Kỹ năng mềm

Search inside yourself – Tìm kiếm bên trong bạn

Thể loại Kỹ năng – Tâm lý
Tác giả Chade-Meng Tan
NXB NXB Thế giới
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 346
Ngày xuất bản 2017
Giá bánXem giá bán

Tất cả chúng ta đều biết công cụ tìm kiếm Google và công ty Google với văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời nổi tiếng khắp thế giới, nhưng liệu có bao nhiêu người trong số chúng ta biết được điều gì đã làm nên nền tảng cho sự nổi tiếng đó? Chade-Meng Tan – tác giả cuốn sách Search Inside Yourself sẽ giải thích cho bạn bí mật đó.

Mỗi năm, có đến hàng nghìn kĩ sư Google tham gia một trong 12 khóa đào tạo về thiền để tăng cường khả năng “cân bằng nhận thức” về những gì đang diễn ra xung quanh. Khóa học nổi tiếng nhất – mang tên “Search inside yourself” (Tìm kiếm bên trong bạn) – luôn là khóa học được trông đợi nhất và thu hút nhiều người tham gia nhất với danh sách học viên chờ tham dự dài đến sáu tháng. Khóa học do Chade-Meng Tan khởi sướng, ông là người rất có ảnh hưởng đến văn hóa Google, là người mà bất cứ nhân vật nổi tiếng nào khi đến thăm công ty cũng đều muốn gặp. Tham vọng của Meng chính là: “Soi sáng tâm trí, mở rộng trái tim và tạo ra hòa bình thế giới”.

Cuốn sách Search inside yourself đã được ông viết lại dựa trên các kinh nghiệm đúc kết từ khóa học cùng các bài tập thiền để mọi người trong chúng ta đều có thể áp dụng được mà không cần phải tham gia khóa học kia của Google. Bằng ngôn từ đơn giản, dễ hiểu, cùng các bước luyện tập cơ bản nhằm giúp con người kiểm soát trí thông minh cảm xúc – làm chủ được cảm xúc bản thân, từ đó trở thành con người hạnh phúc nhất thế giới và lan tỏa niềm vui đến mọi người. “Tôi không thích mang Phật giáo vào Google”, Meng nói. “Tôi thích giúp đỡ mọi người ở Goolge tìm kiếm chìa khóa hạnh phúc”.

Đúng như Eric Schmidt, Giám đốc điều hành của Google đã từng nói: “Cuốn sách này và khóa học mà nó dựa trên đại diện cho một trong những khía cạnh tuyệt vời nhất của văn hóa Google – một cá nhân với một ý tưởng thật sự vĩ đại có thể thay đổi thế giới”.

Cuốn sách được chia làm ba phần chính:

Rèn luyện khả năng chú ý: Chú ý là nền tảng của mọi năng lực cảm xúc và nhận thức cao hơn. Do đó, bất cứ giáo trình rèn luyện trí thông minh cảm xúc nào cũng đều phải bắt đầu với việc rèn luyện khả năng chú ý. Ý tưởng ở đây là rèn luyện khả năng chú ý để tạo ra một tâm trí vừa an bình vừa sáng sủa. Một tâm trí như vậy sẽ tạo nền tảng cho trí thông minh cảm xúc.

Tự phát triển kiến thức và tự làm chủ bản thân: Sử dụng khả năng chú ý đã qua rèn luyện để nâng cao khả năng nhận thức quá trình cảm giác và tư duy của bạn. Từ đó, bạn có thể quan sát ngày càng rõ ràng dòng suy nghĩ và quá trình cảm giác của mình, với sự khách quan như từ góc nhìn của một người thứ ba. Khi làm được như vậy, bạn sẽ tạo ra một loại kiến thức sâu sắc do bạn tự khám phá ra và loại kiến thức này cuối cùng sẽ dẫn đến sự tự làm chủ bản thân.

Tạo ra các thói quen hữu ích cho tâm: Hãy tưởng tượng rằng bất cứ khi nào bạn gặp ai đó, ý nghĩ đầu tiên, theo bản năng, theo thói quen của bạn là, tôi muốn người này được hạnh phúc. Có những thói quen như vậy sẽ thay đổi mọi thứ ở nơi làm việc, vì ý tốt chân thành này sẽ được người khác cảm nhận một cách vô thức, và tạo ra loại tin tưởng dẫn đến những sự hợp tác có hiệu quả cao. Những thói quen như vậy có thể được rèn luyện để trở thành tự nhiên.

Thông tin tác giả:

Chade-Meng Tan là chàng kỹ sư vui tính của Google (người không ai có thể phủ nhận được). Ông là một trong những kỹ sư đầu tiên của Google. Ông bắt đầu làm việc cho Google từ năm 2000 sau năm năm cống hiến cho Kent Ridge Digital Laboratories ở Singapore. Tại Google, ông có tám năm làm việc dưới chức danh kỹ sư cho một số dự án như tìm kiếm trên nền tảng di động. Công việc hiện tại của ông là “Khai sáng trí óc, cởi mở tâm hồn và tạo ra sự yên bình”.

[taq_review]

Trích dẫn


Trí thông minh cảm xúc là gì và phát triển nó như thế nào?

Thứ nằm phía sau chúng ta và thứ nằm phía trước chúng ta chỉ là vụn vặt so với thứ nằm bên trong chúng ta.

– Ralph Waldo Emerson

Tôi muốn bắt đầu chuyến hành trình của chúng ta bằng một tinh thần lạc quan, một phần là do nếu bắt đầu bằng một tinh thần bi quan thì sách còn lâu mới bán được. Quan trọng hơn, dựa trên những kinh nghiệm giảng dạy tại Google và các nơi khác mà nhóm của tôi có được thì tôi lạc quan rằng, trí thông minh cảm xúc là một trong những chỉ báo tốt nhất về thành công trong công việc cũng như sự thỏa mãn trong cuộc sống, và ai cũng có thể được đào tạo để sở hữu nó. Với sự đào tạo đúng, bất cứ ai cũng có thể trở nên thông minh hơn về mặt cảm xúc. Với tinh thần “nếu Meng có thể nấu ăn thì bạn cũng có thể”, nếu chương trình đào tạo này có tác dụng với một kỹ sư nghiêm túc và cực kỳ nội tâm như tôi, thì có lẽ nó sẽ có tác dụng với bạn.

“Vì một lý do nào đó, Starfleet muốn tôi hoàn thành khóa học này. Anh thì sao?”

Định nghĩa chuẩn nhất về trí thông minh cảm xúc là của hai người được coi là cha đẻ của khung lý thuyết về trí thông minh cảm xúc, Peter Salovey và John D. Mayer. Họ định nghĩa trí thông minh cảm xúc như sau:

Khả năng theo dõi cảm giác và cảm xúc của mình cũng như của người khác, phân biệt chúng, và sử dụng thông tin này để dẫn dắt tư duy và hành động của mình1.

Cuốn sách đột phá khiến chủ đề này trở nên phổ biến là Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ (Trí tuệ xúc cảm) của Daniel Goleman, người bạn và cũng là người cố vấn của chúng tôi. Một trong những thông điệp quan trọng nhất của cuốn sách là năng lực cảm xúc không phải là bẩm sinh; chúng là những khả năng mà người ta có thể học hỏi được. Nói cách khác, bạn có thể chủ đích trang bị năng lực cảm xúc thông qua luyện tập.

Goleman đã xây dựng một cấu trúc rất hữu ích về trí thông minh cảm xúc bằng cách phân loại nó thành năm phần. Đó là:

1. Khả năng am hiểu bản thân: Kiến thức về các trạng thái bên trong, sở thích, nguồn lực, và trực giác của chính mình

2. Khả năng kiểm soát bản thân: Khả năng quản lý các trạng thái bên trong, các xung động, và nguồn lực của chính mình

3. Động lực: Những xu hướng cảm xúc dẫn dắt hoặc hỗ trợ việc đạt được mục tiêu

4. Cảm thông: Khả năng am hiểu cảm xúc, nhu cầu và mối quan tâm của người khác

5. Kỹ năng xã hội: Sự thành thạo trong việc gợi ra những phản ứng mong muốn bên trong người khác.

Salovey và Mayer không phải là những người duy nhất có công trình liên quan đến trí thông minh cảm xúc và xã hội. Ví dụ, Howard Gardner là người nổi tiếng vì đã đưa ra ý tưởng rằng có nhiều loại hình thông minh. Gardner cho rằng mọi người có thể thông minh theo những cách mà bài kiểm tra IQ không đo lường được. Ví dụ, một đứa trẻ có thể không giỏi làm toán, nhưng lại có năng khiếu về ngôn ngữ hoặc sáng tác nhạc, thì chúng ta nên coi cậu bé là thông minh. Gardner đã tạo ra một danh sách bảy loại hình thông minh (sau này tăng lên thành tám). Hai trong số đó, trí thông minh nội tâm cá nhân và trí thông minh tương tác cá nhân, có liên quan mật thiết đến trí thông minh cảm xúc. Gardner gọi chúng là “trí thông minh cá nhân”. Năm phần trí thông minh cảm xúc của Goleman vẽ ra rất đẹp con đường đi vào trí thông minh cá nhân của Gardner: bạn có thể coi ba phần trí thông minh cảm xúc đầu tiên là trí thông minh nội tâm cá nhân và hai phần sau là trí thông minh tương tác cá nhân.

Tôi thấy khá buồn cười là minh họa tốt nhất về việc trí thông minh cảm xúc là một năng lực có thể học hỏi được không phải đến từ một bài viết mang tính học thuật mà đến từ câu chuyện về Ebenezer Scrooge trong A Christmas Carol2 (Giáng Sinh Yêu Thương). Ở phần đầu câu chuyện, Scrooge là một minh chứng về trí thông minh cảm xúc thấp. Trí thông minh nội tâm cá nhân của ông quá thấp, ông không thể tạo ra sự thỏa mãn về mặt cảm xúc cho chính mình dù ông rất giàu. Thực tế, ông am hiểu bản thân rất kém, phải cần đến ba con ma để giúp ông hiểu về bản thân mình. Tất nhiên, trí thông minh tương tác cá nhân của ông thì siêu tồi. Tuy nhiên, gần cuối câu chuyện, Scooge lại trở thành một ví dụ về trí thông minh cảm xúc cao. Ông đã phát triển khả năng am hiểu bản thân mạnh mẽ, có thể kiểm soát cảm xúc của mình, đồng thời các kỹ năng xã hội và khả năng cảm thông của ông cũng nở rộ. Scrooge là một minh chứng cho thấy trí thông minh cảm xúc là một thứ có thể được phát triển (trong phiên bản mà tôi xem, nó xuất hiện trong không gian của một bộ phim truyền hình dài hai tiếng với đủ thời gian dành cho quảng cáo, nhưng bản mà bạn xem có thể khác).

Ở phần sau của cuốn sách này, chúng ta sẽ kiểm tra chi tiết sự phát triển của từng phần trí thông minh cảm xúc. Thật may là việc này sẽ không cần đến những con ma Giáng sinh.

Những lợi ích của trí thông minh cảm xúc

Có một câu hỏi quan trọng mà những người bạn của tôi trong lĩnh vực đào tạo gọi là câu hỏi thế thì sao, kiểu như, “Vâng, rất hay, nhưng thế thì trí thông minh cảm xúc có tác dụng gì cho tôi?”. Trong bối cảnh công sở, trí thông minh cảm xúc giúp trang bị ba bộ kỹ năng quan trọng: Hiệu suất làm việc nổi bật, năng lực lãnh đạo xuất sắc, và khả năng tạo ra các điều kiện cho hạnh phúc.

Hiệu suất làm việc nổi bật

Điều đầu tiên trí thông minh cảm xúc giúp trang bị là hiệu suất làm việc nổi bật. Các nghiên cứu đã cho thấy năng lực cảm xúc quan trọng gấp đôi chuyên môn và kiến thức thuần túy trong việc tạo ra sự hoàn hảo3. Một nghiên cứu của Martin Seligman, người được coi là cha đẻ của tâm lý học tích cực hiện đại và cũng là người tạo ra ý tưởng rằng tính lạc quan có thể học hỏi được, đã cho thấy rằng các nhân viên bán bảo hiểm lạc quan bán được nhiều hơn các đồng nghiệp bi quan 8% trong năm đầu tiên và 31% trong năm thứ hai4. (Vâng, tôi lạc quan về việc viết ra một cuốn sách bán chạy nhất. Cám ơn vì bạn đã hỏi.)

Tôi không ngạc nhiên về điều này. Suy cho cùng, có nhiều công việc trong ngành bán hàng và dịch vụ khách hàng mà các năng lực cảm xúc rõ ràng có khả năng tạo ra sự khác biệt lớn. Bằng trực giác, chúng ta đã biết điều này rồi. Điều khiến tôi ngạc nhiên là nó đúng thậm chí cả với những người làm việc trong khu vực kỹ thuật như những kỹ sư giống tôi, những người mà bạn sẽ nghĩ rằng thành công chỉ dựa vào trí thông minh thuần túy. Theo một nghiên cứu thì sáu năng lực đứng đầu giúp phân biệt những người làm việc hiệu suất cao với những người làm việc bình thường trong khu vực kỹ thuật là (theo thứ tự này):

1. Khát khao đạt được thành tựu và tiêu chuẩn thành tựu cao

2. Khả năng gây ảnh hưởng

3. Tư duy khái niệm

4. Khả năng phân tích

5. Chủ động chấp nhận thử thách

6. Tự tin5.

Trong sáu năng lực này, chỉ có hai năng lực (khả năng phân tích và tư duy khái niệm) là những năng lực thuộc về trí thông minh thuần túy. Bốn năng lực kia, kể cả hai năng lực đứng đầu, là năng lực thuộc về cảm xúc.

Trí thông minh cảm xúc cao có thể giúp bất kỳ ai trở nên xuất sắc trong công việc, thậm chí cả kỹ sư.

Năng lực lãnh đạo xuất sắc

Trí thông minh cảm xúc biến mọi người trở thành những nhà lãnh đạo tốt hơn. Bằng trực giác, phần lớn chúng ta hiểu được điều này thông qua những kinh nghiệm hàng ngày thu được khi tương tác với những người chúng ta lãnh đạo và những người lãnh đạo chúng ta. Cũng có những nghiên cứu cung cấp bằng chứng khoa học làm cơ sở cho trực giác của chúng ta. Ví dụ, Goleman đã nêu ra một phân tích cho thấy năng lực cảm xúc chiếm từ 80 đến 100% những năng lực đặc trưng của những nhà lãnh đạo xuất sắc6. Điều này được minh họa bởi câu chuyện về Gerald Grinstein, một CEO đã phải trải qua quá trình cắt giảm chi phí đau đớn. Grinstein rất cứng rắn, nhưng là một thiên tài về kỹ năng tương tác cá nhân, anh đã nhận được sự hợp tác của nhân viên, giữ cho lòng trung thành và tinh thần của họ ở mức cao trong khi đảo ngược lại tình thế, bất chấp việc phải đưa ra những quyết định rất khó khăn. Thực tế, Grinstein đã biểu diễn ma thuật của mình không chỉ một mà là hai lần, một lần khi là CEO của Western Airlines, một lần khi là CEO của Delta. Khi Grinstein tiếp nhận Delta đang trong thời kỳ khủng hoảng, anh ngay lập tức bắt tay vào việc hồi phục lại dòng giao tiếp và niềm tin bên trong công ty. Anh hiểu tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường làm việc tích cực, và bằng việc sử dụng những kỹ năng lãnh đạo phi thường (trí thông minh cảm xúc), anh đã biến một môi trường làm việc độc hại thành một bầu không khí giống như gia đình hơn.

Một lần nữa, tôi không thấy có gì đáng ngạc nhiên bởi vì bằng trực giác, chúng ta đã hiểu tầm quan trọng của trí thông minh cảm xúc trong việc lãnh đạo. Điều tôi thấy ngạc nhiên là nó còn đúng thậm chí cả ở trong Hải quân Mỹ. Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi chuyên gia lãnh đạo Wallace Bachman cho thấy những Trung tá Hải quân Mỹ nổi bật nhất thường “tích cực hơn, cởi mở hơn, biểu cảm hơn, ấn tượng hơn, ấm áp hơn, hòa đồng hơn (bao gồm cả cười nhiều hơn), thân thiện hơn, dân chủ hơn, hợp tác hơn, dễ thương hơn, ở cạnh vui hơn, khen nhiều hơn, đáng tin cậy hơn, và thậm chí nhẹ nhàng hơn những người chỉ ở mức trung bình”7. Khi nghĩ về những người lãnh đạo trong quân đội, tôi nghĩ họ là những người cứng rắn, thích hét vang quân lệnh và muốn được tuân lệnh, vì vậy, tôi thấy thật thú vị khi biết trong môi trường quân đội, thứ phân biệt nhà lãnh đạo tốt nhất với những người chỉ ở mức trung bình cũng là trí thông minh cảm xúc. Những Trung tá quân đội giỏi nhất về cơ bản là những người tốt và ở cạnh rất vui. Một điều khá hài hước là tên nghiên cứu của Bachman là “Người Tốt Về Đích Trước”.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button