Kỹ năng mềm

Cân Bằng Mong Manh

can-bang-mong-manh-rohinton-mistry1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Rohinton Mistry

Download sách Cân Bằng Mong Manh ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  Kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Khi tôi yêu cầu những người bạn Ấn Độ của tôi nêu tên một cuốn tiểu thuyết đương đại thật hay về Ấn Độ, cái tên Cân bằng mong manh thường được nhắc đến.

Mùa hè năm 2013, tôi sang Ấn Độ lần đầu và ở hơn một tuần tại Bombay – thành phố được Rohinton Mistry dùng làm bối cảnh cho tiểu thuyết Cân bằng mong manh. Hai tuần ngang dọc thành phố, tôi có cảm giác như sống trong một giấc mơ sắc màu: vây quanh tôi là những tấm sari sặc sỡ, những khoảng vai, cổ và cánh tay rám nắng, những trang sức lóng lánh, những tấm khăn dài hờ hững trùm lên suối tóc đen của những thiếu nữ Ấn Độ. Nhưng cũng chính ở Bombay, tôi không sao thoát khỏi cảm giác tất cả những người tôi nhìn thấy – người đàn ông bán cá dạo trong các khu chung cư, lũ trẻ tắm truồng trong khu ổ chuột bên sông, những người đàn bà bán hoa quả trong chợ, người dạy xiếc khỉ dọc bờ biển, các bà già quỳ rạp người trong các đền thờ, hay những phụ nữ giúp việc lặng lẽ trong các gia đình – đều là những nhân vật mà tôi đã gặp ở Cân bằng mong manh. Từng người trong số họ đều mang những câu chuyện đời thăm thẳm, là những người kể chuyện và nhà triết học đời sống tuyệt vời.

Một cuốn tiểu thuyết có khả năng bắt được cuộc sống thật rồi làm bạn nhìn cuộc sống thật khác đi như Cân bằng mong manh dĩ nhiên là đáng đọc.

Sách lấy bối cảnh là những thay đổi của Ấn Độ vào giữa thế kỷ 20, đặc biệt là khoảng đầu thập kỷ 70 khi chính phủ của thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, trong một nỗ lực cứu mình khỏi bị mất quyền, đã ban bố một Tình trạng Khẩn cấp quốc gia. Trong thời kỳ khẩn cấp này, nhiều đảng phái và nhóm hoạt động chính trị bị bắt và bỏ tù, báo chí bị kiểm soát ngặt nghèo, nhưng đặc biệt nhất là một chiến dịch cưỡng chế triệt sản lạ lùng cộng với việc phá các khu ổ chuột để “làm đẹp” đất nước. Trên cái nền lịch sử đó, bốn cuộc đời với bốn xuất thân khác nhau đã hội tụ: Dina, một phụ nữ thuộc tầng lớp trên, muốn sống độc lập với người anh lắm điều sau khi chồng qua đời bằng cách gia công quần áo tại nhà; Maneck, một sinh viên đến ở trọ nhà Dina trong lúc theo học đại học; và hai bác cháu Ishvar và Om vốn xuất thân từ tầng lớp “hạ tiện” của xã hội đến làm thợ may thuê cho Dina.

Họ gặp nhau trong căn hộ của Dina, biến căn hộ đó thành một gia đình bất đắc dĩ nhưng đầm ấm. Có điều, sự đầm ấm không kéo dài. Những cơn gió lịch sử của thời kỳ khẩn cấp nhanh chóng thốc vào, cuốn họ lên và quăng quật họ trong bất định.

Bỗng nhiên, mỗi ngày của Ishvar, Om, Maneck, và Dina cùng với triệu triệu người Ấn Độ khác chỉ còn thu lại trong những ám ảnh triền miên: ở chỗ nào, ngủ tại đâu, ăn gì, làm thế nào sống sót, để không bị mang đi “triệt sản”? Bất hạnh rơi xuống đầu họ không ngơi nghỉ trong một đất nước mà công bằng và quyền cá nhân tạm thời không tồn tại và không miễn trừ ai nhưng đặc biệt tàn nhẫn với những người ở tầng đáy. Phẩm giá – và sự vị tha cùng hài hước – bỗng nhiên trở nên quá xa xỉ nhưng cũng vì thế mà càng quý giá. Kết thúc truyện, Dina rút cục đã phải trở về nhà sống dưới sự bảo trợ của anh trai; Ishva và Om trở nên hai người ăn xin què quặt sau khi bị cưỡng chế triệt sản; và Maneck, trong một cơn tuyệt vọng sau khi gặp lại Ishvar và Om, đã lao vào tàu hỏa tự tử như Anna Karenina của Tolstoy.

Cân bằng mong manh là một cuốn sách không khoan nhượng khi nói về thân phận con người; vì thế mà nhiều nhà phê bình đã ví nó với các tác phẩm của Charles Dicken hay Leo Tolstoy. Một cuốn sách buồn nhưng cũng lấp lánh hy vọng – thứ hy vọng thực chứ không phải hy vọng của văn chương tô hồng. Rohinton Mistry đã rất tỉ mỉ, kiên nhẫn, vững vàng trong lột tả những định dạng khác nhau của sự thống khổ giống nhau và khao khát giống nhau khi làm người. Khi theo chân bốn nhân vật của cuốn sách này trong lúc câu chuyện cuộc đời họ mở dần, bạn chắc chắn sẽ lo lắng cho họ, khóc cười với họ như thể khóc cười cho người thân của mình hay cho chính mình. Không khác họ, mỗi chúng ta có lẽ đều đang cố gắng hết sức để tìm và duy trì một điểm cân bằng mong manh cho cuộc sống của mình – giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa hạnh phúc và bất hạnh, giữa cái có nghĩa và vô nghĩa, giữa cái thuộc về mình và cái thuộc về họ. Theo nghĩa đó, mỗi cuộc đời trở thành một kiệt tác vĩ đại, đáng trọng và đáng thương như nhau.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc của tủ sách “Cánh cửa mở rộng” tiểu thuyết Cân bằng mong manh của Rohinton Mistry qua bản dịch của Nguyễn Kim Ngọc.

PHAN VIỆT

Mở đầu: Năm 1975

CHUYẾN TÀU SÁNG PHÌNH CỨNG KHÁCH lăn bánh chậm dần, rồi bất thần lao về phía trước, như thể sắp lấy lại tốc độ tối đa. Khoảnh khắc lừa phỉnh ngắn ngủi của con tàu khiến toàn bộ hành khách một phen rúng động. Cả búi người đang bấu víu ngoài cửa phồng ra, nom phát sợ, hệt như một cái bong bóng xà phòng đã căng hết sức.

Bên trong toa tàu, Maneck Kohlah bám vào thanh ngang trên đầu, đứng vững vàng giữa đám đông chật như nêm. Cậu bỗng cảm thấy khuỷu tay ai đó huých mấy cuốn sách bật khỏi tay mình. Ở mấy ghế gần đấy, một cậu trai trẻ gầy nhom lao dúi dụi vào vòng tay người đàn ông đối diện. Mấy cuốn sách của cậu rơi vào người họ.

“Au!” Bị cuốn giáo trình tập một nện vào lưng, cậu trai kêu oai oái.

Vừa cười, hai bác cháu vừa đẩy nhau ra. Ishvar Darji[1], người đàn ông có bên má trái méo mó, đỡ cháu rời khỏi lòng mình và ngồi lại xuống ghế. “Cháu có sao không, Om?”

“Lưng cháu bị lõm tí thôi, còn thì ổn cả.” Omprakash Darji nói, đoạn cúi xuống nhặt hai cuốn sách bọc giấy nâu. Cậu khệ nệ nâng chúng lên bằng cả hai bàn tay khẳng khiu và nhìn quanh để xem ai vừa đánh rơi.

Maneck vội nhận lại. Chỉ hình dung hai cuốn sách giáo khoa nặng trịch giáng xuống cái sống lưng mỏng mảnh kia cũng đủ khiến cậu rùng mình. Cậu bỗng nhớ đến con chim sẻ từng bị cậu chọi đá chết, từ lâu rồi; sau lần đó, cậu cứ thấy lờm lợm.

Cậu cuống quýt xin lỗi: “Tôi xin lỗi, mấy cuốn sách tuột ra và…”

“Đừng ngại,” Ishvar ngắt lời. “Có phải lỗi của cậu đâu.” Đoạn ông quay sang cháu: “May mà không bị ngược lại, nhỉ? Giá bác mà ngã vào người mày, chắc mày đến gãy xương chứ chả chơi.” Họ lại cười ồ lên, Maneck cũng cười, để trợ lực cho lời xin lỗi của mình.

Thân hình Ishvar Darji cũng chẳng phương phi gì, song sự đối lập của nó với những bắp thịt nhẳng cù nheo của Omprakash đã khơi mào cho lời bông đùa giữa hai bác cháu về cân nặng của ông bác. Những lời châm chọc khi thì nảy ra từ miệng người này, lúc thì bật từ miệng người kia. Khi họ ăn bữa tối, Ishvar luôn cố sẻ phần hơn vào chiếc đĩa men của thằng cháu. Lúc tạt vào một quán ăn ven đường, ông chỉ rình đến lúc Omprakash đi uống nước hoặc vào nhà xí là vội gạt một phần thức ăn của mình sang đĩa bên cạnh.

Lỡ Omprakash có nói gì, Ishvar mắng át đi ngay: “Đến lúc bác cháu ta về làng, bà con họ hàng sẽ nói sao đây? Rằng lên thành phố, bác bỏ đói thằng cháu và chén sạch thức ăn hả? Ăn đi, ăn đi! Bác phải vỗ béo mày mới được, không thì còn đâu danh tiếng của bác nữa!”

“Bác lo gì chứ,” Omprakash đá lại. “Chỉ cần danh tiếng của bác to bằng phân nửa người bác, cháu tưởng cũng đủ mát mặt lắm rồi.”

Dẫu vậy, cơ thể Omprakash vẫn bất chấp mọi nỗ lực của ông bác và giữ nguyên hình hài của một que tăm. Số kiếp của hai bác cháu cũng vậy, cứ mãi mang một bộ mặt nghèo nàn đói rách, và cái ngày được rạng mày rỡ mặt trở về làng vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời.

Con tàu đi về phía nam lại chạy chậm dần. Cùng một tiếng xì hơi, các thanh ghi lạch xạch dừng hẳn. Tàu đang đỗ giữa đường. Ống phanh hơi vẫn còn thở phì phò mất một lúc rồi mới ngưng bặt.

Omprakash ghé mắt nhìn qua cửa sổ để xem họ dừng ở đâu. Những mái lều lụp xụp nằm phía xa xa bên kia hàng rào đường sắt, chảy dọc theo đó là một mương nước đen ngòm. Lũ trẻ đang chơi trò gì đó với mấy cây gậy và vài cục đá. Một chú chó nhỏ hớn hở nhảy nhô nhảy nhếch xung quanh, cố nhập bọn với chúng. Ngay gần đấy, một người đàn ông đang xoay trần vắt sữa cho bò. Đây có thể là bất cứ đâu.

ĐỌC THỬ

Mùi phân đốt cay xè tràn về phía con tàu. Ngay ở phía trước, một đám người đã bu lại gần đường giao cắt. Vài người còn nhảy hẳn xuống và bắt đầu đi bộ dọc đường ray.

“Mong sao ta đến kịp,” Omprakash nói. “Nhỡ có người đến trước là bác cháu mình toi luôn đấy.”

Maneck Kohlah hỏi họ còn phải đi xa nữa không. Ishvar nói tên ga. “Ô, tôi cũng xuống đấy,” Maneck ồ lên, ngón tay mân mê mấy sợi ria mép lơ thơ.

Hi vọng nhìn thấy một chiếc đồng hồ đeo tay, Ishvar đưa mắt quét khắp rừng cánh tay đang giơ lên trần. “Có ai biết mấy giờ rồi không?” Ông quay lại hỏi một người đứng phía sau. Anh này kéo tay áo xuống một cách điệu nghệ, để lộ ra chiếc mặt đồng hồ: chín giờ kém mười lăm.

“Nào, hô, đi tiếp đi chứ!” Omprakash kêu lên, tay vỗ bành bạch xuống khoảng ghế giữa đùi mình.

“Không ngoan bằng lũ bò thiến ở làng mình, nhỉ?” Bác cậu nói. Nghe thế, Maneck cười phá lên. Ishvar đế thêm rằng quả thực, từ hồi ông còn bé tí, làng họ chưa thua một cuộc đua xe bò nào mỗi khi có hội thi.

“Cứ tống cho con tàu này một liều thuốc phiện là nó chạy nhanh như bò ngay,” Omprakash nói.

Một người bán lược luồn lách giữa khoang tàu chật cứng, tay gảy liên hồi lên hàng răng nhựa của chiếc lược to đùng. Ai nấy đều quay ra càu nhàu rủa xả, khó chịu vì sự xuất hiện của anh ta.

“Ê!” Omprakash vội kêu lên để thu hút sự chú ý của anh ta.

“Dây buộc tóc nhựa, siêu dai siêu bền, kẹp tóc nhựa, hình hoa, hình bướm, lược màu, không bao giờ gãy.” Người bán lược rao bằng giọng đều đều kém mặn mà, chừng như không chắc đó là một khách hàng thực sự, hay chỉ là trò giết thì giờ của một gã hay đùa. “Lược lớn lược bé, lược hồng, lược cam, hạt dẻ, xanh lục, xanh lơ, vàng… không bao giờ gãy.”

Omprakash đưa lên tóc chải thử một lượt mấy chiếc rồi chọn một cái màu đỏ, loại nhét vừa túi. Cậu thọc tay vào quần và lôi ra một đồng xu. Người bán lược phải ăn đủ những cái huých vai, thúc cùi chỏ thô bạo trong khi loay hoay tìm tiền trả lại. Anh ta lấy tay áo chùi sạch dầu tóc bám trên những chiếc lược không được chọn rồi cất trở lại túi xách, nhưng vẫn giữ trong tay chiếc lược răng kép to kếch để có thể tiếp tục luồn lách êm thấm giữa khoang tàu đông nghịt.

“Thế cái lược vàng của mày đâu rồi?” Ishvar hỏi.

“Gãy đôi rồi ạ.”

“Sao mà gãy?”

“Cháu để ở túi quần sau, rồi lỡ ngồi lên.”

“Ai lại để lược ở đấy bao giờ! Lược là để dành cho đầu, Om ạ, chứ đâu phải để cho mông.” Ông luôn gọi cậu cháu là Om, chỉ khi nào cáu lên, ông mới gọi hẳn tên Omprakash.

Ông day day cằm Omprakash. Nhiều lúc, tuổi tác của đôi bên – bốn mươi sáu và mười bảy – dễ khiến người ta hiểu nhầm về mối quan hệ thực sự giữa hai bác cháu. “Cười lên đi, Om. Cái miệng cau có của mày thật chẳng hợp với kiểu tóc người hùng này tí nào.” Ông nháy mắt với Maneck để kéo cậu vào trò đùa. “Nhìn mớ tóc bồng bềnh này, chả khối cô chết mê chết mệt mày ấy chứ. Nhưng đừng lo, Om ạ, bác sẽ chọn cho mày một cô vợ ra trò. Một cô to vâm, khỏe mạnh, có đủ da thịt cho cả hai người.”

Omprakash nhe răng cười và tự thưởng cho mái tóc mình vài đường chải chuốt bằng chiếc lược mới mua. Đoàn tàu vẫn không tỏ vẻ gì là sẽ chuyển bánh. Những người vừa lang thang bên ngoài đã trở lại với cái tin rằng người ta vừa tìm thấy một cái xác ngay cạnh đường ray, gần chỗ giao cắt. Maneck cố nhích dần về phía cửa để nghe ngóng. Chết kiểu này vừa nhanh, vừa gọn, cậu nghĩ bụng, miễn là tàu phải tông thẳng vào người.

“Chắc vụ này có liên quan gì đó đến Tình trạng khẩn cấp,” ai đó lên tiếng.

“Cái gì khẩn cấp cơ?”

“Thủ tướng mới phát biểu trên đài sáng sớm nay. Rằng nước ta đang gặp mối đe dọa từ bên trong gì đó.”

“Dào, lại thêm một trò mèo của chính phủ thôi.”

“Sao ai muốn chết cũng nhất quyết đòi đâm đầu vào tàu hỏa thế nhỉ?” Một người khác cằn nhằn. “Chẳng biết nghĩ cho những người như chúng ta gì cả. Giết người, tự tử, chết vì mấy trận khủng bố của bọn phiến quân Naxal, chết trong phòng giam của cảnh sát, cái quái gì cũng làm chậm tàu hết. Còn thuốc độc, nhảy lầu, rồi dao nữa đấy, sao không dùng?”

Cuối cùng, tiếng gầm rú được mong chờ từ lâu cũng vang dậy, khuấy động suốt mấy toa tàu, cả dải xương sống thép của đoàn tàu rùng rùng chuyển mình. Niềm vui khiến khuôn mặt các hành khách tươi tỉnh hẳn. Khi những toa tàu bò qua đường giao cắt, ai nấy đều cố nghển cổ lên để xem nguyên nhân gây ra sự chậm trễ vừa qua. Ba cảnh sát mặc sắc phục đứng bên cạnh cái xác được che đậy vội vã, đang chờ đợi cuộc chu du đến nhà xác. Vài hành khách khẽ chạm lên trán hoặc chắp hai tay lại và lầm rầm khấn: “Ram, ram.”

Maneck Kohlah ngồi xuống sau lưng hai chú cháu, họ xuống sân ga cùng nhau. “Xin lỗi,” cậu nói, đoạn lấy trong túi ra một lá thư. “Tôi mới lên thành phố lần đầu, cậu và bác làm ơn chỉ đường cho tôi tới địa chỉ này được không?”

“Cậu hỏi nhầm người rồi,” chưa cần đọc giấy, Ishvar đã đáp luôn. “Chúng tôi cũng mới lên đây thôi.”

Nhưng Omprakash đã kịp liếc nhìn lá thư và kêu lên: “Ô, cũng là nhà ấy đấy!”

Ishvar vội lôi từ trong túi mình ra một mảnh giấy nhàu nát và so thử. Cháu ông nói đúng, giống hệt: Dina Dalal, tiếp đến là địa chỉ.

Omprakash đột nhiên đổi giọng thù địch: “Sao cậu lại đến nhà cô Dina Dalal? Cậu là thợ may à?”

“Tôi? Thợ may gì? Không, cô ấy là bạn của mẹ tôi.”

Ishvar bèn vỗ vai cháu. “Thấy chưa, cháu chỉ sợ bóng sợ gió thôi. Đi nào, ta đi kiếm nhà đó đi!”

Maneck không hiểu hai bác cháu nói thế là có ý gì, mãi đến khi ra khỏi ga, Ishvar mới giải thích: “Chả là, tôi và Om là thợ may. Cô Dina Dalal rao có việc cho hai thợ, nên chúng tôi đến xin làm.”

“Cậu tưởng tôi đến đấy để cướp việc của cậu, phải không?” Maneck mỉm cười. “Đừng lo, tôi chỉ là sinh viên thôi. Mẹ tôi và cô Dina Dalal từng học cùng trường. Cô ấy cho tôi ở trọ vài tháng, vậy thôi.”

Họ hỏi đường một người bán trầu cau, rồi đi theo con phố đã được mách. Omprakash vẫn chưa hết nghi ngờ. “Cậu bảo sẽ ở với cô ấy vài tháng, thế đồ đạc, của nả của cậu đâu hết rồi? Sao chỉ mang mỗi hai cuốn sách thế này?”

“Hôm nay tôi chỉ đến gặp cô ấy thôi. Tháng sau tôi mới chuyển đồ từ kí túc xá vào.”

Họ gặp một người ăn mày nằm phủ phục trên cái bệ gỗ nhỏ có gắn bánh xe, giúp nâng ông ta lên cao hơn mặt đất độ dăm phân. Các ngón giữa cùng ngón cái của ông đã chẳng còn, mà đến hai chân cũng cụt đến tận mông. “Ới chú ơi, cho lão xin một xu[2]!” Ông kêu, hai bàn tay băng bó chằng chịt lắc lắc cái ống bơ thiếc. “Ới chú ơi! Làm ơn làm phước cho lão một xu!”

“Từ lúc lên thành phố đến giờ, bác chưa thấy ai thảm bằng người này,” Ishvar nói, hai người kia cũng gật đầu đồng tình. Omprakash bèn dừng lại để thả một xu vào bơ.

Họ băng qua đường và hỏi lại hướng đi. “Tôi đã sống ở đây được hai tháng rồi,” Maneck nói, “nhưng thành phố này vừa to vừa lộn xộn. Chỉ có mấy phố lớn may ra tôi còn nhận mặt được. Còn các ngõ nhỏ trông cái nào cũng như nhau.”

“Bọn tôi còn lên đây được sáu tháng rồi kia, mà cũng có hơn gì cậu đâu. Hồi mới tới, hai bác cháu cứ gọi là rối tinh rối mù hết cả. Lần đầu tiên còn chả lên nổi tàu, phải bị lỡ đến hai, ba chuyến rồi bọn tôi mới học được cách chen đấy.”

Maneck nói mình ghét nơi này, và chỉ mong đến lúc được trở về miền núi quê nhà vào năm sau, khi cậu đã tốt nghiệp khóa học.

“Bác cháu tôi cũng chỉ lên đây một thời gian ngắn thôi,” Ishvar nói. “Kiếm ít tiền rồi lại về làng. Thành phố to thế này thì được tích sự gì? Vừa ồn vừa đông, chả biết ở chỗ nào, nước thì hiếm, đâu cũng thấy rác. Sợ thật.”

“Làng tôi cách đây xa lắm,” Omprakash tiếp lời. “Muốn về đến nơi cũng phải mất nguyên một ngày đi tàu, từ sáng sớm đến tối đêm.”

“Nhưng kiểu gì chúng tôi cũng về,” Ishvar nói. “Chẳng đâu bằng ở nhà mà lị.”

“Nhà tôi ở phía bắc,” Maneck nói. “Phải mất một ngày đêm, với thêm một ngày nữa, mới tới nơi. Ở đấy, đứng cửa sổ mà nhìn ra còn thấy cả đỉnh núi tuyết phủ đấy.”

“Gần làng tôi có một con sông chảy qua,” Ishvar kể. “Nước sáng lấp lánh, sóng hát rì rào. Cảnh đẹp lắm.”

Trong chốc lát, họ chỉ lặng lẽ bước đi, chìm đắm trong nỗi tương tư quê nhà. Omprakash phá vỡ bầu không khí im lặng bằng cách chỉ vào một quầy bán nước dưa hấu. “Trời nóng thế này mà được một cốc kia thì sướng phải biết!”

Người bán hàng cầm chiếc muôi đưa vào bình, khuấy động những viên đá đang bập bềnh giữa một biển nước màu đỏ sậm. “Ta vào làm vài cốc đi,” Maneck rủ. “Trông ngon quá.”

“Bác cháu tôi xin phép,” Ishvar vội nói. “Chúng tôi ăn sáng vẫn còn no.” Omprakash lập tức xóa bỏ mọi dấu hiệu thèm khát trên khuôn mặt mình.

“À vâng,” Maneck đáp vẻ băn khoăn, đoạn cậu gọi một cốc đại. Cậu nhìn hai người thợ may đứng đó, mắt nhìn lảng đi, không dám hướng vào cái bình đầy cám dỗ hay cốc nước mát lạnh trên tay cậu. Cậu thấy khuôn mặt mệt mỏi của họ, thứ quần áo tồi tàn họ mang trên người cùng đôi dép lê mòn vẹt.

Cậu uống nửa cốc rồi nói: “Tôi no quá. Bác với cậu uống giúp nhé?”

Cả hai đều lắc đầu.

“Bỏ đi thì phí quá.”

“À, vậy thì được,” Omprakash nói và cầm lấy cốc nước. Cậu uống vài hớp rồi đưa cho bác.

Ishvar tu một hơi cạn sạch rồi trả cốc lại cho người bán. “Ngon thật,” ông nói, mặt tươi tỉnh khoan khoái. “Cậu tốt quá, lại còn cho chúng tôi uống cùng nữa. Nước mát lắm, cảm ơn cậu.” Cháu ông cau mày nhìn bác, chừng như để ghìm bớt sự hưng phấn của ông.

Chỉ chút nước quả mà họ đã cảm kích đến vậy, Maneck thầm nghĩ, những con người này thèm khát một cử chỉ tử tế biết bao.

Trên cánh cửa hành lang có một tấm biển đồng đề: Ông bà Rustom K. Dalal, những con chữ dày hẳn lên sau bao năm trời bị ôxy hóa. Dina Dalal ra mở cửa và nhận lấy mẩu giấy nhàu nát có chữ viết tay của chính mình.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button