Kỹ năng mềm

Bí Quyết Thành Công Sinh Viên

Bi quyet thanh cong sinh vien1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả :  Đang cập nhật

Download sách Bí Quyết Thành Công Sinh Viên ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  Kỹ năng học tập

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Các tác giả quyển sách này từng là những Sinh viên giỏi và hiện đang là giảng viên Đại học uy tín, đầy nhiệt huyết. Chính vì vậy những nội dung được trình bày trong sách đề cập đến nhiều vấn đề mà Sinh viên thường gặp phải, từ phương pháp học tập cho đến rèn luyện các kỹ năng hỗ trợ, thậm chí cả việc “săn” học bổng và tìm đường du học.

Điều quan trọng và thú vị ở đây là sau khi nêu ra vấn đề, các tác giả đều đưa ra những biện pháp giải quyết vấn đề một cách rất “Sinh viên” trong việc làm thế nào để có những kỹ năng mềm hết sức cần thiết cho một Sinh viên hiện đại như nghe, ghi chú, học ngoại ngữ, sử dụng Internet…

Tựa sách là “Bí quyết thành công Sinh viên”, nhưng theo tôi, các em học sinh Trung học phổ thông sắp bước vào giảng đường Đại học cũng có thể sử dụng như là một cách tiếp cận với phương pháp học Đại học, vốn khác rất xa so với cách học ở bậc Trung học phổ thông. Khi đọc hết những trang cuối cùng, người đọc sẽ thấy bí quyết mà các tác giả đưa ra tập trung vào ba điểm chính: 1. Biết đặt mục tiêu học tập cho đúng, 2. Có phương pháp và có kế hoạch thực hiện hiệu quả mục tiêu đã đặt ra và 3. Có ý chí quyết tâm và tự tin theo đuổi đến cùng kế hoạch của mình.

Chặng đường học tập ở bậc Đại học không mấy dài, nhưng là chặng đường quan trọng trong đời người trí thức. Quyển sách này, với trải nghiệm của chính những người đã đi qua chặng đường đó, chắc chắn rất hữu ích cho các Sinh viên, giúp các bạn rút ngắn hơn con đường đi đến thành công trong học tập để trở thành người trí thức trẻ có năng lực thực sự.

HÀNH TRÌNH ĐẠI HỌC

Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện.

Vijaya Lakshmi Pandit

Nhiều bạn trẻ đã nỗ lực bằng mọi giá để trở thành Sinh viên Đại học, để có mặt ở giảng đường Đại học với khát vọng tìm kiếm một tương lai tươi sáng. Nhưng tương lai tươi sáng thường chỉ thật sự hiện ra nếu các bạn khám phá được hết tiềm năng của mình. Và hành trình Đại học với đòi hỏi quan trọng nhất là tiếp cận được tinh thần Đại học sẽ giúp các Sinh viên nhận ra điều đó.

Làm quen với tinh thần Đại học

Học tập là một hành trình dài – hành trình suốt đời. Song có lẽ, học Đại học luôn là chặng đường tích lũy nhiều giá trị nền tảng nhất và mang theo nhiều cảm hứng đặc biệt nhất trong suốt cuộc đời chúng ta. Không phải vì Đại học là bậc học cao hơn các bậc học trước đó, mà là vì bắt đầu ở chặng đường này, các Sinh viên trẻ tuổi sẽ được hấp thu giáo dục theo một triết lý hoàn toàn mới so với bậc phổ thông: triết lý giáo dục mà nhiều người vẫn gọi là tinh thần Đại học.

Liệu ý kiến của những Sinh viên trẻ, không tên tuổi có được lắng nghe và chấp nhận? Liệu họ có được tạo cơ hội phát triển ngay khi còn ngồi ở ghế nhà trường? Câu trả lời chính là một trong những vấn đề mấu chốt của tinh thần Đại học, cho thấy trường Đại học cần phải là nơi có một cộng đồng khoa học đông đảo với tinh thần khoa học thực thụ. Giới Đại học, bao gồm đội ngũ cán bộ giảng dạy và cả Sinh viên, luôn được xem là những người tiên phong, đi đầu trong việc đề xuất các tư tưởng, khuynh hướng nghiên cứu, các giải pháp cho xã hội; hoặc ít ra là, ở mức độ thấp hơn, giới đại học luôn đi tiên phong trong việc ứng dụng và cập nhật các nghiên cứu của thế giới vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống. Đề cao sự sáng tạo và khả năng phát hiện ra cái mới là một giá trị cốt lõi của tinh thần Đại học. Xã hội luôn kỳ vọng trường Đại học là nơi sẵn có không gian đối thoại, cơ hội cọ xát tư duy và sự tôn trọng chân lý. Nói đến tinh thần Đại học, không thể không nhắc đến Wilhelm von Humboldt – người được xem là đã đặt những nền móng quan trọng cho việc cải cách Đại học Đức nói riêng và nền Đại học phương Tây nói chung từ năm 1810, người đã đi vào lịch sử Đại học thế giới với đề án “Cải cách tổ chức từ bên trong và bên ngoài các cơ sở khoa học cấp cao ở Berlin”.

Tinh thần Đại học có thể khái quát dựa trên ba từ khóa cơ bản: Tư duy (chứ không phải học thuộc lòng) – Khái quát hóa, phổ quát (chứ không phải chỉ nhìn thấy những điều cá biệt) – Tự do(cá nhân được tạo điều kiện, được khích lệ để thể hiện quan điểm, năng lực, tài năng của mình).

Trải nghiệm đáng giá nhất khi bạn bước vào Đại học là bạn sẽ có cơ hội trưởng thành nhờ được rèn luyện trong một môi trường đề cao tư duy phản biện, sự sáng tạo và khả năng tìm kiếm, phát minh cái mới. Thay đổi thói quen của một học sinh phổ thông vốn phụ thuộc vào việc cung cấp kiến thức giáo khoa của nhà trường để trở thành một Sinh viên thấu triệt tinh thần Đại học đòi hỏi tư duy độc lập, sáng tạo. Và đây sẽ là thử thách quan trọng trong hành trình Đại học của bạn.

Có thể bạn đã quen với mục tiêu “học để biết, học để hiểu” ở bậc phổ thông, dù giờ đây không ít trường phổ thông đã đòi hỏi ở học sinh nhiều hơn mục tiêu đó. Các kiến thức giáo khoa yêu cầu bạn phải biết, phải hiểu được những điều mà sách vở và nhà trường đã lựa chọn để cung cấp cho bạn. Điểm khác biệt cơ bản nhất của biết vàhiểu là bạn phải có khả năng trình bày lại vấn đề, nhất là trong các bài thi, kỳ thi quan trọng.

Bước vào Đại học, mục tiêu học tập cao sẽ được nâng cao hơn và trở thành các chuẩn mực tốt nghiệp. Bạn sẽ được yêu cầu “học để áp dụng”, nghĩa là để sẵn sàng làm việc ở một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể nào đó ngay sau khi ra trường. Các chương trình Đại học thiên về định hướng một nghề nghiệp cụ thể nào đó (chẳng hạn chương trình đào tạo kế toán, đào tạo về kỹ thuật xây dựng…) chắc chắn sẽ rất chú trọng yêu cầu này. Bạn phải nắm vững những kiến thức được trang bị, những kỹ năng nghiệp vụ được huấn luyện để có thể áp dụng vào một ngành nghề cụ thể. Trong bối cảnh kinh tế – xã hội hiện nay của Việt Nam, yêu cầu đang được các doanh nghiệp đòi hỏi như là một tiêu chuẩn ưu tiên này phải được các trường Đại học lưu ý. Nếu bạn là Sinh viên của những ngành học có xu hướng thực hành thì yêu cầu “làm được công việc ngay sau khi ra trường” sẽ là một yêu cầu được ưu tiên. Bạn cần tập trung nhiều vào phần thực tập để có thể áp dụng được những gì đã học vào thực tế một cách hiệu quả. Sự thuần thục về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ là một đòi hỏi rất nghiêm túc để bạn thành công trong lĩnh vực đã chọn.

Tuy nhiên, Biết – Hiểu – Áp dụng chỉ nên xem là mức yêu cầu tối thiểu của học tập bậc Đại học. Những mức yêu cầu đó chưa phải là cao nhất theo đúng tinh thần Đại học. Câu hỏi lớn khiến các nhà giáo dục cũng như các Sinh viên bận tâm là liệu việc Biết – Hiểu – Áp dụng một số thứ vào thực tế có đủ để tạo ra những giá trị lâu dài, bền vững và đáng giá cho một Sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhất là khi mà bối cảnh xã hội thay đổi ngày càng nhanh, thậm chí đến mức khó lường. Nhiều kiến thức nhanh chóng lạc hậu, tốc độ làm mới kiến thức của nhân loại trong các lĩnh vực nghề nghiệp đang diễn ra chóng mặt. Vậy việc an tâm Biết – Hiểu – Áp dụng những gì đã học được ở Đại học có đủ “an toàn” đối với tương lai những người trẻ tuổi sau khi tốt nghiệp?

Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG. Đại học phải là một nơi giảng dạy, ươm mầm cho những công việc sáng tạo. Và những Sinh viên Đại học thực thụ luôn hướng đến những mục tiêu học tập cao hơn thế. Đó là học để Vận dụng học để Sáng tạo. Vận dụng và Sáng tạo là hai mức yêu cầu đòi hỏi Sinh viên phải tiếp cận kiến thức trong thái độ phản biện toàn diện, không dễ dàng chấp nhận những kết luận được sách vở và giảng viên cung cấp, mà luôn biết đặt các câu hỏi nghi vấn, tìm tòi những khía cạnh mới chưa được nói đến của vấn đề và tự săn lùng câu trả lời. Sinh viên chỉ có thể là một thành viên Đại học thực thụ nếu họ thấm nhuần triết lý này.

Để theo kịp cách học mà triết lý Đại học đòi hỏi, các Sinh viên trẻ tuổi phải sẵn sàng để vào vai những “đồng nghiệp trẻ” của giảng viên, thậm chí là các giảng viên còn được yêu cầu phải khích lệ Sinh viên để họ sớm vào vai đó. Họ sẽ phải học điều đầu tiên rất quan trọng ở bậc Đại học: “Muốn giỏi là phải biết tự giỏi”. Chẳng bao giờ có ai khuyên bạn nên quên thành ngữ dân gian đầy hàm ý “Không thầy đố mày làm nên”. Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà cứ ngồi yên đó trông chờ thầy cô đọc cho chép rồi làm theo những gì thầy cô yêu cầu, và chỉ làm chừng ấy thôi. Trong vai những “đồng nghiệp trẻ” của giảng viên, bạn cũng đừng vội nghĩ là mình phải luôn sẵn sàng tranh luận mọi lúc mọi nơi với giảng viên. Hãy nghĩ đơn giản hơn rằng khi cần thiết, bạn hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi nghi vấn, phát biểu quan điểm cá nhân, tìm kiếm các lý lẽ và kết luận cho một vấn đề nào đó, mà không nhất thiết phải tán thành quan điểm và lý lẽ của giảng viên và của người khác. Các vấn đề luôn cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ, không chỉ là chính đề mà cả các phản đề của nó, nghĩa là bạn phải sẵn sàng lật ngược lại vấn đề nhằm xem xét các khía cạnh khác nhau, thậm chí trái ngược nhau của cùng một vấn đề.

Những thói quen tốt mà Sinh viên Đại học thường có như đọc sách, ghi chép tư liệu, làm việc ở thư viện, chủ động trao đổi với bạn bè hay giảng viên, đặt câu hỏi, thuyết trình, tham gia đề tài nghiên cứu… chính là những biểu hiện của mức độ tiếp cận triết lý học tập theo tinh thần Đại học. Ghi chép máy móc, học thuộc lòng kiến thức, không đọc sách tham khảo, không tham gia tranh luận, thuyết trình… sẽ là những kịch bản tồi tệ khiến một Sinh viên không phát huy được năng lực bản thân trong môi trường Đại học.

Tinh thần Đại học khích lệ bạn đừng dễ dãi chấp nhận các lý lẽ và các kết luận có sẵn. Bạn nên sẵn sàng theo đuổi hành trình tìm kiếm, khám phá những lý lẽ và kết luận của chính bạn về vấn đề mà bạn được giới thiệu qua sách vở và bài giảng. Không kịp chuyển đổi nhận thức về việc học tập với tinh thần Đại học, bạn có thể sẽ đối mặt với tình trạng tồi tệ trong khoảng thời gian đầu có mặt ở trường Đại học – tình trạng “sốc Đại học”.

ĐỌC THỬ

Cú sốc mang tên “Đại học”

Lạ đời là không ít Sinh viên đến Đại học với niềm cảm hứng tuyệt vời lại là những người có thể bị “sốc Đại học”! Nhiều thứ đã không diễn ra như họ tưởng tượng, hoặc nhiều khi họ cảm thấy nhiều thứ ở trường Đại học có vẻ chống lại những thành tích vang dội và niềm kiêu hãnh rỡ ràng vào bản thân mà họ từng có trước đó. Họ có thể sẽ cảm thấy chới với, mất phương hướng và niềm tin vào bản thân vì bỗng dưng mọi thứ ở Đại học quá khác so với những gì họ vẫn hình dung. Thầy cô không cắt nghĩa quá nhiều các chi tiết bài giảng, mà lại yêu cầu họ tự đọc hàng chồng sách, tự trả lời vô số câu hỏi, rồi thậm chí là tự đánh giá kết quả của những việc mình làm. Họ cảm thấy như thể họ bị bỏ rơi. Không ít tân Sinh viên đã bị “sốc” thật sự!

“Sốc Đại học” trong nhóm Sinh viên mới có thể bộc lộ qua một số triệu chứng dễ nhận diện.

Triệu chứng thứ nhất là Sinh viên không làm chủ được kế hoạch thời gian, dù có vẻ thời khóa biểu của trường Đại học rất tự do chứ không theo kiểu “ngày hai buổi đến trường” như thời phổ thông. Nhiều Sinh viên không nhận thấy rằng ở trường Đại học, họ có quyền hạn rộng hơn trong việc tự quyết định thời gian biểu của chính mình. Việc điều chỉnh từ học theo niên chế sang tín chỉ đã trao quyền tự chủ cho Sinh viên nhiều hơn trên phương diện lập kế hoạch thời gian cho học tập. Song nhiều Sinh viên không định nghĩa đó là cơ hội mà xem đó là khủng hoảng, và họ cứ mãi loay hoay vì không tìm được cách để chủ động thích nghi – họ vẫn có xu hướng bị động, chạy theo khung thời gian áp đặt trước đây.

Triệu chứng thứ hai là Sinh viên cảm thấy nhiều môn “chẳng biết học để làm gì” và “thật vô bổ”, do đó không biết mình phải học những gì để được xem là giỏi. Họ mất hứng thú học tập vì thế. Nhiều người trong số này cuối cùng sẽ loay hoay với việc học để kiếm điểm, cố gắng “tròn vai” trong tình cảnh của một học trò chăm ngoan và không phát hiện ra bất cứ năng lực mới mẻ nào của bản thân, cũng như không thể tìm thấy động lực nào mới đủ mạnh mẽ để họ vươn xa trên hành trình học tập suốt đời sau này.

Triệu chứng thứ ba là Sinh viên “giấu nhẹm” tất cả những thắc mắc mà lẽ ra họ nên hỏi giảng viên hay bạn bè. Họ trở thành người “tự kỷ” theo cách nói của giới trẻ hiện nay. Nếu giảng viên không chủ động giảng giải, họ sẽ để mặc những câu hỏi quan trọng chìm vào lãng quên. Với cách đó, họ tự mình tháo lui khỏi nơi mà lẽ ra họ có quyền tự chủ để nói lên suy nghĩ, ý tưởng và đòi hỏi khám phá. Coi như họ đã chọn cách sống cô lập và tự giam mình trên hòn đảo giữa đại dương, trong khi lẽ ra họ có thừa cơ hội để giong buồm đi về phía những bến bờ tươi sáng.

Chia sẻ

“Sốc Đại học” và cách tự giảm sốc
Các tác giả Tom Burns và Sandra Sinfield (2008) đã thu thập được một số mối lo ngại phổ biến của các bạn tân Sinh viên như sau:
1. Bài vở nhiều quá! Tôi không chắc là mình có đủ thời gian để học.
• Tự giảm sốc: “Tôi nhận ra rằng tôi vẫn có thể đủ thời gian học nếu như tôi biết sắp xếp thời khóa biểu sinh hoạt của mình một cách hợp lý hơn, thậm chí vẫn có thời gian giải trí và dành cho gia đình”. Bạn có thể tìm hiểu về kinh nghiệm sắp xếp thời gian ở những chương sau của cuốn sách này hoặc hỏi các anh chị học giỏi của những khóa trước. Tất cả các trường Đại học và Cao đẳng hiện nay đều có Trung tâm hỗ trợ Sinh viên, bên cạnh đó còn có Hội Sinh viên và Đoàn Thanh niên, với nhiều hoạt động chia sẻ khó khăn và truyền kinh nghiệm học cho các bạn tân Sinh viên. Hãy chủ động tìm đến họ.
2. Dù sao thì rõ ràng là tôi sẽ phải hy sinh bớt thời gian giải trí và dành cho gia đình, bạn bè cũng như những mối quan tâm bên ngoài xã hội. Liệu đây có phải là sự đánh đổi quá lớn?
• Tự giảm sốc: “Tôi nhận ra rằng tất cả các anh chị khóa trước đều phải chấp nhận rút bớt thời gian riêng để dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Họ bảo rằng việc gì cũng vậy, muốn có nhiều khả năng gặt hái thành công thì phải dám mạnh dạn đầu tư. Hãy nghĩ đến mục tiêu của mình khi vào Đại học và mạnh dạn đầu tư… thời gian và tâm trí cho việc học. Chỉ vài năm thôi mà!”.
3. Hồi học Trung học, thầy cô đốc thúc tôi học thông qua các bài kiểm tra đầu giờ, kiểm tra 15 phút, kiểm tra một tiết trước khi tới kiểm tra cuối kỳ. Còn ở đây, chẳng có ai “giật dây” tôi kiểu đó cả. Tôi không chắc mình có ôn luyện được hết cho kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ không?
• Tự giảm sốc: “Tôi thấy các anh chị khóa trên hay học nhóm với nhau trong suốt học kỳ để tự kiểm tra bài vở lẫn nhau. Có lẽ tôi sẽ làm theo cách này”. Bạn hãy rủ các bạn thân trong lớp học nhóm với nhau, kiểm tra bài lẫn nhau thay vì chờ đợi thầy cô kiểm tra bạn.
4. Trí nhớ của tôi làm sao chứa hết hàng tá sách vở như thế này?
• Tự giảm sốc: “Tôi lại lầm lẫn giữa học Trung học và học Đại học rồi! Thầy cô ở Đại học không chấm bài theo kiểu thuộc lòng đâu. Quan trọng là phải hiểu bài và chỉ cần trả lời theo cách mình hiểu”.
5. Muốn đọc và hiểu bài thì phải được yên tĩnh, mà ở nhà thì không được yên quá 15 phút!
• Tự giảm sốc: “Sao mình không vào thư viện học và làm bài tập nhỉ? Ở đó yên tĩnh, quy định mà, lại còn có thể mượn sách tham khảo nữa”. Một số trường còn trang bị máy vi tính kết nối internet để Sinh viên tra cứu. Một số trường khác còn có phòng tự học, phòng học nhóm cho Sinh viên nữa.
Nào, nếu bạn cũng gặp những mối lo này, hãy viết chúng ra, nói to lên hoặc chia sẻ với bạn bè, những người đi trước. Bạn sẽ thấy chúng không trầm trọng lắm đâu. Đừng để nhiễm bệnh “tự kỷ Đại học” từ những người quá bi quan nhé.

Rồi còn gì nữa? Hãy đọc những phần tiếp theo của cuốn sách này, nó cũng sẽ giúp bạn giảm sốc đấy.

Trên thực tế, “sốc Đại học” trong nhóm Sinh viên mới còn thể hiện ở tình trạng thất vọng quá mức trước “thực tế phũ phàng” của giảng đường Đại học: giờ học không vui, giảng viên không thân thiện, điều kiện giảng đường không hoàn hảo… Những thực tế ấy có thể khá phổ biến ở nhiều trường Đại học. Khó lòng mà không thất vọng trong hoàn cảnh bạn phải trải nghiệm những điều kiện học tập không như mong muốn này.

Hậu quả của tình trạng “sốc Đại học” này là không ít Sinh viên rơi vào tình trạng “vong thân”, tức là đánh mất bản thân mình trong môi trường mới. Sự đánh mất này có thể bắt đầu từ việc đánh mất cảm hứng, rồi dần dần đánh mất luôn những thói quen tốt trong cuộc sống, trong học hành. Cảm hứng thường giúp chúng ta khởi đầu. Thói quen tốt thường giúp chúng ta về đích. Đánh mất hai thứ đó, chúng ta có thể sẽ đánh mất điều quan trọng hơn là mất cơ hội vượt lên, mất cơ hội về đích. Loay hoay chuyển trường, chuyển ngành, loay hoay với câu hỏi “đi học hay không đi học”, lúng túng với cố gắng vượt qua bản thân mình… nhiều Sinh viên dần dần tụt lại phía sau, thậm chí là bỏ cuộc.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button