Kỹ năng mềm

Những Quy Tắc Trong Cuộc Sống

Lời giới thiệu

Một số người dường như rất suôn sẻ trong đường đời. Họ lướt đi trên con đường của mình thật nhẹ nhàng và luôn có đáp án chính xác cho mọi tình huống. Tất cả mọi người đều yêu mến họ – tuyệt vời biết bao khi được sống và làm việc cùng họ. Họ luôn hạnh phúc và vững vàng vượt qua mọi sóng gió cuộc đời. Họ dành thời gian cho tất vả mọi người và dường như luôn biết được điều gì là quan trọng. Liệu có điều gì đó họ biết và làm mà chúng ta không biết? Và liệu có điều gì mà tất cả chúng ta có thể làm?

Câu trả lời là hoàn toàn có thể: hãy nắm vững những quy tắc trong cuộc sống. Những quy tắc trong cuộc sống là các chỉ dẫn sẽ giúp bạn có nhiều thành tựu hơn trong cuộc sống, dễ dàng vượt qua những khó khăn và trở thành một người hạnh phúc hơn, điềm tĩnh hơn và hài lòng hơn với cuộc sống của mình. Bạn sẽ thấy những điều tuyệt diệu xảy ra và những người xung quanh bạn cũng vậy.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

LỜI MỞ ĐẦU

Thuở nhỏ, vì những lý do dông dài không thể kể ra đây, tôi phải đến sống với ông bà trong suốt vài năm liền. Giống như nhiều người khác cùng thế hệ, ông bà tôi đã làm việc chăm chỉ và tự hài lòng với bản thân. Ông tôi nghỉ hưu sớm sau một tai nạn lao động còn bà tôi làm việc trong một cửa hàng bách hóa ở London. Việc tôi bị đẩy cho ông bà đương nhiên đã gây ra những rắc rối không trông đợi. Tôi còn quá nhỏ để đi học và ông không thể chăm sóc tôi ở nhà thế là bà tôi nghĩ ra cách kẹp tôi dưới nách – giấu tôi qua những người quản lý và giám sát viên – để tôi đến chỗ làm cùng bà.

Đến chỗ làm với bà là điều hết sức thú vị. Tôi phát hiện ra rằng quan sát các khách hàng từ chỗ ẩn náu dưới chiếc bàn to là cách giết thời gian khá hay, mà nhờ đó tôi có được cái thú vui tuyệt vời là ngắm nghía mọi người.

Mẹ tôi – sau này tôi quay về sống chung với bà – nói rằng điều đó rồi sẽ chẳng đi đến đâu. Tôi thì không tin như thế. Bạn thấy đấy, ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp của mình, việc quan sát những người xung quanh giúp tôi nhận ra có nhiều cách khác nhau khiến người ta thăng TIẾN trong cuộc sống. Giả sử có hai người ngang nhau về năng lực, nhưng một người luôn ăn vận, suy nghĩ

và cư xử như thể họ đã được thăng tiến, thì người đó sẽ có được vị trí mà anh ta muốn. Vận dụng những cách ứng xử đó vào thực tế, tôi đã đạt được những thành công lớn trên con đường sự nghiệp của mình. Những quy tắc như vậy là nền tảng cho cuốn Những quy tắc trong công việc của tôi, hiện là sách bán chạy nhất trong lĩnh vực đó.

Chỉ cần nắm được những cách ứng xử đã giúp một số người lướt trên con đường sự nghiệp của họ mà chẳng tốn chút sức lực nào, bạn cũng có thể được như họ. Nhìn chung trong cuộc sống, mọi người thường thuộc về một trong hai nhóm: nhóm những người tỏ ra tinh thông những mánh khoé của sự thành đạt và nhóm những người xem ra vẫn phải chật vật đấu tranh. Khi tôi nói “tinh thông những mánh khoé” thì không có nghĩa là họ có tiền bạc chất đống hay họ đứng đầu trong một lĩnh vực đặc biệt nào đó. Không phải vậy. Tôi muốn nói đến sự thành công theo nghĩa cổ điển nhất mà những người làm lụng chăm chỉ như ông bà tôi cũng có thể hiểu được. Đó là những người luôn cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống, những người luôn cảm thấy mạnh khỏe và sống cởi mở với cuộc đời. Những người đang còn “chật vật đấu tranh” với cuộc sống là những người không cảm thấy hạnh phúc và với họ việc hưởng thụ cuộc sống dường như là điều không nên màng đến.

Vậy, bí quyết là gì? Câu trả lời là sự lựa chọn rất ư đơn giản. Chúng ta có thể lựa chọn một số việc nhất định sẽ làm mỗi ngày. Có những điều sẽ khiến chúng ta không vui, nhưng có những điều nếu lựa chọn sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Nhờ quan sát mọi người, tôi khám phá ra rằng nếu chúng ta tuân thủ một số Những quy tắc trong cuộc sống, chúng ta có thể đạt được nhiều thứ hơn, dẹp bỏ những chuyện phiền muộn dễ dàng hơn, hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn và khiến cho niềm vui hạnh phúc lan tỏa đến những người xung quanh sau mỗi bước đi của chúng ta. Những người tuân thủ các quy tắc dường như luôn mang theo thần may mắn bên cạnh, làm những căn phòng bừng sáng mỗi khi họ bước vào, nhiệt huyết hơn với cuộc sống và đương đầu với nó tốt hơn.

Tiếp sau đây sẽ là những quy tắc của tôi trong cuộc sống. Chúng không phải những quy tắc cứng nhắc, không có gì bí mật và cũng chẳng khó thực hiện. Chúng hoàn toàn dựa trên kết quả quan sát của tôi về những người hạnh phúc và thành đạt. Tôi nhận thấy những người hạnh phúc là những người tuân thủ các quy tắc đó, những người luôn cảm thấy đau khổ chính là những người chẳng tuân theo bất cứ quy tắc nào. Nhưng bản thân những người thành công thường không hề cố gắng nhận biết họ đang làm gì – họ là những người biết nắm luật chơi một cách tự nhiên. Trong khi đó, những người ít tinh tế hơn một chút lại luôn cảm thấy như thiếu thứ gì đó và họ dành cả cuộc đời tìm kiếm thứ có thể đem lại cho họ cuộc sống có ý nghĩa và lấp đầy chỗ trống trong tâm hồn họ – trớ trêu thay đó thường chính là cái tôi của họ. Nhưng câu trả lời cho họ thực tế lại ở rất gần – chỉ cần thay đổi chút xíu trong cách ứng xử và tất cả chỉ có thế.

Vậy có thực sự dễ dàng như thế chăng? Không, tất nhiên là không. Sống theo những quy tắc không bao giờ là dễ dàng. Nếu không, chúng ta đã khám phá ra từ rất lâu rồi. Muốn mọi thứ thực sự xứng đáng, chúng ta phải bỏ công sức. Thế nhưng – và đây cũng là cái đẹp của những quy tắc sống – mỗi cá nhân hoàn toàn có thể thực hiện được chúng. Bạn có thể đặt ra mục tiêu rồi nỗ lực đạt được tất cả hoặc chọn cho mình hai hay ba mục tiêu nào đó và bắt đầu với chúng. Còn tôi ư? Không, tôi chưa bao giờ đạt được, chưa bao giờ. Tôi cũng vấp ngã thường xuyên như bất kỳ ai nhưng tôi biết đứng lên và bắt đầu lại từ đầu. Tôi biết phải làm gì để cuộc sống lại có ý nghĩa.

Quan sát mọi người, tôi nhận ra rằng những quy tắc này hoàn toàn có thể nhận biết. Riêng tôi, tôi thích lời khuyên bắt đầu bằng: “Hãy im lặng…”, tuy tôi không chắc làm thế nào để được điều đó. Những lời khuyên nhủ đại loại như: “Hãy đánh bóng đôi giày của bạn trước khi ra ngoài” có vẻ hữu ích hơn vì tôi biết tôi có thể làm theo, và quan trọng nhất là tôi tìm ra được ngay logíc ẩn chứa trong đó. Đương nhiên là tôi cũng tin rằng một đôi giày sáng bóng vẫn ấn tượng hơn một đôi giày cáu bẩn.

Tất nhiên, trong cuốn sách này bạn không thể tìm thấy điều gì kiểu như đánh giày hay bất cứ thứ gì khác hay ho hơn, nhưng như vậy không có nghĩa những điều đó là vô bổ. Chỉ có điều là tôi cảm thấy rằng, những thứ thực tế hơn mà ta có thể làm vẫn hay hơn những điều sáo rỗng và phóng đại, vốn chẳng mấy khi trở thành hiện thực, cho dù có làm theo thì cũng chẳng đi đến đích như chúng ta nghĩ – kiểu như “thời gian là liều thuốc hàn gắn tốt nhất” hay “tình yêu thống trị vạn vật”.

Bạn chỉ có thể tìm thấy những triết lý cổ điển thông thường. Trong số đó chẳng có điều nào bạn chưa từng biết đến. Cuốn sách này không cung cấp cho bạn những khám phá mới mà chỉ là cuốn cẩm nang nhắc nhở bạn. Nó nhắc bạn nhớ rằng Những quy tắc trong cuộc sống hiện diện ở khắp nơi, hiển nhiên và giản đơn. Hãy làm theo và bạn sẽ thấy hiệu quả.

Vậy còn những người chẳng bao giờ tuân thủ bất cứ quy tắc nào mà vẫn thành công? Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đều biết đến những người giàu nứt đố đổ vách, tàn nhẫn, khó ưa, độc đoán và chuyên làm những chuyện trái đạo đức. Nếu bạn muốn được như họ, cũng chẳng có gì khó. Nhưng tôi biết bạn muốn được ngủ ngon hàng đêm, được sống là chính mình, được là một người tốt. Cái hay là ở chỗ: đó là lựa chọn của mỗi cá nhân. Mỗi ngày chúng ta đều phải lựa chọn bước theo thiên thần hay ác quỷ. Những quy tắc trong cuộc sống sẽ giúp bạn lựa chọn đúng con đường của thiên thần, nhưng hoàn toàn không gượng ép. Riêng tôi, mỗi đêm trước khi ngủ, tôi thường thích kiểm điểm lại một ngày của mình, hy vọng có thể tự hào nói với bản thân: “Một ngày thật tốt đẹp!”, tự hào với những gì mình đã đạt được, thay vì hối tiếc và bất mãn. Tôi muốn đặt lưng xuống giường với ý nghĩ là mình đã làm được điều gì đó khác biệt, đã đối xử thật tốt với mọi người thay vì làm họ đau khổ, đã truyền cho mọi người chút hạnh phúc của mình, đã vui vẻ và gần gũi hơn với mười người thay vì một trong số mười người.

Những quy tắc trong cuộc sống không đề cập đến chuyện kiếm thật nhiều tiền hay thành đạt (nếu muốn bạn có thể đọc cuốn Những quy tắc trong công việc). Nó chỉ đơn thuần là bạn cảm nhận thế nào tận trong đáy lòng mình, bạn ảnh hưởng tới người khác ra sao, bạn là người bạn, người bạn đời, người cha/mẹ như thế nào, bạn ảnh hưởng thế nào đến thế giới này, bạn để lại ấn tượng gì cho mọi người.

Đôi khi, tôi coi cuốn sách của mình như những đứa trẻ. Tôi xoa đầu chúng, lau mũi cho chúng và đẩy chúng ra thế giới bên ngoài và tôi muốn xem chúng sinh tồn thế nào. Vì thế nếu Những quy tắc trong cuộc sống có đôi chút khác với những quy tắc của bạn, hoặc giả sử bạn có vài quy tắc của riêng bạn mà tôi đã bỏ lỡ, tôi luôn sẵn lòng lắng nghe. Hãy gửi những quy tắc của bạn cho tôi: Richard.Templar@RichardTemplar.co.uk.

RICHARD TEMPLAR

NHỮNG QUY TẮC DÀNH CHO BẠN

Tôi phân chia Những quy tắc trong cuộc sống thành năm phương diện khác nhau của các mối quan hệ – với bản thân, với người bạn đời, với gia đình, với cộng đồng của riêng bạn (bao gồm cả quan hệ công việc và bạn bè) và cuối cùng là với thế giới – tượng trưng cho năm vòng tròn mà chúng ta vẽ ra quanh mình một cách vô thức.

Hãy bắt đầu với những quy tắc quan trọng nhất, những quy tắc cho chính chúng ta – quy tắc cá nhân. Có những quy tắc sẽ giúp chúng ta thức dậy mỗi sáng, nhìn thế giới với màu hồng và lái con đường ta đi thuận lợi suốt một ngày cho dù bất kể chuyện gì xảy đến. Có những quy tắc giúp giảm bớt căng thẳng, cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về sự việc, khích lệ chúng ta đặt ra cho mình những tiêu chuẩn riêng và mục tiêu để vươn tới.

Mỗi người cần vận dụng những quy tắc này theo cách riêng, tuỳ thuộc môi trường sống, tuổi tác và hoàn cảnh của bạn. Tất cả chúng ta đều cần có những tiêu chuẩn để đạt tới. Những tiêu chuẩn này khác nhau giữa người này với người kia, nhưng chúng là điều sống còn mà ai cũng cần phải có. Không có những quy tắc đó, chúng ta sẽ bước đi một cách vô định và chẳng thể kiểm soát những gì chúng ta đang làm. Nhưng khi có chúng, chúng ta có một điểm xuất phát, nơi chúng ta có thể quay trở về bất cứ lúc nào để tiếp thêm nguồn sinh lực mới. Đó là cột mốc cho bước tiến của mỗi người.

QUY TẮC 1

HÃY GIỮ IM LẶNG

Bạn sẽ trở thành “người nắm luật chơi”. Bạn sắp dấn thân vào cuộc thám hiểm có thể thay đổi cả cuộc đời bạn, tất nhiên nếu bạn chấp nhận sứ mạng đó. Bạn sắp khám phá con đường biến bạn thành một người lạc quan, hạnh phúc và thành đạt trong mọi việc. Vì thế, chẳng có gì đáng để kể với người khác. Hãy giữ im lặng. Chẳng ai ưa một kẻ luôn tỏ ra thông thái. Chính thế đấy. Quy tắc đầu tiên:Hãy giữ im lặng.

Sẽ có lúc bạn muốn nói với mọi người rằng bạn đang làm gì, bởi lẽ tự nhiên bạn muốn chia sẻ với ai đó. Nhưng bạn không thể và cũng đừng làm điều đó. Hãy để họ tự tìm ra mà không cần bạn gợi ý. Có thể bạn cho rằng như thế không công bằng, song thực tế lại công bằng hơn bạn nghĩ đấy. Nếu bạn nói cho họ biết, họ sẽ thấy ngại ngùng. Cũng phải thôi – chúng ta ai chẳng ghét bị kẻ khác lên lớp. Cũng tương tự như khi bạn bỏ thuốc lá và bỗng nhận ra sống không có thuốc lá mới khỏe khoắn làm sao, và thế là bạn muốn thay đổi tất cả những đứa bạn cũng hút thuốc như bạn. Vấn đề là khi đó họ chưa sẵn sàng từ bỏ và rồi bạn sẽ thấy họ gán cho bạn những cái tên kiểu như “làm trò”, “ra vẻ ta đây”, hay thậm chí còn tệ hơn – “hắn trước đây cũng là con nghiện”. Những biệt danh đó thật chẳng dễ chịu chút nào.

ĐỪNG LÊN LỚP, TUYÊN TRUYỀN, THẬM CHÍ ĐẢ ĐỘNG ĐẾN VẤN ĐỀ

Quy tắc đầu tiên khá đơn giản, đó là đừng bao giờ lên lớp người khác, tuyên truyền, cố tình xoay chuyển, hét tướng lên với mọi người thậm chí đả động đến vấn đề.

Bạn sẽ nổi bật hơn vì bạn đã thay đổi thái độ với cuộc đời, mọi người sẽ hỏi bạn đã và đang làm gì, khi đó bạn có thể trả lời chẳng có gì cả, đơn giản là một ngày đẹp trời và bạn cảm thấy tốt hơn/hạnh phúc hơn/hoạt bát hơn/vui tươi hơn hay bất cứ cảm giác gì. Không nhất thiết phải cụ thể quá bởi mọi người cũng không thực sự muốn biết. Cũng giống như khi ai đó hỏi “Bạn dạo này thế nào?” thì họ chỉ muốn nghe một câu duy nhất – “Mọi việc vẫn ổn cả”. Kể cả khi bạn đang vô cùng chán chường, họ cũng chỉ muốn nghe có thế, bởi nếu hơn có nghĩa là họ lại phải nói tiếp. Và với vài ba chữ “Bạn dạo này thế nào?” thì chắc chắn đó không phải điều họ thực sự muốn hỏi. Họ chỉ muốn bạn nói “tốt” và khi đó họ có thể tiếp tục làm việc của họ. Nếu bạn không trả lời như thế, thay vào đó thản nhiên bộc bạch, san sẻ gánh nặng cho họ, họ sẽ bỏ chạy thật nhanh.

Làm một người nắm luật chơi cũng như vậy. Chẳng ai thực sự muốn biết cả, vì thế hãy cứ giữ im lặng. Làm sao tôi biết điều này ư? Khi viết cuốnNhững quy tắc trong công việc, cuốn sách đã giúp nhiều người thành đạt mà không cần dùng đến mưu mô, tôi đã gợi ý điều tương tự và nó tỏ ra hữu hiệu. Vậy, bạn hãy cứ tiếp tục làm như thế, tiến hành mọi thứ trong im lặng và bắt đầu một ngày thật hạnh phúc và hài lòng mà không cần nói với ai.

QUY TẮC 2

BẠN SẼ TRƯỞNG THÀNH HƠN NHƯNG KHÔNG CHẮC SẼ KHÔN NGOAN HƠN

Có người cho rằng khi chúng ta trưởng thành hơn, chúng ta sẽ khôn ngoan hơn, nhưng tôi e không phải vậy. Quy luật là chúng ta vẫn sẽ nông nổi, vẫn phạm hàng đống sai lầm. Chỉ có điều chúng ta sẽ phạm những sai lầm mới, khác những sai lầm trước. Chúng ta học cách rút kinh nghiệm và có thể không bao giờ phạm phải sai lầm đó lần nữa, nhưng có cả một cái vại đầy những lỗi lầm mới chỉ chờ chúng ta sảy chân ngã vào. Bí quyết là hãy chấp nhận sự thật ấy và đừng tự trách móc mình khi bạn phạm phải những lỗi lầm mới. Thực chất, quy tắc này là: Hãy rộng lượng với bản thân khi bạn lỡ làm rối tung mọi thứ. Hãy biết tha thứ và chấp nhận rằng đó là một phần trong cái lối mòn “có lớn mà không có khôn”.

Khi quay đầu nhìn lại, bạn luôn thấy những sai lầm đã mắc phải nhưng chẳng bao giờ thấy những sai lầm đang lờ mờ hiện ra. Khôn ngoan không phải là không mắc lỗi mà là tỉnh táo học cách tránh những lỗi lầm đã phạm.

Khi chúng ta còn trẻ, dường như sự lão hóa chỉ đến với người già. Nhưng thực ra nó xảy ra với tất cả chúng ta và chẳng có cách nào khác hơn là đón nhận nó và sống chung với nó. Bất kể chúng ta là ai, chúng ta làm gì thì thực tế vẫn là chúng ta đang già đi, chỉ có điều sự lão hóa sẽ tăng nhịp độ của nó khi chúng ta già hơn.

Bạn có thể nhìn nhận nó theo cách này: Khi bạn trưởng thành hơn có nghĩa bạn đã kinh qua nhiều lĩnh vực có thể phạm lỗi hơn. Nhưng vẫn còn đó những lĩnh vực mà chẳng có ai chỉ dẫn và chúng ta sẽ xử lý thật tồi tệ, sẽ phản ứng quá đà và cuối cùng là sai lầm. Chúng ta càng năng động, ưa mạo hiểm hơn bao nhiêu, càng có nhiều con đường cho chúng ta khám phá bấy nhiêu – và tất nhiên là cả việc phạm sai lầm nữa.

KHÔN NGOAN KHÔNG CÓ NGHĨA KHÔNG PHẠM SAI LẦM MÀ LÀ TỈNH TÁO HỌC CÁCH TRÁNH MẮC LẠI SAI LẦM LẦN NỮA

Miễn là chúng ta biết nhìn lại chỗ chúng ta đã lạc đường và quyết tâm không lặp lại lần nữa, thì những gì còn lại cần làm không đáng kể. Hãy nhớ rằng bất kỳ quy tắc nào áp dụng được với bạn cũng sẽ áp dụng được với những người xung quanh. Họ cũng ngày một trưởng thành, già đi, nhưng tất nhiên cũng chẳng khôn ngoan hơn. Khi chấp nhận sự thật này rồi, bạn sẽ rộng lượng hơn với bản thân mình và cả với người khác.

Điều cuối cùng, đúng thế, thời gian có thể hàn gắn và mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn khi bạn trưởng thành hơn. Và nói cho cùng, bạn càng phạm nhiều sai lầm hơn thì những sai lầm mới đón chờ bạn càng ít đi.

QUY TẮC 3

HÃY CHẤP NHẬN SỰ THẬT: ĐIỀU GÌ XẢY RA THÌ ĐÃ XẢY RA RỒI

Mọi người thường không chủ ý phạm sai lầm, kể cả những sai lầm nghiêm trọng. Nhiều lúc người ta cũng chẳng biết mình đang làm gì. Nếu trước kia ai đó từng đối xử tệ với bạn thì không chắc vì họ chủ tâm như thế mà vì họ cũng khờ dại, ngốc nghếch và cũng “là con người” như tất cả chúng ta. Họ sai lầm trong cách nuôi dạy bạn, trong việc huỷ hoại mối quan hệ với bạn hay trong bất cứ chuyện gì khác không phải vì họ muốn thế, mà chỉ vì họ chẳng biết làm gì khác.

Nếu muốn, bạn có thể giã từ những cảm giác oán giận, hối tiếc hay bực tức. Cái gì xảy ra thì cũng đã xảy ra và bạn vẫn phải tiến lên. Đừng gán cho chúng cái mác “tốt” hay “xấu”. Tôi biết có những thứ quả thật là xấu, song điều thực sự tồi tệ là cái cách chúng ta để chúng tác động đến mình. Chính bạn cho phép chúng làm bạn thất vọng, chán chường như thể có thứ vi-rút cảm xúc khiến bạn phát ốm, bực bội và rồi bế tắc.

Nhưng bạn hãy đón nhận chúng như những nhân tố định hình nên tính cách và nhìn nhận chúng dưới góc độ tích cực thay vì tiêu cực.

Tôi có một thời thơ ấu hoàn toàn không bình thường và đã có lúc cảm thấy bất mãn. Tôi đổ lỗi những yếu mềm, chán nản và mọi tính xấu của mình cho quãng thời gian trưởng thành không giống ai đó. Thật dễ dàng. Nhưng kể từ khi tôi chấp nhận rằng, điều gì xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi, hiểu ra rằng tôi hoàn toàn có thể lựa chọn cách tha thứ và tiếp tục sống với cuộc đời này, thì mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Với ít nhất một trong số các anh chị em của tôi thì đó không phải con đường họ lựa chọn, và rồi họ cứ xây, xây cao mãi bức tường của sự bất mãn quanh mình cho đến một ngày họ bị chính bức tường ấy quây kín.

ĐIỀU GÌ XẢY RA THÌ CŨNG ĐÃ XẢY RA RỒI VÀ BẠN CẦN PHẢI BIẾT CHẤP NHẬN NÓ

Với tôi điều này thực sự quan trọng nếu tôi muốn thoát khỏi cuộc sống của chính mình, chấp nhận những mặt xấu xa như một phần trong con người mình và tiếp tục tiến về phía trước. Thực ra tôi muốn chúng sẽ tiếp thêm năng lượng cho tôi tiến bước vào tương lai, trở thành những nhân tố tích cực cho đến khi tôi không còn hình dung nổi mình sẽ thế nào nếu thiếu chúng. Giờ đây, nếu cho tôi lựa chọn, tôi sẽ lựa chọn không thay đổi bất cứ gì. Vâng, nhìn lại quá khứ – sinh ra và lớn lên như tôi đã từng sinh ra và lớn lên – thật vất vả, nhưng điều ấy giúp tạo ra tôi ngày nay, chính tôi.

Sự thay đổi ấy đến với tôi khi tôi chợt nhận ra rằng, cho dù có gọi tất cả những người từng đem lại cho tôi những điều tệ hại đến trước mặt để tôi mặc tình định đoạt, thì mọi thứ cũng chẳng thể khác được. Tôi có thể la hét, nhiếc móc, nguyền rủa họ, nhưng họ cũng chẳng thể thay đổi những gì họ đã làm hoặc biến mọi thứ từ sai thành đúng. Chính họ cũng phải chấp nhận sự thật: chuyện gì đã xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. Không bao giờ có con đường quay trở lại, chỉ có con đường hướng về phía trước. Vì thế, hãy biến điều này thành phương châm sống của bạn: Hãy luôn hướng về phía trước.

QUY TẮC 4

HÃY CHẤP NHẬN BẢN THÂN

Nếu bạn đã chấp nhận rằng cái gì xảy ra đã xảy ra rồi, bạn sẽ đối mặt với chính con người thực của bạn. Bạn không thể quay lại và thay đổi điều gì, vì thế hãy tiếp tục sống với những gì bạn có. Tôi không có ý định đưa ra những ý tưởng kiểu như hãy yêu chính bạn – như thế thật quá tham vọng. Không phải vậy. Hãy bắt đầu bằng cách đơn giản là chấp nhận. Chấp nhận là điều hết sức dễ dàng bởi nó mang đúng nghĩa của “chấp nhận”. Bạn không cần cải thiện, không cần thay đổi, và cũng không cần cố gắng đạt được sự hoàn hảo mà ngược lại – chỉ cần chấp nhận thôi.

BẠN KHÔNG CẦN CẢI THIỆN, THAY ĐỔI HAY CỐ GẮNG THEO ĐUỔI SỰ HOÀN HẢO MÀ NGƯỢC LẠI – CHỈ CẦN CHẤP NHẬN THÔI

Hãy biết chấp nhận những cái mụn của bạn, những điều xấu trong con người bạn, những điểm yếu và tất cả những gì tương tự. Điều này không có nghĩa thỏa mãn với bản thân hay trở nên lười nhác và sống một cuộc sống vô nghĩa. Chúng ta chấp nhận những gì ta có và dựng xây lên từ nền móng ấy. Điều chúng ta không làm là trách móc bản thân chỉ vì ta ghét điều gì đó về mình. Đúng thế, chúng ta có thể thay đổi, nhưng hãy để sau. Chúng ta mới đến quy tắc thứ tư thôi.

Sở dĩ điều này trở thành một quy tắc là bởi bạn không có sự lựa chọn nào khác. Chúng ta phải chấp nhận con người mình – kết quả của mọi điều đã xảy ra. Đơn giản chỉ có thế. Bạn cũng như tôi, như tất cả chúng ta, đều là con người – như vậy bản thân con người bạn cũng đã vô cùng phức tạp. Trong bạn luôn chứa đầy ham muốn, nỗi thống khổ, tội lỗi, đôi khi nhỏ nhen, lầm lạc, nóng nảy, thô lỗ, mất phương hướng, chần chừ, do dự và luôn đay đi đay lại chuyện gì đó. Sự phức tạp – đó chính là yếu tố khiến con người trở nên thú vị. Chẳng ai trong chúng ta hoàn hảo. Chúng ta bắt đầu với những gì chúng ta có và chỉ có một lựa chọn duy nhất, mỗi ngày, là nỗ lực vươn tới điều tốt đẹp hơn. Và đó là tất cả những gì người khác có thể yêu cầu chúng ta – lựa chọn. Bạn hãy tỉnh táo và nắm rõ mọi chuyện, hãy sẵn sàng để lựa chọn đúng và hãy chấp nhận sự thật là sẽ có những khi bạn không lựa chọn được như thế. Có lúc, như bất kỳ ai khác trong chúng ta, bạn cũng sẽ mất phương hướng. Như vậy cũng chẳng sao, đừng tự trách mình. Bạn hãy tự đứng lên và bắt đầu lại từ đầu, hãy chấp nhận sự thật là chúng ta sẽ thất bại hết lần này đến lần khác và rằng chúng ta chỉ là con người.

Tôi biết đôi khi rất khó, nhưng khi đã chấp nhận lời thách thức để trở thành người nắm luật chơi, thì bạn đã đứng sẵn trên con đường tiến về phía trước, hãy thôi bới móc những khuyết điểm của mình và thôi tự làm khổ mình. Thay vào đó, bạn hãy chấp nhận những gì bạn có. Lúc này đây, bạn đang làm những gì tốt nhất có thể, vì thế hãy tự khen thưởng mình và tiếp tục con đường.

QUY TẮC 5

HÃY BIẾT ĐIỀU GÌ CÓ GIÁ TRỊ VÀ ĐIỀU GÌ KHÔNG

Có mặt trên thế giới này là điều có giá trị. Tốt bụng và chu đáo là điều có giá trị. Trải qua mỗi ngày mà không làm ai đó bị tổn thương là điều có giá trị. Nhưng cập nhật công nghệ tiên tiến nhất thì chẳng thực sự có giá trị gì.

Xin lỗi, tôi không có ý coi thường khoa học kỹ thuật. Thật ra tôi là người cập nhật khá nhiều công nghệ hiện đại. Có điều tôi luôn tâm niệm: (a) không quá dựa dẫm vào kỹ thuật và (b) coi chúng như những công cụ hữu dụng thay vì quá coi trọng giá trị của chúng theo kiểu một thứ tài sản thể hiện địa vị hay ưu thế của bạn.

Làm những điều có ích cho cuộc đời bạn là điều có giá trị. Đi mua sắm khi bạn buồn chán thì ngược lại, chẳng có giá trị gì. Có thể, nhưng xét trên mọi khía cạnh của việc đi mua sắm, hãy xem bạn có thể làm điều gì có ích, có tìm được những giá trị đích thực hay không, có tìm được lợi ích gì hay không. Nói như thế không có nghĩa bạn phải từ bỏ mọi thứ và lao đến những đầm lầy đầy muỗi để giúp đỡ người dân ở đó chống lại trận dịch sốt rét – mặc dù điều đó có thể có giá trị, nhưng bạn không cần cực đoan quá mức như thế chỉ để khiến cuộc sống của bạn có ý nghĩa.

Quy tắc này chủ yếu khuyên bạn hãy chú tâm vào những điều quan trọng đối với bạn và thay đổi chúng theo hướng tích cực, để biết chắc bạn thấy hạnh phúc với những mục tiêu mà bạn đang cống hiến cả cuộc đời mình (xem Quy tắc 6). Như thế không có nghĩa bạn phải cụ thể hóa những kế hoạch dài hạn đến mức chi tiết nhất. Bạn phải biết đại khái là bạn đang làm gì và rồi bạn sẽ đi đến đâu. Tỉnh táo vẫn hơn mơ màng phải không. Tim Freke, một trong những tác giả cùng hợp tác với tôi, gọi đó là cách “sống tỉnh táo”* – một cụm từ hoàn hảo.

Trong cuộc đời này ít nhất có một thứ gì đó quan trọng và có nhiều thứ khác thì không. Chẳng mất nhiều thời gian suy nghĩ lắm để tìm ra cái gì quan trọng và cái gì không. Thậm chí những thứ chẳng giá trị và chẳng quan trọng còn tồn tại nhiều hơn để bạn chọn. Tôi không định nói chúng ta không thể có những điều vụn vặt – chúng ta hoàn toàn có thể và như thế cũng tốt. Chỉ có điều đừng nhầm lẫn những điều vụn vặt là những điều quan trọng. Dành thời gian cho bạn bè và những người bạn yêu quý là điều quan trọng, còn việc dõi theo những bộ phim truyền hình thì không. Trả nợ là điều quan trọng, còn việc bạn đang dùng nhãn hiệu bột giặt gì thì không. Nuôi dạy con cái bạn và cho chúng biết thế nào là giá trị đích thực là điều quan trọng, còn việc cho chúng diện những bộ đồ hợp mốt nhất thì không. Bạn hiểu ý tôi chứ. Hãy nghĩ về những điều có giá trị mà bạn làm – và hãy làm nhiều hơn.

TRONG CUỘC ĐỜI NÀY CÓ MỘT VÀI THỨ QUAN TRỌNG VÀ CÓ NHIỀU THỨ THÌ KHÔNG

QUY TẮC 6

HÃY DÀNH TRỌN CUỘC ĐỜI BẠN CHO MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ

Để biết điều gì có giá trị, điều gì không, bạn phải biết bạn đang cống hiến cuộc đời mình cho cái gì. Tất nhiên, đây là vấn đề lựa chọn cá nhân, vì vậy sẽ không có câu trả lời đúng hay sai – nhưng bạn cần có câu trả lời thay vì lắc đầu chẳng biết gì hết.

Lấy chính tôi làm ví dụ, cuộc đời của tôi bị chi phối bởi hai điều: (a) ai đó từng nói với tôi rằng nếu linh hồn là thứ duy nhất tôi có thể mang theo sau khi từ giã cõi đời, thì hãy biến nó thành thứ tốt đẹp nhất mà tôi có và (b) sự giáo dục kỳ cục mà tôi nhận được.

Điều đầu tiên không hề mang chút màu sắc tôn giáo nào, ít nhất là với tôi, nhưng nó đã đánh trúng tim đen của tôi, đã khơi dậy điều gì đó. Cho dù tôi sẽ mang theo điều gì, tôi cũng phải để tâm đến nó hơn để bảo đảm rằng đó sẽ là thứ tốt nhất. Lời khuyên khiến tôi phải ngẫm nghĩ. Nhưng làm thế nào đây? Tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi này. Suốt cuộc đời mình, tôi đã khám phá và đã trải nghiệm, tôi đã học và đã phạm sai lầm, tôi đã là người đi đầu và cũng là người đi sau, song tôi luôn đọc, quan sát và trăn trở với câu hỏi lớn này. Làm thế nào tự nâng chúng ta lên đến tầm ấy? Câu trả lời duy nhất tôi tìm ra là hãy sống tốt nhất có thể, hãy sống mà ít gây ra rắc rối nhất có thể, hãy đối xử với bất cứ ai với sự tôn trọng. Đó là điều mà vì nó tôi đã cống hiến cả cuộc đời mình và với tôi, nó thực sự xứng đáng.

Vậy, làm thế nào mà nền giáo dục kỳ cục kia khiến tôi để tâm đến việc cống hiến cuộc đời mình? Chấp nhận nền giáo dục tôi đã được ban cho và xem nó như động lực thúc đẩy hơn là ảnh hưởng xấu, tôi nhận thức sâu sắc rằng nhiều người cần xóa bỏ cảm giác bị ảnh hưởng bởi những điều đã xảy ra trong quá khứ. Tôi cống hiến cả cuộc đời mình cho việc đó. Vâng, có thể bạn cho như thế là điên rồ. Nhưng ít nhất, tôi cũng có mục tiêu cho mình, mục tiêu thực sự xứng đáng.

QUYẾT ĐỊNH CỐNG HIẾN CUỘC ĐỜI MÌNH CHO ĐIỀU GÌ ĐÓ LÀ THƯỚC ĐO GIÚP TÔI BIẾT MÌNH ĐANG LÀM GÌ, LÀM THẾ NÀO, VÀ SẼ ĐI ĐẾN ĐÂU

Cả hai điều trên đều chẳng có gì to tát và khi kể với bạn, tôi muốn cho bạn thấy tôi không làm điều đó vì những lời tán dương – “Templar đã cống hiến cả cuộc đời mình cho…” – hay cái gì đại loại như vậy. Nó là điều gì thầm lặng hơn thế, bởi trong lòng mình tôi biết tôi có một mục tiêu để dành tâm huyết vào đó. Đó là thước đo để tôi có thể đo (a) tôi đang sống thế nào, (b) tôi đang làm gì và (c) tôi sẽ đi đến đâu. Bạn không cần loan báo chuyện đó. Bạn cũng không cần nói với ai (xem Quy tắc 1), chỉ cần một lời tuyên thệ sứ mệnh trong im lặng. Ví dụ, sứ mệnh của Disney là “khiến mọi người hạnh phúc”. Hãy quyết định bạn sẽ cống hiến cuộc đời mình cho điều gì. Phần còn lại đơn giản hơn nhiều.

QUY TẮC 7

HÃY LINH HOẠT TRONG SUY NGHĨ

Một khi suy nghĩ của bạn đã thành hình và trở nên cứng nhắc, bạn sẽ thất bại. Khi bạn nghĩ bạn biết tất cả các câu trả lời, bạn sẽ mắc kẹt. Khi bạn đóng đinh trên con đường của bạn, bạn đã trở thành một phần của lịch sử.

Để sống rộng mở với cuộc đời, bạn hãy để ngỏ cho mình những lựa chọn, hãy tiếp tục suy nghĩ và linh hoạt trong những suy nghĩ ấy, hãy sẵn sàng bất cứ khi nào giông bão nổi lên – và thề có Chúa, những cơn bão luôn ập đến vào lúc bạn không ngờ tới. Ngay giây phút bạn để mình sa vào khuôn mẫu, bạn đã tự loại mình khỏi cuộc chơi. Có lẽ để hiểu tôi muốn nói gì, bạn thử tự kiểm nghiệm lại ý nghĩ của mình xem. Suy nghĩ linh động cũng gần giống như một môn võ tinh thần – luôn sẵn sàng né đòn. Cố gắng đừng xem cuộc đời như kẻ thù địch, hãy xem nó như đối thủ thân thiện trên sàn đấm bốc. Bạn linh động, bạn sẽ thấy nó thật tuyệt. Nếu bạn đứng yên một chỗ, gần như chắc chắn bạn sẽ bị nốc ao.

Chúng ta đều tự đặt ra những hình mẫu trong cuộc sống. Chúng ta tự gán cho mình cái mác thế này hay thế khác và có vẻ tự hào về quan điểm và niềm tin của mình. Chúng ta đều thích đọc những tờ báo in sẵn, xem cùng chương trình truyền hình hay phim truyện giống nhau, mua đồ cùng cửa hàng, ăn cùng những thức ăn mình ưa thích, mặc cùng loại quần áo. Cũng tốt thôi. Nhưng rồi chính chúng ta đã tự làm thui chột những khả năng khác của mình, chúng ta trở nên buồn tẻ, nhạt nhẽo và vô vị – và vì thế chúng ta bị đánh bật.

ĐỪNG XEM CUỘC ĐỜI NHƯ KẺ THÙ ĐỊCH, HÃY XEM NÓ NHƯ ĐỐI THỦ THÂN THIỆN TRÊN SÀN ĐẤM BỐC

Hãy nhìn cuộc sống như một chuỗi những cuộc phiêu lưu. Mỗi cuộc phiêu lưu như thế là một cơ hội để vui thú, để học hỏi, khám phá thế giới, mở rộng kinh nghiệm và mối quan hệ bạn bè, để kéo dài đường chân trời của bạn. Chấm dứt chuỗi phiêu lưu đó đồng nghĩa với việc bạn cũng chấm hết.

Ngay giây phút ai đó đề nghị cùng phiêu lưu, để thay đổi suy nghĩ, để thoát khỏi chính mình, thì hãy nhập cuộc và xem chuyện gì xảy ra. Và nếu nó làm bạn sợ, hãy nhớ rằng bạn luôn có thể quay lại vỏ ốc của bạn ngay khi mọi chuyện kết thúc, tất nhiên là nếu bạn muốn.

Tuy vậy, không phải lúc nào cũng cứng nhắc chấp nhận mọi lời mời gọi, như thế cũng tức là không linh hoạt. Người thực sự linh hoạt là người biết khi nào cần nói “không” và khi nào cần nói “có”.

Nếu bạn muốn biết mình linh hoạt đến mức nào, hãy thử trả lời vài câu hỏi nhỏ: Những quyển sách gối đầu giường của bạn tất cả đều cùng một thể loại chứ? Hãy nhớ lại xem có bao giờ bạn từng nói “Tôi chẳng biết người nào như thế” hay “Tôi chẳng bao giờ đến những nơi như thế”? Nếu câu trả lời là “có” thì đã đến lúc mở rộng tầm nhìn và gỡ bỏ những sợi xích trói buộc suy nghĩ của bạn rồi đấy.

QUY TẮC 8

HÃY DÀNH CHÚT HỨNG THÚ CHO THẾ GIỚI BÊN NGOÀI

Có lẽ bạn đang thắc mắc tại sao quy tắc này lại được đưa vào đây thay vì đặt trong phần các quy tắc về thế giới xung quanh. Nhưng quy tắc này là về chính bạn. Bởi dành hứng thú cho thế giới bên ngoài là để giúp bạn tiến lên, chứ không phải để đem lại lợi ích cho thế giới ấy. Bạn không buộc phải theo dõi bản tin hàng ngày, song bằng cách đọc, nghe và nói chuyện, bạn có thể cập nhật những chuyện đang xảy ra. Người nắm luật chơi không bao giờ để mình sa vào những điều vụn vặt trong cuộc sống, họ không tự nhốt mình trong chiếc giếng hẹp. Hãy tự cho mình nghĩa vụ luôn dõi theo những gì đang xảy ra trên trái đất này – các sự kiện, âm nhạc, thời trang, khoa học, phim ảnh, ẩm thực, giao thông, thậm chí cả trên ti vi. Những người nắm luật chơi thành công là những người có thể tán dóc về bất cứ chủ đề gì, bởi họ thích thú với việc tìm hiểu những điều đang xảy ra. Bạn không cần phải sở hữu những thứ tối tân nhất, nhưng hãy tìm hiểu qua để biết những gì đang thay đổi, những gì mới mẻ và những gì đang xảy ra trong cộng đồng nhỏ bé của bạn và cả những nơi khác trên hành tinh này.

Bạn được gì ư? Với những người mới bắt đầu làm quen với việc này, bạn sẽ trở thành một người thật thú vị và nó cũng giúp bạn trẻ trung hơn. Tôi nhớ có lần tôi gặp một phụ nữ lớn tuổi ở bưu điện. Bà ta luôn mồm kêu ca về mã số cá nhân (PIN – personal idendity number): “Mã số cá nhân, mã số cá nhân, tôi làm quái gì với cái mã số ấy ở cái tuổi chết tiệt này?”. Câu trả lời rất ngắn gọn: bà ta không thể lĩnh lương hưu nếu không có cái mã số đó. Thật ra thì không đơn giản như thế. Chúng ta rất dễ rơi vào lối nghĩ kiểu như: “Trước đây tôi chưa bao giờ làm thế và bây giờ cũng chẳng cần phải làm thế”. Nếu chúng ta thực sự nghĩ như vậy, chúng ta sẽ tự đánh mất cơ hội của mình.

DÀNH HỨNG THÚ CHO THẾ GIỚI BÊN NGOÀI ĐỂ GIÚP BẠN TIẾN LÊN, CHỨ KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI ĐEM LẠI LỢI ÍCH GÌ ĐÓ CHO THẾ GIỚI ẤY

Những người hạnh phúc nhất luôn giữ được thăng bằng và thành đạt nhất trong cuộc sống là những người tự biến mình thành một phần của điều gì đó – một phần của thế giới – thay vì tự cô lập mình. Và những người hấp dẫn nhất, sôi nổi nhất là những người luôn hứng thú muốn tìm hiểu điều gì đang xảy ra quanh mình. Một hôm, tôi bật đài nghe chương trình buổi sáng, người ta đang phỏng vấn người quản giáo đứng đầu nhà tù Mỹ và ông này đang thao thao bất tuyệt về chuyện cải cách các hình phạt dành cho tù nhân. Đó chẳng phải chủ đề ưa thích của tôi (tôi chẳng biết ai ở đó), và bạn có thể lý luận rằng tôi chẳng cần phải biết về cái nhà tù ấy cũng như người phụ nữ lớn tuổi kia chẳng cần biết về cái mã số cá nhân. Nhưng thực tế tôi cảm thấy mình sôi nổi hơn, cảm thấy mình đang sống và hứng thú với chuyện đó. Và điều đó chẳng có gì là xấu.

QUY TẮC 9

HÃY ĐỨNG VỀ PHÍA THIÊN THẦN THAY VÌ ĐỨNG VỀ PHÍA ÁC QUỶ

Mỗi ngày chúng ta đều đối mặt với hàng đống lựa chọn. Và tất cả những lựa chọn đó, chung quy lại, đều là lựa chọn đứng về phía thiên thần hay ác quỷ. Bạn chọn con đường nào? Hay bạn thậm chí cũng chẳng biết cái gì đang xảy ra? Hãy để tôi giải thích nhé. Mỗi hành động của chúng ta đều tác động đến gia đình, bạn bè, đến mọi người xung quanh, xã hội và cả thế giới nói chung. Ảnh hưởng có thể tốt cũng có thể xấu – tùy thuộc vào cách bạn lựa chọn. Đôi khi đó là lựa chọn khó khăn. Đôi khi chúng ta bị giằng xé giữa cái chúng ta muốn và cái có lợi cho người khác, giữa sự thỏa mãn cho cá nhân và lòng hào hiệp với mọi người.

Chẳng ai cho rằng điều đó dễ dàng. Lựa chọn để đứng về phía cái thiện thường rất chật vật. Nhưng nếu bạn muốn thành công – mà theo tôi thành công đo bằng việc bạn tự khiến mình hài lòng và hạnh phúc – bạn phải lựa chọn. Đây có thể là điều bạn sẽ dành trọn cả cuộc đời mình – lựa chọn là thiên thần hay ác quỷ.

Nếu bạn muốn biết mình đã lựa chọn hay chưa, hãy tự kiểm chứng xem bạn cảm thấy gì khi có người bỗng nhiên chạy xe cắt ngang dòng xe của bạn vào đúng giờ cao điểm, khi ai đó bỗng nhiên chặn bạn lại để hỏi đường đúng lúc bạn đang vội, khi con bạn gặp rắc rối với cảnh sát lúc vẫn còn ở tuổi vị thành niên, khi bạn cho ai đó mượn tiền và họ không thể hoàn trả, khi sếp gọi bạn là đồ ngốc trước mặt tất cả mọi người, khi cái cây bên nhà hàng xóm mọc lấn chiếm sang nhà bạn, khi bạn chẳng may nện cả chiếc búa vào ngón cái, khi… Như tôi đã nói, mỗi ngày đều là một sự lựa chọn của chúng ta, và nếu muốn lựa chọn đúng đắn, hãy lựa chọn bằng lương tâm.

CHÚNG TA BỊ GIẰNG XÉ GIỮA CÁI CHÚNG TA MUỐN VÀ CÁI CÓ LỢI CHO NGƯỜI KHÁC

Vấn đề bây giờ là chẳng ai có thể nói cho bạn rõ điều gì tạo ra thiên thần và ác quỷ. Bạn sẽ phải tự đặt ra cho mình một thước đo. Nhưng đừng lo, không khó như bạn nghĩ đâu. Tôi cho rằng đa phần chúng đều tự biểu hiện rồi. Điều đó có làm ai bị tổn thương hay cản trở ai không? Bạn là người góp phần giải quyết rắc rối hay gây ra rắc rối? Nếu bạn làm một điều gì đó, mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn hay tồi tệ hơn? Hãy tự lựa chọn cho mình.

Bạn có cách giải thích riêng thế nào là thiên thần và thế nào là ác quỷ. Đừng nói với ai đó rằng họ là ác quỷ, bởi có thể họ định nghĩa ác quỷ hoàn toàn khác. Những gì người khác làm là lựa chọn của riêng họ và họ sẽ chẳng cảm ơn bạn vì bạn cho họ biết họ đã sai. Đương nhiên, bạn có thể theo dõi họ như một người ngoài cuộc, một quan sát viên và tự nói với mình: “Mình sẽ không bao giờ làm thế” hoặc: “Họ đã lựa chọn làm thiên thần” hay thậm chí: “Ôi, đồ ác quỷ”. Nhưng bạn đừng nói gì cả nhé.

QUY TẮC 10

CHỈ CÓ CÁ CHẾT MỚI PHÓ MẶC MÌNH CHO DÒNG NƯỚC

Cuộc sống thật khó khăn và những quy tắc của chúng ta là để nói lời cảm ơn với Đức chúa trời* về điều đó. Nếu cuộc sống nhẹ nhàng và đơn giản, chúng ta đã không được thử thách, không được sống hết mình và được tôi bởi ngọn lửa của cuộc sống. Chúng ta sẽ không lớn lên, không học được gì, không thay đổi được gì và cũng chẳng thể thoát ra khỏi chính mình. Nếu cuộc đời là những chuỗi ngày êm ả, thì rồi chẳng sớm thì muộn chúng ta sẽ buồn chán. Nếu không có những ngày mưa tầm tã, cũng sẽ chẳng có niềm hân hoan khi sau cùng những cơn mưa cũng thôi rơi và chúng ta có thể chạy ra bãi biển. Nếu cuộc đời chỉ toàn những điều dễ dàng, chúng ta sẽ không mạnh mẽ hơn được.

Vì vậy, hãy cảm ơn vì cuộc đời là cả một cuộc vật lộn và chỉ có những con cá chết mới phó mặc mình cho dòng nước chảy. Với những con cá còn lại, như chúng ta, sẽ có lúc lội ngược dòng lên với thượng nguồn. Chúng ta sẽ phải vật lộn với thác nước, với những con đập và những trận lũ hung bạo. Nhưng chúng ta không có sự lựa chọn. Chúng ta phải tiếp tục bơi hoặc sẽ bị lũ quét đi. Và mỗi lần quẫy đuôi, chúng ta càng mạnh mẽ hơn, học được nhiều hơn và hạnh phúc hơn.

Một thống kê cho thấy về hưu là điều thật tệ đối với nhiều nam giới. Thậm chí, rất nhiều người trút hơi thở cuối cùng mà chỉ có vài phút để giao lại trọng trách cho một ai đó**. Vì thế, hãy tiếp tục bơi hỡi những chú cá nhỏ, hãy cứ tiếp tục bơi đi.

CUỘC SỐNG LÀ THẾ, Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG LÀ THẾ: MỘT CHUỖI NHỮNG CUỘC VẬT LỘN VÀ CẢ NHỮNG KHOẢNG LẶNG

Bạn hãy xem mỗi lần thất bại là một cơ hội cải thiện. Chúng chỉ giúp bạn mạnh mẽ hơn thay vì yếu mềm đi. Hãy gánh vác nhiều thứ nhất mà bạn có thể. Tất nhiên cuộc chiến chẳng bao giờ đến hồi kết thúc, nhưng sẽ có những khi tạm lắng – những vùng nước lặng là nơi chúng ta có thể nghỉ ngơi và hưởng thụ vài phút trước khi chướng ngại tiếp theo lại ập đến và cuốn chúng ta đi. Cuộc sống là như thế, ý nghĩa của cuộc sống là như thế: một chuỗi những cuộc vật lộn và cả những khoảng lặng. Cho dù bạn đang trong hoàn cảnh nào, thì sớm muộn rồi hoàn cảnh cũng sẽ thay đổi. Vậy, bạn đang ở giai đoạn nào? Đang đấu tranh hay đang tạm nghỉ ngơi trong chốc lát? Bạn đang ngụp lặn trong cơn mưa hay đã ra đến biển? Bạn đang học hỏi hay đang hưởng thụ thành quả? Bạn là chú cá chết hay là một chú cá hồi khỏe mạnh?

QUY TẮC 11

HÃY LÀ NGƯỜI CUỐI CÙNG LÊN TIẾNG

Với tôi, đây thực sự là quy tắc khó. Tôi luôn muốn được lên tiếng, được hét thật to. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống như thế, hét hò là một cách sống và là cách duy nhất để người khác lắng nghe bạn, để thu hút sự quan tâm của mọi người và để nói lên ý kiến của mình. Kỳ quặc ư? Đúng thế. Náo loạn ư? Đúng thế. Có ích ư? Có thể không.

Một trong những cậu con trai của tôi đã thừa hưởng được gen hét hò từ bố và cu cậu tỏ ra khá giỏi trong việc ấy. May sao, quy tắc này của chúng ta lại nói rằng: hãy là người cuối cùng lên tiếng, như vậy là tôi được lợi rồi. Nếu cu cậu la hét trước thì tôi sẽ la hét lại. Nhưng thực tế tôi luôn cố gắng để không làm điều đó. Với tôi, dù với bất cứ kiểu gì, thì la hét vẫn cứ là điều tồi tệ, dấu hiệu chứng tỏ tôi mất bình tĩnh và mất khả năng tranh luận. Có một cậu bé có cha là giám mục, trong lần bắt gặp bài giảng đạo của cha mình, cậu ta đã lấy bút bồi thêm một câu bên lề: “La hét, tranh luận chỉ là yếu mềm”. Tôi nghĩ câu chuyện đó có thể tổng kết những điều ở trên.

Nhưng cũng có nhiều khi tôi la hét và sau mỗi lần như thế bao giờ tôi cũng hối hận. Một lần khi chúng tôi đi ăn tối ngoài tiệm, tôi đã hét tướng lên trên đường. Lúc đó, tôi suy nghĩ theo cách riêng của mình, nhưng thực tế đó là chuyện chả hay ho gì và sâu trong lòng tôi cũng cảm thấy xấu hổ vì mình.

LA HÉT, TRANH LUẬN CHỈ LÀ YẾU MỀM

Vậy bạn sẽ làm gì nếu cũng bị di truyền gen thích la hét như tôi? Tôi nghĩ tôi sẽ tìm cách chuồn khỏi đó để tránh trường hợp biến sự bất đồng thành la hét trong các cuộc tranh luận nảy lửa. Sẽ rất khó, nhất là khi bạn cho rằng mình đúng. Có nhiều thứ khiến chúng ta muốn hét lên, và nhiều khi chúng ta cảm thấy la hét như thế là cách duy nhất giúp chúng ta bình tâm trở lại. Nhưng chúng ta đang chung sống với những con người thực, những người cũng có cảm nghĩ như chúng ta và la hét vào mặt người khác là điều không thể biện minh – ngay cả khi họ là người bắt đầu.

Thông thường có hai trường hợp chúng ta hay la hét – trường hợp có lý do chính đáng và trường hợp bị lôi cuốn theo. Trường hợp thứ nhất là khi bạn chèn xe lên chân ai đó và không muốn xin lỗi hoặc giả bạn không nhận thức rằng mình đã làm điều gì sai. Trong trường hợp này, nạn nhân của bạn có quyền la hét bạn.

Trường hợp thứ hai là khi ai đó cố tình la hét – một kiểu hăm dọa. Bạn có thể phớt lờ họ hoặc kiểm soát tình hình bằng thái độ quyết đoán. Bạn không được phép la hét lại họ.

Tôi biết, có hàng đống trường hợp mà dường như la hét là cách hợp lý nhất – chú cún của bạn đang ăn vụng bữa ăn ngày chủ nhật, bọn trẻ không chịu dọn dẹp phòng ốc, máy tính của bạn lại trục trặc và nhân viên sửa chữa không thể sửa kịp cho bạn, bọn trẻ hư lại vẽ đầy lên tường nhà bạn, bạn gọi đi gọi lại nhiều lần và cuối cùng vẫn không gọi được số tổng đài sau khi chờ máy suốt 20 phút, họ đặt biển đóng cửa ngay khi bạn mới đặt đống đồ lên quầy thu ngân, ai đó tỏ ra ngốc nghếch hoặc giả cố tình như không hiểu bạn nói gì.

Và cứ thế mãi. Nhưng nếu bạn lẩm nhẩm quy tắc này – “Không la hét, không la hét”, mọi chuyện sẽ cực kỳ đơn giản. Mọi người sẽ biết đến bạn như người luôn giữ bình tĩnh bất kể xảy ra chuyện gì. Những người giữ được bình tĩnh luôn được tin cậy. Những người giữ được bình tĩnh luôn là chỗ dựa cho người khác. Những người giữ được bình tĩnh luôn được kính nể và giao nhiều trọng trách. Và những người giữ được bình tĩnh luôn sống lâu hơn.

QUY TẮC 12

HÃY LÀ CỐ VẤN CỦA CHÍNH BẠN

Sâu thẳm trong mỗi chúng ta là cả một kho kiến thức. Điều này gọi là khả năng trực giác. Lắng nghe trực giác của bạn là cả quá trình học tập dần dần, bắt đầu bằng việc nhận ra giọng nói khe khẽ vang lên hay một cảm nhận sẽ mách bảo bạn mỗi khi bạn làm điều gì đó đáng lẽ bạn không nên làm. Giọng nói ấy luôn hiện diện nhưng rất thầm lặng, và bạn phải thật tập trung lắng nghe mới có thể nhận ra.

Nếu thích, bạn có thể gọi nó là lương tâm, bởi trong sâu thẳm bạn sẽ nhận ra khi nào bạn làm một điều xấu. Bạn biết khi nào phải xin lỗi, phải điều chỉnh và làm những việc đúng đắn. Bạn biết và tôi biết là bạn biết. Sở dĩ tôi biết là bởi thực chất tất cả chúng ta đều biết.

BẠN BIẾT KHI NÀO PHẢI XIN LỖI, PHẢI ĐIỀU CHỈNH VÀ LÀM NHỮNG VIỆC ĐÚNG ĐẮN

Mỗi khi bạn nghe thấy giọng nói từ bên trong ấy, bạn sẽ thấy nó giúp ích được gì cho bạn. Giọng nói ấy khác nhiều so với một con vẹt không trí óc đậu trên vai bạn cứ luôn hót: “Lại làm hỏng rồi” sau khi bạn làm điều gì đó. Điểm mấu chốt là bạn nghe thấy trực giác của bạn nói cho bạn biết điều gì đúng, điều gì sai trước khi bạn làm.

Hãy gắng thử để mọi việc chạy qua trực giác của bạn trước khi quyết định và xem điều gì xảy ra. Khi đã quen với việc đó, bạn sẽ thấy nó thật dễ dàng. Hãy tưởng tượng có một đứa trẻ đứng bên bạn và bạn phải giải thích mọi điều cho nó nghe. Hãy tưởng tượng đứa trẻ ấy sẽ hỏi bạn những câu hỏi: “Tại sao ông lại làm thế? Cái gì đúng, cái gì sai? Chúng ta có nên làm thế không?” – và bạn phải trả lời. Chỉ có trong trường hợp như thế, bạn vừa là người hỏi và đồng thời cũng chính là người trả lời. Bạn sẽ nhận ra rằng, mình đã biết tất cả những thứ cần biết và cả những thứ không cần phải biết.

Hãy lắng nghe. Nếu bạn muốn tin tưởng vào một ai đó cố vấn cho bạn, bạn muốn tin ai? Tốt nhất người cố vấn đó là chính bạn, bởi bạn là người nắm rõ mọi chuyện, và là người có những kinh nghiệm cũng như mọi kiến thức cần thiết trong tay. Chẳng ai khác có được những điều ấy. Chẳng ai có thể nhìn tận sâu trong lòng bạn và tìm hiểu xem cái gì đang diễn ra trong đó.

Nhưng cần làm rõ một chút. Khi tôi nói lắng nghe thì không có nghĩa là lắng nghe những gì đang chạy qua đầu bạn. Đó chính là nơi cư ngụ của sự điên rồ. Không, tôi muốn nói một giọng nói âm thầm, yên lặng hơn kia. Với một số người, đó là cảm giác hơn là một giọng nói – cái mà đôi khi chúng ta gọi là bản năng. Và kể cả khi đó là một giọng nói, thì nhiều khi giọng nói ấy cũng chẳng lên tiếng – không giống như bộ não của chúng ta, lảm nhảm không ngừng – và kể cả khi nó lên tiếng thì đôi khi bạn cũng để lỡ mất chúng vì những dòng ngôn ngữ tuôn chảy từ bộ não của bạn.

Điều này không có nghĩa bạn phải tiên đoán trước những gì sẽ xảy ra. Bạn không thể biết được chú ngựa nào sẽ về đích trong cuộc đua lúc 3 giờ 30 ở Chepstow hay đội nào sẽ giành chiếc cúp vô địch. Điều quan trọng là chúng ta sẽ làm gì, chúng ta phải đưa ra những quyết định trọng đại nào, và vì sao chúng ta lại cư xử như thế. Nếu bạn tự hỏi mình, bạn sẽ có câu trả lời.

QUY TẮC 13

KHÔNG SỢ HÃI, KHÔNG KINH NGẠC, KHÔNG DO DỰ VÀ KHÔNG HOÀI NGHI

Những điều này từ đâu mà ra? Đó là của những đấu sĩ samurai từ thế kỷ thứ 17. Đó là 4 điều răn cho một cuộc sống thành đạt – và đạo lý kiếm thuật.

Không sợ hãi

Bạn không nên sợ hãi bất cứ điều gì trên đời. Nếu thực sự có một điều như vậy, bạn cần làm gì đó để vượt qua nỗi sợ hãi của mình. Thú thực là tôi có tật sợ độ cao. Tôi luôn cố tránh những nơi cao nếu có thể. Gần đây, máng nước nhà tôi bị hỏng và tôi phải trèo lên mái nhà – ngôi nhà 3 tầng với một bên mái dốc dài. Răng va lập cập và tôi tự lẩm nhẩm suốt: “Không sợ, không sợ, không sợ” cho đến khi xong xuôi công việc. À, tất nhiên là lúc đó tôi không nhìn xuống đất. Vì thế, dù bạn sợ điều gì, hãy đối mặt với nó và đánh bại nó.

Không kinh ngạc

Dường như cuộc sống đầy rẫy những điều bất ngờ, phải vậy không? Bạn đang bước đi rất suôn sẻ và bỗng nhiên có gì đó chồm đến trước mặt. Nhưng nếu bạn quan sát kỹ bạn sẽ nhận ra những dấu hiệu báo trước trên đường. Và khi đó chẳng còn gì là bất ngờ nữa. Bất kể bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, sớm hay muộn hoàn cảnh đó cũng sẽ thay đổi và chẳng có gì là đáng kinh ngạc. Vậy, tại sao cuộc sống luôn có vẻ như đầy bất ngờ? Bởi gần nửa thời gian chúng ta đều mơ màng. Hãy tỉnh dậy và sẽ chẳng còn gì có thể khiến bạn bất ngờ nữa.

Không do dự

Nếu bạn lưỡng lự, cơ hội sẽ vụt qua. Nếu bạn suy nghĩ quá lâu, bạn sẽ không bao giờ hành động được. Khi đã cân nhắc những lựa chọn, bạn hãy chọn, quyết định và bắt tay làm. Đó là bí quyết. Không do dự nghĩa là không chờ đợi ai đó giúp bạn hay quyết định thay bạn. Không do dự là khi điều gì đó không tránh khỏi sắp xảy ra, hãy đương đầu và hưởng thụ nó. Còn nếu chẳng làm gì cả thì chờ đợi cũng hoài công.

Không hoài nghi

Khi đã quyết định việc gì, đừng nghĩ đi nghĩ lại. Hãy dừng suy nghĩ – thư giãn một chút và bắt tay vào việc. Cũng đừng lo lắng gì. Ngày mai sẽ đến như một điều tất yếu. Chẳng có gì phải hoài nghi về cuộc sống. Chỉ là cuộc sống, vậy thôi. Hãy tự tin, hãy tận tâm một chút. Hãy chắc chắn về bản thân mình. Khi đã hướng mình tới một mục tiêu nào đó, một hướng đi hay một kế hoạch, hãy tuân theo. Đừng hoài nghi liệu đó có phải việc làm đúng đắn hay không và đừng hoài nghi liệu bạn có thành công hay không. Hãy tiếp tục tiến bước và tin tưởng hoàn toàn vào quyết định của bạn.

QUY TẮC 14

ƯỚC GÌ TÔI ĐÃ LÀM NHƯ THẾ VÀ TÔI SẼ LÀM NHƯ THẾ

Hối tiếc ư, cũng có vài lần… Có lẽ bạn mong đợi tôi nói rằng chẳng có chỗ cho sự hối hận hay “giá mà”. Nhưng điều này thật ra rất có ích – nếu bạn lựa chọn chúng để tiến về phía trước theo một cách khác.

Có ba trường hợp cho câu nói: “tôi ước gì tôi đã làm thế”. Trường hợp đầu tiên là khi bạn nhận ra bạn đã bỏ lỡ một cơ hội hay đã bỏ lỡ thứ gì đó. Trường hợp thứ hai là khi bạn thấy ai đó làm điều gì đó thật tuyệt và bạn ước người đó là bạn. Trường hợp cuối cùng không phải trường hợp của bạn mà của người khác – những người luôn nghĩ: “Đáng lẽ mình phải là đối thủ”. Giá như tôi có cơ hội, tôi có may mắn. Nhưng điều tồi tệ với những người thuộc nhóm thứ 3 này là ngay cả khi thần may mắn mỉm cười với họ thì họ cũng sẽ bỏ lỡ cơ may của mình.

Khi nhìn những thành tựu ai đó đạt được, thế giới chia thành hai loại người với hai ánh mắt khác nhau: những người nhìn với ánh mắt ghen tị và những người nhìn với ánh mắt coi đó như động lực cho mình. Nếu bạn nghe mình nói “ước gì tôi cũng làm thế/nghĩ thế/đã ở đó/đã nhìn thấy/đã trải nghiệm nó/đã gặp họ/đã hiểu ra”, thì bạn nên học câu này: “Và giờ, tôi sẽ …”.

THẾ GIỚI CHIA LÀM HAI LOẠI NGƯỜI VỚI HAI ÁNH MẮT KHÁC NHAU: NHỮNG NGƯỜI NHÌN VỚI ÁNH MẮT GHEN TỊ VÀ NHỮNG NGƯỜI NHÌN VỚI ÁNH MẮT COI ĐÓ LÀ ĐỘNG LỰC CHO MÌNH

Nhiều khi, những điều bạn ước không làm hẳn là không thể làm. Chẳng hạn như khi bạn nói: “Ước gì tôi để dành một năm trước khi vào đại học để du lịch Trung Quốc” thì có nghĩa bạn chắc chắn không thể quay ngược thời gian. Nhưng giờ bạn có thể xin nghỉ 6 tháng và thực hiện ước mơ đó chứ? Bạn có thể nghỉ phép lâu hơn một chút và đi du lịch (nếu cần thì đi cùng gia đình)? Hay là lập kế hoạch đặt chuyến du lịch lên hàng đầu trong lịch trình công việc của bạn sau khi nghỉ hưu?

Nếu bạn hối tiếc vì không đạt được huy chương vàng Olympic ở môn chạy 400m vì bạn bỏ tập điền kinh từ năm 14 tuổi, thì đương nhiên điều đó cũng không thể xảy ra khi bạn đã 34 tuổi. Điều bạn có thể làm bây giờ là quyết tâm không để tuột khỏi tay bất cứ cơ hội nào nữa. Vì thế, bạn có thể quyết định đăng ký sẵn ở một lớp học lặn. Bằng cách đó thì 20 năm sau bạn sẽ không phải nói: “Ước gì tôi đã học lặn”.

QUY TẮC 15

HÃY ĐẾM ĐẾN 10 HOẶC CỨ LẨM NHẨM “ÔI, ÔI, CON CHIÊN GHẺ”

Thỉnh thoảng sẽ có ai đó hay điều gì đó khiến bạn bực tức. Nhưng giờ bạn đã là người nắm luật chơi và bạn không được phép để mất bình tĩnh nữa. Vậy phải làm thế nào? Câu trả lời sẽ là một kiến thức quý báu cho bạn. Bạn sẽ tập thói quen đếm đến 10 trong khi hít thở sâu, hy vọng và cầu nguyện cho cơn thịnh nộ sắp đến sẽ lắng dịu. Cách này luôn hữu hiệu với tôi, giúp tôi có được vài giây lấy lại bình tĩnh và nhớ lại tôi đang ở đâu và tôi là ai. Khi đã trấn tĩnh lại, tôi sẽ tìm được hành động thích hợp.

KHI ĐÃ TRẤN TĨNH LẠI, TÔI SẼ TÌM ĐƯỢC HÀNH ĐỘNG THÍCH HỢP

Chuyện đếm đến 10 đó rất quan trọng. “Cổ lỗ sĩ”, có lẽ bạn nói vậy. Đúng thế, nhưng rất hiệu quả. Bạn không thích thế? Vậy bạn có thể tìm ra thứ gì đó để lẩm nhẩm trong khi hít thở sâu, một bài thơ chẳng hạn, nhưng nhớ là thơ ngắn thôi nhé. Vì thế nên tôi gợi ý: “Ôi, ôi, con chiên ghẻ”. Hoặc bạn có thể thử bài này: “Tôi phải đi ra biển lần nữa, đến bãi biển và bầu trời cô độc. Tôi bỏ quần và tất ở đó và chắc chắn chúng sẽ được giữ khô”. Bài thơ đó có thể giúp bạn cười và bạn sẽ bình tĩnh trở lại.

Ai đó hỏi bạn và bạn không chắc về câu trả lời. Bạn hãy đếm đến 10 trước khi trả lời. Họ sẽ cho rằng bạn là người thông thái, hiểu biết và luôn suy nghĩ chín chắn trước khi nói (đừng nói với họ bạn đang đọc một bài thơ nào đó nhé). Đó là cách để “suy nghĩ trước khi nói” – tạm dừng một chút là cách tốt để tránh những rắc rối liên tiếp.

Nếu bạn đang trong một cuộc đối đầu, nhẩm đếm đến 10 sẽ giúp ích rất nhiều. Có một lần tôi vào một tiệm ăn nhanh trong thị trấn. Khi người ta đang phục vụ đồ ăn cho tôi, một người đàn ông có vẻ tốt bụng thầm thì với tôi rằng hãy cẩn thận khi bước ra khỏi cửa. Tôi hỏi lý do và ông ta nói hãy cẩn thận kẻo mấy gã lang thang ngoài cửa đang chực xin đồ ăn của tôi. “Lũ chim đang xếp hàng kìa”, ông ta tiết lộ.

Tôi lo lắng bước ra khỏi cửa – thực ra, không phải lo lắng mà là sợ hãi. Nhưng tôi cài khuy áo khoác, hít một hơi thật sâu và đứng nhìn mấy gã trai trẻ. Tôi đếm đến 10 và liếc mắt nhìn từng đứa sau đó tiến thẳng về phía chúng một cách có chủ đích. Ngay khi tôi đến gần, vẫn lẩm nhẩm đếm đến 10, chúng quay đi và tôi còn lại một mình. Lạy chúa, món cá và khoai chiên mới ngon làm sao!

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button