Quà tặng cuộc sống

12 Mảnh Ghép Giá Trị Cho Con

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Linda & Richard Eyre

Download sách 12 Mảnh Ghép Giá Trị Cho Con ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Quà tặng cuộc sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TỰA

Một buổi sáng, khi chúng tôi còn đang sống ở Anh, vào khoảng thời gian tôi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi đã tham dự một cuộc họp ở “ngôi trường công” tại Surrey – nơi bốn đứa con tôi đang theo học. Trường công ở Anh thực ra là trường Nhà thờ Anh và cuộc họp sáng hôm đó đáng ra phải diễn ra với sự bao dung, chân thực nhưng sự thật là mọi thứ không phải lúc nào cũng như vẻ ngoài vốn có. Kinh cầu và thánh ca vẫn vang lên trong cuộc họp như chúng vẫn thường vang lên trong lớp học mỗi ngày. Sau khi kết thúc bài kinh cầu nguyện, bà hiệu trưởng đã mời tất cả chúng tôi quay trở lại vào tuần tới trong kỳ họp đặc biệt cho Lễ Phục sinh.

Nhà thờ Anh không phải một thế lực hùng mạnh về mặt số lượng hoặc tỉ lệ người tới nhà thờ vào ngày Chủ nhật, nhưng nó lại là thế lực tinh thần xâm chiếm mọi thể chế, từ những trường học nhỏ nhất tới Nghị viện, nhắc nhở người Anh nhớ về giá trị và đạo đức của họ.

Tôi nhớ rằng sáng hôm đó, sau khi từ cuộc họp ở trường trở về nhà, tôi thấy trên hành lang vào nhà mình có tờ USA Today, tờ báo tôi mua cách đó cả tuần để nắm bắt tin tức và thể thao nước Mỹ mà tôi không thể tìm thấy ở những tờ báo của nước Anh. Sau khi kiểm tra tỉ số bóng rổ và thị trường chứng khoán, tôi lật tới trang xã luận, tình cờ trên đầu trang có bài TRANH LUẬN: NHỮNG GIÁ TRỊ Ở TRƯỜNG HỌC.

Một bên là ý kiến của Ronald Reagan(1): “Chúng ta không kỳ vọng trẻ khám phá được những nguyên tắc để tự mình tính toán, nhưng một số nguyên tắc cũng không chỉ dẫn được gì cho trẻ khi vấn đề liên quan đến đạo đức, tinh thần và giá trị”. Và nhà báo William Raspberry đã bổ sung: “Vì sốt sắng gạt tôn giáo ra khỏi lớp học, chúng ta đã ném cả đạo đức đi”.

Phía bên kia, một trợ lý giám sát trường học đến từ Darien, Connecticut đã nói: “Dạy đạo đức nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của chúng ta. Đơn giản là vì chúng ta sẽ sử dụng “phiên bản” đạo đức của ai để dạy?” Bài báo cũng trích dẫn một thông điệp tương đối kinh khủng từ Today’s Teen, cuốn giáo trình kinh tế học gia đình: “Lương tâm quá nghiêm khắc có thể khiến bạn cảm thấy khác biệt và không phổ biến. Không cảm giác nào trong số những cảm giác đó thuộc về một người có tính cách lành mạnh”.

Còn nhiều bài báo khác, bao gồm một bài viết về một lớp cấp ba đã hỏi: Hành động trả lại chiếc ví bên trong có 1.000 đô cho chủ nhân của chiếc ví bị mất là đúng hay sai. Phần lớn học sinh đều nói việc trả lại chiếc ví là hành động ngớ ngẩn. Nhưng lại có một bài báo khác cho rằng các trường công lập không thể dạy được thứ gì thỏa đáng, và chính vì thế (các trường này) không thể xử lý được vấn đề phức tạp như dạy trẻ giá trị. Trong bài báo còn có hình minh họa vẽ George Washington lúc nhỏ khi vừa chặt một cây anh đào và quay sang nói với bố rằng: “Bố ơi, thầy giáo con bảo con không thể nói dối, con không thể nói thật và con không thể chỉ ra sự khác biệt”.

Tôi đặt tờ báo sang một bên, suy ngẫm về những giả thuyết khác nhau thịnh hành ở nước Anh và những nước khác – nơi mà tôn giáo và chính quyền được gắn kết với nhau chứ không phải tách rời. Một mặt, tôi phát hiện ra mình cảm thấy biết ơn nước Mỹ vì sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước. Ở một nước đa dạng và phong phú như đất nước chúng tôi, sự tách biệt đó là cần thiết. Nhưng mặt khác, tôi lại thấy mình đồng tình với tác giả bài báo, Raspberry, rằng cấm dạy tôn giáo cũng có thể cấm dạy các giá trị.

Đặc biệt, tôi cảm thấy vui mừng và phấn khích về cuốn sách mà tôi và Linda mới bắt đầu viết (chính là cuốn sách này, cuốn sách bạn đang cầm trên tay). Buổi sáng hôm đó, tôi cảm nhận được sâu sắc sự cần thiết của cuốn sách này, vì tôi nhận ra rằng ngay cả ở Anh và những nước khác – những nước mà trường học công khai cố gắng dạy cả giá trị và tôn giáo – trẻ con không thực sự học đạo đức trừ khi vấn đề đó được dạy ở chính gia đình, với tấm gương và nỗ lực không ngừng của cha mẹ chúng.

— Richard

Hẳn bạn sẽ không nhặt cuốn sách này lên, không mua nó, không ngấu nghiến nó nếu bạn không quan tâm tới giá trị hoặc nếu bạn không cảm thấy cần dạng thức nào đó của hệ thống giá trị – đặc biệt là để nuôi dạy con bạn. Như vậy là chúng ta có nhiều điểm tương đồng – cùng quan tâm tới giá trị, cùng lo lắng tới việc nuôi dạy con cái. Chúng ta còn có cùng một mục tiêu căn bản, đó là giúp con cái chúng ta phát triển nhân cách mạnh mẽ để kháng cự được những ảnh hưởng tiêu cực từ một số bạn đồng lứa và từ xã hội. Với cha mẹ, không còn mục tiêu nào quan trọng hơn thế!

Đây không phải là cuốn sách về tôn giáo – những gì cao hơn “thành thật” hoặc “dũng cảm” đều là thuật ngữ riêng của tôn giáo. Đây là cuốn sách nỗ lực giúp các bậc cha mẹ xác định hệ thống giá trị của mình và lựa chọn những giá trị cơ bản để dạy cho con cái. Vì giá trị là điều gì đó thuộc về cá nhân, nên đây là một cuốn sách cá nhân: xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện, những sự việc mang tính cá nhân. Trong đó và trong những ý tưởng cũng như những gợi ý chúng tôi đưa ra, chúng tôi trình bày hệ thống giá trị mà chúng tôi đã cố gắng dạy cho gia đình của chính mình – và cả phương pháp dạy có vẻ phát huy tác dụng.

Hệ thống giá trị của bạn có thể rất giống – hoặc cũng có thể khác – với hệ thống của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là cha mẹ phải không ngừng phát triển nhóm giá trị riêng của gia đình mình và dạy lại những giá trị này cho con cái. Gia đình sẽ không bao giờ – đáng ra không bao giờ – có thể bị thay thế bởi một thể chế, nơi mà những giá trị cơ bản được dạy và được học.

Trẻ sẽ lớn lên, có thể phát triển những giá trị khác với những giá trị của bạn và khác với những gì bạn cố gắng dạy chúng; nhưng ít nhất chúng cũng sẽ làm vậy một cách có ý thức, với một nền tảng để so sánh và với một nền tảng để bắt đầu. Nếu trẻ bắt đầu với một giá trị vô nghĩa – không có giá trị nào được dạy, không có giá trị nào được học – chúng sẽ lơ lửng giữa những tình huống và những hoàn cảnh và cuộc đời trẻ sẽ không bao giờ là của riêng chúng.

Những thể chế khác – trường học, nhà thờ, hội hướng đạo, v.v… – có thể là phương tiện để dạy đạo đức và giá trị, nhưng cuộc tranh luận về cách thức, nơi chốn và giá trị nào nên dành để xã hội dạy không phải là vấn đề của cuốn sách này. Vấn đề ở đây là nên dạy gì bên trong những bức tường thuộc ngôi nhà của chúng ta.

Vấn đề là phải xác định (trong tâm trí chúng ta) chính xác giá trị nào chúng ta muốn dạy con mình, sau đó mới tìm phương pháp và thủ thuật thực sự có tác dụng để truyền tải những giá trị đó (và khao khát có được những giá trị đó) tới con cái chúng ta.

Đây là cuốn sách về mục tiêu và phương pháp. Nó trình bày 12 giá trị cụ thể mà chúng tôi cho rằng hầu hết các bậc làm cha làm mẹ đều đồng tình. Cuốn sách gợi ý bạn tập trung vào mỗi tháng một giá trị trong vòng một năm. Và cuốn sách cũng trình bày những phương pháp mà chúng tôi biết là có thể phát huy tác dụng trong khi dạy mỗi giá trị đó.

Có một vài điểm cần lưu ý về cách tiếp cận của chúng tôi: Chúng tôi đã rất cố gắng tránh không sử dụng những từ thuộc về tôn giáo để các bậc cha mẹ cảm thấy thoải mái khi sử dụng cuốn sách này.

Mục tiêu của chúng tôi là xử lý những giá trị mà tất cả mọi người đều có thể đồng tình – những giá trị đưa mọi người xích lại gần nhau thay vì phân cực hoặc chia tách họ – những giá trị mà dù đối với một số người có thể là đậm chất tôn giáo nhưng với người khác lại chỉ đơn thuần là hữu dụng thì đều có thể nhận được sự đồng tình và chào đón của tất cả mọi người.

Tuy nhiên, dù chúng tôi có cẩn thận, vẫn có một số từ mà chúng tôi không thể không viết. Chỉ là để chắc chắn bạn hiểu điều chúng tôi muốn nói, xin hãy đọc tiếp sau khi đã ghi nhớ trong đầu những định nghĩa sau:

Với từ “giá trị”, chúng tôi muốn nói tới những tiêu chuẩn về hành động và thái độ của trái tim và khối óc định hình con người chúng ta, cách sống của chúng ta và cách cư xử của chúng ta với người khác. Những giá trị tốt tất nhiên sẽ hình thành nên những người tốt hơn, cuộc sống tốt hơn và cách thức đối xử với người khác tốt hơn.

Với từ “đạo đức” , chúng tôi muốn nói tới hành động vốn dĩ đã đúng và có thể giúp đỡ chứ không làm tổn thương người khác.

Với từ “truyền thống”, chúng tôi chỉ đơn giản có ý chỉ đã được thời gian kiểm chứng! Cũ, nhưng không lạc hậu; đã được chứng minh, nhưng không thiển cận.

Những phương pháp trong cuốn sách này đều đã qua thử nghiệm và kiểm nghiệm. Ngoài phòng thí nghiệm là chính gia đình chúng tôi, những phương pháp này còn được sử dụng và phát triển bởi những thành viên của tổ chức HOMEBASE, một tổ chức quốc tế gồm những người sử dụng các chương trình được thiết kế xoay quanh mô hình “nuôi dạy con bằng mục tiêu” để dạy cho con niềm vui, trách nhiệm, nhạy cảm và giá trị.

Chúng tôi hi vọng những phương pháp đó cũng phát huy tác dụng với các ông bố bà mẹ trên toàn thế giới.

Hi vọng quan trọng nhất của chúng tôi là những phương pháp đó sẽ phát huy tác dụng với bạn.

Chúng ta nợ trẻ điều gì?
Thức ăn và nơi ở… mái nhà và quần áo
Còn gì nữa?
Một cơ hội! Cơ hội tốt nhất chúng ta có thể cho để bắt đầu và để trở thành
Cơ hội để vượt qua đá, ghềnh để vào nguồn và
chèo lái, kiểm soát để sống sót trước con nước.

Điều trẻ cần là những viên đá thử,
được chế tác cẩn thận và thần kỳ
mà buổi ban đầu biến thành những chiếc mỏ neo,
trước tiên đem lại cảm giác an toàn về nơi chốn
và sau đó là đem lại cho những con tàu đang dần lớn
một cơ hội để được lớn mạnh trong con nước lặng.
Sau đó những viên đá thử lại biến hình—
thành mái chèo, bánh lái và đuôi tàu
để những thủy thủ còn non được điều khiển và chèo lái
qua những con sóng không tưởng của cuộc đời lớn.

Những viên đá thử thần kỳ mà trẻ cần và cha mẹ nợ,
chính là những giá trị—
những giá trị nắm giữ chúng ta, bảo bọc chúng ta, định hướng chúng ta.

Nhưng, đáng nói và đáng buồn là
“Chúng ta không thể áp đặt những giá trị của bản thân cho trẻ… và dù sao thì,

con người chỉ có thể học qua trải nghiệm, bằng cách thử và sai,
mỗi người cần phải tự khám phá ra những giá trị của riêng mình”.

Điều này cũng ngớ ngẩn như là nói “Tính toán
phải do mỗi người tự mình khám phá lại”.
Đành rằng trải nghiệm là thầy dạy,
nhưng đó có thể là trải nghiệm của cha mẹ, của tuổi tác.

Buộc trẻ phải khám phá lại bánh xe giá trị là giữ lại phao cứu sinh
của con tàu mất tay chèo và bánh lái,
khiến nguy cơ bị chết chìm càng cao.

khiến nguy cơ bị chết chìm càng cao.

Khi hoàn thành cuốn sách này, chúng tôi quay trở lại Mỹ, đất nước hiện đang vừa bị mê mẩn, vừa bị chia rẽ vì vấn đề “giá trị gia đình”.

Hãy quên cuộc tranh luận vì mục đích chính trị ngớ ngẩn “thế nào là gia đình và giá trị gia đình là gì?” mà ông bố bà mẹ nào cũng biết đi! Dưới đây là 12 giá trị cụ thể mà hầu hết các đấng sinh thành đều sử dụng để dạy con cái họ. Và câu hỏi khó nhất không phải là cái gì, mà là như thế nào.

Linda và Richard Eyre,

Jackson Hole, Wyoming

ĐỌC THỬ

Tại sao? Khi nào? Ở đâu? Ai? Cái gì? và Như thế nào?

Trước khi chúng ta bắt đầu nói về phương pháp, hãy dành một chút thời gian cho vấn đề triết học. Tại saochúng ta nên dạy trẻ giá trị – điều này có vẻ như đã quá rõ ràng, nhưng thực ra thì không phải vậy! Khi nào nên dạy giá trị: Cũng có vẻ rõ ràng, nhưng có thể bạn muốn hỏi đôi điều về giá trị khi bắt đầu. Ai là người nên dạy trẻ và dạy ở đâu là hai câu hỏi chúng ta cần phải xem xét lại. Và chúng ta nên tìm hiểu kỹ hơn về câu hỏi chúng ta nên dạy trẻ những giá trị gì và dạy như thế nào, vì đây là hai câu hỏi làm nên nội dung và mục đích phần còn lại của cuốn sách.

Chúng ta hãy cùng đảo qua sáu câu hỏi này trước khi bắt tay vào thực hiện.

TẠI SAO?
Tại sao phải dạy giá trị đạo đức cho trẻ?

Vì bố mẹ chúng ta đã cố dạy chúng ta những giá trị đó?

Vì những giá trị đó là truyền thống?

Vì đó là điều khiến xã hội của chúng ta an toàn và hiệu quả?

Vì chúng ta tin vào những giá trị đó?

Vì những giá trị đó đúng?

Vì nghiên cứu chỉ ra rằng đạo đức và hành vi theo định hướng giá trị giúp trẻ phát triển cảm giác tự tin, độc lập và tự chủ?

Có lẽ tất cả những câu trả lời trên đều đúng. Ít nhất thì một vài trong số đó cũng đúng với mỗi người chúng ta.

Nhưng còn có lý do chính đáng hơn… một lý do phổ biến… một lý do ẩn sau nhưng hơn hẳn tất cả những lý do khác.

Chúng ta nên dạy con giá trị vì đó là việc quan trọng và hiệu quả nhất mà chúng ta có thể làm vì hạnh phúc của con.

Sự thông thái của thời đại – và trải nghiệm của chính chúng ta – dạy chúng ta rằng hạnh phúc của cá nhân và tập thể có liên quan tới (nếu không muốn nói là sản phẩm trực tiếp của) hành vi do những giá trị đạo đức kiểm soát. Không phải ngẫu nhiên mà những nhà hiền triết và những nhà tiên tri của những quốc gia khác nhau, những nền văn hóa khác nhau lại dạy những giá trị cơ bản giống nhau. Tương quan lịch sử giữa những việc trái luân thường đạo lý và sự suy tàn của thành Rome cũng tương tự như những mối quan hệ cá nhân mà chúng ta đều có thể nhìn thấy ở những người dường như đánh mất cả nguyên tắc và sự thanh thản trong tâm hồn cùng một lúc.

Cách để con cái chúng ta học được mối tương quan giữa việc sống theo các giá trị và hạnh phúc cá nhân là thông qua thử và sai. Thất bại và sự bất hạnh mà hành vi vô đạo đức đem lại có thể khiến chúng thay đổi, dạy đạo đức và phát triển giá trị thông qua trường học khắc nghiệt của trải nghiệm đau thương. Nhưng cuộc đời con người, dù là bất kỳ người nào, lại không đủ dài để “kiểm chứng bánh xe (luân hồi)” – để phân loại tất cả những mối tương quan giữa giá trị và hạnh phúc. Chính vì vậy, trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ như chúng ta là phải truyền lại những gì chúng ta đã học được – nghĩa là phải dạy con chúng ta cả về giá trị và những mối tương quan.

Ralph Waldo Emerson(1) nói rất đúng, rằng:

Nguyên nhân và kết quả là hai mặt của một sự việc. Mọi bí mật đều được tiết lộ, mọi tội ác đều bị trừng phạt, mọi điều tốt đều được tưởng thưởng, mọi sai lầm đều được điều chỉnh, lặng lẽ và chắc chắn… nguyên nhân và kết quả, cách thức và mục đích, hạt mầm và trái ngọt, không thể bị xem thường, vì kết quả vốn đã bùng phát từ nguyên nhân, mục đích đã tồn tại sẵn trong cách thức, trái ngọt có trong hạt mầm.

“Quả” viên mãn và hạnh phúc có trong “hạt mầm” giá trị đạo đức rõ ràng và chắc chắn.

Vậy thì… tại sao phải dạy giá trị cho con cái?

Vì hạnh phúc của con phụ thuộc vào điều đó!

KHI NÀO?
Cách “dạy con dễ dãi” của những năm 60 đã sản sinh ra một thế hệ những thanh niên phá vỡ mọi kỷ lục về sử dụng thuốc phiện, bất ổn gia đình, tự tử và bất hạnh.

Một trong những giáo lý của cách dạy con “dễ dãi” (hay còn gọi là “tự do”, hoặc “dân chủ”, hoặc “coi trọng tự do”) là tư tưởng tránh dạy những giá trị đạo đức cho tới khi trẻ “đủ lớn để chọn hệ thống giá trị của riêng chúng”.

Cách dạy này là một sai lầm khủng khiếp.

Thế chẳng khác nào đẩy một con thuyền nhỏ, mỏng manh ra giữa dòng nước xoáy có sức công phá lớn và hi vọng nó có thể trôi về một bến cảng an toàn nào đó.

Dù có hay không có sự giúp đỡ từ cha mẹ, trẻ cũng sẽ bắt đầu phát triển những giá trị nhận thức và tiềm thức trong những năm đầu đời, khi chưa cắp sách tới trường. Chúng học những điều đó một phần từ bạn bè, một phần từ truyền hình, nhưng phần lớn là từ gia đình. Chúng kiểm nghiệm và phát triển, đôi khi còn điều chỉnh những giá trị này khi chúng đi học. Khi bước vào tuổi vị thành niên, chúng đấu tranh đòi “quyền tự trị” và bắt đầu hình thành hệ thống giá trị của riêng chúng – hệ thống độc lập (nhưng không hẳn là khác biệt) so với hệ thống của cha mẹ.

Nếu cha mẹ tránh dạy trẻ giá trị, chúng sẽ cho rằng những giá trị đó không quan trọng. Quá trình phát triển giá trị cá nhân diễn ra tốt đẹp hơn khi cha mẹ tập trung vào những giá trị và liên tục nỗ lực giúp đỡ, dạy bảo và làm gương trong suốt quá trình đó. Con trẻ vẫn sẽ tiếp tục phát triển những giá trị của riêng chúng – nhưng chúng chỉ làm thế vì cha mẹ đã chỉ cho chúng thấy đó là một phần quan trọng trong quá trình phát triển của mình.

Cuốn sách này trình bày một chương trình tích cực dành cho cha mẹ – cách tiếp cận chủ động mà chúng tôi gọi là nuôi dạy con theo mục tiêu, chứ không phải chiến lược phản ứng tiêu cực với con cái. Cuốn 12 mảnh ghép giá trị cho con cung cấp những ý tưởng và những phương pháp có thể hỗ trợ cha mẹ trong việc tập trung vào một mục tiêu cụ thể mỗi tháng. Trong cuốn sách này, mỗi tháng trong năm hay mỗi chương, sẽ tập trung vào những bí quyết cho một giá trị cụ thể và đặc biệt. Cha mẹ tập trung vào một giá trị riêng lẻ mỗi tháng để dạy trẻ giá trị bằng nhiều cách, cả có ý thức và tiềm thức.

Mỗi “tháng” trong 12 “tháng” đều được mở đầu bằng một sự việc hoặc một câu chuyện minh họa cho giá trị cần tập trung trong tháng đó và sau đó giảng giải cách thức để chỉ bảo giá trị đó cho trẻ chưa tới tuổi đến trường. Những phương pháp này luôn xoay quanh những câu chuyện, những minh họa, những vần thơ, câu hát đơn giản giúp trẻ nhỏ nắm bắt được bản chất của giá trị và cảm nhận được khao khát muốn có giá trị đó. Ngoài ra, trong đó còn có những phương pháp ghi nhận và tán dương hành vi phản ánh giá trị học được (của trẻ).

Tiếp theo trong mỗi chương là những phương pháp dành cho trẻ ở lứa tuổi tiểu học. Ở đây điểm nhấn là loại trò chơi, phần thưởng, ghi nhớ và những câu chuyện phức tạp hơn – những cách thức hiệu quả với trẻ từ 6 đến 12 tuổi.

Mỗi “tháng” kết thúc với một bộ phương pháp thứ ba nâng cao hơn dành cho trẻ vị thành niên. Lúc này, chúng ta chú trọng thảo luận, đóng vai và chia sẻ ý kiến cũng như kinh nghiệm nhiều hơn.

Câu trả lời cho câu hỏi khi nào chúng ta nên dạy trẻ giá trị đạo đức ở mọi lứa tuổi. Câu trả lời là:

NGAY BÂY GIỜ

LUÔN LUÔN

Ở ĐÂU?
Cuộc tranh luận phổ biến về việc có nên dạy đạo đức ở trường hay không thật thú vị, nhưng ở một chừng mực nào đó lại chẳng có liên quan gì.

Lý do nói chuyện đó chẳng có liên quan gì là: Những gì được dạy ở nhà, dù theo nghĩa tích cực hay tiêu cực, cũng có ảnh hưởng tới trẻ nhiều hơn so với những gì được dạy ở trường hay ở bất kỳ nơi nào khác.

Một mặt, cha mẹ có ít nhất 5 năm lợi thế hơn so với trường học. Mặt khác, cha mẹ có khả năng, ít nhất là trong 14, 15 năm đầu đời của trẻ, ảnh hưởng sâu sắc tới trẻ hơn so với người khác, nhân tố khác, thành phần khác hoặc nhóm khác.

Rõ ràng là thế và cũng đáng phải thế. Gia đình là thể chế cơ bản. Cha mẹ có trọng trách cơ bản. Và niềm vui bắt nguồn từ nỗ lực dạy con giá trị đạo đức đúng đắn rất lâu dài và sâu sắc (và có thể lây lan cũng như truyền tải được).


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button