Quà tặng cuộc sống

Chú Chó Nhìn Thấy Gì

chu cho nhin thay gi1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Malcolm Gladwell

Download sách Chú Chó Nhìn Thấy Gì ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách nuôi dưỡng tâm hồn

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

(cho bản tiếng Việt)

Hẳn bạn đã rất quen với Malcolm Gladwell − tác giả của những cuốn sách làm thay đổi cách chúng ta hiểu thế giới và hiểu chính mình: The Tipping Point (Điểm bùng phát), Blink (Trong chớp mắt) và Outliers (Những kẻ xuất chúng). Những kẻ xuất chúng được Cựu Tổng thống Mỹ, Bill Clinton, đánh giá là một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhất năm 2009. Cũng trong danh sách 50 guru hàng đầu thế giới năm 2009, Malcolm Gladwell xếp thứ 2 chỉ sau CK Prahalad (http://www.thinkers50.com/), trên Paul Krugman – số 3, Steve Jobs – số 4…

Nối tiếp mạch sáng tác dồi dào, tư duy khác biệt ấy, cuối năm 2009, Malcolm Gladwell tiếp tục cho ra mắt cuốn sách thứ tư của mình mang tên What the Dog Saw (Chú chó nhìn thấy gì). Cuốn sách là tập hợp những bài viết mà ông tâm đắc nhất đã được đăng trên tờ The New Yorker, nơi ông trở thành một cây viết chủ đạo từ năm 1996.

Cuốn sách được kết cấu thành ba phần. Phần thứ nhất viết về những kẻ bị ám ảnh và những người mà Gladwell vẫn ưa gọi là các thiên tài ẩn thân. Phần thứ hai được dành toàn bộ cho những học thuyết, những cách thức tổ chức kinh nghiệm. Phần thứ ba suy ngẫm về những tiên đoán phán xét của chúng ta về người khác. Làm cách nào chúng ta biết được ai xấu xa, ai tháo vát hay đặc biệt giỏi giang hơn người khác trong một lĩnh vực nào đó? Ngoài ra, phần phụ lục trong cuốn sách này là hai bài điểm sách của những độc giả đã đọc Chú chó nhìn thấy gì bằng tiếng Anh.

Phát hành lần đầu ngày 20 tháng 10 năm 2009, rất nhanh chóng, Chú chó nhìn thấy gì lập tức trở thành cuốn sách hay nhất, bestseller ở cả ba thể loại: báo chí, tiểu luận và nghiên cứu tâm lý học lâm sàng. Cuốn sách đã đưa Malcolm Gladwell trở thành một trong những người khám phá nổi bật nhất về những điều kỳ lạ ẩn giấu trong cuộc sống xã hội.

Đã xuất bản tất cả các tác phẩm từng công bố của Malcolm Gladwell, Alpha Books tự hào khi tiếp tục mua bản quyền cuốn sách này từ Little, Brown and Company và cho ra mắt độc giả Việt Nam đúng dịp Hội chợ sách TP. Hồ Chí Minh tháng 3 năm 2010.

Chúng tôi tin rằng những tác phẩm của Malcolm Gladwell, dù là được ngợi khen hay bị chỉ trích, chắc chắn sẽ mang một cách nhìn mới lạ và thú vị, giúp độc giả quan sát xã hội, soi rọi bản thân tinh tế và sâu sắc hơn.

Xin mời bạn bước vào cuộc phiêu lưu.

ĐỌC THỬ

1.

Câu chuyện phi thường của lò nướng Ronco Showtime khởi đầu từ Nathan Morris, con trai bác thợ giầy kiêm lĩnh xướng ca đoàn Kidders Morris, người đã chuyển tới từ Cựu lục địa hồi những năm 1880 và định cư ở Asbury, New Jersey. Nathan Morris là một người bán dạo. Ông lê la suốt dọc bãi biển, những tiệm đồ lặt vặt năm-xu-một-hào và cả các hội chợ địa phương ngược xuôi khắp vùng duyên hải Đại Tây Dương để rao bán các món đồ làm bếp được chế bởi Acme Metal, xa xa vùng Newark. Hồi đầu những năm 1940, Nathan gây dựng hãng sản xuất N. K. Morris − chế ra KwiPi-Pi và bàn xắt miếng bánh mỳ Morris Metric. Có lẽ bởi khi đó là thời Đại khủng hoảng và triển vọng công ăn việc làm quá tù mù hay có lẽ bởi Nathan Morris đã đưa ra một thí dụ thuyết phục cho nghề nghiệp của mình, mà hết thành viên này đến thành viên khác trong gia đình đều lũ lượt nối gót ông vào làm ăn. Hai cậu con Lester Morris và Arnold Morris của ông đã trở thành những người bán dạo cho cha mình. Ông còn gây dựng cho anh rể Irving Rosenbloom, người đã làm nên cả gia tài ở vùng Long Island với đồ nhựa, cả một bàn nạo tuyệt hảo đến mức Nathan phải tỏ lòng kính phục bằng cách lập nên cả một hãng với tên gọi “Bàn nạo Shredder nhà bếp Hà Lan”. Ông canh ti với người anh em Al, người có hai cậu con cũng bán dạo bờ biển, cùng một gã Ireland cao nghều tên gọi Ed McMahon. Thế rồi, vào mùa hè ngay trước chiến tranh, Nathan dẫn theo cậu cháu Samuel Jacob Popeil để cho học việc. S.J. Popeil, như mọi người vẫn biết tới, đã được truyền cảm hứng bởi ông bác Nathan tới nỗi cậu quày quả tự sáng lập hẳn hãng Anh em nhà Popeil, đặt trụ sở ở Chicago, và trưng ra cho thế giới nào là Dial-O-Matic, Chop-O-Matic và cả Veg-O-Matic. S.J. Popeil có hai con trai. Cậu cả là Jerry, đã yểu mệnh. Cậu út thì rất quen thuộc với bất cứ ai từng xem phim quảng cáo trên truyền hình đêm khuya. Tên cậu là Ron Popeil.

Trong những tháng năm hậu chiến, rất nhiều người đã biến bếp núc thành kế sinh nhai cho mình. Có những thành viên nhà Klinghoffer ở New York, mà một trong số đó, tên là Leon, đã chết thảm thương hồi 1985 trong vụ tai nạn tàu Achille Lauro, khi ông bị những kẻ khủng bố người Palestine đẩy nhào khỏi boong tàu từ chiếc xe lăn. Nhà Klinghoffer đã tạo ra Roto-Broil 400 hồi những năm 1950, chiếc xiên quay thịt tại gia đời đầu, được Lester Morris mang bán dạo. Còn có Lewis Salton, người đã trốn thoát khỏi tay Đức Quốc Xã với một con tem Anh lấy từ bộ sưu tập của cha mình và đánh cược nó vào một nhà máy sản xuất dụng cụ ở khu Bronx. Ông mang tới cho nhân thế món đồ mang tên Salton Hotray − một tiền thân của lò vi ba − và hãng Salton, Inc. ngày nay thì cung cấp cho thị trường máy nướng bánh George Foreman Grill.

Nhưng không một đối thủ nào có thể sánh được với dòng tộc Morris-Popeil. Họ chính là gia đình đầu tiên của nhà bếp Mỹ. Họ se duyên tơ tóc với các mỹ nữ và gây dựng cơ đồ, đánh cắp ý tưởng của kẻ khác và trăn trở canh thâu suy tư về một cách xắt hành củ nào đó để những giọt lệ duy nhất bạn rơi xuống sẽ chỉ là nước mắt sướng vui. Họ tin rằng thật sai lầm khi tách rời phát triển sản phẩm với quảng cáo sản phẩm, như hầu hết những kẻ cùng thời với họ đều làm, bởi với họ hai khâu này là bất khả phân li: đồ vật được bán chạy nhất chính là thứ tự bán chính bản thân nó. Họ là những người hừng hực khí thế, sắc sảo tinh thông. Và Ron Popeil chính là người sắc sảo và khí thế nhất trong số đó. Ông là đứa con bị hắt hủi của gia đình, nói như trong truyền thuyết Kinh Thánh thì Ron bị cha đày ải ra nơi hoang đảo chỉ để có ngày trở về và kiếm được bộn tiền hơn hết thảy những người khác trong nhà cộng lại. Ông chính là người tiên phong trong việc đưa những tuyệt chiêu của những kẻ bán dạo bờ biển lên màn ảnh truyền hình. Và, trong tất cả các dụng cụ nhà bếp trong “ngôi đền vinh danh Morris-Popeil”, chưa thứ gì lại có lối thiết kế tài tình, có sức lôi cuốn rộng rãi, hay có khả năng đại diện một cách hoàn hảo cho lòng tin Morris-Popeil đặt vào mối tương quan khăng khít giữa lời rao với món đồ được bán, cho bằng Ronco Showtime Rotisserie & BBQ, chiếc lò nướng có thể được mua bằng trả góp bốn lượt 39,95 đô-la, và có lẽ, nói cho đáng đồng tiền bát gạo, là món đồ bếp tốt nhất từng được tạo ra.

2.

Ron Popeil là một tay điển trai, ngực vồng vai nở với chiếc đầu tựa sư tử và những nét quá khổ nổi bật. Ông đang vào quãng giữa lục tuần và sống ở Beverly Hills, lưng chừng hẻm núi Coldwater, trong căn nhà khung một tầng to lớn kềnh càng với một rặng cây bơ cùng một vườn rau phía đằng sau. Trong cung cách sinh hoạt thì Popeil, xét theo tiêu chuẩn của vùng đồi Beverly, thuộc vào dạng truyền thống. Ông tự xách túi dết của mình. Ông vốn nhẵn mặt ăn uống ở Denny’s. Ông vận áo phông và quần thể thao. Chừng hai lượt một ngày, người ta có thể thấy ông mua gà vịt, cá hay thịt tại một trong những cửa hàng thực phẩm trong vùng − tại một cửa hàng Costco đặc thù, nơi ông ưa thích bởi thịt gà ở đó chỉ có 0,99 đô-la một pound(1), rẻ hơn hẳn so với 1,49 đô-la ở các siêu thị chuẩn mực. Bất cứ thứ gì mua về ông đều mang vào bếp, một căn phòng rộng rãi hướng nhìn lên hẻm núi, với một dãy ràn rạt các dụng cụ công nghiệp cùng một bộ sưu tập lên tới ngàn rưởi chai dầu ô-liu. Và, ở một góc là bức tranh sơn dầu vẽ ông cùng bà vợ thứ tư tên Robin (một cựu người mẫu của Frederick’s of Hollywood) và Contessa − bé gái sơ sinh con họ. Trên giấy tờ, Popeil sở hữu một công ty có tên Ronco Inventions, có hai trăm nhân viên và vài nhà kho ở Chatsworth, California, nhưng trái tim thực sự của Ronco phải là Ron làm việc ngay tại nhà, và rất nhiều vị lãnh đạo chủ chốt thực ra chỉ là bè bạn của Ron, những người cũng làm việc ở tại nhà mình, cũng là những người tụ họp về căn bếp của Ron rất thường xuyên mỗi lần Ron nấu một món súp nào đó và muốn bàn bạc công chuyện.

Trong ba mươi năm qua, Ron đã sáng chế ra cả loạt dụng cụ nhà bếp, trong số đó có máy sấy thực phẩm điện Ronco cùng máy chế biến mì và xúc xích tự động Popeil, có hẳn một lớp bạc lót làm từ chất liệu giống thành phần chế tạo kính chống đạn. Ông làm việc bền bỉ, được dẫn lối bởi những cảm hứng chớp lóe. Ví dụ, vào tháng 8 năm 2000, ông bỗng nhiên hình dung ra thứ sản phẩm nên tiếp bước sau lò nướng xiên Showtime. Ông và người trợ tá đắc lực, Alan Backus, đã cặm cụi lắp dựng một chiếc lò nướng bánh mỳ và bánh xốp, có thể nhồi vào tới mười pound cánh gà, thịt gia cầm, tôm hoặc phi-lê cá và thực hiện mọi khâu, nhào trứng, bột, vụn bánh mỳ − trong mười phút mà không hề dây bẩn ra tay đầu bếp hay chiếc máy. “Alan sang Hàn Quốc, nơi chúng tôi nhận được mấy đơn đặt hàng kha khá”, Ron giải thích ngay trong bữa trưa − gồm có một bánh kẹp, thịt chín vừa, kèm khoai tây chiên − trong gian VIP ngay sát cửa câu lạc bộ Polo, khách sạn Beverly Hills. “Tôi gọi điện cho Alan. Tôi dựng anh ta dậy. Ở đấy mới hai giờ sáng chứ mấy. Và lời của tôi chính xác là thế này: ‘Ngừng ngay lại! Không theo đuổi cái máy nướng bánh mỳ và bánh xốp nữa. Tôi sẽ khởi động lại sau. Có dự án này cần phải triển khai trước.’” Dự án khác ấy, tức cảm hứng mới của ông, là một thiết bị có khả năng xông khói thịt trong nhà mà không thải ra muội than tràn lan vào không khí và đóng cáy vào đồ đạc. Ron đã có một phiên bản máy hun thịt tại gia ở ngoài hiên − “cái máy kiểu như Ruber Goldberg” mà ông đã mày mò suốt một năm trước đó − và, trong một khắc bất chợt, ông đã thử chế biến một con gà bằng chiếc máy. “Món gà ấy ngon tới nỗi tôi tự nhủ với mình” − tay trái Ron bắt đầu đấm lên bàn − “Đây là món bánh kẹp thịt gà ngon nhất mình từng nếm trong đời.” Ông quay sang tôi: “Anh được ăn bánh kẹp gà tây xông khói mấy lần rồi hở? Chắc là chỉ sáu tháng một lần thôi chứ gì? Một lần! Thế anh ăn cá hồi hun khói được mấy lượt? À. Nhiều hơn. Tôi đoán là anh tình cờ được ăn cá hồi hun khói như một món đồ nguội đầu bữa hay món khai vị, có lẽ chỉ một lần trong cả ba tháng. Sườn thăn thì sao? Còn tùy xem anh gọi món ấy ở nhà hàng nào nữa. Xúc xích hun khói cũng tương tự. Anh chạm tay vào đồ hun khói.” Ông nhấn giọng và huých tay tôi cường điệu: “Nhưng tôi biết tỏng một điều, Malcolm ạ. Anh không có nổi một cái lò xông khói.”

Ý tưởng về Showtime cũng xuất hiện theo cách như thế. Ron đã ở Costco khi thình lình nhận ra rằng có cả một hàng dằng dặc khách hàng chờ chực mua thịt gà từ lò nướng xiên ở đó. Họ chạm tay vào món gà quay, nhưng Ron thì biết tỏng một điều: họ chưa có nổi một cái lò nướng xiên. Ron trở về nhà và triệu Backus đến. Cùng hiệp đồng tác chiến, họ mua một bể kính, một mô-tơ, một bộ nung nóng, một khung nướng và cả mớ đủ thứ phụ tùng rồi bắt đầu chắp ghép. Ron muốn làm ra thứ gì đó đủ lớn chứa được một con gà tây mười lăm pound nhưng lại phải đủ nhỏ để vừa vặn trong không gian giữa phần đáy của một tủ chạn với bàn chế biến trong nhà bếp thông thường. Ông không muốn làm ra một máy điều nhiệt, bởi các máy điều nhiệt thì phải bật tắt, cứ bấm bật tắt nhiệt độ liên tục sẽ ngăn trở việc chín vàng đều và giòn, yếu tố mà ông cho là căn cốt. Và khung nướng thì phải xoay theo phương nằm ngang, chứ không phải theo chiều thẳng đứng, vì nếu bạn nướng một con gà hay một tảng thịt bò theo phương thẳng đứng, thì phần chóp sẽ quắt queo, còn nước cốt sẽ dồn hết xuống dưới cùng. Roderick Dorman, luật sư chuyên lo đăng ký bằng sáng chế của Ron, nói rằng mỗi khi lui tới hẻm núi Coldwater, ông thường nhìn thấy năm hay sáu mẫu lò thử nghiệm trên bàn bếp xếp thành hàng tăm tắp nhau. Ron để gà trong mỗi lò, nhờ vậy mà ông có thể so sánh độ chín đều của thịt và sự vàng rộm của lớp da, rồi thắc thỏm về những thứ, kiểu như là, liệu có cách nào để quay tảng thịt nướng lúc nó tiếp cận với bộ phận nướng khiến cho phần bên trong của tảng thịt cũng có màu nâu vàng hệt như phía mặt ngoài hay không. Đến lúc Ron hoàn thiện công trình thì Showtime đã đệ lên không dưới hai tá đơn xin cấp bằng sáng chế. Nó được trang bị loại mô-tơ khỏe nhất so với các lò đồng hạng. Nó có một khay hứng nước được phủ loại sứ không dính, dễ chà rửa và lò nướng vẫn chạy tốt ngay cả sau khi bị rơi xuống sàn xi măng hay sàn đá tới mười lần liên tiếp, từ độ cao tới 1 mét. Với Ron mà nói, không còn nghi ngờ gì nữa, chiếc lò đã làm ra món gà tuyệt nhất ông từng nếm trong đời.

Tiếp sau đó, Ron quay một bộ phim quảng cáo dài cho lò nướng Showtime, hai mươi tám phút ba mươi giây đồng hồ. Nó được thu hình trực tiếp trước khán giả trường quay, và phát sóng lần đầu vào ngày 8 tháng 8 năm 1998. Nó đã xuất hiện trên màn ảnh từ bấy đến nay, thường vào khung giờ khoảng nửa đêm về sáng, hay trên những kênh truyền hình cáp vô danh tiểu tốt, chung kênh với nào những mẹo mực làm giàu chóng vánh hay phim bộ Three’s Company phát lại. Hồi đáp cho những thước phim quảng cáo ấy là trong vòng một năm tiếp sau, tổng doanh thu bán hàng của Showtime đã vượt hơn một tỷ đô-la. Ron Popeil không nhằm đến một nhóm trọng tâm riêng lẻ. Ông không có trong tay nhân viên nghiên cứu thị trường, nhóm nghiên cứu & phát triển (R&D), cố vấn quan hệ công chúng, công ty quảng cáo Đại lộ Madison hay nhà tư vấn kinh doanh nào cả. Ông đã làm những điều mà những người mang họ Morris và Popeil đã làm ròng rã suốt gần thế kỷ, tất tật những gì các chuyên gia nói rằng bất khả thi trong nền kinh tế hiện đại. Ông lụi cụi chế tạo món nào đó mới mẻ trong căn bếp riêng và bước ra ngoài rồi tự rao bán.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button