Kỹ năng mềm

Bí Mật Của Cảm Hứng Và Say Mê

Bi-mat-cua-cam-hung-va-say-me1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Mette Norgaard

Download sách Bí Mật Của Cảm Hứng Và Say Mê ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Khi giao tiếp với các nhà lãnh đạo, tôi nhận thấy có bốn mẫu người ta thường gặp trong cuộc sống, mẫu người đầu tiên là những chuyên gia có hoài bão, tài năng, làm việc hăng say và thận trọng. Mẫu người thứ hai: những người nắm rõ các biện pháp, quy luật, thói quen, và trình tự để đạt đến thành công. Mẫu người thứ ba: những người luôn tự thúc đẩy bản thân trở thành nhà quản lý, nhà lãnh đạo, người bạn đời, người mẹ, người cha tốt, người có sức khỏe và yêu thích thể thao. Ba mẫu người trên chính là cơ sở hình thành mẫu người thứ tư: những người sống vội vàng, gấp gáp, ít chịu suy ngẫm và sống với phần tuệ giác trong con người mình.

Từ những liên hệ với thực tế cuộc sống, cuốn sách này sẽ gợi mở cho bạn những lựa chọn khôn ngoan và đúng đắn, giúp bạn phát huy năng lực của bản thân tốt hơn nữa trong môi trường công sở.

Đến với Bí mật của Cảm hứng và Say mê, bạn sẽ bắt gặp ở đó chất vui tươi, dí dỏm xen lẫn chất trầm lắng, suy tư. Thay vì nghiên cứu những triết lý khô khan, khó hiểu, chúng ta sẽ bước vào thế giới cổ tích hồn nhiên, trẻ thơ với những hình ảnh thú vị, từ vịt con xấu xí đến con quỷ giống như thần lùn giữ của trong cửa hàng tạp hóa, từ con chim họa mi với tiếng hót du dương đến con bọ hung kiêu căng, ngạo mạn… Nói cách khác, chúng ta sẽ dùng truyện cổ tích để khám phá những điều bí ẩn cất giấu trong cuộc sống.

Sinh ra và lớn lên trên xứ sở Đan Mạch, truyện cổ Andersen đã trở thành một phần không thể thiếu đối với tuổi thơ tôi. Tôi vẫn còn nhớ mỗi buổi tối, sau khi lũ trẻ chúng tôi được tắm rửa sạch sẽ và chuẩn bị đi ngủ, cha thường lấy cuốn truyện cổ Andersen ra khỏi kệ sách và đọc cho chúng tôi nghe. Hồi đó, hai câu chuyện tôi thích nhất là Nàng công chúa Hạt đậu và Chàng chăn lợn, còn những câu chuyện khác thường làm tôi buồn bã, hoảng sợ, tinh thần xao động. Chỉ khi đã trưởng thành, tôi mới bắt đầu hiểu rõ giá trị và ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong những câu chuyện ấy. Nếu trước đó, tôi từng rơi nước mắt vì cảm thương cho cái chết của nàng tiên cá, thì giờ đây, tôi hiểu được thế nào là sự bất tử của tình yêu dâng hiến. Nếu trước đó, tôi cứ nghĩ hành vi của Claus nhỏ(Claus nhỏ và Claus lớn) là gian trá và xấu xa, thì giờ đây, tôi lại nhận ra anh chàng bé nhỏ này khôn lanh, mưu mẹo hơn cả tên bạo chúa. Tôi khám phá ra những gì mà mỗi người Đan Mạch đều hiểu rõ, rằng truyện cổ tích Andersen không chỉ dành cho trẻ thơ.

Qua thời gian, tôi thật sự say mê những sáng tác của nhà văn này. Đặc biệt, khi đi vào nghiên cứu truyện cổ Andersen, tôi mới hiểu tại sao trên đời lại có nhiều mô-típ nhân vật như ông miêu tả. Nhân vật chính diện của Andersen chân thực, đáng tin và giống nhau ở mọi thời đại.

Ngược lại, nhân vật phản diện luôn là những kẻ ác, hẹp hòi, tự phụ, kiêu căng. Thông qua đó, tác giả muốn nhắn gửi đến chúng ta rằng hãy sống an vui trong từng phút giây hiện tại vàphát triển tính cách của mẫu người màta mong muốn hình thành.

Thời niên thiếu, Andersen thường ngồi lắng nghe các cụ bà kể chuyện dân gian trong phòng se sợi, quay tơ. Về sau, chính những câu chuyện ấy đã truyền cảm hứng cho các truyện ngắn đầu tay của Andersen. Những tác phẩm hay nhất, đẹp nhất, có nhiều tình tiết phức tạp nhất là những tác phẩm có sự đan kết giữa chất thông thái từ truyện ngụ ngôn dân gian với sự trải nghiệm và tưởng tượng của riêng nhà văn.

Do không quen với cách viết uyên thâm của Andersen nên nhiều người đã xếp ông – một nhà văn chuyên viết cho trẻ em vào thời đại nữ hoàng Victoria – vào kiểu nhà văn có tính cách kỳ dị. Và như thế, vô hình trung họ đã tự tước bỏ sự hiểu biết sâu sắc và tính hóm hỉnh thông minh của ông. Hy vọng rằng bản dịch mới của tôi cùng với phần bàn luận trong sách sẽ đưa lại cho các bạn một cái nhìn mới mẻ về thế giới nghệ thuật truyện cổ Andersen cũng như về cuộc sống.

Cuốn sách này được chia thành sáu chương, mỗi chương chứa một câu chuyện cổ tích kinh điển của Andersen. Quý độc giả có thể đọc theo trình tự, hoặc có thể bắt đầu bằng câu chuyện mà mình cảm thấy thú vị nhất.

Ba trong sáu câu chuyện có tính chất khuyên răn (Bộ quần áo mới của Hoàng đế, Chú bọ hung, Cây thông) cho thấy những hệ lụy từ việc quan tâm một cách thái quá đến hình thức, lời khen ngợi, danh tiếng. Ba câu chuyện còn lại tạo nguồn cảm hứng kích thích sự hiểu biết và cảm xúc (Vịt con xấu xí, Con quỷ ở tiệm tạp hóa, Chim họa mi). Những câu chuyện này nêu lên vấn đề có liên quan đến niềm mơ ước, sự thăng bằng trong cuộc sống và tinh thông trong nghề nghiệp. Nhóm thứ nhất dựa vào thực tiễn và đòi hỏi phải có sự trải nghiệm; nhóm thứ hai nặng về duy lý và liên quan đến phần người bên trong. Thông qua những câu chuyện ấy, nhà văn muốn gửi đến độc giả thông điệp rằng, đừng bao giờ để mình bị lôi cuốn vào những việc làm thiếu suy nghĩ và không nên sống một cách vị kỉ, cực đoan.

Tính thực tiễn và lý tưởng sẽ đưa lại kết quả tốt nhất khi chúng bổ sung cho nhau. Sự kết hợp giữa tinh thần lãng mạn và duy lý sẽ giúp cho đời sống con người thú vị hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ngày nay, những kỳ vọng của người khác vào ta đang có khuynh hướng áp đảo mọi ước muốn sâu sắc của ta. Thậm chí, nhiều người đã phải gạt bỏ những mong ước cá nhân, xem đó là điều phi thực tế và cảm thấy có trách nhiệm về các mục tiêu của đoàn thể hơn là chịu trách nhiệm về năng lực riêng của mình. Nếu bạn cũng đang rơi vào tình trạng như thế thì đến lúc bạn cần mang một chút khôn ngoan, một chút thông minh vào công việc của mình.

Đến với cuốn sách này, bạn có thể chọn cho mình cách đọc thư thái, chậm rãi thưởng thức từng trang. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chọn cách liên tưởng, suy ngẫm đối với những vấn đề được đề cập trong truyện. Nhân đây, tôi cũng muốn nói rằng, những điều bạn đúc kết từ các câu chuyện đôi lúc khác với tôi, nhưng bạn đừng lấy đó làm ngạc nhiên và thắc mắc đúng, sai. Tùy thuộc vào những trải nghiệm khác nhau, những hoàn cảnh sống khác nhau mà cái nhìn của chúng ta về con người, về cuộc sống cũng có phần khác nhau.

Niềm đam mê của tôi là được giúp mọi người tự tin, nhạy bén hơn trong công việc, và xem công sở là nơi thể hiện năng lực tốt nhất của mình.

Hãy mang thế giới truyện cổ tích Andersen vào công sở cùng bạn. Bạn không cần kẹp sách dưới nách, đi hết hành lang này sang hành lang khác kể lại câu chuyện vịt con xấu xí, hay bọ hung kiêu căng. Đơn giản, bạn chỉ cần để những câu chuyện này truyền cảm hứng, giúp bạn vượt lên áp lực của cuộc sống, có thêm nhiều niềm vui, nhiều động lực để sáng tạo và nâng cao chất lượng đời sống công sở.

– Mette Norgaard

ĐỌC THỬ

BỘ QUẦN ÁO MỚI CỦA HOÀNG ĐẾ

Công việc giúp cuộc sống của chúng ta thêm năng động, nhưng nó cũng có thể giết chết chúng ta.

VỀ VĂN BẢN TÁC PHẨM

“Ngày xưa, có một vị hoàng đế thích quần áo đẹp đến nỗi ngài sẵn sàng chi không tiếc tay cho việc ăn mặc”. Với cách mở đầu này, tác phẩm cuốn hút người đọc vào một thế giới phù hoa nhưng không kém phần xuẩn ngốc của các nhân vật trong truyện.

Khi viết Bộ quần áo mới của Hoàng đế, Andersen không nhằm phê phán việc trau chuốt vẻ bề ngoài mà điều ông công kích chính là lối sống giả dối, màu mè, thái độ kiêu căng của những kẻ luôn tỏ vẻ ta đây. Tác phẩm được xuất bản năm 1837, nằm trong cuốn truyện cổ tích thứ ba của Andersen, cùng với truyện Nàng tiên cá.

Trước đó, khi hai cuốn truyện cổ tích đầu tiên của Andersen ra đời, chúng đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Đến quyển thứ ba, trong lời giới thiệu, tác giả viết: “Người ta cho rằng truyện cổ tích là thể loại chẳng có gì đặc sắc và khuyên tôi đừng theo đuổi nó. Nhưng một nhà thơ luôn nghèo khổ trên đất nước của mình. Do đó, sự nổi tiếng là con chim vàng mà anh ta phải đuổi bắt! Thời gian sẽ chứng minh tôi có bắt được con chim vàng đó hay không”.

Thật vậy, thời gian đã chứng minh, không chỉ sáng tạo ra một thể loại văn học mới, Andersen còn tạo ra một phong cách mới, đem lại cho văn chương Đan Mạch những tác phẩm bất hủ.

Bộ quần áo mới của Hoàng đế lấy cảm hứng từ tác phẩm của một nhà văn Tây Ban Nha – Infante Don Juan Manuel thế kỷ thứ XIV, trích trong tuyển tập truyện cổ tích El Conde Lucanor (xuất bản năm 1335). Tuyển tập này gồm rất nhiều truyện thú vị được viết dựa trên những câu chuyện của người Do Thái và Ai Cập cổ.

Vào thời Trung cổ, vận mệnh của con người được quyết định bởi nguồn gốc và dòng dõi chứ không phải bởi đức hạnh hay phẩm chất. Do đó, người ta kể lại rằng, những kẻ lừa đảo đã lợi dụng, đưa ra một “tấm vải ảo” và cho rằng người nào không nhìn thấy tấm vải đó thì không hề nghĩ đến cha mình. Họ sẽ bị xem là đứa con ngoài giá thú và sẽ bị tước hết tên tuổi, địa vị, cả quyền thừa kế.

Nhà vua rất ủng hộ quy định này, bởi khi ai đó bị xem là con hoang thì tất cả tài sản của họ sẽ bị tịch thu và sung vào công quỹ của hoàng gia. Nhưng ngược lại, ngài cũng vô cùng lo lắng khi thay vì nhận được của cải từ trên trời rơi xuống, ngài có thể mất ngai vàng một cách dễ dàng do không thấy tấm vải, có nghĩa là ngài không phải là người thừa kế hợp pháp của vương quốc.

Cuối cùng, một người châu Phi hoặc không biết, hoặc không quan tâm về dòng dõi cha mình, đã nói cho vua biết ngài hoàn toàn trần truồng. Ngay khi nhà vua nhận ra sự ngu xuẩn của mình, mọi người đổ xô tìm bắt những kẻ lừa đảo, nhưng chúng đã cao chạy xa bay.

Lấy cảm hứng từ tích truyện cổ này, Andersen đã viết lên Bộ quần áo mới của Hoàng đế với một giọng điệu và hơi hướng riêng của thời đại.

BỘ QUẦN ÁO MỚI CỦA HOÀNG ĐẾ

Ngày xưa, có một vị hoàng đế thích quần áo đẹp đến nỗi ngài sẵn sàng chi không tiếc tay cho việc ăn mặc. Vị hoàng đếấy chẳng ngó ngàng gì đến việc triều chính, cũng chẳng màng đến những thú vui khác. Mỗi giờ, ngài lại thay một bộ quần áo mới. Người ta thường nói “Hoàng đế đang lâm triều”, nhưng đối với vị vua này thì phải nói là: “Hoàng đế đang trong tủ áo”.

Kinh thành nơi đức vua sinh sống rất nguy nga, tráng lệ. Ngày nào cũng có đông đảo du khách ghé qua. Một ngày kia, hai kẻ lạ mặt xuất hiện. Chúng tự xưng là thợ dệt, có thể dệt ra một thứ vải tuyệt đẹp. Quần áo được may bằng thứ vải đó có đặc tính kỳ lạ là người nào không làm tròn bổn phận hoặc ngu xuẩn thì không thể nhìn thấy nó, dù đứng rất gần.

“Đó sẽ là bộ quần áo tuyệt vời!”, Hoàng đế thầm nghĩ, “Mặc nó, ta sẽ biết được trong đám quần thần của ta, kẻ nào không làm tròn bổn phận. Ta sẽ phân biệt được đâu là người tài giỏi và đâu là kẻ ngốc nghếch! Đúng vậy, ta cần có bộ quần áo như vậy ngay lập tức!”. Vị vua ban thưởng cho hai tên thợ dệt rất nhiều vàng bạc, châu báu và yêu cầu chúng bắt tay ngay vào công việc.

Chúng bày ra hai khung cửi rồi ngồi vào ra vẻ như đang dệt vải, nhưng tuyệt nhiên chẳng có bất cứ thứ gì trên khung cửi. Chúng đòi bằng được loại tơ đẹp nhất, thứ vàng quý nhất. Có được rồi, chúng nhét tất cả vào túi riêng và giả vờ làm việc bên khung cửi cho đến tận khuya.

Đức vua nóng lòng muốn biết công việc của hai tên thợ dệt đến đâu, nhưng khi nhớ đến đặc tính kỳ lạ của tấm vải, tự nhiên ngài đâm ngại. Ngài bèn phái thừa tướng đến xem trước. “Ông ta có thể đánh giá chính xác tấm vải trông như thế nào vì ông là người thông minh và không ai đảm đương chức vụ giỏi hơn ông ta!”, Đức vua thầm nghĩ.

Vị thừa tướng ngây thơ được cử đến gian phòng lớn – nơi hai tên thợdệt đang làm việc.

“Lạy Chúa!”, lão giương to đôi mắt, tự nhủ, “Ta chẳng thấy gì cả!”. Nhưng may mà lão kìm lại được, không thốt thành lời.

Hai kẻ lừa đảo mời vị quan đến gần, chỉ vào khung cửi trống không và hỏi xem ngài thấy hoa văn, màu sắc trên tấm vải có đẹp hay không. Lão thừa tướng đáng thương cứ giương to cặp mắt mà không thấy gì. Lão thầm nghĩ: “Trời ơi, chẳng lẽ ta lại là một kẻ xuẩn ngốc? Hay ta không có năng lực đảm đương chức vụ của mình? Không! Tốt nhất ta không nên thú nhận là ta chẳng thấy tấm vải đó!”.

– À, ngài không có nhận xét gì sao? – Một trong hai tên thợ dệt lên tiếng hỏi.

– Ồ, nó đẹp lắm, đường nét rất tinh tế! – Lão thừa tướng vội trả lời, vờ ngắm nghía qua cặp kính. – Hoa văn và màu sắc mới đẹp làm sao! Đúng vậy, ta sẽ về tâu với Đức vua là ta rất hài lòng!

– Chúng tôi rất vui khi nghe ngài nói thế! – Hai tên trả lời rồi huyên thuyên mô tả đủ loại màu sắc và hoa văn có trên đời được dệt trên tấm vải.

Lão thừa tướng lắng nghe như nuốt từng lời để còn về thuật lại cho Hoàng đế.

Lợi dụng cơ hội, hai tên thợ dệt lại xin thêm tiền, vàng, tơ sợi để chi phí vào việc dệt vải. Sau đó, chúng vờ tiếp tục say sưa làm việc bên khung cửi. Chẳng bao lâu sau, nhà vua lại cử một viên đại thần khác đến xem vải được dệt như thế nào, và khi nào thì xong. Giống như vị thừa tướng, viên đại thần ngắm nghía, nhưng ông ta cũng chẳng thấy gì ngoài khung cửi trống không.

– Thưa, tấm vải đẹp không ạ? – Hai tên thợ chỉ vào tấm vải, giải thích từng đường chỉ, từng hoa văn rằng nó mềm mại như thế nào và tinh tế ra sao.

“Ta có ngu dốt đâu!”, viên đại thần hoang mang nghĩ, “Như vậy chắc ta không có năng lực xử lý công việc rồi. Nhưng dù sao cũng không nên để lộ điều này”. Nghĩ vậy, hắn bèn hết lời ca tụng tấm vải trong tưởng tượng và quả quyết rằng rất thích màu sắc cùng những hoa văn trên đó. Trở về gặp Hoàng đế, viên quan kính cẩn tâu:

– Muôn tâu bệ hạ, quả thật không gì sánh bằng!

Khắp kinh thành xôn xao bàn tán về tấm vải diệu kỳ.

Không dằn lòng được, Đức vua muốn đích thân đến ngắm tấm vải khi nó vẫn còn trên khung cửi. Cùng với đoàn tùy tùng và các cận thần được tuyển chọn, trong đó có cả quan thừa tướng và viên đại thần, ngài đến thăm hai kẻ mạo danh quỷ quyệt đang ra vẻ mải mê dệt với tốc độ khẩn trương mà không có sợi chỉ nào trên khung.

– Tấm vải thật tuyệt phải không ạ? – Hai đại quan ngây thơ lên tiếng. – Bệ hạ nhìn xem này, hoa văn và màu sắc… tất cả đều lộng lẫy làm sao! – Họ chỉ vào khung cửi rỗng và tưởng tượng như mọi người đều nhìn thấy.

“Quái, thế là thế nào? Ta chẳng thấy gì cả!”, Hoàng đế kinh ngạc, thầm nghĩ, “Chẳng lẽ ta lại là một vị vua ngu xuẩn ư? Hay ta không có tài đức để làm bậc minh quân? Nếu đúng như vậy thì thật khủng khiếp!”.

Nhưng rất nhanh, nhà vua đáp:

– Ồ, đẹp! Đẹp lắm! Thật là chuẩn mực!

Rồi ngài gật gù ra vẻ hài lòng, ngắm nghía khung cửi mà không dám thú nhận sự thật. Cả đoàn tùy tùng xúm lại xem, dù chẳng thấy gì nhưng họ vẫn xuýt xoa, phụ họa: “Ồ, thật là tuyệt!”. Đám nịnh thần khuyên nhà vua nên mặc bộ quần áo mới được may bằng thứ vải lộng lẫy này trong ngày lễ rước thần sắp tới. “Thật xuất sắc! Thật tuyệt vời! Thật lộng lẫy!”, những lời tán dương như thế được truyền từ miệng người này sang người khác. Ai cũng ra vẻ cực kỳ hài lòng. Nhà vua liền ban cho hai tên thợ dệt danh hiệu “Hiệp sĩ dệt vải”.

Suốt đêm, trước ngày lễ rước thần, người ta thấy hai tên thợ dệt lăng xăng cắt may, khâu đính để hoàn tất bộ quần áo mới cho nhà vua. Họ vờ đỡ tấm vải ra khỏi khung cửi, dùng kéo lớn cắt vào không khí, khâu bằng những cây kim không xỏ chỉ… Cuối cùng, họ tuyên bố:

– Nhìn này, bộ quần áo đã may xong!

Hoàng đế cùng các quan đại thần đến, ai cũng có vẻ mặt oai nghiêm, cung cách chững chạc. Hai tên lừa bịp vờ giơ tay lên không như đang nâng đỡ bộ quần áo, kính cẩn nghiêng mình tâu:

– Muôn tâu bệ hạ, đây là quần ống túm. Đây là áo. Còn đây là chiếc áo choàng! Bộ quần áo này nhẹ như tơ! Bệ hạ mặc vào sẽ có cảm giác như không có gì trên người, nhưng đó cũng là một trong những đặc tính quý giá của tấm vải!

– Đúng đấy ạ! – Các đại quan cùng xướng họa, tuy họ chẳng thấy gì, mà thật ra cũng chẳng có gì để thấy.

– Muôn tâu Hoàng thượng, cúi xin ngài cởi quần áo và đứng trước gương lớn để chúng thần mặc quần áo mới cho ngài!

Hoàng đế cởi hết long bào, hai kẻ lừa đảo làm bộ như mặc từng cái cho ngài, rồi vòng tay quanh thân ngài như đang thắt đai lưng. Hoàng đế xoay người ngắm nghía trước gương.

– Hoàng thượng vạn tuế! Bộ quần áo mới vừa vặn với bệ hạ làm sao! Nó rất hợp với bệ hạ! – Bọn nịnh thần đồng thanh tâu lớn. – Hoa văn thật tinh tế, màu sắc thật tuyệt vời! Đúng là bộ quần áo quý giá!

– Muôn tâu bệ hạ, long tán đã đến. Các đại thần đang chờ Hoàng thượng bên ngoài để cùng đi rước thần. – Quan trưởng lễ báo tin.

– Ta đã sẵn sàng! – Đức vua đáp.

Trước khi đi ra, ngài không quên hỏi lại:

– Các khanh xem nó có vừa với ta không?

Đoạn, ngài xoay thêm một vòng trước gương, như thể đang ngắm một bộ quần áo lộng lẫy.

Các quan thị vệ khom người, với tay sát đất, làm như đang nâng đuôi áo choàng, rồi vừa đi vừa đỡ vật vô hình đó lên, chẳng để lộ cho ai biết là mình không nhìn thấy gì!

Hoàng đế bước đi trong buổi lễ, dưới long tán lộng lẫy. Thần dân đứng dọc hai bên đường, bên bậu cửa sổ, trầm trồ khen ngợi:

– Hoàng thượng vạn tuế! Bộ quần áo mới thật lộng lẫy! Nhìn đuôi áo choàng kìa, mới đẹp làm sao! Bệ hạ mặc vừa vặn quá!

Không ai tỏ vẻ mình không nhìn thấy gì. Họ sợ bị người khác xem là bất tài, ngu xuẩn. Chưa có bộ quần áo mới nào của nhà vua được mọi người tán tụng nhiều đến vậy. Nhưng rồi, từ một góc nào đó, một đứa bé thốt lên:

– Nhìn kìa, đức vua trần truồng!

Đám đông im bặt. Sau đó, bắt đầu có những tiếng xầm xì nhỏ to:

– Hoàng thượng không mặc gì hết! Có một thằng bé nói như vậy!

“Hoàng thượng không mặc gì hết! Hoàng thượng không mặc gì hết!…”, lời bàn tán mỗi lúc một lớn.

Hoàng đế chợt rùng mình, choáng váng vì ngài thấy hình như họ nói đúng. Nhưng ngài nghĩ: “Ta phải tiến hành cho xong nghi thức của buổi lễ đã”. Vì vậy, nhà vua tiếp tục rảo bước, khuôn mặt thậm chí càng cố lộ vẻ tự hào. Đám tùy tùng theo sau không biểu lộ một chút cảm xúc, tay vẫn nâng đuôi chiếc áo choàng tưởng tượng.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Mặt trái của sự hòa nhập

Có thể thấy, vấn đề lớn nhất mà câu chuyện Bộ quần áo mới của Hoàng đế chuyển tải đó là: Thay vì tin tưởng vào phán đoán của bản thân, người ta lại chạy theo những lời ngon ngọt, phỉnh nịnh của kẻ khác. Bên cạnh đó, vì hèn nhát, sợ hãi mà nhiều người đã không dám lên tiếng phát biểu suy nghĩ của mình.

Trong cả hai trường hợp, cách khắc phục duy nhất là phải mạnh dạn và thẳng thắn đối diện với sự thật, can đảm nói lên suy nghĩ của bản thân. Tất nhiên, nói thì có vẻ đơn giản, nhưng thực hiện được nó không phải chuyện dễ. Bản chất con người về mặt di truyền học luôn được gia cố để tránh bị loại ra khỏi cộng đồng. Để tồn tại, từ xưa, người ta đã biết liên kết với nhau, tương trợ lẫn nhau. Khi một người nào đó bị tẩy chay, cũng có nghĩa anh ta bị tước bỏ nhân thân và cuộc sống. Muốn tránh bi kịch ấy, người ta cần có quan hệ đồng sự, cộng tác, hòa nhập với nhau. Đó cũng là lẽ tự nhiên.

Sống hòa nhập trong một nhóm, một tập đoàn hay trong một nền văn hóa nào đó nghĩa là phải tuân thủ mọi quy tắc, luật lệ và quan điểm chung. Ngay từ thời niên thiếu, chúng ta không ai lại muốn mình bị tách biệt với mọi người. Hãy thử lắng nghe tâm sự của một đứa trẻ bị bạn bè tách khỏi nhóm chơi, hoặc để ý sự hờn dỗi của cậu thiếu niên khi không được bạn bè mời đến dự tiệc, bạn sẽ thấy đó là những cảm xúc ít nhiều mình từng trải qua. Điều này cũng tương tự cảm giác nhói lòng khi bạn bị gạt ra rìa một cuộc họp quan trọng vậy.

Gần đây, qua nghiên cứu bằng phương pháp chụp cắt lớp não, các nhà khoa học nhận thấy, tổn thương do cảm giác bị loại trừ cũng nghiêm trọng như nỗi đau thể xác. Một thí nghiệm được thực hiện như sau: Người ta cho ba đối tượng tham gia tung bóng ảo cho nhau trong trò chơi điện tử (một người chơi thật và hai người chơi ảo ). Sau ít phút, chỉ có hai người chơi ảo tung bóng cho nhau. Khi đối tượng thật nhận ra mình bị loại khỏi cuộc chơi, chụp cắt lớp não cho thấy một số vùng trong bộ não bị hoạt hóa. Nó thật sự bị tổn thương!

Để tránh bị tổn thương, mỗi người cần phải thích nghi và hòa nhập với cộng đồng mình. Điều này tùy thuộc sự hiểu biết sâu sắc của mỗi người, nền văn hóa họ đang sống, tính thích nghi với các quy luật đề ra và cách thức cân bằng cuộc sống. Trong khi các chuẩn mực xã hội luôn biến đổi thì hai mô hình cơ bản vẫn tồn tại, đó là: một số nền văn hóa đẩy mạnh nhu cầu hợp tác, phát triển quan hệ bền vững; một số khác lại nhấn mạnh nhu cầu thâu tóm, cạnh tranh để đạt thành tích cao nhất.

Văn hóa truyền thống có khuynh hướng ủng hộ quan hệ cộng đồng hơn là thành tích cá nhân. Người Nhật từng có câu ngạn ngữ nổi tiếng “Bất cứ cây đinh nào nhô lên sẽ nhanh chóng bị búa đập xuống”, có lẽ cũng xuất phát từ khuynh hướng trên.

Ở quê tôi – Bắc Đan Mạch, sự tôn kính không mua được bằng tiền, mà nó có được nhờ bản tính chính trực, lòng trung thành, và những việc bạn làm. Thái độ khiêm tốn, nhã nhặn được chúng tôi xem là đức hạnh. Tinh thần đoàn kết cộng đồng được chúng tôi rất đề cao.

Nhưng, khi đến Los Angeles làm việc, tôi nhận thấy những khác biệt rất lớn. Nền văn hóa hiện đại ở các đô thị có khuynh hướng ủng hộ các cá nhân vượt trội. Các mối quan hệ dường như bị xem là tạm thời, mức thu nhập mới là điều khiến người ta quan tâm. Việc chạy đua với mức thu nhập đang thống lĩnh cuộc sống hiện đại. Ngày nay, để không bị mặc cảm là người lạc loài, khác với cộng đồng của mình, người ta cố sắm cho mình đầy đủ mọi phương tiện vật chất (truyền hình, điện thoại, máy vi tính, thẻ tín dụng…); mua các mặt hàng công nghệ cao; tổ chức những kỳ nghỉ sang trọng v.v.

Không có gì sai trái khi chúng ta áp dụng nhiều biện pháp để sống hòa nhập với mọi người. Tuy nhiên, điều đáng nói là để có được điều đó, không ít người đã bất chấp mọi cách thức, sẵn sàng hành xử trái với lương tâm. Khi một người nào đó quá đề cao lợi ích cá nhân, họ sẽ trở nên thực dụng, luôn tìm mọi cách để đạt mục đích. Các mối quan hệ lúc này sẽ bị biến thành phương tiện, thành bàn đạp để họ vươn đến mục tiêu. Vì muốn lấy lòng kẻ mạnh, họ sẵn sàng nịnh nọt, khúm núm, xun xoe, bợ đỡ. Đây chính là mặt trái của vấn đề. Lúc này, việc tìm kiếm sự hòa nhập sẽ trở thành xuẩn ngốc, lố bịch.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thường là do sợ hãi, hoặc muốn tránh rủi ro. Khó khăn về tài chính cũng khiến nhiều người tự ti. Nợ nần hoặc khó khăn trong công việc đặt họ vào tư thế luôn luôn phòng thủ. Trước uy lực của kẻ mạnh, họ im lặng xuôi theo và bỏ qua quan điểm của mình. Điều này cũng tương tự các nhân vật trong truyện, dù chẳng kẻ nào nhìn thấy bộ quần áo mới của hoàng đế, nhưng nỗi lo bị loại trừ khiến họ dối lừa nhau, dối lừa bản thân.

Trong môi trường công sở, bạn sẽ thường xuyên phải đối phó với tình trạng bị công kích. Nếu bạn lên tiếng: “Tôi thấy chiến lược mới chẳng có gì là hay, chẳng thể hứa hẹn một kết quả tốt đẹp”; nếu bạn không vỗ tay tán thưởng cách sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, trong khi mọi người hưởng ứng nhiệt tình… liệu bạn có dám chắc mình sẽ không bị quy chụp là kẻ không đủ năng lực, không đảm nhiệm tốt vai trò hay không? Ghét những kẻ trái với mình – đó là tâm lý chung thường thấy ở con người. Bởi vậy, nhiều người đã chọn giải pháp an toàn là luôn nói những lời lẽ thích hợp với đám đông, ngay cả khi suy nghĩ của mình hoàn toàn trái ngược.

Thỏa hiệp là lựa chọn của không ít người khi cho rằng, thủ trưởng và những người có địa vị cao hơn khống chế sự nghiệp của họ. Họ tin rằng nếu tuân theo các quy định cấp trên đề ra, họ sẽ được khen thưởng và tiến thân. Dần dần, họ tự đánh mất tiếng nói cá nhân, tính năng động và sáng tạo trong công việc.

Phục tùng cấp trên một cách thái quá, đây là một trong những điểm yếu nhiều người mắc phải. Vì sợ suy nghĩ của mình khác với cấp trên, sợ cấp trên trù dập, sợ sự nghiệp sẽ bị chấm dứt… họ đã chọn cách im lặng và tuân thủ mọi nguyên tắc của người quản lý, mặc cho đó là những nguyên tắc hết sức vô lý.

“Nợ nần đục khoét lòng can đảm”, đó là câu nói nổi tiếng của Pam Walsh – người hướng dẫn chọn nghề cho lứa tuổi trung niên. Quả vậy, chỉ khi nào ta dám đối diện với nỗi sợ và biết cách đối phó với nó, ta mới có khả năng chịu đựng được “áp lực của đám đông”, đồng thời trở nên mạnh mẽ, quyết đoán hơn.

Những chiếc mặt nạ

“Không ai tỏ vẻ mình không nhìn thấy gì.

Họ sợ bị người khác xem là bất tài, ngu xuẩn.”

Mỗi người chỉ có một khuôn mặt thật cho mình. Nhưng phủ ngoài khuôn mặt thật ấy có thể là những tấm mặt nạ khác nhau. Điều này cũng tương tự vai diễn của các nhân vật trong truyện. Họ che đậy rất thành công sự thật để nói những điều người khác mong chờ.

Đóng nhiều vai khác nhau đôi lúc khiến cuộc sống thêm thú vị. Nhưng, nếu cứ núp mình trong những vai diễn ấy từ ngày này sang ngày khác, bạn sẽ trở nên nhập vai. Nguy hại hơn, nó sẽ trở nên thao túng, nắm quyền kiểm soát bạn, khiến bạn tự đánh mất con người thật của mình.

Một trong những người bạn của tôi kể lại, có lần cô ấy nói chuyện với một vị phó giám đốc từng làm cùng tập đoàn, ông ta nói rằng, ông cảm thấy tổn thương khi không còn được mời tham dự những sự kiện mà trước đây ông vẫn có mặt. Vốn tính bộc trực, cô bạn tôi đáp: “Tại sao phải tổn thương? Trước đây, người ta không mời ông, họ chỉ mời chức vụ của ông mà thôi”.

Thật vậy, nhầm lẫn giữa bản chất với chức vụ đang nắm giữ và vai trò đang thể hiện là điều thường gặp ở nhiều người. Đằng sau những vai ta sắm là cái bản ngã cùng những suy nghĩ, cảm xúc, cách chọn lựa của riêng ta. Khi “cái tôi” cá nhân càng mạnh mẽ, ta càng trở nên tự chủ, có những quyết định đúng đắn và tuân thủ kỷ luật tốt hơn. Thí dụ, trong một cuộc họp, mọi người – từ ban lãnh đạo đến các nhân viên – đều say sưa ca ngợi một cuốn sách mới nào đó, chỉ có bạn là thấy cuốn sách ấy chẳng có gì hay ho, hấp dẫn cả. Nhưng, liệu bạn có dám đứng lên nói ra suy nghĩ của mình, hay chỉ im lặng, nhất trí với số đông? Đây cũng là một trong những ý nghĩa câu chuyện muốn hướng đến. Từ vị thừa tướng đến quan cận thần, nhất lượt đều chọn sự an toàn thay cho lòng trung thực. Họ không còn đảm nhiệm tốt vai trò của mình: những cận thần đáng tin cậy của Hoàng đế.

Kiềm chế “cái tôi”

“Mỗi giờ, ngài lại thay một bộ quần áo mới.”

Nhân vật Hoàng đế trong câu chuyện là một thí dụ tiêu biểu. Vì cực kỳ thích quần áo đẹp nên ngài sẵn sàng tiêu pha không tiếc tay cho việc ăn diện. Đây là một trong những dấu hiệu của “cái tôi” không biết kiềm chế. Và, kịch tính hơn, trước lời xì xầm bàn tán của thần dân, ngài vẫn điềm nhiên bước đi trong bộ quần áo tưởng tượng. Thậm chí còn ngẩng cao đầu, ngạo nghễ và tự đắc.

Là nhà lãnh đạo, một trong những yêu cầu quan trọng nhất đó là biết kiềm chế bản thân. Các vị vua ngày xưa cần đến quan can gián cũng là vì vậy. Và chẳng nói đâu xa, bạn có thể bắt gặp trong cuộc sống hiện tại rất nhiều nhà tư vấn, những trợ lý đáng tin cậy. Họ là những người biết lắng nghe, luôn khuyến khích quan điểm cá nhân, đặc biệt là những ý kiến trái ngược nhau. Thông qua đó, họ nắm bắt được tâm lý, thế mạnh và những ý tưởng độc đáo của cấp dưới, từ đó thúc đẩy sự nghiệp phát triển mạnh hơn.

Còn đối với chúng ta, dù là một nhân viên bình thường chăng nữa, chúng ta cũng rất cần những lời góp ý thẳng thắn, chân thành của bạn bè, cấp trên, hoặc người thân. Tất nhiên, không phải lúc nào ta cũng phải răm rắp làm theo những lời khuyên ấy. Điều đáng nói là những lời góp ý của họ giúp ta biết tự nhìn nhận lại mình, biết phân biệt lẽ đúng – sai.

Gần đây, khi có dịp về sống với gia đình chồng ở Tây Ban Nha, trong một ngôi làng nhỏ trên núi, tôi có dịp được tham dự nhiều đêm lễ hội ăn uống, nhảy múa hết sức sôi động. Trong cuộc trò chuyện với người anh chồng, tôi có nói một câu: “Lúc này em rất bận rộn với quyển sách đang viết”. Anh ấy trả lời với vẻ thờ ơ: “Cô lúc nào mà chẳng bận rộn!”. Quả thực, câu nói của anh ấy khiến tôi không vui, thâm tâm tôi tự nhủ có lẽ mọi người cho rằng mình đang bị “Mỹ hóa” trong cách làm việc cũng như cách sống. Nếu trước đó, tôi từng phớt lờ những lời trách móc tương tự, thì lúc này, câu nói ấy khiến tôi day dứt. Tôi tự hỏi, liệu công việc của mình có đang trở thành nỗi ám ảnh thay vì đam mê không? Rằng, tôi có đang vô tình thay thế một kế hoạch nghỉ ngơi sôi nổi bằng một dự án kế tiếp không? Hay tôi có biểu hiện tự đề cao công việc của mình? Tôi vẫn còn đang cân nhắc, suy tính về những điều đó.

Sự kiêu căng, tự phụ của bạn biểu hiện như thế nào? Điều gì làm bạn cảm thấy mình quyến rũ, thông minh, hay quan trọng? Đó có phải là vì bạn được sếp tin cẩn, phó thác nhiều việc lớn? Hay bạn đang kiếm được nhiều tiền, hoặc trông rất trẻ trung? Nếu đúng như thế, bạn đang có hệ lụy gì? Công việc kinh doanh giúp cuộc sống của bạn thêm năng động hay đang dồn bạn vào những ngõ cụt không lối thoát? Những câu hỏi ấy sẽ giúp bạn nhận thức sâu sắc hơn về năng lực bản thân, từ đó, biết mình thích hợp với điều gì. Quan trọng hơn, nó giúp bạn tránh được những chọn lựa ngớ ngẩn không đáng có.

Đối mặt với thực tế

“Nhưng rồi, từ một góc nào đó, một đứa bé thốt lên:

– Nhìn kìa, đức vua trần truồng!

Đám đông im bặt. Sau đó, bắt đầu có những tiếng xầm xì nhỏ to:

– Hoàng thượng không mặc gì hết! Có một thằng bé nói như vậy!”

Khi Andersen gửi bản thảo đầu tiên Bộ quần áo mới của Hoàng đế cho nhàxuất bản, cho đến kết truyện, ông vẫn để nhà vua sống trong ảo tưởng. Những dòng cuối của bản gốc là: “Chắc chắn ta phải mặc bộ quần áo này mỗi khi tham dự lễ rước thần hay xuất hiện trước bá quan văn võ! – Nhà vua tự nhủ” và “Cả kinh thành bàn tán xôn xao về bộ quần áo mới tuyệt vời”.

Với lối kết thúc này, cái tôi kiêu căng tiếp tục được vuốt ve, mọi người tiếp tục diễn vai của mình, rồi ai cũng vui vẻ. Tất cả đều bị lôi kéo, bị dối gạt và đánh mất chính kiến.

Nhưng rất may, trước khi tập truyện được in, Andersen đã thêm vào lời bình phẩm láu cá của đứa trẻ: “Nhìn kìa, đức vua trần truồng!”. Điều đó làm cho ý nghĩa tác phẩm bớt tính châm biếm cay độc, và mơ hồ hơn.

Vị Hoàng đế ấy sẽ lẩn tránh hay chấp nhận khi đối diện với thực tế? Trước đây, tôi thường nghĩ ngài sẽ phủnhận điều này, bởi vì văn bản viết: “Hoàng đế chợt rùng mình, choáng váng vì ngài thấy hình như họ nói đúng”. Chữ “hình như” làm tôi tin rằng ngài không dám đối mặt với sự việc. Ngược lại, cô bạn của tôi vốn là một nhà biên tập sách cho thiếu nhi, đồng thời cũng là người hâm mộ Andersen một cách cuồng nhiệt, lại cho rằng cách kết thúc ấy mở ra hy vọng. Cô tin vị Hoàng đế trong giây phút bị bẽ mặt ấy sẽ ngộ ra, song, tinh thần trách nhiệm trong ngài còn lớn hơn. Nhận ra sự thật là mình trần truồng nhưng ngài vẫn ngẩng cao đầu, thẳng lưng tiến bước cho đến khi buổi lễ rước thần kết thúc.

Bên cạnh đó, điều khiến tôi chú ý ở đây là câu nói của đứa trẻ: “Nhìn kìa, đức vua trần truồng!”. Tự thân câu nói đã rõ ràng, và người ta nhanh chóng đồng ý. Nếu thay vào đó bằng lời phán xét: “Hoàng đế là người ngu xuẩn”, chắc chắn sự thú vị sẽ giảm đi rất nhiều. Chính cái vẻ hồn nhiên, trong sáng của câu nói đã phá bỏ toàn bộ tấm màn ngụy biện, giả dối người lớn đang cố thêu dệt nên. Mỗi người sẽ tự rút ra được những ý nghĩa cho mình.

Thật vậy, đối diện với vấn đề là một chuyện, nhưng khéo léo xử lý vấn đề như thế nào lại là chuyện khác. Một nhà lãnh đạo, hay một nhân viên có năng lực, tính tình thẳng thắn, tinh tế trong giao tiếp là vốn quý của công ty. Làm việc trong một tập thể, không nhất thiết cứ phải “điểm mặt chỉ tên” mới là cách hay. Trước lỗi lầm của ai đó, đôi khi chỉ cần một lời nhắc khéo, hay một lời động viên cũng đủ giúp họ nhận ra thiếu sót của mình và rút kinh nghiệm cho bản thân.

Thực tế, không ít người thay vì khéo léo nhắc nhở người khác, lại tìm cách bới móc, châm biếm khiến vấn đề thêm phức tạp và chẳng đem lại lợi ích gì. Mỗi lần có dịp ngồi lại với ban lãnh đạo để giải quyết khúc mắc trong công việc, chúng tôi thường đi vào phân tích cụ thể tình hình thực tế để biết vấn đề của mình nằm ở đâu. Sau đó, cùng nhau trao đổi thẳng thắn, làm rõ nguyên nhân gây ra tình trạng đó, phê bình và tự phê bình. Đó chính là hành trình tạo nên một tập thể vững mạnh. Nói cách khác, buông bỏ ảo tưởng về bản thân, về nhóm, tổ hay về công ty thì khó nhưng đó là một phần trong quá trình phát triển.

Kiểm soát lịch làm việc của bản thân

Cuối cùng, một trong những bài học chính của câu chuyện là chúng ta cần kiểm tra xem mình có kiểm soát được lịch làm việc của bản thân hay không. Khi nóng lòng hòa nhập vào một tập thể nào đó, cuộc sống của bạn sẽ phụ thuộc vào lịch làm việc của người khác. Điều này có thể thuận lợi trong giai đoạn ngắn, nhưng về lâu dài lại rất nguy hại.

Chẳng hạn, khi bạn luôn tìm cách đáp ứng mong chờ của người khác, một lúc nào đó, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, quá tải và vô nghĩa. Từ bỏ ước mơ của bản thân, chọn nghề theo đề nghị của người khác, học những kỹ năng mà họ yêu cầu, sửa đổi lịch làm việc cho phù hợp với nguyên tắc của họ… bạn sẽ được gì sau những nỗ lực ấy? Đáng nói hơn, khi mọi việc gãy đổ, không như mong muốn, bạn rất dễ rơi vào khủng hoảng và có cảm giác mình bị phản bội.

Tốt hơn hết, hãy chọn một công việc mình thật sự yêu thích để có thể phát huy tốt hơn nữa năng lực của bản thân. Bên cạnh đó, khi lịch làm việc không phù hợp, chúng ta cũng có thể sửa đổi lại bằng hai cách: hoặc dành thời gian lắng nghe tiếng nói từ tâm thức, hoặc tham gia vào những cuộc trò chuyện thẳng thắn để từ những áp lực bên ngoài, ta có thêm động lực làm việc hơn nữa. Hai phương cách này sẽ giúp ta luôn biết tự vấn bản thân rằng mình đang tuân thủ lịch làm việc của ai? Nếu đó là lịch làm việc của người khác, ta cần dừng lại và nhìn nhận cho thấu đáo. Khi lý trí và sở thích được cân bằng, khi ta dám nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi và bản ngã riêng của mình, ta sẽ trở nên miễn nhiễm với những lôi kéo không tốt.

Hy sinh những gì ta yêu quý để đổi lấy một tương lai không chắc chắn, nghĩa là ta đang đưa ra một quyết định sai lầm. Tốt nhất, ta cần giữ cho mình một tâm trí tỉnh táo, dành thời gian lên kế hoạch cho một tương lai không dễ gì tiên đoán, lưu tâm đến những niềm đam mê và tiềm năng của mình. Có như vậy, ta mới có được sự thỏa mãn và thành công trong công việc.

Bộ quần áo mới của Hoàng đế khiến người đọc có thể tủm tỉm cười bởi những khoảnh khắc ngớ ngẩn vẫn thường gặp đâu đây trong cuộc sống, thậm chí là ngay với chính bản thân ta. Khi viết tác phẩm này, chắc hẳn Andersen không nhằm phán xét, mà ông chỉ muốn người ta sống thành thật với nhau hơn. Câu chuyện cũng là một lời nhắn nhủ mỗi người nên sống trong thực tế, biết hưởng thụ niềm vui nhưng đừng biến mình thành kẻ xuẩn ngốc, ngớ ngẩn.

ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM

Bạn có đang trở nên ù lì trước một đống công việc nhàm chán, buồn tẻ hằng ngày nơi công sở hay không?

Làm thế nào để bạn có thể mạnh dạn nói ra những suy nghĩ của mình?

Đâu là lực cản khiến bạn chỉ biết nói những điều người khác mong chờ hoặc chọn cách im lặng?


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button