Kỹ năng mềm

Luyện tinh thần

luyen-tinh-than1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Dorothy Carnegie

Download sách Luyện tinh thần ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KỸ NĂNG MỀM

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng PDF               Download

Định dạng PRC               Download

Định dạng EPUB            Download

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Câu “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn” áp dụng vào ông bà Carnegie thì rất hợp. Cả hai ông bà hồi nhỏ đều nghèo, đều thôi học sớm để mưu sinh, ông thì có thời bán mỡ và xà bông, bà thì làm thư ký đánh máy. Nhưng cả hai đều có tham vọng thành một danh nhân, nên đều tập viết tiểu thuyết. Sau ông sớm nhận rằng viết tiểu thuyết không phải là sở trường của mình, bèn xé hết bản thảo, mở một lớp dạy nói trước công chúng. Được ít năm, công việc có kết quả, ông cưới bà, và bà cũng bỏ luôn cái mộng làm George Sand của Huê Kỳ mà phụ lực ông lập ra Viện Dale Carnegie.

Từ xưa tới nay, khắp thế gian chưa có cơ quan nào chuyên dạy người lớn muốn tự học mà bành trướng mạnh mẽ và danh tiếng vang lừng như viện ấy. Viện lập ra đã 45 năm, đào tạo được 500.000 sinh viên, hiện nay mỗi năm trung bình có 60.000 người trong đủ các giới xin ghi tên vô học những môn: Nói trước công chúng, Luyện ký tính, Tập cách xử thế và phát triển cá tính. Tám trăm hai mươi bảy tỉnh lớn và nhỏ ở Huê Kỳ, Gia Nã Đại và hai mươi nước khác nữa, có chi nhánh của viện. Nhiều trường công và tư của Huê Kỳ, nhất là các trường thương mại và kỹ nghệ đã nhờ viện cộng tác, và trung tâm của Viện đặt ở Nữu Ước dùng hai chục huấn luyện viên để đào tạo chín trăm giáo viên dạy trong những lớp buổi tối ở khắp nơi[1]. Trong phạm vi dạy tư cho người lớn, chưa có sự thành công nào rực rỡ như vậy. Cũng như ông chồng, bà Dale Carnegie vừa dạy học vừa viết sách, tức cuốn Giúp chồng thành công đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Năm 1955, chồng mất, bà thay chồng điều khiển viện, làm Hội Trưởng của viện; vậy mà bà vẫn có thì giờ soạn thêm một cuốn sách nữa, cuốn Luyện tinh thần (Don’t grow old – Grow up!) mà tôi đã xin phép bà dịch ra đây để cống hiến Độc Giả.

Bạn nào đã đọc cuốn Đắc nhân tâm của ông và cuốn Giúp chồng thành công của bà chắc đã nhận thấy rằng từ tư tưởng đến cách hành văn, cách trình bày, hai ông bà như dập một khuôn với nhau. Tuy nhiên, nếu xét kỹ, ta thấy giọng mỗi người có hơi khác. Giọng của ông dí dỏm hơn; giọng của bà có phần nghiêm trang hơn và đôi khi phảng phất một chút buồn.

Trong cuốn Luyện tinh thần này mà bà ký tên là Dorothy Carnegie – Dorothy là tên con gái của bà – giọng đó hiện ra còn rõ ràng hơn trong cuốn Giúp chồng thành công. Về tư tưởng, bà còn muốn vượt mục đích của ông chồng là giúp người đời thành công và sống vui vẻ, mà tiến thêm một bước vào khu vực triết lý để chỉ cho ta cách luyện tinh thần già giặn, tinh thần của kẻ biết coi đời là nghiêm trang nhưng vẫn khoáng đạt, hiểu sự phù du của nhân sinh và những nhược điểm của nhân loại.

Luyện tinh thần cho già giặn là vấn đề căn bản của chúng ta. Xét cho cùng thì những nguyên nhân chánh của những thất bại, đau khổ của ta đều do tinh thần ta non nớt, không hiểu luật của tạo hóa.

Không tự lượng sức mình, không tính toán kỹ lưỡng rồi việc hỏng lại đổ lỗi cho hoàn cảnh, như vậy có khác chi một em bé đứng chưa vững, leo lên ghế mà té rồi rủa cái ghế là làm cho mình té không? Tinh thần non nớt!

Việc đã lỡ xảy ra, không còn cách gì vãn cứu được mà không chịu quên đi, cứ ủ rũ hoài đến hóa đau, cũng là thiếu một tinh thần già giặn.

Nhìn đời mà chỉ thấy toàn những cái xấu xa bỉ ổi; vợ chồng sống với nhau mà mỗi người cứ giữ ý riêng của mình; không giúp đỡ người khác mà lại bắt mọi người phải luôn luôn săn sóc đến mình; yêu con mà không cho chúng tự do phát triển, bắt chúng phải tùy thuộc mình hoài… những thái độ đó và biết bao thái độ vô lý khác nữa, đã gây những tai họa, sầu thảm cho chúng ta, mà nguyên do chỉ tại tinh thần của ta còn non nớt.

Luyện được một tinh thần già giặn đến một mức rất cao tức thị là đã chánh tư duy để diệt cái vô minh theo giáo lý đạo Phật, hoặc đã trí tri để tu thân theo giáo lý đạo Khổng. Danh từ tuy thay đổi nhưng ý nghĩa là một.

Đọc đoạn dưới đây của Dorothy Carnegie, bạn có phảng phất thấy mùi Thiền không?

“Trời không cưng riêng ai (…) Sớm muộn gì đời sống cũng dạy cho ta biết rằng loài người là anh em ruột thịt với nhau trong cái thế giới bình đẳng của đau khổ”.

Và khi bà khen rằng đời đầy những cái đẹp, rằng: “lúc nào ta cũng có thể ngắm cảnh bốn mùa thay đổi, lạ lùng như một phép màu bất tận”, rằng “bất kỳ khó về phía nào, nếu ta đừng để cho lòng bi quan làm mờ mắt ta, ta sẽ thấy biết bao điều chứng tỏ lòng tốt, dễ thương, đại lượng lạ lùng của người khác” thì tôi tưởng đâu như được nghe như giọng một nhà Nho khoáng đạt tin ở đạo nhân của trời đất cùng tính thiện của loài người vậy.

Ta nên cảm ơn bà, một người phương Tây đã nhắc cho ta những tư tưởng thâm thúy cổ truyền đó của phương Đông chúng ta.

Nguyễn Hiến Lê….

ĐỌC THỬ

LỜI NÓI ĐẦU

Trên bàn viết của tôi, có một đoạn cắt trong báo, in mấy hàng chữ này: “Các nhà khoa học ở trường Đại học Chicago đương tìm cách định tuổi của một người theo sự già giặn của tinh thần, chứ không theo niên kỷ. Các nhà đó sẽ thấy rằng rất ít người tinh thần già giặn mặc dầu tuổi tác thì cao.”
Cho tới gần đây, khen ai, ta không dùng tiếng “già giặn.” Bảo một người đàn bà già giặn thì người đó sẽ khó chịu như bị chê là mập, là không lịch sự, là vô duyên.
Đứng về phương diện kinh tế và xã hội, dân tộc Mỹ là dân tộc thích trẻ. Cái mộng trong thâm tâm mỗi phụ nữ là làm sao trẻ hoài như hồi hai mươi lăm tuổi. Tĩnh từ “trẻ trung” đã thành tĩnh từ hiệu nghiệm nhất của các cô bán hàng. Nghệ thuật quảng cáo một phần lớn đặt cơ sở trên thị dục chung của quần chúng là muốn có vẻ trẻ, cảm thấy mình trẻ và hành động như mình trẻ. Thị dục đó ở đàn ông không lộ liễu bằng đàn bà, nhưng đàn ông cũng thích giữ tuổi xuân của họ không kém gì đàn bà. Trong những cuộc chơi “gôn”, ta thấy toàn là những ông ngoại tứ tuần mà chạy toát mồ hôi để cho vóc người đẹp như hồi hai chục tuổi, và họ cũng cữ ăn cho đỡ mập như các bà vợ của họ vậy.
Không phải chỉ hạng người phù phiếm mới bị hai tiếng trẻ trung ám ảnh. Thời này, về phương diện kinh tế, ai cũng cần phải trẻ trung: trong thương mại và kỹ nghệ, phần đông những người 65 tuổi đều bị sa thải[4], và ngoài ba mươi lăm tuổi, khó mà xin được một việc có một số lương khá.
Châu Mỹ là một xứ thích trẻ trung. Ở những xứ văn minh cổ hơn, thì đàn bà quá tuổi trung niên, còn được coi là đẹp, có duyên, và đàn ông quá lục tuần còn được kính trọng là từng trải. Có lẽ thái độ đó của người Mỹ cũng do là một xứ tương đối trẻ trung. Nhưng mặc dầu nguyên do ở đâu, thì kết quả cũng hiển nhiên: người Mỹ ngây thơ không chịu có một tinh thần già giặn, cư xử như người đứng tuổi, thành thử không được hưởng cái lợi của tinh thần già giặn.
Tuổi xuân, dù tươi đẹp thật, chỉ là cái thời dự bị cho thời cao niên. Chỉ là hồi diễn thứ vở kịch trong đời người. Muốn sống trẻ hoài, tức là ngây thơ tìm cách tránh trách nhiệm, không dám nhìn thẳng vào đời sống như một người đứng tuổi.
Muốn già giặn là muốn năng lực của mình phát triển đến cực độ để được dùng nó. Và khi tinh thần ta không phát triển nữa là ta bắt đầu già. Dù chúng ta sáu chục hay chín chục tuổi, mà còn học thêm, còn phát triển thêm các khả năng, còn giúp đời, còn làm được việc ích, còn hưởng vui ở đời, thì chúng ta vẫn còn là đương già giặn, chứ chưa già. Trái lại, dù tuổi tác chưa cao, mà ta đã không tu tiến nữa thì ta cũng là già rồi.
Cuốn này sẽ dắt dẫn bạn trong vài khu vực quan trọng trong đời sống, mà bạn cần có một tinh thần già giặn, như trong khu vực xử thế và xử gia. Nó cũng bàn về ít nhiều thái độ với đời mà tôi cho là cần thiết bực nhất cho một tinh thần già giặn.
Mục đích của tôi là nhấn mạnh vào những ích lợi của một tinh thần già giặn, và chỉ cách luyện tinh thần đó, khuyến khích bạn coi đời là một cuộc tiến lên, chứ không phải là một cuộc đời lùi dần tới suy tàn. Tôi tin rằng ai cũng phải phấn đấu để luyện một tinh thần già giặn và lòng phấn đấu đó phải vượt lên trên những mục đích khác của ta.
Tôi đã ráng tìm những chuyện thật đã xảy ra, để làm thí dụ. Nhân vật trong những chuyện đó phần đông là cựu sinh viên viện Dale Carnegie, trong hai môn: môn Nghệ thuật nói và xử thế, và môn Phụ nữ. Tôi xin cảm ơn những sinh viên đó đã cho phép tôi dùng những kinh nghiệm của họ trong cuốn này.
Tôi mong rằng những ý phô diễn trong những trang ở sau sẽ thay thế triết lý trẻ trung trong quần chúng. Tôi muốn thấy cái thời mà những đức tính về tâm hồn và tinh thần sẽ quyến rũ người ta hơn là một nét mặt son trẻ hoặc những vai u thịt bắp; thời mà mọi người cho rằng được khen là tinh thần già giặn và sáng suốt, thích hơn là được khen là trẻ măng; thời mà ai cũng được làm những việc mình thích và đủ sức làm chứ không bị người khác hất hủi là quá già rồi, phải cho “về vườn” thôi. Nếu thời vui sướng đó tới được thì chúng ta sẽ không sợ tuổi cao nữa. Vì tuổi càng cao thì tinh thần càng già giặn, mà ta sẽ già giặn, chứ không già.

DOROTHY CARNEGIE

Chương I. Đừng đá cái ghế

Một hôm cháu Donna Dale[5], mới chập chững biết đi, kéo chiếc ghế nhỏ của cháu vô bếp và ráng leo lên trên cái máy lạnh. Tôi thấy vậy, vội chạy lại, nhưng không kịp, cháu đã té xuống sàn. Tôi đỡ cháu đứng dậy, và cháu vừa đá mạnh vào chiếc ghế, vừa la: -Cái ghế toi này, mày làm tao té!
Nếu bạn sống chung với trẻ, chắc bạn đã nghe nhiều lần những lời trách móc tương tự như vậy. Trẻ hành động tự nhiên lắm, không suy nghĩ gì cả, cho nên thường trách những vật vô tri hoặc những người vô tội đứng bên đã làm chúng té.
Nhưng người lớn mà cũng hành động vô thức như trẻ, mới là tai hại. Loài người, từ hồi mới sinh ra, đã có thói trách người khác về những thất bại hoặc lỗi lầm của chính mình. Thì chính cụ ông Adam cũng đã tự bào chữa bằng cách đổ lỗi cho cụ bà Eve: “Chính con mụ này xúi tôi, tôi mới ăn trái cấm đó.”
Bước đầu để luyện tinh thần già giặn, là nhận trách nhiệm về mình, nhìn thẳng vào đời và quyết tin rằng mình không còn là một con nít nữa, nếu có trượt chân té thì đừng tìm cái ghế mà đá nó.
Đổ lỗi cho người khác là một việc dễ làm. Trách cha mẹ, chủ hãng, thầy học, các người chung quanh, trách vợ chồng, con cái là việc dễ quá đi. Ta lại có thể trách tổ tiên, trách Chính phủ, trách cả thời vận nữa.
Những người tinh thần còn non nớt, luôn luôn tìm được một lý lẽ nào đó, ở ngoài bản thân họ, tất nhiên để tự bào chữa, khi họ thất bại hoặc gặp tai nạn. Chẳng hạn họ cho rằng tại tuổi thơ của họ cơ cực quá, tại cha mẹ họ nghèo quá hoặc giàu quá, nghiêm quá hoặc khoan quá. Họ có được dạy dỗ đâu, có được săn sóc đâu, luôn luôn đau ốm mà.
Vợ họ hoặc chồng họ không hiểu họ. Họ không bao giờ gặp may mà chỉ toàn gặp rủi. Thật lạ lùng, cơ hồ như cả vũ trụ vào hùa nhau để gây khó khăn cho những kẻ đó. Không khi nào trong đầu họ hiện ra cái ý nghĩ tìm cách thắng trở ngại có phần ích lợi hơn là kiếm cách để bào chữa, để đổ lỗi cho kẻ khác.
Tôi nhớ, sau một buổi học, một sinh viên trong lớp Phụ nữ của tôi, đợi cho bạn ra hết rồi lại gần tôi. Hôm đó tôi đã dạy về cách nhớ tên người. Sinh viên đó bảo tôi: -Thưa bà, xin bà đừng bắt tôi luyện ký tính để nhớ tên người. Tôi xin thú thật, việc đó tôi không thể nào làm được.
Tôi hỏi: -Tại sao vậy?
Cô ấy đáp: -Tại di truyền. Trong nhà tôi, người nào trí nhớ cũng kém. Ba, má tôi truyền lại tật đó cho tôi. Rồi bà sẽ thấy, về điểm đó, tôi không làm được việc gì nên thân đâu.
Tôi bảo cô ta: -Này cô, không phải di truyền đâu, mà tại tật làm biếng đấy. Trách gia đình vẫn dễ hơn là gắng sức luyện ký tính. Cô ngồi xuống đây, tôi sẽ chỉ cho cô.

Trong mười phút, tôi chỉ cho cô ta tập nhớ những tên dễ, và nhờ tập trung tư tưởng, cô nhớ được hết. Cũng phải mất một thời gian mới gột được óc cô, cho cô bỏ cái ý rằng cô không thể luyện trí nhớ hơn tổ tiên cô được. Nhưng tôi lấy làm mừng rằng tôi đã thành công và rốt cuộc, cô chịu luyện trí nhớ, chớ không tự bào chữa một cách vô ý thức nữa.
Làm cha mẹ thời này mà chỉ bị con trách về tật kém trí nhớ, thì còn may đấy. Hình như người ta có cái “mốt” trách cha mẹ về mọi việc, từ những việc thất bại trong đời tới cái sự rụng tóc sớm, nhất nhất đều là lỗi tại các cụ cả.
Chẳng hạn tôi biết một thiếu nữ đã nói trắng trợn rằng vì mẹ mà đời mình hư hỏng. Bà mẹ goá khi cô ta còn bồng trên tay. Bà phải làm lụng nuôi con. Nhờ khôn khéo và chịu cực, bà thành công trong việc làm ăn, bà cưng con gái, săn sóc kỹ lưỡng, dạy dỗ đàng hoàng. Vậy mà bạn thử đoán xem, cô ta trách bà mẹ cái gì? Thưa, trách sự thành công của mẹ!
Tôi nghiệp, cô than thân rằng tuổi trẻ của cô bị thiệt hại, vì một mặc cảm mà cô gọi là “mặc cảm ganh đua” với mẹ. Bà mẹ nghe vậy, chưng hửng ra, bảo: “Thật là tôi không hiểu chút gì hết. Tôi cực khổ làm ăn bao nhiêu năm nay là mong cho đời của con tôi khỏi khổ như đời tôi hồi trước mà bây giờ hoá ra là làm cho nó có một mặc cảm!”
Bạn thử nghĩ con cái như vậy, có đáng đánh đòn không chứ!
George Washington sinh ra trong một gia đình giàu có, sang trọng, mà sau cũng làm nên, chứ không hề than vãn như cô nọ là bị mặc cảm ganh đua mà hại một đời. Abraham Lincoln, trái lại, sanh trong một gia đình nông dân cực khổ tại một miền hẻo lánh gần biên giới mà cũng vượt lên khỏi nghịch cảnh đó.
Lincoln có tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ đến nỗi năm 1864, ông tuyên bố: “Tôi chịu trách nhiệm với dân tộc Mỹ, với thế giới công giáo, với lịch sử và với Thượng Đế.”
Chưa có lời thú tội nào can đảm hơn. Và chúng ta chưa thể tự hào có một tinh thần già giặn, nếu chưa dám nhận trách nhiệm trước loài người và trước Thượng Đế với một tinh thần như vậy.
Một cách dễ dàng nhất, mà cũng thường dùng nhất, để tránh trách nhiệm về lỗi của ta, là chạy lại kiếm một nhà phân tâm học, để nhờ phân tích tâm lý ta xem do những di truyền hoặc mặc cảm nào mà ta mắc những lỗi đó.
Cách đó cũng là một cách mắc tiền nhất. Nếu bạn dư tiền thì cứ theo nó.
Khoa phân tâm học mới xuất hiện đây[6]; nhưng từ nào tới giờ, loài người vẫn luôn luôn tìm mọi cách để trút lỗi.
Hồi xưa, người ta đổ lỗi cho các vì sao; ở thế kỷ 16, hễ gặp tai nạn hay thất bại là người ta nói: “Sao bổn mạng của tôi là một hung tinh” hoặc: “tuổi của tôi là con trâu, cực khổ suốt đời.”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button