Kỹ năng mềm

Nói Sao Cho Trẻ Chịu Học Ở Nhà Và Ở Trường

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Adele Faber & Elaine Mazlish

Download sách Nói Sao Cho Trẻ Chịu Học Ở Nhà Và Ở Trường ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

 

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

QUYỂN SÁCH NÀY RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO

Quyển sách này được ươm mầm từ khi chúng tôi còn là những bà mẹ trẻ đi tham dự những buổi sinh hoạt dành cho phụ huynh do nhà tâm lý học trẻ em – tiến sĩ Haim Ginott phụ trách. Sau mỗi buổi sinh hoạt, trên đường lái xe về nhà, chúng tôi thường cùng suy ngẫm về sức mạnh của những kỹ năng giao tiếp mới vừa học được, rồi ngậm ngùi vỡ lẽ ra: kể từ ngày đầu theo đuổi nghiệp dạy dỗ tới giờ, mình chưa hề biết gì về những kỹ năng ấy, trong khi một người là giáo viên phổ thông ở New York City, còn người kia dạy học tại cộng đồng dân cư ở Manhattan.

Khi đó, chúng tôi không hề hình dung trước được những kinh nghiệm ban đầu ấy rồi sẽ phát triển thành những gì. Hai thập niên sau, những quyển sách mà chúng tôi viết cho các bậc phụ huynh đã vượt qua mốc hai triệu bản và được dịch ra trên mười thứ tiếng. Những bài diễn thuyết của chúng tôi tại tất cả các bang của Mỹ, và hầu hết các tỉnh thành của Canada đều thu hút được đông đảo khán thính giả và được họ nhiệt liệt hưởng ứng. Trên năm mươi ngàn nhóm hoạt động xã hội tại những vùng đất xa xôi, ở tận Nicaragua, Kenya, Malaysia và New Zealand đã sử dụng những băng nghe nhìn là nội dung những hội thảo của chúng tôi trong các hoạt động của họ. Và trong suốt quãng thời gian hai mươi năm qua, chúng tôi luôn nhận được những phản hồi từ các giáo viên về những thay đổi đạt được trong lớp học, sau khi họ tham dự những khóa học, nghe diễn thuyết, hay đọc sách của chúng tôi. Và điều tất yếu xảy đến là, các giáo viên luôn thúc giục chúng tôi viết một quyển sách tương tự cho ngành của họ.

Một giáo viên ở Troy, Michigan, đã viết:

Sau hơn hai mươi năm kinh nghiệm giáo dục trẻ hư và trẻ có nguy cơ hư hỏng, tôi thực sự kinh ngạc về những kỹ năng mà mình đã rút ra được từ những quyển sách mà quý vị viết cho các bậc cha mẹ… Hiện tại, trong quận mà tôi làm chuyên gia cố vấn sư phạm    [1]    đang thiết kế một nội quy kỷ luật mới cho các trường học. Tôi tin chắc rằng các cách xử lý tình huống trong quyển sách của quý vị sẽ là cốt lõi, là nền tảng cho nội quy mới này. Không biết quý vị có nghĩ đến việc viết sách dành riêng cho các giáo viên không?

Một người làm công tác xã hội học đường ở Florissant, Missouri, viết:

Mới đây tôi đã giới thiệu chương trình hội thảo  How To Talk So Kids Will Listen   [2]    của các vị cho phụ huynh trong địa hạt do tôi phụ trách. Có một bà mẹ, đồng thời cũng là một giáo viên, bắt đầu áp dụng những kỹ năng mới vào lớp học của mình và nhận thấy những hành vi không tốt của học sinh đã giảm hẳn. Những thay đổi trong lớp học của giáo viên ấy lập tức gây ấn tượng với bà hiệu trưởng, bởi vì lâu nay bà rất lo ngại về sự gia tăng hình phạt đòn roi, cũng như tình trạng bị đuổi học ở trường mình. Và bà đã mời tôi tổ chức hội thảo cho toàn thể các giáo viên trong trường của bà.

Kết quả thật đáng khích lệ. “Nhu cầu” về hình phạt đòn roi đã giảm hẳn. Rồi việc học sinh nghỉ học cũng bớt đi, trong khi lòng tự trọng của các em được tăng lên, hầu như lan khắp toàn trường.

Một người sống ở New York City viết:

Tôi vô cùng lo sợ về việc càng ngày càng có nhiều trẻ em mang dao và súng tới trường. Tôi không tin việc tăng cường nhân viên an ninh và máy dò tìm kim loại sẽ có hiệu quả, tuy nhiên, cách giao tiếp tốt hơn có lẽ sẽ cải thiện được tình hình này. Có lẽ, nếu các giáo viên biết được những kỹ năng mà quý vị đã viết, ắt hẳn họ họ sẽ được trang bị tốt hơn để giúp những đứa trẻ nóng nảy biết cách xử lý cơn giận của chúng theo những cách không cần dùng đến bạo lực. Quý vị có nghĩ đến việc viết sách dành cho các giáo viên, cha mẹ, hiệu trưởng, trợ giảng, tài xế xe buýt trường học và thư ký ở trường không?

Tuy hiểu được những lời đề nghị đó là cần thiết, nhưng chúng tôi phải thừa nhận rằng mình không đảm nhận trách nhiệm viết sách cho giáo viên. Vả lại, hiện giờ, chúng tôi không còn “chiến đấu” chung với họ trên “mặt trận giáo dục” nữa.

Thế rồi có một cú điện thoại định mệnh do hai cô giáo Rosalyn Templeton và Lisa Nyberg gọi tới. Lisa đang dạy lớp ba và lớp bốn tại trường tiểu học Brattain ở Spring, bang Oregon. Rosalyn đang tham gia đào tạo những giáo viên tương lai ở đại học Bradley, Peoria, bang Illinois. Cả hai người đều bày tỏ mối lo lắng trước những biện pháp trừng phạt và cưỡng chế được áp dụng thường xuyên trong các trường học để uốn nắn hành vi của trẻ. Họ bảo rằng đã từ lâu lắm rồi, họ vẫn tìm kiếm những tài liệu đề xuất cho giáo viên những phương pháp mới, nhằm giúp học sinh tự giác kỷ luật hơn và biết tự giải quyết vấn đề của chúng hơn.

Khi tình cờ đọc được quyển  How To Talk So Kids Will Listen and Listen So Kids Will Talk    [3]     , họ biết rằng họ đã thấy được những gì vẫn tìm kiếm lâu nay, và họ xin phép được dựa trên quyển sách của chúng tôi để viết một bản khác gần giống như vậy, dành cho giáo viên.

Càng nói chuyện chúng tôi càng nhận thấy rằng kinh nghiệm mà họ tích lũy được thật rộng và phổ quát. Cả hai đều từng dạy học ở thành thị, ngoại ô, nông thôn; đều có học vị tiến sĩ về giáo dục; và đều từng được mời chủ trì những hội thảo giáo viên. Bỗng nhiên, đề án mà chúng tôi còn lưỡng lự một thời gian dài bỗng trở nên khả thi. Ngoài những kinh nghiệm trực tiếp đứng lớp và các tài liệu thu thập được từ những giáo viên khác trong suốt hơn hai mươi năm qua, nay còn có thêm sự đóng góp quý báu của hai người làm công tác giáo dục này, chúng tôi biết rằng không gì có thể khiến chúng tôi chùn bước được nữa.

Mùa hè năm đó, Rosalyn và Lisa tới gặp chúng tôi. Ngay từ đầu, tất cả đã rất ăn ý với nhau. Sau khi bàn bạc, chúng tôi nhất trí rằng thay vì đưa ra những lời thuyết giáo khô khan, quyển sách này sẽ đóng vai trò như một người kể chuyện – đứng trên quan điểm của một cô giáo trẻ đang nhiệt tình tìm kiếm những cách tốt nhất để dạy dỗ học sinh của mình. Kinh nghiệm của cô ấy sẽ là sự tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm của tất cả chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm cho lời kể ấy đáng tin cậy hơn bằng những yếu tố mà chúng tôi đã dùng trong các tác phẩm trước. Đó là những mẩu truyện tranh nhỏ, những phần ghi nhớ, hỏi đáp, cùng những câu chuyện minh họa.

Nhưng càng trao đổi với nhau, chúng tôi càng nghiệm ra, nếu muốn nêu toàn bộ những việc nên làm nhằm giáo dục một đứa trẻ, chúng tôi cần phải nhìn xa hơn phạm vi lớp học, phải chú ý nhiều tới những “người thầy” đầu tiên và mãi mãi trong cuộc đời đứa trẻ ấy – chính là cha mẹ nó. Bất kể điều gì xảy ra ở trường từ chín giờ sáng cho tới ba giờ chiều cũng đều chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những gì đã diễn ra trước và sau quãng thời gian ấy, tức là lúc trẻ ở cùng với cha mẹ chúng. Dù cả cha mẹ lẫn giáo viên có tích cực đến đâu đi chăng nữa mà không có những công cụ giúp họ thực hiện những dự định tốt đẹp của mình, thì đứa trẻ vẫn có thể hư như thường.

Các bậc cha mẹ và giáo viên cần phải biết kết hợp quyền lực với việc làm gương. Họ cần ghi nhớ sự trái ngược hoàn toàn giữa lời nói làm tiêu tan hi vọng với lời động viên, khuyến khích; giữa lời nói mời gọi sự hợp tác hay kích động sự chống đối của trẻ; giữa lời nói làm cho trẻ không thể suy nghĩ hay tập trung với lời nói khơi gợi và giải phóng khao khát học hỏi tự nhiên của trẻ.

Bất giác, chúng tôi cảm thấy trách nhiệm của mình đối với thế hệ trẻ ngày nay thật nặng nề. Trước kia, chưa khi nào giới trẻ lại có thể xem nhiều hình ảnh tội ác dã man trên phim, trên các phương tiện truyền thông đại chúng như bây giờ. Trước kia, bọn trẻ chẳng bao giờ phải chứng kiến nhiều hình ảnh tuyên truyền trần trụi về những kiểu giải quyết vấn đề bằng cách đánh nhau, ném bom hoặc xả đạn. Chưa khi nào nhu cầu cung cấp cho con em chúng ta một khuôn mẫu sống động về việc giao tiếp trung thực và tôn trọng lẫn nhau lại cấp thiết như lúc này. Đó là cách bảo vệ tốt nhất mà ta có thể trang bị cho trẻ, nhằm chống lại những cơn bột phát muốn bạo hành của chúng. Gặp những trường hợp muốn nổi điên, thay vì đi tìm gậy gộc dao búa, trẻ có thể vận dụng những lời lẽ mà những người quan trọng trong cuộc đời chúng đã từng nói với chúng trước đây.

Với tất cả những lí do đó, đề án về quyển sách này đã được đặt lên “bệ phóng”. Ba năm trời với biết bao bản thảo nháp, cuối cùng chúng tôi đã có được bản thảo cuối cùng trong tay. Khỏi cần nói cũng biết tất cả chúng tôi đã hài lòng và vui mừng đến mức nào. Chúng tôi đặt một cái tựa rất rõ ràng: Nói Sao Cho Trẻ Chịu Học Ở Nhà và Ở Trường . Chúng tôi đã nêu ra những ví dụ cụ thể về thái độ và ngôn ngữ của quy trình học này. Chúng tôi cũng trình bày cách tạo ra một môi trường cảm xúc, khiến cho trẻ cảm thấy an toàn để mở lòng ra trước những cái mới lạ. Chúng tôi nêu bật lên cách làm sao cho trẻ dám chịu trách nhiệm và rèn luyện tính tự giác. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ nhiều phương pháp nhằm động viên, khích lệ trẻ tin rằng chúng là ai và chúng sẽ trở thành người như thế nào.

Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là những ý kiến trong quyển sách này sẽ giúp bạn khơi nguồn sáng tạo, trao quyền cho những đứa trẻ yêu quý nhất đời bạn.

ĐỌC THỬ

“TÔI” LÀ AI?

Khi bắt đầu viết quyển sách này, chúng tôi đã nhất trí sẽ tạo ra một nhân vật tên là Liz Lander làm người phát ngôn chung cho tất cả. Cô ấy là một giáo viên trẻ – cũng giống như chúng tôi ngày trước – và những nỗ lực, trăn trở của cô ấy với học sinh chính là tấm gương phản ánh một cách chân thực những cố gắng mà chúng tôi từng thể hiện. Cô ấy chính là nhân vật “Tôi” do chúng tôi tạo ra.

1. XỬ LÝ NHỮNG CẢM XÚC GÂY CẢN TRỞ VIỆC HỌC

Chính những hồi tưởng về các giáo viên của mình – cả những hồi tưởng tôi yêu thích lẫn những hồi tưởng mà tôi ghét – đã khiến tôi quyết định trở thành một giáo viên.

Trong suốt những năm tháng học sư phạm tại trường đại học, tôi luôn tin tưởng rằng mình có khả năng dạy trẻ theo cái cách làm cho chúng muốn học. Tôi đã thủ sẵn trong đầu cả một danh sách dài dằng dặc về những điều đáng xấu hổ mà mình không bao giờ được phép nói ra hoặc thể hiện với học sinh; tôi cũng đã hình dung rõ ràng về mức độ kiên nhẫn mà mình sẽ phải đeo đuổi.

Ngày đầu tiên – với tư cách là giáo viên “thật sự” – tôi đã rất choáng váng. Tôi đã soạn bài và chuẩn bị kỹ lưỡng cho giờ lên lớp, nhưng hoàn toàn không có “phòng bị” gì trước ba mươi hai em học sinh lớp Sáu này. Ba mươi hai đứa trẻ to mồm, hiếu động và lúc nào cũng đầy rẫy những đòi hỏi muốn thứ này, cần thứ nọ. Qua được nửa buổi sáng thì tiếng chí chóe đầu tiên xuất hiện, “Ai lấy bút chì của tao?” “Mày xê ra đi!” “Im đi! Tao đang nghe cô giảng.”

Tôi cứ vờ như chẳng nghe thấy gì và tiếp tục bài giảng, nhưng những kẻ phá bĩnh vẫn không chịu thôi, “Tại sao em lại phải ngồi gần nó?” “Em không hiểu cô bảo bọn em phải làm gì cả?” “Cô ơi, nó thụi em!” “Tại nó kiếm chuyện trước chứ bộ!”

Đầu tôi bắt đầu kêu bưng bưng. Lớp học càng lúc càng ồn ào. Những câu thần chú về “lòng kiên nhẫn và hiểu biết” đã hết linh nghiệm ngay trên môi tôi. Lớp học này cần phải có một giáo viên biết trấn áp mới được. Bất thình lình tôi quát lên:

“Thôi đi! Có ai lấy bút chì của em đâu!”

“Cô nói rồi, em phải ngồi gần bạn ấy!”

“Cô không quan tâm ai gây sự trước. Cô muốn việc này phải chấm dứt ngay. Ngay lập tức!”

“Em bảo em không hiểu là ý làm sao? Cô vừa mới giải thích xong còn gì!”

“Tôi không thể tin nổi cái lớp này. Các em nói năng hành động y như học sinh lớp Một vậy. Làm ơn ngồi im đi!”

Có một thằng bé chẳng coi lời tôi ra gì. Nó tỉnh bơ rời khỏi chỗ ngồi, bước tới lấy cái chuốt chì rồi đứng đó mà vặn chuốt mãi cho đến khi cây bút chỉ còn một mẩu. Bằng giọng điệu nghiêm khắc nhất của mình, tôi ra lệnh, “Đủ rồi! Về chỗ ngay!”

“Cô không bắt em làm gì được đâu,” nó cãi.

“Được, chúng ta sẽ nói rõ chuyện này sau giờ tan học.”

“Em không ở lại được. Em sẽ trễ xe buýt.”

“Thế thì cô đành phải mời phụ huynh của em đến để thông báo chuyện này.”

“Cô không gọi cho ba mẹ em được đâu. Nhà em làm gì có điện thoại!”

Đến ba giờ chiều thì tôi mệt lử. Bọn trẻ chen nhau ùa ra khỏi lớp và tràn xuống đường. Chúng la hét, chạy nhảy như vừa được tiếp thêm năng lượng. Nhưng lúc này chúng đã thuộc về trách nhiệm của cha mẹ chúng. Tôi đã hết giờ làm việc của mình rồi.

Tôi ngồi phịch xuống ghế, ngó trân trân vào những dãy bàn học trống trơn. Có chuyện gì thế? Sao bọn trẻ không nghe lời tôi? Tôi phải làm gì để chế ngự chúng đây?

Trong suốt mấy tháng đầu đi dạy của tôi, tất cả các buổi học đều diễn ra y như vậy. Mỗi sáng, tôi vào lớp với bao hy vọng tràn trề, rồi buổi chiều lại ra về với tâm trạng chán chường vô tận. Tôi đã hoàn toàn “bó tay” trước công việc nặng nề và chán ngắt là phải kéo lê lớp học cho qua chương trình bắt buộc này. Nhưng tệ hơn hết, tôi đang dần biến thành loại “bà cô” mà tôi không bao giờ muốn: giận dữ, hách dịch, mất uy tín. Còn đám học sinh của tôi thì càng ngày càng bướng bỉnh, ngang ngạnh. Càng về cuối học kỳ, tôi càng hay tự hỏi rằng mình còn cầm cự được bao lâu nữa.

May mà Jane Davis, cô giáo dạy lớp bên cạnh, đã đến giải cứu cho tôi. Sau cái ngày dốc bầu tâm sự với Jane, chị đưa cho tôi quyển sách How To Talk So Kids Will Listen and Listen So Kids Will Talk. Chị bảo, “Không biết quyển sách này có giúp gì được cho em không, nhưng những kỹ năng nêu trong này đã cứu chị khỏi phát điên, phát khùng với chính tụi nhóc ở nhà. Nó cũng giúp chị tạo nên sự thay đổi khác biệt cho lớp học của mình đấy!”

Tôi cảm ơn Jane, cất quyển sách vào cặp rồi quên khuấy nó luôn. Một tuần sau, trong khi đang nằm trên giường dưỡng bệnh vì cảm lạnh, tôi vớ đại quyển sách ấy và mở ra đọc. Những dòng chữ in nghiêng ở trang đầu tiên làm cho tôi phải nhổm người dậy:

Có mối liên hệ trực tiếp giữa cảm xúc và hành vi của trẻ.

Khi trẻ cảm thấy dễ chịu, chúng sẽ cư xử đúng mực.

Chúng ta phải làm sao để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu?

– Hãy chấp nhận cảm xúc của chúng!

Tôi nằm xuống gối, nhắm nghiền mắt lại. Mình đã thừa nhận cảm xúc của học sinh hay chưa? Tôi nhớ lại đôi ba lời đối đáp đã xảy ra giữa mình với học sinh trong tuần đó:

Học sinh: Thưa cô, em không viết được!

Tôi: Sao không được?

Học sinh: Thiệt mà! Em chẳng nghĩ ra cái gì để viết cả.

Tôi: Em phải cố mà nghĩ! Đừng có rên rỉ nữa! Viết đi!

Học sinh: Em ghét môn lịch sử! Ai thèm quan tâm đến những chuyện đã xảy ra cách đây cả trăm năm chứ!

Tôi: Em phải quan tâm! Ai cũng cần phải biết rõ về lịch sử nước mình.

Học sinh: Nhưng nó chán ngắt!

Tôi: Chán gì mà chán! Nếu chú ý thì em sẽ thấy nó rất hay.

Thật nực cười! Tôi vốn là người vẫn thường thuyết giáo cho học sinh về việc mỗi cá nhân đều có quyền có quan điểm và cảm xúc riêng. Thế nhưng, trong thực tế, hễ khi nào bọn trẻ bộc lộ cảm xúc là tôi lại dập tắt đi ngay. Tôi bắt bẻ, tranh luận với chúng. Như vậy, thông điệp ngầm mà tôi chuyển đến chúng là, “Em cảm thấy như thế là sai rồi. Hãy nghe theo lời cô đi.”

Tôi ngồi dậy và cố nhớ xem các thầy cô của mình ngày xưa có làm như thế với mình không. Có một lần ở trường trung học, khi tôi đang buồn vì lần đầu tiên bị điểm thấp môn toán, mà giáo viên dạy toán lại cứ cố nhồi vào đầu tôi một lời động viên, “Chẳng việc gì phải buồn bực cả, Liz. Không phải vì em thiếu khả năng về môn hình học, chỉ vì em chưa tập trung chú ý thôi. Em cần phải quyết tâm hơn nữa. Vấn đề nằm ở chỗ ý chí của em dở quá!”

Đương nhiên là thầy nói đúng, và tôi hiểu rất rõ ý thầy, nhưng những lời ấy lại khiến tôi cảm thấy mình ngu ngốc và kém cỏi quá chừng. Tới chỗ “em dở quá”, tôi không thèm lắng nghe nữa mà cứ nhìn bộ ria mép của thầy động đậy lên xuống, và ráng chờ cho thầy nói xong để chuồn cho lẹ. Phải chăng học sinh của tôi giờ đây cũng cảm thấy như thế về tôi?

Trong những tuần sau đó, tôi cố gắng phản ứng một cách nhạy cảm hơn với những cảm xúc của học trò mình, và cố đáp lại chúng một cách thỏa đáng:

“Muốn chọn một đề tài để viết thật chẳng dễ, đúng không em?”

“Cô hiểu em nghĩ gì về môn lịch sử. Em đang phân vân tại sao người ta lại quan tâm đến những việc đã xảy ra cách đây hàng trăm năm chứ gì.”

Cách này chính là lối thoát. Tôi có thể nhận thấy ngay rằng bọn trẻ đã có biến đổi. Chúng gật đầu, nhìn thẳng vào mắt tôi, và nói cho tôi nghe thêm về những gì chúng đang nghĩ. Nhưng bỗng một ngày kia, Alex tuyên bố, “Em không muốn tới phòng thể dục nữa, không ai ép được em đâu!” Học trò gì mà ăn nói láo lếu như thế, làm sao mà chịu nổi cơ chứ! Không chần chừ một phút, bằng cái giọng khô khốc, tôi đáp, “Em phải đến phòng tập ngay, không thì em phải lên văn phòng!”

Tại sao việc thừa nhận những cảm xúc của trẻ lại khó đến thế? Vào bữa trưa, tôi đem câu hỏi đó ra hỏi Jane và các giáo viên ngồi cùng bàn ăn; tôi cũng kể với họ mình đã đọc được gì và đang nghĩ gì.

Chị Maria Estes, một phụ huynh tình nguyện [1] , lập tức lên tiếng bênh vực giáo viên, “Mỗi thầy cô phải dạy hàng mấy chục học sinh, và phải dạy chúng bao nhiêu là thứ. Cô ép mình phải lưu ý đến từng lời nhỏ nhặt như thế làm gì!”

Jane thì tỏ ra trầm tư, “Có lẽ vậy, nhưng phải chi hồi trước cha mẹ và thầy cô của chúng ta chịu khó để ý một chút về lời nói của họ , thì ngày nay chúng ta đã không bị thiếu quá nhiều kiến thức chưa được học như vậy. Nói thẳng ra, chúng ta là sản phẩm của quá khứ chúng ta. Bây giờ, chúng ta nói chuyện với học sinh của mình theo cái cách hệt như ngày xưa cha mẹ và thầy cô đã nói với chúng ta. Tôi biết, ngay cả với tụi nhóc ở nhà, tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian để thôi không lặp lại những câu rập khuôn hồi xưa nữa. Đó là một bước tiến rất lớn đối với tôi, nhờ biết chuyển câu ‘Đau gì chứ! Chỉ là một vết xước tí tẹo thôi mà!’ thành ‘Ừ, trầy da là đau lắm đó!’”

Ken Watson, thầy giáo dạy môn khoa học, vặn lại, “Tôi không đồng ý. Tôi thấy nói như vậy thì có gì khác đâu.”

Tôi còn đang vắt óc tìm một ví dụ để Ken Watson tự mình nghiệm ra sự khác nhau giữa hai câu đó thì đã nghe Jane bảo, “Ken à, hãy tưởng tượng thế này nhé, anh là một cậu thiếu niên vừa được gọi vào đội bóng rổ, bóng đá, hay bóng gì gì đó của trường.”

Ken mỉm cười, “Bóng đá đi.”

“Ờ, bóng đá,” Jane gật đầu, “Vậy hãy tưởng tượng, anh đang hăm hở đến buổi tập đầu tiên thì gặp ông huấn luyện viên độp ngay một câu rằng, anh đã bị loại khỏi danh sách đội bóng.”

Ken rên lên.

“Một lát sau,” Jane nói tiếp, “anh gặp giáo viên chủ nhiệm ở hành lang và kể cho cô ấy nghe hết mọi chuyện vừa xảy ra. Giờ, giả sử tôi là cô giáo đó nhé, và tôi đã phản hồi theo rất nhiều cách, nhưng khổ nỗi, không một cách nào thích hợp với tâm trạng buồn bã mà thằng bé bên trong anh đang cảm nhận, hoặc nghĩ tới sau mỗi lời đáp của tôi.”

Ken cười toe, rút ra một cây viết và với lấy một tờ khăn giấy.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button