Khoảng thời gian này tôi thường bị kẹt vào một cuộc-chiến-buổi-tối-gay-go với cậu con trai hai tuổi, cháu rất thích những câu chuyện dài đọc bằng giọng trầm bổng êm tai. Tuy vậy, mỗi buổi tối tôi lái cháu sang những chuyện cực ngắn và đọc thật nhanh. Chúng tôi thường cãi cọ. Cháu kêu: “Bố đọc nhanh quá.” Hoặc, trong khi tôi đi ra cửa, “Con muốn chuyện nữa cơ!” Một phần trong con người tôi cảm thấy cực kỳ ích kỷ khi làm qua quít thủ tục trước giờ đi ngủ, nhưng phần kia đơn giản không sao cưỡng nổi mong muốn mau mau chuyển sang các mục còn lại trong thời gian biểu của bản thân – nào là bữa tối, thư điện tử, đọc báo chí, hóa đơn thanh toán, thêm chút ít công việc cơ quan, phần điểm tin quen thuộc trên truyền hình. Làm một cuộc dạo chơi dài dòng, lê thê qua thế giới của Tiến sĩ Seuss[1] không phải là một chọn lựa. Nó quá chậm chạp.
Vì vậy, thoạt nhìn, loạt truyện Một-phút-trước-giờ-đi-ngủ nghe ra tuyệt vời đến khó tin là thật. Đọc một mạch sáu hay bảy “truyện”, chỉ mất chưa tới mười phút – còn gì có thể tốt hơn? Tiếp đó, khi tôi bắt đầu tự hỏi liệu Amazon có thể giao cho tôi cả bộ sách ấy chóng đến độ nào, lập tức cảm giác ăn năn xuất hiện dưới dạng một câu hỏi vặn: phải chăng tôi đã hoàn toàn mất trí? Lúc hàng người rồng rắn tiến đến cửa soát vé cuối cùng, tôi cất tờ báo và bắt đầu suy nghĩ. Toàn bộ cuộc sống của tôi té ra là một cuộc tập luyện trong vội vã, trong dồn nén ngày càng nhiều vào từng giờ. Tôi là một kẻ keo cú kè kè chiếc đồng hồ bấm giờ, bị ám ảnh phải tiết kiệm từng khoảnh khắc thời gian, ở chỗ này một phút, ở chỗ kia vài giây. Và tôi không đơn độc. Mọi người quanh tôi – đồng nghiệp, bạn bè, gia đình – đều bị cuốn vào vòng xoáy ấy.
Năm 1982, Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ, đã đặt ra thuật ngữ “căn bệnh thời gian” để mô tả một tín điều ám ảnh là “thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian, và bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa mới hòng bắt kịp.” Những ngày này, cả thế giới mắc bệnh thời gian. Tất cả chúng ta đều thuộc cùng một giáo phái tôn sùng tốc độ. Đứng trong hàng người chờ chuyến bay trở về nhà ở Luân Đôn ấy, tôi bắt đầu vật lộn với những câu hỏi nằm ở tâm điểm cuốn sách này: Vì sao chúng ta luôn vội vã như vậy? Đâu là phương thuốc cho căn bệnh thời gian? Liệu có thể, hoặc thậm chí có nên ao ước, chậm lại chăng?

ĐỌC THỬ

HÃY LÀM MỌI VIỆC NHANH HƠN

Chúng ta khẳng định rằng vẻ tráng lệ của thế giới này phong phú thêm nhờ một vẻ đẹp mới: vẻ đẹp của tốc độ.
TUYÊN NGÔN CỦA THUYẾT VỊ LAI, 1909.
Bạn sẽ làm gì đầu tiên khi thức dậy vào buổi sáng? Kéo rèm? Xích lại ôm bạn tình hoặc ôm gối? Nhảy ra khỏi giường, vươn vai làm mười động tác hít đất cho máu lưu thông? Không, việc đầu tiên bạn làm, việc đầu tiên mà ai nấy đều làm, là xem giờ. Chễm trệ trên bàn ngủ cạnh giường, chiếc đồng hồ chỉ cho chúng ta phương hướng, không những cho ta biết mình ở đâu suốt phần còn lại của ngày, mà còn là ứng phó ra sao. Nếu còn sớm, tôi sẽ nhắm mắt lại và cố ngủ. Nếu đã muộn, tôi bật khỏi giường và phi thẳng vào phòng tắm. Ngay từ lúc mới thức giấc, chiếc đồng hồ đã chỉ huy mọi việc. Và cứ như thế, liên tục suốt cả ngày, chúng ta đôn đáo từ nợ việc này sang nợ việc kia. Từng thời khắc đan kết thành lịch làm việc, và nhìn bất cứ nơi đâu – trên bàn cạnh giường, căng tin công sở, góc màn hình máy tính, cổ tay chúng ta – chiếc đồng hồ cứ tích tắc, theo dõi chúng ta tiến hành công việc, thúc giục chúng ta không được rớt lại sau.
Trong thế giới hiện đại chuyển vần nhanh của chúng ta, dường như lúc nào con tàu thời gian cũng rời ga vào đúng cái lúc chúng ta tới sân ga. Bất kể chúng ta nhanh đến chừng nào, bất kể chúng ta lên lịch trình hợp lý tới đâu, vẫn chẳng bao giờ có đủ thời gian trong một ngày. Trong chừng mực nhất định, chuyện vẫn luôn là vậy. Song ngày nay chúng ta cảm thấy sức ép thời gian còn hơn cả trước đây. Vì sao? Điều gì làm chúng ta khác với tổ tiên? Nếu có lúc nào đó chúng ta chậm lại, hẳn chúng ta phải hiểu được vì sao chúng ta tăng tốc lúc ban đầu, vì sao thế giới rú ga đến thế, lịch trình sít sao đến thế? Muốn vậy chúng ta phải bắt đầu từ xuất phát điểm, xem xét quan hệ của chúng ta với bản thân thời gian.
Loài người xưa nay luôn là nô lệ của thời gian, cảm nhận được sự hiện diện và quyền năng của nó, nhưng chưa bao giờ biết chắc phải định nghĩa nó thế nào. Ở thế kỷ thứ tư, Saint Augustine đã suy tưởng, “Vậy thời gian là gì? Nếu chẳng ai hỏi, thì tôi biết; nhưng nếu muốn giải thích cho một ai đó hỏi tôi, thì tôi lại không biết.” Một ngàn sáu trăm năm sau, sau một hồi đánh vật với ít trang viết của Stephen Hawking, chúng ta đều hiểu chính xác ông cảm nghĩ thế nào. Ngay cả khi thời gian vẫn còn là thứ khó nắm bắt, thì mỗi một xã hội đã đúc rút ra được những cách đo lường dòng trôi của nó. Các nhà khảo cổ học tin rằng hơn hai mươi ngàn năm trước, ở kỷ băng hà châu Âu, những tay thợ săn đã biết đếm ngày giữa các tuần trăng bằng cách khắc vạch và đục lỗ vào gậy và xương. Mỗi một nền văn hóa lớn trong thế giới cổ đại – người Sumeri và người Babylon, người Ai Cập và người Trung Hoa, người Maya và người Aztec – đều đã sáng tạo ra lịch riêng. Một trong những tài liệu đầu tiên ra lò từ nhà in Gutenberg chính là “Lịch năm 1448.

Một khi tổ tiên chúng ta học được cách đo năm, tháng và ngày, bước tiếp theo là chia thời gian thành những đơn vị nhỏ hơn. Chiếc đồng hồ mặt trời của Ai Cập có niên đại 1500 năm trước Công nguyên là một trong những dụng cụ đo lường cổ xưa nhất còn sót lại dùng để chia ngày thành những phần bằng nhau. “Những chiếc đồng hồ” thuở hồng hoang căn cứ trên lượng thời gian nước hoặc cát chảy qua một cái lỗ, hoặc thời gian một cây nến hay một đĩa dầu cháy hết. Đo lượng thời gian có một bước nhảy vọt khi châu Âu sáng chế ra đồng hồ cơ hồi thế kỷ mười ba. Đến cuối những năm 1600, con người đã có thể đo chính xác không chỉ giờ, mà cả phút và giây.

Sinh tồn là một động cơ thúc đẩy việc đo thời gian. Các nền văn minh cổ đại sử dụng lịch để trồng trọt và thu hoạch mùa màng. Tuy vậy, ngay từ ban đầu, đo thời gian đã chứng tỏ là một con dao hai lưỡi. Ở phía tích cực, việc lập trình lịch có thể khiến mọi người, từ nông dân đến các kỹ sư phần mềm, làm việc có hiệu quả hơn. Song ngay từ lúc chúng ta bắt đầu chia nhỏ thời gian, các biểu đồ thay đổi, và thời gian lên tiếp quản tất cả. Chúng ta trở thành nô lệ của lịch trình. Lịch trình cho chúng ta biết hạn tối hậu, và những hạn tối hậu ấy, xét về bản chất, cho chúng ta lý do để vội vàng. Như một câu ngạn ngữ Ý diễn giải: Con người đo thời gian và thời gian đo con người.
Giúp cho lịch làm việc hàng ngày khả thi, chiếc đồng hồ hứa hẹn một triển vọng hiệu quả to lớn – nhưng cũng kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy vậy, những dụng cụ đo thời gian thuở ban đầu không còn đáng tin cậy để có thể thống trị loài người theo cách chiếc đồng hồ ngày nay đạt được. Những chiếc đồng hồ mặt trời không tác dụng về đêm, hoặc khi trời nhiều mây, và thời lượng của một giờ đồng hồ mặt trời thay đổi ngày qua ngày theo độ nghiêng của trái đất. Lý tưởng để đo giờ một hành động cụ thể, nhưng đồng hồ cát và đồng hồ nước tuyệt nhiên không thể chỉ ra giờ giấc trong ngày. Vì sao biết bao cuộc quyết đấu, trận đánh và nhiều sự kiện khác trong lịch sử lại diễn ra vào lúc tinh mơ? Chẳng phải vì tổ tiên chúng ta ưa dậy sớm, mà vì rạng đông là thời điểm ai nấy đều có thể nhận biết và dễ thống nhất. Thiếu những chiếc đồng hồ chính xác, cuộc sống bị một thứ mà các nhà xã hội học gọi là Thời Gian Tự Nhiên sai khiến. Con người làm việc khi thấy cần, không phải khi đồng hồ đeo tay bảo họ làm. Họ ăn khi đói bụng, ngủ khi buồn ngủ. Tuy nhiên, ngay từ thuở ban sơ ấy, báo giờ giấc luôn liên quan chặt chẽ với báo cho người ta việc phải làm.
Xa xôi về trước như thế kỷ mười sáu chẳng hạn, các thầy tu dòng Benedict đã sống theo một nền nếp hẳn khiến một nhà quản lý giờ giấc hiện đại cảm thấy tự hào. Dùng những đồng hồ nguyên thủy, họ rung chuông từng chặp đều đặn suốt cả ngày lẫn đêm, giục giã nhau từ việc này sang việc khác, từ cầu kinh sang học tập sang trồng trọt sang nghỉ ngơi, xong quay lại cầu kinh. Khi đồng hồ cơ khí bắt đầu xuất hiện trên các quảng trường thành phố khắp châu Âu, ranh giới giữa tuân thủ giờ giấc và tuân thủ sự quản lý lu mờ hẳn. Thành phố Cologne cống hiến một ví dụ điển hình. Các ghi chép trong lịch sử cho thấy rằng khoảng năm 1370, một đồng hồ công cộng đã được dựng lên tại thành phố này của Đức. Đến năm 1374, Cologne thông báo đạo luật ấn định lúc bắt đầu và kết thúc ngày làm việc cho người lao động, đồng thời giới hạn giờ nghỉ trưa xuống còn “một tiếng đồng hồ và không hơn.” Năm 1391, thành phố áp dụng lệnh giới nghiêm với khách lạ vào lúc 9 giờ tối (8 giờ trong mùa đông), kế tiếp đến năm 1398 là lệnh giới nghiêm phổ thông vào lúc 11 giờ đêm. Trong khoảng một thế hệ, người dân thành phố Cologne tiến từ chỗ chưa từng biết chắc thời gian đến chỗ phó mặc cho một cái đồng hồ điều khiển khi nào họ làm việc, nghỉ ăn trưa bao lâu và tối tối lúc nào được trở về nhà. Thời gian Đồng hồ đã chiếm ưu thế hơn Thời Gian Tự Nhiên.
Theo dấu chân các thầy tu dòng Benedict, những người châu Âu có tư tưởng cấp tiến bắt đầu vận dụng thời gian biểu hàng ngày để sống và làm việc có hiệu quả hơn. Là một nhà triết học, kiến trúc sư, nhạc sĩ, họa sĩ kiêm điêu khắc gia thời Phục hưng Ý, Leon Battista Alberti là người hết sức bận rộn. Để tận dụng tối đa thời gian có được, mỗi ngày ông bắt đầu bằng việc thảo một lịch làm việc: “Buổi sáng thức dậy, trước tiên tôi tự hỏi hôm nay ta phải làm gì. Hàng lô những việc phải làm, tôi liệt kê chúng, suy nghĩ thấu đấo, rồi ấn định giờ giấc thích hợp cho chúng: sáng nay làm việc này, chiều nay làm việc kia, tối nay làm việc nọ.” Bạn thấy ngay Alberti hẳn sẽ yêu quý một Trợ thủ kỹ thuật số Cá nhân biết bao nhiêu.
Lập thời gian biểu trở thành một lối sống suốt cuộc Cách mạng Công nghiệp khi cả thế giới tròng trành tăng tốc. Trước thời đại máy móc, không ai có thể di chuyển nhanh hơn ngựa phi nước đại hoặc thuyền giương buồm đón gió. Công suất động cơ thay đổi mọi thứ. Bất thình lình, chỉ cần bấm nhẹ công tắc, con người, thông tin và dữ liệu có thể băng qua những chặng đường vĩ đại nhanh chưa từng thấy. Một nhà máy trong một ngày có thể sản xuất ra lượng hàng hóa nhiều hơn một thợ thủ công cặm cụi làm suốt cả đời. Tốc độ mới hứa hẹn thịnh vượng và hào hứng phi thường, nên con người say sưa với nó. Năm 1825, khi đoàn tàu khách động cơ hơi nước đầu tiên khởi hành chuyến đầu ở Yorrkshire, Anh quốc, hơn bốn chục ngàn người đã đổ ra hoan hô và bắn hai mươi mốt phát đại bác chào mừng.
Chủ nghĩa tư bản công nghiệp sống bằng tốc độ, và được đền đáp chưa từng có. Doanh nghiệp nào chế tạo và giao sản phẩm nhanh chóng nhất sẽ có cơ may hạ mọi đối thủ. Bạn càng biến vốn thành lãi nhanh bao nhiêu, càng tái đầu tư nhanh bấy nhiêu, và đạt lợi nhuận lớn hơn. Không phải ngẫu nhiên mà thành ngữ “kiếm tiền nhanh”[14] đã trở nên thông dụng vào thế kỷ thứ mười chín.

Năm 1748, ở buổi bình minh của kỷ nguyên công nghiệp, Benjamin Franklin[15] đã ban phúc cho cuộc hôn phối giữa lợi nhuận và sự gấp gáp bằng một câu cách ngôn vẫn còn lưu giữ trong khẩu ngữ ngày nay: “Thời giờ là tiền bạc.” Không gì phản ánh, hay củng cố, cho hệ tư tưởng mới này cụ thể hơn việc chuyển sang trả lương công nhân theo giờ thay vì theo sản phẩm. Khi mỗi phút được quy thành tiền, doanh nghiệp tự thấy bị kìm hãm trong cuộc đua bất tận hòng tăng sản lượng. Sản lượng/giờ càng lớn bao nhiêu, lợi nhuận càng nhiều bấy nhiêu. Duy trì địa vị dẫn đầu đồng nghĩa với việc phải lắp đặt công nghệ tiết kiệm thời gian tiên tiến nhất trước khi đối thủ kịp ra tay. Chủ nghĩa tư bản hiện đại đi liền với khẩu lệnh mặc định là nâng cấp, tăng tốc, phải trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết.

Đô thị hóa, một đặc trưng khác nữa của kỷ nguyên công nghiệp, cũng góp phần đẩy nhanh thêm tốc độ. Các thành phố xưa nay luôn thu hút những người giàu nghị lực và năng động, nhưng bản thân cuộc sống thành thị là một cỗ máy gia tốc phân tử khổng lồ.
Khi con người chuyển đến thành thị, họ bắt đầu phải làm mọi việc nhanh hơn. Năm 1871, một cuốn nhật ký vô danh viết về thủ đô Anh quốc như sau: “Sự hủy hoại năng lượng thần kinh, chảy máu năng lượng trí não ở Luân Đôn thật to lớn. Người Luân Đôn sống gấp gáp. Ở Luân Đôn, con người chết ngay, còn ở nơi khác họ chết dần mòn… Tâm trí luôn căng ra vì hàng chuỗi vùn vụt những hình ảnh mới và xúc cảm mới. Mọi giao dịch kết thúc với nhịp độ càng lúc càng nhanh. Mua và bán, đo đếm và cân đong, thậm chí cả trao đổi qua quầy hàng, tất cả đều kết thúc với trình độ chóng vánh và thực hành thuần thục vào hàng đẳng cấp… Chậm rãi và tẻ ngắt chẳng mấy chốc phát giác chúng không còn cơ hội; nhưng sau một thời gian, giống con ngựa uể oải trong một cuốc chạy xe nhanh, chúng phát lộ nhịp độ trước nay chưa từng thấy.”
Khi công nghiệp hóa và đô thị hóa lan rộng, thế kỷ mười chín đưa lại cuộc trình diễn bất tận những phát minh giúp con người đi lại, làm việc và thông tin liên lạc nhanh hơn hẳn. Hầu hết mười lăm ngàn máy móc đăng ký ở Cục Sáng chế Mỹ trong năm 1850, như một du khách Thụy Điển nhận xét, đều: “nhằm tăng tốc, tiết kiệm thời gian và lao động.” Luân Đôn khai trương tuyến xe điện ngầm đầu tiên năm 1863; Berlin chuyển sang dùng tàu điện lần đầu tiên năm 1879; hãng Otis khánh thành cầu thang cuốn đầu tiên năm 1900. Đến năm 1913, những chiếc xe Ford Model T lăn bánh rời dây chuyền lắp ráp đầu tiên trên thế giới. Viễn thông cũng phát triển nhảy vọt khi điện tín xuất hiện lần đầu năm 1837, tiếp đó là đường cáp ngầm xuyên Đại Tây Dương đầu tiên năm 1866 và, một thập kỷ sau, đến lượt điện thoại và vô tuyến điện.
Tuy vậy, không thể khai thác triệt để một công nghệ mới thiếu đồng hồ chính xác. Đồng hồ là hệ thống vận hành của chủ nghĩa tư bản hiện đại, là thứ giúp cho mọi thứ khác khả thi – những buổi hội họp, thời hạn tối hậu, hợp đồng, chu trình sản xuất, kế hoạch làm việc, vận tải chuyên chở và các ca lao động. Lewis Mumford, một nhà phê bình xã hội lỗi lạc, nhận định đồng hồ là “máy chủ” của cuộc Cách mạng Công nghiệp. Nhưng mãi đến cuối thế kỷ mười chín, sáng tạo ra giờ chuẩn mới giải phóng hết tiềm năng của đồng hồ. Trước đó, mọi thành phố đều tính giờ theo mặt trời chính ngọ, thời khắc kỳ lạ khi bóng nắng biến mất và mặt trời chiếu thẳng xuống đỉnh đầu. Kết quả là một mớ hỗn độn các múi giờ khu vực. Đầu những năm 1880, chẳng hạn, New Orleans chậm hai mươi ba phút so với Baton Rouge, cách đó tám mươi dặm về phía Tây. Hồi không người nào có thể đi nhanh hơn ngựa, những điều vô lý ngớ ngẩn như thế chẳng vấn đề gì, nhưng giờ đây tàu hỏa băng qua cảnh quan nhanh đến mức chỉ đủ cho ta kịp liếc nhìn. Để bảng lịch tàu hiệu quả được khả thi, các nước bắt đầu hài hòa chung các loại đồng hồ của họ. Cho đến năm 1855, hầu hết công dân Anh quốc công nhận thời gian mà điện báo truyền về từ Đài Thiên văn Hoàng gia ở Greenwich. Năm 1884, hai mươi bảy quốc gia công nhận Greenwich là kinh tuyến gốc, cuối cùng dẫn đến sự ra đời của giờ chuẩn quốc tế. Đến năm 1911, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã thống nhất về giờ.
Thuyết phục lớp công nhân công nghiệp tiên phong sống theo đồng hồ thật không dễ gì. Nhiều người dốc sức theo tốc độ riêng, giải lao tùy hứng, hoặc tuyệt nhiên không có mặt vì công việc – một thảm họa cho các ông chủ trả lương theo giờ. Để thuyết phục công nhân về kỷ luật giờ giấc mới theo đòi hỏi của chủ nghĩa tư bản hiện đại, giai cấp thống trị tuyên truyền đúng giờ thành một bổn phận công dân, một phẩm chất đạo đức, đồng thời phỉ báng thói chậm chạm và trễ giờ thành tội lỗi cốt tử. Trong danh mục năm 1891 của mình, Hãng Đồng hồ Electric Signal cảnh báo những tai họa bắt nguồn từ việc không duy trì tốc độ: “Nếu có một phẩm chất mà con người cần phải trau dồi hơn tất thảy để có thể thành công trong cuộc sống, thì chính là biết đúng giờ; nếu có một lỗi lầm cần phải tránh, ấy chính là trễ giờ.” Một trong những thế hệ đồng hồ của hàng này mau mắn lấy tên Kẻ chuyên quyền, hứa hẹn sẽ “cách mạng hóa những kẻ tụt hậu, luôn sau đuôi giờ giấc.”
Năm 1876, thói quen đúng giờ được thúc đẩy một bước lớn khi chiếc đồng hồ báo thức lên dây cót gây chấn động thị trường. Vài năm sau, nhiều nhà máy triển khai lắp đặt hệ thống đồng hồ để công nhân tuân theo mỗi lúc vào ca hoặc tan ca, đưa nguyên tắc “thời giờ là tiền bạc” vào nghi thức hàng ngày. Sức ép tăng khiến từng giây thành quý báu, chiếc đồng hồ đeo tay trở thành một biểu tượng của thân thế địa vị. Ở Mỹ, người nghèo tham gia các câu lạc bộ để mỗi tuần quay thưởng mong trúng một chiếc đồng hồ. Các trường học cũng ủng hộ xu thế đúng giờ. Một bài giảng trong bộ sách giáo khoa của McGuffey ấn hành năm 1881 cảnh báo trẻ em về những hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra nếu chậm trễ: những vụ đâm tàu hỏa, công việc kinh doanh bất thành, bại trận, hành trình nhầm lẫn và những cuộc tình lãng mạn dở dang: “Nếu cứ liên tục như vậy trong đời, những kế hoạch sắp đặt công phu nhất, những sự vụ quan trọng nhất, vận mệnh của các cá nhân, danh dự, hạnh phúc và bản thân cuộc sống sẽ mất đi hàng ngày chỉ bởi một ai đó trễ giờ.”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button